Nhà thơ Thạch Quỳ ở xứ Nghệ sẽ kể dần dần, về những chuyện mà ông đã trải nghiệm hay có hiểu biết. Hãy tham khảo như cách chúng ta tiếp nhận những câu chuyện về thần linh, về báo ân báo oán,...
Giao Blog chú ý nhiều hơn đến các câu chuyện do Thạch Quỳ kể từ nhiều năm trước, hồi còn ở blog bên Yahoo, khi bạn Nguyễn Trần Đăng ở xứ Nghệ đề cập đến đền Khai Long sứ quân. Đó là một ngôi đền đã bị hạ giải thời chống mê tín; các năm 2009-2010, chúng tôi tới khảo sát thì đã hoang tàn, may là mấy chục tấm sắc phong được cất giữ cẩn mật ở một nơi khác. Lúc đó, qua Đăng, thì biết rõ hơn về một bài thơ bác Thạch Quỳ viết có nhắc đến đền Khai Long. Mà ông nhắc đến với tâm sự của một nhà thơ, nên có điểm khác với suy nghĩ của các nhà khảo cứu chúng tôi.
Những câu chuyện mới do Thạch Quỳ đang kể, sẽ cập nhật dần dần theo bản lên bên Fb của ông.
Bắt đầu là bằng chuyện ông kể về thơ giáng bút. Sau là các bổ sung.
---
Tin vào những sự viển vông lừa mị thì gọi là mê tín. Tin vào sự thật thì không gọi là mê tín, đúng không ?
Năm 1968. Ông bố vợ đến gặp tôi và nói : Suốt đêm không ngủ được. Suốt ngày như có lửa đốt trong bụng. Không biết có chuyện gì xẩy ra. Trầm trọng lắm. Chẳng biết chuyện gì, chẳng biết hỏi ai, anh đưa tôi lên đền ta hỏi " Ngài" xem thế nào ?
Ông là đảng viên. Thuở ấy, đảng viên mà đi đền chùa, người ta biết thì sẽ bị phê bình hoặc sẽ bị kỷ luật nặng.
Chờ trời tối, tôi đèo xe đạp chở ông đi đến Điện Nhà Vi, tít tận trong một vùng núi, thuộc xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Đền thờ này đã bị phá từ lâu. Nay chỉ còn lại một nền đất, không thấy có người, nhưng vẫn còn nơi để thắp hương. Lần vào trong xóm khá xa, chúng tôi mời được ông từ coi điện ra điện để làm lễ.
Tôi nói : " Thưa ông, ông nhạc tôi tên ...họ... ở thôn...xã... huyện, tỉnh...hai ngày nay trong lòng như lửa đốt, không biết có chuyện gì đã xảy ra. Kính trình ông, xin ông trình lên Ngài, mong Ngài cho biết rõ sự việc để gia đình bớt phần lo lắng ạ ! Xin đa tạ Ngài, xin cám ơn ông" !
Sau một hồi khấn vái, ông từ ngồi xuống chiếc ghế đặt trên nền Điện và nói :
" Ta cho các con một bài thơ. Lấy giấy bút ra mà chép lấy" !
Lúc đó, tôi có mang theo cái bút, nhưng không có giấy. Tôi vội chạy ra chỗ thắp hương, lấy một tờ vàng mã để ghi chép. Khi thấy tôi vào, ông từ đọc cho tôi chép bài thơ 4 câu.
Bài thơ đó như thế này :
Khoa này ắt hẳn Khoa bay
Thân đâu đến thế, bệnh rày vùi xuân
Gia trung tự lự muôn phần
Thế nào cũng thế, ân cần cũng dư !
Không úp mở gì, bài thơ này khẳng định : Người nhà chúng tôi đã chết. Dù trăn trở thế nào cũng không thể cứu vãn lại được nữa.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là chữ " Khoa" ở trong bài thơ này.
Cậu em trai vợ tôi tên là Nguyễn Xuân Khoa. Cậu tốt nghiệp trường Đại học xây dựng, vừa được phân công công tác tai một Viện thiết kế ở Hà Nội. Cậu khỏe mạnh, bình thường, sinh viên tốt nghiệp mới vào nghề, chúng tôi không nhận được tin tức gì là cậu có ốm đau hay bệnh tật gì cả. Chẳng lẽ rủi ro bất thường nào đó đã rơi xuống đời cậu ?
Nhưng làm sao Ngài lại biết được cậu em vợ tôi tên là cậu Khoa ? Lòng hoang mang, chúng tôi không muốn tin vào nội dung bài thơ này.
Đa tạ Ngài, cám ơn ông từ, chúng tôi ra về.
Hai bố con lọ mọ về đến nhà thì trời cũng đã gần sáng.
Nằm chập chờn không ngủ được.
Một lúc sau, bỗng dưng đèn ô tô lóe lên ở ngoài cổng rồi quét ánh sáng sáng rực vào tận trong sân.
Người của Viện thiết kế ở Hà Nội đưa xe vào.
Họ bảo : Cậu Khoa bị đau nặng, cán bộ Viện thiết kế đưa xe vào mời gia đình ra để thăm cậu. Hỏi kỹ thì họ nói lả cậu chỉ ốm hơi nặng thôi, không nói là cậu đã mất.
Ông nhạc tôi thật thà, muốn giữ họ lại để làm cơm nước tử tế đãi khách, chuẩn bị mọi thứ, chờ trời sáng rồi hãy đi nhưng mấy người khách bảo là gia đình lên xe phải đi ngay.
Xe quay ra Hà Nội.
Cậu Khoa đã mất trước đó một ngày.
Cậu khỏe mạnh, chỉ bị cảm nhẹ, không rõ thế nào mà vào viện rồi bị mất sớm thế.
Chúng tôi có nghi ngờ có thể là do bệnh viện nhầm thuốc.
Nhưng nghĩ lại, ở Điện Nhà Vi các Ngài đã bảo " Thế nào cũng thế, ân cần cũng dư" nên gia đình chúng tôi cũng gậy phiền phức gì cho bệnh viện ngoài ấy nữa...
( Nếu bạn coi những chuyện tôi kể chỉ là chuyện thật, không liên quan gì đến mê tín dị đoan, thì hôm sau tôi kể tiếp hầu các bạn nhiều chuyện khác)
..
---
BỔ SUNG
2.
Đúng là tôi rất muốn trao đổi với các bạn một vài điều tâm đắc về Đạo của người Việt.
Nhưng tôi thấy khó.
Khó chỗ nào ?
Như hôm trước tôi đã gợi ý, Đạo không chỉ đề cập vấn đề trần thế mà là cả một quá trình, trần thế chỉ là một giai đoạn, thậm chí là một giai đoạn ngắn ngủi trong kiếp sống của con người mà thôi. Đạo thuộc về Tâm linh. Đạo là lý thuyết về sự tồn tại và biến hóa của linh hồn bất tử.
Nếu ai đó nói với các bạn về luật nhân quả hay thuyết luân hồi của Đạo Phật thì bạn sẽ tiếp thu như một sự đương nhiên không thắc mắc gì, kể cả việc con người sau khi chết thì linh hồn sẽ lên cõi Niết Bàn bạn cũng vui vẻ tiếp thu.
Hay như Đạo Thiên Chúa : A-Đam từ bụi đất, E-va từ xương sườn A-Đam mà sinh ra, vào đời, những ai sống trung thành với lời răn dạy của Chúa thì khi chết, linh hồn kẻ đó sẽ được lên thiên đường. Tất cả những thuyết lý như vậy, không phải chỉ những người theo Đạo mà các bạn cũng hoàn toàn vui vẻ chấp nhận, không thắc mắc gì.
Vì sao ?
Vì đó là Đạo. Vì đó là Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, những Đạo này các bạn đã quen thuộc từ lâu.
Bây giờ, cũng những vấn đề hoàn toàn tương tự như vậy, nếu tôi nói đến Đạo Thánh của người Việt tôi e là các bạn sẽ phản ứng. Thậm chí là phản ứng rất mạnh nữa là đằng khác ! Các bạn sẽ nói : Làm gì có chuyện con người chết rồi mà linh hồn vẫn tồn tai ? Làm gì lại có chuyện ma quỷ đầu thai, Thần Thánh đầu thai thành người ? Nói như vậy là mê tín dị đoan. Là tuyên truyền mê tín dị đoan ! vv...
Đôi khi tôi nghĩ : Đạo của người đến nước mình thì được, Đạo của mình thì lại chính người mình sẵn sàng phản ứng ! Tại sao lại như vậy ? Người Việt mình tự ti quá chăng ? Nghĩ rằng những thứ cao xa ấy thì người nước khác mới làm được, còn người mình sáng tạo ra thì ắt là chuyện nhảm nhí !
Trong lúc đó thì Đạo Thánh Việt Nam đưa ra các khái niệm " Căn" và " Kiếp" rất tuyệt vời, cách hành Đạo rất tuyệt vời, các Đạo khác khó lòng mà có được.
Đôi khi người Viêt chúng ta như vậy đấy.
Đừng trách nhà nước, đừng trách lãnh đạo.
Nước ta đã có những thời người đứng đầu nhà nước theo đạo. Vua Trần Nhân Tông theo Đạo Phật. Ông Ngô Đình Diệm và cả gia đình ông theo Đạo thiên Chúa. Nhưng dân ta, ai vô thần thì vẫn cứ vô thần chứ tại gì nhà nước đâu.
Thực lòng tôi rất muốn viết đôi điều về Đạo Thánh Việt Nam - Đạo Thánh của dân tộc.
Nhưng các Thánh Việt Nam ta rất linh thiêng.
Cầm bút e phạm thượng.
Chuyên Thánh Thần, nghĩ kĩ, quả là điều không dễ viết...
1.
Thường thì các bạn đi vãn cảnh chùa ( nơi thờ Phật), ít khi bạn đi vãn cảnh đền ( nơi thờ Thánh), bởi ở đền cũng không có nhiều cảnh sắc để thu hút người vãn cảnh.
Giả sử có lúc nào đó bạn muốn ghé thăm đền thờ Thánh Mẫu thì tôi nghĩ có đôi điều sau đây bạn nên tham khảo sơ qua.
Nghi thức thờ cúng ở trong đền thờ Thánh Mẫu là Hầu Thánh, gọi tắt là Hầu. Hầu có 2 dạng : Hầu mát ( còn gọi là Hầu bóng) và Hầu đồng. Khi bạn thấy ban nhạc cất lên các làn điệu hát chầu văn và có người đang biểu diễn những động tác múa cách điệu ở trước ban thờ cộng đồng đó là người ấy đang Hầu Thánh. Hầu bóng, hầu mát chứ không phải hầu đồng. Hầu bóng, hầu mát chỉ là thủ tục lễ nghi thờ cúng ở trong đền thờ Thánh Mẫu được người xưa truyền lại mà thôi. Không có gì bí hiểm ở đó cả. Còn việc Hầu đồng thì những người ghé thăm đền chẳng mấy khi gặp được, vì đó là việc hiếm hoi và cũng chỉ những người theo Đạo Mẫu thì mới biết. Hầu bóng, hầu mát chỉ là thủ tục, lễ nghi thờ cúng. Còn Hầu đồng thì khác. Hầu đồng là Hầu có Thánh giáng. Điều này thì chỉ có ông đồng bà đồng mới làm được, còn như các đệ tử thì chỉ có thể Hầu bóng, Hầu mát chứ không thể Hầu đồng.
Hầu mát là Hầu theo các Giá . Mỗi Giá thuộc về một vị Thánh.
Đạo Mẫu quan niệm con người có " Căn" và có " Kiếp". Con người trải qua nhiều " kiếp" rồi mới có " kiếp" hiện tại. Tất cả những " Kiếp" đã trải qua ấy đều xuất phát từ cùng một " Căn". Và cùng một " Căn" lại đang tồn tại rất nhiều " kiếp" người đang hiện diện trước mắt ta. Nếu Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa quan niệm hai tiếng con người như một sự đồng nhất thì Đạo Thánh của người Việt phân loại con người ra nhiều " Căn" và nhiều " kiếp". Người theo Đạo Mẫu nhìn vào thế giới con người xung quanh họ biết ngay là ai thuộc " Căn" nào, " Kiếp" nào. Người thuộc " Căn" nào thì có thể chất thế ấy, tính cách thế ấy, thậm chí là số phận thế ấy !
Do đó, các đệ tử cùng theo Đạo Mẫu nhưng mỗi nhóm người có một " Căn" Thánh khác nhau. Chẳng hạn, " Căn" Mẫu, " Căn quan lớn đệ tam", " Căn" quan lớn đề ngũ, " Căn ông Hoàng Bơ", "Căn" ông Hoàng Bảy, " Căn" ông Hoàng Mười, " Căn" Cô Chín...
Khi bạn vào thăm đền Thánh Mẫu, xem các Giá Hầu bạn hãy nghe hát, xem múa để biết là người ta đang Hầu vị Thánh nào, người Hầu Thánh đó thuộc " Căn" gì...vv... Rất khác nhau đấy, không phải Giá nào cũng như Giá nào đâu. Đạo Thánh Việt Nam rất sinh động, rất văn minh, văn hóa. Chẳng phải là Unetco đã công nhận lễ nghi thờ Mẫu trong Đạo thờ Thánh Mẫu của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới đó sao ?
Tôi ghi vài điều như thế hầu mong giúp bạn có thể dễ theo dỗi hơn các hình thức lễ nghi thờ cúng khi bạn ghé thăm đền.
Vài chuyện đơn sơ, đơn giản vậy.
Còn chỗ đặc sắc nhất, khác thường nhất, cũng là ưu việt nhất của Đạo Mẫu thì có lẽ chẳng bao giờ tôi dám đề cập đến...
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.