Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/04/2019

Giỗ tổ Hùng Vương trong thế kỉ 20 (bài của Kiều Mai Sơn)

Một ít hình ảnh về ngày giỗ tổ 2019.









Dưới là một bài mới lên của nhà báo Kiều Mai Sơn. Bài đưa lên ngày 14/4/2019.




---








Cùng chung tấm lòng Giỗ Tổ

Cập nhật: 09:15, Chủ Nhật, 14/04/2019
Tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng được duy trì từ nhiều thế hệ của cả dân tộc Việt Nam. Dù trải qua bao thăng trầm lịch sử song ở bất kỳ chế độ nào, người đứng đầu chính quyền đều chăm lo ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Các triều đại quân chủ Việt Nam khi quản lý Đền Hùng đã giao thẳng cho người dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái làm Giỗ Tổ vào ngày 10/3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữa lúc nước nhà đối mặt với ba thứ giặc - giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, vẫn tổ chức nghi thức trang trọng Giỗ Tổ Hùng Vương. Khi chiến tranh xảy ra, chính quyền Quốc gia Việt Nam đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại vẫn chăm lo ngày Giỗ Tổ.

Ngày Giỗ Tổ năm đầu độc lập

Báo Cứu Quốc, số 214, ra ngày 13/4/1946 viết về “Ngày Giỗ Tổ tại đền Hùng” như sau:
“Mồng 10/3 âm lịch: ngày giỗ Tổ. Ngày giỗ Tổ năm nay trong toàn cõi Việt Nam tỉnh nào cũng làm lễ rất long trọng, và phần nhiều theo một nghi thức mới. Tại đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi có lăng tẩm của ngài, ngày hội cũng khác mọi năm nhiều”.
Đó là những gian hàng của các đảng phái và tổ chức được dựng lên: Gian hàng bày sách báo và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng triển lãm tranh ảnh chiến tranh và chống nạn mù chữ. Hội Phụ nữ Cứu quốc thì có hàng quà kiến quốc. Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức quán chống chiến tranh… Các khẩu hiệu “Việt Nam thống nhất”, “Tổ quốc muôn năm”, “Sẵn sàng tuân mệnh lệnh Hồ Chủ tịch” treo khắp các ngả đường từ chân núi tới đỉnh núi.
Ngày mồng 9/3 âm lịch, đoàn đại biểu Quốc hội và Chính phủ đã lên tới đền Hùng gồm có cụ Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Nguyễn Văn Tố - Chủ tịch Ban Thường vụ Quốc hội và ông Nguyễn Xiển - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ.
09-53-18_nh_3_-_huynh_thuc_khng_nguyen_xien_1946
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố và ông Nguyễn Xiển tại Phú Thọ (1946) - Tư liệu Khải Mông
Thay mặt Quốc hội, cụ Nguyễn Văn Tố đã lên diễn đàn nói về ý nghĩa ngày Giỗ Tổ trong năm đầu chính quyền độc lập, tự do. Cụ Chủ tịch Quốc hội đã hô hào dân chúng đoàn kết thống nhất.
Ông Nguyễn Xiển hô hào nhân dân toàn tỉnh Phú Thọ tham gia việc sửa chữa đê điều, nhất là quãng đê ở Lâm Thao, Hà Kỳ yêu cầu phải có sự nỗ lực cả Chính phủ mới có thể ngăn được sức nước đe dọa.
Về sau, trong hồi ký của mình, GS Nguyễn Xiển cho biết: Việc sửa chữa và đắp đê trong toàn miền Bắc được hoàn thành đúng kế hoạch, đúng kỳ hạn. Đây là một thắng lợi quan trọng đã nâng cao uy tín và ảnh hưởng của chính quyền nhân dân trong buổi đầu cách mạng. Vì thế, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác Hồ sang Pháp đàm phán, thể theo yêu cầu của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, đã về tận nơi dự lễ khánh thành đê Lâm Thao - Hạc Trì (Phú Thọ) và đê Đông Lao (Hà Đông). Cùng với nhiều đơn vị, cá nhân khác có công lao, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ cũng được chính cụ Huỳnh Thúc Kháng ký tặng Bằng khen của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về thành tích lãnh đạo và chỉ đạo công tác sửa và đắp đê.
Quay trở lại với Lễ hội đền Hùng năm 1946 tuy không đông bằng những năm thời bình nhưng những hoạt động mới của Chính phủ và Quốc hội tại đây đã làm cho nao nức lòng người về dự.
Chính hội, sáng mồng 10/3, đại diện Chính phủ và Quốc hội đã tham gia lễ rước và lễ tế Quốc tổ Hùng Vương. Phóng viên báo Cứu quốc mô tả “trước bàn thờ Tổ quốc trên đỉnh núi cao, bốn bề cây cối âm u từ đền trung lên đền thượng, cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Chủ tịch Thường trực Quốc hội và ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ làm bồi tế”.
Đặc biệt, cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ đã dâng bức bản đồ Việt Nam thống nhất Bắc - Trung - Nam và lá cờ đỏ sao vàng lên ban thờ Tổ quốc thể hiện ý chí bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Việc làm này đã “làm cho mọi người tràn ngập một ý nghĩ thiêng liêng về đất nước và có lẽ ai nấy trong lòng cùng thề nguyền: quyết giữ vững non sông và bảo vệ ngọn cờ”.

Quốc gia Việt Nam tổ chức Giỗ Tổ

Qua các tài liệu lưu trữ tại Phông Sở Thông tin tuyên truyền Bắc Việt, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Quốc gia (Bộ Nội vụ) cho ta thấy không khí của lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tổ chức tại Hà Nội trong hai năm 1949 - 1950 được cử hành rất long trọng và nghiêm trang. Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ giúp thế hệ trẻ thập niên 1950 mà đến nay vẫn giúp thế hệ trẻ đương thời hiểu hơn về truyền thống của cha ông và hướng về cội nguồn dân tộc.
09-53-18_gio_to_hung_vuong_1950
09-53-18_gio_to_hung_vuong_1949
Hoạt động ngày Giỗ Tổ Hùng Vương của Chính phủ Quốc gia Việt Nam (1949 - 1950)
Tư liệu lưu trữ cho chúng ta biết: Ngày 7/4/1949 diễn ra lễ kỷ niệm Đức Hùng Vương được tổ chức ở Nhà Hát lớn Hà Nội. Đây là ngày cả nước hướng về cội nguồn, về thế hệ cha ông đã khai sinh ra nước Việt Nam, vì vậy ngoài các vị quan chức cấp cao đến dự còn có sự góp mặt của “học sinh, thanh niên và dân chúng”. Để buổi lễ thêm phần trang trọng “Thủ tướng, các vị trong Chính phủ và các người chấp sự đều mặc quốc phục”.
Sang năm 1950, ngày 26/4, lễ tưởng niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức như một đại lễ: “Đuốc lửa thiêng được châm từ Bình Phúc về thị xã Phú Thọ qua Sơn Tây, Hà Đông về Hà Nội đúng 6 giờ chiều qua Cầu Mới, Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học - PV), dinh Thủ hiến, đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ - PV), lên Biệt Điện vòng đường Quán Thánh về Hàng Gạo, Hàng Giấy, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông, Tràng Thi, Tràng Tiền tới Nhà Hát Lớn”.
Thời gian cử hành đại lễ diễn ra cả sáng và chiều. “Buổi sáng: Đại hội học sinh tại sân vận động Việt Nam đường Hàng Đẫy, dưới quyền chủ tọa của ông Thủ hiến Bắc Việt...”, với các nghi lễ “chào cờ, hát bài Giỗ Tổ Hùng Vương; chúc từ của học sinh; hát bài Khỏe vì nước; học sinh trường Mỹ nghệ trình bày một bài thể dục… (…). Buổi chiều: Cuộc tiếp đón Lửa Thiêng tại Nhà Hát Lớn thành phố dưới quyền chủ toạ của ông Thủ hiến Bắc Việt (…); tập hợp các giới tới tham dự ngày Giỗ Tổ, Đuốc tới - Khai mạc cuộc lễ; chào cờ; âm nhạc; mặc niệm; nhận lửa thiêng và đốt lửa trước bàn thờ Tổ quốc; văn tế; diễn văn của ông Thủ hiến Bắc Việt; diễn văn của các giới; lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Thanh niên; Lời thề của dân tộc...”.
Ngoài ra, tại hồ sơ 2303, Phông Phủ Thủ hiến Trung Việt đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cũng cho biết “về việc tổ chức lễ kỷ niệm Hùng Vương năm 1950 - 1951”.
Năm 1950, cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam vẫn luôn ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày 20/4/1950, Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã thông qua Thông tư 1665 VP về việc “Nghỉ lễ Hùng Vương” với nội dung: “Nhân dịp nghỉ lễ Hùng Vương các công sở và trường học thuộc Quốc gia Việt Nam được nghỉ thứ Tư 26/4/1950 (Dương lịch). Trong ngày ấy, các công sở phải treo cờ, cắt phiên trực các nhân viên công nhật sẽ được lương như thường lệ”. Đối chiếu với âm lịch, ngày 26/4/1950 (dương lịch) chính là ngày mùng 10/3. Vậy là, ngày Giỗ tổ Hùng Vương vẫn được Chính phủ Quốc gia Việt Nam, do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu, công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức.
Trước đó, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL - CTN, có tiếp ký của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, cho phép công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
09-53-18_nh_1_-_gio_to_hung_vuong_1946
09-53-18_nh_2-_gio_to_1946
Sắc lệnh số 22/SL – CTN của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (1946) - Tư liệu Trung tâm LTQG 3
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo; được sự nhất trí của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành sắc lệnh này gồm 3 điều:
Điều 1: các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa và sẽ cử nhân viên để phụ trách công việc thường trực”; điều 2: trong ngày nghỉ lễ “những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” và điều 3: do được áp dụng trên toàn quốc nên “Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch các Ủy ban hành chính Bắc, Trung, Nam Kỳ phụ trách thi hành sắc lệnh này”.
Kèm theo bảng liệt kê các ngày mà người lao động được nghỉ làm việc, trong đó, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10/3 âm lịch, thuộc nhóm những ngày kỷ niệm lịch sử, người lao động được nghỉ 1 ngày.
Ngày nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức với nghi thức của ngày Quốc lễ, với không khí tôn nghiêm, trở thành ngày hội của nhân dân ta khắp từ Bắc tới Nam và cả đồng bào ta ở nước ngoài cũng hướng về Đất Tổ.
Năm 1963, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Ðền Hùng là di tích văn hóa đặc biệt cấp quốc gia. Năm 2000, Bộ Chính trị ra chỉ thị về tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi thức quốc gia. Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định về nghi thức Nhà nước tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch) vào các năm tròn, chẵn 5 năm một lần. Các năm khác do tỉnh tổ chức.

Khải Mông

https://nongnghiep.vn/cung-chung-tam-long-gio-to-post240059.html?fbclid=IwAR1LhmwvC3sWguf2eZOXJ4T5TDcyczw6teB9D7M7dXyW1rFiOsmLE4CxVow
.

---




BỔ SUNG



2.

Lễ hội Đền Hùng 2019: Tỉnh Phú Thọ vận động mỗi gia đình làm một 'mâm cơm tri ân'

(VTC News) - Dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 năm nay, tỉnh Phú Thọ vận động mỗi gia đình làm một "mâm cơm tri ân" để tưởng nhớ, tri ân công đức các vua Hùng.

Video: Hàng nghìn cảnh sát, công an thiết lập 3 vòng bảo vệ tại Lễ hội Đền Hùng
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 diễn ra trong 3 ngày từ 8-10/3 âm lịch (tức 12-14/4 dương lịch). Nét nổi bật tại lễ hội năm nay là phương châm xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội. Theo đó, hầu hết các nhiệm vụ trong lễ hội được giao cho các sở, nghành, đơn vị, UBND huyện, thành, thị.
Vào khoảng 6h30 ngày 10/3 (tức 14/4), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tham gia lễ dâng hương tại Đền Thượng. Chương trình buổi lễ được truyền hình trực tiếp và phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Phú Thọ.
Song song với hoạt động dâng hương, tỉnh Phú Thọ cũng có chủ trương vận động mỗi gia đình làm một "mâm cơm tri ân" vào thời điểm Chủ lễ đọc Chúc văn trên Đền Thượng.
Mâm cơm tri ân do gia đình tự chuẩn bị, đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc 
Le hoi Den Hung 2019: Tinh Phu Tho van dong moi gia dinh lam mot 'mam com tri an' hinh anh 1
Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 8-10/3 âm lịch.
Theo đó, việc thực hiện “mâm cơm tri ân" tạo thành hiệu ứng xã hội nhằm tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.
Bà Đào Thị Tuyết Thanh - Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Đây là năm đầu tỉnh Phú Thọ tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện “Mâm cơm tri ân" công đức các Vua Hùng với hình thức tự nguyện. Do vậy, Ủy ban MTTQ tỉnh xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ gia đình trong tỉnh hưởng ứng.
Mâm cỗ được chuẩn bị chu đáo, thiết thực, kỹ lưỡng mang ý nghĩa tri ân chứ chưa đặt thành vấn đề bắt buộc phải có những vật phẩm gì. Để đáp ứng những yêu cầu đó, các Ban Mặt trận ở khu dân cư cùng với các thành viên trong khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở tích cực tuyên truyền về ý nghĩa của việc làm này trong nhân dân”.
Bà Nguyễn Thị Yến ở khu 2, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao đề xuất: “Theo tôi, vật phẩm cúng tế các Vua Hùng, bên cạnh xôi oản, hoa quả, rượu, gạo, muối, thịt gà, thịt lợn thì nên khuyến khích nhân dân sắp thêm món bánh chưng, bánh giầy và quả dưa hấu lên mâm cỗ tri ân này”.
Nhiều điểm mới tại Lễ hội Đền Hùng năm 2019
Lễ hội Đền Hùng 2019 sẽ diễn ra từ 8/3-10/3 âm lịch, theo ban tổ chức thì lễ hội năm nay sẽ có nhiều nét mới thu hút du khách thập phương về với cội nguồn.
 
 
Ảnh: Biển người chen chân dưới nắng nóng ở Lễ hội Đền Hùng trước ngày chính hội
Dưới cái nắng nóng oi bức đầu hè, dòng người vẫn ùn ùn đổ về Lễ hội Đền Hùng khiến 2km lên Đền Thượng ùn tắc nghiêm trọng.
.
https://vtc.vn/le-hoi-den-hung-2019-tinh-phu-tho-van-dong-moi-gia-dinh-lam-mot-mam-com-tri-an-d469166.html?fbclid=IwAR0RORg9zWBqFmYjRUrVJ7fJv-fWMctJciwEEpgeuZ6cwCSW26JMK45IYt8



1.


Chồng đưa vợ bại liệt từ Cần Thơ ra Đền Hùng dâng hương: ‘Giờ chết chúng tôi cũng mãn nguyện rồi’


(VTC News) - Sau bao ngày, vợ chồng ông Diện ở Cần Thơ cũng thỏa niềm mong ước dâng hương các Vua Hùng đúng ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch.

Hôm nay (mùng 10/3 Âm lịch), hàng triệu du khách thập phương đã đổ về khu di tích Đền Hùng để dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Trong đoàn người tập nập ấy, nhiều người đặc biệt chú ý tới hai vợ chồng ông Trang Quốc Diện (59 tuổi, trú TP Cần Thơ).
Mất 2 ngày 2 đêm để đi xe khách từ Cần Thơ ra Đền Hùng, đến nơi, vợ chồng ông Diện không giấu nổi niềm hạnh phúc vô bờ bến khi thực hiện được mong mỏi bấy lâu.

Chong dua vo bai liet tu Can Tho ra Den Hung dang huong: ‘Gio chet chung toi cung man nguyen roi’ hinh anh 1
 Ông Diện đẩy xe chở vợ đi tham quan lễ hội.

Chứng kiến cảnh ông Diện vã mồ hôi bồng bế người vợ bại liệt, một chủ quán tốt bụng ngụ cư gần Đền Hùng đã đồng ý cho vợ chồng ông mượn chiếc xe đẩy hàng.
Ông Diện kể, ở Cần Thơ, ông làm ruộng, còn vợ chạy xe lăn khắp các phố phường bán vé số dạo. Hai vợ chồng ông đã lấy nhau gần 40 năm và không có con cái.
Điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa bao giờ hai vợ chồng tổ chức đi du lịch xa. Ông bảo, chuyến đi 2 ngày 2 đêm lặn lội từ Cần Thơ ra Phú Thọ chẳng khác nào hành trình lịch sử. Chi phí cho toàn bộ chuyến đi khoảng 3 triệu đồng.

“Chúng tôi mơ ước một lần đặt chân đến đây để dâng hương lên các Vua Hùng. Dù vất vả nhưng sau này chúng tôi có chết cũng cảm thấy mãn nguyện”, ông Diện chia sẻ.

Chong dua vo bai liet tu Can Tho ra Den Hung dang huong: ‘Gio chet chung toi cung man nguyen roi’ hinh anh 2
 Ngày hôm nay sẽ là một ngày hạnh phúc khó quên với vợ chồng ông Diện. 

Bà Dung (vợ ông Diện) tâm sự, bà bị bại liệt từ năm lên 4 tuổi. Khi đó, bà bị trúng gió và gia đình cũng chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Cuộc sống của bà gặp không ít khó khăn vì việc đi lại không được như người bình thường.
Tuy nhiên, với sự lạc quan yêu đời trong cuộc sống, bà đã chiếm được tình cảm của ông Trang Quốc Diện.
“Tôi yêu vợ tôi bởi tính tình hòa nhã và hòa đồng với mọi người xung quanh. Gia đình tôi hồi đó cũng không cấm cản chuyện tôi đến với bà ấy”, ông Diện chia sẻ.
Hơn 5.000 người tham gia bảo vệ an ninh Lễ hội Đền Hùng
Hơn 5.000 người thuộc các lực lượng công an, quân đội và tình nguyện viên tham gia đảm bảo an ninh trong 3 ngày diễn ra Lễ hội Đền Hùng từ 8 -10/3 âm lịch.
Video: Hàng ngàn người vạ vật ngủ qua đêm ở ngoài trời chờ khai mạc giỗ Tổ
Đêm 13/4, hàng ngàn người trong đó có trẻ nhỏ vạ vật ngủ ngoài trời ngay trung tâm Đền Hùng (Phú Thọ) để chờ dự lễ khai mạc giỗ Tổ vào sáng sớm hôm sau.

.

https://vtc.vn/chong-dua-vo-bai-liet-tu-can-tho-ra-den-hung-dang-huong-gio-chet-chung-toi-cung-man-nguyen-roi-d469234.html


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.