Một cái tên không xa lạ, nhưng cũng không thật thân quen, với ngành dân tộc học Việt Nam.
Bà đã đến Việt Nam từ thập niên 1960, học hỏi và giao lưu với nhóm các nhà dân tộc học mở đường của Việt Nam: Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn, Mạc Đường,...
Gần đây, khi viết về Lã Văn Lô ở thời kì đầu tiên 1954-1968 (đã đăng nhanh ở đây và ở đây), tôi chưa có điều kiện nhắc đến bà. Lúc đó, chỉ mới nhắc đến những lần Lã Văn Lô viết thư tay cho các nhà dân tộc học Xô-viết để nhờ hướng dẫn cho một kế hoạch xây dựng ngành dân tộc học Việt Nam.
Cũng gần đây, khi viết về hệ thống Tứ Phủ của người Dao (đã đi nhanh ở đây), tôi có nhắc đến một nghiên cứu của bà.
Dưới là bài của hai bác Võ Xuân Quế và Bùi Việt Hoa. Bác Bùi Việt Hoa là một trong những chuyên gia về sử thi Phần Lan.
Chép nguyên về từ Văn hóa Nghệ An. Bài có một số lỗi mo-rát (ví dụ nói cô Antonina Leskinen mất vào năm 2019, trong khi, bài viết vào tháng 10 năm 2018). Nhưng tạm giữ nguyên xi.
---
Đối với nhiều nhà dân tộc học, folkore, văn hóa học, ngôn ngữ học Việt Nam từng du học và làm việc ở Liên bang Xô Viết trước năm 1990 cũng như ở Việt Nam sau đó, nhà dân tộc học người Nga, Antonina Leskinen, không chỉ là đồng nghiệp, là người thầy mà còn là một người bạn hết sức thân thiết và gần gũi.
Còn tôi và Hoa (vợ tôi) không có may mắn được du học ở Nga, nhưng duyên nghiệp đã đưa chúng tôi gặp và trở nên quen thân với cô Antonina Leskinen và chồng bà là Voitto Leskinen như những người thân thiết từ cách đây hơn hai mươi năm.
Đó là vào mùa xuân năm 1995, khi chúng tôi mới đến Helsinki được vài tháng, Hoa nhận được một cuộc gọi điện thoại. Từ đầu dây biên kia một giọng phụ nữ nước ngoài nói tiếng Việt khá trôi chảy giới thiệu tên là Antonina Leskinen, người Nga hiện đang sống ở Helsinki. Bà cho biết sở dĩ có được số điện thoại của chúng tôi là nhờ đọc một bài trên báo Helsingin Sanomat (Thời báo Helsinki) viết về việc Hoa dịch Kalevala (Sử thi Phần Lan) sang tiếng Việt. Sau khi đọc xong, bà liền liên lạc với tòa soạn báo để hỏi xin địa chỉ của chúng tôi. Sau vài câu giới thiệu làm quen, Hoa đổi sang gọi người phía bên kia đầu dây là cô và xưng mình là cháu.
Cô Tonja kể đã từng học tiếng Việt ở Hà Nội vào đầu năm 1960 và sau đó đã sang Việt Nam điền dã dân tộc học nhiều lần. Cô kể tên một số nhà dân tộc học và folklore Việt Nam, trong đó có những người mà chúng tôi cũng ít nhiều quen biết khiến cuộc nói chuyện qua điện thoại của hai người kéo dài rất lâu, tưởng chừng khó kết thúc được nếu như chưa đến giờ chúng tôi phải đi đón con từ nhà mẫu giáo. Cuối cùng Hoa mời vợ chồng cô đến chỗ chúng tôi ở vào một ngày khác.
Hai tuần sau cuộc gọi điện thoại đó, chúng tôi đón cô Tonja cùng chồng là ông Voitto Leskinen ở căn hộ dành cho thực tập sinh của Đại học Helsinki. Mặc dù là cuộc gặp lần đầu giữa những người chưa quen biết nhau từ trước, song câu chuyện của chúng tôi cứ như chuyện giữa những người từng thân quen lâu ngày gặp lại. Cô kể cho chúng tôi nghe lý do cố đến Việt Nam, vì sao học tiếng Việt và gắn bó với Việt Nam. Cô say sưa, xuýt xoa kể về những chuyến đi điền dã tới các bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Cô kể cho chúng tôi vì sao quen thân những nhà dân tộc học nổi tiếng Việt Nam, như Giáo sư Trần Quốc Vượng, Phan Hữu Dật, Nguyễn Văn Huy, Đặng Nghiêm Vạn, Ngô Đức Thịnh, Lâm Biền, Khổng Diễn, Mạc Đường và nhiều người khác nữa. Kể từ đó chúng tôi với vợ chồng Cô như những người thân và mỗi khi có dịp chúng tôi lại gặp nhau cùng với một vài gia đình người Việt khác ở Phần Lan.
Cuối năm 1995, chúng tôi rời Helsinki trở về Hà Nội. Chia tay gia đình Cô, cùng với số điện thoại và địa chỉ của mình ở Hà Nội, chúng tôi để lại nhà Cô một số sách vở, tài liệu và đồ dùng song không hẹn ngày trở lại. Rồi cũng bất ngờ như ba năm trước, mùa hè năm 1988, chúng tôi nhận được điện thoại của Cô cho biết Cô sẽ đến Hà Nội và nhờ chúng tôi thuê giúp khách sạn và ra sân bay đón Cô. Chúng tôi tìm chỗ ở cho Cô và đúng hẹn tôi ra sân bay đón Cô về khách sạn. Đó là chuyến cô sưu tầm tư liệu dân tộc học ở Việt Nam cho bảo tàng Dân tộc Phần Lan. Với Cô, đến Hà Nội cũng gần như về lại Moscow, nên sau một lần đón được cô đến thăm nhà, chúng tôi phải để Cô dành thời gian với các đồng nghiệp.
Mùa hè năm 1999, gia đình chúng tôi có dịp ghé qua Helsinki trước khi sang Budapest. Vợ chồng Cô đã mời chúng tôi đến ở căn hộ của vợ chồng Cô một tuần trong thời gian hai người đi nghỉ mùa hè. Lần này, từ trên giá sách của nhà, kết hợp với những gì từng nhiều lần được nghe Cô kể, chúng tôi được biết rõ hơn về cơ duyên đưa cô đến với Việt Nam.
Cô Tonja bắt đầu quan tâm và yêu mến Việt Nam khi vào học ngành dân tộc học ở trường Đại học Lomonosov năm 1956. nên cô đã chọn các dân tộc ít người ở Việt Nam và Đông Dương làm đối tượng nghiên cứu của mình. Năm học 1960-1961, cô là một trong số ít sinh viên nước ngoài đầu tiên sang học tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm học 1963-1964 cô lại trở lại trường Đại học Tổng hợp lần thứ hai để thực tập tiếng Việt và thực hiện một số chuyến điền dã dân tộc học một số dân tộc ít người ở miền Bắc và miền Trung, trong đó chủ yếu là các dân tộc thuộc nhóm Hmong – Dao để sưu tầm tư liệu cho luận án Phó tiến sĩ của mình. Cô đã đặt chân đến các bản người Hmong hẻo lánh ở Lũng Cú, Mèo Vạc, những bản người Thái, người Dao ở Thuận Châu, Điện Biên Phủ, Sơn La và cả những bản làng heo hút của người Rục, người Sách ở miền tây Quảng Bình, Nghệ An... Năm 1969, cô bảo vệ luận án PTS về lịch sử và dân tộc học người Dao ở Việt Nam. Cô bảo kể từ đó tình yêu của cô đối với Việt Nam càng trở nên sâu đậm.
Sau khi Việt Nam thống nhất, cô tiến hành nhiều chuyến điền dã tới Việt Nam hơn và là nhà dân tộc học Xô Viết đầu tiên đến với các dân tộc Tây Nguyên. Năm 1985, cô đã sống với đồng bào Churu, Mạ, K’ho ở các huyện Di Linh, Đức Trọng 2 tháng liền. Trong một bài báo viết năm 1986, tác giả Yến Tuyết kể rằng: Đèo Fot chan ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) từng được những người làm đường ghi tên là đèo Tônhia, vì Cô là người phụ nữ đầu tiên đi qua ngọn đèo đó[1]. Với tính cách cởi mở, chân tình, lại nói được tiếng Việt trôi chảy nên đi đến đâu Cô cũng rất dễ làm thân với mọi người và ngược lại rất được người dân yêu quý và chào đón. Kể từ năm 1960 đến 1998, Cô đã đến Việt Nam 9 lần và ở lại với thời gian tổng cộng 35 tháng.
Năm 1990, sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, Cô cùng chồng, Voitto Leskinen (vốn là một người nghiên cứu ngôn ngữ học ở Karelia, sau đó làm phóng viên thường trú của thông tấn xã TASS ở Phần Lan) chuyển sang sống và làm việc ở Helsinki. Sống ở xứ sở mới, xa môi trường học thuật Moscow nhưng Cô vẫn không từ bỏ duyên nghiệp của mình. Tại đây, Cô được mời làm giáo sư thỉnh giảng về dân tộc học các nước Đông Dương ở Bộ môn Á-Phi của Đại học Helsinki từ năm 1995-1998. Trong thời gian này ngoài việc tham gia giảng dạy, Cô tiếp tục nghiên cứu và thực hiện một chuyến điền dã đến Việt Nam.
Năm 2002 chúng tôi trở lại Phần Lan và sống ở Espoo, cách xa nhà Cô hơn lần trước. Song vào thỉnh thoảng vào các dịp nghỉ lễ chúng tôi cũng gặp nhau. Có lần ở nhà chúng tôi ngoài vợ chồng Cô còn có thêm hai gia đình người Việt khác vốn từng học ở Liên Xô nay định cư ở Phần Lan đã cùng nhau say sưa hát các bài hát Nga và Trịnh Công Sơn đến đêm khuya. Cô thuộc khá nhiều bài dân ca Việt Nam và theo lời con gái Cô kể lại: Cô hay nhắc đến hai từ Loan, Phượng mà chúng tôi biết được Cô rất thích bài dân ca quan họ Bắc Ninh "Rẽ phượng chia loan".
Cô Tonja từng than phiền với chúng tôi rằng có lần nghe thấy một nhóm thiếu nữ nói tiếng Việt với nhau tại một bến metro ở Helsinki Cô liền đến gần và định bắt chuyện với họ để được nói tiếng Việt. Tuy nhiên, khi Cô tiến đến gần thì các cô gái trẻ liền chuyển sang nói với nhau bằng tiếng Phần Lan rồi đi ra chỗ khác tránh xa Cô.
Cô cũng từng nói với chúng tôi rằng Cô đang viết một cuốn sách về Việt Nam và khi nào chúng tôi có thời gian hãy đến nhà Cô để cùng xem một số tư liệu Cô thu thập được trong những lần cô đi điền dã. Hè năm ngoái, khi chúng tôi đang ở Việt Nam, Vũ Hoàng Nam, một nghiên cứu sinh từng học ở Moscow, hiện đang ở Helsinki mới biết Cô qua một người bạn ở Nga, nhắn tin cho tôi biết Nam đang ở nhà Cô Tonja và cô nhờ Nam hỏi tôi nơi nào có thể chuyển ảnh từ phim âm bản đen-trắng sang digital ở Heslinki vì Cô Tonja cần chuyển các ảnh tư liệu Cô đã chụp trong các cuộc điền dã ở Việt Nam để sử dụng cho cuốn sách của mình.
Sau khi trở lại Phần Lan, chúng tôi đã liên lạc và nói chuyện với Cô Tonja qua điện thoại hơn 2 giờ liền và hẹn với Cô khi tìm được thời gian thích hợp chúng tôi sẽ đến thăm vợ chồng Cô để nói chuyện nhiều hơn. Cô cho biết đã hoàn thành bản thảo cuốn sách giới thiệu về dân tộc Hmong ở Việt Nam bằng tiếng Nga song Cô đang cần kinh phí và nơi xuất bản.
Thế nhưng, thật buồn là chúng tôi chưa kịp đến thăm Cô như từng hẹn thì Cô đã đột ngột ra đi vĩnh viễn hôm 8/9/2019.
Ngày 26/9/2018, gia đình tổ chức lễ tiễn đưa và tưởng nhớ Cô tại nhà tang lễ của nghĩa trang Malmi (Helsinki). Buổi tiễn đưa được tổ chức giản dị song trang nghiêm và xúc động chỉ diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi. Sau đó những người tham dự cùng đến một nhà hàng dùng bữa trưa và chia sẻ với nhau những kỉ niệm đáng nhớ về người quá cố theo như phong tục sau tang lễ của người Phần Lan. Dù đã là chứng nhân của tình yêu đối với Việt Nam của Cô Tonja, song tại đây tôi vẫn không dấu nổi ngạc nhiên khi những người thân và bạn bè của Cô rất nhiều lần nhắc đến tình cảm yêu quý mà Cô dành cho Việt nam.
Ba ngày sau lễ tiễn đưa và tưởng nhớ Cô Tonja, theo nguyện vọng của gia đình Cô, chúng tôi đến nhà Cô để được lấy tất cả sách, báo về Việt Nam mà Cô đã sưu tập trong mấy chục năm qua. Chỉ riêng sách tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh khoảng 300 cuốn, trong đó có rất nhiều cuốn là sách của các tác giả nổi tiếng và cũng là các đồng nghiệp tặng Cô trong những lần Cô đến Việt Nam với những lời đề tặng rất kính trọng và thân tình. Theo lời ghi của giáo sư Đỗ Tất Lợi trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” mà ông tặng Cô năm 1989, chúng tôi được biết các đồng nghiệp Việt Nam còn gọi Cô Tonja bằng một cái tên Việt rất trìu mến là Tố Nga. Và từ trong số sách này chúng tôi tìm thấy nhiều bức ảnh Cô chụp chung với các đồng nghiệp Việt Nam và một số bài báo họ viết về Cô và công trình nghiên cứu của Cô cách đây ba, bốn chục năm.
Ngoài sách, tạp chí, Cô còn để lại hai mươi cuộn phim ảnh âm bản và nhiều tư liệu khác về Việt Nam mà Cô chụp và sưu tầm trong các chuyến điền dã. Theo gia đình Cô, những tư liệu này rất cần được chuyên gia dân tộc học Việt Nam xem xét và xử lý, vì chúng được cất giữ một thời gian khá lâu nên giờ rất dễ bị hỏng. Con gái Cô in cho chúng tôi mục lục bản thảo cuốn sách 160 trang bằng tiếng Nga “мяо Вьетнама” (Người Hmong ở Việt Nam) mà Cô đã hoàn thành cách đây đúng 10 năm (2008). Gia đình thổ lộ, cách tưởng nhớ Cô tốt nhất là đưa được tác phẩm chính này của Cô, một chuyên khảo dày dặn về dân tộc Hmong với Lời nói đầu và năm chương, từ nguồn gốc đến lịch sử dân tộc, từ quan hệ xã hội đến kinh tế, văn hóa vật chất và phi vật thể v.v. và số lượng ảnh cô chụp được qua những lần điền dã đến được với bạn đọc, giới chuyên môn và cả những người quan tâm, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở khắp nơi trên thế giới.
Mang thư viện sách của Cô về mà nguyện ước của gia đình Tonja khiến chúng tôi trăn trở. Chúng tôi thầm mong tìm được cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào đó, nhất là những người bạn, đồng nghiệp hay học trò Việt Nam của Cô cùng chung tay giúp sức để xuất bản tác phẩm tâm huyết này.
Helsinki 30/9/2018
http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/nho-mot-nha-dan-toc-hoc-nga-gan-bo-voi-viet-nam
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.