Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

26/04/2018

Học giả Trần Quốc Vượng với những nghiên cứu về nhà Mạc (bài Trần Thị Vinh)

Bài của cô Trần Thị Vinh (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Có hai cô Vinh, mà đều là dân Sử, rất dễ nhầm lẫn (đã đi ở đây).

Cũng có hai người cùng tên Trần Quốc Vượng. Thầy Trần Quốc Vượng thì đã được đặt tên đường ở nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội (đã đi ở đây). 

Còn một vị nữa cũng là Trần Quốc Vượng thì mang nhãn "Trần Quốc Vượng Trình Phố" trên Giao Blog. Bởi ông là người làng Trình Phố. Có thể xem nhanh ở đây.

Bài ở dưới lấy nguyên về từ trang Ban liên lạc họ Mạc. Bài của cô Vinh, đọc nhanh một lượt, tôi có cảm giác là vẫn còn thiếu một vài bài nữa viết về nhà Mạc của thầy Vượng (sẽ xác nhận lại sau).



---





04/04/2018






BBT: Ban biên tập website homacvietnam.vn vừa nhận được bài của PGS.TS Trần Thị Vinh viết  về GS Trần Quốc Vượng – người thầy đáng kính của mình . Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Trần Thị Vinh
Triều Mạc là một vương triều duy nhất không được sử cũ thừa nhận nên xưa nay vương triều này đã để lại khá nhiều uẩn khúc trong nhận thức. Do bị chi phối bởi những định kiến có sẵn từ trong những bộ sử cũ, viết theo quan điểm của triều đình Lê – Trịnh, đối lập với triều Mạc, khiến cho những hiểu biết về nhà Mạc đã bị sai lệch. Bắt đầu từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, triều Mạc đã được giới Sử học nhận thức lại, đánh giá lại một cách khách quan hơn  khoa học hơn. Sau hơn một phần tư thế kỷ nghiên cứu và nhận thức, vương triều Mạc đã được được trả lại công bằng và được thừa nhận là một vương triều tồn tại chính thứctrong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Một trong những người có công trong việc nhận thức lại, đánh giá lại và đem lại sự công bằng cho nhà Mạc là cố Giáo sư Trần Quốc Vượng. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng là một trong những nhà khoa học có bước đi tiên phong trong nghiên cứu và phát biểu nhiều về vấn đề lịch sử triều Mạc.
Những nghiên cứu chính của Giáo sư Trần Quốc Vượng về lịch sử triều Mạc có thể tập hợp lại thành bốn vấn đề sau:
– Nguồn gốc của nhà Mạc
– Sự nghiệp nội trị của nhà Mạc
– Kinh đô của nhà Mạc
– Vấn đề dâng đất cho nhà Minh của nhà Mạc.
  1. Về nguồn gốc của nhà Mạc:
          Vào cuối tháng 12 năm 1985 tại cuộc Hội thảo khoa học liên quan đến nhà Mạc nhân dịp “kỷ niệm 400 năm mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm”, tổ chức tại Hải Phòng – quê hương của nhà Mạc, các nhà khoa học đã đánh giá, khẳng định về tầm vóc của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và ghi nhận những đóng góp của ông đối với triều đại mà ông sống và gắn bó, đó là thời đại nhà Mạc và triều đại nhà Mạc. Từ việc đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hội thảo cũng đã bắt đầu nhìn nhận những đóng góp tích cực của thời đại nhà Mạc và vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc.
Trong bối cảnh chung của việc nhìn nhận lại và đánh gía lại về nhà Mạc, GS. Trần Quốc Vượng đã có một bài tham luận về: “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bối cảnh văn hóa Việt Nam thế kỷ XVI”, trong đó Ông đã đưa ra một ý kiến khác về Nguồn gốc của dòng họ Mạc mà ý kiến này lại trái ngược với những ghi chép của nhà sử học Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII trong sách Đại Việt thông sử, đồng thời cũng là ý kiến chung của nhiều nhà nghiên cứu. Trong bài tham luận tại cuộc Hội thảo, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã không đồng tình với ý kiến cho rằng Mạc Đăng Dung – ông vua đầu triều Mạc là thuộc dòng dõi của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần và Giáo sư cho rằng đây là “một lý lịch giả” để biện minh theo kiểu “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Rồi Giáo sư dẫn Minh sử và cho rằng họ Mạc gốc là người Đãn Man. Mà tộc Đãn là một tộc gốc người Phả Lại chuyên nghề chài lưới và buôn bán đổi chác ở ven biển Đông Bắc Việt Nam và Đông Nam ven biển Trung Hoa từ Phúc Kiến xuống phía Nam. Bản thân người Đãn tộc có xu hướng Hoa hóa phía Bắc và Việt hóa ở phía Nam”[1].
Ý kiến này lại được Giáo sư Trần Quốc Vượng phát biểu tại cuộc Hội thảo đầu tiên về Vương triều Mạc tại huyện Kiến Thụy, Hải Phòng vào ngày 18 tháng 7 năm 1994 do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng Viện Sử học phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy và Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng đồng tổ chức. Lần nay Giáo sư Trần Quốc Vượng phản đối quyết liệt hơn với những lời lẽ rằng: “Tôi hoàn toàn phủ nhận việc sử cũ ghi và các nhà viết sử hôm nay chép lại và tin theo rằng, tổ bảy đời của Mạc Đăng Dung là Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi đời Trần…Và Giáo sư còn nhấn mạnh rằng: Đó là tâm thức“Thấy người sang bắt quàng làm họ”, khi một dòng họ lên ngôi, do xuất thân nghèo hèn, thì tự tôn vinh bằng cách sai sử thần viết lại thế phả nhà mình, truy tìm về cội nguồn những người có danh vọng ở thời trước mà có ký hiệu tên họ trùng với mình và triều đại mình[2].
Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, đối chiếu các nguồn tài liệu thì chính Giáo sư Trần Quốc Vượng đã không còn giữ lại ý kiến này, qua đôi lần phát biểu về nhà Mạc. Cụ thể trong bài phát biểu “Một đôi chút duyên cơ với họ Mạc” in trong sách Hợp biên thế phả họ Mạc, Nxb. Văn hóa dân tộc, năm 2001, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã không còn nhắc tới vấn đề trên nữa khi Ông phát biểu về gốc tích họ Mạc [3].
  1. Về công nghiệp nội trị của nhà Mạc
           Cũng tại cuộc Hội thảo về Vương triều Mạc năm 1994 ở Hải Phòng, Giáo Sư Trần Quốc Vượng đã phát biểu những ý kiến của mình về Công nghiệp nội trị của nhà Mạc một cách thẳng thắn với cái nhìn cởi mở và khách quan về nhà Mạc. Vào thời điểm cách đây hơn 20 năm Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đưa ra những nhận thức mới về lịch sử triều Mạc là “Không nên chỉ nhìn nhận và đánh giá công nghiệp của nhà Mạc qua những gì sử thần nhà Lê viết[4], vì triều Lê – Trịnh đối lập với nhà Mạc từ đầu đến cuối. Nên việc sử thần nhà Lê – Trịnh “bôi xấu triều Mạc là chuyện tất nhiên”, Giáo sư đã dùng những từ “Yêu nên tốt, ghét nên xấu[5].
Về đánh giá nhân vật Mạc Đăng Dung, ngay thời điểm này cũng đã được Giáo sư Trần Quốc Vượng nhìn nhận lại một cách khách quan hơn và khoa học hơn. Trước kia các sử thần thời Lê – Trịnh, kể cả nhiều nhà viết sử của thế hệ mới vào những thập kỷ 50-60 của thế kỷ XX đã ra sức phỉ báng Mạc Đăng Dung và cho rằng Mạc Đăng Dung là kẻ “cướp ngôi”, kẻ “thoán đoạt”… Nhưng Với cách nhìn nhận mới của Giáo sư Trần Quốc Vượng thì “Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê không phải từ tay một vua Lê anh hùng như Lê Lợi” hoặc “một ông vua có học vấn và tài năng lớn như Lê Thánh Tông mà là từ những vua lợn, vua quỷ…”[6]và Giáo sư cho rằng “Sự thay thế đó là hợp lẽ Đời và Đạo[7]
Về hệ tư tưởng của nhà Mạc, Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng có quan điểm rõ ràng là nhà Mạc không đề ra và không thể đề ra hệ tư tưởng gì mới, vì nhà Mạc đã xa rời đường lối chiến lược độc tôn Tống Nho của nhà Lê sơ. Theo Ông việc nhà Mạc xa rời đường lối chiến lược độc tôn Tống nho của nhà Lê sơ như thế là một “tiến bộ về tư duy[8]. Và cũng theo Giáo sư, thực tế tiểu nông ở Việt Nam là thực tế phi độc tôn tư tưởng tôn giáo mà nhà Mạc là một vương triều đã đi theo tư tưởng này. Chính theo đuổi thực tế tiểu nông nên các vua, các tướng lĩnh của nhà Mạc đã cho sửa chữa và mở mang nhiều tự viện và danh lam cũ, như chùa Phổ Minh xứ Nam với bà chúa Mạc, chùa Bối Khê xứ Đoài với bà chúa Ngọc Hãn, quán Linh Tiên xứ Đoài với vợ chồng Quốc công Mạc Ngọc Liễn, quán Trung Tân với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, chùa Trà Phương có tượng thờ Mạc Đăng Dung… Đặc biệt đạo thờ Mẫu của thời Mạc mọc lên lan tràn và có nơi còn truyền lại cho đến ngày nay… cho thấy nhà Mạc phi độc tôn tư tưởng tôn giáo.
Về mỹ thuật thời Mạc, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng Mỹ thuật thời Mạc  là nền mỹ thuật cường hoạch, một nền mỹ thuật sống động[9] đã thay thế công thức cứng nhắc của thời Lê sơ trước đó, vì lần đầu tiên trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã xuất hiện: tượng chân dung hoặc con rồng Việt Nam mang phong cách thời Mạc. Rồng thời Mạc mang dáng dấp bản địa tiêu biểu giống rồng thời Lý-Trần chứ không phải là rồng thời Lê sơ, mô phỏng rồng nhà Minh. Nền mỹ thuật như vậy dưới thời Mạc đã được hồi sinh và có bước phát triển mới và khác. Vì nền nghệ thuật Mạc là nền nghệ thuật thấm đậm chất dân gian.Chứng tích của bốn ngôi đình được xây dựng dưới thời Mạc hiện còn mà tiêu biểu là đình Tây Đằng – Theo ông đó là “một bảo tàng mini về nghệ thuật chạm gỗ Việt Nam thời Mạc[10].
 Về nghệ thuật gốm sứ thời Mạc, theo Giáo sư cũng là một loại hình nghệ thuật có bước phát triển mới và rõ rệt, được Ông dẫn chứng bằng những hiện vật cụ thể là: các chân đèn nổi tiếng được sản xuất vào thời Mạc được dùng vào việc cúng dường Tam Bảo, có ghi địa chỉ cụ thể nơi cúng dường, có ghi tên tuổi cụ thể người công đức và đặc biệt hơn là có ghi cụ thể tên người chế tạo… Điều này đã được Giáo sư Trần Quốc Vượng phát biểu và kết luận rằng đó là: Cá tính sáng tạo thời Mạc được tôn trọng và điều đó theo Ông còn là sự phản ánh một thực tế chính trị – kinh tế – xã hội thời Mạc rất cởi mở và tôn trọng con người[11].
Về sản xuất gốm sứ: Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, sản xuất gốm sứ ở xứ Đông cực kỳ phát triển vào thời Mạc. Minh chứng là các lò gốm sứ nổi tiếng, phồn vinh xuất hiện ở đây đã cung cấp được nhiều đồ dùng dân dụng trong nước và xuất khẩu được nhiều loại gốm sứ cao cấp ra toàn Đông Nam Á (có tới 26 nơi thuộc các nước ASEAN đã tìm thấy gốm sứ thời Mạc).
  1. Kinh đô của nhà Mạc
Về kinh đô nhà Mạc Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng phát biểu ở nhiều nơi. Lần đầu tiên tại Hội thảo Khoa học về Vương triều Mạc, năm 1994 tại Hải Phòng. Theo Giáo sư “Thời Mạc có hai kinh đô, đó là điều độc đáo[12]: Một kinh đô truyền thống ở Thăng Long và một Đô thị mới mọc dựng ở vùng ven biển Kiến An, Hải Phòng, được tất cả các huyện nay thuộc Kiến An, Hải Phòng và Thái Bình làm huyện phụ trách (là điều không thể có khi nhà Lý gọi vùng Đình Bảng là Bắc Kinh, nhà Trần thì dựng phủ Thiên Trường còn nhà Lê sơ thì gọi Lam Sơn là Lam Kinh). Theo Giáo sư thì Dương Kinh – kinh đô thứ hai của nhà Mạc “có quy mô hẳn hoi của một đô thị ven biển đầu tiên của Đại Việt[13], chỉ tiếc sau đó đã bị nhà Lê – Trịnh phá hủy hoàn toàn làm ngăn cản kinh tế công thương nghiệp vùng biển phát triển.
Bốn năm, sau cuộc Hội thảo tại Hải Phòng (vào năm 1998), Giáo sư Trần Quốc Vượng lại phát biểu về Dương Kinh – kinh đô thứ hai của nhà Mạc với bài viết “Hải Phòng nhìn từ Thủ Đô Hà Nội”, trong sách “Việt Nam cái nhìn địa – văn hóa”, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật năm 1998. Ngay vào thời điểm này, Ông đã coi kinh đô Dương Kinh của nhà Mạc như là một cảng thị nếu nhà Mạc tiếp tục tồn tại:“Nếu Dương Kinh của nhà Mạc được xây dựng thành công, nếu nhà Mạc tồn tại lâu hơn nữa thì Đại Việt lần đầu tiên có kinh đô – cảng thị (port-capital) công thương nghiệp miền Hải Dương và cả nước phát triển mạnh mẽ hơn và chắc trong lòng xã hội quân chủ quan liêu đã nảy sinh được những nhân tố mới của một phương thức sản xuất mới, kinh doanh mới, quản lý mới…”. Nhưng nhà Mạc chỉ tồn tại với tư cách là một vương triều được 65 năm nên dù đánh giá cao công nghiệp của nhà Mạc đặc biệt là tư tưởng hướng biển, hướng ngoại, một tiềm năng phát triển của một nền kinh tế công thương vào thế kỷ XVI thì Giáo sư cũng phải nhận định rằng:“Tiếc thay nhà Mạc đã thổi “tiếng kèn ngập ngừng” trong hành động hướng biển và hướng ngoại và các phần tử thủ cựu nhất của hàng ngũ quan liêu – địa chủ – sĩ phu Nho giáo đã tập hợp nhau ở xứ Thanh – nơi dân sinh dân trí còn kém phát triển hơn cư dân châu thổ Bắc Bộ – để quay ngược bánh xe lịch sử, dưới hình thức “trung hưng nhà Lê” cùng cái nhìn hướng nội và trọng nông trọng sĩ, tôn sùng Nho giáo. Chúng ta chứng kiến một thời kỳ quân chủ suy tàn rồi mất nước cho thực dân…”[14].
Lần thứ ba, vào năm 2004, trong bài: “Dương Kinh của Nhà Mạc tại Hải Phòng kinh đô “hướng ngoại” đầu tiên của Việt Nam” trả lời phỏng vấn nhà báo Hiền Thảo, đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 6 – 11 – 2004, Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng nói rõ về quy mô, cấu trúc, vai trò của Dương Kinh – kinh đô thứ hai của nhà Mạc rằng: “từ một làng đánh cá, khu vực này đã thành kinh đô thứ hai của nhà Mạc với mô hình giống như kinh đô Thăng Long. Dương Kinh được xây dựng rất đàng hoàng, có điện Hưng Quốc, điện Tường Quang, điện Phúc Huy… Dương Kinh gần biển và được bao bọc giữa hai dòng sông Đa Độ (phía đông) và Văn Úc (phía tây Nam). Mỗi lần vua về Dương Kinh cũng có Bộ Lễ đi theo và các hoạt động cũng diễn ra như ở Thăng Long… Năm 1533, Mạc Đăng Dung nhường ngôi vua rồi làm thượng hoàng, rút về Dương Kinh”[15]. Theo Giáo sư Trần quốc Vượng, việc nhà Mạc cho xây dựng kinh đô thứ hai ở vùng ven biển Hải Phòng, khác với kinh đô truyền thống, điều đó chứng tỏ sau khi nhà Mạc lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã “chấm dứt thời kỳ “ức thương”, mở rộng giao thương với nước ngoàiÔng đề cao hoạt động thương mại và thực sự đã có nhiều chính sách mới mẻ. Minh chứng cụ thể là đồ gốm sứ trở thành mặt hàng được nhiều nước mua: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…và con tàu đắm ở Cù lao Chàm mới được tìm thấy có nhiều đồ gốm sứ thời này. Điều đáng nói là các sản phẩm gốm sứ thời mạc đều có khắc tên người làm, địa chỉ xưởng sản xuất và nơi cung tiến…”[16]
Giáo sư Trần Quốc Vượng còn cho rằng, nếu nhà Mạc tiếp tục tồn tại và phát triển thì Việt Nam đã có một cuộc cải cách giống như thời kỳ Minh Trị của Nhật Bản, nhưng từ rất sớm Dương Kinh chính là sự thể hiện tư tưởng “hướng ngoại” của nhà Mạc.
  1. Vấn đề dâng đất cho nhà Minh của nhà Mạc
Việc dâng đất cho nhà Minh của nhà Mạc là vấn đề gây cấn nhất trong toàn bộ sự nghiệp của nhà Mạc và cũng là vấn đề nan giải nhất đối với các nhà nghiên cứu khi đánh giá về nhà Mạc. Trong hơn hai mươi năm nghiên cứu (từ năm 1985 đến nay), giới sử học đã bắt đầu nhận thức lại và đã có những nhận thức mới về nhà Mạc, trong đó nhiều vấn đề đã được tháo gỡ và nhà Mạc đã được trả lại công bằng, được thừa nhận là một vương triều tồn tại chính thức ngang bằng với các vương triều khác trong lịch sử Việt Nam và nhà Mạc cũng đã được thừa nhận là một vương triều có nhiều đóng góp cho đất nước trong thế kỷ XVI trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế công nông thương, mở mang giáo dục khoa cử, xây dựng nền văn hóa nghệ thuật mang đậm tính dân tộc…
Tất cả những nhận thức mới và những đánh giá mới về nhà Mạc của giới nghiên cứu trong hơn hai thập kỷ qua đã được thực tiễn thừa nhận, trong đó có công lao to lớn của Giáo sư Trần quốc Vượng.
Ngay đến vấn đề ngoại giao giữa nhà Mạc với nhà Minh là vấn đề cam go nhất mà từ trước tới giờ vẫn bị sử cũ phê phán cũng như phỉ báng Mạc Đăng Dung và nhà Mạc thì cũng đã được Giáo sư Trần Quốc Vượng nghiên cứu và đánh giá một cách công minh từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước tại cuộc Hội thảo đầu tiên về nhà Mạc năm 1994.
Trong mục viết về “Việc cắt đất đầu hàng nhà Minh của nhà Mạc” Giáo sư Trần Quốc Vượng đã có cái nhìn hết sức khách quan khoa học, trên cơ sở phân tích các nguồn tài liệu cũ của Đại Việt và nhà Minh về hai sự kiện cắt đất đầu hàng của Mạc Đăng Dung cho nhà Minh.
Sự kiện thứ nhất vào năm Mậu Tý (1528) mà theo sách Đại việt sử ký toàn thư do sử thần triều Lê – Trịnh soạn thì: “Đăng Dung sợ nhà Minh đem quân sang hỏi tội, nên lập mưu cắt đất dâng nhân dân hai châu Quy Thuận và hai hình người bằng vàng và bạc, cùng là châu báu, của lạ, vật lạ.Vua Minh thu nhận.Từ đấy Nam Bắc lại sai thông sứ đi lại”. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã chứng minh việc này là không có thật. Với lý do là sử nhà Minh không ghi sự kiện này và hai châu Quy,Thuận thì đã bị nhà Tống chiếm mất từ thời nhà Lý (thế kỷ XI-XIII) rồi. Đó là hai châu Quy Hóa và Thuận An do hai thủ lĩnh Nùng Chí Hội và Nùng Tôn Đán nộp cho nhà Tống từ thời Lý, về sau trở thành châu Quy Thuận của tỉnh Quảng Tây. Vậy việc này không liên quan gì đến nhà Mạc ở thế kỷ XVI.
Sự kiện thứ hai vào năm Canh Tý (1540), vẫn là sách Đại việt sử ký toàn thư do sử thần triều Lê – Trịnh soạn, có ghi: “Mạc Đăng Dung đến bò rạp ở Mạc Phủ nước Minh, rập đầu quỳ hàng, dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai, quân dân, quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của Châu Vĩnh An trấn Yên Quảng cho xin nội thuộc, lệ vào châu Khâm”. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phân tích sự việc này qua Minh sử, quyển 32 (sử của nhà Minh – Trung Quốc) là đã không ghi việc nhà Mạc cắt đất mà chỉ ghi việc quan nhà Minh là Mao Bá Ôn vào năm Gia Tĩnh thứ 20 (1541) đã về triều tâu với vua Minh rằng: Mạc Đăng Dung “đã trả lại đất 4 động đã xâm chiếm, xin nội phụ xưng thần”. Giáo sư còn dẫn một nguồn sử liệu quý của Việt Nam trong Phương đình dư địa chícủa Nguyễn Văn Siêu ghi rõ về viêc trả đất như thế này:“ Như Tích, Chiêm Lãng, Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát, Thời La, bảy động đầu nhà Tống đều đặt Động trưởng, niên hiệu Hồng Vũ (1368- 1400) nhà Minh đặt chức Tuần ty ở Như Tích để thông hạt cả: năm thứ hai Tuyên Đức (1427) các động Tư Lẫm, Thời La, Cổ Sâm, cắt phụ vào Giao Chỉ, năm thứ 19 Gia Tĩnh (1540) Mạc Đăng Dung trả lại đất bốn động ấy cho nhà Minh, năm thứ 21 (1541) Tri châu Lâm Hy Nguyên (của Minh) hoạch định Lương giới, nhưng chỉ còn Chiêm Lãng, Thời La mà thôi”. Qua những sự kiện được ghi trong Minh sử và trong Phương đình dư địa chí, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đi đến kết luận rằng: “Nhà Mạc trả lại nhà Minh là trả đất lấn, không phải cắt để đút lót[17]. Ông còn dẫn thêm sử nhà Minh ghi về việc: quan cát địa sứ của nhà Minh đi hoạch định cương giới vào năm 1541 chỉ thấy đất hai châu mà đã của nhà Minh rồi, còn lại đều là tên đất khống. Cuối cùng, Giáo sư đã kết luận về đường lối ngoại giao của nhà Mạc với nhà Minh là đường lối “thần phục giả vờ” và “độc lập thực sự”của mọi triều đại Việt Nam[18]. Những ý kiến khách quan khoa học này của Giáo sư phát biểu cách đây hơn 20 năm, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, làm cơ sở cho UBND thành phố Hà Nội có thêm luận chứng khoa học để phê duyệt việc đặt tên hai đường phố Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông vào đầu tháng 7 – 2015 vừa qua.
Tóm lại, trong sự nghiệp nghiên cứu đi tìm chân lý khách quan khoa học trong sử học, trong đó có vương triều Mạc, cố Giáo sư Trần quốc Vượng vừa là người tiên phong vừa là người có công lớn trong việc nhận thức lại, nhận thức mới khách quan khoa học về lịch sử triều Mạc. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày ra đi của Thầy, thế hệ học trò cùng tâm đắc với lịch triều Mạc xin viết lại những thành tựu nghiên cứu của Thầy về lịch sử triều Mạc như một nén tâm hương kính cẩn dâng lên Thầy, kính mong Thầy yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
                                                                             
Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2015
Trần Thị Vinh
[1] Xem: Trần Quốc Vượng, “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bối cảnh văn hóa Việt Nam thế kỷ XVI”. Tham luận Hội thảo khoa học kỷ niệm 400 năm ngày mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức tại Hải Phòng. Trong Kỷ yếu “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”, Hội đồng lịch sử Hải Phòng, Viện Văn học, Hải Phòng năm 1991.
[2] Tham luận “Mấy vấn đề về nhà Mạc” trong  Hội thảo về “Vương triều Mạc” tại Kiến Thụy, Hải Phòng ngày 18 tháng 7 năm 1994, in trong sách  “ Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Hà Nội, 1996, tr. 22 – tr.25.
[3] Xem: Ban liên lạc họ Mạc, Hợp biên thế phả họ Mạc, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội 2001, tr. 11-13.
[4] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 25.
[5] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 25.
[6] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 25-26.
[7] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 26.
[8] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 27.
[9] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 28.
[10] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 28.
[11] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 29.
[12] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 31.
[13] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 31.
[14] Xem: “Hải Phòng nhìn từ thủ đô Hà Nội” trong sách Việt Nam cái nhìn địa-văn hoá, Nxb. Văn hoá dân tộc-Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội-1998, tr 212.
[15] Xem: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 6-11-2004, tr.2.
[16] Xem: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 6-11-2004, tr.2.
[17] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 35.
[18] Xem: “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử”, Sđd, tr. 35.

http://homacvietnam.vn/?p=2330

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.