Sáng ngày 1/3/2018 (Thứ Năm), tức ngày 14 tháng Giêng năm Mậu Tuất
Văn bản chính thức của Bộ Văn hóa hiện nay lại là "Minh Thề", không phải "Minh Thệ". Theo đó, các văn bản của địa phương bỗng tự nhiên đổi thành "Minh Thề". Hiện chưa rõ lí do vì sao lại thành ra "Minh Thề" như vậy.
Đội hành lễ cơ bản vẫn đúng như nhiều năm trước, hồi chúng tôi du lãng ở khu vực ấy vào ngày hôm nay (xem lại ở đây, bài đầu tiên là trên báo phổ thông tháng 3 năm 2011 --- xem bổ sung 3). Vẫn là những gương mặt đó, những con người đó. Về cơ bản không có thay đổi. Nếu có khác thì chỉ là thuộc về phần trao bằng công nhận (nên có sự tham gia của quan tỉnh, quan cấp bộ, lẵng hoa của nguyên chủ tịch nước,...).
Đội hành lễ cơ bản vẫn đúng như nhiều năm trước, hồi chúng tôi du lãng ở khu vực ấy vào ngày hôm nay (xem lại ở đây, bài đầu tiên là trên báo phổ thông tháng 3 năm 2011 --- xem bổ sung 3). Vẫn là những gương mặt đó, những con người đó. Về cơ bản không có thay đổi. Nếu có khác thì chỉ là thuộc về phần trao bằng công nhận (nên có sự tham gia của quan tỉnh, quan cấp bộ, lẵng hoa của nguyên chủ tịch nước,...).
Ảnh và tin từ các nơi.
---
---
TƯ LIỆU
3.
Hội thề không tham nhũng ở Hải Phòng, Chủ tịch huyện: 'Ai đi thề với thần linh, vi phạm pháp luật à!'
(VTC News) - Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, Hội Minh Thề là lễ hội của làng, cán bộ, đảng viên phải học tập và làm theo Bác Hồ chứ không phải đi thề trước thần linh.
Liên quan đến Hội thề không tham nhũng ở Hải Phòng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, ngày 26/2, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Trọng Khải – Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên (Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất.
Nghi lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội Minh Thề làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên (Kiến Thụy, Hải Phòng) sẽ diễn ra vào ngày 1/3 (14 tháng Giêng).
Sau khi đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND xã Thuận Thiên và làng Hòa Liễu sẽ chủ trì việc tổ chức các hoạt động phần hội, diễn ra trong 3 ngày (14, 15, 16 tháng Giêng), trọng tâm là Hội Minh Thề.
Lễ hội thường niên vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch nhằm tái dựng nghi lễ những người làm quan thề “không tham nhũng” và những nông dân thề “trung thực, ngay thẳng”.
Với ý nghĩa đó, trong những năm qua, người dân địa phương cũng như dư luận mong muốn Lễ hội Minh Thề có sự tham dự của các cán bộ cấp xã, cấp huyện, thậm chí là cấp thành phố cùng tham gia vào nghi thức thề trước thần linh giữ mình liêm chính, không tham nhũng để tạo niềm tin tưởng trong nhân dân.
Video: Lời thề vang như sấm của quan lại tại Lễ hội Minh Thề
Trả lời PV VTC News về vấn đề trên, ông Bùi Đức Thảo – Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, Hội Minh Thề là lễ hội của làng, cán bộ, đảng viên phải học tập và làm theo Bác Hồ chứ không phải đi thề trước thần linh.
“Không ai đi làm việc đó, cán bộ, đảng viên phải thực hiện theo quy định của pháp luật” – ông Thảo nhấn mạnh.
Trước câu hỏi "sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, địa phương có nên nhân rộng lễ hội Minh Thề đến các cán bộ xã, huyện, thậm chí là thành phố cùng tham gia thề trước thần linh?" của phóng viên, ông Thảo trả lời “Cán bộ nào đi thề, ai đi thề với thần linh, vi phạm pháp luật à (!?)”.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, chiều cùng ngày, trả lời PV VTC News, ông Lê Khắc Nam – Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, trong ngày tổ chức lễ hội Minh Thề, ông Nam sẽ về dự và cùng với lãnh đạo huyện Kiến Thụy, bàn cụ thể cách thức tổ chức ở những năm sau khi hội Minh Thề đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Trong thời điểm này, đất nước ta đang tích cực phòng chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do đó, qua lễ hội này sẽ phát động phong trào phòng chống tham nhũng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bất kể cán bộ, đảng viên nào cũng đều phải thực hiện” – ông Nam nhấn mạnh.
Như VTC News đã đưa tin, ngày 14 tháng Giêng tới đây, địa phương sẽ tổ chức lễ hội lớn để đón bằng công nhận Lễ hội Minh thề là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về công bố.
Sau phần nghi lễ trên, phần hội cũng sẽ được tổ chức trang trọng theo truyền thống đối với lễ hội Minh Thề - Hội thề không tham nhũng. Đây là lễ hội duy nhất ở Việt Nam.
Có từ hơn 500 năm nay, Lễ hội Minh Thề - Lễ hội thề chống tham nhũng được khôi phục lại từ năm 2003 tại Đình – Chùa thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên (Kiến Thụy, Hải Phòng). Đây là khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được xếp hạng.
https://vtc.vn/hoi-the-khong-tham-nhung-o-hai-phong-chu-tich-huyen-ai-di-the-voi-than-linh-vi-pham-phap-luat-a-d383287.html
2.
10 năm đứng lễ Minh Thề: Chỉ mong nhường cho người khác
01/03/2018 05:00 GMT+7
- Ông Phạm Văn Cường, người 10 năm đọc tại lễ hội Minh Thề mong muốn được nhường quyền đọc lời thề chí công vô tư cho lãnh đạo địa phương vào các mùa hội tới.
XEM CLIP:
Hôm nay, 14 tháng Giêng, tại cụm di tích đền chùa thôn Hòa Liễu sẽ diễn ra lễ hội Minh Thề - hội thề không tham nhũng.
Đã 10 năm nay, ông Phạm Văn Cường, 40 tuổi, người dân sống tại thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng, được chọn đọc lời tuyên thệ thề sống chí công vô tư.
"Tôi chỉ là thường dân nhưng đã 10 năm phải sắm vai người có quyền chức đọc lời thề thanh liêm, công tâm", ông chia sẻ.
Ông Phạm Văn Cường |
Năm nay, lễ hội được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Giá trị trong lời thề của người xưa đến nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự. “Tôi mong rằng hội Minh Thề sang năm sẽ có người khác đọc thề thay tôi mà người đó nên là một vị lãnh đạo”.
Cụm di tích đền chùa Hoà Liễu (thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) |
Đây là nơi hôm nay diễn ra lễ hội Minh Thề hay còn gọi là hội thề không tham nhũng |
Hội Minh Thề được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia |
Cột đá Minh Thề - tượng trưng cho lời thề như dao chém đá - có từ ngày thành lập đền năm 1561, cao 3,7m |
Chiều qua, chính quyền và nhân dân thôn Hoà Liễu đã rước bằng chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia từ UBND xã Thuận Thiên về cụm di tích đền chùa Hoà Liễu |
Chủ tế làm lễ tại sân cụm di tích đền chùa Hoà Liễu |
Những người uống rượu thề sẽ đứng vào trong vòng tròn được cắm một con dao nhọn sắc, một con gà trống thiêng và một bình rượu được đặt ngay dưới ban thờ chuẩn bị cho nghi lễ |
Tại lễ hội này có bài hịch Minh Thề với câu "Ai dùng của công vào việc riêng, xin thần linh đả tử". Đây được coi là lời thề chống tham nhũng ở hội làng |
Ban thờ được sắp đặt đơn giản nhưng trang nghiêm. Những người có chức sắc trong làng tương ứng với các chức trưởng thôn, phó thôn sẽ là những nhân vật chính, những người tham gia thề tại lễ hội |
Du khách bất ngờ vì phí lên Yên Tử cao
Thu phí trở lại sau 10 năm miễn phí, ngày 10 tháng Giêng khai hội Yên Tử (Quảng Ninh), nhiều du khách bất ngờ vì mức phí cao.
Hỗn chiến cướp phết: Trăm thanh niên giẫm đạp lên nhau
Dù Ban tổ chức hạn chế số lượng người đánh phết mỗi đội 100 người, nhưng hàng trăm thanh niên ùn ùn phá rào lao vào cướp phết.
Nguyễn Thu Hằng - Xuân Quý - Phạm Hải - Ly Ly
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/clip-nong/le-hoi-minh-the-chia-se-that-long-cua-nguoi-10-nam-doc-loi-the-433139.html#inner-article
1.
Lễ Minh Thề: Nếu lấy của công làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử
01/03/2018 09:11 GMT+7
- Sáng nay, 14 tháng Giêng, tại cụm di tích đền chùa thôn Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) diễn ra lễ hội Minh Thề - thề không tham nhũng, không trộm cắp, không lấy của công làm của tư.
XEM TRỰC TIẾP:
XEM CLIP TRAO BẰNG DI SẢN:
XEM CLIP ĐỌC LỜI THỀ:
Tới dự có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng thị Bích Liên và đại diện các cơ quan liên quan. Về phía TP Hải Phòng, dự lễ có Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Văn Quý, nguyên Phó chủ tịch TP Hoàng Văn Kể.
Lễ hội Minh Thề nhằm tôn vinh một cách sống của người dân, một văn hóa của người làm quan xưa.
Đây là lễ hội không có vụ lợi, không xô bồ và bị thương mại hoá như các lễ hội đầu xuân khác.
Lễ hội Minh Thề năm nay đặc biệt nhất vì được Bộ VH-TT&DL trao bằng công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
10 năm đứng lễ Minh Thề: Chỉ mong nhường cho người khác
Mong muốn của ông Phạm Văn Cường là được nhường quyền đọc lời thề chí công vô tư cho lãnh đạo địa phương vào các mùa hội tới.
10h30
Ông Phạm Phú Oanh, Trưởng thôn Hòa Liễu nhận bài lời văn thệ trao lại cho ông Phạm Văn Cường đọc lời thề.
Ông Phạm Văn Cường (40 tuổi), người dân sống tại thôn Hoà Liễu, được chọn đọc lời thề sống chí công vô tư trong 10 năm qua. |
Ông Phạm Văn Cường đọc sang sảng 5 điều không được làm trong văn thề. Sau một điều được xướng lên trước hương án ban tế lễ đồng thanh giơ tay cao hô vang " xin thề".
Giơ tay hô vàng lời thề |
Nội dung lời thề: Trên từ cụ già, dưới đến tuổi 18 ở dân thôn, trong làng, vườn tược, buồng cau, trái chuối, ngoài đồng lúa... mọi người đều công minh, chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp, nguyện cầu thần linh đả tử!
Sau khi lời tuyên thề kết thúc là nghi thức rước gà trống từ trong đền ra làm lễ. Gà trống được buộc dây đỏ để trên mâm đồng cổ được đưa ra thực hiện nghi thức cắt tiết hòa rượu. Rượu thề được trưởng thôn uống đầu tiên sau đó chuyền tay cho các chức vị vai vế khác trong thôn cùng uống.
XEM CLIP:
Lấy tiết gà pha rượu thề |
Uống rượu tiết gà cùng xin thề trung thực, ngay thẳng |
11h lễ Minh Thề kết thúc.
10h15
10h00
Ngay sau phần lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội Minh Thề chính thức khai hội. Sau màn trống vang dội là tràng vỗ tay hưởng ứng của toàn thể nhân dân thôn Hòa Liễu.
Ban chủ lễ bắt đầu những nghi thức đầu tiên của hội thề |
Lễ Minh Thề bắt đầu những nghi thức đầu tiên của hội thề. Ban tổ chức mời chủ lễ là một vị cao niên uy tín trong thôn. Theo đó là đại diện công vụ gồm trưởng thôn và hai phó thôn cũng được mời ra trước hương án chuẩn bi nghi thức thề dĩ công vô tư.
9h30
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên trao bằng công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho lễ hội Minh Thề.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch TP Hải Phòng Lê Khắc Nam đã dẫn lại lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có đoạn: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".
9h00
Phần nghi thức của buổi lễ công bố quyết định đón nhận danh hiệu Lễ hội Minh Thề là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Minh thề của làng Hòa Liễu diễn ra trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 14 đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Tương truyền, từ giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hoà Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc cả thảy 35 vị góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.
Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh Thề quy định lấy chí công làm trọng - người nông dân không phân biệt giàu - nghèo đẳng cấp xã hội, với khí phách kẻ sĩ giữ tiết tháo không vì cơ hàn mà xâm phạm của công.
8h00
Đặc biệt sáng nay, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lẵng hoa chúc mừng nhân dân và chính quyền xã Thuận Thiên đón nhận lễ hội Minh Thề được chứng nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi lẵng hoa chúc mừng. Ảnh: Phạm Hải |
Tiết mục văn nghệ quan họ mời trầu do đoàn chèo Hải Phòng biểu diễn |
Đại biểu lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo TP Hải Phòng và các đại biểu dự lễ hội |
7h50
Sáng nay 1/3, (tức 14 tháng Giêng âm lịch), tại cụm di tích đền chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng diễn ra Lễ hội Minh Thề - thề không tham nhũng, không trộm cắp, không lấy của công làm của tư.
Lễ hội Minh Thề năm nay đặc biệt nhất vì được Bộ VH-TT&DL trao bằng công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Theo Ban tổ chức, lễ hội sẽ bắt đầu từ 8h30 và nội dung đầu tiên là lễ công bố quyết định đón nhận danh hiệu di sản tiếp. Sau đó là các nghi thức của lễ hội Minh Thề.
Khắp các ngả đường làng dẫn đến cụm đền chùa Hoà Liễu, băng rôn biểu ngữ và cờ rực rỡ. |
Ngay từ sáng sớm, người dân thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên đã ngưng lại mọi việc để cùng nhau ra đình chờ đón giây phút đón nhận di sản và buổi lễ Minh Thề thiêng liêng, ý nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Huyền, 89 tuổi, người dân thôn Hoà Liễu cho biết: "Nghe tin lễ hội Minh Thề của chúng tôi được nhà nước công nhận di sản văn hoá phi vật thể, cả tuần nay tôi thao thức khó ngủ. Lễ hội làng tôi đã từng bị mai một sau đó được khôi phục nay lại được nhà nước thừa nhận với danh hiệu cao quý".
Ông Nguyễn Văn Huyền cho biết, ông cùng các cụ bô lão trong làng đã chuẩn bị trang phục và ra đây từ 6h sáng |
Các cụ bô lão trong làng và người dân đã có mặt từ sớm để chuẩn bị cho lễ đón bằng di sản. Ảnh: Phạm Hải |
"Mùa xuân này với người dân làng Hoà Liễu chúng tôi thật đặc biệt. Lễ Minh Thề hôm nay sẽ là lễ Minh Thề đi vào lịch sử", ông Huyền vui mừng chia sẻ.
10 năm đứng lễ Minh Thề: Chỉ mong nhường cho người khác
Mong muốn của ông Phạm Văn Cường là được nhường quyền đọc lời thề chí công vô tư cho lãnh đạo địa phương vào các mùa hội tới.
Hội Minh Thề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Minh Thề (Kiến Thụy, Hải Phòng) có quy mô cấp làng, xã, nên việc thề chỉ dành riêng cho người dân có chức sắc trong thôn.
Nguyễn Thu Hằng - Phạm Hải - Xuân Quý
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tin-anh/truc-tiep-doc-dao-le-hoi-minh-the-tai-hai-phong-433159.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.