Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

01/02/2018

Trần Quang Đức : Xuất xứ của tranh chân dung Quang Trung


Bài mới lên trên Fb TQĐ.

Chép nguyên về.




Các bổ sung thì đi ở phía dưới.



---





Sự kiện ''QUANG TRUNG'' sang Bắc Kinh triều kiến Càn Long đã được Nguyễn Duy Chính khảo xét kỹ lưỡng trong chuyên khảo của mình (1). Ở đây, tôi không bàn thêm nữa, chỉ cung cấp thông tin liên quan đến lai lịch bức tranh chân dung "Quang Trung" được họa sĩ Mâu Bính Thái 繆炳泰 vẽ vào năm 1790 mà thôi.

Bức tranh chân dung "Quang Trung" đen trắng được đăng trong cuốn Catalogue of Chinese Decorative Arts (Including the property of various owners), do Sotheby, một hãng bán đấu giá lâu đời của Anh quốc, phát hành trong phiên đấu giá ngày 5.6.1981. Tại trang 76 có đoạn giới thiệu: "Bức tranh chân dung bằng màu nước trên lụa vẽ vua An Nam mới lên ngôi, Nguyễn Quang Bình, đội mũ, mặc áo bào đỏ, với những con rồng vàng, cùng dòng niên đại 1790 (99cm x 56 cm)."

Trong cuốn Tử Quang Các thanh điểm họa tượng sách 紫光阁清点画像册, cho biết vào năm Hàm Phong thứ tư (năm 1854), Tử Quang Các trong cung nhà Thanh vẫn lưu giữ 2 trục tranh chân dung An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình. Bởi vậy có thể đoán rằng, việc bức tranh thất lạc, bị đưa ra ngoài có lẽ là sau khi liên quân tám nước chiếm Bắc Kinh vào năm 1901. Bởi khi đó, Bộ Tư Lệnh của liên quân tám nước được đặt tại Tử Quang Các, cũng chính là khu vực Trung Nam Hải, xung quanh có rất nhiều người phương Tây.
Vào thời Thanh, Tử Quang Các là nơi treo giữ các bức chân dung được coi là công thần của nhà Thanh, gồm 280 bức. Các bức họa này đều được vẽ theo trục dọc, gồm phía trên là lời đề tán, phía dưới là tranh chân dung. Hiện tại, những bức còn lại có thể biết đến chưa đủ 30 bức, hầu hết nằm trong các bộ sưu tập cá nhân, bảo tàng trong và ngoài Trung Quốc. Nhiều bức trong số đó cũng đã được Sothebys phát mãi rải rác trong nhiều năm (2).
Về thông tin lịch sử, nội dung lời đề tán trong bức tranh chân dung "Quang Trung", bạn nào quan tâm có thể tìm hiểu qua bài khảo cứu của Nguyễn Duy Chính, đăng trên tạp chí Xưa Nay, số tháng 11, năm 2017. Nội dung đã được Trần Đức Anh Sơn đăng tải qua đây: 

Hai post trước của tôi liên quan đến cùng chủ đề, bạn nào quan tâm có thể xem lại ở đây:

(1) GIỞ LẠI MỘT NGHI ÁN LỊCH SỬ ''GIẢ VƯƠNG NHẬP CẬN'' CÓ THỰC NGƯỜI SANG TRUNG HOA LÀ VUA QUANG TRUNG GIẢ HAY KHÔNG (nxb Văn hóa - Văn nghệ)






https://www.facebook.com/quangduc.tran/posts/10155249896711526?pnref=story


---




BỔ SUNG



2.




11:02 02/02/2018


Gần đây, khi nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố bức ảnh chụp tranh chân dung quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của vua Quang Trung khi sang Trung Quốc), dư luận đã phản ứng dữ dội cho rằng người trong tranh không phải vua Quang Trung; thậm chí có ý kiến cho rằng bức ảnh chụp tranh vẽ đó không có thật, mà nó được ngụy tạo nhằm những mục đích xấu.
Những tranh cãi về chân dung vua Quang Trung không chỉ đưa câu hỏi đâu là dung mạo thực của vua Quang Trung, mà còn đặt ra nhiều vấn đề về nghiên cứu lịch sử như: phương pháp nghiên cứu, quan điểm nghiên cứu, văn hóa tranh luận, giáo dục lịch sử…
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã trả lời Zing.vn một số vấn đề quanh bức ảnh, cũng như quan điểm của anh về phương pháp nghiên cứu lịch sử.
Tran Quang Duc: Tranh chan dung 'Quang Trung' gan 'su thuc' hon ca hinh anh 1
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức.

Bức tranh chân dung “Quang Trung” tả thực người sang mừng thọ Càn Long




- Anh mới công bố cuốn catalogue của nhà Sotheby’s phát hành năm 1981, trong đó in hình bức tranh được cho là vẽ vua Quang Trung. Vậy, cuốn catalogue nói lên được điều gì?
- Cuốn catalogue cho thấy bức tranh là một sử liệu thật (hiện vật đã được Sotheby’s đấu giá năm 1981). Bởi vậy, không có chuyện đây là ảnh giả chụp tranh, hay một dạng ''sử liệu'' có tính ngụy tạo như một số người suy diễn với hàm ý cho rằng người công bố có ý đồ nào đó.
- Vậy anh có thể phân tích thêm hình ảnh thể hiện trong bức ảnh đó?
- Thứ nhất, qua tập catalogue này, có thể xác định được đây là bức tranh chân dung vẽ Nguyễn Quang Bình (tên của vua Quang Trung khi sang Trung Hoa, sau đây gọi tắt là "Quang Trung") do họa sĩ Mậu Bính Thái thực hiện dưới sự chỉ đạo của vua Càn Long, là bức tranh chân dung bán thân mà sử liệu của Trung Quốc như Thanh thực lục, hay sử liệu của Việt Nam là Đại Nam thực lục, Dụ am văn tập của Phan Huy Ích đề cập.
Thứ hai, sau khi đã xác định được lai lịch của bức tranh, không phải sản phẩm ngụy tạo sau này; vấn đề đặt ra là, bức tranh có mang tính tả thực không, hay có ý đồ bôi nhọ, vẽ xấu đi? Tôi cho rằng đây là tranh tả thực.
Bởi, họa sĩ Mậu Bính Thái là bậc thày vẽ tranh chân dung tả thực vào thời Càn Long, sau khi vẽ xong hai bức tranh chân dung "Quang Trung", một bức đã được gửi lại sứ đoàn Tây Sơn cầm về Đại Việt. Trong Dụ am văn tập, Phan Huy Ích đã xác nhận điều này.
Bên cạnh đó, sử liệu cho thấy Càn Long có tình cảm quý mến đặc biệt với Quang Trung, có thể kiểm chứng qua nhiều thư từ trao đổi từ khi "Quang Trung" sang Thanh cho đến sau khi về nước. Ngoài ra, vị vua "Quang Trung" sang Thanh cũng đã gặp các sứ thần Triều Tiên, được họ miêu tả là người có ngoại hình "thanh tú". Nên không có chuyện vẽ xấu đi nhằm mục đích bôi nhọ, hay có mưu đồ gì khác.
Cuối cùng, vị vua ''Quang Trung'' sang gặp Càn Long là thật hay giả, sẽ quyết định tính xác thực của bức tranh chân dung này. Nếu Quang Trung sang Thanh là thật, thì bức tranh đương nhiên là vua Quang Trung rồi. Còn nếu "Quang Trung" sang Thanh là giả thì sao? Dĩ nhiên nhân vật được thể hiện trong bức tranh là vị vua giả thôi.
Trong trường hợp vị vua Quang Trung sang Thanh là giả, thì chính những nguồn sử liệu ghi nhận điều này, vẫn nhấn mạnh rằng, Quang Trung đã phải tìm người giống mình để thay thế sang Thanh. Vậy thì, chí ít, chân dung nhân vật đang gây tranh cãi ở đây, nhân vật trong tranh ấy vẫn gần với vị Quang Trung thật hơn cả, hơn là những bức tranh do người đời sau vẽ lại theo trí tưởng tượng.
Tran Quang Duc: Tranh chan dung 'Quang Trung' gan 'su thuc' hon ca hinh anh 2
Trang 76 trong tập catalogue của nhà Sotheby's cho thấy bức tranh vẽ "Nguyễn Quang Bình" đã đưa ra đấu giá năm 1981.
- Anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng bức tranh họa sĩ Mậu Bính Thái vẽ Nguyễn Quang Bình không giống những gì họ nghĩ về một vua Quang Trung oai hùng, khỏe mạnh?
- Chúng ta chỉ nên bàn luận dựa theo chứng lý khoa học, để xác định bức tranh liệu có phải ngụy tạo không, có mục đích xú hóa (bôi nhọ) không, việc người sang chúc thọ Càn Long là Quang Trung thật hay giả thôi, chứ chuyện niềm tin, hình tượng anh hùng, thuật tướng số là những điều khó có thể cùng bàn luận.
Khi bàn luận ở phương diện sử học để cùng nhau tiệm cận chân lý thì một tiền đề tiên quyết là phải tuân thủ các nguyên tắc của sử học, ví dụ như sự diễn giải hay phân tích phải dựa vào sử liệu và phương pháp được sử dụng phải đảm bảo khách quan, logic.
- Vậy theo anh, vị vua sang Trung Quốc là Quang Trung thật hay giả?
- Những nghiên cứu mới nhất của Nguyễn Duy Chính trình bày trong cuốn Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không (NXB Văn hóa – Văn nghệ) khẳng định rằng vị vua Quang Trung sang Thanh là thật.
Về mặt lý tính, tôi ủng hộ quan điểm của ông Chính, với những chứng lý thuyết phục ông đưa ra.
Tran Quang Duc: Tranh chan dung 'Quang Trung' gan 'su thuc' hon ca hinh anh 3
Sách của Nguyễn Duy Chính đưa quan điểm người sang Trung Hoa chính là vua Quang Trung.

Tranh luận lịch sử cần luận chứng, đừng lên án bằng cảm xúc, niềm tin



- Có ý kiến cho rằng khi anh đưa bức ảnh ra, mà anh không khẳng định đó là chân dung vua Quang Trung hay không, thì đó là cách công bố mập mờ, gây rối loạn học thuật. Anh nghĩ sao về quan điểm đó?
- Tôi cho rằng, thời đại ngày nay khác rồi. Học thuật không còn là một thứ kinh viện nằm yên trong các viện nghiên cứu nữa. Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay đã mạnh dạn chia sẻ những giả thuyết cùng tư liệu họ sử dụng qua mạng xã hội, qua đó, với sự tương tác với mọi người, luận chứng của họ thêm phần vững chắc.
Trong trường hợp này, Nguyễn Duy Chính là một chuyên gia về thời Tây Sơn, ông ấy nắm được nhiều sử liệu liên quan đến bức tranh chân dung Quang Trung, và đã tìm kiếm tranh này từ lâu. Cho đến khi tôi vừa chia sẻ lên mạng, Nguyễn Duy Chính lập tức tìm đến tôi và bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết. Điều này có lợi cho học thuật.
Dĩ nhiên, luôn có một luồng suy nghĩ nghiêm trọng hóa học thuật, tôi cũng tôn trọng suy nghĩ đó.
Có điều chúng ta lâu nay dường như đã quen với việc dạy học sử một cách máy móc. Lịch sử dường như chỉ còn là những câu chuyện kể, các nhân vật lịch sử cũng bị đơn giản hóa, hình tượng hóa..v..v.. Trong khi điều cần nhất ở giáo dục lịch sử là tư duy lịch sử khoa học.
Thậm chí khi đã được coi là anh hùng dân tộc, là bậc vua chúa mở nước, vô hình trung cũng trở thành những hình tượng bất khả xâm phạm. Trong khi giữa hình tượng lịch sử và nhân vật lịch sử qua góc nhìn của sử liệu và sử học, có một khoảng cách khá xa. Người ta chỉ có thể phân biệt được điều này khi họ có tư duy lịch sử khoa học, đáng lẽ phải được xây dựng từ khi còn trên ghế nhà trường.
- Vậy cái chúng ta cần ở đây là gì, để tránh tình trạng máy móc hóa lịch sử?
- Điều này phải sửa chữa từ tư duy giáo dục, cụ thể là giáo dục lịch sử. Nghĩa là giáo viên phải giúp học sinh hiểu chân lý trong sử học do nhà sử học tiếp cận chỉ có tính tương đối. Nó sẽ bị thay thế khi có sử liệu mới, nghiên cứu mới và ngay cả khi cùng sử dụng một sử liệu, với phương pháp, góc nhìn khác nhau các nhà sử học cũng có thể đưa ra những luận giải khác biệt.
Những luận giải nào có tính thực chứng, logic cao thì được giới học giả và công chúng công nhận rộng rãi và trở thành định thuyết. Nghĩa là chân lý được diễn ngôn chỉ có tính tương đối mà thôi. Điều đó thúc đẩy giới học giả liên tục khám phá và viết lại lịch sử.
- Theo anh, giáo dục lịch sử của chúng ta đang gặp vấn đề gì?
- Nhìn chung, giáo dục lịch sử cần phải thay đổi từ việc truyền đạt tri thức lịch sử thuần túy sang  huấn luyện học sinh tư duy và phương pháp nghiên cứu của nhà sử học. Có tư duy sử học và phương pháp sử học tốt sẽ là nền tảng để xây dựng phẩm chất công dân. Đấy là mục tiêu mà hầu như các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều hướng tới. 

Thu Hiền

https://news.zing.vn/tran-quang-duc-tranh-chan-dung-quang-trung-gan-su-thuc-hon-ca-post816815.html





1.

12:47 01/02/2018


Trước những nghi ngờ cho rằng bức chân dung vua Quang Trung do Trần Đức cung cấp không xác thực, nhà nghiên cứu vừa đưa ra nguồn gốc bức ảnh.

Cách đây không lâu, chân dung vua Quang Trung là vấn đề nóng gây tranh luận từ giới học thuật, nghiên cứu lịch sử tới nhiều độc giả. 

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức - người đưa ra bức ảnh chụp tranh vẽ chân dung vua Quang Trung, cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính - người khẳng định bức ảnh Trần Quang Đức cung cấp là một trong ba bức tranh vẽ vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ, đã nhận phản ứng dữ dội từ cộng đồng.
Tran Quang Duc chung minh khong cat ghep chan dung Quang Trung hinh anh 1
Bức ảnh chụp tranh vẽ với chú thích là vua Quang Trung gây bão tranh luận, thậm chí có người nghi ngờ đó là bức ảnh cắt ghép.
Nhiều người phản bác, khẳng định tranh vẽ người gầy gò, ốm yếu đó chắc chắn không phải chân dung vua Quang Trung, bởi thứ nhất, nó khác xa với hình dung về một Quang Trung cao lớn, oai hùng. Thêm nữa, nhiều nguồn sử sách cho rằng vua Quang Trung không sang dự lễ mừng thọ Càn Long; mà cử một nhân vật "đóng thế" đi thay. Bởi vậy, dù bức ảnh công bố có đúng là tranh vẽ vua nước Nam Quang Bình đi nữa, thì đó cũng không phải là chân dung thật của Quang Trung.
Ngay giữa tâm bão dư luận, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã lên tiếng giải thích, bức ảnh anh đưa lên vốn được một người bạn từ Trung Quốc gửi cho. Bức ảnh ấy được người bạn chụp từ cuốn catalogue của nhà đấu giá Sotheby, in hình những hiện vật được đấu giá vào năm 1981. 
Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngờ quanh lời giải thích này. Không chỉ có ý kiến phản bác, hai nhà nghiên cứu nhận nhiều lời chỉ trích. Thậm chí, một nhà nghiên cứu khác còn đưa ra nghi vấn, phải chăng bức ảnh mà Trần Quang Đức công bố là một bức ảnh chỉnh sửa bằng phần mềm photoshop, cắt ghép, không phải ảnh chụp trung thực.
Sau một thời gian giữ im lặng, mới đây nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã đưa ra tài liệu gốc của bức ảnh mà anh đưa lên Facebook. Anh công bố đã tìm được vựng tập đấu giá của nhà Sotheby's phát hành năm 1981. 
Tran Quang Duc chung minh khong cat ghep chan dung Quang Trung hinh anh 2
Tập catalogue phát hành năm 1981 của nhà Sotheby's có bức tranh vẽ "vua Quang Trung".
Theo tập Catalogue of Chinese Decorative Arts do Sotheby's phát hành, tại trang 76 có in bức ảnh chụp bức tranh, với lời giới thiệu: "Bức tranh chân dung bằng màu nước trên lụa vẽ vua An Nam mới lên ngôi, Nguyễn Quang Bình, đội mũ, mặc áo bào đỏ, với những con rồng vàng, cùng dòng niên đại 1790 (kích thước tranh 99cm x 56cm)".
Trần Quang Đức cung cấp thêm thông tin, trong cuốn Tử Quang Các thanh điểm họa tượng sách, cho biết vào năm Hàm Phong thứ tư (năm 1854), Tử Quang Các trong cung nhà Thanh vẫn lưu giữ 2 trục tranh chân dung An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình. Nhà nghiên cứu đoán rằng, việc bức tranh thất lạc, bị đưa ra ngoài có lẽ là sau khi liên quân tám nước chiếm Bắc Kinh vào năm 1901. Bởi khi đó, Bộ Tư Lệnh của liên quân tám nước được đặt tại Tử Quang Các, cũng chính là khu vực Trung Nam Hải, xung quanh có rất nhiều người phương Tây.
Vào thời Thanh, Tử Quang Các là nơi treo giữ các bức chân dung được coi là công thần của nhà Thanh, gồm 280 bức. Các bức họa này đều được vẽ theo trục dọc, gồm phía trên là lời đề tán, phía dưới là tranh chân dung. Hiện tại, những bức còn lại có thể biết đến chưa đủ 30 bức, hầu hết nằm trong các bộ sưu tập cá nhân, bảo tàng trong và ngoài Trung Quốc. Nhiều bức trong số đó cũng đã được Sotheby's phát mãi rải rác trong nhiều năm.
Tran Quang Duc chung minh khong cat ghep chan dung Quang Trung hinh anh 3
Trang 76 của tập catalogue có ảnh chụp tranh vẽ chân dung "Quang Trung", chứng minh bức ảnh mà Trần Quang Đức cung cấp không phải là ảnh cắt ghép, chỉnh sửa.
Cuộc tranh luận về chân dung vua Quang Trung bắt nguồn từ việc nhà nghiên cứu Trần Quang Đức công bố một bức ảnh, chụp bức tranh từng lưu tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh có ghi An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của vua Quang Trung khi ở bên nhà Thanh). Ngay tại thời điểm công bố bức tranh trên trang Facebook cá nhân, nhà nghiên cứu đã nhận định: "Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu hơn. Ít nhất cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với 'sử thực' hơn cả".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính từ tư liệu đó, đã khảo cứu thêm các chi tiết trong tranh như chi tiết trang phục đặc trưng của vua quan thời đó, đọc dấu triện trên tranh, đọc bài thơ ngự bút của vua Càn Long viết trên tranh, và đoán định bức tranh Trần Quang Đức công bố là ảnh chụp một trong ba bức tranh chân dung Quang Trung do vua Càn Long chỉ thị họa sĩ Trung Quốc vẽ trong thời điểm vua Quang Trung sang chúc thọ bát tuần vua Càn Long. Tác giả ba bức tranh này là họa sĩ Mậu Bính Thái và họa sĩ phụ tá là Y Lan Thái. Các khảo cứu trên đã được Nguyễn Duy Chính công bố. 
Thu Hiền
https://news.zing.vn/tran-quang-duc-chung-minh-khong-cat-ghep-chan-dung-quang-trung-post816595.html





---

Những entry liên quan đang đi trên blog này

Trần Quang Đức : Xuất xứ của tranh chân dung Quang Trung


Có thực người sang Trung Hoa năm 1790 là hoàng đế Quang Trung ? (Tc Xưa & Nay vs Nguyễn Duy Chính)

Nghị hòa giữa Càn Long và Quang Trung, thành ra thân thiết như cha con (bản 2015, của Da Màu)

Về dung nhan hoàng đế Quang Trung (bài mới của Trần Quang Đức)

Ngắm kĩ thêm dung nhan hoàng đế Quang Trung (đọc chậm tư liệu Nguyễn Duy Chính) - 2


- Chân dung vua Quang Trung (bài Nguyễn Duy Chính bản chính thức)

 Ngắm kĩ thêm dung nhan hoàng đế Quang Trung (đọc chậm tư liệu Nguyễn Duy Chính) - 1

- Doanh nhân đất Việt với công nghiệp du lịch biển miền Trung : trường hợp FLC Quy Nhơn

-  Thủ cấp của anh hùng Nguyễn Huệ và các huynh đệ ở đâu, còn tìm thấy được không (2)

-  Thủ cấp của anh hùng Nguyễn Huệ và các huynh đệ ở đâu, còn tìm thấy được không (1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.