Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

07/01/2018

Ngắm kĩ thêm dung nhan hoàng đế Quang Trung (đọc chậm tư liệu Nguyễn Duy Chính) - 1

Có một số bài của bác Nguyễn Duy Chính đã được đưa về blog này từ trước. Ví dụ ở đây (về nhân vật Lê Quýnh, đăng tháng 3 năm 2014). Bây giờ, thì thử đọc chậm tư liệu do bác mới đưa ra gần đây về dung nhan hoàng đế Quang Trung. Tựa như đang có "bão" trên không gian mạng về các tư liệu đó cùng diễn giải của Nguyễn Duy Chính.

1. Bài "Đã tìm ra chân dung vua Quang Trung ?" của Nguyễn Duy Chính, lần đầu tiên mình thấy là trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 4 (138) năm 2017. Trên cùng số tạp chí ấy, cũng có bài của mình (xem ở đây), ở ngay sau bài của Nguyễn Duy Chính.

Hôm nhận tạp chí (nguyên vật tạp chí được tòa soạn gửi từ Huế ra, hơi muộn vì bị thất lạc ở lần gửi đầu tiên), đã biết, nhưng mới chỉ xem nhanh được một lượt. Dĩ nhiên bản in trên giấy là bản chỉ có màu đen (nên các ảnh vốn có màu thì không được hiển thị đúng).

Ảnh lấy về từ Fb NTL

Bây giờ, Nguyễn Duy Chính đã cho đăng lại trên blog của anh Trần Đức Anh Sơn. Xem ở đây, mục 1.

Ít hôm nữa, sẽ có bản PDF của Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển chính thức đưa lên mạng. Khi đó sẽ bổ sung sau. Còn bây giờ, tạm dùng tư liệu trên blog TĐAS, vì về cơ bản là giống như bài trên tạp chí (điểm khác quan trọng là bản trên blog thì có màu, tiện lợi hơn bản đen trắng trên tạp chí in giấy).

2. Tôi không có chuyên môn sâu về thời Tây Sơn nói chung và Quang Trung - Nguyễn Huệ nói riêng, nhưng đọc bài của Nguyễn Duy Chính cũng đã thấy có nhiều chỗ mắc lỗi. Lỗi sơ đẳng cũng có, lỗi "chết người" cũng có.

Cần phải đọc chậm. Vì một phần tôi không có thời gian, lại cũng không phải mảng chuyên sâu.

Ví dụ lỗi sơ đẳng, thì nêu một cái thế này. Bài có đoạn sau (chép nguyên lại, tôi đánh dấu chỗ cần nhấn mạnh bằng bút màu):

"
Khi vua Quang Trung đem một phái đoàn hùng hậu sang Bắc Kinh dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ của vua Cao Tông [Càn Long], nhiều tài liệu của Trung Hoa và Triều Tiên nhắc đến ông nhưng chỉ nói về hành vi mà không miêu tả về dung mạo.
Sứ thần Triều Tiên Từ Hạo Tu [徐浩修] trong bộ Yên hành lục tuyển tập [燕行錄選集][9] chép:
Quang Bình cốt cách khá thanh tú, hình dáng bệ vệ xem ra khác hẳn với người ở Giao Nam. Thế nhưng các bầy tôi đi theo tuy hơi giỏi văn tự nhưng thân thể nhỏ bé, yếu đuối, ăn nói, hành động giảo trá khinh bạc.[10]
… Hôm đứng vào tế ban ở Tịch Nguyệt Ðàn nơi điện Thái Hòa mới thấy họ [tức sứ đoàn nước ta] mặc y phục bản quốc. Vua của họ đầu bịt khăn lưới,[11] đội thất lương kim quan [七梁金冠][12] mình mặc long bào bằng gấm màu, đeo đai bằng ngọc trắng. Tòng thần cũng quấn khăn, đội mão đen năm ngấn, thân mặc mãng bào hoặc màu xanh, hoặc màu tía, đeo đai vàng, hình trên áo bác tạp, lạ lùng trông như trong tuồng hát khác xa cổ chế nước An Nam.[13]

(((Chú thích:

[9] Seoul: Minjok Munhwa Ch’ujinhoe, 1976. Yên hành nghĩa là chuyến đi sang Yên kinh, một tên gọi khác của Bắc Kinh, thường được chỉ về việc đi sứ. Trong văn chương của nước ta cũng có những thi văn tập dùng hai chữ Yên hành hoặc như Yên của các sứ thần ghi chép khi sang Trung Hoa.

[10] Nguyên văn: 光平骨格頗清秀, 儀容亦沉[沈]重似是交南之傑. 然者從臣則雖稍解文字而軀材短小, 殘劣,言動狡詐輕佻 (Quang Bình cốt cách phả thanh tú, nghi dung diệc trầm trọng tự thị Giao Nam chi kiệt. Nhiên giả tòng thần tắc tuy sảo giải văn tự nhi khu tài đoản tiểu, tàn liệt, ngôn động giảo trá khinh diêu).

[11] Nguyên văn: đầu tạp võng cân [頭匝網巾]
[12] Theo hình vẽ nhà nghiên cứu Trần Quang Đức mới công bố, đối chiếu với hai bức tranh trong Thập toàn phu tảo và Vạn thọ trường đồ thì có thể nhận ra vua Quang Trung không đội thất lương kim quan như tên gọi môt loại mũ miện theo cổ phục mà là mũ Xung Thiên của vua chúa đời nhà Lê.
[13] Yên hành kỷ (燕行紀), Tuyển tập V, quyển II, phần nguyên văn chữ Hán.)))
"

Riêng đoạn trên đã mâu thuẫn rồi. Tác giả nói lấy được. Rõ ràng là ghi chép của phía Triều Tiên rất chú ý "miêu tả về dung mạo" của Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Huệ). Họ tả tổng quát rằng "cốt cách khá thanh tú, hình dáng bệ vệ xem ra khác hẳn với người Giao Nam", rồi lại tả cả lối ăn mặc, thêm nữa lại so sánh với đám bầy tôi theo hầu. Thế mà lại bảo là "nhiều tài liệu của Trung Hoa và Triều Tiên nhắc đến ông nhưng chỉ nói về hành vi mà không miêu tả về dung mạo" !

Cốt cách, hình dáng, lối ăn mặc, so sánh thân hình... thì không phải là miêu tả về dung mạo ?

Tôi chưa có điều kiện tra lại nguyên bản chữ Hán đoạn ghi của phía Triều Tiên ngay lúc này. Có thể sẽ còn cụ thể hơn nữa, vì tôi biết người Triều Tiên có thói quen đáng trân trọng là ghi về cái gì thì thường ghi rất cụ thể.

3. Cần nhắc thêm một lần nữa, về những nét dung mạo của Quang Bình, theo miêu tả của người Triều Tiên lúc đương thời đã gặp trực tiếp tại Bắc Kinh năm đó trong lễ mừng thọ Càn Long, là như sau:
- cốt cách (khá) thanh tú,
- hình dáng bệ vệ,
- nổi bật so với đám tùy tùng đi theo (vì bọn tùy tùng thì thân hình nhỏ bé).

Có thể mường tượng thế này: trong sứ bộ của Đại Việt sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm đó, Quang Bình nổi bật hẳn lên với thân hình bệ vệ. Nói vui một chút, theo ngôn ngữ bây giờ, là: Quang Bình "trông như Tây" giữa đám Việt đặc chủng thấp bé nhẹ cân.

Ấn tượng chung: Quang Bình là một gã to con, đẹp trai (thanh tú, ưa nhìn), phong độ.

4. Ở trên là nói ấn tượng chung về Quang Bình qua chính bản dịch các ghi chép của người Triều Tiên do Nguyễn Duy Chính công bố năm 2017 trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển.

Chú ý đến bản dịch công bố năm 2017 này, của cùng dịch giả Nguyễn Duy Chính.

Nói lại: đó là bản dịch năm 2017 của Nguyễn Duy Chính cho ghi chép của Phó sứ trong sứ bộ Triều Tiên năm đó (năm 1790) là Từ Hạo Tu [徐浩修] miêu tả về Quang Bình.

Vào năm 1790 đó, tại Bắc Kinh, đoàn sứ bộ Triều Tiên trong đó có Phó sứ Từ Hạo Tu đã thực sự trực tiếp gặp quốc vương Quang Bình cùng đàm tùy tòng. Hai bên có chung nhiều hoạt động với nhau, trao đổi qua lại bằng bút đàm.

5. Sở dĩ nhấn mạnh đến thời điểm công bố là năm 2017 như trên, bởi: nếu biết đọc Hán văn, chúng ta có thể thấy, ở bản năm 2017 này, Nguyễn Duy Chính đã dịch sai câu quan trọng của phó sứ Từ Hạo Tu. Thật ra, là cố tình dịch cho sai khác đi (cần đọc tiếp mục 6).

5.1. Nguyên văn Từ Hạo Tư viết: "光平骨格頗清秀, 儀容亦沉[沈]重似是交南之傑. 然者從臣則雖稍解文字而軀材短小, 殘劣,言動狡詐輕佻"

5.2. Phiên âm và dịch nghĩa của Nguyễn Duy Chính (bản năm 2017):
"Quang Bình cốt cách phả thanh tú, nghi dung diệc trầm trọng tự thị Giao Nam chi kiệt. Nhiên giả tòng thần tắc tuy sảo giải văn tự nhi khu tài đoản tiểu, tàn liệt, ngôn động giảo trá khinh diêu"

"Quang Bình cốt cách khá thanh tú, hình dáng bệ vệ xem ra khác hẳn với người ở Giao Nam. Thế nhưng các bầy tôi đi theo tuy hơi giỏi văn tự nhưng thân thể nhỏ bé, yếu đuối, ăn nói, hành động giảo trá khinh bạc.
"

5.3. Thật ra, nếu dịch đúng, thì phải như sau (bản dịch của Giao, ngày 8 tháng 1 năm 2018):
"Quang Bình [có] cốt cách khá thanh tú, dung mạo oai vệ, tựa như là hào kiệt của [đất/nước] Giao Nam. Tuy nhiên, đám bầy tôi theo hầu thì dù có hiểu biết chữ nghĩa kha khá, nhưng thân hình thấp nhỏ, yếu ớt, ngôn ngữ và hành động giảo hoạt láu lỉnh".

5.4. Có nghĩa là: Chỗ quan trọng nhất trong câu của Từ Hạo Tu là khen Quang Trung, rằng "tựa như là hào kiệt của nước Giao Nam" [ra dáng một bậc hào kiệt của Giao Chỉ ở phương Nam], thì đã không được Nguyễn Duy Chinh dịch đúng.

Không được dịch đúng, và chỗ ấy được thay bằng một lời dịch khác, là: "xem ra khác hẳn với người ở Giao Nam". Quả là nghĩa đã khác đi nhiều lắm rồi.

Tại sao lại thành ra như thế ? Dịch giả dịch sai, hay là cố tình dịch sai cho khác đi ?

6. Có lẽ dịch giả đã cố tình dịch cho sai khác đi, mà không phải là vô tình. Vấn đề ở đây không phải dịch sai do trình độ, mà là do sự cố ý.

Tại sao nói thế ?

Là bởi vì, 7 năm trước đó, vào năm 2010, cũng chính dịch giả Nguyễn Duy Chính đã công bố một bản dịch khác.

Cụ thể là trên số 6 (83) năm 2010, cũng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Nguyễn Duy Chính đã công bố bài viết Cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Triều Tiên và Đại Việt ở triều đình nhà Thanh năm Canh Tuất (1790) (xem toàn văn ở đây). Trong bài viết đó, có đoạn dịch như sau:

"

"

đoạn quan trọng đã được dịch đúng, là: "ra vẻ hào kiệt đất Giao Nam".

Có nghĩa là ở bản năm 2010 thì dịch đúng. Nhưng đến 2017 thì lại thành ra dịch sai.

7. Trên đây, mới đi vào một lỗi sơ đẳng theo nhìn nhận của tôi. Các lỗi khác, hay những vấn đề khác, sẽ được chỉ ra tiếp ở các kì sau đây.

Tuy nhiên, ở ngay lỗi được xem là nhẹ như trên, đã thấy một vấn đề không nhẹ sau:

- với tư cách tác giả (học giả) thì đã cố tình nói lấy được (cường điệu),

- với tư cách dịch giả thì đã tựa như cố tình dịch sai khác đi.

Nhưng dù thế nào, người đời nay có cố tình thế nào đi nữa, thì ấn tượng về Quang Trung như một hào kiệt của đất Giao Nam (thanh tú, oai vệ) qua ngòi bút miêu tả của sứ thần Triều Tiên năm 1790, như đã phân tích ở mục 3, vẫn không thay đổi.

Entry này đã dài, tạm dừng ở đây.

Các entry tiếp theo sẽ mở ra dần dần như mọi khi. Chúng ta cũng cần chờ phản hồi chính thức của học giả Nguyễn Duy Chính và những học giả có liên quan khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.