Về làng Trình Phố, trên blog này, đã có đi một bài của tác giả Vũ Thị Nga (xem lại ở đây, tháng 12/2016).
Các chí sĩ ở địa phương thời cuối thể kỉ XIX đầu thế kỉ XX, thì có thể nêu trường hợp tiêu biểu là cha con Ngô Quang Bích - Ngô Quang Đoan.
Hồi nhỏ, chúng tôi có khi còn mang gươm kiếm và các đồ dùng cũ của các cụ để lại ra chơi đùa, mà không hề biết rằng đó là những thứ quốc bảo !
Hồi nhỏ, chúng tôi có khi còn mang gươm kiếm và các đồ dùng cũ của các cụ để lại ra chơi đùa, mà không hề biết rằng đó là những thứ quốc bảo !
Gần đây, nhân dịp kỉ niệm Đông Kinh nghĩa thục, con cháu cụ Ngô Quang Đoan đã lên Hà Nội vào ngày giới thiệu sách mới xuất bản (đã đi ở đây).
Thư viện Quốc gia, tháng 7/2017. Trong ảnh, có ông bạn thời cấp một từng nhiều lần mang kiếm của các cụ chí sĩ họ Ngô ra để cùng chơi ! Bạn lớn hơn mình một chút, nhưng sau lại học cùng một lớp. |
1. Ngô Quang Đoan trong tài liệu nghiên cứu hiện nay thì được biết đã xuất du sang Nhật Bản, tức Đông Du, vào năm 1906 cùng với Nguyễn Hữu Cương và Đặng Tử Kính (nhóm Nguyễn Văn Khánh 2009).
Tới năm 1907, Ngô Quang Đoan trở lại Hà Nội để lo tài chính cho phong trào Đông Du. Thời điểm này, ông tham gia Đông Kinh nghĩa thục.
2. Vào năm 1905, cha con Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Sinh Cung/Nguyễn Tất Thành đã tới làng Trình Phố để gặp nhóm Ngô Quang Đoan.
Bởi vậy, anh Thành đã không có mặt ở Nghệ An, nên không gặp được nhóm bạn Nghệ An (nhóm Nguyễn Thức Canh) tới nhà anh rủ cùng đi Đông Du (đã đề cập ở đây, tháng 10/2016).
Bởi vậy, anh Thành đã không có mặt ở Nghệ An, nên không gặp được nhóm bạn Nghệ An (nhóm Nguyễn Thức Canh) tới nhà anh rủ cùng đi Đông Du (đã đề cập ở đây, tháng 10/2016).
3. Cũng năm 1905, trước khi đi Đông Du, bản thân thủ lĩnh Phan Bội Châu cũng đã tới làng Trình Phố để bái biệt cha mình. Người cha của Phan Bội Châu lúc đó đang dạy học tại Trình Phố.
Cha của Phan Bội Châu có tên quen gọi là Đồ Phổ. Cụ dạy chữ Hán ở làng Trình Phố lúc đó.
4. Tôn Trung Sơn cũng từng tới Thái Bình và cả làng Trình Phố để hội đàm cùng nhóm chí sĩ địa phương ở đây (đã đề cập ở đây, tháng 10/2013).
Tháng 7 năm 2017,
Giao Blog
---
BỔ SUNG
.
2.
http://vanhien.vn/news/Phan-Boi-Chau-voi-cac-chi-si-yeu-nuoc-o-Thai-Binh-38517
2.
Phan Bội Châu với các chí sĩ yêu nước ở Thái Bình
Trương Sĩ Hùng
Địa danh tỉnh Thái Bình chính thức có từ năm 1890. Song, cũng như các miền đất khác, trước khi có sự tách, nhập, thành lập tỉnh mới; về cơ bản Thái Bình cổ là các phủ, huyện thuộc trấn Sơn Nam Hạ. Nhà văn hóa lớn, chí sĩ yêu nước lừng danh Phan Bội Châu đã biết và viết về con người và lịch sử Thái Bình từ tác phẩmViệt Nam vong quốc sử (1905).
Trong Tiểu truyện các chí sĩ lúc nước mất(1)người đầu tiên Phan Bội Chau nói đến là Ngô Quang Bích(2). Ông viết: Nguyễn Bích người Nam Định đỗ Nhị giáp tiến sĩ. Người Pháp lấy Hưng Yên; Bích làm tuần phủ tử chiến giữ thành. Thành bị hãm; ông bỏ vợ con cùng nghĩa sĩ rút quân vào núi. Nhân dân toàn hạt Bắc Kỳ đều đứn dưới cờ chiến đấu luôn với Pháp hơn 2 năm. Đến khi chiếu Cần Vương ban xuống, ông bèn phụng mệnh đi sang Quảng Đông xin viện của bọn quân Thanh. Hoàng Đình Kính, Lý Tử Tài mưu lấy lại Tuyên, Lạng chiến tử với quân Pháp. Nhà Bích ở Nam Định cách Lạng Sơn 10 ngày đường, người Pháp tung tin ông chết là nói dối, liền bắt toàn gia. Bây giờ mẹ ông Bích đã 70 tuổi bị giam ở nhà pha liền năm không được tha. Quế Bích ở xã Trình Phố vì cớ Bích mà người Pháp bắt giam bọn hào dịch, tịch thu tài sản, muốn bó ép bắt cho được Bích phải ra đầu hàng. Một ngừi tận trung, cả làng bị giày xéo; cái nọc độc văn minh quá lắm vậy thay(3). Nhớ lại tuổi 17 thảo Bình Tây thu Bắc, tuổi 19 tổ chức đội Sĩ Tử Cần Vương; rồi mới hơn 4 năm trước 1906, Phan bội Châu tham gia Dư Đảng Cần Vương, mưu đánh úp thành Nghệ An (1901)(4) tác giả dường như tỏ nỗi niềm đồng cảm, mến phục người anh hùng dân tộc- vị lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương ở Bắc Kỳ và có lẽ cũng là một xuất phát điểm từ Ngô Quang Bích, một thi sĩ biết sử dụng gươm súng với kẻ thù còn giỏi hơn vũ lục cây bút, thuộc lớp trước Phan Bội Châu. Một xuất phát điểm mà phan Bội Châu đưa vào để nung nấu thêm lòng yêu nước, ngày thêm bền gan vững chí. Mối đồng cảm trân trọng đó khiến cho con cháu Ngô Quang bích về sau có người trở thành cộng sự với Phan Bội Châu.
Ngô Quang Đoan là con trưởng Ngô Quang Bích. Ông kém Phan Bội Châu 5 tuổi, từng là học trò của Phó bảng Trần Xuân Sắc, đã bao năm thánh nuôi hy vọng được gặp và đi theo Phan Bội Châu. Nhiều lần Ngô Quang Đoan đọc sách của Phan Bội Châu, nghe thầy ca ngợi, ông hằng ấp ủ trong thâm tâm mong cơ hội có ngày tiếp kiến. Nhưng rồi, đúng năm Ngô Quang Đoan 18 tuổi thì cha mất ở Hưng Hóa. Ông bỏ học lên rừng, nối nghiệp cha kháng Pháp. Trăn trở nỗi niềm yêu nước, ông tiếp tục củng cố lực lượng vũ trang khởi nghĩa của cha ở khắp vùng Hưng Hóa; mua sắm thêm vũ khí, giữ mối quan hệ với Lưu Vĩnh Phúc. Khoảng năm 1905- 1906, Ngô quang Đoan có dịp gặp ông Lưu ở Khâm Châu (Trung Quốc) trong gia phả của dòng họ Ngô ở Trình Phố có chép Ông (chỉ Ngô Quang Đoan) ở chỗ ông Lưu một ngày thì đáp tẩu đi Hương Cảng (…). Mỗi khi các tầu cập bến thì có ca nô của các khách sạn bám quanh tầu đón khách. Hành lý to hay nhỏ mỗi cái hai hào. Trong khách sạn có treo một chuỗi khóa đánh số. Muốn ở buồng nào thì cầm chìa khóa buồng ấy. Chủ quán mang quyển sổ to đến ghi tên hành khách, khi mở sổ đã thấy có tên Phan Thị Hán ở đấy hôm trước. Biết là ông Phan Bội Châu còn ở đây vì ông Đặng Tử kính mới đưa ông Cường Để sang, nên ông Phan Bội Châu từ Hoành Tân về đón. Đến sáng hôm sau, các ông ra phố thì gặp ông Phan Bội Châu và Cường Để(1).
Theo tài liệu trên thì mục đích đến Hoành tân của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Cường Để… và các cộng sự khác, trong đó có Ngô Quang Đoan là mong gặp Tôn Trung Sơn, mưu cầu trợ lực chống Pháp. Lúc này Tôn Trung Sơn đã sang Nhật. Vì vậy, ngay ở Hoành Tân, các ông Phan Bội Châu, Cường Để đã bàn tính cho một số người nên quay về nước, cổ động cho phong trào Duy Tân. Ngô Quang Đoan “mang thư của Phan Bội châu liên lạc với Đề Thám, nhằm vận động các đồng chí Cần Vương còn lại và kết nạp thêm người và Đông Kinh nghĩa thục, lại mang tờ hiệu triệu vad ảnh Cường Để, cổ động quyên tiền nhà giàu, nếu có kết quả thì lại sang. Phan Bội Châu và Cường Để tiễn ông ra tận bến tầu và ân cần dặn dò(2). Chắc là không gặp được Đề Thám, Ngô quang Đoan tự xoay xở, tìm cách hoạt động cho mình. Sau này trở về căn cứ địa Hưng Hóa, Ngô Quang Đoan nhiều lần viết thư, làm thơ giử Phan Bội Châu, nhưng có lẽ là không nối được mối liên hệ:
“Đằng đẵng bao năm nỗi đợi chờ,
Huyết lệ một dòng son vẫn chảy
Tâm thư mấy bức nét đậm mờ
Quan hoài đàm đạo còn ghi tạc,
Nghĩa cả câu thề chẳng dám ngơ(1)”.
Dĩ nhiên, khi chưa có một vị trí nổi tiếng, lại gặp lúc thực dân Pháp ráo riết canh phòng cẩn mật sau vụ đầu độc Hà Thành 1908, Ngô Quang Đoan đã gặp nhiều khó khăn phải chật vật nhiều hơn nữa thì sau thời điểm này mới có được thành tựu để lại. Song, nhất thiết hành động kiên trì vì sự nghiệp cứu nước cùng những sáng tạo văn học nghệ thuật còn lưu lại của Ngôn Quang Đoan là dòng chảy tâm huyết từ lớp cha anh, mà trực tiếp là Ngô Quang Bích và Phan Bội Châu với “câu thơ dậy sóng”.
Trở lên, chúng tôi đã giới thiệu mối quan hệ giữa Phan Bội Châu với hai cha con Ngô Quang Bích và Ngô Quang Đoan ở làng Trình Phố. Cha dấy cờ nghĩa yêu nước chống Pháp ở Bắc Kỳ nổi danh công trạng, con nối nghiệp xứng đáng và có xu hướng cách tân cùng trào lưu thời đại.
Các địa danh Trình Phố chừng 5 km, còn có một chi họ Nguyễn ở xã Động Trung, cùng huyện Kiến Xương cũ, cũng có những danh nhân được Phan Bội Châu ghi tạc công đức. Năm 1918, trong sách Việt Nam nghĩa liệt sử(2) (cùng viết với Đặng Đoàn Bằng) Phan Bội Châu viết về Nguyễn Hữu Cương với lời lẽ tuyên dương trân trọng: “Xứ Bắc Kỳ nước ta thành lãnh địa Pháp đến nay đã hơn ba mươi năm. Các đồng bào Bắc Kỳ giận giặc nổi dậy; tuy việc đáng chép khá nhiều nhưng cả nhà vì nước hi sinh, thì là nhà Nguyễn Cương (…). Cha ông là Nguyễn Kiến lúc đó làm án sát tỉnh, đem quân đánh giặc rồi chết. cuối năm Tự Đức, thành Nam Định bị mất lần thứ hai, con thứ ông Nguyễn Kiến là Nguyễn Bản ra sức đánh giặc giữ thành. Thành mất ông chết theo, tiếng một nhà trung liệt đến nay còn truyền mãi. Trong các con của Án sát, ông là con đầu. tính ông hào mai, tầm mắt thông suốt, có tài hùng biện. Lúc cụ Án sát tuẫn nạn, ông còn trẻ tuổi mà vẫn có chí phục thù cho cha. Lớn lên càng hăng, nhiều lúc mưu đánh giặc mà không được, nhưng chí vẫn không thay đổi.
Khoảng năm Bính Ngọ, Đinh Tỵ (1906- 1907) tân trào nổi lên, ông đi các tỉnh cổ động đồng chí, lại sai con đầu là Nguyễn Công Vân vào lính tập Pháp. Có người quen lấy việc phê bình ông, nhưng cái thâm ý của ông, người ngoại công không ai biết được. Năm Mậu Thân (1910), ông mưu với thổ binh đánh úp tỉnh Thái Bình. Việc bại lộ, ông và con là Công Vân đều bị đày vào thành Gia Định (…). Cháu ông là Công Úc, Công Tích cả thảy ba người đều mưu cửu sự mà bị giặc giết. Than ôi! Trong một gia đình mà ông cháu, cha con, chú cháu, đều chết vì nạn nước há lại không oanh liệt lắm ru.
Kết thúc mục tiểu truyện Nguyễn Cương, tác giả có bài thơ điếu, ở thực và luận của thi phẩm Đường luật rằng:
Nhất động giang sơn, hồn dục đoan
Bách ưu thân thế lệ không dư
Phụ huynh cừu phụ chung tàm ngã
Tử điệt tài thô uổng tích cừ.
Tạm dịch:
Một khúc non sông hồn muốn đứt
Trăm lo thân thể, lệ tuông trào
Thù cha anh giận không đền được
Con cháu tài hèn uổng biết bao.
Với người con Nguyễn Hữu Cương là Nguyễn Công Vân, vâng lời cha trá mình vào quân Pháp, nhằm nội công, rồi cùng cha mưu đánh giặc; không thành bị đi đày, chết bệnh ở xa quê, sách Việt Nam nghĩa liệt sử có đôi câu đối viếng.
“Trung hiếu hữu chân truyền, niệm Tổ quốc, niệm đồng bào, khởi nhân thiên thai di lão phụ- Anh hùng vô ấn bản, diệc ngoan dần diệc nghĩa sĩ quản giao sử bút diệc danh gia”.
Bản dịch của Tôn Quang Phiệt:
“Trung hiếu do truyền thống từ xưa, nghĩ Tổ quốc, nghĩ đồng bào, mở để bên trời quên lão phụ- Ai hùng không bản in để lại, cũng ngoan dân, cũng nghĩa sĩ rồi đây sử bút chép danh gia.
Ngoài quan hệ đồng thời, đồng chí hướng đánh giặc cứu nước; Nguyễn Hữu cương còn là anh vợ của Ngô Quang Đoan. Xem lời văn của Phan Bội Châu viết về Ngô Quang Bích và Nguyễn Mậu Kiến là cha của hai ông; thì rõ ràng mối quan hệ huyết tộc, truyền thống của hai chi họ ở một vùng đất Thái Bình thời cận đại, đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cứu quốc. Hồi ký của họ Nguyễn ở Động Trung cho biết: “Mùa xuân năm Bính Ngọ (1906) Nguyễn Hữu Cương đã bố trí cho Ngô quang Đoan và Đặng Tử Kính ra Hải Phòng rồi đi Hương Cảng. Ngô Quang Đoan được gặp Phan Bội Châu”(1).
Như vậy dù chưa có điều kiện đến tận nơi “thị sát” con người và mảnh đất Thái Bình, nhưng Phan Bội Châu đã nắm bắt một số tư liệu và viết thành sách khá chuẩn xác, nhằm cổ vũ quốc dân đồng bào hưởng ứng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau này, trong thời gian 15 năm, Phan Bội Châu ở Huế, con cháu Nguyễn Mậu Kiến tổ chức “quy lăng” tiên tổ, đã cử người vào gặp cụ, xin cụ viết bài kỉ niệm. Bài tán bia Mão Sơn (tên một gò đất ở Động Trung có dựng bia nói về công huân Nguyễn Mậu Kiên…) do Phan Bội Châu viết với những câu văn nghiêm cẩn.
“Nhớ cụ khi trước- khí cốt cứng cáp nghĩa hiệp kính thành- nghệ học quảng bác- của cho dùng chung- nhún mình giữ đức- giúp nước hết lòng- mệnh trời theo bước- nghiêm giữ thói nhà- để làm mực thước- giữ nắng mùa thu như tuyết mùa xuân- tay biên cuốn sách- khuân phép mười phần- danh thần hạnh nghĩa- tiếng khen xa gần- từ nay về sau- ai người nối chân”.
(Sào nam Phan Bội Châu bái đề)
Đó là các trang viết của cụ Phan Bội Châu về Thái Bình và những chí sĩ đất Thái Bình. Đáp lại thơ- văn Nam Định xưa, Thái Bình nay đã có và vẫn có những lời ca ngợi đẹp đẽ về nhà yêu nước lớn họ Phan.
(1) Phan Bội Châu toàn tập- Tập 2- NXB. Thuận Hóa- 1990. Về việc Nguyễn hay Ngô Quang Bích xin đọc Ngõ văn Trình Phố- NXB. Văn học- H, 1995.
(2) Phan Bội Châu toàn tập- Tập 2- NXB. Thuận Hóa- 1990. Về việc Nguyễn hay Ngô Quang Bích xin đọc Ngõ văn Trình Phố- NXB. Văn học- H, 1995.
(3) Phan Bội Châu toàn tập- Tập 2- NXB. Thuận Hóa- 1990. Về việc Nguyễn hay Ngô Quang Bích xin đọc Ngõ văn Trình Phố- NXB. Văn học- H, 1995.
(4) Chương Thâu- Phan Bội Châu- con người và sự nghiệp cứu nước- NXB. Nghệ Tĩnh- 1982.
(1) Ngô Quang Đoan- Cuộc đời và thơ văn- Nxb Văn hóa thông tin, H,1996.
(2) Ngô Quang Đoan- Cuộc đời và thơ văn- Nxb Văn hóa thông tin, H,1996.
(1) Tượng Phong thơ văn. Sở VHTT Vĩnh Phú 1987.
(2) NXb Văn học- H,1972, Bản dịch của Tôn Quang Phiệt.
(1) Nguyễn Mậu Kiến và những đóng góp của gia đình ông trong lịch sử- Sở VHTT Thái Bình 1994.
http://vanhien.vn/news/Phan-Boi-Chau-voi-cac-chi-si-yeu-nuoc-o-Thai-Binh-38517
1.
13/08/2012 00:00
Chí sĩ Tượng Phong Ngô Quang Đoan
QĐND-Làng Trình Phố thuộc xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, xưa có hai gò cây thiêng, tên là Gò Cá (Ngư Phong) và Gò Voi (Tượng Phong). Địa danh trở thành danh hiệu, khi bậc danh sĩ ở thế kỷ 19 của làng là Ngô Quang Bích: Đình nguyên Hoàng giáp Tiến sĩ - Tuần phủ Hưng Hóa triều Tự Đức, Lễ bộ Thượng thư - Hiệp biện Đại học sĩ - Hiệp thống Bắc Kỳ, quân vụ đại thần triều Hàm Nghi...
QĐND-Làng Trình Phố thuộc xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, xưa có hai gò cây thiêng, tên là Gò Cá (Ngư Phong) và Gò Voi (Tượng Phong).
Địa danh trở thành danh hiệu, khi bậc danh sĩ ở thế kỷ 19 của làng là Ngô Quang Bích: Đình nguyên Hoàng giáp Tiến sĩ - Tuần phủ Hưng Hóa triều Tự Đức, Lễ bộ Thượng thư - Hiệp biện Đại học sĩ - Hiệp thống Bắc Kỳ, quân vụ đại thần triều Hàm Nghi, chọn lấy “Ngư Phong” làm tên hiệu của mình. Còn người con trai là Ngô Quang Đoan thì noi theo cha, dùng nốt danh hiệu “Tượng Phong” để tự gọi.
Ngô Quang Đoan, 18 tuổi vào năm 1890, đang nổi tiếng ở quê nhà về sự học hành chữ nghĩa giỏi giang, sức vóc và tài cưỡi ngựa múa đao mạnh như thần, đàn dịch ca ngâm càng điêu luyện, thì tin dữ đã từ căn cứ Tôn Sơn ở giữa vùng rừng núi Yên Lập (Phú Thọ) - nơi đặt đại bản doanh chỉ huy phong trào yêu nước Cần Vương (giúp vua Hàm Nghi) chống thực dân Pháp xâm lược trên miền Tây Bắc đất nước và cả xứ Bắc Kỳ của cha mình bay về: Thủ lĩnh Ngô Quang Bích lâm trọng bệnh, đã từ trần!
Lập tức, Ngô Quang Đoan lội bộ một mạch từ Trình Phố lên Tôn Sơn. Để vừa làm lễ tế viếng cha trước nấm mồ mới đắp bên chân núi, giữa rừng già, vừa gặp gỡ các thuộc tướng trung thành của vị thủ lĩnh Cần Vương quá cố - những Đề Kiều, Đốc Ngữ, Lãnh Vân, Lãnh Hoan, Lãnh Gáo, Đốc Đen… lừng danh trận mạc đang trông chờ người kế vị ngôi chủ tướng để kế tục sự phát triển phong trào. Nhưng dứt khoát chối từ chuyện “cha truyền con nối”, lấy cớ mình còn ít tuổi, chưa có gì đóng góp cho phong trào, Ngô Quang Đoan chỉ xin được sát cánh cùng các thuộc tướng của cha mình, rèn tập việc chiến đấu, đấu tranh.
Tượng phong-Ngô Quang Đoan 1872-1945.
|
Và thế là 10 năm của giai đoạn đầu sự nghiệp nhà yêu nước tuổi 20 Ngô Quang Đoan, từ đây mở ra. Sự trẻ trung và sự tráng cường đã khiến người con trai của cố thủ lĩnh Cần Vương Ngô Quang Bích nhanh chóng dội vang những thành tích sôi nổi: Hết đánh những trận diệt thù ở Khả Cửu cùng tướng Đề Kiều; ở Suối Rút cùng các tướng Lãnh Vân, Lãnh Hoan; ở Nam Định cùng các tướng Lãnh Gáo, Đốc Đen… lại cầm đầu đoàn tải lương sang tận Trung Quốc mua sắm vũ khí, vận chuyển về cho nghĩa quân. Đặc biệt, lấy danh nghĩa con trai thủ lĩnh Cần Vương Tây Bắc và cả Bắc Kỳ, Ngô Quang Đoan đã nhiều lần vượt đường trường và hàng rào vây hãm của kẻ địch, vào sâu các vùng đồng bào thiểu số, đến tận căn cứ các dư đảng Cần Vương: Hương Khê, Bãi Sậy..., cả Yên Thế của Đề Thám nữa, nhóm lại và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh anh hùng. Đương thời, nhiều người yêu nước đều rất ấn tượng về một vị tướng trẻ Cần Vương (và “hậu Cần Vương”) cao lớn, tài hoa, hoạt động không biết mệt mỏi ở khắp nơi. Và, đi tới đâu thì để lại… thơ đến đấy. Như những vần điệu tráng chí nổi tiếng (dịch từ Hán Ngữ) khi vào tận Vũ Quang gặp Phan Đình Phùng:
Lòng son cứu nước tim ngời sáng
Gươm báu diệt thù chí ngút trời
Cha tôi ngày trước dựng cờ nghĩa
Ngày nay tôi tới nối cơ ngơi…
Nhưng đến những năm cuối cùng của thế kỷ 19, phòng trào Cần Vương rồi cũng bị kẻ thù dập tắt. Sang tới những năm đầu thế kỷ 20, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chuyển tiếp thành những hình thế mới. Ngô Quang Đoan lúc này đã vào tuổi 30, trưởng thành mà hòa mình được vào những trào lưu mới ấy: Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt Nam Quang Phục… Một gương mặt từ thời Cần Vương, bây giờ sáng lên cùng với những Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Tăng Bạt Hổ… của thời kỳ đấu tranh mới. Chí sĩ Ngô Quang Đoan, khi thì nấp dưới hầm than tàu thủy chạy từ Hải Phòng sang Hương Cảng, tóe máu chân trong đôi hài sảo rơm băng rừng tìm gặp tướng quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, cạo răng trắng thành “Bạch xỉ chân nhân” hộ tống hoàng thân Cường Để đi Nhật, bí mật trở về nước để cùng các sĩ phu, nhà tân học, làm thơ hỏi sông Bạch Đằng:
“Hồng giang trùng khởi lãng
Sát tặc thị hà thi?”
(Sóng Hồng gầm vang dội
Giết giặc đợi ngày nào?)
Hoặc lên tận đền Hùng, xin với vua Hùng:
Tinh linh phảng phất, Lăng còn đó
Đất nước tan tành, Tổ biết không?
Cầu khẩn xin cho soi xét lại
Mau mau cứu vớt giống Tiên Rồng !
Có đến hai lần bị giặc bắt nhốt cũi sắt, phải chứng kiến cảnh chúng chặt đầu người cùng hoạt động ở ngay bên cạnh nhưng Ngô Quang Đoan - đến khi các phong trào đấu tranh đầu thế kỷ bị một lần nữa thoái trào vẫn kiên trì bền bỉ, cả gan góc nữa, dấn mình tiếp vào sự nghiệp đấu tranh cứu nước. Ở về những thập kỷ thứ hai, thứ ba của thế kỷ 20, khi nhà chí sĩ đã đến tuổi năm, sáu mươi, có một sự nghiệp được giao từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục, mà chỉ còn một mình Ngô Quang Đoan lúc này thực hiện được. Ấy là: Tận tụy, miệt mài, lặn lội lên các vùng núi rừng thượng du, đồi gò trung du, khai hoang lập ấp trại, tạo cơ sở hậu cần cho những chiến sĩ bí mật hoạt động cách mạng. Hết ở Luống, Ngòi Lao (Phú Thọ) lại Tam Lộng, Bàn Long, Đạo Hoàng (Vĩnh Yên)… Các trang thực chất là doanh trại của nhà chí sĩ, hết bị hoang vu thú dữ, nước độc và bệnh tật tàn phá, lại bị giặc giã đánh sập…
Đến tuổi sắp “cổ lai hy”, chí sĩ Tượng Phong đã có 5 lần mất trại, lại 5 lần gây dựng tiếp. Và vào một đêm, giữa mịt mù hoang vắng trong căn nhà tre nứa giữa trại Đạo Hoàng dưới chân Tam Đảo, nhà chí sĩ với tay lấy trên vách xuống cây nguyệt cầm tự tạo. Và vừa gẩy mấy ngón đàn diệu vợi, vừa ngâm nga mấy câu thơ sầu lụy:
Trốn tránh bao năm sống chẳng an
Đêm thâu trằn trọc lệ tuôn tràn
Trăng hờn khuất bóng, mây mờ hận
Sương buốt gieo cành, gió khóc than…
Bất chợt nghe thấy có tiếng động bên ngoài. Và tiếng ngón tay gại vào vách nứa. Rồi một giọng nói thầm thì lọt qua khe cửa:
- Chúng tôi là các nhà cách mạng đi hoạt động qua đây. Nghe giọng đàn và tiếng thơ, biết ngay là bậc chí sĩ. Xin cho được vào bái kiến…
Đó là các đồng chí Xứ ủy viên Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Bùi Lâm, Trần Đình Long. Và tin vui liên tiếp báo: Mặt trận Việt Minh đã ra đời! Trào lưu cách mạng mới - Tân Trào - đang lên tới cao trào!
Chí sĩ Tượng Phong Ngô Quang Đoan từ đấy trở thành cơ sở cách mạng. Với những vần thơ hào sảng:
Bóng cờ Độc Lập bay rạng đất
Tiếng súng Liên Minh dậy khắp trời
Hùng hồn cổ vũ:
Cờ nghĩa đỏ tươi chờ gió mới
Kiếm mài sáng lóa giục đông qua
Và đoán chắc:
Trời Nam vùng dậy rợp cờ
Nước non còn mất bây giờ là đây
Cùng nhau diệt lũ khuyển Tây
Anh hùng thời thế ra tay chuyển vần!
Chỉ tiếc là người anh hùng - tự mình làm chiếc cầu nối từ lịch sử phong trào Cần Vương tới lịch sử Cách mạng Tháng Tám - đã không kịp trông thấy ngày Cách mạng thành công.
Nạn đói đầu năm Ất Dậu (1945), tuổi tác và đau yếu đã khiến nhà chí sĩ Tượng Phong Ngô Quang Đoan - ở năm thứ 74 của cuộc đời đã phải lìa đời để đi gặp và lần này thì gặp được người cha Ngư Phong Ngô Quang Bích, ở trên cõi Vĩnh Hằng.
Hôm ấy là ngày 8-7-1945. Một tháng trước ngày bùng nổ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
Viết nhân ngày giỗ cụ
ở Tiền Hải.
GS. Lê Văn Lan
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.