Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

23/07/2017

Cố Từ và từ điển Việt - Latinh mang đậm phong vị Nam Bộ, với bảng tra hiện đại

Cố Từ là tên Việt Nam của giám mục Taberd.

Vào thập niên 1830, cố Từ đã chỉnh sửa tập bản thảo từ điển Việt - Latinh (gồm cả chữ Hán và chữ Nôm) của giám mục Bá Đa Lộc soạn xong thời thập niên 1770. Rồi đem in ở Ấn Độ.

Đây là một cuốn từ điển quan trọng. Sau này, nhiều từ điển tiếng Việt phỏng theo. Đặc biệt, ngữ vựng trong cuốn này đậm chất Nam Bộ, bởi người biên soạn đầu cũng như người chỉnh sửa sau này đều sống lâu năm ở Nam Bộ.

Từ điển này được quen gọi là "từ điển Ta-bét" hay "từ điển cố Từ", hay "Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị".

Bây giờ, quĩ Nôm Na đã thực hiện xong phần mềm tra cứu dành riêng cho từ điển của Cố Từ. Một cách làm thật tiện lợi.



南 越 洋 合 字 彙 
DICTIONARIUM
ANAMITICO-LATINUM
ADITUM A J. L. TABERD





đây.
http://www.nomfoundation.org/nom-tools/Taberd-Dictionary?p=preface&uiLang=vn




2. Một ít tư liệu giới thiệu (lầy về từ trang mạng của Nôm Na).



Dictionarium Anamitico Latinum (Từ điển Taberd) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1838 tại nhà in của J.Marshnam ở Serampore Ấn Độ. Và lần tái bản gần đây nhất năm 2004, do Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học hợp tác xuất bản. Đây là cuốn từ điển cổ, quý hiếm ghi lại chữ Nôm, tiếng Việt cách ngày nay khoảng 200 năm, điều đặc biệt là do một Giám mục người Pháp AJ.L Taberd biên soạn. Từ điền Taberd có một vị trí và giá trị to lớn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, bảo tồn kho tàng tiếng Việt, chữ Nôm, đặt biệt trong đó có nhiều từ ngữ cổ mà ngày nay tiếng Việt không còn sử dụng nữa. Do vậy, việc tái hiện, số hoá xây dựng thành tài liệu điện tử theo nguyên bản là rất cần thiết, nhằm lưu trữ, bảo tồn, quảng bá rộng rãi.
Từ điển Taberd trực tuyến được xây dựng dựa theo bản in lại năm 2004, với phương pháp số hoá ở dạng ảnh, mục đích nhằm tái hiện nguyên bản. Có thể nói đây là một công cụ tra cứu rất hữu ích đối với những người nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn nói chung và những người nghiên cứu ngôn ngữ văn tự đặc biệt là chữ Nôm nói riêng. Từ điển Taberd được thực hiện với mục đích tra cứu trực tuyến theo nguyên bản dạng ảnh. Ngoài phần dẫn nhập và chỉ dẫn, chúng tôi tập trung xây dựng công cụ tra cứu cho hai mục chính:
1. Phần tra theo bộ thủ
2. Phần tra theo âm quốc ngữ
Phần tra theo bộ thủ người sử dụng chỉ cần tra theo bộ thủ và số nét còn lại thì chương trình sẽ tự động tìm đúng chữ đó theo trang, cột; phần tra theo vần abc có khác một chút, người dùng chỉ việc nhập từ quốc ngữ cần tìm kiếm. Đặc biệt ở phần sau cuốn từ điển liệt kê tên các vị thuốc đông y xuất hiện ở vùng An Nam thời kì đó và một số mục khác như danh mục bộ thủ, bản đồ… Điều đáng lưu ý, từ điển Taberd ghi lại tiếng Việt, chữ Nôm cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19, do vậy có nhiều chữ quốc ngữ được ghi khá cổ như: ym, yả, luựt, khuia, khuiếch, huiên…Hi vọng, cuốn e-book sẽ giúp các độc giả dễ dàng hơn trong việc tra cứu, tìm kiếm thông tin và đây sẽ là công cụ thiết thực với những người đã và đang học tập, nghiên cứu ngôn ngữ, văn tự Việt Nam. Từ điển Taberd trực tuyến sẽ không tránh khỏi những sai sót. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu từ các bạn độc giả trong và ngoài nước để chương trình được hoàn thiện hơn.




2). Lời nói đầu (lời giới thiệu của Mai Quốc Liên)

LỜI NÓI ĐẦU

Trên hành trình trở về với nền văn hoá dân tộc ("quốc học"), trở về với tiếng việt, chúng ta gặp nhiều công trình nghiên cứu của nhiều người ngoại quốc đã đến Việt Nam – nói rõ hơn là của các giáo sĩ, linh mục Phương Tây. Các vị ấy, trước hết do nhu cầu truyền đạo mà đã để tâm và đã bỏ công nghiên cứu rất nhiều về tiếng Việt, về chữ Nôm, chữ Hán; rồi xây dựng nên những Từ điển có giá trị về nhiều mặt. Từ điển A.de.Rhodes (Rome, 1651), Từ điển J.S.Theurel (Ninh Phú, 1877), Từ điển J.F.M Génibrel (Tân Định, 1898), Dictionarium Annamitico – Latinum của J.L.Taberd (Serampore, 1838)…chính là những công trình như thế. Nghiên cứu tiếng Việt, văn hoá Việt mà bỏ qua những từ điển này cũng như bỏ qua kho từ vựng chữ Nôm Girolamo Maiorica và các tác giả, tác phẩm gắn với Kito giáo khác thì vừa phiến diện vừa thiệt thòi. Huống chi, những công trình này thực chất có nhiều công sức của người Việt. Các vị ấy đã cung cấp tư liệu, ý kiến tham gia làm sách (như trường hợp chủng sinh Philiphe Phan Văn Vinh (về sau được phong Linh mục) đối với từ điển Taberd). Vì thế, giọt máu hồng của dân tộc ta rơi vãi trên con đường đi tới. Cho nên Trung tâm Nghiên cứu Quốc học chủ trương in lại các tác phẩm này, nhằm bảo tồn và phát huy vốn cổ quý báu, phục vụ cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, phục vụ cho việc nghiên cứu, việc tìm hiểu tiếng Việt, "thứ của cải vô cùng quý báu" của đất nước ta, nhân dân ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
* * *
Từ vị Annam – Latinh được in lần đầu năm 1838 ở nhà in của J. Marshnam, ở Serampore (Bengale). Theo "Ghi chú…"của Louis Malleret in kèm theo sau đây trong lần in này, thì tại Văn khố Chủng viện của Hội thừa sai hải ngoại (Séminaire des Missions Étrangeres), đường Du Bac ở Paris, có thủ bản của "Dictionarium Annamitico – Latium" do Giám mục Adran biên soạn. Ở cuối thủ bản, có viết: "Tác phẩm này khởi sự tháng chín năm 1772, được viết xong vào tháng 6 năm sau đó". Ở mặt sau tờ bìa, có một ghi chú khác do M. Boiret viết như sau: "Tự vị Annam – Latinh. Tác giả MRD Phêroo Joseph Georges Pigneaux, người Pháp xuất thân từ Chủng viện Hội thừa sai Hải ngoại Paris, Giám mục Adran. Đại diện Tông toà ở Cochinchine, Cambodia và Siam, qua đời ngày 9 tháng 10 năm 1799" (Arch. M.E.Paris.Vol.1060).
Cũng theo L. Malleret, "theo M.G.Taboulet, thủ bản của "Dictionarium Annamitico – Latium chỉ là một bản sao chép lại, bản gốc đã bị mất trong một trận hoả hoạn ở chủng viện giáo phận, mà Đức Giám mục đã cho chuyển dời về miền Cà Mau. Bản văn của Hội Truyền giáo Hải ngoại mang niên đại là năm 1772. Về sau, cũng theo tác giả trên, Giám mục Taberd đã soạn lại tác phẩm, với những ghi chú do vị tiền nhiệm khả kính để lại, và chính thành quả của công việc làm này đã được xuất bản ở nhà in của J.Marshnam, ở Serampore, năm 1838 (…). Khi so sánh với thủ bản gốc của quyển thứ nhất thì thấy rằng (Giám mục Taberd) thay đổi rất ít so với tác phẩm nguyên thuỷ".
Như vậy, để khảo cứu văn bản học tường tận hơn nữa, chúng ta phải đến Thư viện của Hội thừa sai Hải ngoại Paris để làm một đối chiếu, xác minh. Dù sao, những thông tin sơ bộ mà chúng ta có được là quý giá và đáng tin cậy. Việc trước mắt là phải in lại cuốn Từ điển trên, sau gần hai thế kỷ. Có một câu thành ngữ Latinh nói rằng: "Mỗi cuốn sách có một số phận riêng của mình". Liên hệ câu đó vào cuốn Từ điển này, càng thấy đúng.
Vậy là mấy năm nay chúng tôi đã tìm cách in lại cuốn Từ điển này. Nhưng tìm được bản gốc đáng tin cậy là việc không dễ dàng. Sau nhiều lần tìm kiếm ở các hiệu sách cũ để mua lại, hay tìm ở các tư gia, chúng tôi đều thấy những cuốn quá cũ, mất đầu mất đuôi. Trong khi đó, khó mà sắp lại chữ Nôm, nhất là sắp lại tiếng Latinh là thứ tiếng mà chúng tôi không rành. Để chụp lại, cần có một bản in còn tốt. May mắn là chúng tôi được "quí nhân phò trợ". Người đó là cụ Phan Lạc Tư Chi, một người yêu cổ học và có nhiều sách quí hiếm, đã mang đến biếu cho Trung tâm chúng tôi bản gốc cuốn Từ điển. Nhưng rồi, chúng tôi phát hiện bản này còn thiếu phần đầu với những dẫn giải bằng tiếng Latinh. Ông Nguyễn Đức Quí, một nhà Nôm học ở Hoa Kỳ (qua ông Nguyễn Quảng Tuân, Uỷ viên Hội đồng Khoa học Trung tâm) đã hết sức nhiệt tình liên lạc với nhiều bạn bè của ông ở Hoa Kỳ và Pháp để giúp cho việc tìm ra phần ấy, cũng như phần Ghi chú của L. Malleret (mà nguyên văn in trên Journal Asiatique, 3e serie, IX, 1940). Các ông TS Trần Văn Toàn (Paris), TS Phan Đình Cho (Washington D.C) cũng giúp rất nhiều ý kiến trong việc in lại. Ông Mai Bá Triều, cư trú tại Bỉ, mang về biếu tấm bản đồ "Annam đại quốc hoạ đồ" mà bản gốc của chúng tôi không có. Nhân đây, chúng tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự nhiệt tình của tất cả quý vị. Chúng tôi cũng in ở phần cuối sách, bài viết của GS. Trần Văn Toàn bên cạnh bài của L. Malleret do ông Nguyễn Đức Quí dịch, để các bạn rộng đường tham khảo. Chúng tôi xin cảm ơn "Quĩ Nôm" (Nôm Preservation Foundation) (do GS J. Balaban và TS Ngô Thanh Nhàn ở Hoa Kỳ chủ trương) đã đặt mua trước 200 cuốn, lần in này, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong việc xuất bản.
* * *
Cuốn Từ điển Anamitico – Latium này có một vị trí và một giá trị đặc biệt trong nền văn hoá nước nhà, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, tìm hiểu kho tàng tiếng Việt, trong đó có nhiều từ ngữ cổ, được ghi lại bằng tiếng Việt và chữ Nôm (phần ghi chú bằng tiếng Latinh cũng rất quí, nhưng ít thông dụng). Ngày nay, chúng ta đi vào lịch sử tiếng Việt, lịch sử Ngữ âm – từ vựng – ngữ pháp tiếng Việt qua những biến thiên, va đập, ảnh hưởng, phát triển và biến đổi…chúng ta vui mừng nhận thấy nó đã được nhân dân, được các nhà văn, các nhà bác học…rèn giũa để nó trở thành một thứ tiếng giàu đẹp, phong phú, diễn tả được mọi ý tưởng…Nhưng công việc bảo vệ và phát triển tiếng Việt, làm cho nó không bị pha tạp, biến chất… mà càng ngày càng giàu đẹp, trong sáng, cần đến sự nghiên cứu ở tầm xa, tầm cao, trong đó có việc kế thừa những thành quả của quá khứ. Từ điển này được biên soạn cuối thế kỉ thứ 18 (1772-1773), xuất bản đầu thế kỷ 19 (1838), đến nay cơ hồ tuyệt bản, đã ghi lại biết bao từ ngữ tiếng Việt thời đó để chúng ta nghiền ngẫm, đối chiếu. Đồng thời, cái quí giá là những chữ Nôm được ghi lại thời ấy, có một giá trị vô cùng quí về nhiều mặt (không chỉ thu hẹp trong lịch sử phát triển chữ Nôm, mà còn cho ta những hiểu biết về ngữ âm, từ vựng cổ). Đây là một kho tàng quí báu của quá khứ, của lịch sử. Khi những nhà nghiên cứu, những người yêu tiếng Việt và những người muốn tìm hiểu tiếng Việt trong cội nguồn có cuốn Từ điển này trong tay, chắc chắn các vị sẽ phát huy được hết tác dụng và giá trị của nó. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Mai Quốc Liên
GSTS VĂN HỌC
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học






---

BỔ SUNG

1. Một ghi chú của An Chi

Độc giả: Cũng là tác giả của quyển Dictionarium anamitico - latinum mà Phan Ngọc thì nói tên là “Contans Taberd” (Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh do Phan Ngọc bổ sung và sửa chữa, Nxb KHXH, Hà Nội, 1987, tr.16) còn Trần Nghĩa thì lại nói tên là “Ravier Taberd” (Một bộ từ điển Việt - La Tinh viết tay vào cuối thế kỷ XVIII vừa sưu tầm được. Nghiên cứu Hán Nôm, 1984, tr.127). Xin cho biết ai đúng ai sai? Xin cho biết thêm: Có phải quyển từ điển này có hai ấn bản, một in tại Serampore năm 1838 và một in ở Ninh Phú năm 1877 hay không?

An Chi: Về câu hỏi thứ nhất, chúng tôi xin trả lời rằng cả Phan Ngọcc lẫn Trần Nghĩa đều không chính xác vì tên họ của tác giả quyển Dictionarium anamitico - latinum in tại Serampore năm 1838 không phải là constans Taberd (“contans” có lẽ là do lỗi morasse), cũng chẳng phải Ravier Taberd mà là Jean Louis Taberd như đã có trả lời trên một kỳ KTNN. Nay xin nói rõ hơn như sau.
Dictionarium anamitico - latinum in năm 1838 tại Serampore là do Taberd hoàn tất từ công trình viết tay của Pigneaux de Béhaine, cũng tên là Dictionarium anamitico - latinum (1772-1773). Vì vậy nên nhan đề bản 1838 mới ghi rõ như sau: “Dictionarium anamitico - latinum, primitus inceptum ab Illustrissimo et Reverendissimo P.J. Pigneaux (...) dein absolutum et editum a J.L. Taberd (...)”, nghĩa là “Từ điển An Nam - La Tinh, nguyên là do Đức P.J. Pigneaux tối hiển danh và tối tôn kính khởi thảo, rồi do J.L. Taberd hoàn tất và công bố”. Khi bản Ninh Phú được ấn hành năm 1877 thì nó đã được giới thiệu như sau: “Dictionarium anamitico - latinum, ex opere Ill. et Rev. Taberd constans, necnon ab Ill. et Rev. J.S. Theurel (...) recognitum et notabiliter adauctum”, nghĩa là “Từ điển An Nam - La Tinh, cấu thành từ công trình của Đức Taberd tối hiển danh và tối tôn kính, rồi còn do Đức J.S. Theurel tối hiển danh và tối tôn kính hiệu đính và bổ sung một cách đáng kể”.
Vậy để trả lời cho câu hỏi thứ hai của ông, chúng tôi xin khẳng định rằng bản Dictionarium anamitico - latinum in năm 1877 tại Ninh Phú không còn hoàn toàn là của Taberd (Serampore, 1838) nữa vì nó đã được Theurel “hiệu đính và bổ sung một cách đáng kể”. Sau đây là mấy dẫn chứng cụ thể.
Mục “Giọt sành” trong bản Taberd 1838 là “Species locustae”, nghĩa là (một) giống châu chấu” còn trong Theurel 1877 thì lại là “Cicada major viridis nocte cantans”, nghĩa là “con ve sầu lớn hơn (= con bọ lớn hơn con ve sầu) màu xanh lục hay kêu vào ban đêm”. Nét nghĩa “hay kêu vào ban đêm” rất đúng với tập tính của con giọt sành và chứng tỏ rằng ở đây sự hiểu biết của Theurel sâu sắc hơn là của Taberd. Người ta sẽ còn phải ngạc nhiên thêm một lần nữa khi đọc đến cái thành ngữ (không có trong Taberd) mà Theurel đã ghi nhận “Nói xanh xánh như giọt sành” và dịch là “Insulsa ore continuo loqui”, nghĩa là “Không ngừng nói những lời nhạt nhẽo”. Và ngay tại chữ “giọt” thì Theurel cũng ghi nhận nhiều hơn Taberd đến 6 mục phụ.
- Tại chữ “Hỏa” mục “Hỏa mai” đã được Taberd theo sát bản 1772-1773 của Pigneaux de Béhaine mà dịch thành “Vestis ignita” (miếng vải bén lửa). Đến Theurel thì tác giả này đã hiệu đính thành “Restis ignita”, nghĩa là “ngòi dẫn lửa”, hoàn toàn đúng với nghĩa của hai tiếng hỏa mai, nghĩa là “cái mồi lửa”.
- Mục “Lận đận” trong Taberd là “Instabilis et inquietus”, nghĩa là “không ổn và không yên” đã được Theurel hiệu đính thành “Multum laboriosus”, nghĩa là “cực nhọc nhiều”. Rõ ràng là sát hơn.
Vì khuôn khổ của chuyên mục nên chúng tôi không thể nêu thêm nhiều dẫn chứng khác nhưng rõ ràng bản 1877 không phải là bản 1838. Vậy Phan Ngọc đã nhầm khi khẳng định rằng “quyển Dictionarium anamitico - latinum của Constans Taberd in lần đầu tại Serampor năm 1838 và in lần thứ hai năm 1877 do Hội truyền giáo Bắc Kỳ xuất bản” (Sđd, tr.16). Và càng thiếu trung thực hơn khi dùng bản 1877 của Theurel mà lại ghi rằng đó là bản của Taberd năm 1838 như Phan Ngọc đã làm khi “sửa chữa” Từ : điển Truyện Kiều. Tác giả Hoàng Dũng cũng nhận xét rằng “Phan Ngọc đã sử dụng cuốn 1877, chứ không phải cuốn 1838” (“Đè trong Truyện Kiều nghĩa là gì?”, Ngôn ngữ & Đời sống, số .1-1998, tr.18). Chính việc sử dụng bản 1877 của Theurel đà làm cho Phan Ngọc lầm tưởng rằng tên của Taberd là “Constans”. Như đã nói, bản này “ex opere Ill. et Rev. Tabere constans”, nghĩa là “cấu thành từ công trình của Đức Taberd tối hiển danh và tối tôn kính”. Constans, phân từ của động từ constare (cấu thành) là trung tâm của đoản ngữ La Tinh trên đây, đã bị Phan Ngọc lấy làm tên cho Taberd. Nếu ông dùng bản 1838, nơi trang bìa có ghi rõ tên họ của tác giả là “J.L. Taberd” thì ông đã chẳng đọc. chữ “J.”, hoặc chữ “L.” thành “Constans”.
Cuối cùng, tại sao Trần Nghĩa lại đặt tên cho Taberd là “Ravier”? Số là bên cạnh quyển Dictionarium anamitico - latinum (Từ điển An Nam - La Tinh) của J.S. Theurel ấn hành năm 1877, còn có một quyển từ điển La Tinh - An Nam ấn hành năm 1880, cũng tại Ninh Phú. Đó là quyển Dictionarium latino - annamiticum của M.H. Ravier. Trần Nghĩa đã lấy họ của Ravier làm tên cho Taberd

http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4324-4324-633761708436897982/Hoi-dap-Dong-Tay/Ten-tac-gia-quyen-Dictionarium-anamitico---latinum-in-o-Serampore-nam-1838.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.