Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

20/06/2017

Tọa đàm về ảnh hưởng của dân tộc học Nga - Xô, một số hình ảnh

Chi tiết về tọa đàm, thì xem ở các entry trước (ở đâyở đây)

Đưa nhanh hai cái ảnh đại diện tại phòng tọa đàm đang diễn ra.


Lúc 3 h 49 chiều, ngày 20/6/2017


Tọa đàm đã kết thúc lúc gần 6h chiều, sau một ngày làm việc khẩn trương.

Lời kết luận cuối cùng của nhà tổ chức tọa đàm: Sau tọa đàm, các diễn giả sẽ hoàn chỉnh các tham luận để biên tập thành sách xuất bản trong thời gian tới.


---




BỔ SUNG


.

1. Ảnh do Khoa Nhân học đưa lên Fb (21/6/2017)































2. Ảnh do Khoa Nhân học đưa lên website (đầu tháng 7/2017)



Thứ bảy, 08 Tháng 7 2017 09:25

Ngày 20/6/2017, Khoa Nhân học (Trường ĐHKHXH&NV) đã tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế “Những ảnh hưởng và dấu ấn của Dân tộc học Xô-Viết trong nhân học ở Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XX” tại Hội trường phòng 306 Nhà E.

Tham dự tọa đàm, về phía khách mời có: GS. TS Ngô Văn Lệ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGTPHCM, PGS. TS Cao Thế Trình - Chủ tịch Hội đồng Đại học Đà Lạt, PGS. TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, PGS. TS Vương Xuân Tình - Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cùng các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước như Đại học Khoa học Huế, Đại học Đà Lạt, Đại học Sư phạm Hà Nội…; về phía Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN có: GS. TS Nguyễn Văn Kim - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; cùng toàn thể các giảng viên, nhà khoa học tại Khoa Nhân học, Khoa Lịch sử và Khoa Triết học.
Tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu Nhân học từ các trường đại học, viện nghiên cứu
Truyền thống Dân tộc học theo mô hình Pháp đã được định hình ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Trong nửa sau thế kỷ 20, truyền thống Dân tộc học theo mô hình Xô-Viết từng bước được xây dựng, phát triển và có những đóng góp quan trọng cho nhà nước và xã hội. Từ đầu những năm 1990, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, Dân tộc học đã được chuyển đổi và phát triển thành Nhân học. Quá trình đổi mới, phát triển và mở rộng đối tượng nghiên cứu và đào tạo của ngành học vừa mạng lại những cơ hội mới, đồng thời cũng đặt ra nhu cầu hiểu rõ hơn về lịch sử của Nhân học Việt Nam từ cội nguồn cho tới nay. Do đó, Tọa đàm khoa học “Những ảnh hưởng và dấu ấn của Dân tộc học Xô-Viết trong nhân học ở Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XX” được tổ chức nhằm làm rõ hơn hình thức, mức độ ảnh hưởng và những dấu ấn của truyền thống Dân tộc học Xô-Viết trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của Nhân học ở Việt Nam. Cụ thể, nền học thuật Xô-Viết đã có những ảnh hưởng, đóng góp và để lại dấu ấn gì đối với Nhân học Việt Nam nói riêng, các ngành khoa học của đất nước giai đoạn nửa sau thế kỷ 20 nói chung?
Các nhà khoa học lúc coffee break
Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS. TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường) cho rằng, đóng góp của nền khoa học Xô-Viết với Việt Nam trong ba thập niên 60, 70, 80 là rất quan trọng. Những cán bộ học tập và công tác ở Liên Xô trong giai đoạn này đã quay trở lại Việt Nam và truyền lửa cho các thế hệ sau, tạo điều kiện hình thành nên truyền thống dân tộc học Xô-Viết ở nước ta. Di sản của các nền dân tộc học Xô-Viết là rất đồ sộ, đóng góp nhiều quan điểm nền tảng cho các bộ giáo trình, công trình chuyên khảo ở Việt Nam. Do đó, tọa đàm này có ý nghĩa học thuật rất sâu rộng. Nó không chỉ nhìn lại các di sản, đóng góp tiêu biểu của dân học học, nhân học Xô-Viết, mà còn khẳng định quá trình thích ứng một cách sáng tạo với khuynh hướng, trào lưu học thuật thế giới của giới học thuật Việt Nam. Phó Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới Quỹ Wenner-Gren đã tài trợ cho Tọa đàm này.
Tọa đàm gồm có 19 báo cáo và được chia thành 3 tiểu ban với nội dung chính như sau:
1. Ảnh hưởng và dấu ấn của Dân tộc học Xô-Viết trong Nhân học ở Việt Nam: Góc nhìn vĩ mô với một số tham luận như “Từ Dân tộc học Xô-Viết đến Dân tộc học Việt Nam: Nguồn chung, vốn riêng” của PGS. TS Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, ĐHQGHN); “Ảnh hưởng và dấu ấn Dân tộc học Xô-Viết trong Nhân học Việt Nam” của GS. TS Ngô Văn Lệ (Khoa Nhân học, ĐHQGTPHCM); “Di sản Dân tộc học Xô-Viết và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển của Dân tộc học Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp (Khoa Nhân học, ĐHQGTPHCM).
2. Ảnh hưởng và dấu ấn của Dân tộc học Xô-Viết trong Nhân học ở Việt Nam: Góc nhìn chuyên ngành và thể chế với một số tham luận như “Tác động của Khảo cổ học Xô-Viết đối với Khảo cổ học Việt Nam” của PGS. TS Lâm Mỹ Dung (Khoa Lịch sử, ĐHQGHN), “Ảnh hưởng của trường phái Dân tộc học Xô-Viết tại Trường Đại học Đà Lạt từ năm 1984 đến nay” của PGS. TS Cao Thế Trình (Đà Lạt).
3. Ảnh hưởng và dấu ấn của Dân tộc học Xô-Viết trong Nhân học ở Việt Nam: Góc nhìn các nhà khoa học với một số tham luận như “Liên Xô/Liên bang Nga với công tác đào tạo cán bộ cho Việt Nam – Vài nhận định” của PGS. TS Lê Văn Thịnh (Khoa Lịch sử, ĐHQGHN); “GS. Phan Hữu Dật: Ảnh hưởng và dấu ấn Dân tộc học Xô Viết đối với dân tộc/nhân học Việt Nam” của TS. Đinh Thị Thanh Huyền (Khoa Nhân học, ĐHQGHN).
GS. TS Nguyễn Văn Kim phát biểu khai mạc tại Tọa đàm
GS. TS Nguyễn Văn Kim và PGS. TS Lâm Bá Nam chủ trì tiểu ban 1 của Tọa đàm
Một số hình ảnh toạ trình bày, phát biểu trao đổi tại toạ đàm
PGS.TS. Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, ĐHQGHN)
GS.TS. Ngô Văn Lệ (Khoa Nhân học, ĐHQHTP.HCM)
PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp (Khoa Nhân học, ĐHQGTP.HCM)
PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh (Đại học Khoa học Huế)
PGS.TS. Lâm Mỹ Dung (Khoa Lịch sử, ĐHQGHN)
PGS.TS. Lê Văn Thịnh (Khoa Lịch sử, ĐHQGHN)
PGS.TS. Vương Xuân Tình (Viện Dân tộc học)
PGS.TS. Phạm Công Nhất (Khoa Triết học, ĐHQGHN)
PGS.TS. Nguyễn Văn Hưng (Khoa Triết học, ĐHQGHN)
PGS.TS. Phạm Khiêm Ích (Liên hiệp hội UNESCO Việt Nam)
TS. Nguyễn Trường Giang (Khoa Nhân học, ĐHQGHN)
TS. Nguyễn Thị Thanh Bình (Viện Dân tộc học)
TS. Lý Hành Sơn (Viện Dân tộc học)
TS. Đinh Thị Thanh Huyền (Khoa Nhân học, ĐHQGHN)
Ths. Trần Bích Hạnh (Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam)
Ths. Nguyễn Văn Điểu (Viện Sử học)
TS. Tạ Long (Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam)

TS. Chu Xuân Giao (Viện Nghiên cứu Văn hoá)

PGS.TS. Nguyễn Văn Sửu (Khoa Nhân học, ĐHQGHN) phát biểu tổng kết và bế mạc Toà đàm
Ghi chú: (i) Phần tin sử dụng bản tin của Trần Minh; (ii) Phần ảnh có dùng một số ảnh do Ths. Trần Bích Hạnh cung cấp.

http://nhanhoc.edu.vn/nghien-cuu-hop-tac/cac-hoat-dong-nghiem-cuu/587-toa-dam-khoa-hoc-quoc-te-qnhung-anh-huong-va-dau-an-cua-dan-toc-hoc-xo-viet-trong-nhan-hoc-o-viet-nam.html




---




BỔ SUNG




1.

Ảnh hưởng của KHXH Xô viết tới KHXH Việt Nam: “Nửa vời” về lý thuyết

23/06/2017 16:44 - Bảo Như
Khoa học xã hội (KHXH) Xô viết đã ảnh hưởng “bao trùm” lên KHXH Việt Nam trong giai đoạn 1950 – 1990 và còn nhiều dư âm cho tới tận ngày nay. Tuy nhiên, dấu ấn về lý thuyết lại không rõ ràng và “nửa vời”.

Đó là những nội dung chính được nhiều nhà nghiên cứu từ các chuyên ngành khác nhau như triết học, lịch sử, nhân học, khảo cổ, văn hóa học… thảo luận tại Hội thảo “Những ảnh hưởng và dấu ấn của Dân tộc học Xô-Viết trong nhân học ở Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XX” tại ĐH KHXH&NV Hà Nội ngày 21/6.

Những nhà KHXH tên tuổi như GS Trần Quốc Vượng, GS Hà Văn Tấn, GS Đặng Nghiêm Vạn… đều từng chịu ảnh hưởng nhiều hoặc ít từ học thuật Xô viết. KHXH Xô viết không chỉ ảnh hưởng lên KHXH Việt Nam mạnh mẽ trong giai đoạn từ 1950 – 1960 cho tới 1990, mà cho đến tận ngày nay vẫn dễ dàng tìm thấy dấu ấn của nền học thuật này. Học thuật Xô viết ảnh hưởng được lên KHXH Việt Nam thông qua hai con đường trực tiếp và gián tiếp: một số lượng lớn các nhà khoa học Việt Nam được đào tạo, truyền thụ bởi các nhà KHXH Xô Viết; còn lại là rất nhiều nhà khoa học chưa từng đặt chân tới Liên Xô nhưng lại được “truyền nghề” hoặc ngấm tư tưởng của nền học thuật đó một cách “thụ động” từ những người đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng học thuật Xô Viết.

Biểu hiện ảnh hưởng rõ ràng nhất của KHXH Xô viết thể hiện ở cơ cấu tổ chức của các viện chuyên ngành, định hướng chủ đề nghiên cứu và lý thuyết nghiên cứu, theo PGS.TS Vương Xuân Tình, nguyên viện trưởng Viện Dân tộc học (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Ví dụ, mô hình của Viện Dân tộc học rất giống với Viện dân tộc học Liên Xô khi phân chia các phòng ban: Phòng địa lý học tộc người, xã hội học tộc người, các nhà khoa học được đào tạo ở Liên Xô cũng thường nắm vai trò lãnh đạo chủ chốt ở Viện. Những chủ đề nghiên cứu mà nhiều nhà dân tộc học Việt Nam theo đuổi là phân loại, xác định thành phần tộc người, lịch sử tộc người, các đặc điểm kinh tế văn hóa của tộc người… vốn là “truyền thống” của dân tộc học Xô viết. Tuy nhiên, việc áp dụng lý thuyết của dân tộc học Xô viết lại “không rõ ràng lắm ngoài việc nói về nguyên tắc phải tuân thủ lý thuyết của Mác – Lê nin”. Tương tự, đối với ngành Khảo cổ học, theo PGS.TS Lâm Mỹ Dung, Trưởng Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử Đại học KHXH&NV: “Khảo cổ học Việt Nam chịu ảnh hưởng của khảo cổ học Xô viết nhưng điểm khác biệt căn bản là khảo cổ học Việt Nam không tiếp cận lý thuyết. Các GS Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng thường kiến giải các vấn đề bằng nền tảng kiến thức dày dặn của mình chứ không áp dụng ‘cứng nhắc’ ý thuyết Mác – Lênin”.

Lý giải về hiện tượng áp dụng lý thuyết trong KHXH Xô viết một cách “bối rối”, “nửa vời” hoặc “xanh vỏ, đỏ lòng”, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, Phó chủ nhiệm khoa Triết học, ĐH KHXH&NV Hà Nội, người đã từng học tập, nghiên cứu ở Liên Xô và CHLB Đức cho rằng: “Rất nhiều cán bộ được cử đi học tại Liên Xô và các nước Đông Âu không nắm vững một cách bài bản lý thuyết. Thậm chí tài liệu dịch thuật về lý thuyết trong KHXH Xô viết có rất nhiều điểm không chính xác. Ngoài ra, các nhà KHXH Liên xô và Việt Nam rất ít khi có dự án hợp tác nghiên cứu chung”.

Ngày nay, giới KHXH Nga đã cất lời “ai điếu” cho những lý thuyết cũ không còn phù hợp trong thời kỳ Xô viết và cơ cấu lại các cơ quan nghiên cứu. Các lý thuyết lớn như lý thuyết về tộc người – Ethnos phát triển những năm 1960 gây được ảnh hưởng lớn nhằm phân loại các cộng đồng tộc người trong lịch sử đã “lùi vào lịch sử” chứ không còn được áp dụng trong thực tiễn. Còn ở Việt Nam, từ sau 1990, KHXH Việt Nam đã bước vào giai đoạn hội nhập toàn cầu hóa và đang dần “giã từ” KHXH Xô viết, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV Hà Nội.

http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Anh-huong-cua-KHXH-Xo-viet-toi-KHXH-Viet-Nam-%E2%80%9CNua-voi%E2%80%9D-ve-ly-thuyet-10760


..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.