Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/08/2016

Tiếp tục câu chuyện hạt lúa thành Dền

Câu chuyện hạt lúa thành Dền gắn với tên tuổi của nhà khảo cổ học Lâm Mỹ Dung, thì blog đã có đề cập nhanh, ví dụ ở đây.

Bây giờ là những tiến triển tiếp theo hậu thành Dền.

Đầu tiên là tóm tắt của một bài học thuật trên Tạp chí Khảo cổ học số mới nhất.


"
Tạp chí Khảo cổ học số 2 – 2016
Dày 100 trang (cả bìa) – Khổ 19cm x 27cm


NGUYỄN THỊ MAI HƯƠNG

Bài báo đề cập đến một số phát hiện về những hạt thóc gạo ở di chỉ Thành Dền, huyện Mê Linh, Hà Nội (niên đại khoảng 3.000 BP), trong ngôi mộ gạch thời Lục Triều ở Ciputra, huyện Từ Liêm, Hà Nội (thế kỷ IV - VI) và đàn Xã Tắc, quận Đống Đa, Hà Nội (thế kỷ X). Thông qua phân tích hình thái các hạt lúa gạo và nghiên cứu so sánh, tác giả bước đầu xác định quá trình phát triển của các dạng lúa trồng ở Việt Nam và gợi mở khả năng liên quan đến các hoạt động sử dụng ngũ cốc trong nghi lễ mai táng thời bấy giờ trên vùng đất Thăng Long xưa”.

http://khaocohoc.gov.vn/tap-chi-khao-co-hoc-so-2-2016
"

Sẽ đưa toàn văn bài ở dạng chụp ảnh lên sau.



---

Bổ sung

3.

Những “báu vật” trong ngôi mộ cổ gần 2.000 năm ở Hà Nội


Ngôi mộ nhỏ có hoa văn “xương cá”, “trám lồng”. Nhưng một điều bí mật chưa được giải mã là ngôi mộ lớn có tới 40 chữ Hán cổ: bên trái là bộ “thổ”, bên phải là bộ “mộc”…

>> Bí ẩn về hai ngôi mộ cổ ở Ciputra
>> Khu làng cổ nghìn năm ở Hà Nội sẽ bị… xóa sổ?
>> Làng cổ mới phát hiện ở Hà Nội là làng “nhà giàu”

Việc phát hiện các ngôi mộ và giếng cổ dưới khu Ciputra, Hà Nội đang khiến người dân cả nước quan tâm vì những ý nghĩa lịch sử của nó. Còn các nhà khảo cổ thì rất phấn khởi khi tìm ra những hiện vật quý giá cho phép họ hiểu sâu hơn đời sống ông cha ta xưa.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đã thức đến 2 giờ sáng ngày hôm nay, 21/4 để kịp thời gửi tới chúng tôi bài viết về những điều thú vị trong hai ngôi mộ và giếng cổ.

"Cuộc khai quật khẩn cấp"

Mô tả ảnh.
PGS Nguyễn Lân Cường (bên phải) cùng các nhà khoa học khảo sát mộ cổ

Vào lúc 9 giờ 47 phút sáng 2/4, tôi nhận được điện thoại của TS Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng Ban quản lý di tích - danh thắng Hà Nội: “Anh Cường ơi! Anh thu xếp công việc và tới ngay gần cổng Ciputra sát đường lên cầu Thăng Long ấy. Họ vừa phát hiện ra mộ đấy. Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc đón anh ở đó”.

Cái bệnh nghề nghiệp nó là vậy, đã đam mê mộ cổ gần 50 năm, nên khi nghe xong tôi khoác vội tấm áo choàng và phi ngay xe máy với tốc độ… 60km/giờ lên Ciputra. Gần đến nơi tôi đã nhìn thấy một “vị Chủ tịch xã thật bảnh trai” đứng gần cổng vẫy vẫy tôi. Anh tự giới thiệu là Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch xã Đông Ngạc.

Chỉ cách cổng Ciputra về phía bắc khoảng 100 mét là thấy ngay công trường ngổn ngang đất đá, máy xúc đang đào bới của Xí nghiệp xây dựng số 1, thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Vừa lúc đó TS Nguyễn Doãn Tuân cũng lên tới hiện trường.

Anh Chiến báo cáo lại với chúng tôi đầu đuôi câu chuyện. Hoá ra từ 3 giờ chiều hôm trước, gầu xúc của đơn vị thi công trong khi đặt hệ thống cống ngầm ở độ sâu 2 mét đã quệt phải một hàng gạch làm lộ ra ngôi mộ thứ nhất, phía trong có lớp bùn dày khoảng 35cm phủ kín nền mộ. Thấy vậy họ đình lại và gọi điện báo về xã, rồi xã cũng đã báo ngay lên huyện, và huyện đã báo cho Ban quản lý Di tích-Danh thắng Hà Nội.

Sáng sau, lúc 8 giờ 30 phút, máy xúc định chuyển hướng cào đất tiếp ở cách chỗ cũ khoảng 1m50, thì không ngờ lại quệt phải nóc ngôi mộ thứ hai, làm vỡ một phần nóc mộ mà bên trong lộ rõ lớp bùn lấp tới gần một phần ba thành mộ.

Tôi bỗng linh cảm mộ đã lộ ra thế này thì kẻ gian dễ dòm ngó lắm. Một anh bạn làm ở công trường đứng gần đó nói: “Hôm qua nghe nói phía trong cùng của mộ có bài vị, thế mà sáng nay ra đã bị mất...”

Tôi bàn với anh Tuân, anh Chiến là ta nên khai quật ngay chiều hôm đó. Bằng điện thoại di động chúng tôi liên hệ với ông Phạm Hồng Khang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Thăng Long - đơn vị chủ đầu tư, người đã tạo mọi điều kiện cho tôi 6 năm về trước khi tôi nhận trách nhiệm phụ trách cuộc khai quật mộ hợp chất Cánh đồng Đào - phường Nhật Tân (Quận Tây Hồ).

Mô tả ảnh.
Hai ngôi mộ cổ phần lớn vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: XT

Ông Khang đồng ý cho tạm dừng thi công và cấp kinh phí để chúng tôi “xung trận”. Chủ tịch Chiến yêu cầu ngay công an xã đêm đó phải trực luôn. Có lẽ trong đời làm khảo cổ của mình, chưa bao giờ lại có một quyết định khai quật khẩn cấp nhanh như vậy.

Tôi gọi điện cho Viện trưởng Viện Khảo cổ học: PGS.TS. Tống Trung Tín và Phó Viện trưởng - kiêm Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Nguyễn Giang Hải để báo cáo. Các anh đồng ý để Hội Khảo cổ học đứng ra khai quật khẩn cấp 2 ngôi mộ cổ này như đề nghị của TS Nguyễn Doãn Tuân.

Tôi gọi điện cho TS Hà Văn Cẩn đề nghị anh cùng các bạn trẻ: Nguyễn Văn Mạnh,  Mai Thuỳ Linh trong Phòng nghiên cứu Khảo cổ học Lịch sử cùng tham gia khai quật. Tôi cũng lại gọi điện cho hoạ sĩ Võ Thanh Hưởng, hội viên Hội Khảo cổ học VN đề nghị chị sẽ chịu trách nhiệm cho các bản vẽ của cuộc khai quật.

Kể cả Nguyễn Anh Tuấn - một cán bộ trẻ Phòng nghiên cứu Môi trường - Con người cổ, đoàn khai quật sẽ có con số tròn 6 người. Chiều 2/4 tôi làm giấy phép cho Sở VHTTDL Hà Nội, đề nghị xin được khai quật khẩn cấp.

Những “báu vật” lộ diện…

Ngay chiều hôm đó, chiếc bình gốm khá to nằm nghiêng trên một đĩa gốm đã được phát hiện ở sát cửa mộ lớn. Bùn trong mộ này nhão nhoét, rất khó làm và phải thận trọng, nếu không là sẽ dẫm phải hiện vật. Tôi bàn bạc với anh em trong đoàn là cuộc khai quật phải gắng đạt được các mục đích sau:

+ Kết cấu của 2 ngôi mộ này có khác gì các ngôi mộ thời Bắc thuộc đã phát hiện ở nơi khác (Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều, Kinh Môn, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang…?)

+ Thu thập và nghiên cứu bộ sưu tập hiện vật trong 2 mộ.

+ Niên đại của 2 ngôi mộ ra sao?

Trời đất đã ủng hộ chúng tôi. Suốt hơn nửa tháng khai quật, không hôm nào bị mưa to, hay nắng gắt. Hiện vật thì xuất lộ ngày càng nhiều. Chỉ thương mấy cán bộ công an huyện Từ Liêm và xã Đông Ngạc nằm trong nhà bạt, gió mạnh quá không mắc được màn, muỗi đốt suốt đêm, mà vẫn lo ngay ngáy “mất hiện vật của bác Cường ở trong mộ”.

Cuối cùng bàn bạc với anh Chiến chủ tịch xã Đông Ngạc và cô Huyền - Phó trưởng Phòng văn hoá Huyện Từ Liêm, chúng tôi quyết định đánh dấu vị trí các hiện vật trong mộ và đưa toàn bộ số cổ vật về bảo quản tại Phòng văn hoá Huyện Từ Liêm, trong một két sắt vững chắc mới toanh do Công ty TNHH Nam Thăng Long vừa sắm cho.

Mô tả ảnh.
Giếng cổ tìm thấy cũng chứa nhiều bí ẩn. Ảnh: XT

Hai ngôi mộ xuất lộ dần, từng hàng gạch được làm sạch. Ngôi mộ to: dài 4,7m; rộng 2,15m và cao 1,9m. Ngôi mộ bé: dài 3,9m; rộng 1,2m và cao 0,95m. Các bạn trẻ trong đoàn đã tìm được biên mộ và phân biệt rất rõ đất cái hoàng thổ và đất lấp mộ.

Tôi chụp tới hơn trăm bức ảnh, nhưng đang loay hoay tìm chỗ đứng để chụp tổng thể từ trên cao xuống 2 ngôi mộ, thì anh Tuấn lái máy xúc bảo tôi: “Chú trèo vào gầu xúc đi, cháu sẽ cho chú lên tận…trời xanh, tha hồ mà chụp nhé”.  “Ôi! Ý tưởng tuyệt vời” - Tôi đáp và nhanh chân leo tọt vào trong gầu xúc. Chiếc gầu nâng dần độ cao, tôi bấm máy lia lịa, mãi lúc sau nhìn xuống bên dưới thì thấy các bạn Tuấn, Mạnh, Linh cũng đang chĩa máy hướng vào… tôi bấm tanh tách. Có lẽ đó là bức ảnh khá độc đáo của tôi ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”!

…và những bí mật bên trong mộ cổ

Chỉ ngay mấy ngày đầu khai quật tôi đã thấy điều phân biệt của ngôi mộ cổ này với các ngôi mộ khác, chính là chạy dọc theo bên ngoài nóc mộ là hàng gạch khoá vòm mộ. Trông từ trên xuống, 2 ngôi mộ cổ như 2 con cá nằm song song với nhau theo hướng tây bắc - đông nam và đều có “dải vây cá trên lưng”.

Ngôi mộ cổ to như gian nhà mà tôi được khai quật cùng nhà khảo cổ lão thành Đỗ Văn Ninh ở Quảng Ninh vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, cũng như những ngôi mộ khác ở Hải Dương... chưa bao giờ thấy “hàng gạch khoá mộ” như 2 ngôi mộ ở đây.

Mô tả ảnh.
Những dòng chữ cổ trong ngôi mộ lớn. Ảnh: PGS Nguyễn Lân Cường

Trong ngôi mộ lớn, xen giữa những dìa bên của các viên gạch là mẫu trang trí hoa văn “đồng tiền” và hoa văn “trám lồng”. Còn ngôi mộ nhỏ hầu hết là có trang trí hoa văn “xương cá” một số nhỏ là “trám lồng”. Nhưng một điều bí mật chưa được giải mã là trong ngôi mộ lớn có tới 40 chữ Hán cổ: bên trái là bộ “thổ”, bên phải là bộ “mộc”.

Tôi đã tìm gặp những “cây đa, cây đề” trong ngành Hán học (chứ không phải là Hán nôm như có báo đã đăng hôm 20/4) để hỏi về chữ cổ này, nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời. Giá 2 bộ đổi chỗ cho nhau thì chẳng cần bàn cãi, vì đó là chữ “đỗ”.

Mô tả ảnh.
Ký hiệu bí ẩn từ xa xưa vẫn chưa có lời giải đáp. Ảnh: PGS Nguyễn Lân Cường

Trong ngôi mộ lớn tổng cộng tìm thấy 28 hiện vật: 16 bát, đĩa, bình gốm có men và không có men, 9 chiếc đinh sắt đã bị rỉ, 1 hạt chuỗi thuỷ tinh màu xanh (không phải một “chuỗi hạt” như có báo đã đưa tin), một phiến đá dẹt hình chữ nhật vuông vắn màu xanh nhạt, mà theo nhà thạch học Lê Thị Thu Hương thuộc loại đá phiến xanh. Một bát đồng rất mỏng đã bị vỡ nát.

Phát hiện thóc và gạo cổ

Đặc biệt, ngay sáng 6/4, ở lớp bùn đáy mộ, Nguyễn Anh Tuấn đã phát hiện ra một lớp gạo, thóc cháy.  Chúng tôi báo ngay cho Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hương - Trưởng phòng nghiên cứu Con người - Môi trường cổ Viện Khảo cổ học. Chị đã lên ngay lấy mẫu phân tích.

Hôm sau khi chỉnh lý những đồ gốm tại Phòng văn hoá huyện, chúng tôi lại phát hiện 2 bát nhỏ, khi nạo hết bùn ở lớp trên lộ dần ra những hạt gạo, thóc cháy. Ngày 10/4, Trưởng phòng Mai Hương gọi điện thông báo cho tôi giọng hồ hởi: “Rất hay Thầy ạ”. Bên chiếc kính lúp với độ phóng đại lớn chị đã chụp và đo đạc được những hạt thóc, gạo cháy này. Một số hạt thóc còn giữ được cuống và một phần vỏ trấu. Hạt thóc và gạo thuộc dạng hạt bầu đến tròn (tỉ lệ dài/rộng 1,7 - 2,5mm).

Mô tả ảnh.
Thóc cổ trong bình. Ảnh: PGS Nguyễn Lân Cường

Ngôi mộ nhỏ chỉ vẻn vẹn có 5 đồ gốm, trong số đó đặc biệt có bình gốm đầu gà rất đẹp còn rõ cả mào, mắt và đuôi gà. Có lẽ đây là hiện vật quý nhất trong lần khai quật này.

Cả 2 ngôi mộ đều không có dấu vết của gỗ quan tài và di cốt người. Theo tôi đã bị tiêu hết như phần lớn các mộ táng thời Bắc thuộc ở Việt Nam.

Tôi nhớ mãi hôm sinh viên Trường Đại học văn hoá tới thăm khu mộ có em sinh viên hỏi tôi: “Thưa Thầy! Sao quan tài và xương bị tiêu mà hạt gạo lại còn”? Một câu hỏi rất thông minh. Tôi đã giải thích cho em rằng: nước ngấm vào trong mộ qua khe nứt tạo nên một lớp bùn mỏng ở đáy mộ, chính nó đã bảo vệ cho hạt thóc, gạo cháy không bị phân huỷ.

Ngược lại quan tài và di cốt đã bị tiêu vì có một khoảng không trong mộ, đó là môi trường tốt để vi khuẩn phân huỷ chẳng những chỉ có di cốt mà cả quan tài nữa.  Lẽ dĩ nhiên đinh sắt thì … “bọn đó” không “gặm” được.

Dựa vào kích thước của những viên gạch xây mộ, các đặc điểm của đồ gốm, chúng tôi cho rằng cả 2 ngôi mộ đều thuộc thời “Lục Triều” có niên đại trong khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6. Mặc dù ngôi mộ to có sớm hơn ngôi mộ nhỏ một chút".

Các chuyên gia lịch sử hàng đầu của Việt Nam đều "khen" mộ cổ

Chiều 14/4, tôi mời các nhà khảo cổ và lãnh đạo của huyện Thường Tín, xã Đông Ngạc, thôn Nhật Tảo, cũng như Lãnh đạo của các đơn vị đang thi công lên thăm 2 ngôi mộ cổ.

Từ các Phó Giáo sư, Tiến sĩ như: Tống Trung Tín, Diệp Đình Hoa, Phạm Minh Huyền, Trịnh Sinh, Phạm Quốc Quân, Nguyễn Văn Hùng, Trình Năng Chung, Vũ Quốc Hiền, Lại Văn Tới, Nguyễn Kim Dung… đến các vị lãnh đạo của huyện, xã, và những em sinh viên đang  học tại trường Đại học văn hoá, ai cũng khen 2 ngôi mộ thật tuyệt vời.

Mọi người đều có chung một đề nghị phải giữ lại 2 ngôi mộ cổ này. PGS.TS. Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ học phát biểu: “đây là 2 ngôi mộ rất hay, hầu như chưa bị kẻ gian phá huỷ để trộm cắp hiện vật như nhiều ngôi mộ khác ở quanh vùng. Các hiện vật thu được càng làm rõ hơn những nhận thức về táng thức của thời Lục Triều, ngay sát ở ngoại vi thành Thăng Long xưa…”

Anh em trong đoàn khai quật được khen thì mừng lắm, đó là những lời động viên để anh em vượt qua mọi khó khăn với những bữa cơm hộp, hay giấc ngủ trưa ngắn ngủi mà “giường hảo hạng và riêng biệt của họ” là những ống cống ngay cạnh hố khai quật..

(còn nữa)

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường
VTC News
http://megafun.vn/tin-tuc/trong-nuoc/201104/nhung-bau-vat-trong-ngoi-mo-co-gan-2000-nam-o-ha-noi-130616/?mode=mobile





2.


Khám phá 2 mộ cổ ở Ciputra


 – Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận định: có thể còn có thêm nhiều ngôi mộ cổ có niên đại tương đương, nếu như tiếp tục khai quật tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội).
XEM VIDEO TẠI ĐÂY
Nhật Tảo có thể có một quần thể mộ cổ!?
Sự kiện hai ngôi mộ cổ được tình cờ phát hiện sau đó được khai quật đã khiến dư luận chú ý thời gian qua. Theo đó, đây là hai ngôi mộ có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 6 (thời kỳ Lục Triều – sáu triều đại phong kiến Trung Quốc tương ứng với thời kỳ đầu Bắc thuộc ở Việt Nam) và chắc chắn là hai ngôi mộ của người Hán.
Hai ngôi mộ cổ thời Hán được khai quật tại Nhật tảo - Ảnh: Kiên Trung

Trao đổi với VietNamNet – PGS.TS Nguyễn Lân Cường, người trực tiếp tham gia khai quật hai ngôi mộ cổ này khẳng định: đây là hai ngôi mộ cổ rất đặc biệt và là “của hiếm” đối với công tác nghiên cứu, khảo cổ học, bảo tồn – bảo tàng của Việt Nam.

Lý do: hai ngôi mộ này gần như còn nguyên vẹn: kiến trúc vòm, xây dựng bằng gạch của người Hán (thứ gạch nhỏ và mỏng); các hiện vật cũng hầu như còn nguyên vẹn…
Hai ngôi mộ nhìn theo chiều ngang. Đây không phải là ngôi mộ được mai táng kiểu song táng mà là hai ngôi mộ riêng biệt nhau - Ảnh: Kiên Trung

Hiện tại, tất cả các hiện vật được khai thác từ hai ngôi mộ này đang được niêm giữ trong két sắt của Phòng Văn hóa – thể thao – du lịch huyện Từ Liêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối để phục vụ công tác nghiên cứu về sau.

Căn cứ trên các hiên vật thu giữ, hiện trạng hai ngôi mộ, kiến trúc, cách xây dựng…, PGS.TS Cường khẳng định: hai ngôi mộ này cách nhau một thời gian. Chủ nhân của hai ngôi mộ chắc chắn thuộc tầng lớp thượng lưu. Nếu không phải người Hán thì cũng là quan lại người Việt làm cho người Hán, hoặc tầng lớp người Việt giàu có thời kỳ bấy giờ. Tầng lớp người Việt thường dân không thể có kiểu mai táng “xa xỉ” như thế này.
PGS.TS Nguyễn Lẫn Cường: "Kết cấu lớp gạch xếp mái vòm trên hai ngôi mộ rất kỳ lạ" - Ảnh: Kiên Trung

Đối với ngôi mộ thứ hai (ở địa thế cao hơn chừng 1m so với ngôi mộ lớn): diện tích vòm mộ hẹp hơn, thấp hơn và chạy dọc. Có thể, áo quan khâm liệm người chết được làm giống như một chiếc thuyền độc mộc, hoặc làm từ một thân cây. Kiến trúc vòm bên ngoài được xây dựng dựa trên hình dáng của chiếc áo quan người chết được an táng.

Cách khu vực khai quật được hai ngôi mộ cổ chừng gần 100 mét về phía Nam, sát với khu vực đường dẫn xe máy lên cầu Thăng Long là khu vực phát hiện một chiếc giếng cổ.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận định: đây chắc chắn là chiếc giếng ngọt lấy nước sinh hoạt. Do đó, đây có thể là một khu vực quần cư của một đơn vị hành chính thời cổ. Nếu tiếp tục mở rộng khai quật, có thể còn có thêm nhiều mộ cổ khác.
Cũng theo ông Cường: trong lịch sử, vùng Nhật Tảo là một vùng đất rộng ven sông Hồng – địa điểm quần cư quen thuộc và truyền thống của người Việt. Các bô lão ở đây cho biết: trước đây khu vực Nhật Tảo có nhiều đống, ụ… Sau đó, những đống, ụ này được san phẳng để người dân canh tác. Những đống, ụ đó có thể là phần mu, gò nổi lên của các ngôi mộ cổ nói trên.
Đã có phương án bảo tồn hai ngôi mộ cổ
Tính từ thời điểm ngày 1/4 khi bắt đầu phát hiện được hai ngôi mộ Hán cổ, công tác khai quật, nghiên cứu đã được tiến hành gần ba tuần. Ngày 14/4, đơn vị thi công tại Nhật tảo lại tiếp tục phát hiện một chiếc giếng cổ.
Khi thi công đường ống thoát nước, đơn vị thi công tình cờ "va" phải vòm của một trong hai ngôi mộ.

Căn cứ trên hình dạng viên gạch sử dụng làm chất liệu dựng thành giếng, cách sắp xếp, chồng… gạch khít nhau…, đánh giá ban đầu cho thấy: chiếc giếng cổ cũng có niên đại cùng với niên đại của hai ngôi mộ cổ.

Trao đổi với VietNamNet sáng ngày 20/4, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho hay: ông đã đề xuất ba phương án bảo tồn hai ngôi mộ cổ.
Thứ nhất, đơn vị thi công có thể điều chỉnh đường ống thoát nước để tránh khu vực có hai ngôi mộ cổ; tiến hành phủ mái ngói để lưu giữ hai ngôi mộ cổ tại chỗ, xây dựng nơi đây là một điểm dịch văn hóa – lịch sử của khu đô thị Nhật Tảo – Ciputra sau khi KĐT này được xây dựng.
Một chiếc giếng cổ được phát hiện cách đó không xa.

Thứ hai: Bảo tàng Hà Nội có thể di chuyển hai ngôi mộ này về để làm hiện vật để trưng bày. “Đây là hai hiện vật rất quý và rất hiếm như tôi đã phân tích về niên đại, kết cấu - kiến trúc cũng như sự nguyên vẹn của nó. Hiện tại, Bảo tàng Hà Nội không có nhiều hiện vật để trưng bày. Bảo tàng Hà Nội nên tranh thủ cơ hội hiếm có này!”.

Phương án thứ ba, đó là phủ cát che lấp tại chỗ để bảo tồn, lưu giữ hai ngôi mộ cổ. “Khi nào có điều kiện, thời gian tôi sẽ tiến hành trùng tu các hiện vật của hai ngôi mộ đã thu giữ được. Đây sẽ là một địa chỉ du lịch văn hóa – lịch sử có giá trị.
Nếu như Bảo tàng Hà Nội có ý định trưng bày hai ngôi mộ cổ này, ông Cường sẽ chịu trách nhiệm “vận chuyển” mẫu vật nói trên: việc vận chuyển nguyên hiện trạng hai ngôi mộ này là hoàn toàn có thể.
"Tôi sẽ mở rộng khu vực và đào sâu xuống, thiết kế chân đỡ bằng bê-tông cho phần đáy mộ; xung quanh sẽ được làm khung cố định, sau đó sẽ cẩu từng ngôi mộ này bằng cách ngoặc vào phần bệ được tạo, đảm bảo không ảnh hưởng gì đến kết cấu của mộ cổ.
Kiến trúc và đầu mộ của ngôi mộ nhỏ.

Với chiếc giếng cổ, ông Nguyễn Lân Cường cho biết: Bảo tàng Hà Nội đã có công văn xin chiếc giếng cổ này về để trưng bày, và đã được cho phép.

Việc lấy chiếc giếng cổ này từ hiện trường về bảo tàng cũng sẽ được tiến hành bằng phương pháp giống như phương pháp áp dụng với hai ngôi mộ cổ: dựng khung xung quanh, bệ đỡ… Tuy nhiên, với độ dài hơn 4 mét của chiếc giếng cổ, ông Cường dự tính sẽ cắt làm ba đoạn, sau đó mới “ráp lại” ở nơi trưng bày.
Lớp gạch trên vòm của hai ngôi mộ.
Chiếc giếng cổ có cùng niên đại với hai ngôi mộ cổ.

Hai ngôi mộ được xếp bằng các viên gạch nung chồng lên nhau theo kiểu cuốn vòm với những viên gạch múi bưởi ở phía trên. Điểm đáng chú ý và quan trọng nhất của hai ngôi mộ cổ này so với các ngôi mộ Hán cổ đã được khai quật là hàng gạch khóa vòm mộ chạy suốt dọc nóc mộ.
Gạch ở mặt trong của vách và trần mộ được trang trí hoa văn. Mộ lớn là hoa văn "đồng tiền", "trám lồng", còn mộ nhỏ là hoa văn "xương cá".
Ở ngôi mộ lớn, đoàn khai quật phát hiện được khoảng 40 viên gạch rìa cạnh có chữ Hán song chưa rõ là chữ gì.
Sau hơn 10 ngày khai quật, Viện Khảo cổ thu được 28 hiện vật ở mộ lớn và 5 hiện vật ở mộ nhỏ, gồm: nhiều hiện vật là đồ gốm; 9 chiếc đinh sắt đã bị gỉ (được cho là đinh đóng quan tài - ở ngôi mộ lớn); một hạt chuỗi bằng thủy tinh; một bình gốm hình đầu gà còn nguyên vẹn cả đầu lẫn mào gà; một số hạt thóc, gạo cháy...
Cả hai ngôi mộ đều không hề có dấu vết của gỗ quan tài và xương cốt người do có thể đã bị tiêu hết.
Dựa vào cấu trúc mộ, các hiện vật chôn theo, hai ngôi mộ thuộc thời Lục Triều có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6, mộ lớn có sớm hơn ngôi mộ bé một chút. Hai ngôi mộ được xây theo phong cách Hán, niên đại vào thời Bắc thuộc.
XEM VIDEO TẠI ĐÂY
Kiên Trung
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/17447/kham-pha-2-mo-co-o-ciputra.html




1.


Chủ nhân mộ cổ Ciputra là người Việt?

Thứ Hai, 02/05/2011 11:20

    (TT&VH) - Hai ngôi mộ cổ và một chiếc giếng cổ đã được phát hiện tại khu đô thị Ciputra (Hà Nội). Việc xác định chủ nhân của các di tích này sẽ là gợi ý quan trọng để có cách ứng xử phù hợp nhất với chúng. Bài viết mà TT&VH đã nhận của TS Nguyễn Việt mở ra một cách nhìn. 

    Mộ cổ liên quan gì đến giếng cổ?

    Việc phát hiện hai ngôi mộ gạch cuốn ở công trường làm đường trong khu vực Ciputra thuộc quận Tây Hồ đã được báo chí rất quan tâm trong vài tuần qua.

    Cấu trúc mộ như vậy cùng với đồ gốm tùy táng trong mộ cho thấy chúng thuộc loại hình mộ Lục Triều sớm, khá gần gũi với niên đại ngôi mộ gạch ở xã Tân Hòa (Hoài Đức, Hà Nội) đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật năm 1987.

    Khi khai quật mộ Tân Hòa, các nhà khảo cổ thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã đặt niên đại mộ vào thời Tấn muộn, dựa trên minh văn từ ba viên gạch mộ. Tuy nhiên, giáo sư Hà Văn Tấn đã đưa mộ này sang thời Tề với logic cho rằng minh văn gạch nói đến sự kiện xảy ra vào thời “Tấn mạt” thì mộ phải sau năm 420. So sánh hai mộ Ciputra với mộ Tân Hòa nói trên có thể nhận thấy một số điểm sớm hơn chút ít, thể hiện trên hoa văn gạch mộ và kiểu gạch lát nền đáy mộ. Những mộ đó khá gần gũi, cả về đồ tùy táng (gốm) với các mộ đời Đông Tấn khai quật được ở Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Vì thế, theo tôi có thể nghĩ rằng đây là những mộ đời Đông Tấn, tức ở thế kỷ 4 đến đầu thế kỷ 5 sau Công nguyên.
    Mộ cổ và giếng cổ ở Ciputra - Ảnh Internet
    Niên đại hai mộ gạch Ciputra không cùng với niên đại giếng gạch phát hiện cách hơn 100m. Thường thì các khu mộ gạch cổ ở tương đối xa khu cư trú cùng thời. Kiểu giếng gạch như vậy khá giống những giếng gạch thời Đường - Nam Hán đào được khá nhiều ở Phiên Ngung (Quảng Châu, Trung Quốc). Việc phát hiện các mảnh vỡ sành, gốm thế kỷ 7-10 trong giếng khá phù hợp với khung niên đại Đường.

    Theo ông Nguyễn Vinh Phúc, làng Gạ ở gần đó, nơi hiện còn ngôi chùa Khai Nguyên tương truyền liên quan đến việc thứ sử Quảng Châu thời nhà Đường là Lư Hoán từng lập quán Khai Nguyên để thờ Đường Minh Hoàng. Điều này cho thấy khu mộ cổ đời Tấn, sau mấy trăm năm, sang đời Đường đã có người ở và chiếc giếng gạch kiểu Đường kể trên có thể liên quan đến cư trú thời Đường đó. Tuy nhiên cần ghi nhận rằng loại giếng gạch như vậy không phải là loại giếng dân gian, bình dân mà thường là một phần của kiến trúc tôn giáo, quý tộc đương thời.

    Vì sao có hiện tượng in ngược trong chữ Đỗ?

    Ngôi mộ ở xã Tân Hoa (Hoài Đức) thế kỷ 5 do Bảo tàng Lịch sử khai quật, theo GS Hà Văn Tấn, có liên quan đến dòng họ Đỗ đã từng làm thái thú Giao Châu như Đỗ Tuệ Độ, Đỗ Tuệ Kỳ, Đỗ Chương Dân. Ba viên gạch ghi minh văn trong mộ này cũng đề cập đến việc người chết chôn trong mộ đã đánh dẹp Lư Tuần vào khoảng những năm 410, 411. Lư Tuần vốn làm thái thú ở quận Vĩnh Giang, nổi lên chống nhà Nam Tấn. Khi thất bại đã chạy về nam đánh chiếm Quảng Châu, Hợp Phố, Long Biên. Cuối cùng mất ở đất Giao Châu. Theo GS Hà Văn Tấn, chủ nhân ngôi mộ ở xã Tân Hoa (Hoài Đức) có thể là Đỗ Quý Dân, người tham gia đánh Lư Tuần. Chữ “Đỗ” in trên gạch mộ này có nửa bên bộ “thổ” bị mất nét, có người đã đọc là chữ “thôn”. Theo tôi, đọc là Đỗ mới đúng.

    Trong ngôi mộ lớn ở Ciputra có một số viên gạch in nổi hình một chữ Hán: bên phải là bộ “Thổ”, bên trái là bộ “Mộc”. Chữ Hán không có chữ này, nhưng nếu biết rằng để in ra chữ đó người thợ phải có một bản khắc gỗ lõm. Và chính ở trên bản khắc lõm đó người ta dễ dàng nhận ra chữ “Đỗ” (bên trái là nghĩa bộ “Mộc” bên phải là âm bộ “Thổ”). Theo táng tục xưa, ít ra thấy từ thời Đông Hán, gạch hoặc đá xây mộ cho người chết thuộc hàng quý tộc thường có ghi tên họ hoặc chức danh của những người cúng viếng. Ở Việt Nam, ngôi mộ Đông Hán thế kỷ 2 sau Công nguyên khai quật tại Nam Sách (Hải Dương) có khá nhiều viên gạch ghi dòng họ “Hoàng”, trong đó một số chữ cũng có hiện tượng in ngược như chữ Đỗ trong mộ Ciputra. Như vậy có thể thấy người chết trong mộ có thể là người thuộc dòng họ Đỗ hay chí ít cũng liên quan đến dòng họ nổi danh này. 
    Giải thích tại sao chữ nổi trên gạch lại là chữ họ “Đỗ” in ngược, tôi cho rằng liên quan đến hai vấn đề : thứ nhất là kỹ thuật in khắc âm bản trước khi dùng để in dập vào gạch. Đây là phương pháp tạo hoa văn trên gạch rất quen thuộc vào đời Hán và kéo dài mãi đến tận thời Đường và thời Lý ở nước ta. Để có những hoa văn nổi trên gờ viên gạch, người thợ xưa dùng các bản in bằng gỗ hay đất nung. Khi khắc chữ, nhiều thợ đã không quen khắc ngược nên đã khắc chữ xuôi trên bàn dập, dẫn đến có chữ ngược trên gạch. Đây là điều khá bình thường đương thời, bởi rất hiếm khi người thợ thủ công xưa biết chữ. Hiện tượng này còn kéo dài đến sau này cả trên nghề làm dấu phong nê lẫn dấu in trên gốm sứ. Thứ hai có thể liên quan đến quan niệm âm dương dưới mồ. Chữ “Đỗ” in ngược trên gạch xây mộ phản ánh tư duy cõi âm đối ngược với dương thế. Nhưng dù thế nào thì chữ in trên gạch cũng là chữ “Đỗ” - một dòng họ rất nổi danh trong vùng đương thời.
    Dòng họ Đỗ trong lịch sử 
    Dòng họ Đỗ đến thời nhà Đường đã rõ là một dòng họ Việt bao trùm cả một vùng hữu ngạn sông Hồng (Đỗ Đoài - sau đây tôi sẽ có một bài viết riêng về nhánh họ Đỗ vùng xứ Đoài Từ Liêm có thể liên quan đến họ Đỗ ghi danh trên gạch mộ Ciputra). Vùng lưu vực sông Đáy từng có tên là Đỗ Động giang, nơi sứ quân Đỗ Cảnh Thạc nổi lên hồi thế kỷ 10, từng được ghi danh một trong 12 sứ quân. Trước đó, Đỗ Anh Sách vốn là một thổ tù cai quản Trường Châu được nhà Đường cho làm đến chức Đô úy cai quản quân đội của An Nam đô hộ phủ. Đỗ Anh Hàn tham gia khởi nghĩa Phùng Hưng cũng làm quan trong Đô hộ phủ. Trên chuông đồng chùa Thanh Mai đúc năm 798 phát hiện ở gần thành phố Hà Đông có minh văn ghi tên công đức của gần 300 nhân vật có vị trí xã hội cao đương thời, có đến 28 người mang họ Đỗ, gồm cả Đỗ Anh (Sách).

    2 chữ Hán in ngược trong mộ gạch kiểu Đông Hán ở Nam Sách (Hải Dương)


    Dòng họ Đỗ ở Việt Nam khởi phát có lẽ từ cuối TK 4, bắt đầu được sử sách ghi chép với Thái thú Giao Châu tên là Đỗ Viện. Theo Toàn thư(Ngoại kỷ, tờ 9a, 9b) thì khi đó Đỗ Viện là người Giao Chỉ (tức người Việt) tương tự như dòng họ Sĩ Nhiếp, Lý Bí. Dòng họ Đỗ Viện được coi như là người đất huyện Chu Diên, cùng quê với Thi Sách và cha con Triệu Túc, Triệu Quang Phục. Đất huyện Chu Diên bao gồm vùng đất phía Nam Hà Đông cũ, đất Hà Nam, Hưng Yên. Năm 381, Đỗ Viện dẹp yên cuộc nổi dậy của Lý Tốn, thái thú Cửu Chân, đã được nhà Tấn thăng chức Thứ sử Giao Châu. Năm 399, quân Lâm Ấp đánh chiếm Nhật Nam, Cửu Chân rồi tiến vào Giao Châu, Đỗ Viện đã dánh tan quân Lâm Ấp. Nhờ những công lao đó, năm 411, khi Đỗ Viện chết, con là Đỗ Tuệ Độ được đảm nhiệm thay cha chức Thứ sử Giao Châu. Đây cũng là thời gian diễn ra loạn lạc do các thái thú và trưởng lại ở nhiều địa phương không theo nhà Tấn, nổi lên cát cứ. Cuộc nổi dậy của Lư Tuần đã tác động trực tiếp đến Giao Châu. Tuệ Độ đã dẹp yên và còn nhiều lần đẩy lui quân Lâm Ấp đánh ra Giao Châu. Ngôi mộ ở xã Tân Hoa huyện Hoài Đức có nhắc đến việc người chết trong mộ là người họ Đỗ (Quý Dân) đã có công dẹp Lư Tuần. 
    Tác giả Việt sử lược đời Trần đã nhận xét như sau về Đỗ Tuệ Độ: “Tuệ Độ thi hành chính sự, dân chúng nể sợ những vẫn mang lòng yêu mến. Cửa thành ban đêm vẫn mở, trên đường không ai nhặt của rơi”.
    Những điều trên cho thấy hai ngôi mộ Ciputra nói trên vốn dĩ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dòng họ Đỗ thế kỷ 4-5. Đây là vùng thượng nguồn của sông Nhuệ và sông Tô thuộc hệ thống các nhánh hữu ngạn sông Hồng, nơi mà cho đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, dòng họ Đỗ vẫn là một trong những dòng họ lớn vào loại nhất trong vùng.

    http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/chu-nh226n-mo-co-ciputra-l224-nguoi-viet-n20110502083002270.htm

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.