Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

01/02/2015

Chém lợn ở Bắc Ninh : thành hoàng là tướng cướp, hay là tướng quân ?

Hôm trước, tôi đã đi entry Chém lợn ở Bắc Ninh làm sáng rõ hơn một quan điểm đã phát biểu từ 2011 và 2012. Mới treo tạm đấy, chứ thật ra, có một phần nhỏ là muốn đi về Toan Ánh. Chúng tôi đã có kỉ niệm "nhớ đời" với cụ Toan Ánh hồi những năm 1997-2000 rồi (vì sách đã ra trước năm 2000, nên khi khác sẽ kể từ từ).

Vừa may, hôm nay bác Phạm Ngọc Hiệp đã chỉ ra như dưới đây. Tôi chỉ copy từ một bình luận của bác Hiệp cho entry đi hôm qua trên blog này (còn cái ảnh chụp nguyên sách của Toan Ánh là bổ sung từ một entry trên blog PN-Hiệp - tôi đọc sau khi biết bình luận ở dưới).


Thuyết tướng quân (VTC9, 2011):


lề hội chém lợn tế thánh ,ném Thượng Khắc Niệm Tp Bắc Ninh Viet Nam     Đã tải lên vào 25-02-2011


Thuyết tướng cướp (kí ức và tư liệu trước 1954):


Sách của Toan Ánh, bản chụp PNH.
(Hội hè đình đám Việt Nam, bản in lại bởi Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1999, trang 45)



"

Trong sách Hội hè đình đám của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh, NXB TP. HCM xuất bản năm 1999, có viết về Hội chém lợn khi xưa ở làng Niệm Thượng tục gọi là làng Ném, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc). Trong Hội này diễn ra vào ngày mùng 6 tết, cũng chém 2 con lợn như tại thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bây giờ.

Có điều trong sách viết rõ Thần tích của làng Niệm Thượng ngày xưa là Thành Hoàng họ Lý, gọi là Lý Công, nguyên là một tên ăn cướp, một hôm đi ăn cướp bị dân làng vây bắt, trốn ở núi Nghè gần làng Niệm Thượng, đói quá gặp con lợn ở đâu chạy tới chém đứt đôi con lợn ăn thịt sống. Không biết Lý Công chết ra sao, chỉ thấy chép gặp giờ linh nên được người dân thờ làm Thành Hoàng.

Tục chém lợn của làng Niệm Thượng xưa với Thành Hoàng là Lý Công nguyên là tên ăn cướp như theo sách đã dẫn của nhà văn Toan Ánh, và lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng ngày nay với truyền thuyệt vị tướng công Đoàn Thượng thời Lý, có gì khác và giống nhau không?

Các nhà nghiên cứu văn hóa ngày nay, cổ vũ cho lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng bây giờ nên xem lại gốc gác của thôn Ném Thượng và Thần tích của thôn. Nếu lỡ thôn Ném Thượng ngày nay chính làng Niệm Thượng ngày trước, và Thành Hoàng Lý Công chém lợn là tên cướp và vị tướng Đoàn Thượng thời Lý mà là một, thì không còn cách gì mà biện minh cho lễ hội này được nữa.

"
Xem thêm bên trang của bác Hiệp (ngày 1/2/2015): ở đây, và ở đây.


Cuốn sách in năm 1999 của Toan Ánh (ảnh chụp của PNH)



Tháng 2 năm 2015,
Giao Blog


---
Bổ sung 1 (09/2/2015): Sau khoảng một tuần bác Hiệp với mình bàn luận trên blog này và blog bác, thì đến hôm nay, báo chí cũng vào với câu chuyện tướng quân hay tướng cướp rồi.

Tất nhiên, báo chí xem ra khá "chưa hiểu việc". Lại trở về thời trước 2000, với sự kiện của bọn tôi rồi chăng ?

Mà lẽ ra nhuận bút nên chia cả cho bác Hiệp, với mình nữa chứ nhỉ ? Hi hi, bác Hiệp đang cười: thèm gì !

Dưới đây là chép nguyên xi về.


SÁCH 'HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM' CỦA TOAN ÁNH:

Thứ Hai, 09/02/2015 18:19
(Thethaovanhoa.vn) - Trong quá trình tìm hiểu thông tin về Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh), Phóng viên Thể thao & Văn hóa đã được tiếp cận bản in Hội hè đình đám của nhà nghiên cứu Văn hóa Toan Ánh (in tại nhà in Sao Mai, Thủ Đức, phát hành ngày 1/11/1974). 
Thông tin đáng chú ý trong bản in này là “Thành Hoàng làng này, họ Lý, không rõ tên gì nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng”. Bản in Hội hè đình đám năm 2005 của NXB Trẻ cũng giữ nguyên nội dung này.
Theo cuốn sách này của Toan Ánh: “Hội Niệm Thượng với các cổ tục: Chém lợn nhúng vào nồi nước mắm đang sôi/ Tắt đèn, đốt đuốc, đội nong xôi chạy quanh đình”.
Bìa cuốn Hội hè đình đám in năm 1974
Là người Bắc Ninh gốc, nên Toan Ánh miêu tả khá kỹ: “Làng này nằm bên tỉnh lộ đi từ Bắc Ninh tới Thuận Thành cách tỉnh lỵ vào khoảng trên mười cây số. Dân làng không đông lắm vào khoảng trên năm trăm người, quanh năm sống về nghề canh nông. Dân làng chia làm hai giáp”.
Ông cũng cung cấp thông tin: “Thành Hoàng làng này, họ Lý, không rõ tên gì nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng. Lý Công quê ở làng Châm Khê cùng huyện, thường kiếm ăn ở các làng quanh vùng. Một hôm Lý Công đi ăn cướp, bị dân chúng và khổ chủ đuổi đánh ráo riết chạy bán sống bán chết, chạy đến núi Nghè gần làng Niệm Thượng. Tới núi, Lý Công tìm chỗ ẩn núp, dân chúng kiếm không ra. Tuy kiếm không ra, nhưng mọi người đều biết họ Lý ẩn ở trên núi, nên cùng nhau vây quanh ngọn núi canh chừng.
Bị vây, ẩn mãi trên núi, tên cướp họ Lý không có gì ăn đang lo chết đói. May thay giữa lúc đói lòng, một con lợn lớn không hiểu từ đâu đi tới, đi từ trong bụi rậm ra. Chàng cướp ta không để lỡ cơ hội, lập tức, sẵn dao dài trong tay, chém một nhát ngang mình lợn, con lợn bị chặt làm đôi, đầu với hai chân trước rời khỏi mình. Chém xong chàng lột bì lợn bỏ đi lấy thịt ăn sống.
Không thấy thần tích nhắc tới, sau này Lý công bị chết ra sao, chỉ biết khi chết gặp giờ linh nên được dân làng Niệm Thượng thờ làm Thành Hoàng”.
Chính vì thế trong phần Những cổ tục, Toan Ánh viết: “Hội làng Niệm Thượng ngoài những lễ nghi thường lệ có những cổ tục nhắc lại kỷ niệm lúc sinh thời của Lý Thành  Hoàng... Trong hội làng Tích Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên, cũng có tục chém lợn chúng tôi đã nhắc qua, nhưng tục chém lợn ở làng Niệm Thượng khác hẳn tục chém lợn ở làng Tích Sơn. Con lợn hy sinh ở làng Niệm Thượng khác hẳn tục chém lợn ở làng Tích Sơn. Con lợn hy sinh ở làng Niệm Thượng khi bị chém còn đang bị nhốt ở trong cũi, và ở đây một năm chém hai con lợn do hai giáp trong làng. Tục này nhắc lại lúc Lý Công bị đói đã chém con lợn ở núi Nghè”.
Cuốn Nếp cũ – Hội hè đình đám của NXB Trẻ
Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán (1916 - 2009), là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Nhà văn Toan Ánh sinh tại Thị Cầu, Bắc Ninh. Toan Ánh bắt đầu viết văn từ năm 1934. Năm 1935, truyện ngắn đầu tay của ông Chiếc nhẫn quý, được đăng trên báo Tiểu thuyết Thứ Bảy.
Kể từ đó, ông gắn bó mật thiết với đề tài văn hóa truyền thống của Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam và để lại cho đời khoảng 124 tác phẩm có giá trị học thuật, như: Nếp cũ (11 cuốn); Việt Nam chí lược (5 cuốn gồm: Người Việt Đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, Miền Trung kiên dũng, Miền Nam phú cường, và Cao nguyên miền Thượng); Phong lưu đồng ruộng (1958)...
Tháng 5 năm 2004, NXB Trẻ đã ký hợp đồng mua tác quyền toàn bộ tác phẩm của nhà văn Toan Ánh trong thời hạn đến năm 2015. Đã có gần 20 tác phẩm của ông được in lại một cách có hệ thống theo hình thức Toan Ánh toàn tập. Cuốn Nếp cũ: Hội hè đình đám (NXB Trẻ, năm 2005) không thay đổi nội dung so với bản in 1974.
Theo lời ông Nguyễn Đăng Chương (Khu phố Thượng, Bắc Ninh), trong thần phả còn lưu giữ tại làng Ném Thượng, nghi thức chém lợn gắn liền với những truyền thuyết về tướng Đoàn Thượng thời Lý - người được dân Ném Thượng thờ làm Thành hoàng - và duy trì từ vài trăm năm qua. Hà Thanh (ghi)
Linh Lan
http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/thanh-hoang-lang-nem-thuong-la-cuop-n20150209181716366.htm

9 nhận xét:

  1. Tôi đã chụp lại và post bên nhà bìa quyển sách Hội hè đình đám Việt Nam, và trang số 45 trong sách nói về Thần tích của làng Niệm Thượng của nhà văn Toan Ánh, do NXB TP. HCM xuất bản năm 1999.

    Bác Giao cần thì qua lấy bởi tôi không biết cách post lên ở đây. Kính bác,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác Hiệp ! Em đã sang lấy và bổ sung lại rồi (thay ảnh trang chụp, để thấy rõ số trang là 45, cộng với cái ảnh bìa của cuốn sách).

      Xóa
    2. Tôi nghĩ, nhiều phần chắc là tướng cướp (hoặc tên ăn trộm). Tôi vẫn nghe bố tôi kể về các thần hoàng các làng quê miền Bắc, phần nhiều là ăn cướp, hoặc ăn cắp, có khi chỉ là ăn mày...

      Bố tôi cũng quê Bắc Ninh (Dũng Vi, Tiên Sơn), di cư vô Nam 1954, cắt đứt liên lạc với làng quê từ đó nên thông tin ông có có thể là nguyên bản, không bị pha tạp và chính xác.

      Tất nhiên tôi không nhớ chính xác ông kể về những thần hoàng làng nào. Dù gì, lễ hôi dân gian VN không thiếu, không cần phải giữ lại hết làm gì.

      Xóa
    3. À hình như gọi là thành hoàng (chứ không phải thần hoàng) mới đúng hehe

      Xóa
    4. À, thân sinh của bác hehe cũng là dân Kinh Bắc hả ? Lại cũng di cư năm 1954. Điểm này, giống hệt cụ Toan Ánh.

      Thời trẻ, Toan Ánh bỏ nhiều thời gian xem hội. đi chơi khắp các làng. Và khi vào Nam rồi, ông ngồi viết về làng xã xứ Bắc Kì. Có cái ông nhớ, ông hồi tưởng lại, có cái ông bổ sung bằng tư liệu của Viện Khảo cổ Sài Gòn.

      Đồng ý là làng xã Bắc Kì có nhiều làng thờ thành hoàng có lai lịch lạ.

      Xóa
  2. Gần tết, tôi thử tìm đọc lại những lễ hội vào dịp tết xưa kia, thì thấy các học giả, nhà văn viết khá nhiều.

    Tác giả Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục cũng nói rõ, Thành Hoàng ở miền Bắc xưa kia ngoài Phúc thần được chia làm ba cấp là Thượng Đẳng Thần, Trung Đẳng Thần, Hạ Đẳng Thần thì trong dân gian còn thờ những tà thần, yêu thần, đê tiện thần mà ông gọi là "thờ bậy thờ bạ", như Thần bán lợn, Thần trẻ con, Thần chết nghẹn, Thần tà dâm, Thần rắn, Thần rết..., và những tục lệ như tục Quàng vai bắt chạch trong chum, tục Tắt đèn (đang tế thì tắt hết đèn đuốc, trai gái già trẻ tha hồ muốn làm gì thì làm), bởi làng này thờ thần tà dâm, nhưng Phan Kế Bính không viết rõ làng nào thờ tà thần, hoặc có những tục như trên. Còn sách của nhà văn Toan Ánh thì ghi rõ tên làng xưa, tà thần, cùng những tục lệ của làng đó.

    Nhà văn Sơn Nam ở miền Nam, trong sách Đình miếu & Lễ hội dân gian miền Nam, nhưng có nói qua về tục lệ, lễ hội ở vùng đồng bằng sông Hồng xưa, cũng có viết, ngoài những Phúc thần, có những làng xã còn thờ thần tà dâm, thần đi trộm, nhưng triều đình không công nhận tà thần.

    Đấy là sách vở chép thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em công nhận là bác Hiệp rất ham đọc sách, và sưu tầm sách nữa.

      Cuốn của cụ Phan Kế Bính thì là của lớp nhà nho xế chiều ở đầu thế kỉ 20, nên cách viết của các cụ là theo lối nho gia (chỉ viết đại cương, mà không cụ thể). Hiện em còn đang đặt vấn đề là cụ viết trước cuốn đó bằng Hán văn, rồi sau mới viết ra quốc ngữ.

      Còn cuốn của cụ Toan Ánh thì vừa là nhà văn, vừa là nhà nghiên cứu. Tư liệu của cụ vừa nằm trong đầu cụ (nhớ lại ngày đi chơi, đi bời, đi hội, đi hè ở ngoài bắc), vừa là trộn tư liệu của các lớp cùng thời (Bửu Kế, Nguyễn Đăng Thục,...). Cũng may là có cụ ngồi viết ra như vậy (mà kể có thêm một người như cụ Toan Ánh ở Nam Bộ trước 1975 có phải tốt hơn không). Điểm yếu là cụ có khi nhớ gì viết thế, hoặc là nhớ nhầm chỗ nọ sang chỗ kia.

      Còn nhà văn Sơn Nam thì quả là chuyên về Nam Bộ rồi. Những suy nghĩ của cụ về Bắc Kì theo lối cảm lối suy luận của một người Nam Bộ cũng thú vị.

      Xóa
  3. Bổ sung 1 (09/2/2015): Sau khoảng một tuần bác Hiệp với mình bàn luận trên blog này và blog bác, thì đến hôm nay, báo chí cũng vào với câu chuyện tướng quân hay tướng cướp rồi.

    Tất nhiên, báo chí xem ra khá "chưa hiểu việc". Lại trở về thời trước 2000, với sự kiện của bọn tôi rồi chăng ?

    Mà lẽ ra nhuận bút nên chia cả cho bác Hiệp, với mình nữa chứ nhỉ ? Hi hi, bác Hiệp đang cười: thèm gì !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, tôi cũng vừa mới đọc được trên trang của TỄU, trích dẫn lại trang mạng Thể Thao & VănHóa ngày hôm nay 9-2. Chuyện này anh em mình đã bàn cả tuần nay rồi. Quyển sách của cụ Toan Ánh in trước năm 1975 ở Saigon hồi đó tôi cũng có mua, nhưng sau năm 1975 thì bị đợt tịch thu "văn hóa phẩm đồi trụy" lấy mất, sau này NXB TP. HCM tái bản năm 1999 tôi có mua lại.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.