Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

16/08/2014

Nhớ về mẩu xà phòng nhỏ xíu : "Ở ngay dưới cửa sổ này, là dòng Kanda"

Tính thích xê dịch, nên tôi ít ở yên một chỗ trong thời gian quá lâu. Thi thoảng phải đổi gió. Có hồi ở ngay sát với dòng Sumida, gần nơi có túp lều trong sương lạnh của Basho (bọn tôi hay nói đùa, sang tiếng Việt, là "ông Chuối"). Rồi là dòng Tama,...Một dạo thì lại xuống ở gần mép con ngòi Yodogawa, mãi miền tây xa xôi.

Nhưng chưa bao giờ ở cạnh dòng Kanda. 

Chỉ có khoảng một năm, cứ đều đặn, đến khoảng ngày 20 hàng tháng thì tôi đến gặp Kanda. Cả buổi sẽ làm việc ở gần đó, rồi tối về thì tha thẩn đi dọc theo nó một đoạn để ra bến tàu mà về nhà.

Biết đến dòng Kanda đầu tiên, là qua một bài hát, hồi tôi mới chân ướt chân ráo đến Đông Kinh. Hãy nghe bài hát ấy. Bài hát cũng mang luôn tên "Dòng sông Kanda". Một bài hát nhân duyên, gắn những kỉ niệm chồng lớp.



408.192 lượt xem
神田川 ~かぐや姫 High


Chuyện là, ngay hôm đến, đã lên luôn phòng làm việc của chị P. để chào. Lúc về, chị bảo đại khái: em cầm ít đĩa hát này về mà nghe. Ở Nhật, dù đĩa cũ, bao giờ cũng có đi kèm một quyển ca từ nho nhỏ kẹp vào vỏ ngoài. Rất tiện cho việc hiểu kĩ về nội dung bài hát.

Tôi cầm về nghe, và rất thích bài dòng Kanda, một cách tự nhiên.

Một thời gian sau, gặp anh C. Cũng là người Việt, cựu sinh viên trước năm 1975, lập nghiệp ở Nhật. Ông đề nghị bọn chúng tôi gọi là "anh" thế, chứ thực ra, so với tuổi cha tôi thì ông cũng vẫn còn là "anh". 

Nói chuyện với anh C. về bài dòng Kanda, anh bảo: "Chú nghe cái đĩa mà P. nó đưa chứ gì ?". 

Hóa ra, cái đĩa ấy, có chủ nhân đầu tiên là anh C. Lòng vòng, đến tôi. Rồi sau này, lúc rời xuống miền tây, tôi chuyển cho N. với lời dặn: "Chú thử nghe bài dòng Kanda xem sao".

Đại khái là có rất nhiều thế hệ người Việt ở Nhật hay tới Nhật thích bài Dòng sông Kanda.

Lời tiếng Nhật của bài hát:

 
神田川
喜多条忠 作詞
南こうせつ 作曲
あなたはもう忘れたかしら
赤い手拭いマフラーにして
二人で行った横丁の風呂屋
一緒に出ようねって言ったのに
いつも私が待たされた
洗い髪が芯まで冷えて
小さな石鹸カタカタ鳴った
あなたは私の体を抱いて
冷たいねって言ったのよ
*)若かったあの頃
何も恐くなかった
ただあなたのやさしさが
恐かった
あなたはもう捨てたのかしら
二十四色のクレパス買って
あなたが描いた私の似顔絵
うまく描いてねって言ったのに
いつもちっとも似てないの
窓の下には神田川
三畳一間の小さな下宿
あなたは私の指先見つめ
悲しいかいって訊いたのよ
*)繰り返し


Bản dịch tiếng Việt của Hồng Lê Thọ (cũng là cựu sinh viên lưu học Nhật Bản trước năm 1975, thế hệ ngang ngang với anh C. kể ở trên):

"

Giòng sông Kanda

Em có nhớ không
Cổ choàng chiếc khăn len
thêu tay màu đỏ
Cùng lên nhà tắm(*) trên phố ngang đó
Em dặn chúng ta đợi nhau cùng về
Rồi lúc nào em cũng phải chờ anh
Mái tóc ướt thấm vào thấu xương
Anh ghì vào lòng thầm nhủ lạnh em mất rồi
Hồi đó Anh nào có sợ ai
Chỉ sợ sự dịu hiền của em mà thôi…
Dưới chân nhà trọ… dòng sông Kanda vẫn trôi
Trong căn phòng ba chiếu của chúng mình
Hình anh… em họa ngày nào vẫn tươi…
Tuy chẳng giống chút nào…
nhưng vẫn là anh của em…
…lung linh trong sóng nước


(*) sinh viên nghèo thuê nhà trọ 3 chiếu (khoảng 10 m2), phải đi tắm ở nhà tắm công cộng. Thời kỳ mà thanh niên nam nữ sống chung với nhau (Dôseijidai) là cái “mốt” vào những năm 1970 ở Nhật bản.  

"





Lời dịch không được tốt. Chưa cho thấy được cái hay một cách giản dị của lời hát. Không hiểu sao, dịch giả quên mất chi tiết "mẩu xà phòng nhỏ xíu" ở trong bài ?

Tôi nhớ về Dòng sông Kanda, là hay bởi ám ảnh của "mẩu xà phòng nhỏ xíu". Và cũng bởi câu "Ở ngay dưới cửa sổ này, là dòng Kanda"

Để khi khác, dịch lại vậy.

Từ đây trở xuống là bài của Hồng Lê Thọ (đã đi từ năm 2007). Hóa ra, đàn anh Hồng Lê Thọ, cũng như anh C., đều là fan một thời của bài hát này.



Tháng 8 năm 2014,
Giao Blog




---

LƯU TƯ LIỆU



Bài của Hồng Lê Thọ


KANDA—góc phố tôi yêu ở Tokyo

 Hồng Lê Thọ         24/12/2007
 
http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/kanda.htm

Vào những năm đầu vào đại học, tôi bắt đầu làm quen với khu phố bán sách cũ nằm gần nhà ga Kanda, cách cư xá của tôi 15 phút tàu điện . Như một thói quen, mỗi ngày chủ nhật, sau khi ngủ dậy, giặt áo quần xong đến giữa trưa là tôi lại trở về…điểm hẹn quen thuộc. Hình như đó là một cách thư giãn vào những lúc thảnh thơi, kho tàng kiến thức ở đây vô cùng phong phú, giá lại mềm hợp với túi tiền của những sinh viên nghèo như tôi.
Cứ đến mùa tựu trường là Kanda có “tuần hội sách cũ” nhộn nhịp, ai có sách không đọc nữa thì mang ra đây, đổi lấy sách hay bán cũng được, một không khí thật dễ thương của những người mang “kính cận”. Chính tại ngày hội nầy mà tôi đã gặp nào Einstein, nào Che Guevara…những người mà ảnh hưởng của họ đối với thanh niên ở Nhật thời bấy giờ rất lớn. May mắn thay những tư liệu quí báu về mối quan hệ Nhật-Việt xa xưa đã tìm thấy trong những chồng sách báo cũ trong góc phòng thư tịch một cửa hàng chuyên sưu tầm sách cổ mà tôi đã gìn giữ cho đến tận bây giờ .



Tiệm sách Sanseido
Lang thang quanh ngõ phố nghèo nàn, lụp xụp-- suốt cả buổi chiều cho đến khi trời sập tối, hết bước vào cửa hàng sách Sanseido lớn nhất nhì lại “chun” vào quán sách “đỏ” chuyên bán sách, báo của các nước xã hội chủ nghĩa, cần thì cũng có thể đặt mua, ngay cả các loại sách báo hiếm như “Gramma” của Cuba, “Thống nhất” của Việt nam cũng có thể đáp ứng. Họ đặt hàng qua ngõ Bắc kinh và Mạc tư khoa…chỉ tháng sau là có, nhờ vậy tài liệu phục vụ cho việc làm báo phong trào của chúng tôi tạm đủ, không kể các nguồn khác từ Mỹ của các anh trong “Thời báo Gà” mà Ngô Vĩnh Long làm chủ biên, từ Canada của nhóm “Thế Hệ” của Nguyễn văn Hương hay từ Pháp với tờ “Đoàn kết” của Hội Người Việt Nam tại Pháp…


Đại học nữ Ochanomizu Joshi



 Đại học Tokyo

Khu phố Kanda thuộc quận Chiyoda,  sát bên cạnh quận Bunkyo (Văn Kinh), nơi còn có nhiều đại học lừng danh của Nhật bản như Đại học Tokyo, Đông kinh Giáo dục đại học, Ochanomizu Joshi (con gái) đại học, đại học Y dược, đại học Minh Trị...tập trung những gì gọi là “Văn hóa Đại học” của Nhật bản, tuy không tổ chức qui mô như Cité Universitaire (Làng đại học), hay lâu đời cổ kính như khu phố La-tinh (Quartier Latin) quanh đại học Sorbonne ở Paris nhưng đến Kanda du khách có thể cảm nhận việc học hành của lớp người trẻ trên hè phố, trong quán sách, cảnh tấp nập sinh viên trên vào giờ tan lớp. Vì vậy mà Kanda đã thu hút tôi trong quãng đời làm sinh viên ở Tokyo, nơi đây có nhiều kỷ niệm mà mãi đến tận sau nầy, mỗi khi lật lại những cuốn sách trên tủ ở nhà, hình bóng của Kanda vẫn phảng phất đâu đây trong miền kí ức.
Sẽ là thiếu sót biết bao nếu quên một chi tiết quan trọng làm nên phố nầy. Đó là hai hàng cây hoa anh đào rộ nở khi xuân về, chạy dọc theo dòng sông nhỏ cũng mang tên Kanda (Kandagawa) thật tình tứ và êm đềm trong nắng mai ấm áp. Nơi đây đã có bao cuộc tình thơ mộng của những chàng trai, cô gái mới lớn bước chân bên nhau, tay còn ôm sách vở sau giờ lên lớp. Đằm thắm làm sao khi nhìn những cánh hoa đào trắng muốt rơi trôi lững lờ theo dòng nước uốn quanh. Vì lẽ đó chăng mà bài hát “Kandagawa” đã nổỉ tiếng một thời, với giọng hát của ca sĩ học trò Minami Kosetsu với chiếc đàn Guitare thùng, giản dị và mộc mạc:



Em có nhớ không
Cổ choàng chiếc khăn len
thêu tay màu đỏ
Cùng lên nhà tắm(*) trên phố ngang đó
Em dặn chúng ta đợi nhau cùng về
Rồi lúc nào em cũng phải chờ anh
Mái tóc ướt thấm vào thấu xương
Anh ghì vào lòng thầm nhủ lạnh em mất rồi
Hồi đó Anh nào có sợ ai
Chỉ sợ sự dịu hiền của em mà thôi…
Dưới chân nhà trọ… dòng sông Kanda vẫn trôi
Trong căn phòng ba chiếu của chúng mình
Hình anh… em họa ngày nào vẫn tươi…
Tuy chẳng giống chút nào…
nhưng vẫn là anh của em…
…lung linh trong sóng nước
(Giòng sông Kanda)
 


Bản tình ca bất hủ nầy khắc sâu vào tâm khảm của một thời “phản chiến”, vang lên nhè nhẹ vào những đêm trắng kẽ biểu ngữ, in truyền đơn, làm báo và cả những cuộc cải nhau nẩy lữa giữa những người thanh niên yêu nước… Mỗi lần nghe lại âm hưởng quen thuộc là bao nhiêu hình ảnh lại gợi về như có mùi hương từ thuở xa xưa! Gợi biết bao điều những tưởng đã lùi xa.
Đúng vậy, hôm ở Hà nội vào cuối năm 1983 rét cóng, lững thững bước vào quầy sách ở phố Tràng Thi, tự nhiên tôi ngây người vì nghe phảng phất một mùi kì lạ, rất quen thuộc đâu đây. Nghĩ mãi, vẫn không làm sao hiểu được, nhưng khi thấy người bên cạnh cầm lấy sách in ở Liên xô lật lật qua quít tôi ngẩn ngơ, chợt nhớ đó là mùi mực của sách báo xứ ấy, vốn có một mùi rất đặc biệt mà những ngày xem sách ở phố Kanda tôi đã ghi vào khứu giác của mình. Vậy đó, huống chi mấy chục năm trời ăn học ở xứ sở phù tang nầy, mỗi góc đường, dẫy phố thời mới đến nằm trên con đường dốc đá cũ kỹ ở quanh trường ngày xưa vẫn là một nước Nhật thu nhỏ trong tôi.

Cái dãy phố dễ thương ấy vẫn theo tôi đi suốt cuộc đời dù mỗi khi trở về Kanda thì không còn cảnh cũ người xưa, những căn nhà với chiếc cửa lùa bằng gỗ lồng kiếng, kêu leng keng mỗi khi khách bước vào bây giờ đã lên tầng cao ngất, cụ già thường dùng chổi lông gà quét bụi các quầy sách hạ giá đặt trước quán có lẽ nay đã thành người thiên cổ…Còn chăng là ngày “hội sách cũ” truyền thống sau khi đón mừng Lễ hội Kanda ( ) náo nhiệt vào mùa hè hằng năm để gọi mời những ai còn giữ “hồn” phố cổ.
Giòng sông Kanda vẫn lững lờ trôi theo chiếc đồng hồ ngoài kia tích tắt đều đặn tiếng thời gian. Còn đôi tình nhân trẻ tuổi trong bài hát năm xưa…mô rồi ? !.Có lẽ nay cũng đã luống tuổi như tôi.


Hồng lê Thọ
Tết năm tuổi

(*) sinh viên nghèo thuê nhà trọ 3 chiếu (khoảng 10 m2), phải đi tắm ở nhà tắm công cộng. Thời kỳ mà thanh niên nam nữ sống chung với nhau (Dôseijidai) là cái “mốt” vào những năm 1970 ở Nhật bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.