Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

16/08/2014

400 trống đồng, với chủ nhân đích thị là người Lạc Việt (tổng thuật của Bùi Xuân Đính)

Là tọa đàm, nên không thể đòi hỏi gì hơn. Tọa đàm của 3 nước Đông Dương cộng 1 (ở đây là Nhật Bản - nhưng không rõ là ai và cũng không thấy có phát biểu). 

Tựu trung, đến hiện tại, là 400 trống. Các bác không kể một ít của người Lô Lô, như đã nói hôm trước. Mà cái ít này rất đáng nói, nhất là người tổng thuật lại là dân tộc học (không phải khảo cổ). 

Và kiểu gì, thì gì, theo các bác, vẫn phải là trống đồng ấy là do tổ tiên người Việt và Việt Mường làm ra tại chỗ. Thuyết của bác Tạ Đức cũng được nhắc đến một chút.

Mà bên Đại Choang (chưa phải Đại Hán), thì lại đang định ra rằng, "Lạc Việt" không có "Kinh" ở Việt Nam thuộc vào. Thế thì, Lạc Việt ở đâu ra nhỉ. Đối lại thế nào với thuyết của anh chàng hàng xóm đây ? Không phải Biển Đông đâu nhá, đang là chuyện trống đồng. Mà mới chỉ là Đại Choang thôi, chưa ra mặt Đại Hán.



Từ đây trở xuống chép nguyên xi từ Văn hóa Nghệ An về.


---

Văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc dân tộc Việt

 [Tổng thuật tọa đàm khoa học quốc tế] 

  

Bùi Xuân Đính 

Thứ hai, 11 Tháng 8 2014 09:40 

Trong các ngày từ mồng 8 đến 10 tháng 8 năm 2014, tại Hà Nội và Thanh Hóa, Viện Khảo cổ học phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức Tọa đàm khoa học Quốc tế “Văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc dân tộc Việt”. Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn nhận lại 90 năm nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn (VHĐS) kể từ khi được phát hiện (năm 1924) và thảo uận một số vấn đề cần được tiếp tục quan tâm, khi gần đây có ý kiến phủ nhận các kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội Việt Nam về tỉnh bản địa và và chủ nhân của nền văn hóa này.


Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu Khảo cổ học, Dân tộc học, Sử học …Việt Nam, Nhật Bản, Lào, Cămpuchia.  

Mở đầu cuộc tọa đàm là tham luận của Nguyễn Giang Hải - Trình Năng Chung (Văn hóa Đông Sơn - chín mươi năm phát hiện và nghiên cứu) nhìn nhận lại lịch sử phát hiện và nghiên cứu của VHĐS. Vào mùa hè năm 1924, di tích Đông Sơn được phát hiện tình cờ do một người nông dân đi câu cá tìm thấy một số đồ đồng xuất lộ bên sông Mã. Từ năm 1924 đến 1932, các cuộc khai quật Đông Sơn lần đầu tiên được tiến hành dưới sự điều khiển của Pajo L - một viên chức Pháp và cũng là người sưu tập cổ vật ở Thanh Hóa. Sự kiện này gây sự chú ý lớn đối với giới khoa học của trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Từ sau đó, hàng loạt cuộc khai quật và nghiên cứu di chỉ Đông Sơn cùng các sưu tập hiện vật ở khắp miền Bắc Việt Nam  thu hút sự quan tâm của giới khoa học trong khu vực. Đến năm 1934, Nhà khảo cổ học người Áo Hainơ Ghen đéc (Heine Geldern R) đề nghị gọi thời kỳ của nền văn hóa này là “Văn hóa Đông Sơn”.  Thuật ngữ này nhanh chóng được thừa nhận và sử dụng rộng rãi song nội dung của nền văn hóa này (chủ nhân, niên đại, đặc trưng…) lại được diễn giải theo nhiều hướng khác nhau.

Sau năm 1954, ngành Khảo cổ học non trẻ Việt Nam tiến hành điều tra cơ bản và nghiên cứu, nhằm làm rõ hơn các nội dung của VHĐS. Hàng loạt các di chỉ được phát hiện ở nhiều địa phương trên toàn miền Bắc, trong đó có những phát hiện quan trọng như các di chỉ Phùng Nguyên (Phú Thọ), Thiệu Dương (Thanh Hóa), Gò Mun (Phú Thọ), Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Làng Vạc (Nghệ An), kho mũi tên đồng ở Cổ Loa, thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái), mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng) v. v. Với nhiều công trình nghiên cứu vừa tổng hợp, vừa chuyên sâu được công bố, các khía cạnh của VHĐS lần lượt được làm sáng tỏ, song vẫn còn nhiều vấn đề tranh luận. VHĐS vẫn là đề tài có sức thu hút lớn của các nhà khoa học trên con đường dài tìm hiểu lịch sử dựng nước của tổ tiên ta.

Sau tham luận mang tính tổng hợp trên đây, 13 tham luận đã được trình bày cùng các ý kiến trao đổi tại cuộc tọa đàm, đã làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề khoa học như là những nhận thức cơ bản về VHĐS.


1.Về không gian phân bố

Đến nay, thống kê chưa đầy đủ, gần 400 di tích Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu. Các nhà khảo cổ học đều cho rằng, VHĐS bao quát địa bàn ba vùng: vùng sông Hồng với trung tâm là làng Cả (tỉnh Phú Thọ); vùng sông Mãsông Chu, với trung tâm là làng Đông Sơn (tỉnhThanh Hóa); vùng sông Cả với trung tâm là làng Vạc (tỉnh Nghệ An); về cơ bản trùng với miền Bắc Việt Nam hiện nay; song cư dân Đông Sơn sống tập trung ở đồng bằng là chính. Quá trình tạo lập VHĐS cũng chính là quá trình các cộng đồng cư dân chiếm lĩnh đồng bằng - nơi có đất đai rộng, thích hợp với việc trồng lúa nước. Giữa ba trung tâm trên có mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên giao lưu, trao đổi với nhau, tạo nên sắc thái Đông Sơn thống nhất trong đa dạng. Sự tồn tại hàng mấy trăm di tích trong một không gian văn hóa với những môi trường sinh thái đa dạng là cơ sở cho việc hình thành các loại hình địa phương tiêu biểu. Tính đa dạng này thể hiện qua địa tầng học, chủ yếu trong di tích Đông Sơn ở Thanh Hóa, ở tổng thể các hiện vật Đông Sơn (chủ yếu ở loại hình trống đồng Đông Sơn - trống Hêgơ); qua các phạm trù, các khái niệm, các nhận thức của các nhà nghiên cứu Khảo cổ học, Sử học, Văn học dân gian (Tham luận - TL của Phạm Minh Huyền, Trình Năng Chung).

Tuy nhiên, tham luận của Phạm Đức Mạnh (Dấu ấn Đông Sơn ở “phương Nam” Việt Nam) đưa ra những chứng cứ khảo cổ học xác đáng về “cuộc di cư của cư dân VHĐS vào miền Trung, vùng các cao nguyên Nam Trung Bộ từ đầu thế kỷ I sau Công nguyên”. Khi đi vào vùng đất mới, cư dân VHĐS đã hòa nhập với cư dân bản địa thuộc Văn hóa Sa Huỳnh, sáng tạo ra một trung tâm khai khoáng luyện kim đúc trống đồng Đông Sơn.  Việc phát hiện các “nghĩa trang trống đồng kiểu Đông Sơn” ở Nam Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ …là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển cư của cư dân Đông Sơn đến các vùng đất này; từ đó có nhà khoa học đưa ra luận điểm về “Ba khối kết tinh Đông Sơn- Sa Huỳnh- Đồng Nai” với các đặc trưng chung về kỹ thuật tinh chế kim loại màu “kiểu Đông Sơn” lan truyền theo đường bộ, đường thủy…, tạo ra tam giác phát triển Bắc -Trung - Nam của VHĐS. 

Đặc biệt, hai tham luận (Giới thiệu sơ lược về những phát hiện VHĐS tại huyện Sepoon, tỉnh Savannakhet, CHDCND Lào) của nhà nghiên cứu Lào - Tiến sĩ Thông lít Luông khốt và của các nhà nghiên cứu Cămpuchia (Trống đồng Đông Sơn ở Đông Nam Cămpuchia) thu hút sự quan trâm của các giới khoa học Việt Nam trong cuộc tọa đàm; chứng minh VHĐS có phạm vi phân bố và có sức lan tỏa rộng rãi. 


2. Về niên đại và các giai đoạn phát triển

Các nhà nghiên cứu Việt Nam đều thống nhất VHĐS tồn tại từ cuối thời đại đồ đồng thau đến đầu thời đại đồ sắt, từ thế kỷ VIII- VII trước Công nguyên (tr. CN) đến thế kỷ I- II sau Công nguyên (s. CN). Tuy nhiên, việc phân giai đoạn còn có những ý kiến khắc nhau. Đa số các ý kiến đều cho rằng, VHĐS trải qua ba giai đoạn phát triển kế tục nhau:

- Giai đoạn sớm (thế kỷ VIII- VI tr. CN)  là giai đoạn chuyển tiếp từ Văn hóa Tiền Đong Sơn lên Đông Sơn. Các di chỉ tập trung ở vùng đồng bằng cao xung quanh Hà Nội.

- Giai đoạn giữa (thế kỷ V- III tr. CN) là giai đoạn những đặc trưng cơ bản của VHĐS phát triển rực rỡ. Bộ di vật đồ đồng đặc trưng Đông Sơn phong phú về chủng loại và số lượng. Trống đồng xuất hiện là biểu hiện của kỹ thuật đúc đồng đạt tới đỉnh cao cả về kỹ thuật và mỹ thuật. Bộ đồ sắt cũng được hoàn thiện. Đây cũng là giai đoạn VHĐS có mối giao lưu mạnh với các khu vực lân cận.

- Giai đoạn muộn (thế kỷ II tr. CN - thế kỷ I- II s CN) xuất hiện di tích thành lũy Cổ Loa và các kho vũ khí, mộ thuyền phát triển, trống đồng được phát hiện nhiều…; đồng thời xuất hiện các hiện vật của văn hóa Hán ở lớp trên của VHĐS và trong các ngôi mộ Đông Sơn muộn (TL của Trình Năng Chung và các TL khác).

Tuy nhiên lại có ý kiến chia VHĐS thành 4 giai đoạn ứng với các di chỉ Phùng Nguyên- Đồng Đậu - Gò Mun và Đông Sơn), hoặc 5 giai đoạn (TL của Phạm Minh Huyền), hay 6 giai đoạn phát  triển (ý kiến trao đổicủa Diệp Đình Hoa) dựa trên các loại hình văn hóa địa phương.


3. Về  đặc trưng bộ sưu tập hiện vật của VHĐS

Phần lớn hiện vật của VHĐS được phát hiện trong các di chỉ cư trú và khu mộ táng, rất phong phú, gồm nhiều chất liệu khác nhau (đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, đồ xương…). Chiếm số lượng nhiều nhất, đẹp nhất, có tính tiêu biểu trong số các loại hiện vật này là nhóm đồ đồng, được chủ nhân Đông Sơn tạo ra với kỹ thuật đúc điêu luyện và tính thẩm mỹ cao. Hơn 400 trống đồng Đông Sơn được phát hiện được coi là di vật tiêu biểu nhất cho quá trình dựng nước của cư dân Đông Sơn. Ngoài ra còn có các công cụ sản xuất (tiêu biểu là lưỡi cày), dụng cụ sinh hoạt (tiêu biểu là thạp đồng), đồ trang sức, vũ khí (tiêu biểu là mũi tên đồng, giáo…).


4. Cơ sở kinh tế - xã hội của VHĐS

 Cư dân Đông Sơn cư trú chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du nên sống bằng nghề trồng lúa với ba hình thức canh tác đất khác nhau: nông nghiệp dùng gậy chọc lỗ ở miền núi, nông nghiệp dùng cuốc ở trung du và nông nghiệp dùng dùng cày ở đồng bằng, trong đó nông nghiệp dùng cày (canh tác lúa nước) là chủ đạo, với trình độ cao, là sự kế tục của nghề nông từ hậu kỳ đá mới. Điều này được chứng minh qua các dấu tích thóc gạo, vỏ trấu, các công cụ (liềm, cuốc, lưỡi cày…), các đồ chứa đựng. Các dấu tích này phù hợp với ghi chép trong các tài liệu thư tịch cổ Trung Quốc. Ngoài lúa nước, cư dân Đông Sơn còn trồng các loại cây củ, cây rau (được chứng minh qua phân tích bào tử phấn hoa).

 Thời kỳ VHĐS cũng là thời kỳ các nghề thủ công phát triển mạnh với các nghề luyện kim, đúc đồng, làm gốm chế tác đa, dệt vải, đan lát, mộc, sơn, nấu thủy tinh… được phát hiện dấu tích trong các di chỉ khảo cổ học (TL của Trình Năng Chung, Trịnh Sinh).    

Sự phát triển của các ngành kinh tế tạo tiền đề cho sự phân hóa xã hội. Tham luận của Trịnh Sinh (Hệ thống văn hóa Tiền Đông Sơn - Đông Sơn và vấn đề nhà nước sớm ở miền Bắc Việt Nam) chỉ ra những biểu hiện của phân hóa xã hội qua các dấu tích khảo cổ học, qua thư tịch, từ đó xuất hiện xung đột và chiến tranh, xuất hiện các  thủ lĩnh quân sự, liên minh các bộ lạc, dẫn đến sự hình thành quốc gia và nhà nước. 15 bộ hợp thành quốc gia Văn Lang mà sử cũ ghi lại, theo Trịnh Sinh ứng với 11 trung tâm kinh tế- chính trị của VHĐS trên địa bàn lưu vực sông Hồng, sông Mã- sông Chu và sông Lam. Thời kỳ VHĐS cũng là thời kỳ hình thành các phong tục, tín ngưỡng, đời sống tinh thần với các yếu tố được bảo lưu đến ngày nay (TL của Trình Năng Chung, Bùi Xuân Đính).


5. Về chủ nhân của VHĐS

Đây là vấn đề được thảo luận sôi nổi từ trước đến nay cũng như tại cuộc tọa đàm này. Trước đây, nhiều nhà khoa học nước ngoài và một số nhà khoa học Việt Nam cho VHĐS có nguồn gốc bên ngoài Việt Nam, như từ vùng thảo nguyên Âu-Á (Janse, 1947), từ lưu vực sông Hoài ở Trung Quốc (B. Karigen, 1942), hay từ bờ Biển Đen (Geldern, 1951), từ Chiết Giang - Trung Quốc (Đào Duy Anh, 1957), từ ngoài biển và hải đảo (Bình Nguyên Lộc, 1971). Gần đây, trong cuốn Nguồn gốc người Việt - người Mường mới xuất bản năm 2013, Tạ Đức rằng, các nền văn hóa  Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn thuộc hai chủ nhân khác nhau: người Mường(vốn là người Mon, Man hay Mân Việtở Phúc Kiến - Đông Bắc Quảng Đông) chuyển đến Việt Nam lập ra các văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun; còn chủ nhân đích thực của Văn hóa Đông Sơn là người La Va hay Lạc Việt, từ vùng Chiết Giang đến Việt Nam sau người Mường (cách đây trên dưới 3000 năm). Sự ra đời và phát triển của nền Văn hóa Đông Sơnvề cơ bản gắn với các cuộc thiên di của các nhóm Bách Việt từ phương Bắc.

Tuy nhiên, các tham luận của Nguyễn Khắc Sử (Đi tìm nguồn gốc văn hóa Đông Sơn), Bùi Xuân Đính (Các tộc người thuộc ngôn ngữ Việt -Mường và Văn hóa Đông Sơn) và các tham luận khác kế thừa các thành tựu nghiên cứu khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học … đã chứng minh Văn hóa Phùng Nguyên mang tính bản địa ở Bắc Bộ;được coi là “khúc mở đầu” cho các văn hóa Tiền Đông Sơn, tạo ra Phổ hệ Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, mang tính liên tục cho diễn trình hình thành và phát triển VHĐS ở lưu vực sông Hồng; có sựtương hợp giữa địa bàn phân bố của VHĐS với địa bàn cư trú của các tộc người thuộc ngôn ngữ Việt - Mường. Chủ nhân của của VHĐS là người Lạc Việt, tức Việt Cổ, trước đây được cho là tổ tiên của người Việt và người Mường hiện nay. Tham luận của Bùi Xuân Đính còn mở rộng ra với cả người Thổ (gắn với trung tâm làng Vạc ở Nghệ An) và người Chứt. Điều này được minh chứng không chỉ ở chính các di tích khảo cổ học mà còn các phong tục, tín ngưỡng, ở sự tương đồng giữa hoa văn trống đồng Đông Sơn và hoa văn cạp váy Mường, giữa nghệ thuật Đông Sơn và nghệ thuật đầu váy Mường,  đặc biệt là chứng tích ngôn ngữ - yếu tố “bảo thủ”nhất trongcác yếu tố văn hóa. Giữa tiếng Việt với tiếng Mường, Thổ, Chứt có sự giống nhau đậm đặc cả về âm, thanh điệu, cấu trúc câu và vốn từ vị cơ bản; là sự giống nhau hiếm thấy giữa ngôn ngữ các tộc người. Cách đây khoảng trên dưới 4000 năm, người Việt Cổ cósự phân hóa, dần dần hình thành cáckhối. Khối chuyển xuống vùng châu thổ Sông Hồng, môi trường sống thay đổi, sau đó chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, dần dần trở thành người Việt (Kinh).Khối sống ở các thung lũng chân núi tỉnh Hòa Bình và một phần tỉnh Thanh Hóa, không chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, trở thànhngười Mường hiện nay. Khối ở lại khu vực đồi núi tỉnh Nghệ An và một phần Thanh Hóa, hình thành những yếu tố văn hóa riêng để trở thành người Thổ; một nhóm ở Hà Tĩnh, Quảng Bình trở thành người Chứt. Trong bốn tộc người trên, hai tộc Việt và Mường còn đậm dấu vết VHĐS nhất, thể hiện không chỉ ở tiếng nói, mà cả phong tục, tín ngưỡng, (nhất là tục và tín ngưỡng liên quan đến trống đồng), văn học dân gian.

Về một số ý kiến cho rằng, chủ nhân của VHĐS có nguồn gốc bên ngoài, tham luận của Nguyễn Khắc Sử (Đi tìm nguồn gốc VHĐS), chứng minh VHĐS có nguồn gốc từ Tiền Đông Sơn với các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Chủ nhân của Văn hóa Phùng Nguyên không phải là người Mân (Môn) từ Phúc Kiến chuyển cư bằng đường biển sang, định cư ở Phú Thọ và lập ra văn hóa này mà là các cư dân sở tại ở Bắc Việt Nam, hoặc ở ngay vùng trung du Bắc Bộ, hoặc từ các vùng núi phía Bắc (Sơn La), phía Tây (Hòa Bình) hay Tây Nam (Thanh Hóa)…  Tham luận của Trình Năng Chung (Mối quan hệ giữa VHĐS và Văn hóa Khả Lạc ở Nam Trung Quốc) chỉ ra những nét khác nhau cơ bản giữa hai nền văn hóa nay, thể hiện qua các yếu tố: nghề trồng lúa, đồ gốm, muôi đồng,đồ trang sức, bộ sưu tập nhạc khí ở mộ táng, bộ sưu tập vũ khí, tục chôn cất và mộ táng…; từ đó đưa ra kết luận, giữa VHĐS và Văn hóa Khả Lạc dù có mối quan hệ nhất định, nhưng về cơ bản là khác biệt nhau; trong sưu tập văn hóa Khả Lạc rất khó tìm được tinh hoa của VHĐS, ngược lại, những ảnh hưởng của dấu ấn Khả Lạc trên đất Đông Sơn rất mờ nhạt, do vậy, luận điểm VHĐS do người Khả Lạc thiên di sang và lập ra là không có cơ sở. VHĐS cóquan hệ với Sa Huỳnh, Nam Trung Quốc, các nền văn hóa ở khu vực Đông Nam Á hải đảo và lục địa; song không phải là yếu tố chủ đạo. Cội nguồn của VHĐS nằm trong nội lực của chính các nền văn hóa tiền Đông Sơn; không phải từ các yếu tố xa lạ như các học giả nước ngoài từng suy luận và gần đây một số tác giả trong nước cho rằng văn hóa và con người Đông Sơn là kết quả của sự thiên di. Thời kỳ VHĐS có thể có các nhóm cư dân từ nơi khác đến song không phải là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa này. Chủ nhân của VHĐS là người Việt Cổ - những cộng đồng đã sinh sống và khai thác ba dòng sông Hồng - Mã - Lam từ khá lâu và đến thời Đông Sơn đã lập ra nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc  (TL của Trịnh Sinh).

VHĐS phát triển từ nội lực song cũng một phần nhờ giao lưu với các văn hóa khác. Giao lưu giúp cho VHĐS có thêm sức sống mãnh liệt, hình thành bản lĩnh mang tính cách Việt : năng động, giao lưu rộng mở, nhưng không mất đi bản sắc riêng. Chính điều này làm cho VHĐS tiếp tục tồn tại và phát triển trong giai đoạn đầu thời Bắc thuộc. Sức sống VHĐS chống lại quá trình Hán hóa trong thời Bắc thuộc là phản ánh quá trình đấu tranh của người Việt thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa chống các thế lực phong kiến Hán tộc; trong lúc đó các quốc gia của các nhóm Bách Việt khác ở Nam Trung Quốc hình thành cùng nước Văn Lang lần lượt bị nhập vĩnh viễn vào đế chế Trung Hoa. Điều này được khẳng định qua tham luận của Hoàng Xuân Chinh (Sức sống VHĐS trong nghìn năm Bắc thuộc).

Tóm lại, VHĐS có nguồn gốc bản địa, có nền tảng cơ sở từ thời đại đồ đồng và xa hơn là thời đại đá mới ở Việt Nam; chủ nhân của VHĐS chính là các tộc người thuộc ngôn ngữ Việt  Mường hiện nay. Đó là sự khẳng định lại một lần nữa từ cuộc tọa đàm khoa học quốc tế “Văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc dân tộc Việt”.

VHĐS là đề tài lớn, hấp dẫn. Cuộc tọa đàm nhỏ này chưa thể giải quyết được các vấn đề còn đang tranh luận. Được biết, sắp tới Viện Khảo cổ học được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giao thực hiện chương trình nghiên cứu “Sức sống Văn hóa Đông Sơn”. Viện cũng phối hợp với các đồng nghiệp Lào, Cămpuchia và Thái Lan thực hiện chương trình nghiên cứu “Hành lang văn hóa Đông Tây”, nhằm làm sáng tỏ hơn các vấn đề về nền văn hóa truyền thống, bản địa của mỗi nước./.

http://vanhoanghean.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/van-hoa-dong-son-va-nguon-goc-dan-toc-viet-tong-thuat-toa-dam-khoa-hoc-quoc-te

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.