Thật ra, phải nhắc lại là "chữ viết Tày Nùng", vì trước đây, hồi cụ Chu Văn Tấn cho thực hiện tại Khu tự trị Việt Bắc, thì đó là phương án giáo dục cơ bản. Luôn luôn là "Tày Nùng", phải thống nhất vào nhau như vậy.
Ví dụ về chữ Tày Nùng thì, chẳng hạn "Giải phóng quân tẻo mà", hay "Bac Hồ hap nặm". Có nghĩa sang quốc ngữ là: "Giải phóng quân trở về", và "Bác Hồ gánh nước/gánh vác công việc đất nước".
Bài của Ma Văn Vịnh dưới đây đã xuất hiện trên website của Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, từ năm 2013. Từ đây trở xuống là chép nguyên xi.
---
Nguy cơ mai một ngôn ngữ, chữ viết Tày
Thứ 4: 4/12/2013 08:38http://backantv.vn/trong-tinh/nguy-co-mai-mot-ngon-ngu-chu-viet-tay/12314.html
Lời tác giả: Nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại nay ngấp nghé tuổi chín mươi. Năm 2009, tôi đến gặp xin ông tư vấn viết cuốn sưu tầm “Lượn Thương - Lễ Hội Lồng tông Việt Bắc”, cuốn sách đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam ký hợp đồng với tôi để in xuất bản năm 2013; đó là nguồn hạnh phúc lớn cho tôi, nhưng tôi cũng thật day dứt với câu nói của nhà văn Nông Viết Toại: “ …20 năm nữa thôi tiếng Tày sẽ mất hẳn...”. Trước sự mai một tiếng nói, chữ viết Tày đang diễn ra làm cho những người Tày có tâm huyết với nền văn hóa dân tộc mình đều phải suy ngẫm!
Nước ta có 53/54 dân tộc thiểu số
(DTTS). Đảng, Chính phủ luôn có chính sách, pháp luật nhằm dành những ưu
tiên đối với các DTTS. Trong Chính phủ có Bộ trưởng - Ủy ban dân tộc,
có kênh truyền hình VTV5; Đảng có Nghị Quyết Trung ương 5, khóa VIII đề
ra nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…
Thực hiện Nghị quyết, công tác sưu tầm để bảo tồn văn hóa vật thể và phi
vật đang được sưu tầm để bảo tồn nguyên vẹn. Tiếng nói và chữ viết cũng
là loại hình văn hóa cần được gìn giữ. Nay các cán bộ, giáo viên công
tác vùng DTTS được phân công, công tác tại vùng dân tộc nào cần biết nói
tiếng DTTS vùng đó. “… Tiếng nói dân tộc là nguồn mạch văn hóa tinh túy
nhất, cho nên, muốn xây đắp vun trồng văn hóa thì không gì hơn là bảo
tồn tiếng nói và chữ viết…”. Tôi coi chữ viết và tiếng nói dân tộc Tày
là tài sản của đất nước nên không thể mất đi trong quá trình toàn cầu
hóa.
Tôi vốn là giáo viên, đã từng được trực tiếp dạy tiếng Tày - Nùng
theo chương trình sách giáo khoa của Sở giáo dục Khu Tự trị Việt Bắc
(KTTVB) từ năm 1962 - 1968. Nhờ thế cũng hiểu được nguồn gốc, tính khoa
học và những phương pháp giảng dạy, nói, viết tiếng Tày - Nùng.
Theo quy định, âm chuẩn của tiếng Tày - Nùng được lấy ở vùng tiếp
giáp của ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Bộ ký tự được chọn là bộ
chữ ký hiệu la tinh gồm 29 chữ cái: a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i,
k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t , u, ư, v, x, y. Nguyên âm viết
tiếng Việt có 11; viết tiếng Tày - Nùng có thêm một nguyên âm đôi “oo”
để viết các từ “toong” - lá, “noọng” - em, “moòng” - kêu…; hệ thống vần:
có thêm 01 vần “âư” để viết các từ “châư” - hơi thở, “au tầư” - lấy
đâu…; các phụ âm: có thêm các phụ âm phj ( phờ), mj (mjờ), bj (bjờ), sl
(slờ), pj (pjờ) để viết, ví dụ: Khau phja - rừng núi, phja bjoóc - núi
hoa, mjạc mjào - đẹp đẽ, kin mjầu - ăn trầu, đuông bjoóc - bông hoa,
bjải lẹo - nát cả rồi, lục slao - con gái, lượn slương - làn điệu dân ca
Tày, tua pja - con cá, pjạc căn - chia tay…
Trong khi viết có bắt gặp một số “vần lửng” vừa có thể thêm dấu
nặng (.) và cả dấu hỏi (?), hay dấu hỏi (?) và cả dấu huyền (\) …,
nhưng ta có thể bỏ qua bởi khi đọc, người dân tộc sẽ tự hiểu; hoặc xây
dựng thêm một số ký hiệu cần thiết!
Trong tiếng Tày ở nhiều vùng lại có các từ chỉ đồ vật khác nhau,
các giọng nói khác nhau, nhưng bộ chữ vẫn có thể viết và ghi được.
Ví dụ :
Từ “ăn cơm”: tiếng Tày chuẩn “kin khẩu” và “kỉn khấu”, “kin khấu”.
Từ “vung nồi”: tiếng Tày chuẩn “pha mỏ” và “pung mỏ” , “ pủng mó”.
Từ “con gái” tiếng Tày chuẩn “lục slao” và “lủc tao”, “lủc tảo”.
Từ “chân đèo” tiếng Tày chuẩn “tin kéo” và “tỉn keo”…
Tiếng Tày vùng Thái Nguyên lạm dụng tiếng Việt tới 50%, ví dụ:
“...hai con trâu đực húc nhau rúc đầu vào bụi tre…” được nói tiếng Tày
thành: “toỏng tủa hoài giái húc cẳn đâm gò khấu bụi tẻ pẩy”… Như vậy,
khi nói tiếng Tày - Nùng cần biết sử dụng triệt để từ ngữ Tày- Nùng có
để đọc, nói, viết và bảo tồn.
Trong cuộc sống nhiều từ tiếng Tày - Nùng không có, phải mượn
tiếng Việt ví dụ: bộ đội, cách mạng, khoa học, duy vật, nghị quyết…; và
trong tiếng Việt cũng phải mượn tiếng nước ngoài ví dụ: míttinh,
pinisilin, đánh du kích, Míc17, centimet… Vì thế, mượn tiếng cũng là yếu
tố cần thiết, tất yếu.
Người Việt, Tày, Nùng… xưa đều có bộ kí tự chữ nôm. Khi người Việt
biết dùng ký tự la tinh, người Tày cũng dùng loại chữ này để viết tiếng
Tày; ở vùng tôi, các quyển sách then nghi lễ, lượn được viết từ những
năm 1900. Nhưng những bài đó không thể hoàn chỉnh bằng các bản viết từ
khi có bộ chữ của Khu tự trị Việt Bắc (KTTVB) ban hành. Hiện nay các
sách hát các bài mo cúng, lượn hát nghi lễ then, thầy, pụt đều được viết
bằng chữ ký hiệu la tinh. Như vậy bộ chữ Sở Giáo dục KTTVB là bộ chữ
Tày - Nùng có tính khoa học tiên tiến, đã vào cuộc sống, nay có lẽ không
cần tranh cãi bàn luận để tìm bộ chữ Tày - Nùng nào khác nữa!
Lớp người Tày được học chữ Tày – Nùng thời KTTVB nay rất ít người
còn tham gia công tác, vì tuổi cao. Những năm gần đây nhiều trung tâm
bồi dưỡng ở nhiều địa phương mở các lớp học tiếng Tày - Nùng để dạy cho
cán bộ, giáo viên… Nhưng được dạy theo bộ chữ và giáo trình như thế nào?
Để việc dạy được thống nhất các vùng theo một chương trình, thời khóa
biểu nhằm đạt chất lượng cụ thể như thế nào từ các Bộ chủ quản!?
Nếu là người dân tộc khác, muốn học được kỹ năng nói viết phải
thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng lao động làm việc khoảng 3 tháng mới có
thể thành công! Tình trạng nhà báo đọc chữ “lượn slương” sai thành
“lượn sờ lương”, đã có phóng viên báo là người Tày mà viết chữ “kin
mjầu” - nhai trầu thành chữ “kin miâù”…
Tình trạng hiện nay các trường mẫu giáo vùng DTTS đều được giảng
dạy bằng tiếng Việt, cả ngày các bé ở lớp học. Về nhà cha mẹ ông bà có 2
hoặc 3 giờ giao tiếp với chúng, nếu nói tiếng Tày với chúng phải phiên
dịch giảng giải mất thì giờ, nên phải nói với bé bằng tiếng Việt, chúng
mới biết nghe, nhanh được việc. Lên học lớp 1,2, 3,4… trẻ tiếp tục chỉ
thích nói tiếng Việt. Ngày nay nhiều cha mẹ, giáo viên cũng muốn cho các
em biết đọc thông, viết thạo tiếng Việt để tiếp thu nhanh chóng kiến
thức, thậm trí cần chúng giỏi các ngoại ngữ Anh, Pháp,Nga, Trung… nữa!
Bởi thế, bọn trẻ ngại học, ngại nói tiếng dân tộc mình. Cứ như thế kéo
dài, vài năm nữa tiếng Tày sẽ không tránh khỏi mai một. Người Tày vô
tình đã tự đánh mất văn hóa bản sắc của mình!
Chính sách của Đảng, Nhà nước ta, các DTTS được hưởng ưu tiên.
Tình trạng người DTTS không biết nói tiếng mẹ đẻ, không có hiểu biết văn
hóa dân tộc mình nhưng vẫn kê khai là DTTS để hưởng ưu tiên, điều đó
không khuyến khích được việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc. Thậm
trí rơi vào hành vi quan liêu tạo nên bất công trong cộng đồng DTTS nói
chung và người Tày nói riêng.
Quá trình lịch sử đã cho thấy người Tày học viết chữ được dạy
hiệnnay:Giáo viên dạy tiếng Tày- Nùng phải là người dân tộc Tày - Nùng.
Khi lên lớp, trong giờ dạy cần nói, viết, đọc phải sử dụng triệt để từ
ngữ tiếng Tày - Nùng. Số tiết dạy khoảng 25 tiết. Cần có những tiết dạy
tiếng DTTS trong trường phổ thông mới minh chứng cho biện pháp bảo tồn
các giá trị văn hóa, văn nghệ dân tộc.
Dạy tiếng DTTS cần theo một chương trình cụ thể, có hệ thống. Phải
được bố trí thời khóa biểu cụ thể. Chương trình dạy cần giới thiệu các
nét văn hóa bản sắc Tày như: Văn hóa nhà sàn Tày. Phương pháp ứng sử
trong sinh hoạt gia đình; nội dung tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, biết ý
nghĩa nội dung các bài mo cúng các ngày lễ tết; những thủ tục nề nếp hôn
nhân, đám cưới; văn hóa hát then, lượn, hát du, thơ lẩu; văn hóa trang
phục,…
Nội dung dạy viết chữ Tày - Nùng chỉ cần dạy cho người học biết
thêm vần “âư”; biết thêm nguyên âm đôi “oo”; biết các phụ âm đôi mj, bj,
sl, pj, phj. Các bài kiểm tra đánh giá kết quả cuối kỳ cho người học
cần đạt:
- Trình bày cách giải một bài toán đố bằng tiếng Tày.
- Viết một bài tập làm văn tả cảnh hay viết thư bằng tiếng Tày.
Bài viết phải đạt 15 dòng, chỉ được phép mượn tiếng Việt không quá 20%
số từ ngữ trong bài viết.
- Dịch một bài văn vần trong sách tiếng Việt lớp 3 ra tiếng Tày - Nùng trong đó chỉ được phép mượn từ ngữ tiếng Việt 20%.
- Sưu tầm, để chép một bài then, lượn, mo, dân ca, tục ngữ Tày ít
nhất 30 dòng, và tiến hành viết lời dịch ra tiếng Việt hoàn chỉnh, chỉ
đựơc phép mượn tiếng Việt 20%, (cho học sinh về nhà sưu tầm tìm cách
dịch, mới có những tác động tốt tới cộng đồng người Tày - Nùng).
- Nhà trường cần vận động các gia đình Tày- Nùng tích cực nói
tiếng dân tộc mình trong sinh hoạt nói chung, người Tày nói riêng. Thành
lập Câu lac bộ nói tiếng dân tộc theo lớp học, giáo viên dạy tiếng dân
tộc cần giới thiệu phổ biến chương trình dạy tiếng dân tộc cho con em
họ, để phụ huynh thấy ý nghĩa trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa bản
sắc.
Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết V khóa VIII, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói: “…để dân tộc ta không đánh mất mình trong
thế giới luôn phát triển và biến động khó lường, để hội nhập nhưng
không hòa tan, không đánh mất giá trị văn hóa dân tộc…”. Như vậy nếu đặt
yêu cầu thực hiện “văn hóa biến đổi” trong nói và viết là không ổn.
Những nhận xét và đề xuất được viết, nhằm góp phần giữ gìn tiếng nói và
chữ viết Tày - Nùng. Các cơ quan Văn hóa - Du lịch, Giáo dục - Đào tạo
Trung ương và địa phương… cần có biện pháp ngăn chặn nguy cơ mai một
tiếng Tày sao cho có hiệu quả, để bảo tồn ngôn ngữ Tày, giữ gìn bản sắc
văn hóa Tày cho muôn đời sau.
Ma Văn Vịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.