Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

15/09/2013

Sách của Trần Dân Tiên cũng đã có bản dịch tiếng Thái năm 1949 (theo hồi kí cách mạng của Hoàng Văn Hoan)

Trang 236 trong cuốn hồi kí Giọt nước trong biển cả (1987) bản tiếng Trung, đoạn nói về sách của Trần Dân Tiên được dịch và xuất bản bằng tiếng Thái ở Thái Lan vào năm 1949
1. Theo hồi kí cách mạng của Hoàng Văn Hoan (kết hợp cả bản tiếng Việt xuất bản năm 1986, và bản dịch tiếng Trung xuất bản năm 1987), chúng ta được biết:

- Gần như đồng thời với thời điểm Hồ Chí Minh truyện của Trần Dân Tiên bản tiếng Trung được in ở Trung Quốc (năm 1949), thì ở Thái Lan, cuốn sách ấy cũng được dịch và xuất bản bằng tiếng Thái. Có lẽ đó là hai bản dịch ra tiếng nước ngoài sớm nhất của cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch.

- Bản tiếng Thái hơn bản tiếng Trung ở chỗ: nó có mang một bài tựa của người Thái ở đầu (bản tiếng Trung thì không).

Tuy vậy, xin đặc biệt lưu ý: cả trong bản tiếng Việt và bản tiếng Trung, Hoàng Văn Hoan không nhắc đến tác giả Trần Dân Tiên, chỉ nói "cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" mà thôi. Việc không nhắc đến tác giả ở đây, hẳn là mang nhiều ngầm ý bên trong.

2. Bản dịch tiếng Trung của cuốn hồi kí Giọt nước trong biển cả (Hoàng Văn Hoan) đã được phía Trung Quốc cho xuất bản vào năm 1987 với tựa đề 沧海一粟 (cũng có nghĩa là Giọt nước trong biển cả). Sách do Nhà xuất bản Giải phóng quân ấn hành. Bản dịch tiếng Trung do Văn Trang và Hầu Hàn Giang thực hiện. Nhiều người lầm tưởng là Hoàng Văn Hoan tự dịch từ tiếng Việt ra tiếng Trung, nhưng không phải, cụ chỉ viết tiếng Việt và cho xuất bản trước đó mà thôi.

Hiện chưa rõ cụ Hoàng Văn Hoan có được đọc duyệt bản dịch của nhóm Văn Trang trước khi nó tới nhà in hay không. Tức là, câu hỏi này, sẽ tương tự như câu hỏi đã nêu ở entry trước: cụ Trần Dân Tiên có được đọc duyệt bản dịch của Trương Niệm Thức trước khi Hồ Chí Minh truyện được nhà Bát Nguyệt gửi tới cơ sở ấn loát hay không.

3. Dựa vào đối chiếu nội dung giữa bản tiếng Trung (trang 236, xem ảnh trên), và bản tiếng Việt (xem mục 4 dưới đây), trong đoạn liên quan đến Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, chúng ta có thể phỏng đoán rằng: cụ Hoàng Văn Hoan đã xem kĩ, tức được đọc duyệt kĩ bản dịch tiếng Trung, trước khi nhà Giải phóng quân đem ấn hành.

Còn cụ Trần Dân Tiên có được đọc duyệt tương tự như vậy hay không, thì cần phải tiếp tục khảo sát kĩ lưỡng mới có câu trả lời.

4. Tư liệu để viết mục 3 ở trên, như sau:

(1). Nguyên bản tiếng Việt do Hoàng Văn Hoan viết:


"Để phát triển công tác ngoại giao nhân dân, việc thông tin tuyên truyền ở Băng-cốc cũng được cải tiến một bước. Cuối năm 1948 ra thêm bản tin bằng tiếng Thái lấy tên là Khào Việt Nam, nghĩa là Tin Việt Nam, có nội dung tuyên truyền đúng mức, được các nhà chùa, các nhân sĩ Thái-lan mua nhiều. Năm 1949, các đồng chí dịch cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch ra tiếng Thái, vận động người Thái viết lời tựa và xuất bản, để giới thiệu lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta với nhân dân Thái-lan"



(2). Bản tiếng Trung đoạn này (do tôi dịch ngược lại từ tiếng Trung Quốc, theo ảnh ở trên):

"Năm 1949, cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch được dịch ra tiếng Thái, do một nhân sĩ người Thái Lan viết lời tựa và xuất bản, để giới thiệu lãnh tụ  dân tộc kính yêu của nước ta với nhân dân Thái Lan"

5. Không biết có bạn nào đã được thấy bản tiếng Thái xuất bản năm 1949 này hay chưa ?

---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Họa sĩ vẽ chân dung Hồ Chủ tịch năm 1949 và sau đó (bìa sách xuất bản ở nước ngoài)

4 nhận xét:

  1. Thêm một chi tiết đáng lưu ý: Theo tác giả Sophie Quinn - Judge, trong cuốn "Ho Chi Minh: The missing years" thì bản tiểu sử đầu tiên của bác Hồ được viết bằng tiếng Hoa, lưu hành ở Trung Hoa từ năm 1948 và là một bản viết tay.

    Như vậy bản tiểu sử viết tay, viết bằng tiếng Hoa này có trước bản dịch "Hồ Chí Minh truyện ...." của Trương Niệm Thức.

    Nếu bà Sophie Quinn - Judge nói đúng, liệu bản viết tay này có phải là bản gốc của "Những mẩu chuyện ...." hay không?

    Không hiểu sao tôi cứ lăn tăn rằng cụ Hoàng Văn Hoan phải đóng vai trò lớn trong cuốn sách "Những mẩu chuyện..." Nhưng vai trò đó là gì? Tác giả hoặc đồng tác giả, biên tập, thậm chí kiểm duyệt, dịch (từ Hoa sang Việt hoặc từ Việt sang Hoa), phát hành, quảng bá?

    Bạn Nguyễn Thanh Tùng (blog Đôi mắt) cũng có những nghiên cứu rất hay trong vấn đề này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Thiên Lý chắc là bạn Lee, đúng không ?

      Tư liệu viết tay mà Sophie nhắc đến thật ra chưa rõ lai lịch, và chưa khẳng định được niên đại 1948. Bởi vậy, thuyết phục nhất vẫn là bản dịch của Trương Niệm Thức, đó là bản chính thức đầu tiên trong liên quan đến Trần Dân Tiên (nhấn mạnh yếu tố Trần Dân Tiên). Còn bản tiếng Việt nào đã được Trương Niệm Thức sử dụng đê dịch, thì nan giải đây, khi mà các hồ sơ có tính mật chưa hề được mở ra cho giới nghiên cứu.

      Như mình đã viết, cụ Hoàng Văn Hoan viết rất khéo trong hồi kí, vừa kín lại vừa hở. Quả thực giữa tác phẩm của cụ Trần Dân Tiên với hồi kí Hoàng Văn Hoan, có một số chỗ rất giống nhau (về sự kiện, về lối suy nghĩ, về cách diễn đạt).

      Cụ Hoàng Văn Hoan không có khả năng dịch tác phẩm của Trần Dân Tiên từ tiếng Việt sang tiếng Hoa ở thời điểm ấy, vì lúc đó, cụ đang bận mải với chiến trường căn cỗi của cụ, là Thái Lan. Thứ nữa, tiếng Hoa của cụ Hoan lúc đó chưa đủ để dịch ngược (chỉ dịch xuôi thôi). Bản thân hồi kí của cụ Hoan, như tôi đã viết, cũng phải nhờ hai người khác dịch sang tiếng Hoa để xuất bản ở Trung Quốc, chứ cụ không viết bằng tiếng Hoa.

      Bạn Thanh Tùng chắc cũng đang theo dõi loạt entry này mà. Mình cũng đã điểm bài viết của bạn ấy. Mr. Khoằm thì cũng nắm vững nội dung bạn Thanh Tùng đã phát triển.


      Xóa
    2. Bạn Thiên Lý thì chắc là bạn Lee rồi!

      Xóa
    3. Khoằm à, bác Lee đã nói rồi mà ! Mình thì sẽ gọi bác ấy đơn giản thành Lí (như cụ Lí ngày xưa ấy), vừa dân dã vừa thân thiện.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.