Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách
▼
26/02/2025
Về một tấm ảnh Phan Bội Châu có nốt ruồi - kỉ niệm nhỏ với học giả Đinh Xuân Lâm (1925-2017)
Tin học giả Đinh Xuân Lâm qua đời năm 2017 ở tuổi 92, trên Giao Blog đã điểm tin ở đây.
Năm nay tròn 100 năm ngày sinh của cụ, nên thấy tin nhà trường và học trò vừa tổ chức một lễ kỉ niệm (xem tin và ảnh ở phần bổ sung).
Ở đây, không có thời gian, nên ghi đính ghim một kỉ niệm nhỏ nhỏ về học thuật với cụ.
1. Một kỉ niệm về cụ Đinh Xuân Lâm, là vào năm 2010, trong một hội thảo về phong trào Đông Du tổ chức tại Hà Nội. Lần đó, phía Việt Nam, qua tư liệu thầy có các học giả: Chương Thâu, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm,...
Tôi tham gia với lời mời dành cho dịch giả tiếng Việt bài văn bia bằng Hán văn do Phan Bội Châu soạn năm 1918 tại Nhật Bản để kỉ niệm người bạn vĩ đại là bác sĩ Asaba (nguyên vật tấm bia ấy hiện còn ở Nhật Bản, có thể xem ở đây; một phiên bản thu nhỏ kèm lời dịch tiếng Việt - bản dịch của tôi thì hiện có thể thấy trong vườn cũ nhà cụ Phan Bội Châu tại Huế, có thể xem ở đây).
2. Từ rất lâu, tôi đã nghi vấn lâu nay chúng ta, cả giới sử học Việt Nam và Nhật Bản đều nhầm về một tấm ảnh. Đó là tấm ảnh ghi ảnh Phan Bội Châu và Cường Đề chụp tại Tokyo (hoặc tại Yokohama), hồi hai cụ này mới đến Nhật Bản quãng năm 1905-1906, tức khoảng 120 năm về trước.
Tấm ảnh sau:
Lâu nay, ảnh này được xem là ảnh của Cường Đề (đứng) và Phan Bội Châu (ngồi), chụp tại một hiệu ảnh tại Tokyo hay Yokohama khoảng năm 1905-1096
Các tài liệu đều ghi như vậy.
Nhưng tôi thì nghi vấn là không phải. Tức chúng ta đang bị nhầm, cần phải cải đính.
Một nghi vấn của tôi, trực tiếp xem qua ảnh, là nốt ruồi của Phan Bội Châu trong tấm ảnh. Tôi không thấy cụ Phan có nốt ruồi như vậy, qua kiểm chứng ảnh và video về cụ, các hồi kí của cụ và hồi kí của người khác cùng hoạt động với cụ.
3. Tại hội thảo năm 2010, tôi có trình bày nghi vấn này với các vị Việt Nam (gồm Chương Thâu, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Đào Thế Đức,...) và một số vị Nhật Bản (tiêu biểu là ông Amma).
Ông Amma thì không nghi vấn gì.
Cụ chuyên gia về Phan Bội Châu của Việt Nam là Chương Thâu thì cũng không nghi vấn.
Cụ Phan Huy Lê thì bảo đại khái: "Giao thử đối chiếu thêm, nếu đúng thì em nên công bố để ta chỉnh lại cho đúng". Tức cụ cũng không đặt ra nghi vấn lắm.
Chỉ có cụ Đinh Xuân Lâm thì tán đồng. Cụ cũng bảo, đại khái: tớ cũng nghi vấn lâu rồi. Chứng cớ của tớ cũng nằm ở cái mụn ruồi !
Học giả Đinh Xuân Lâm tại hội thảo tháng 11 năm 2010, tại Hà Nội
Hóa ra, là về chứng cớ trực tiếp thì cụ Đinh Xuân Lâm cũng xem nốt ruồi trên khuôn mặt của Phan Bội Châu là "nghi vấn".
4. Sau này, gặp các người cháu của cụ Phan Bội Châu, như ông Phan Thiệu Cát tại Vinh vào năm 2017, tôi cũng nói về cái mụn nốt ruồi, thì mọi người tán thành ! Các cháu của cụ Phan cũng cho biết: cụ không có mụn ruồi đó, và ảnh đó có khả năng là lâu nay chú thích nhầm !
5. Đến hiện tại, vẫn tạm thời đặt nghi vấn vậy. Khi nào có điều kiện viết ra để công bố (theo lời của cụ Phan Huy Lê), và chú thích lại, thì tôi sẽ nhắc đến một điểm chung về chứng cớ với cụ Đinh Xuân Lâm là cái nốt ruồi !
Đưa một tấm ảnh cụ Đinh Xuân Lâm trong hội thảo năm 2010.
Ngày 25.2, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN diễn ra “Triển lãm và Tọa đàm Kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.NGND Đinh Xuân Lâm”.
Chương trình do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư, nhà giáo Đinh Xuân Lâm.Phát biểu khai mạc triển lãm, PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Trưởng khoa Lịch sử, Giám đốc Bảo tàng Nhân học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho biết: “Triển lãm ảnh tạo ấn tượng sâu sắc vào tâm khảm mỗi người, giúp chúng ta nhận thức được về một bậc thầy của nhiều thế hệ học trò.
PGS.TS Đặng Hồng Sơn phát biểu khai mạc triển lãm. Ảnh: Chí Long
Qua mỗi khuôn hình, chúng ta có cơ hội ngược dòng thời gian để trở lại với điểm khởi đầu của mình, chiêm ngưỡng và thưởng thức những giá trị mà các bậc sư biểu đã gây dựng và củng cố nền văn hóa sử học”.
Để thực hiện triển lãm, với hàng ngàn bức ảnh khác nhau từ các lưu trữ của gia đình và nhiều tổ chức, cá nhân, Ban tổ chức đã lựa chọn 127 bức hình, được bố cục thành 4 phần.
Phần đầu tiên bao gồm những bức ảnh chân dung giáo sư, nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm, nổi bật với 18 khoảnh khắc đặc tả chân dung một nhân cách sử học qua từng giai đoạn khác nhau, từ khi là nhà sử học trẻ với nhiều hoài bão cho đến khi trở thành một cây đại thụ của nền sử học Việt Nam đương đại.
Một số tác phẩm trong triển lãm ảnh kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm. Ảnh: Chí Long
Phần hai thể hiện đóng góp của GS.NGND Đinh Xuân Lâm với sử học Việt Nam, gồm 40 bức ảnh, phần nào mô tả những đóng góp tiêu biểu của một nhà sử học nghiêm cẩn, đồng thời phản ánh tính quốc tế trong cộng đồng học thuật của Giáo sư.
Những bức ảnh cũng lưu dấu chân của nhà sử học thực chứng Đinh Xuân Lâm ở khắp mọi miền đất nước và quốc tế. Trong số hình ảnh tư liệu ấy, đã phản ánh những ấn phẩm tiêu biểu của GS.NGND Đinh Xuân Lâm trong nửa thế kỷ nghiêm cẩn, nhiệt huyết và cống hiến cho sử học nước nhà.
Từ những tác phẩm đầu tay của hơn nửa thế kỷ trước, như Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1897-1914, cho đến tác phẩm được trao giải thưởng Nhà nước và khoa học công nghệ gần đây, Phong trào chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam.
Phần tiếp theo là hình ảnh GS.NGND Đinh Xuân Lâm trong ký ức thầy cô, đồng nghiệp và học trò, gồm 37 khoảnh khắc, khắc họa hình ảnh thân thương và mối quan hệ giữa thầy và học trò. Trong đó có sự hiện diện của các bậc danh sư thuộc thế hệ Tam Anh, Giáo sư Đào Duy Anh, Giáo sư Trần Văn Giàu… cùng các thế hệ đồng nghiệp, học trò trong và ngoài nước.
Phần cuối cùng là hoạt động của Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm, gồm 22 bức ảnh thể hiện một chặng đường 8 năm, qua 8 mùa trao giải cho 152 sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, nhà khoa học trẻ, từ 12 đơn vị đào tạo và nghiên cứu sử học trong cả nước.
Nhiều khách mời là đồng nghiệp, học trò, người thân của GS.NGND Đinh Xuân Lâm tham gia triển lãm. Ảnh: Chí LongTriển lãm và tọa đàm thu hút đông đảo bạn trẻ tham dự. Ảnh: Chí Long
Bên cạnh hoạt động triển lãm, chương trình cũng bao gồm buổi tọa đàm khoa học giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp GS.NGND Nhân dân Đinh Xuân Lâm; GS.NGND Đinh Xuân Lâm trong ký ức của đồng nghiệp và học trò.
Tọa đàm quy tụ những nhà khoa học, những cơ quan, đơn vị đào tạo, nghiên cứu và hiệp hội được GS.NGND Đinh Xuân Lâm sáng lập, phát triển để cùng tập trung nghiên cứu, tổng kết, tri ân và tôn vinh di sản của Giáo sư. Từ đó, tiếp tục khẳng định một nhân cách, một sự nghiệp Đinh Xuân Lâm trong dòng chảy Sử học, Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam đương đại và tương lai.
GS.NGND Đinh Xuân Lâm sinh năm 1925 tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình quan lại yêu nước. Ông theo cha sinh sống ở Thanh Hóa từ nhỏ và tốt nghiệp Tú tài tại Trường Quốc học Huế năm 1941. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông bắt đầu sự nghiệp giáo dục tại Trường Trung học Đào Duy Từ ở Thanh Hóa.
GS.NGND Đinh Xuân Lâm thường được biết đến là một trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam hiện đại (cùng với GS. Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn, GS. Trần Quốc Vượng), góp phần định hình nền sử học Cách mạng của nước Việt Nam độc lập.
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.