Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

30/12/2024

Đạo Phật Việt Nam luôn đan xen với tín ngưỡng thờ Mẫu (Hòa thượng Thích Quảng Tùng)

Bài đăng tải trên trang Trúc Lâm Yên Tử.

Tháng 12 năm 2024,

Giao Blog


---

Đạo Phật Việt Nam luôn đan xen với tín ngưỡng thờ Mẫu



TLYT - Tín ngưỡng, tôn giáo là hình thái ý thức xã hội, ra đời và phát triển cùng với xã hội loài người và sẽ tồn tại cùng với xã hội loài người trong khoảng thời gian khó mà định đoán trước được. Trong quá trình tồn tại và phát triển, tôn giáo tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, đến tâm lý, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia. Ngay trong tín ngưỡng tôn giáo chứa đựng một nội dung phong phú về lịch sử, tư tưởng, triết học, văn hóa… Nó thực sự là nhu cầu của con người, là món ăn tinh thần của xã hội. Tín ngưỡng cũng là nguồn gốc của các giá trị đạo đức, là niềm an ủi và nâng đỡ về tâm lý.

Với Đạo Phật, chủ yếu lấy từ bi và trí tuệ làm sự nghiệp, qua tu tập, buông bỏ dục vọng mà đạt tới đỉnh cao là giác ngộ và giải thoát khỏi khổ đau, khỏi sinh tử luân hồi.

Nước ta có nhiều tín ngưỡng dân gian, nhưng bao trùm lên tất cả là tín ngưỡng Thờ Mẫu, đã tồn tại rất sớm trong các điện Thờ Mẫu trong chùa, trong các đền như Vân Cát – Tiên Hương, đền Sòng Thanh Hóa v.v. Từ xa xưa, đa số tín đồ Phật tử cũng đồng thời là tín đồ Đạo Mẫu. Cho nên hầu hết các chùa ở Miền Bắc đều có một điện Mẫu bên cạnh chùa thờ Phật. Các chùa nhỏ không làm được điện thờ Mẫu riêng thì cố thu xếp để có một ban Thờ Mẫu. Người ta thường nói bên cha cũng kính, bên mẹ cũng vái. Nhiều người không thực hành nghi lễ hầu Thánh nhưng cũng vẫn tôn trọng “Kính nhi viễn chi”. Không đả phá, vì nó có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian.

  1. Trước hết ta xét về khởi thủy của tín ngưỡng lên đồng, hầu bóng

Hiện nay chưa có tài liệu nào xác định hiện tượng lên đồng có từ khi nào. Tài liệu sớm nhất là Thiền Uyển Tập Anh phản ánh thoáng qua về sự đối đáp giữa hai vị Tăng trong một lần đến nhà dân xem ĐỒNG CỐT, từ thời Lý Thần Tông (1116 – 1138). Ngài Khánh Hỷ trụ trì chùa Chúc Thánh (mất năm 1142) hỏi Thày mình là Bản Tịch rằng: “Thế nào là ý chỉ cùa Tổ Sư? Sao Thày lại nghe theo dân gian làm những chuyện đồng cốt mê hoặc?”. Bản Tịch đáp: “Lời nói ấy đâu phải là không do đồng cốt giáng thần”1. Rất tiếc với tư liệu này không cho biết rõ ràng đồng cốt thời Lý này là đồng gì? Là lên đồng hay “Đồng thiếp”, hoặc “Đồng nổi”. Qua đó ta thấy hé lộ tục đồng cốt có từ rất sớm và các vị Tăng đã nêu quan điểm của mình.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư viết về quá trình nghĩa quân Lê Lợi vây thành Đông Quan (nay là Hà Nội) đã xuống chiếu dụ hàng các binh sỹ trong thành và ra lệnh: “Cấm những kẻ xưng là đồng cốt, tà đạo, mượn tiếng ma quỷ, thần thánh gieo rắc hoang mang, bịa đặt mê hoặc lòng người” (Quyển 10 kỷ nhà Lê, tr.267).

Theo Đại Việt thông sử cũng cho biết: “Ngày 19/3/năm Đinh Mùi niên hiệu Tuyên Đức thứ 2 – 1427) thành Thị Cầu đầu hàng, Vua (Lê Lợi) ra lệnh… Cấm những người đồng cốt không được hành nghề tà đạo, giả xưng làm ma, quỷ thần, đem những lời phù phiếm mê hoặc lòng người”2.

Với những tư liệu lịch sử này, qua Ngô Sỹ Liên và Lê Quý Đôn, ta thấy Thành Đông Quan thời đó đã có việc lên đồng nhưng bị lệnh cấm của Vua Lê Lợi, vì hệ thống chính trị mang tư tưởng Nho giáo nên hành xử như vậy. Sau này Lê Hữu Trác trong Thượng kinh ký sự viết: “Ngày 20 quan văn thư sửa sang hành lý lên đường… Buổi chiều đến nghỉ ở trạm xã Kim Khê, quan văn thư làm lễ, vào yết trong miếu của xã ấy, bày ra một tiệc hát và mời tôi cùng dự. Bấy giờ Thánh Mẫu đang nhập vào cô đồng, cô ta đang ngồi lắc lư và đang nói…”3. Tới thời gian này ta thấy việc lên đồng đã công khai tổ chức và mời cả bạn bè tới dự không bị cấm đoán. Có nhiều người lý giải hiện tượng này là do giao thương, kinh tế mở của nhà Mạc (1527 – 1592) một nền kinh tế hàng hóa trên sông – biển, cũng là thời kỳ văn hóa phát triển, nhiều chùa được xây dựng, là thời kỳ hưng thịnh của tín ngưỡng dân gian.

  1. Vì sao lại xuất hiện tín ngưỡng Thờ Mẫu

Đạo Phật được đưa vào Việt Nam rất sớm nhờ những thương gia Ấn Độ, vượt biển tới các nước có biển ở Đông Nam Á, đi theo gió mùa Tây Nam và về theo gió mùa Đông Bắc. Để chuyến đi được an toàn buôn may bán đắt họ mời các nhà sư thay Phật đi cùng, tụng niệm, cầu nguyện cho họ và Phật giáo được lan tỏa nhờ con đường này.

Thời kỳ nhà Mạc có nền kinh tế hàng hóa, buôn bán phát triển đã xuất hiện một tầng lớp thương nhân để thành một bộ: SỸ – NÔNG – CÔNG – THƯƠNG. Họ theo Phật giáo và chọn tín ngưỡng Quán Âm Nam Hải, tầm thanh cứu khổ cứu nạn giúp họ buôn bán hanh thông, thuận buồm xuôi gió. Nhưng họ chính gốc là những nông dân, phần lớn là phụ nữ, sống trong nền văn minh lúa nước mong muốn sinh sôi nảy nở mà xuất hiện nữ hóa thần linh. Nữ thần hóa trong nền văn hóa Việt, như hiện tượng Man Nương và Tứ Pháp.

Vời huyền tích Thánh Mẫu là con gái Ngọc Hoàng vì đánh vỡ chén ngọc nên bị giáng xuống trần đầu thai, tam sinh, tam hóa. Ngài là Nữ thần bất tử trong Tứ bất tử đã ăn sâu vào tiềm thức vào tín ngưỡng dân gian người Việt. Thánh Mẫu có pháp thuật cao siêu, qua việc hóa hiện làm cô bán rượu để xướng họa thơ văn với Phùng Khắc Khoan ở Tây Hồ. Ta thấy các trí thức Nho học xây dựng nên một Thánh Mẫu luôn phù trợ cho các thương nhân và mang văn hóa, tri thức Nho học hòa nhập vào văn hóa dân gian tạo thành nền văn hóa tín ngưỡng độc đáo của Việt Nam. Tín ngưỡng Thờ Mẫu đã tôn vinh người phụ nữ có tài, có nhiều pháp thuật, luôn đứng ra bênh vực bảo vệ cho những người yếu thế, vân du mọi nơi để khuyến thiện, trừng ác. Mẫu Liễu Hạnh là biểu tượng của người phụ nữ đã phá vỡ sự trói buộc của Nho giáo “Tam tòng”, của “Phu xướng phụ tùy” và những sự ngược đãi của nam giới, của xã hội trọng nam khinh nữ. Trong Tam Tòa Thánh Mẫu, ngoài Mẫu Liễu Hạnh còn có Mẫu Thượng coi sóc rừng núi và Mẫu Thoải coi sóc về sông nước.

  1. Mối quan hệ giữa Thánh Mẫu và Phật

Có nhiều câu chuyện ly kỳ kể về Mẫu Liễu Hạnh chúng tôi xin tóm lược đôi điều như sau:

Là con gái Ngọc Hoàng bị đày xuống trần gian, Liễu Hạnh hóa thành cô gái đẹp dựng quán bán hàng ở Đèo Ngang, hiển thần thông, biến hóa để dạy cho mọi người bỏ ác làm thiện. Nhất là những kẻ háo sắc, trong đó có Thái tử con Vua Lê Thái Tổ. Rồi nhờ bùa phép của tám vị Kim Cương hoàng tử đã khỏi bệnh và cúi đầu nhận tội trước vua cha. Triều đình cầu cứu tám vị Kim Cương, họ đánh nhau 3 ngày 3 đêm không phân thắng bại, thấy bất lực họ bay lên trời cầu khẩn Phật Bà. Phật Bà ban cho họ một cái túi, quả nhiên Liễu Hạnh bị thu vào túi và đưa về triều.

Khi biết Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng xuống trần để trị những đàn ông hay ức hiếp phụ nữ và khuyến thiện trừng ác, Vua tha bổng. Sau đó Liễu Hạnh sinh hạ một người con trai, mỗi bàn tay có 6 ngón. Nàng mang con đến chùa trên núi Hồng Lĩnh gửi cho một vị sư và nhờ nhà sư hãy nuôi dạy con mình rồi bay về trời.

Truyện này còn có nhiều dị bản. Có bản thêm đoạn kết:

Khi Liễu Hạnh bị bắt, Phật Tổ hiện ra giải cứu, Ngọc Sư (tức Tiền Quan) vâng lời Phật Tổ trao cho nàng một bộ áo cà sa, một mũ ni cô để quy y Phật. Vì vậy, ngày nay ở nhiều chùa có dựng thêm điện ở phía sau để thờ Liễu Hạnh.

Qua các câu chuyện kể về huyền tích của Thánh Mẫu ta thấy sự gắn kết từ lâu, không thể tách rời giữa Đạo Phật và Đạo Mẫu.

  1. Đứng trên quan điểm của Phật giáo nhìn nhận về Đạo Mẫu

Đạo Phật là đạo trí tuệ có tính bao dung rất lớn và dễ hòa nhập, nên lịch sử truyền đạo của mình Phật giáo không gây đổ một giọt máu. Trên tư tưởng “Nhất thiết duy tâm tạo” và “Lý duyên khởi”, “Cái này sinh, thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”, Phật giáo cho rằng, tất cả các tôn giáo, các tín ngưỡng đều từ chân tâm, thực tướng mà sinh ra. Từ nơi tĩnh lặng của nước mà sinh ra sóng. Sóng to ta tạm gọi là Đạo to, sóng nhỏ ta tạm gọi là Đạo nhỏ; các bọt, bong bóng nổi lên, là các dòng tín ngưỡng khác nhau. Tất cả mọi đạo ví như sóng đều sinh ra từ nước và nó diệt đi lại trở về nước. Khi gió yên thì nước lặng. Mọi tín ngưỡng tôn giáo đều sinh ra từ ý thức xã hội. Mà ý thức thì không theo một khuôn mẫu nào. Do phong tục, tập quán, do trình độ văn hóa, do trí tuệ nông sâu mà người ta tín ngưỡng khác nhau. Khi xã hội loài người không còn nhu cầu tín ngưỡng thì các tôn giáo trở về bản thể của mình là xã hội không có tôn giáo – tín ngưỡng. Đó là lúc mặt nước lặng trong, xã hội hài hòa, an lạc, không có các đau khổ và bất công. Đó là Cực lạc, là Thiên đường ngay tại thế gian này.

Đức Phật, Ngài là thày thuốc giỏi tùy theo bệnh mà cho thuốc. Thuốc nào bệnh ấy, cứ khỏi bệnh là thuốc tốt, thày hay. Nhưng mỗi thày một thuốc, mỗi thày chữa mỗi bệnh. Phật có “Tam năng” và “Tam bất năng”.

Tam năng: Năng thông nhất thiết tướng, thành vạn hạnh trí. Năng tri quần sinh tính, cùng ức kiếp sinh tử sự. Năng độ vô lượng chúng sinh. Tam bất năng: Bất năng tức diệt định nghiệp; Bất năng hóa độ vô duyên chúng sinh. Bất năng độ tận chúng sinh giới.

Đối với chúng sinh vô duyên với Ngài thì không thể độ được. Hay nói cách khác các bệnh nhân không tin tưởng, không phải chuyên khoa của mình thì Ngài không thể chữa được. Khi họ có duyên với thầy khác thì họ phải tìm thày khác chữa. Vì bệnh nào thuốc ấy. Cũng như, có người đau lưng uống thuốc đau lưng khỏi, lại bắt người đau đầu cũng phải uống thuốc đau lưng như mình, tất nhiên không khỏi bệnh, đó không phải là tại thày hay tại thuốc. Hay nói cách khác, ai tin thày thuốc nào tùy họ. Ai tín ngưỡng gì mặc người ta. Có bệnh “Bác sỹ Phật” chữa khỏi. Có bệnh chỉ có “Bác sỹ Mẫu” chữa mới khỏi, hay Chúa hoặc Giáo chủ của đạo khác chữa cho bệnh của họ mới khỏi. Người Phật tử luôn có cái nhìn nhận như vậy thì các tôn giáo đều là anh em, đều là những bệnh nhân tùy theo bệnh của mình mà uống thuốc theo sự hướng dẫn của thày thuốc của mình. Khi mọi người đều khỏi bệnh, đều khỏe mạnh là thế giới Đại Đồng. Sự uống thuốc là cách tu tập để rèn luyện thân tâm của mình, gạn bỏ tham, sân, si. Ví dụ: Bố thí để trừ tham lam, lấy trí tuệ để trừ ngu si, lấy tích cực để trừ lười biếng v.v. Đạo nào thày cũng dạy đệ tử bỏ ác làm lành, làm lợi ích cho quần sinh.

Lại ví dụ: Con sư tử bằng một khối vàng 24K thì lông đầu nó là vàng, lông đuôi cũng là vàng, không có nơi nào cao quý hơn. Chỉ khác nhau tên gọi và vị trí, nên đạo nào cũng như nhau vì đều là vàng cả. Đạo Phật với Đạo Mẫu cũng là vàng.

Về tín ngưỡng tâm linh, hữu cầu tất ứng, không thể dùng lời nói, hay lấy mắt mà nhìn nhận, đánh giá được. Thực tiễn cho thấy nhiều người tưởng chết nhưng hầu Thánh mấy giá là khỏi như thần tiên. Dân ta thường nói đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Đứng ngoài mà hô hét làm sao mà đúng được, chưa đi qua ai biết cầu thế nào? Nếu không bị ốm đau, điên dại do căn quả, bị hành bệnh thì chắc chẳng ai muốn lên đồng, hầu các Ngài vì quá tốn kém. Còn việc lợi dụng miệng phàm bóng thánh phán bảo hay lợi dụng kiếm tiền thì lại là chuyện khác, đó chỉ là những con sâu làm hỏng nồi canh.

Phật giáo với tín ngưỡng Đạo Mẫu đan xen và tương hỗ nhau. Nhiều nơi không có chùa thì Phật tử lấy đền có thờ Quán Âm làm nơi nương tựa tâm linh, khi có chùa thì họ Quy y Tam Bảo. Đôi khi đã theo Phật rồi nhưng ốm đau lại phải hầu Thánh cho có sức khỏe. Vì có sức khỏe mới tu được. Ngay giới thứ 5 là không được uống rượu nhưng khi bị bệnh Phật cũng cho uống để chữa bệnh. Trong kinh Viên Giác Đức Phật dạy: Bồ Tát phải học, học tất cả các đạo kể cả ma đạo, quỷ đạo… để biết và dùng phương tiện đưa chúng sinh tới bờ giác và trở về một cửa (bất nhị pháp môn).

Đôi lời kiến nghị:

  1. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đã được UNESSCO vinh danh là Di sản của nhân loại, là vốn quý của văn hóa Việt Nam. Đề nghị Bộ Văn hóa cùng các nhà nghiên cứu, các Đồng thày cùng nhau soạn một bộ nghi thức thờ cúng, hầu Thánh, lễ nghi, khăn áo, kể cả văn hát. Trên tinh thần gạn đục khơi trong, theo cổ truyền dân tộc để bảo lưu cho đời sau.
  2. Các Thanh đồng đạo quan có thể hợp sức cùng nhau thành lập một tổ chức để hướng dẫn, giới thiệu những nét đẹp, nét độc đáo của từng giá đồng, uốn nắn những người thực hành nghi lễ chưa đúng để bảo vệ sự trong sáng của tín ngưỡng Đạo Mẫu.
  3. Lựa chọn một số ngôi đền tiêu biểu để tôn trí hệ thống tượng thờ, câu đối, đại tự theo đúng thiết chế của một ngôi đền Thờ Mẫu, làm chuẩn để giới thiệu với khách nước ngoài. Kể cả hành lễ để họ thấy văn hóa tín ngưỡng của ta như thế nào. Hiện nay còn hiện tượng thờ không đúng ở nhiều nơi.

 

Hoà thượng Thích Quảng Tùng

Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Từ thiện xã hội Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

1 Thiền Uyển Tập Anh 1990, Nxb Văn học, tr.215

2 Lê Quý Đôn, Lê Triều Thông sử – Nxb VHTT, tr.70

3 Lê Hữu Trác (1971) Thượng kinh ký sự, Nxb. Văn học, tr.86

..

2017 Cổng thông tin điện tử chính thức của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.
Địa chỉ: Phường Phương Đông, Thành phố Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam
Điện thoại: (+84) 02033 576 269 Email: chuayentu@gmail.com
Liên hệ đăng bài trên website: hoayenyentu@gmail.com hoặc caodangnguyet@gmail.com
Website:http://truclamyentu.com.vn | Designed by PCChttps://chuyenngoaingu.com


http://www.truclamyentu.com.vn/dao-phat-viet-nam-luon-dan-xen-voi-tin-nguong-tho-mau-15433.aspx

..



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.