Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

12/08/2024

Ngôi đền cổ thờ hệ thần Liễu Hạnh công chúa bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm - Đền Bà Kiệu

Một ngôi đền cổ thờ hệ thần Liễu Hạnh công chúa, mà tọa lạc ở trung tâm thành phố Hà Nội ngày nay.

Khu vực đó vốn là ở trước Phủ Chúa Trịnh. Bản thân ngôi đền đã có từ thời Lê mạt (khoảng cuối thời Cảnh Hưng).

Đầu tiên đăng một bài mới của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1.

Các bổ sung và cập nhật thì dán ở bên dưới như thường khi.

Tháng 8 năm 2024,

Giao Blog


---


Đền Bà Kiệu, ngôi đền thiêng bên Hồ Hoàn Kiếm
 1 ngày trước

Nằm giữa trung tâm Thủ đô, bên hồ Gươm lịch sử, đền Bà Kiệu là một ngôi đền thiêng liêng gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần bao đời nay của người dân Hà Nội. Đây là một trong những ngôi đền thờ Mẫu đầu tiên của Việt Nam và đã được xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia vào năm 1994.

 

Ảnh đền Bà Kiệu hiện nay/Sưu tầm

 

Với mục đích giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân, tổ chức ra khỏi khu vực khoanh vùng bảo vệ I của di tích đền Bà Kiệu, hoàn trả lại không gian cảnh quan nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử của di tích…, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để thực hiện dự án, trong đó sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố và thời gian thực hiện dự án là từ năm 2022 đến 2024.

Chiều ngày 24/7 vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Hội nghị Đối thoại với các hộ dân và tổ chức về dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm.

Đền Bà Kiệu nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng. Đền Bà Kiệu trước kia gọi là “Huyền Chân Từ”, trong đền còn có bức hoành phi viết bằng chữ Hán đề “Thiên Tiên Điện”. Theo bia “Trùng tu Huyền Chân Từ bi ký” dựng vào năm Tự Đức 19 (1866) thì đền Huyền Chân nguyên thuộc đất huyện Thọ Xương và được xây dựng từ thời Lê.

 

Tóm tắt lịch sử đền Bà Kiệu./TTLTQGI

 

Dưới triều Nguyễn, đền Bà Kiệu được trùng tu chủ yếu vào năm Tự Đức 6 (1853) và hơn một thập kỉ sau đó là năm 1864.

Trường tồn cùng thời gian, đền Bà Kiệu song hành cùng những biến thiên của lịch sử. Đền Bà Kiệu đã trải qua nhiều “biến cố” lớn kể từ khi người Pháp tiến hành quy hoạch và xây dựng lại thành phố Hà Nội thành một thành phố kiểu Âu với hồ Gươm được xác định là trung tâm của công cuộc quy hoạch này. Năm 1890, chính quyền Pháp đã trưng dụng đất quanh đền làm vườn hoa. Và để phục vụ cho dự án làm đường quanh Hồ (boulevard autour du Petit Lac) được hình thành từ năm 1884, chính quyền Pháp tiếp tục trưng dụng đất đền. Con đường được khởi công vào năm 1891, chạy qua sân đền Bà Kiệu, chia đền thành hai phần. Khu đền chính bị dỡ mất tòa tiền tế và sân trước trở thành một đoạn phố. Đây chính là lý do giải thích cho việc tại sao ngày nay hai phần của di tích (khu đền và cổng tam quan) lại nằm cách nhau bởi phố Đinh Tiên Hoàng.

 

Sơ đồ tổng thể đất đai thuộc đền Bà Kiệu trước và sau năm 1890./TTLTQGI

 

Từ năm 1900-1905, với lý do chỗ giao phố Đinh Tiên Hoàng và Lò Sũ thường xuyên xảy ra tai nạn, chính quyền Pháp đề nghị phá bỏ đền Bà Kiệu để tạo sự thông thoáng cho lưu thông và để mở rộng đường cho tàu điện chạy qua, đất đai của đền một lần nữa bị trưng dụng.

Thông cáo của Đốc lý Hà Nội ngày 20/7/1905 về việc trưng dụng đất đai đền Bà Kiệu để mở rộng đường./TTLTQGI

Năm 1937, trước nguy cơ đền Bà Kiệu phải chuyển đi nơi khác để lấy đất làm đường nối đại lộ Francis Garnier với quảng trường Cocotier (sau đổi thành quảng trường Négrier, nay là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã gửi công văn lên Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử đền Bà Kiệu.

 

Ảnh đền bà Kiệu thời Pháp./TTLTQGI

 

Và đền Bà Kiệu đã có mặt trong danh sách 31 đình, đền, chùa và di tích lịch sử được xếp hạng của thành phố Hà Nội do Sở Quốc gia Bảo tồn Cổ tích lập ngày 07/8/1951.

Trải qua bao biến cố thăng trầm, nhiều di tích quanh hồ Gươm không còn nữa, nhưng đền Bà Kiệu vẫn được bảo tồn với những giá trị lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng vốn có. Việc hoàn trả không gian cảnh quan cho ngôi đền là hết sức cần thiết để người dân, du khách có thể ghé thăm vãn cảnh và cầu mong mọi điều bình an, may mắn.

Tài liệu tham khảo:

 

[1]https://kinhtedothi.vn

[3]TTLTQGI/SCDHN/702-02

[4] Như trên

[5] Như trên

[6] TTLTQGI/RST/4431

[7] Như chú thích 3

[8] TTLTQGI/RST/73515

[9] TTLTQGI/SCDHN/823.




Nguyễn Hằng







..



---

CẬP NHẬT


3.

Đền Bà Kiệu thờ hệ thần Liễu Hạnh công chúa ở trung tâm thủ đô Hà Nội - Một giới thiệu tổng quan

(theo Nguyễn Thế Long, năm 2005)

(bản ghi chú của Giao Blog, năm 2024 - kỉ niệm 30 năm Đền Bà Kiệu được xếp hạng di tích)

Trong cuốn sách "Đình và Đền Hà Nội (đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa)" bản in năm 2005, của tác giả Nguyễn Thế Long, có lời giới thiệu ngắn gọn về Đền Bà Kiệu.

Chi tiết nội dung thì đọc thẳng vào các trang sách. Đại ý có các điểm chính sau.

1. Đền Bà Kiệu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật vào năm 1994 (tới năm 2024 này là vừa tròn 30 năm).

2. Theo ghi chép của cuốn sách "Thăng Long cổ tích khảo", thì Đền Bà Kiệu đã được xây dựng vào thời Vĩnh Tộ (1619-1628). 

Ghi chú của Giao Blog: niên đại mà sách "Thăng Long cổ tích khảo" đưa ra không thuyết phục. Toàn quốc Việt Nam này, không thể có ngôi đền nào thờ hệ thần Liễu Hạnh công chúa mà có niên đại Vĩnh Tộ được cả (đây là do các nhà biên soạn bị ảo giác do cuốn tiểu thuyết của Đoàn Thị Điểm bản in năm 1811 tạo ra).

3. Đền được trùng tu tôn tạo vào cuối thời Cảnh Hưng bởi tài lực riêng một vị quan làm việc trong Phủ Chúa Trịnh. Đây là ngôi đền ở trước Phủ Chúa, mà không thuộc quyền sở hữu của Chúa Trịnh. Nó là đền tư của vị quan Lễ phiên làm việc trong Phủ Chúa.

Ghi chú của Giao Blog: tác giả Ngô Thế Long ghi là "Lê phiên thuộc Phủ Chúa" là chưa chính xác. Đúng là "Lễ phiên thuộc Phủ Chúa". Chỉ khác nhau một dấu ngã (Lê và Lễ) nhưng nghĩa khác nhau hoàn toàn.

Lần trung tu tôn tạo vào cuối thời Lê Cảnh Hưng thì có căn cứ xác thực, đó là: hiện nay, Đền Bà Kiệu vẫn lưu giữ được bộ sắc mang niên đại Cảnh Hưng 44 (1784) cho Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy (gồm Liễu Hạnh công chúa, Quỳnh cung công chúa, Quảng cung công chúa). Chúng tôi từ lâu sử dụng thuật ngữ "Hệ thần Liễu Hạnh công chúa" chính là chỉ một hệ thống thần linh mà trung tâm là Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy.

4. Sau đó, ngôi đền được chuyển giao cho gia đình họ Lê (Lê Trọng Hiến, Lê Trọng Sinh) ở Hải Dương làm thủ nhang. Qua tư liệu gia phả và các tư liệu đối chiếu khác, chúng ta biết được rằng, công việc thủ nhang của gia đình họ Lê tại Đền Bà Kiệu được tiếp nối từ thời Cảnh Hưng, qua nhiều đời, đến tận ngày hôm nay (19/8/2024).

Ghi chú của Giao Blog: tác giả Nguyễn Thế Long ghi là "trông nom thờ cúng", thì từ "trông nom thờ cúng" này không rõ nghĩa. Tư liệu gia đình và các tư liệu đối chiếu đều ghi rõ là "thủ hương", tức là "thủ nhang".

Danh mục công việc, cũng là danh phận chính thức, của gia đình họ Lê ở Đền Bà Kiệu là "thủ nhang" ("thủ hương").

5. Thủ nhang Lê Trọng Sinh đã làm thêm tam quan cho ngôi đền.

6. Thời Tây Sơn, có vợ chồng một vị tướng quân của Tây Sơn đã xuất tiền của ra trùng tu tôn tạo ngôi đền, có đúc chuông và khắc bia để lại.

Ghi chú của Giao Blog: hiện chuông và bia đá mang niên đại Cảnh Thịnh vẫn được bảo quản rất tốt trong đền.

7. Đến thời Tự Đức nhà Nguyễn, ngôi đền được trùng tu tôn tạo một lần nữa.

Ghi chú của Giao Blog: hiện có các bia đá mang niên đại Tự Đức vẫn được bảo quản rất tốt trong đền. Lần này, ngôi đền nhận công đức của tín đồ xa gần (Hà Thành và các tỉnh ở xa).

8. Đến thời Thành Thái, thập niên 1890, chính quyền bảo hộ đã trưng dụng một phần đất của đền để làm đường chạy quanh Hồ Hoàn Kiếm (hiện nay là đường Đinh Tiên Hoàng), bởi vậy, tam quan và chính điện bị phân tách thành hai phần, cách nhau bởi chính con đường.

9. Đền thờ Tam vị Thánh Mẫu Phủ Giầy - đã nói ở trên.

10. Kiến trúc hiện thấy của Đền Bà Kiệu là mang phong cách kiến trúc Nguyễn.

11. Ngôi đền còn giữ được rất nhiều đồ thờ tự có giá trị: bài vị, long ngai, tượng, giá văn, sắc phong, chuông đồng, cửa võng, hương án, đồ lỗ bộ.

Ghi chú của Giao Blog: tác giả Nguyễn Thế Long còn ghi thiếu các tấm bia đá (đã trình bày nhanh ở trên).

12. Đền Bà Kiệu cùng với Đền Ngọc Sơn là những kiến trúc lịch sử văn hóa nghệ thuật cốt lõi của quần thể di tích Hồ Hoàn Kiếm.

Hà Nội, ngày Kỉ niệm Cách mạng Tháng Tám 19 tháng 8 năm 2024,

Giao Blog









2.

"Đền Bà Kiệu" là tên dân gian, còn tên chữ là "Thiên Tiên điện" (điện Thiên Tiên) hay "Huyền Chân từ" (đền Huyền Chân).
Đây là một trong những ngôi đền sớm nhất ở Thăng Long thờ hệ thần Liễu Hạnh công chúa. Đến nay, đền đã có lịch sử khoảng 300 năm.
Bây giờ, đưa hai ảnh cập nhật, được Giao Blog chụp trực tiếp trong dịp Rằm tháng Bảy (nhằm ngày 17 và 18 tháng 8 năm 2024).
Ảnh 1 cho thấy khung cảnh chung: phía xa là bản thân ngôi đền (Đền Bà Kiệu), phía gần là tam quan của ngôi đền. Tam quan và chính điện của đền đã bị chia cắt khi chính quyền thực dân cho xây đường (nay là đường Đinh Tiên Hoàng).
Ảnh 2 cũng cho thấy khung cảnh chung, cũng thấy tam quan (ở gần) và ngôi đền (ở xa).
Tháng 8 năm 2024,

Giao Blog




https://www.facebook.com/groups/1100094171128790/posts/1203304417474431/


1.

Đền Bà Kiệu là một trong những ngôi đền cổ nhất ở Thăng Long thờ hệ thần Liễu Hạnh công chúa. Những tín đồ đầu tiên của Thánh Mẫu Phủ Giầy là tầng lớp quí tộc trong hoàng cung của vua Lê hay Phủ Chúa của chúa Trịnh, là gia đình quan chức làm việc trong hoàng cung hay Phủ Chúa, là nhóm thị dân sống trong khu vực các phố cổ Hà Nội.
Đến cuối thời Lê Cảnh Hưng, trước năm 1800, thì ngôi đền thờ hệ thần Liễu Hạnh công chúa được gọi bằng tên dân gian là "Đền Bà Kiệu" ở Thăng Long đã rất có tiếng.
Bây giờ, bổ sung một ít tư liệu hành chính của ngôi đền, cũng là tư liệu của gia đình thủ nhang đã nối đời ở đây để trông coi, giữ cho ngôi đền vượt qua rất nhiều kiếp nạn - có những khi chính quyền bảo hộ Pháp muốn xóa sạch, hạ giải toàn bộ ngôi đền để làm đường đi (hệt như đã xóa sổ hoàn toàn một ngôi chùa lớn ở cách không xa đền Bà Kiệu). Gia đình thủ nhang và cộng đồng tín ngưỡng lúc đó phải chạy vạy kêu cứu khắp nơi, cuối cùng cơ quan văn hóa của chính quyền bảo hộ là EFEO tại Hà Nội (Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội) đã kiến nghị cần giữ lại một cổ tích đáng giá của Thăng Long.
Ngày nay, đến khu vực Đền Ngọc Sơn, nhìn sang bên kia đường (đường Đinh Tiên Hoàng), ta thấy Đền Bà Kiệu. Có một cái giống như nhà có mái ngói ở bên này đường (phía Đền Ngọc Sơn) chính là tam quan của Đền Bà Kiệu ! Khi chính quyền bảo hộ lấy một phần đất của Đền Bà Kiệu làm đường đi - chính là đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay - thì con đường ấy đã chia cắt tam quan ngôi đền với ngôi đền.
Bản thân tôi đã có giao lưu với gia đình thủ nhang Đền Bà Kiệu từ đầu thập niên 1990, tính đến nay đã hơn 30 năm.
Tháng 8 năm 2024,
Giao Blog










https://www.facebook.com/groups/1100094171128790

..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.