Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

12/07/2024

Những chuyện kể dần về Năng khiếu Tiền Hải

Loạt bài này đã và đang được đăng dần trên Fb Giao Blog

Đây là bản chép dần về Giao Blog.

Tháng 7 năm 2024,

Giao Blog


---

Spsrtdoonei 77g:87ut180ú16c5t8h61u 414c9htg 2l080t8t6 náhagt 

Những chuyện kể dần về Năng khiếu Tiền Hải - 3 : Phân hiệu NKTH ở cạnh lăng tưởng niệm Nguyễn Công Trứ, và kỉ niệm về con đường đất dẫn ra lăng với những hàng cây xấu hổ (đầu thập niên 1980)

Loạt bài kính tặng thầy cô giáo yêu quí và bạn bè cùng anh chị em thân thiết ở Năng khiếu Tiền Hải (thời 1970s-1990s, các khóa 68 ~78, mới tổ chức thành công "Gặp mặt Năng khiếu Tiền Hải lần thứ Nhất (2024)" tại thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải, Thái Bình) vào chiều tối Thứ Bảy ngày 29/6/2024). Xem video ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=c7m2N8UQgcc&t=2512s
1. Đây là một hồi ức cá nhân của tôi về vị trí địa lí và cảnh sắc ở xung quanh của phân hiệu NKTH (nằm bên trong khuôn viên của Trường Cấp 1 & 2 xã Tây Sơn) vào đầu thập niên 1980.
Phân hiệu với một dãy nhà cấp 4 lợp giấy dầu, bàn ghế tương đối cũ kĩ.
Phân hiệu với phía trước mặt là một hàng nhãn huyền thoại - chỗ leo trèo nghịch ngợm của chúng tôi hồi đó.
Phân hiệu với một cái cổng ngách của trường lớn (không phải cổng chính của trường lớn, nhưng thành cổng chính của phân hiệu). Từ cổng ngách ấy chạy ù một cái là ra lăng Nguyễn Công Trứ.
Bây giờ, năm 2024 này, cả khu ấy đều mang tên Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ: đường Nguyễn Công Trứ, hồ Nguyễn Công Trứ, lăng Nguyễn Công Trứ, đền thờ Nguyễn Công Trứ. Đặc biệt, Trường Cấp 1 & 2 xã Tây Sơn ngày trước cũng được đổi tên thành trường mang tên Nguyễn Công Trứ.
2. Hồi ức này đã được tôi viết ra giấy hồi các năm 2010-2011, tức cách nay khoảng 15 năm về trước.
Sau đó, bản in chính thức đầu tiên là năm 2019 (trong kỉ yếu nội bộ của hội thảo tại Hà Tĩnh - quê hương của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ).
Đến năm 2020, kỉ yếu được in chính thức thành sách, bởi Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Bản lần đầu đưa lên Giao Blog ở đây là theo bản word năm 2019 và có đối chiếu với ảnh chụp sách in năm 2020.
Bản đưa lên Giao Blog tạm xuống dòng khác với bản in, để cho dễ đọc hơn với không gian mạng.
Toàn văn như ở dưới.
"
... Tuy đã biết tàm tạm là làng mình vốn là ở vùng đất cũ và hoàn toàn nằm ngoài khu vực vùng đất mới do Nguyễn Công Trứ chỉ đạo khai khẩn, nhưng hình ảnh lăng Nguyễn Công Trứ ở giữa hồ và khung cảnh xung quanh đó vào đầu thập niên 1980 lại in khá đậm trong kí ức của tôi. Bây giờ, ngồi viết những dòng này, sau hơn 30 năm, vẫn mường tượng ra hình ảnh lăng của thời kì đó.
Số là, những năm cấp 2 (khoảng các năm 1984 -1986, ở tuổi 12 - 14), từ Trường cấp 1 - 2 xã An Ninh, do đạt thành tích học tập tốt thời cấp 1, tôi được tuyển chọn tới học ở trường chuyên cấp 2 của huyện Tiền Hải, mà trường này thì ở rất gần với lăng Nguyễn Công Trứ, nên chúng tôi thường tới chơi đùa ở khu vực đó mỗi khi có dịp. Trường chuyên cấp 2 huyện Tiền Hải lúc đó còn được gọi là Trường Năng khiếu Tiền Hải (hay Phân hiệu Năng khiếu), do Phòng Giáo dục huyện Tiền Hải quản lí, và được gửi nhờ vào khuôn viên của Trường Phổ thông cơ sở Tây Sơn (bây giờ trường này đổi tên là Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ).
Trường chuyên của chúng tôi nằm ngay sát Trường cấp ba Tây Tiền Hải (nay là Trường Phổ thông Trung học Tây Tiền Hải), và cũng rất gần với lăng Nguyễn Công Trứ. Tôi nhớ là từ cổng trường chuyên, chỉ chạy ù vài phút là đã tới khu hồ rộng mà ở giữa có lăng.
Trong kí ức của tôi hiện nay, vào đầu thập niên 1980, xung quanh cái hồ rộng ấy là đường đất nho nhỏ và ruộng vườn. Ở chỗ đền thờ mới bây giờ (khánh thành năm 2011), là cả khu ruộng trải dài, người ta trồng rau và các loại hoa màu (đậu, lạc, hành,…). Ở đâu đó trong các bụi cây bên phía bờ hồ sát khu ruộng ấy, chúng tôi đã phát hiện ra những hàng cây xấu hổ - một loại cây rất hấp dẫn với tính hiếu kì của học sinh. Có những giờ ra chơi được nghỉ lâu một chút, chúng tôi chạy ù ra xem loài thực vật ấy “xấu hổ” ra sao. Có khi đi cùng bạn trong lớp (Hiếu, Duyện, Đản), có khi là với các anh khóa trên (Hải, Phương) hay các em khóa dưới (Hưng, Tú). Hễ cứ đụng vào, thì ngay lập tức cây ấy bỗng như biết thẹn thùng mà cụp lá lại, một lúc lâu sau mới mở trở lại ! Có lẽ đó là địa điểm mà lần đầu tiên trong đời tôi biết đến một loài thực vật thú vị ấy, cho nên, mỗi lần nhớ về lăng Nguyễn Công Trứ ngày xưa là nhớ đến những hàng cây xấu hổ. Hay ngược lại, sau này, mỗi khi thấy những hàng cây xấu hổ ở đâu đó, tôi lại bất giác nhớ về khu lăng Nguyễn Công Trứ ngày xưa.
Có lẽ đó là một kỉ niệm thú vị chung của học sinh chuyên cấp 2 huyện Tiền Hải vào những năm đêm trước Đổi Mới.
Vào thời kì đó, tôi nhớ là lăng Nguyễn Công Trứ được xây gạch và có mái thấp, nằm lặng lẽ ở giữa hồ. Trông từ xa thì chỉ thấy lăng nho nhỏ, thấp thấp, rêu phong cũ mốc, xung quanh cỏ mọc um tùm.
Ở trong lăng, khi đẹp trời thấy mờ mờ có tấm bia gì đó. Người lớn bảo với chúng tôi là tấm bia trong lăng có đoạn được viết bằng chữ quốc ngữ. Tôi là học sinh chuyên Văn nên nghe thế thì háo hức lắm, muốn ra tận lăng để đọc văn bia. Chúng tôi chạy xung quanh hồ để tìm kiếm, nhưng không thấy đường nối liền từ bờ ra, lại cũng không thấy phương tiện khả dĩ nào (như thuyền con, mảng, bè), nên đành chịu. Trong mấy năm đó, chưa một lần nào, chúng tôi ra được tận lăng để đọc văn bia.
Hồi đó, chúng tôi không thấy có hoạt động tế lễ gì ở khu vực lăng. Bản thân các bờ đất xung quanh hồ thì để tự nhiên như bình thường (chưa được kè đá hay xây gạch). Nhiều khi thấy cỏ dại hay cây hoang mọc rất cao bên trong lăng, nên nhìn từ xa thì tựa như chỉ thấy cây và cỏ mà không thấy tấm bia đâu.
"
Tháng 7 năm 2024,
Giao Blog
Nguồn: Sách đã in năm 2020 bởi Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (xem ảnh trong bài).

Video "Có một Năng khiếu Tiền Hải với nhiều kỉ niệm giản dị mà sâu sắc" (tháng 6 năm 2024): https://www.youtube.com/watch?v=VdAvHqT1qEY&t=247s








https://www.facebook.com/giao.blog/posts/pfbid02LX2L6DzGnxPp6TJZJEYofnY3G3F1dKX5sS77e6JsbJyTbExUdoxu4WNWU2NhdSRCl

..




sptrdoneSo1 5 40t0:á5ch2u8ucúc5 g8 22u4t3fh1nigtm70588l75t6l 

Những chuyện kể dần về Năng khiếu Tiền Hải - 2 : Một thời thiếu gạo thiếu mì, thầy giáo dạy Văn hồi lớp Ba (1980-1981) thường xuyên nhịn bữa trưa
Loạt bài kính tặng thầy cô giáo yêu quí và bạn bè cùng anh chị em thân thiết ở Năng khiếu Tiền Hải (thời 1970s-1990s, các khóa 68 ~78, mới tổ chức thành công "Gặp mặt Năng khiếu Tiền Hải lần thứ Nhất (2024)" tại thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải, Thái Bình) vào chiều tối Thứ Bảy ngày 29/6/2024). Xem video ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=c7m2N8UQgcc&t=2512s
1. Đây là một hồi ức cá nhân của tôi về thầy giáo Phạm Quang Hứa (1941-2023), phụ trách môn Văn thời kì đầu tiên của lứa chúng tôi (Khóa 72, 1980-1986) tại NKTH.
Thầy giáo chung của cả NKTH với nhiều thế hệ anh chị trước tôi, nhưng kí ức về thầy trong tôi thì mãi không nguôi, ngay cả khi viết những con chữ này. Có thể nói, với tôi, thầy là người đầu tiên dạy Văn một cách ấn tượng, giúp tôi và các bạn yêu thích môn Văn. Chúng tôi có ý thức viết văn đúng ngữ pháp, đúng từ (diễn tả đúng sự thực và cảm xúc), và đặc biệt là đúng dấu câu (chấm, phẩy, chấm phẩy, chấm than) là từ thầy Hứa.
2. Đó là hồi lớp Ba, chúng tôi bắt đầu học năng khiếu tại Trường Cấp 1 & 2 xã Tây Ninh (Tiền Hải), năm học 1980-1981.
Thầy chính là người đã lên gặp thầy Vũ Đình Hòe (phụ trách lớp Toán) để lấy tôi từ lớp Toán về đội lớp Văn. Với danh nghĩa là mượn để về thi đội tuyển Văn, nhưng cuối cùng, thầy không trả tôi về lại với lớp Toán. Tôi theo môn Văn một mạch từ đó đến tận đại học (Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).
Năm đầu của đại học, tôi đã rất khó khăn để từ bỏ Trường Đại học Pháp lý (lúc đó còn ở Quán Gánh xa tít mù tắp) để trở lại Khoa Ngữ Văn của Tổng hợp.
3. Một lần vào dịp mùa thu năm 2000, tức cách nay đã 24 năm, tôi tranh thủ về thăm nhà rồi xuống thăm lại trường cũ ngày xưa chúng tôi học năng khiếu, là Trường Tiểu học xã Tây Ninh (Tiền Hải). Cảnh cũ người xưa không còn gì ! Ban giám hiệu không còn ai biết đến thời kì NKTH đã ở đó. Cái hồ nước rộng ở trước sân trường đã bị san lấp !
Nhìn cảnh mới thôi, mà nhòa vào đó là cảnh cũ, tự dưng nhớ thầy cô và bạn bè da diết. Rất nhớ thầy giáo Hứa của thời xa xưa. Lúc đến nhà thờ công giáo, thăm lại chỗ vườn bưởi bên trong khuôn viên nhà thờ, chúng tôi gặp một giáo dân, hỏi qua hỏi lại thì người đó cũng biết đến "thầy giáo Hứa" ngày xưa. Một chút an ủi cho tôi trong lần về thăm trường cũ.
Nhưng tôi chưa kịp hỏi kĩ thêm, vì còn mải nghĩ về cảnh bọn tôi hồi lớp Ba đã vào vườn bưởi này nô đùa như thế nào, thì vị giáo dân đó đã đi đâu đó rồi. Sau rồi, bằn bặt từ đó, đến tận bây giờ (2024), tôi cũng chưa trở lại Tây Ninh thêm một lần nào.
4. Thực sự thì thế này, chi tiết rất nhỏ, nhưng cũng không hề nhỏ, là mãi đến tận tháng 5 năm 2024, nhóm chúng tôi mới khôi phục được tên họ đầy đủ của thầy, là "Phạm Quang Hứa". Trước nay, chúng tôi chỉ nhớ duy nhất là "thầy Hứa" (không hề biết họ và tên đệm của thầy).
Nhiều lần trước năm 2010, tôi đi tìm thầy ở vùng Đồng Nai với tên "thầy Hứa" nhưng không tìm ra !
Hóa ra, thầy không đi Đồng Nai như chúng tôi đinh ninh suốt bao năm qua. Trên thực tế, đến tận tháng 5 năm 2024, chúng tôi mới vỡ lẽ: từ 1981 thì thầy và gia đình đã vào Hòn Đất (Kiên Giang).
Trước năm 2014, tôi đã không dưới hai lần có mặt ờ huyện Hòn Đất, có lần du lãng tới gần hai tuần, nhưng không hề biết là thầy đang ở Hòn Đất. Đây là điều vô cùng đáng tiếc ! Giả như biết thầy ở Hòn Đất lúc đó, thì thầy trò đã có thể được gặp nhau !
Gần đây, nói chuyện với người con trai của thầy đang ở Hòn Đất, mới vỡ lẽ: chỗ nhà thầy ở ngày trước, tôi đã nhiều lần đi xe máy qua lúc tôi một mình một xe (mượn của người quen) đi du lãng Hòn Đất ! Sông nước ở huyện Hòn Đất hồi đó còn mênh mang, tôi cứ xe máy mà đi, gặp sông thì qua phà, nhiều khi chỉ là một con đò gắn một cái động cơ gì đó kiểu thô sơ.
5. Về thầy, sau đây, tôi sẽ viết riêng thành một truyện dài dài. Còn ở đây chỉ là trích đăng lại một đoạn đã viết năm 2017.
Đây là trích nguyên một đoạn từ bài "Chúng tôi đã viết ở tuổi lên mười - Số mở (Chu Xuân Giao, ở Trình Phố)" đã đăng trên Giao Blog vào tháng 8 năm 2017.
Trích đoạn (từ bài đã viết năm 2017; ảnh truyện ngắn "Tiễn cô giáo đi xa" là chụp từ bản in năm 1990):
"
Truyện được viết từ sự "nhào nặn" một số mảnh hiện thực mà tác giả nhí đã thực sự trải nghiệm đến lúc đó.
Gói vào trong câu chuyện là cảnh gia đình một người chú ở Trình Nhì không phải họ hàng nhưng lại rất thân thiết với gia đình tôi đã "phải" đi vào vùng kinh tế mới. Hình như hồi đó đi vùng kinh tế mới ở phía Nam hay cả phía Bắc thì được nhà nước xóa nợ nông nghiệp gì đó. Nhà chú đi Nam, nhưng tôi không biết rõ là tỉnh nào. Sau này, và đến cả bây giờ, tôi cũng chưa một lần được gặp lại cô chú và đám trẻ rất thân với chúng tôi ngày ấy.
Cũng còn có cảnh một người thầy dạy chuyên cấp huyện hồi chúng tôi học lớp 3 cũng vì hoàn cảnh mà đi Nam. Nghe nói nhà thầy đông miệng ăn, nên được điều động đi vào Đồng Nai hay Sông Bé gì đó. Con gái của thầy là bạn học cùng lớp với chúng tôi. Tôi vẫn rất nhớ về cái thời đói kém ấy, vì lớn hơn một chút nữa thì phát hiện ra việc thầy luôn nhịn ăn vào buổi trưa. Thầy giảng bài buổi sáng cho chúng tôi, nhưng trưa thì xuống nhà bếp chỉ để xới cơm cho chúng tôi mà thôi, còn phần thầy thì không có ! Thầy đơm cơm từ nồi chung ra bát nhỏ cho chúng tôi, nhưng thầy lại không ăn cơm ! Có đôi lần, thầy được ai đó biếu khoai luộc. Ấy là mãi sau này, lúc lên cấp hai, thì tôi mới sắp xếp các việc vào với nhau, để hiểu ra vấn đề, chứ lúc học lớp 3 thì còn nhỏ quá, không hiểu được việc thầy thường xuyên nhịn.
Cuối năm lớp 3 ấy, gia đình thầy chuyển vào Nam. Chúng tôi rất quí thầy, lại cộng thêm với sự quí mến cô bạn cùng lớp (con gái thầy). Hôm nghe tin đó, cả bọn tha thẩn ra chỗ hồ nước lớn ở trước sân trường mà ngồi lặng đi đến hàng giờ.
"
Tháng 7 năm 2024,
Giao Blog

Video "Có một Năng khiếu Tiền Hải với nhiều kỉ niệm giản dị mà sâu sắc" (tháng 6 năm 2024): https://www.youtube.com/watch?v=VdAvHqT1qEY&t=247s






https://www.facebook.com/giao.blog/posts/pfbid02XVpyDyr87c8imqxx7dofsRQ36ej5XvF9uzZwTLojf7MauCDD5tW4jFNMnSfjE2nul

..




drsoSnetpohg11a94t 21il5 m0 778ti10a1:úntát17h9i5333c 0

Những chuyện kể dần về Năng khiếu Tiền Hải - 1 : Lớp Bốn luyện giỏi Văn ở nhà thầy và những truyện ngắn đầu tiên 1982-1984
Loạt bài kính tặng thầy cô giáo yêu quí và bạn bè cùng anh chị em thân thiết ở Năng khiếu Tiền Hải (thời 1970s-1990s, các khóa 68 ~78, mới tổ chức thành công "Gặp mặt Năng khiếu Tiền Hải lần thứ Nhất (2024)" tại thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải, Thái Bình) vào chiều tối Thứ Bảy ngày 29/6/2024). Xem video ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=c7m2N8UQgcc&t=2512s
Từ đây trở đi, trên Giao Blog, "Năng khiếu Tiền Hải" được viết tắt là NKTH. Logo của chúng tôi cũng sử dụng NKTH.
Đây là trích nguyên một đoạn từ bài "Chúng tôi đã viết ở tuổi lên mười - Số mở (Chu Xuân Giao, ở Trình Phố)" đã đăng trên Giao Blog vào tháng 8 năm 2017.
Trích đoạn (từ bài đã viết năm 2017; ảnh truyện ngắn "Tiễn cô giáo đi xa" là chụp từ bản in năm 1990):
"
Truyện "Tiễn cô giáo đi xa" được viết khoảng năm học lớp 4 (tức khoảng 10 tuổi). Bản thảo đầu tiên được viết ra giấy kẻ ô-li, có lẽ không viết một mạch đâu, mà viết một cách tranh thủ trong những giờ chúng tôi vừa học ở nhà thầy vừa cùng hai người con trai của thầy đi hái chè trong một mảnh vườn rộng mênh mông, hoặc là đi đốn gốc tre về làm củi ở một mảnh vườn khác cũng rộng mênh mông của nhà thầy. Đôi khi, rất nhớ những khu vườn rộng và đẹp tuyệt ngày ấy.
Tôi còn nhớ là thầy có xem cho và sửa chữa vào bản thảo.
Thầy là con của một thầy đồ chữ Hán khá có tiếng ở trong vùng. Tới thời chúng tôi, thầy vẫn ngả những chiếc cửa gỗ lim ra nền nhà lát đá hoa, một căn nhà cổ có thể tháo lắp cửa dễ dàng, một đầu kê lên phía bực cửa còn một đầu thì hình như kê một chiếc ghế con. Chúng tôi viết trên những cái bàn tự tạo như vậy, hệt như lớp của các thầy đồ làng Trình Phố ngày trước.
Hồi năm 1905, lúc chuẩn bị xuất du sang Nhật Bản, chính cụ Phan Bội Châu đã về làng Trình Phố của tôi để bái biệt cha. Lúc ấy, cha của Phan Bội Châu đang dạy chữ Hán ở một gia đình nào đó trong làng (đã nói chuyện này ở đây).
Mà kể nhân duyên cũng lạ. Sau này, thầy lại trở thành người nhà của chúng tôi. Bởi một người con gái nhỏ của thầy về làm dâu bên nhà tôi. Hồi tôi học trong nhà thầy, thì em gái này còn quá nhỏ, bọn tôi không để ý, cũng không rủ ra chơi cùng. Với lại, hai người anh trai thì quá nhiều trò chơi hay, hút hết mọi sự chú ý của tôi. Bọn tôi cứ quấn lấy nhau trong những giờ giải lao. Tôi biết đan lát một chút, làm mộc một chút, trồng cây, chăm sóc gia súc,... mỗi thứ một chút, là học từ hai người anh này.
Người chị cả của họ thì đã lớn lắm rồi. Tôi nhớ là giữa năm lớp 4 ấy, thì có hôm nhà đông người, cứ thấy người ta mặc quần áo chỉnh tề và đi lại, bọn tôi thì được ăn bích-qui. Hỏi ra thì mới vỡ lẽ: đó là ngày ăn hỏi của chị con cả của thầy.
Hồi đó, thầy là giáo viên tiểu học giỏi cấp huyện, được phòng giáo dục huyện giao đặc trách khối chuyên. Và thế là, lớp chuyên mở luôn ra ở trong căn nhà cổ của thầy.
Mẹ tôi nhiều hôm còn gửi theo một bò gạo vào buổi sáng để nhờ bác gái nấu ăn trưa cho luôn cùng nhà thầy, khỏi phải đi bộ từ Trình Nhì của thầy về bên Trình Nhất của tôi, để chiều còn có sức học tiếp ! Tôi được đặc cách ăn trưa ở nhà thầy như vậy, vì hình như thời trước các cụ nhà tôi cả bên nội bên ngoại là chỗ bạn học (cũng học dạng học thầy đồ) với các cụ nhà thầy.
Bây giờ, thầy đã về hưu lâu rồi, và trở thành một thầy địa lí phong thủy kiêm nghề pháp sư, đúng như chuẩn mực con cháu nhà nho ở quê tôi ngày trước.
Trong đời học sinh của tôi, in đậm dấu những ngày tháng ở tuổi lên mười, hàng ngày dậy từ tờ mờ sáng, đi bộ từ Trình Nhất, vượt qua Trình Trung, để sang Trình Nhì của thầy. Nhiều hôm trời quá tối, phải mang theo cả đèn hoa kì, để cho nhìn rõ đường ! Bọn chó ở hai bên đường vào lúc tờ mờ sáng thì có hôm phải vật nhau với chúng. Mùa đông thì chúng tôi đốt bùi nhùi bằng sợi len người ta bỏ đi, để cho ấm cả quãng đường. Tới chiều thì lại đi từ Trình Nhì để về Trình Nhất. Bao nhiêu thứ hay hay mà đến nay vẫn dùng được, là tôi đã học được trên quãng đường ngày ấy, cả chiều đi và chiều về.
"
Video "Có một Năng khiếu Tiền Hải với nhiều kỉ niệm giản dị mà sâu sắc" (tháng 6 năm 2024): https://www.youtube.com/watch?v=VdAvHqT1qEY&t=247s















https://www.facebook.com/giao.blog/posts/pfbid02kLRTBmdXjqaHSMcTWWmk47ZE24wdLBm1qj3MrgmrW6957N8aoCWDWstymDwPMEE3l

..


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.