Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

20/03/2023

Hai ghi chú nhỏ, nhưng cần thiết, về nhạc sĩ Hồng Đăng (1936-2022) : Tên thật Phan Đăng Hồng, người Nghệ An

Về nhạc sĩ Hồng Đăng, đặc biệt là trong mối quan hệ với dòng họ Phan Đăng ở huyện Yên Thành (Nghệ An), có thể đọc lại ở đây hay ở đây.

Gần đây, trên truyền thông có hai chi tiết sau đây không chính xác về nhạc sĩ:

- Rất nhiều bài báo viết tên thật của nhạc sĩ là "Phan Hồng Đăng". Thật ra, tên thật của ông là "Phan Đăng Hồng". Ông là một người con sinh trưởng trong dòng họ Phan Đăng ở Yên Thành (Nghệ An). Nhà lưu niệm chí sĩ cách mạng Phan Đăng Lưu ở Yên Thành vẫn giữ được những ghi chép cho biết dòng họ này có truyền thống lấy chữ "Đăng" làm tên lót cho con trai. Trong dịp đám tang của nhạc sĩ Hồng Đăng (xem lại ở đây), người em gái ruột của ông là cô Phan Việt Liên (vốn công tác tại báo Nhân Dân) đã có một bài tưởng niệm anh trai, trong đó có nhắc đến chi tiết tên thật là "Phan Đăng Hồng". Hiện nay, bài viết của cô Phan Việt Liên mới chỉ được truyền tay trong gia đình (muốn công bố thì cần phải xin phép cô).

Ở phần tư liệu sẽ lưu bài của tác giả Hồ Quang Lợi (có chi tiết về tên thật của nhạc sĩ - bài này cũng ghi là "Phan Hồng Đăng").

- Một số bài báo lại ghi quê của nhạc sĩ ở Hà Tĩnh ! Không biết huyện Yên Thành đã chạy sang tỉnh Hà Tĩnh từ lúc nào (tiêu biểu cho dạng này là bài báo ghi tên tác giả Cẩm Thúy, xem ở dưới phần tư liệu).

Đại khái ghi nhanh hai điểm như vậy.

Tháng 3 năm 2023,

Giao Blog


---


TƯ LIỆU


2.


Nhạc sĩ Hồng Đăng - Ngọn lửa cháy mãi

(NB&CL) “Thời gian như bóng câu qua cửa”, mới đó mà đã tròn một năm nhạc sỹ Hồng Đăng nhẹ bước “chuyển cõi”, để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho những người yêu âm nhạc.

Tôi như vẫn thấy nụ cười đôn hậu, ánh mắt trìu mến, mái tóc bồng lãng tử, như vẫn nghe thấy giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng của anh, như vẫn thấy dáng anh chống gậy bước chầm chậm bên người vợ hiền thảo Lê Anh Thuý, người ra đời sau anh đến hơn một phần tư thế kỷ, người đã tận hiến, sát cánh cùng anh trong mỗi bước đường gập ghềnh của một đời nghệ sỹ đích thực.

Một sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng

Tôi may mắn được quen biết nhạc sỹ Hồng Đăng từ nhiều năm trước, anh em cảm mến nhau rồi tình thân ngày càng bền chặt. Anh hơn tôi 20 tuổi, thực ra là tuổi chú - cháu, nhưng anh luôn coi tôi như người em và chúng tôi vẫn gọi nhau là anh - em. Khá thường xuyên, cứ vào dịp cuối tuần, hai gia đình chúng tôi và một số người bạn thân gặp nhau ăn sáng, cà phê tại một địa điểm quen thuộc trên phố Lý Thường Kiệt. Hồng Đăng rất hóm hỉnh, có duyên kể chuyện, nghe anh nói điều gì cũng đều thấy thú vị. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện nghề, chuyện đời, đủ cả. Nhẹ nhõm, tự nhiên, thoải mái, không câu nệ tuổi tác, chức vụ. Chuyện nở như ngô rang, loáng chút đã đến gần trưa. Bữa sáng nào của chúng tôi cũng vậy, nếu đã “chốt” được lịch là tới, vui từ lúc đến cho tới lúc về. Và lúc chia tay, Hồng Đăng không quên tặng quà, lúc thì chiếc bút, lúc thì chiếc bật lửa. Anh thật sự là người truyền lửa, truyền cảm hứng sống và năng lượng sống tuyệt vời! Con người anh như thế nào thì âm nhạc anh dâng tặng cho đời như thế: lãng mạn, lạc quan, hào hoa, tinh tế, da diết, trẻ trung…

nhac si hong dang  ngon lua chay mai hinh 1

Nhà báo Hồ Quang Lợi đến thăm nhạc sỹ Hồng Đăng Tết Nhâm Dần 2022.

Hồng Đăng tên thật là Phan Hồng Đăng, sinh đúng vào ngày đầu năm 1936 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Qua những lần tâm tình, được biết anh mê âm nhạc từ nhỏ. Lên 10 tuổi, cậu bé tiểu học Hồng Đăng hàng ngày đi bộ 10 cây số để đến nhà thầy giáo dạy nhạc, từng ao ước có được một chiếc đàn ghi ta… Từ làng quê nghèo này, anh ra đi, và năm 1950 trở thành học sinh kháng chiến ở liên khu IV. Năm 1954, anh theo đoàn quân về giải phóng Thủ đô. Hai năm sau, khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) mở khóa học đầu tiên, Hồng Đăng là một trong những học viên chuyên ngành sáng tác, cùng với các lứa nhạc sĩ nổi danh sau đó như Hoàng Việt, Huy Thục, Vĩnh Cát… Ngay từ thời gian này, anh đã được khích lệ với các ca khúc như: "Đường đi có nắng mặt trời""Quà tháng Năm" (lời cùng với Thế Bảo), "Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn" (lời cùng Nguyễn Liệu)... và một số tác phẩm khí nhạc. 

Từ đó cho đến khi từ giã cõi đời ở tuổi 86, âm nhạc chính là cuộc sống của anh. Anh vừa giảng dạy, vừa sáng tác thanh nhạc, khí nhạc, nhạc phim, viết sách, làm báo về âm nhạc... Tại lễ trao Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2021, nhiều người ngỡ ngàng và thán phục khi nhìn thấy một bộ di sản phong phú gồm những tập bản thảo đồ sộ về khí nhạc, sách dạy âm nhạc… của anh lần đầu tiên được trưng bày. Nhạc sĩ Hồng Đăng là người viết giáo trình về hợp xướng, tính năng nhạc cụ, là một trong những tác giả của những giáo trình “gối đầu giường” của những người học sáng tác, lý luận, chỉ huy âm nhạc. Hồng Đăng là người thầy của nhiều lớp thế hệ nhạc sĩ, trong đó có những nhạc sĩ nổi tiếng như Nguyễn Cường, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Thuận Yến, Phú Quang… Nhà phê bình Ngô Thảo khẳng định, Hồng Đăng là “một trí thức trong âm nhạc”. Uyên bác, kiến thức rộng, tâm hồn phong phú, trái tim nhạy cảm là nền tảng, là đôi cánh để con đường âm nhạc của anh tiến về phía trước.

Hồng Đăng có sự nghiệp sáng tác đồ sộ với hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Anh có biệt tài và rất có duyên với nhạc phim khi đã sáng tác nhạc cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng đã làm cho tên tuổi Hồng Đăng trở nên bất tử như: "Hoa sữa" (phim "Hà Nội mùa chim làm tổ"), "Lênh đênh" (phim "Đời hát rong"), "Nỗi nhớ đêm đại dương" (phim "Những hạt muối của biển"), "Biển và cô gái tôi chưa quen" (phim "Những ngôi sao nhỏ"), "Không gian xanh" (phim "Vùng trời")... Riêng "Biển hát chiều nay", không được “đặt hàng” nhưng đã được sử dựng cho nhiều bộ phim về đề tài biển, nhiều chương trình nghệ thuật về bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Được biết, hiện vẫn còn khoảng 300 ca khúc của Hồng Đăng chưa được dựng, có thể chủ yếu vì lý do tài chính. Với một nhạc sỹ tài năng, đó thật là điều đáng tiếc.

Với vai trò là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV và khoá V, như Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam Đỗ Hồng Quân đã xúc động nói trong lễ truy điệu, “đóng góp lớn nhất của nhạc sĩ Hồng Đăng là đã tạo nên một không khí đoàn kết, cởi mở, dắt tay nhau cùng bước đến những thành tựu của âm nhạc Việt Nam từ thời mở cửa, đổi mới cho đến ngày hôm nay”. Anh  là hội viên Hội Văn nghệ Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Giao lưu Văn hoá Việt - Nhật, Ủy viên Ủy ban Quốc gia Thập kỷ Phát triển Văn hoá quốc tế. Hoạt động âm nhạc của Hồng Đăng cũng gắn liền với hoạt động báo chí. Anh là Tổng Biên tập tạp chí Âm nhạc (từ 1989), và tờ Thế giới Âm nhạc (từ 1996), hai tờ tạp chí chuyên ngành rất có bản sắc, có sức sống ở thời kỳ đầu đổi mới. Anh là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.

Năm 2001, anh được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Biển hát chiều nay", "Hoa sữa", "Quà tháng năm", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ"  "hợp xướng Lửa rực cháy''. Năm 2007, anh là nhạc sĩ được vinh danh trong chương trình Con đường âm nhạc mang tên 24hình/giây. Năm 2021, anh được nhận Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Đặc biệt, năm 2022, Hồng Đăng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm: "Lênh đênh", "Đêm hành hương về huyền thoại", "Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ", "Khao khát", "Gửi một câu hát cho Tokyo".

Để có được một sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng như vậy, Hồng Đăng đã từng trải qua những năm tháng gian nan, nhiều lúc túng bấn mà ít người biết đến. Năm 2005, Hồng Đăng tổ chức ba đêm nhạc Lênh đênh biển ở Nhà hát lớn Hà Nội. Công việc đang “vào trớn”, lịch đã chốt thì bỗng nhà tài trợ “rút lui”. Được vợ động viên, anh em đồng nghiệp hỗ trợ, anh đã không bỏ cuộc, vì như anh nói, đã ở “thế cưỡi lưng hổ” rồi nên không thể “giữa đường đứt gánh”. Được biết, sau các đêm nhạc có tiếng vang đó, cả ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh,  gia đình anh gần như khánh kiệt, phải bán ngôi nhà ở khu trung tâm để trang trải nợ nần, rồi dọn về ở trong căn nhà nhỏ trên đường Hồng Hà bên đê sông Hồng.   

nhac si hong dang  ngon lua chay mai hinh 2

Cố Nhạc sỹ Hồng Đăng.

Tráng ca hoà quyện trong tình ca

Từ rất sớm, sự nghiệp âm nhạc của Hồng Đăng gắn liền với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trái tim của nhạc sỹ luôn đập theo nhịp thở của đất nước. Vì thế, thật dễ nhận ra chất tráng ca trong nhiều tác phẩm của Hồng Đăng. Tuy nhiên, trong tráng ca vẫn cảm thấy tình ca, trong tình ca vẫn cảm thấy bóng hình quê hương, đất nước và nhân dân.

Có thể cảm nhận rõ điều này trong nhiều ca khúc, nhưng đặc biệt nổi bật và thành công là trong Biển hát chiều nay, Lênh đênh, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ… Qua những lời ca đẹp như “ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương. Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”… trong ca khúc Biển hát chiều nay, thì tráng ca đã hoà vào tình ca; tình yêu đất nước, quê hương cũng lãng mạn, ngọt ngào như tình yêu đôi lứa.  Nhiều ca sĩ như Ngọc Bích, Tuyết Thanh, Lê Dung, Cẩm Vân, Trung Đức, Thanh Lam, Thùy Dung, Thu Phương, Trọng Tấn… đã biểu diễn thành công Biển hát chiều nay. Hay với “Đời xanh thế. Trời xanh thế. Lênh đênh những vì sao xa. Lênh đênh những vầng mây xa”… trong ca khúc Lênh đênh, ta đâu chỉ cảm thấy nỗi niềm đôi lứa. Ca sỹ Thanh Lam bày tỏ: "Bài hát ấy nhạc sĩ viết lời rất hay. Tôi đã hát với nhiều tâm tư, tình cảm. Lời các ca khúc của bác Hồng Đăng đầy trắc ẩn về đời sống, thân phận con người". Và “Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên, chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên" trong ca khúc "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ" là những giai điệu làm lay động con tim các chàng trai trẻ lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, lại đồng thời toát lên niềm lạc quan của cả đất nước trước một cuộc đương đầu lịch sử mới. 

Người Nghệ, chất Hà Nội

Quê ở Nghệ An nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng gắn bó gần như suốt cả cuộc đời với Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình trí thức, có bác ruột là nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, nên ở Hồng Đăng, "chất" Hà Nội lịch lãm, hào hoa hoà quyện một cách tự nhiên. Không ít người nhầm anh là “người Hà Nội gốc”.

Tôi may mắn và vinh dự là thành viên Hội đồng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội cùng với các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ, nhà báo có uy tín như: Giáo sư Phan Huy Lê, Nhà thơ Bằng Việt, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Nhà báo Ngô Hà Thái…

Vào mỗi mùa giải, việc bình chọn để quyết định trao Giải thưởng lớn này bao giờ cũng được thảo luận sôi nổi nhất, kỹ lưỡng nhất trong số các hạng mục đề cử. Năm 2021, tất cả các thành viên phát biểu đều thống nhất tuyệt đối là Hồng Đăng xứng đáng được trao Giải thưởng lớn. Ngoài việc đánh giá rất cao cống hiến của Hồng Đăng cho âm nhạc của Hà Nội thì Hội đồng cũng lưu ý rằng sức khoẻ anh lúc đó đã rất yếu, mà theo quy chế, Giải thưởng lớn chỉ trao cho những người có cống hiến xuất sắc nhưng còn sống.

Quả thực, ngày trao giải thưởng 28/10/2021, Hồng Đăng không đến được mà chị Lê Anh Thuý đến nhận Giải thay chồng. Lời phát biểu hôm đó của chị Thuý khiến cả khán phòng vô cùng xúc động. Và chỉ mấy tháng sau, vào ngày 21/3/2022, Hồng Đăng qua đời. Tôi còn nhớ, Giải thưởng lớn năm 2020 cũng đã kịp thời được trao cho Phú Quang, và chỉ thời gian ngắn sau đó, nhạc sỹ tài danh này cũng đã vĩnh biệt chúng ta. Giải thưởng lớn được trao cho những cá nhân có cống hiến xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, nhưng trong hai năm liền ( 2020, 2021) được trao cho hai nhạc sỹ, điều đó đủ để thấy âm nhạc đã làm đẹp Hà Nội, nuôi dưỡng tâm hồn Hà Nội mãnh liệt và sâu sắc đến nhường nào.     

Ca khúc Hoa sữa có một duyên phận khá đặc biệt. Năm 1978, nữ đạo diễn Đức Hoàn đặt Hồng Đăng viết ca khúc cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Đang lúc chưa khơi được mạch cảm xúc thì Hồng Đăng nghe một thi sĩ nói về loài hoa sữa dọc đường Nguyễn Du bên bờ hồ Ha Le. Anh bám lấy gợi ý đó để viết ca khúc, và thật mau lẹ, chỉ khoảng 20- 30 phút đã xong.

Âm nhạc của Hồng Đăng thường mở ra một không gian cảm xúc êm đềm, mênh mang và sâu lắng. Tôi nghĩ, điều đó có thể bắt nguồn từ trí tưởng tượng đặc biệt và dường như không giới hạn của anh. Thật thú vị, ca khúc "Hoa sữa" nồng nàn, da diết như thế, vậy mà như chính Hồng Đăng thổ lộ, “mãi đến 25 năm sau mình mới biết hoa sữa như thế nào". Xin được nói thêm, ca khúc "Giữa mùa hái sa nhân", anh viết vào những năm 50 của thế kỷ trước, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng thực ra người ta không hái sa nhân trên cây mà chỉ nhặt sa nhân rụng dưới đất. Mãi đến năm 1986, chỉ khi Nhã Phương, ngôi sao ca nhạc nổi tiếng của TP.HCM hát "Hoa sữa", thì ca khúc này mới được công chúng biết đến, và "Hoa sữa" từ phương Nam ngược trở ra miền Bắc, để rồi làm say đắm, thổn thức bao trái tim yêu Hà Nội. Nhạc sĩ Hồng Đăng tâm sự, các ca sĩ hát "Hoa sữa" mỗi người một dấu ấn riêng nhưng anh thích nhất giọng ca nồng nàn của Thanh Lam. Hoa sữa, theo nhạc sỹ Thụy Kha, đã bước ra ngoài cái khung điện ảnh để trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội.

Trước "Hoa sữa", tác phẩm sớm nhất anh trình làng với Thủ đô là thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm reo hát (kịch bản Dương Viết Á) được Đoàn ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964. Tiếp đó, nhiều sáng tác của anh gắn liền với Hà Nội như: "Duyên Hà Nội", "Tiếng hát trên pháo đài thành phố", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ"

Chỉ một tháng sau khi anh qua đời, ngày 21/4/2022, ca sỹ Tùng Dương và các cộng sự đã tổ chức thành công chương trình Hà Nội phố tại Nhà hát Lớn Hà Nội để tôn vinh hai nhạc sỹ Hồng Đăng và Ngọc Châu với những tác phẩm đậm “chất Hà Nội”.

Còn mãi tiếng ca da diết trên đời

Ngày đầu xuân Nhâm Dần 2022, tôi đến thăm nhạc sỹ Hồng Đăng. Lúc này sức đã rất yếu, nhưng trên gương mặt anh vẫn nở nụ cười. Giọng nhỏ, anh vẫn nhắc tới những điều muốn làm, những việc còn dang dở. Cây đàn dương cầm nằm đó, những trang bản thảo vẫn chờ anh. Tâm hồn anh, trái tim anh vẫn hướng về âm nhạc.

Trong tôi vẫn còn in đậm niềm xúc động trong lễ truy điệu anh tại Nhà tang lễ quốc gia vào ngày 26/3/2022.  Mở đầu, ca khúc Biển hát chiều nay được cất lên bằng tiếng hát của ca sỹ Minh Thu. Và cuối cùng “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó. Những bạn bè chung, những con đường nhỏ. Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm…”, bằng giọng ca đặc biệt, đượm nỗi buồn thương, tiếc nuối, ca sỹ Mỹ Linh đã hát Hoa sữa tiễn biệt anh.

Tên Hồng Đăng gợi cho ta liên tưởng đến ngọn lửa. Chính cuộc đời lao động nghệ thuật sáng tạo không ngừng và sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng của anh là một ngọn lửa đẹp, có sức truyền cảm mãnh liệt. Đó là ngọn lửa nghị lực, ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa khát vọng, hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất của đời sống con người. Ngọn lửa đẹp đó sẽ cháy mãi!

“Chiều nay anh đưa em về đâu. Con đường mang bao kỷ niệm…Hoàng hôn mờ dần ven núi…”, trong tôi vang lên lời bài hát Đường về hoàng hôn khi kết thúc viết bài này, như thắp nén hương ngày giỗ đầu anh.

Còn đây, còn mãi tiếng ca da diết trên đời.

Hồ Quang Lợi

https://www.congluan.vn/nhac-si-hong-dang--ngon-lua-chay-mai-post239328.html?fbclid=IwAR39o8WWc-Icw9FuCamZM2YYamc5s4Ycxs8weojbtZR-V5iE5GLGNk445-8




1.

Hà Nội mùa này không có hoa sữa tiễn ông

Cẩm Thúy 

Kinhtedothi - Hà Nội mùa này không có hoa sữa tiễn ông, nhưng trong ký ức bạn bè, người thân không quên hình ảnh một nhạc sĩ tài hoa, nụ cười đôn hậu, lịch lãm và hóm hỉnh.

Mai này có một con đường Hà Nội nào đó mang tên nhạc sĩ Hồng Đăng, ở đó sẽ được trồng hoa sữa, loài hoa mà bằng một ca khúc ông đã dành tặng cho Hà Nội như một biểu tượng nghệ thuật.

1. Qua một vài người mách bảo rằng nhạc sĩ Hồng Đăng rất giỏi tử vi, tôi lần đầu tiên gọi điện cho ông hẹn đến nhà là với lý do rất “thực dụng” này. Khi ấy, vào lúc còn trẻ tuổi, không hiểu sao người ta thường rất hoang mang về chính mình. Và thế là hay đi xem tử vi bói toán. Như một thứ niềm tin bấu víu vào để dễ hình dung về tương lai.

Nhạc sĩ Hồng Đăng ra đi và để lại những nhạc phẩm đi cùng năm tháng với người yêu âm nhạc cả nước
Nhạc sĩ Hồng Đăng ra đi và để lại những nhạc phẩm đi cùng năm tháng với người yêu âm nhạc cả nước

Trước khi gặp nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi đã xem tử vi ở nhà văn Hà Ân, một người cũng được coi là một “đại cao thủ”. Và thật bất ngờ khi ông Hồng Đăng dựa vào vài dấu mốc trong đời, đã đoán giờ sinh của tôi khác với ông Hà Ân. Đại loại một người bảo phải sinh giờ này vì nếu giờ kia thì người phải xinh đẹp lắm, chứ không thế này. Người kia bảo giờ này đúng rồi, vì có phải ai sinh giờ ấy cũng thành hoa hậu cả đâu…

Nhưng mà chỉ sau lần gặp đầu tiên, vài hôm sau chú Hồng Đăng mang đến toà soạn cho tôi cuốn “Mật mã Da Vinci” và nói chuyện một buổi, thì tôi hiểu rằng thôi không phải xem tử vi nữa. Ông đem đến sự lạc quan và lịch duyệt của một người từng trải, để người nghe hiểu rằng đến ngay như ông, thạo tử vi tướng số, chính là để sống an nhiên giữa cuộc đời, không phải để phó mặc mình cho số phận.

Có rất nhiều người yêu qúy nhạc sĩ Hồng Đăng. Điều này không có gì khó lý giải với một người tài hoa và hào hoa hiếm có như ông. Nhìn cách ông tỏ ra đầy lịch lãm dù khi tuổi đã cao, ai cũng đinh ninh rằng người sáng tác bài Hoa sữa như một biểu tượng nghệ thuật sừng sững của Hà Nội chắc hẳn là một người Hà Nội. Mặc dù sự thật ông quê Hà Tĩnh. Trong những bữa cơm tại nhà riêng thân mật giữa những bạn bè, chị Thuý vợ ông vẫn cười đùa đem các giai thoại yêu đương của ông Hồng Đăng ra kể chuyện. Kể cả việc mình yêu và lấy ông Đăng, với chị Thuý, cũng được kể nhẹ nhõm như là cuộc đời vốn thế, bên ông Hồng Đăng như là đương nhiên có người vợ xinh đẹp tảo tần, chăm nom ông tận tình đến phút cuối cùng.

Nhưng mà ai ngồi nghe kể cũng hiểu rằng cuộc đời ông Hồng Đăng hào hoa lịch lãm dù có nhiều giai thoại đến đâu thì niềm hạnh phúc, hay diễm phúc lớn của cuộc đời ông là có chị Thúy bên cạnh, yêu ông bằng tình yêu vừa bao dung vừa lớn lao. Chị Thuý hàng chục năm cuối đời của ông đã chở ông trên một chiếc xe máy, đi đến những cuộc gặp gỡ với bạn bè của nhạc sĩ, đến lúc ông không còn ngồi xe được nữa, thì tổ chức những bữa cơm giản dị tại nhà, để bạn bè đến ăn cho ông vui.

Vào lúc nghe tin nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời, trong lòng tôi bỗng nhiên nghĩ rằng chắc chị Thuý đang khóc, còn ông Hồng Đăng thì cười, một nụ cười thanh thản sau một cuộc đời hạnh phúc.

2. Nói gì về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng chắc không cần nữa rồi. Những ngày này người ta đang nói nhiều về ông, bao nhiêu ca khúc còn nguyên đấy, trong lòng công chúng: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Hoa sữa, Đường về hoàng hôn, Biển hát chiều nay, Lênh đênh, Con nhện bắc cầu qua hai nỗi nhớ... Nhạc phim, khí nhạc đều minh chứng về một nhạc sĩ tài năng hiếm có. Giai điệu vừa thanh cao vừa hồn hậu. Ca từ vừa trong sáng vừa sâu sắc. Và một Hồng Đăng 2 nhiệm kỳ Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc ở vào cái thời văn nghệ còn được vô cùng trọng vọng. Ở sân 51 Trần Hưng Đạo có một ông Hồng Đăng lịch lãm trí tuệ hiếm có mà cũng gần gũi hồn nhiên hiếm có.

Có bao nhiêu người từng thổn thức mê Hoa sữa của Hồng Đăng. Sau này, Hà Nội trồng nhiều hoa sữa, một vài đô thị trồng nhiều hoa sữa quá dẫn đến “bội thực” mùi thơm, và người ta không còn thần thánh hoá hoa sữa như một hình ảnh nghệ thuật nữa. Nhưng với những ai đã từng có ký ức về Hà Nội nhiều thập kỷ trước, khi mỗi mùa hoa sữa ngọt vô cùng trên vòm trời đêm dọc Nguyễn Du, dọc Trần Hưng Đạo, dọc những con đường Hà Nội sau một buổi đi xem ca nhạc ở Cung Hữu nghị hay ở Nhà hát Lớn thì âm nhạc Hồng Đăng mới thấm đẫm làm sao. Những đêm hoa sữa cực kỳ Hà Nội ấy mà Hồng Đăng như tạc cho Hà Nội một tuyệt tác nghệ thuật không rõ hình hài nhưng có sức sống vô cùng mãnh liệt. Hồng Đăng trở thành một phần của Hà Nội, ngay cả khi ông khiêm nhường sống trong một căn nhà ngoài đê chỗ bến Hồng Hà.

Hà Nội mùa này không có hoa sữa tiễn ông, nhưng trong ký ức bạn bè, người thân không quên hình ảnh một nhạc sĩ tài hoa, nụ cười đôn hậu, lịch lãm và hóm hỉnh. Mai này có một con đường Hà Nội nào đó mang tên nhạc sĩ Hồng Đăng, ở đó sẽ được trồng hoa sữa, loài hoa mà bằng một ca khúc ông đã dành tặng cho Hà Nội như một biểu tượng nghệ thuật.

Vĩnh biệt chú Hồng Đăng!


https://kinhtedothi.vn/ha-noi-mua-nay-khong-co-hoa-sua-tien-ong.html?fbclid=IwAR2Ap5h3ahqv4t6lRFQN-2oQ0kH2W2cvQKHYa-vaeC3oPaMwudAyjgOAguU

..



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.