Một năm là tính từ ngày 24/11 năm 2021 (đã điểm tin lúc đó trên Giao Blog, ở đây).
24/11/1946
24/11/2021
Bây giờ là tháng 11 năm 2022.
Đại khái, đã thấy rõ các hệ như sau.
Hệ giá trị quốc gia: là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Hệ giá trị văn hóa: là dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
Hệ giá trị gia đình: là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Hệ giá trị con người: là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo…
Cụ thể đọc ở dưới.
Tháng 11 năm 2022,
Giao Blog
---
Tình Lê
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 58-KH/BTGTW, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ VHTT&DL, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và một số cơ quan liên quan tổ chức hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” ngày 29/11/2022 tại Hà Nội.
Tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin về Hội thảo ngày 22/11/2022, ông Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương, Thường trực BTC Hội thảo cho biết, mục tiêu của Hội thảo nhằm tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, Đảng viên, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện trong việc nghiên cứu, xác định và tổ chức thực hiện các hệ giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể, để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta ở giai đoạn hiện nay.
Hệ giá trị quốc gia: là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Hệ giá trị văn hóa: là dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
Hệ giá trị gia đình: là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Hệ giá trị con người: là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo…
Ông Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được tổ chức để hiện thực hóa chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; thực hiện Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan đặt ra về văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Thông qua hội thảo để xây dựng những hệ giá trị trong thời gian sắp tới cũng như khẳng định, làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa những vấn đề mà những hệ giá trị trên nêu ra.
Các hệ giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam tồn tại trong nghìn năm dựng nước và giữ nước, tuy nhiên cần phải xem xét việc bảo tồn, phát huy trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, trước những cơ hội và thách thức mới.
Chính vì thế, hội thảo sẽ khẳng định tầm quan trọng phải xây dựng được các hệ giá trị Việt Nam. Những hệ giá trị hình thành, phát triển và ngày càng hoàn thiện nhưng phải được xác định rõ, có trọng tâm, có hình hài cụ thể trong thời gian tới.
Các nhà khoa học, ban ngành có cơ sở để sau hội thảo tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Đảng và Nhà nước các giải pháp xây dựng và hoàn thiện các hệ giá trị.
Cho tới thời điểm này, BTC nhận được hơn 90 tham luận, thẩm định và đưa vào kỷ yếu 79 tham luận với tổng số hơn 900 trang đạt chất lượng cao, có tính thực tiễn. Dự kiến có gần 500 đại biểu tham dự hội thảo quốc gia.
PGS.TS. Lương Đình Hải (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - hội đồng thẩm định chuyên môn tham luận - đánh giá các tham luận có góc độ tiếp cận, kiến giải khác nhau nhưng về cơ bản đều thống nhất nêu bật các thành tố căn bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội thảo dự kiến được tổ chức hai phiên với hình thức mới. Ở phiên buổi sáng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành sẽ dẫn dắt và điều hành phiên thảo luận về hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Phiên buổi chiều sẽ bàn về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia.
https://vietnamnet.vn/hoi-thao-quoc-gia-ve-cac-he-gia-tri-cua-viet-nam-trong-thoi-dai-moi-2083401.html
..
CẬP NHẬT
2.
Hội thảo Văn hóa năm 2022: Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa
VHO- Sáng 12.12 tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo công bố thông tin về Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề ''Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa''. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng BTC Hội thảo chủ trì buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo
Dự và chủ trì Họp báo có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng BTC Hội thảo; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi, Phó Trưởng BTC; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản; các chuyên gia, nghệ sĩ và hơn 70 đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn, Phó Trưởng Tiểu ban Nội dung Hội thảo Văn hóa 2022 công bố một số thông tin cụ thể về hội thảo, cho biết, tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo.
“Hội thảo là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng. Việc tổ chức Hội thảo cũng hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hoá Việt Nam (1943 - 2023)...”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại họp báo
Hội thảo Văn hóa năm 2022 diễn ra trong ngày 17.12.2022 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Tham dự Hội thảo có hơn 800 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) và trực tuyến tại một số điểm cầu và qua nền tảng Internet. Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố, Bộ VHTTDL; các Bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và liên quan tới văn hóa.
Hội thảo tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trả lời câu hỏi của phóng viên
Hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 03 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có 1 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia diễn ra với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).
Trong Phiên chuyên đề, Hội thảo sẽ nghe phát biểu khai mạc của lãnh đạo Quốc hội, phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo của các Bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau.
Trong Phiên toàn thể, Hội thảo nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.
Về công tác chuẩn bị nội dung, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị - xã hội, người dân, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương. Đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận, biên tập vào Kỷ yếu 105 bài tham luận có giá trị, chất lượng tốt.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại họp báo
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho biết, nội dung của các bài tham luận gửi về bám sát chủ đề trọng tâm của Hội thảo với nhiều góc nhìn khác nhau về thể chế, cơ chế, nguồn lực cho phát triển văn hóa. Nhìn chung, các tham luận đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thể chế, chính sách và nguồn lực trong phát triển văn hóa, là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa quốc gia, dân tộc. Bên cạnh đó, các tham luận cũng đã xác định nhiều vấn đề đặt ra trong hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa; đồng thời, đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cụ thể đối với các cơ quan có thẩm quyền.
Về công tác tuyên truyền, BTC đã ban hành đề án truyền thông, phối hợp và nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc tính cực, khẩn trương, hiệu quả của các cơ quan báo chí triển khai thông tin, tuyên truyền về nội dung Hội thảo; triển khai xây dựng, vận hành website của Hội thảo, Trung tâm Báo chí tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh; tổ chức cấp, phát thẻ báo chí tác nghiệp theo quy định. BTC cũng đã xây dựng, triển khai Đề án, kế hoạch công tác hậu cần, lễ tân, các điều kiện về hội trường, khánh tiết, kỹ thuật, an ninh, trật tự, y tế… đảm bảo đạt yêu cầu đề ra.
Hội thảo Văn hóa 2022 được kỳ vọng sẽ tgóp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn công bố một số thông tin cụ thể về Hội thảo
Trong khuôn khổ Hội thảo sẽ có triển lãm về văn hóa nghệ thuật vùng Kinh Bắc tại sảnh Hội trường chính. Hội thảo được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, kết nối với một số điểm cầu trong cả nước và phát trực tuyến trên nền tảng Internet. Ngôn ngữ sử dụng tại Hội thảo bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Tài liệu sẽ được cung cấp cho các đại biểu qua hình thức trực tiếp và điện tử (quét mã QR Code). Sau khi Hội thảo kết thúc, Ban Tổ chức sẽ in Kỷ yếu Hội thảo.
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh,Trưởng BTC Hội thảo cho biết, chủ đề của Hội thảo đã được cân nhắc rất kỹ, với 3 vấn đề lớn dưới góc độ quản lý nhà nước, đó là vấn đề thể chế, chính sách và nguồn lực. Nêu thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, thậm chí còn điểm nghẽn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, nếu nghiên cứu một cách thỏa đáng, sâu sắc, toàn diện và giải quyết được các vấn đề thì sẽ khơi thông được những nguồn lực, tạo được môi trường tốt hơn để văn hóa phát triển. Với tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, các tham luận của Hội thảo sẽ tập trung vào xem xét, đánh giá, phân tích theo các nhóm vấn đề lớn này. Ngoài ra, còn rất nhiều bài bàn luận sâu sắc về các nhiệm vụ của văn hóa để thấy rõ được tầm quan trọng của văn hóa, phát triển văn hóa là bảo đảm phát triển bền vững cho đất nước.
Các đại biểu dự buổi họp báo
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, trong thời gian qua, nguồn lực của nhà nước đầu tư cho văn hóa là không nhỏ. Tuy nhiên, có đáp ứng được những yêu cầu trong thực tế hay chưa thì qua đánh giá cần phải tính toán lại một cách cẩn thận và thực tế đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho văn hóa vẫn có những khó khăn nhất định, cần phải được quan tâm, tăng cường hơn nữa. Do đó, bên cạnh nguồn lực từ nhà nước, cũng cần phải khai thông thêm các nguồn lực xã hội để đầu tư cho phát triển văn hóa. Muốn khai thông được, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thì cần sửa đổi thể chế, xây dựng những chính sách phù hợp để tạo ra sức hấp dẫn, hiệu quả trong đầu tư cho phát triển văn hóa.
Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, qua các tham luận, tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ có những kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về vấn đề thể chế, chính sách và cố gắng bảo đảm cho được nguồn nhân lực cũng như các thủ tục tài chính để phát triển văn hóa theo đúng mục tiêu mà Đảng đã nêu ra và đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Hội thảo sẽ là dịp để bàn luận, thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa để đưa ra các quyết sách đúng, các giải pháp sát với thực tiễn để triển khai tốt hơn, đi vào cuộc sống càng nhanh càng tốt.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho cho biết, hiện công tác chuẩn bị nội dung và tài liệu, tham luận phục vụ Hội thảo Văn hóa 2022 đã hoàn tất và sẽ được công khai đầy đủ trên trang web của Hội thảo để các cơ quan báo chí, phóng viên tiếp cận, khai thác thuận lợi.
Đại diện các cơ quan thông tấn báo chí tham dự buổi họp báo
Trao đổi với các phóng viên báo chí về một số nội dung liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về văn hóa trong thời gian qua, đặc biệt trong vòng một năm kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, tại Hội thảo, Bộ VHTTDL sẽ tham luận và trao đổi, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng như công tác đào tạo, xây dựng và bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; nguồn lực và đầu tư cho văn hóa... Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thực trạng hiện nay còn có nhiều bất cập trong công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, đặc biệt tại các địa phương, dẫn đến việc bố trí không đúng năng lực, sở trường cán bộ. Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến trao đổi sẽ góp phần nêu lên những giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong lĩnh vực này.
Về vấn đề đầu tư cho văn hóa, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết: “Kể sau Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, các Bộ, ngành và địa phương đã giành sự quan tâm cho văn hoá một cách cụ thể, thiết thực và cụ thể hơn. Trong đó, nhiều địa phương tăng mức đầu tư cho văn hoá, nhiều địa phương bám sát chủ đề công tác năm của ngành VHTTDL là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” để triển khai nhiều hoạt động, phát triển đời sống văn hoá cơ sở. Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ của Bộ VHTTDL được phân công theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện...”.
PHƯƠNG ANH
http://www.baovanhoa.vn/van-hoa/artmid/428/articleid/59374/hoi-thao-van-hoa-nam-2022-de-xuat-kien-nghi-hoan-thien-the-che-chinh-sach-va-nguon-luc-cho-phat-trien-van-hoa
1.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và 2 điểm cầu trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế.
Dự Hội thảo tại Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS. TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước cùng gần 250 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; Thường trực một số tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương...
Đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cùng gần 100 đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Hội văn học, nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế và một số tỉnh, thành lân cận; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tiêu biểu của các trường đại học, học viện thuộc khối văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế…
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu. (Ảnh: Tuấn Anh)
Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng gần 150 đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Thành ủy Cần Thơ, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Hội văn học, nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tiêu biểu của các trường đại học, học viện thuộc khối văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…
Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên thứ nhất diễn ra trong buổi sáng với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Phiên thứ hai “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức trong buổi chiều cùng ngày.
Điều hành phiên thứ nhất tại đầu cầu Hà Nội có GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Đoàn Chủ tọa phiên thứ nhất; đồng chí Trần Thành Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; PGS. TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
GÓP PHẦN TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN VỀ NHỮNG CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN GIỮ GÌN, PHÁT HUY CÁC HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó việc “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng.
Quang cảnh phiên thảo luận thứ nhất tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cách đây đúng một năm, ngày 24/11/2022 tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm”. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2, Tổng Bí thư đã định hướng: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu trao đổi. (Ảnh: Tuấn Anh)
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo sẽ phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó; đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung vào các nội dung lớn:
Một là, tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hai là, xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ba là, phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Bốn là, các nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố (hoặc bối cảnh) quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Năm là, chỉ rõ vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sáu là, đặc biệt, cần đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
“Tôi hy vọng rằng cuộc hội Hội thảo hôm nay sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu.
VĂN HÓA VIỆT NAM ĐÃ HUN ĐÚC NÊN TÂM HỒN, KHÍ PHÁCH, BẢN LĨNH VIỆT NAM
Tại phiên thảo luận buổi sáng, các tham luận và ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh, khẳng định và đồng tình với quan điểm “Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam”; nêu lên và trao đổi về những vấn đề cấp thiết, đặt ra đối với xây dựng, thực hiện các hệ giá trị quốc gia văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; phân tích những đóng góp từ truyền thống gia đình trong xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay…
GS. TS. Đinh Xuân Dũng phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh)
Theo GS. TS. Đinh Xuân Dũng, văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, nổi bật là những cuộc đấu tranh vĩ đại để dựng nước và giữ nước, là sự lao động kiên cường để trụ vững và phát triển, là những cuộc chiến đấu kiên trì vô song để chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa, đồng thời nó tồn tại trong nhiều thế kỷ của chế độ phong kiến từ buổi đầu phát triển cho đến giữa thế kỷ 19. Nền văn hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá khứ, cả mặt mạnh và mặt yếu của nó. Cần phải nhìn một cách khách quan cả hai mặt này để tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai, cái gì phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển, cái gì phải khắc phục và vượt qua. Chưa bao giờ như thời điểm lịch sử này, vấn đề trên được đặt ra một cách gay gắt, trực diện khi dân tộc đang ở trong thời kỳ quá độ, vượt qua lạc hậu và muôn vàn thử thách, vươn tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
PGS. TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm KHXHVN nêu: Hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trong trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước. Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị, v.v. Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét, mà mỗi một hệ giá trị đó lại bao hàm những giá trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau. Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm. Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng,… thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm, trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác.
PGS. TSKH. Lương Đình Hải phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh)
PGS. TSKH. Lương Đình Hải nhấn mạnh, hệ giá trị Việt Nam, đặc biệt là hệ giá trị con người, luôn tồn tại, tác động vào xã hội thông qua hoạt động của mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi chủ thể khác nhau trong toàn bộ hệ thống nhân lực và nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao trước hết là nguồn nhân lực có hàm lượng hệ giá trị con người và các hệ giá trị Việt Nam rất cao. Nếu muốn đột phá trong phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể không có giáo dục, trao truyền, khơi dậy, phát huy, phát triển hệ giá trị con người Việt Nam và các hệ giá trị Việt Nam khác.
GS. TS. Hồ Sĩ Quý khẳng định, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại...
GS. TS. Hồ Sĩ Quý phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh)
“Chuẩn mực con người, thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng động, thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội - chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiệm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ… xã hội”, GS. TS. Hồ Sĩ Quý nêu.
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội tham gia Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn. (Ảnh: Tuấn Anh)
Cũng trong chương trình buổi sáng đã diễn ra Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn với sự tham gia của GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (từ điểm cầu Thừa Thiên Huế). Các đại biểu tham gia Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn đã trao đổi ý kiến xung quanh một số nội dung như: Ý nghĩa và sự cần thiết, cấp thiếp của việc xác định hệ giá trị gia đình, con người Việt Nam trong thời kỳ mới; những chuẩn mực cần có của con người Việt Nam nói chung, người phụ nữ nói riêng trong thời kỳ mới; những đặc trưng của gia đình truyền thống và hiện đại cần lưu giữ và phát huy; bàn về “bữa cơm gia đình” trong thời công nghiệp hóa; sự khác biệt giữa gia đình Việt Nam và gia đình ở các nền văn hóa khác.v.v.../.
Một tiết mục dân ca quan họ do Nghệ sĩ nhân dân Thúy Hường trình diễn trong chương trình văn nghệ chào mừng Hội thảo. (Ảnh: Thế Hoàng)
Thế Hoàng
Phiên Hội thảo thứ hai: Cụ thể hóa các hệ giá trị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương
https://tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/hoi-thao-quoc-gia-he-gia-tri-quoc-gia-he-gia-tri-van-hoa-he-gia-tri-gia-dinh-va-chuan-muc-con-nguoi-viet-142176
..
Tiếp tục chương trình Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (Hội thảo), chiều 29/11 đã diễn ra phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Hội thảo.
Điều hành phiên thảo luận thứ hai tại đầu cầu Hà Nội có các đồng chí: GS. TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Đoàn Chủ tọa phiên thứ hai; GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
GS. TS. Đinh Xuân Dũng phát biểu Đề dẫn tại phiên thảo luận buổi chiều. (Ảnh: Thế Hoàng)
Tham luận và phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận buổi chiều, các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa, nhà quản lý đã tập trung phân tích, làm rõ những yêu cầu đặt ra đối với các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung của các hệ giá trị; phân tích mối quan hệ biện chứng và những nội dung, đặc điểm cũng như những ảnh hưởng trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế đến việc xây dựng các hệ giá trị. Đồng thời luận giải và đề xuất các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa gắn với hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
SỰ ĐA DẠNG CỦA VĂN HÓA CŨNG CHÍNH LÀ SỰ ĐA DẠNG CỦA HỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hoá khẳng định, giá trị văn hoá là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ mà luôn được đề cập tới trong các văn bản nghị quyết, trong các diễn đàn thảo luận về các vấn đề văn hoá xã hội, trong các công trình nghiên cứu văn hoá và trên truyền thông.
Giá trị, hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Đảng ta đã đề ra.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm phát biểu tham luận. (Ảnh: Thế Hoàng)
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm, hệ giá trị văn hoá qua từng chặng đường lịch sử cũng có thể khác nhau. Ví dụ giá trị yêu nước ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể lại được định hình ở những khuôn mẫu, chuẩn mực khác nhau, yêu nước thời chiến tranh là ra trận, là “đấu tranh giành độc lập dân tộc”, yêu nước thời bình là ra sức xây dựng đất nước, làm giàu cho đất nước hay giá trị cần cù, đề cao kinh nghiệm trong xã hội tiểu nông đã thay đổi, xã hội đương đại đề cao giá trị sáng tạo; giá trị/triết lý về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên một thời là chinh phục tự nhiên, chiến thắng tự nhiên nhưng hiện nay giá trị/triết lý trong mối quan hệ này là hài hòa với tự nhiên, nương theo tự nhiên, thuận thiên,…
Hệ giá trị văn hóa luôn mang tính riêng của từng cộng đồng, tộc người, nhóm người và phụ thuộc vào từng bối cảnh cụ thể và những sự lựa chọn của chủ thể văn hóa. Vì vậy, sự đa dạng của văn hoá cũng chính là sự đa dạng của hệ giá trị văn hóa.
“Hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa. Hệ giá trị văn hóa đã và đang được thực hành đa dạng, sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hóa”, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm khái quát.
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh)
Theo PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhìn chung, hệ giá trị văn hóa Việt Nam được thể hiện ở: 1) Giá trị dân tộc, phản ánh qua cả nội dung và hình thức của nền văn hóa, thể hiện sự phong phú, độc đáo, sức sống của văn hóa dân tộc. Giá trị dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện truyền thống văn hiến của dân tộc, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn dân tộc. Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, không bị nô dịch, bị lấn át trước văn hóa ngoại lai, nhưng đồng thời có khả năng tiếp thu, “dân tộc hóa”, “Việt Nam hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa bên ngoài, làm giàu và nâng tầm văn hóa dân tộc ngang tầm thế giới và thời đại; 2) Giá trị dân chủ - một giá trị tiến bộ của thời đại, đề cao các quyền tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn hóa, mọi công dân đều bình đẳng và được tôn trọng. Người dân vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo vừa là người hưởng thụ các giá trị văn hóa; 3) Giá trị nhân văn đề cao tình nghĩa, nhân ái, yêu thương con người, tôn trọng nhân phẩm, đặc trưng cho văn hóa Việt Nam vốn trọng tình cảm, thương yêu con người, đề cao tình nghĩa; Trong khi đó, giá trị khoa học là hướng các hoạt động xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập.
HỆ GIÁ TRỊ QUỐC GIA LÀ SỰ “TÍCH HỢP” CÁC GIÁ TRỊ CON NGƯỜI, GIA ĐÌNH, VĂN HÓA, XÃ HỘI
Theo GS. TS. Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giá trị quốc gia vừa mang những nét riêng có của dân tộc, vừa mang những nét chung phổ biến của nhân loại. Nét chung phổ biến của nhân loại là những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, tích cực, tiến bộ thể hiện những nhận thức của nhân loại cũng như khát vọng hướng tới của nhân loại. Từ đây có thể hiểu khi nói tới giá trị quốc gia là nói tới giá trị tích cực, tiến bộ thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại.
GS. TS. Từ Thị Loan phát biểu tại Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn. (Ảnh: Tuấn Anh)
Còn theo GS. TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, giá trị quốc gia là những giá trị cốt lõi, phản ánh những khát vọng, mong cầu, mục tiêu chung của cả quốc gia. Đó những giá trị được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai, làm nền tảng để điều tiết, dẫn đường cho sự phát triển của đất nước...
Giá trị quốc gia được hình thành và củng cố trong lịch sử phát triển dài lâu, đôi khi thấm máu và nước mắt của các dân tộc. Mặc dù có nền tảng từ truyền thống, hệ giá trị quốc gia luôn luôn vận động, biến đổi, được bồi đắp, bổ sung trong quá trình phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại.
“Thực tiễn cho thấy các quốc gia phát triển thành công, trở thành các dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác, giúp huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến sự hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển”, GS. TS. Từ Thị Loan nhấn mạnh.
GS. TS. Trần Văn Phòng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh)
Để từng bước nghiên cứu, xây dựng được hệ giá trị quốc gia, một trong những giải pháp được GS. TS. Trần Văn Phòng nêu ra tại Hội thảo là, phải dựa vào nhân dân xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Bởi lẽ, bốn hệ giá trị này tự thân đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong đó, hệ giá trị con người là trung tâm, hệ giá trị văn hóa là cơ sở, nền tảng; hệ giá trị gia đình là bệ đỡ. Hơn nữa, những con người trong xã hội XHCN là nhân dân, là chủ thể sáng tạo văn hóa cũng là chủ thể sáng tạo hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, đồng thời là chủ thể được hưởng thụ và hướng tới xây dựng, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị xã đình. Do vậy, các thành tố trong hệ giá trị quốc gia không mâu thuẫn, không loại trừ mà bổ sung cho nhau, cùng nhau đòi hỏi, nương tựa vào nhau để tạo nên những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc.
PGS. TS. Trần Quốc Toản phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh)
PGS. TS. Trần Quốc Toản, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, hệ giá trị quốc gia - dân tộc là sự “kết tinh”, “tích hợp” (không phải là phép cộng) các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị xã hội thành các giá trị phát triển đặc trưng của một nước trong những giai đoạn nhất định. Không có giá trị quốc gia - dân tộc nào nằm ngoài các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị chính tri - xã hội của quốc gia - dân tộc đó. Mặt khác, hệ giá trị quốc gia - dân tộc không thể không chứa đựng những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại (ở những mức độ khác nhau, hình thức khác nhau). Nhưng, giá trị quốc gia - dân tộc sẽ là định hướng chủ đạo, điều tiết sự phát triển của các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị chính tri - xã hội của quốc gia - dân tộc.
Các đại biểu tham gia Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)
Cũng trong chương trình buổi chiều đã diễn ra Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn với sự tham gia của các đại biểu: GS. TS. Đinh Xuân Dũng; PGS. TS. Tạ Quang Đông; GS. TS. Từ Thị Loan; GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm (tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh)... Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận xung quanh những vấn đề như: Việc xác định các hệ giá trị trong thời kỳ mới có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; đâu là hệ giá trị quốc gia cốt lõi trong thời kỳ mới; kinh nghiệm của một số quốc gia trong xây dựng hệ giá trị quốc gia; một số vấn đề bất cập cần khắc phục; những giải pháp trọng tâm để xây dựng và triển khai các hệ giá trị trong thời gian tới...
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo và quản lý đã trao đổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm, bài học của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ban, bộ, ngành, địa phương sau một năm triển khai thực hiện các chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, góp phần truyền cảm hứng và hành động vì một đất nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc. Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đều thống nhất nhận định: Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị đã trải qua một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Đây là kết quả của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như sự trăn trở, suy nghĩ của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. |
NĂM NHÓM GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo khẳng định: Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” có ý nghĩa quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát huy trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý văn hóa trong cả nước cùng nhau trao đổi kết quả nghiên cứu, thảo luận, hướng đến làm rõ và thống nhất trong việc xác định các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hội thảo đã thống nhất được những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong xây dựng các hệ giá trị và làm cơ sở cho quá trình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh)
Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị của các cơ quan chức năng, đặc biệt là tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý đã được thể hiện sâu sắc và rõ nét qua các tham luận và kết quả thảo luận tại Hội thảo. Đồng thời nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo phát biểu định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ ba, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương trong việc sáng tạo, xây dựng, hiện thực hóa các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội; khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, cái ác, cái giả, khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực trong đời sống xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng tích cực cho xã hội, đặc biệt là với thanh thiếu niên.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Anh)
Thứ tư, cấp ủy và chính quyền các cấp cần lồng ghép thực hiện các hệ giá trị trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, của mỗi lĩnh vực, nhất là gắn kết việc hiện thực hóa các giá trị này với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
Thứ năm, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị đã được đề cập tại Hội thảo này. Đồng thời, đề nghị các cơ quan và đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, cần thiết để tạo nên những đột phá mới trong việc triển khai, thực hiện các hệ giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc./.
Thế Hoàng
https://tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/cu-the-hoa-cac-he-gia-tri-phu-hop-voi-dieu-kien-hoan-canh-thuc-te-cua-tung-linh-vuc-tung-dia-phuong-142187
..
Buồn quá các nhà sử học( KHXHNV) ơi Cụ Hồ ngay bản Tuyên ngôn độc lập 1945 nói Hỡi đồng bào cả nước,"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:"Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Trả lờiXóaĐó là những lẽ phải không ai chối cãi được . hơn 500 ĐB tìm hệ giá trị ở đâu????