Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

11/11/2022

50 năm chuyên ngành Hán Nôm (1972-2022)


Ảnh chụp năm 1992, tại khuôn viên Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội 
(36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Nguồn ảnh ở đây.


Hán Nôm là một chuyên môn của chủ nhân Giao Blog.
 
Tấm ảnh trên được chụp trong dịp chuẩn bị kỉ niệm 20 năm chuyên ngành Hán Nôm (1972-1992). Lúc ấy, chúng tôi vừa 20 tuổi, mới học xong giai đoạn một của đại học, bắt đầu bước vào chuyên ngành (học tiếp 2 năm, chính là 2 năm chuyên ngành Hán Nôm).

Vậy là trong 50 năm chuyên ngành Hán Nôm, thì lớp K35 của chúng tôi đã có tới 30 năm. 30 năm trong 50 năm.

Lớp K35 của chúng tôi, trong đó có chủ nhân Giao Blog, thì đứng ở hàng sau. Đó là các tân sinh viên chuyên ngành Hán Nôm. Chúng tôi đứng làm hậu cảnh. Còn hàng ngồi thì là các thầy và các anh (đang được giữ lại khoa làm giảng viên, nhưng chưa giảng bài cho lớp chúng tôi). Có anh Nguyễn Kim Sơn - nay là đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục (đọc lại ở đây).

Ảnh được lưu giữ bởi NTD, mới đưa lên Fb của Khoa Văn học (ở đây).
https://www.facebook.com/khoavanhoc.dhkhxhnvhn/posts/pfbid02jjMLVk3AaZHoGKe1AxYNaHQ2eArGzW4keseiF1MQPDrndYLxzNjn2ivEQwjkmZVUl


Ngày mai, ngày 12/11/2022, sẽ có buổi lễ mừng 50 năm chuyên ngành. Đại khái như các ảnh ở dưới.










Tôi mắc việc, nên không về được trường cũ, đành nhìn từ xa.

Tháng 11 năm 2022,
Giao Blog


Đưa 2 bài báo trước ngày 12/11, của huynh cùng lớp Nguyễn Trần Thụ (k35) và đàn em dưới một khóa Đinh Thanh Hiếu (k36). Cập nhật thì dán ở dưới đó như mọi khi.



1. Bài của nhà báo Nguyễn Trần Thụ


15:07 05/11/2022

KinhteDothi - Là cử nhân Hán Nôm, nhưng số chữ tôi có được chỉ chưa đầy nghiêng tay. Và sau khi ra trường vài năm, chữ thầy đã…trả thầy. Bốn năm đại học, hai năm chuyên ngành với tôi chỉ dừng lại như một sự trải nghiệm…

Thứ chữ… lâu nhớ - dễ quên

Những ngày đầu nhâp môn Hán Nôm (khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội), hầu hết lứa sinh viên chúng tôi lúc đó đều phải “đánh vật” với con chữ theo đúng nghĩa đen. Vốn chỉ quen với quốc ngữ, nay vấp phải kiểu chữ khối vuông, xoay phải, lật trái – gạch gạch, xóa xóa, sai vẫn hoàn sai. Khốn khổ hơn nữa là nhiều chữ chỉ khác nhau mỗi cái nét, không cẩn thận “chữ Tác đánh ra chữ Tộ, chữ Ngộ đánh ra chữ Quá”…

Sinh viên lớp Hán Nôm, khoa Ngữ văn K35 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) đi thực tập
Sinh viên lớp Hán Nôm, khoa Ngữ văn K35 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) đi thực tập

Với đa phần sinh viên khoa Văn thời đó, học và ghi nhớ chữ Hán, chữ Nôm là một thách thức. Những ai từng ở trong ký túc xá Mễ Trì, chắc chắn vẫn nhớ những con chữ lằng ngoằng ở thành bể nước trên sân thượng, đích thị là của đám sinh viên khoa Văn… Miệt mài ôn luyện thật đấy, nhưng chữ Hán là thứ (gần như) học trước, quên sau. Mỗi ngày học mươi chữ, nhưng chỉ mong nhập tâm được một hai đã là khá… Chính vì tính chất đặc thù, nên nhiều sinh viên khoa Văn ngày ấy rất “ngán” học môn Hán Nôm. Nhiều người chỉ học để trả bài, nhưng qua được môn học này cũng không phải dễ…

Một tiết học của sinh viên chuyên ngành Hán Nôm tại Văn miếu - Quốc tử giám
Một tiết học của sinh viên chuyên ngành Hán Nôm tại Văn miếu - Quốc tử giám

Liên quan đến Hán Nôm, có chuyện nghe cứ tưởng tiếu lâm, nhưng thật 100%. Ví như, hôm thi hết môn Hán cơ sở, dù thầy đã cố hỏi và gợi ý nhiều lần, nhưng một nữ sinh vẫn không nhớ nổi mấy chữ trong một bài thơ (thuộc hệ học thuộc lòng). Cực chẳng đã thầy giáo đành “gia ân” bằng cách cho đọc từ nhất (một), đến thập (mười), nếu nhớ và viết ra được đến số nào thì thầy cho điểm số đó. Loay hoay mãi nhưng sinh viên ấy chỉ viết được đến thất (bảy), và không tài nào nhớ được mặt chữ tiếp theo. Thấy vậy một bạn cùng lớp phía ngoài bèn “phím bài” bằng cách đứng dạng chân, ra ký hiệu chữ “bát” (số 8), nhưng "người trong cuộc" vẫn bó tay!

“Trải nghiệm” ngành Hán Nôm

Ở khoa Ngữ Văn những năm 90 trở về trước chỉ có 3 ngành học là Văn – Ngữ - Hán. Thú thật khi bước chân vào khoa Văn, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ được học  (và học được) chuyên ngành Hán Nôm; bởi ở giai đoạn cơ sở, cũng phải chật vật lắm tôi mới “qua" được môn này. Hai năm học đại cương trôi đi nhanh lắm, đến năm thứ 3 mọi sinh viên đều phải chọn ngành học. 

Thầy trò chuyên ngành Hán Nôm, K35  (Đại học Tổng hợp Hà Nội) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, năm 1994.
Thầy trò chuyên ngành Hán Nôm, K35  (Đại học Tổng hợp Hà Nội) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, năm 1994.

Do mải chơi nên khi các bạn cùng lớp đã yên vị chuyện đăng ký ngành học; cả tập thể lớp hơn 70 người chỉ còn “trật” lại mỗi tôi! Thương đứa học trò đồng hương, thầy chủ nhiệm động viên tôi đăng ký ngành Hán Nôm. Những ngày đầu, biển học mênh mông, kiến thức của bản thân thì ú ớ, cộng với thói lông bông, nay lại phải gò mình vào khuôn phép; tôi đâm nản. May mà “mưa dầm thấm lâu”, thứ chữ khối vuông cũng dần... chinh phục được tôi, mãi rồi các nét cũng phải “ngang bằng, sổ thẳng”. Ở thời điểm đó, sách vở, tài liệu liên quan đến môn học rất thiếu, mạng internet lại chưa có, nên các thầy truyền cho chữ nào hay chữ đó. Thú thực lúc tốt nghiệp, trình độ tuy không đến nỗi “cả buổi chửa viết xong chữ vạn”, nhưng với tôi, vài năm học chuyên ngành Hán Nôm chỉ như một sự trải nghiệm…

Khi khôn thì sự đã già…

Với tấm bằng tốt nghiệp “ba chữ” (trung bình khá), sau gần một năm ra trường,  chẳng biết dùng “nghiêng tay chữ Hán” làm gì để sống; theo đàn anh, tôi lấy nghề báo để mưu sinh. Mãi mê với cuộc cơm áo, sau gần 30 năm tốt nghiệp - “nghiêng tay chữ Hán” ngày nào, dần dà rơi rụng đâu cả! Càng đi nhiều mới thấy di sản Hán Nôm trong dân gian còn quá nhiều, nhưng lâu ngày đụng vào chữ nghĩa - cứ như "gà mắc tóc" vì cách nhớ bì bõm, lúc này mới biết mình phải trả giá cho quá khứ ham chơi hơn ham học…

Do đã từng học Hán Nôm nên người quen hay hỏi chữ nọ, chữ kia; những lúc như vậy tôi mới lục lại trong đầu, tra cứu từ điển xem nội dung là gì; thú thực lắm lúc bí quá phải cầu cứu những bạn đồng môn xưa nghĩ mà thấy xấu hổ…

Các thế hệ thầy trò chụp ảnh lưu niệm tại Văn Miếu, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập chuyên ngành Hán Nôm
Các thế hệ thầy trò chụp ảnh lưu niệm tại Văn Miếu, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập chuyên ngành Hán Nôm

Mấy chục năm sau khi ra trường, gần đây lớp chuyên ngành của chúng tôi mới gặp mặt trong chuyến về thăm lại nơi trước kia thực tập. Đây là dịp để cả lớp ôn lại chuyện cũ – nhân thể “tét” lại chữ nghĩa của nhau. Hóa ra ngoài các bạn theo ngạch nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm, số còn lại chữ nghĩa cũng lõm bõm lắm. Trong câu chuyện ngày hạnh ngộ, ai cũng phải ghi nhận là học Hán Nôm có nhiều cái hay, ít nhất là trong sử dụng ngôn ngữ sẽ hạn chế được sai sót. Ra trường, nếu không theo ngạch nghiên cứu thì làm báo, không theo nghề báo – có thể làm thầy giáo, thầy thuốc (Đông y).

Sinh viên ngành Hán Nôm K35 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) về thăm địa điểm thực tập tại Thường Tín sau gần 30 năm ra trường
Sinh viên ngành Hán Nôm K35 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) về thăm địa điểm thực tập tại Thường Tín sau gần 30 năm ra trường

Khi biết tôi từng theo học ngành Hán Nôm, khối người nửa đùa nửa thật mà rằng: Bác theo cái nghề báo chí làm gì cho cực thân; học được chữ Thánh hiền, có thể làm nhiều việc sát với ngành đã học. Ừ nhỉ, giá như lúc ra trường mà theo nghề khác có khi lại nhàn thân. Nhưng giờ đã ở cái tuổi ngoại ngũ tuần, “củ lỗ ăn xuống”, mọi sự đã già, có muốn đổi nghề cũng chả kịp!

https://kinhtedothi.vn/nho-thoi-hoc-chu-thanh-hien.html









2. Bài của nhà giáo Đinh Thanh Hiếu



Học Hán Nôm để kết nối truyền thống và hiện đại
Kiến thức Hán Nôm là chìa khóa quan trọng để nối kết truyền thống văn hóa dân tộc với con người hiện tại. Hiểu được văn hóa truyền thống và di sản truyền thống, qua đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết để xây dựng xã hội hiện tại. Đó là cơ sở để xây dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

0:00/0:00
0:00
TS Đinh Thanh Hiếu giảng đọc câu đối cho sinh viên ngành Hán Nôm tại Nhà Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2022.
TS Đinh Thanh Hiếu giảng đọc câu đối cho sinh viên ngành Hán Nôm tại Nhà Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2022.

Di sản Hán Nôm - sự hiện diện của truyền thống nghìn năm văn hiến

Di sản Hán Nôm là “minh chứng” cho truyền thống Việt Nam nghìn năm văn hiến. Hai chữ Hán Nôm gợi rõ thực thể di sản thành văn của dân tộc, là một bộ phận trọng yếu của ngành văn hiến cổ điển Việt Nam. Từ khi Việt Nam bước vào tiến trình hiện đại hóa đầu thế kỷ XX, chữ Hán, chữ Nôm không còn được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Thư tịch Hán Nôm - di sản văn hiến Việt Nam của cha ông không còn được số đông cháu con hiện đại đọc hiểu. Điều này gây nên nguy cơ đứt đoạn về văn hóa giữa truyền thống và hiện đại…

Hán Nôm có tầm quan trọng trong xã hội hiện tại, nó giúp người hiện đại gìn giữ và minh giải các tư liệu văn tự của tổ tiên để lại từ quá khứ. Chữ Hán đóng vai trò như một văn tự quan phương ở Việt Nam trong cả thiên niên kỷ. Phần lớn tri thức truyền thống trong tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và nhân văn trong khu vực đồng văn Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam) đều được biểu đạt qua văn tự này. Riêng Việt Nam, ngoài chữ Hán còn sử dụng thêm chữ Nôm. Khi Việt Nam chuyển sang hệ hình văn hóa hiện đại và sử dụng chữ Quốc ngữ, một loại hình văn tự khác thì dẫn đến sự đứt gãy về văn hóa, sự cách bức về nền tảng tri thức, văn hóa, học vấn... Do vậy, nghiên cứu về di sản Hán Nôm thực chất chính là cửa ngõ để tiếp cận với mạch nguồn văn hóa truyền thống của tổ tiên.

Học Hán Nôm để kết nối truyền thống và hiện đại ảnh 1

Sinh viên ngành Hán Nôm dập bia tại động Hồ Công, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa năm 2015.

Hán Nôm và truyền thống của một ngành học

Ngành Hán Nôm là một trong những ngành đào tạo có bề dày truyền thống của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay.

Ngành đào tạo Hán Nôm của nền đại học Việt Nam đã được thành lập ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, nhằm đào tạo đội ngũ những người làm công tác Hán Nôm bậc đại học. Đó là sự quan tâm đặc biệt và thể hiện tầm nhìn xa rộng của Đảng và Nhà nước, cho triển khai đào tạo một ngành cổ học ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, vì tương lai lâu dài của văn hóa và học thuật nước nhà, để tương lai không bị gián đoạn với mạch nguồn nghìn năm văn hiến của tổ tiên.

Từ khi được thành lập cho đến nay, ngành Hán Nôm đã qua tròn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển. Nhiệm vụ và sứ mệnh của ngành Hán Nôm là đào tạo ra đội ngũ những người làm công tác Hán Nôm vừa tinh thông chữ Hán, chữ Nôm, vừa nắm vững các phương pháp nghiên cứu Hán Nôm chuyên ngành và liên ngành hiện đại; có khả năng khai thác và giới thiệu các giá trị của văn hóa truyền thống, trực tiếp góp phần bảo đảm sự liên tục về văn hóa giữa truyền thống và hiện đại. Sinh viên tốt nghiệp ngành Hán Nôm của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội hiện nay là một trong những lực lượng chủ đạo làm công tác Hán Nôm trong cả nước ở thời điểm hiện tại. Các thế hệ tốt nghiệp ngành Hán Nôm đến nay nhiều người đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, đã có những công trình nghiên cứu xuất sắc về Hán Nôm và văn hóa Việt Nam truyền thống, nhiều người đã và đang đảm nhận những trọng trách ở các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy và quản lý.

Hiện nay, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội là một cơ sở đào tạo ngành Hán Nôm có uy tín trong toàn quốc, đào tạo ngành Hán Nôm ở cả ba cấp Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, có sứ mệnh tiên phong trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức Hán Nôm cho các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm, bảo tồn di sản truyền thống và quản lý văn hóa... Đồng thời, ngành Hán Nôm còn đi đầu trong việc khai thác, nghiên cứu, công bố di sản Hán Nôm và các vấn đề khác liên quan tới Hán Nôm. Đó là niềm tự hào và cũng là trọng trách của cơ sở đào tạo.

Ngành Hán Nôm - những triển vọng và thách thức trong đào tạo

Nhìn từ góc độ đào tạo, công việc nghiên cứu và khai thác các giá trị văn hóa Việt Nam từ di sản Hán Nôm đòi hỏi những người học được tuyển vào nếu muốn phát triển tốt chuyên môn thì phải có những tố chất tương đối đặc thù, thích hợp, trong khi tuyển sinh chỉ có thể theo mặt bằng chung. Về nền tảng tri thức Hán Nôm, khi sinh viên được tuyển vào gần như là “tờ giấy trắng”, mới bắt đầu học từng chữ Hán, chữ Nôm. Sau bốn năm đào tạo bậc đại học, để đạt được chuẩn đầu ra như yêu cầu hiện tại là một thách thức và cần sự cố gắng, đầu tư không nhỏ. Những người tốt nghiệp Hán Nôm nếu làm đúng chuyên ngành thì chủ yếu sẽ là được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước. Thực tế chỉ tiêu nhân sự hạn hẹp của các cơ quan Nhà nước hiện tại là khó khăn cho đầu ra của ngành. Nhiều sinh viên giỏi có triển vọng chuyên môn tốt nhưng khi ra trường không có chỗ sử dụng thích hợp, buộc phải tự thích ứng chuyển sang các lĩnh vực nghề nghiệp khác, hoặc chỉ có liên quan nhất định với chuyên môn, làm cho “triển vọng” khó thành tựu được. Đa số sinh viên ngành Hán Nôm có học thêm văn bằng hai tiếng Trung Quốc, để rộng cửa sẵn sàng thích ứng với đa dạng công việc hơn sau khi ra trường.

Trong tương lai, với cơ chế tự chủ đại học, những ngành có số chỉ tiêu tuyển sinh thấp như ngành Hán Nôm sẽ có nhiều khó khăn, thách thức để duy trì, tồn tại. Khi đó, những ngành khoa học cơ bản nói chung, trong đó có ngành Hán Nôm rất cần phải được sự bảo đảm đầu tư, “đặt hàng” từ Nhà nước. Vì vậy, ngành cần sự đầu tư, bảo đảm từ Nhà nước một cách lâu dài.

Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển của ngành, nhất là 10 năm hiện tại, những thành tựu của ngành là rất đáng ghi nhận, rất đỗi tự hào và có cơ sở để tin tưởng vào triển vọng của ngành trong tương lai. Nhưng cũng cần nhận thấy những bất cập và những thách thức của ngành trong bối cảnh và điều kiện mới, để không ngừng khắc phục và phấn đấu, tiếp nối xây dựng ngành Hán Nôm cho xứng đáng với sự tin cậy của xã hội và công lao triệu bồi của các thế hệ tiền bối.

“Phi cổ bất thành kim”. Di sản Hán Nôm là di sản văn hiến, thể hiện nhiều phương diện của đời sống Việt Nam hàng chục thế kỷ nhưng lại trực tiếp liên quan đến các vấn đề của đời sống Việt Nam hiện đại.

TS Đinh Thanh Hiếu

https://nhandan.vn/hoc-han-nom-de-ket-noi-truyen-thong-va-hien-dai-post723722.html?fbclid=IwAR2JnfSRt8TubEdnpQ0X6Fwxfmb7aqaRPGUAI6lMHqlMsaMrHRCVHfARQ-o












---


CẬP NHẬT



1.
2 lượt xem 
12 thg 11, 2022
https://www.youtube.com/watch?v=PZcwMiniyuk
..





2 nhận xét:

  1. Dào ôi, học tự nhiên đầu vào điểm cao chót vót còn chẳng ăn ai nữa là

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.