Thông tin đến hết ngày 29/10, về việc làng Tri Chỉ tổ chức đón nhận 22 đạo sắc phong do nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương (một thành viên cốt cán của Hội mê sắc phong) hiến tặng cho làng Tri Chỉ, thì đọc trên Giao Blog ở đây.
Bây giờ là cập nhật buổi trao nhận sắc phong và lễ rước sắc phong về làng Tri Chỉ vào sáng ngày hôm nay, Chủ Nhật ngày 30 tháng 10 năm 2022.
Hai cuộn sắc phong (cuộn lớn 18 đạo, cuộn nhỏ 4 đạo) và 3 bộ hồ sơ bàn giao Áo kẻ là nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương, áo phông xanh cộc tay là Nguyễn Đức Dũng (ảnh của VQD). |
Quang cảnh kiểm đếm sắc phong |
Quang cảnh nhận hoa do chính quyền xã trao tặng, người đứng giữa mặc áo kẻ là nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương |
Quang cảnh nhận hoa do đại diện của các cụ làng Tri Chỉ tặng |
Chụp ảnh lưu niệm (người mặc áo véc, thứ tư từ trái qua là thầy Nguyễn Hùng Vĩ) |
Nguyễn Đức Dũng phát biểu |
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ phát biểu |
(Đang viết)
---
CẬP NHẬT
5.
Trao lại sắc phong đình làng Tri Chỉ
Nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương (áo kẻ) và nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dũng cùng đại diện xã, thôn kiểm tra các đạo sắc phong. |
1/Thông tin sắp có cuộc trao lại 22 đạo sắc phong cho đình làng Tri Chỉ khiến nhiều người ngạc nhiên. Có người còn chưa tin ngay. Ngẫm cũng không lạ, bởi trong thời buổi rất nhiều di vật quý giá ở các di tích cứ lần lượt bị những kẻ bất lương đánh cắp vì lòng tham, thử hỏi, bỗng có ai đó sẵn sàng tặng lại cho địa phương, thì làm sao mà không nghi ngại cho được. Ngay cả khi thời gian qua đã có khá nhiều cuộc dâng trả lại sắc phong cho các thôn, làng, xã từng bị mất mát, thất lạc, do những nhà sưu tầm hào hiệp khởi xướng, thực hiện.
Nhưng những nỗi niềm cũng tan dần theo các cuộc làm việc của lãnh đạo xã với anh Đặng Vũ Khương, người sẵn sàng dâng lại 22 đạo sắc mà anh có dịp sưu tầm được một thời gian trước. Cùng với sự bảo chứng của nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Dũng, chuyên viên Cục Di sản văn hóa, đã nhiệt tình dịch toàn bộ các đạo sắc ra chữ quốc ngữ; và TS Chu Xuân Giao, công tác ở Viện Nghiên cứu văn hóa, cùng giúp đọc, thẩm định các di sản đặc sắc này. Rồi những mong đợi, háo hức ban đầu của người làng xã nhanh chóng bừng lên thành niềm vui sướng, hân hoan xen lẫn thành kính khi hàng trăm người tận mắt chứng kiến cảnh nhà sưu tập, nhà nghiên cứu cùng kiểm tra, trao lại 22 đạo sắc cho lãnh đạo xã, thôn cùng bậc đại diện thế hệ cao niên của thôn Tri Chỉ. Có cả sự tham dự của một số thành viên diễn đàn Hội mê sắc phong. Tiếp đó là lễ rước tưng bừng các đạo sắc đặt trong hai chiếc kiệu trên đoạn đường dài từ UBND xã qua miếu, về đình, mà các đội hình, nghi thức, không khí chung vui của toàn dân đúng như một lễ hội truyền thống.
2/Trong ngày 30/10 mới đây, ngày “Châu về Hợp phố” như lời ví mà nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ phát biểu với cán bộ và bà con xã Tri Trung, mọi người nhìn và nghe được những hình ảnh, tâm niệm đẹp đẽ, chân thành. Mỗi cổng ngõ, người dân đều lập ban thờ, dâng cúng lễ vật khi kiệu sắc rước qua. Người làng tập trung đông đảo tại ngôi đình cổ gần 400 năm tuổi, xem các cụ, các ông lễ thánh và dâng cất sắc phong. Ai nấy phấn khởi, nhiều người làng ở xa về hưởng ứng, nhiều nhóm chị em người làng làm dâu ở các địa bàn lân cận cũng về dâng lễ và giúp việc tổ chức. Trưởng thôn, Trưởng tiểu ban bảo vệ di tích thôn Tri Chỉ Lê Đăng Phát thì cảm động: Hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt nhờ có sự phù trì của thánh thần linh thiêng, sự đoàn kết của các cụ, các ông, các bà… Còn Chủ tịch UBND xã Tri Trung Lê Hữu Cường thì cảm kích ghi nhận việc làm có tâm, có tầm, giàu ý nghĩa của nhà sưu tập nhằm giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông Cường cũng không quên nhắc nhở và chắc chắn cũng là tự nhắc khi đề nghị bà con, ban bảo vệ di tích xã, tiểu ban của thôn có phương án tốt hơn để bảo vệ 22 đạo sắc mà xưa kia các vị vua đã ban cho thành hoàng làng, cho người dân Tri Chỉ.
Nhà sưu tập Đặng Vũ Khương, một người ít nói, đã có hơn 20 năm sưu tầm, trân trọng các hiện vật xưa cũ, thì cũng chân tình bộc bạch, rằng mình không biết chữ Hán Nôm, không phải là người nghiên cứu, nhưng dạo trước khi tình cờ thấy 22 bản sắc phong này ở một nơi bán đồ cũ, anh chỉ biết chắc chắn là rất quý nên đã mua lại. Cách đây hơn một tháng, anh có đăng lên diễn đàn Hội mê sắc phong thì nhận được liên hệ của người quê ở Tri Chỉ. “Tôi yêu văn hóa làng xã nên sẵn sàng trao tặng lại tất cả, với điều kiện, là bà con phải trân quý, phải có sự tổ chức đón nhận của địa phương”, anh Khương bộc bạch. Và khi được hỏi, nếu có những địa phương khác nếu biết anh đã sưu tầm được sắc phong của họ, từng bị mất mát, thất lạc, tiếp tục liên hệ thì sao, anh khẳng định: Sẵn sàng trao tặng lại, dù giá trị vật chất của sắc phong hiện giờ cũng rất cao.
3/Đình làng Tri Chỉ thờ sáu vị thần từng có công đánh giặc, phù trợ và dạy dân nghề áo tơi lá. 22 bản sắc phong được trao về với đình và người dân Tri Chỉ gồm: 8 sắc phong năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), 4 sắc phong năm Tự Đức thứ 3 (1850), 1 sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880), 2 sắc phong năm Thành Thái thứ 1 (1889), 1 sắc phong năm Duy Tân thứ 3 (1909) và 6 sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924). Một trong số đó có nội dung như sau: “Sắc cho: Thanh Lãng Linh Lang chi thần, giữ nước che chở cho dân, lâu nay tỏ rõ linh ứng. Năm Minh Mệnh thứ 21 đúng kỳ đại khánh ngũ tuần của Thánh Tổ Nhân hoàng đế ta, đã kính vâng bảo chiếu ra ơn, lễ nghi long trọng tăng thêm phẩm trật. Nay Trẫm cả nhận mệnh trời, nhớ tới phúc thần, nên gia tặng là Thanh Lãng Hựu Chính chi thần. Vẫn cho xã Tri Chỉ, huyện Phú Xuyên thờ phụng như cũ. Thần hãy phù hộ, che chở cho dân ta. Kính đấy!”. Sắc được thảo ngày 24 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), đọc nội dung đã thấy gọi lên cả sự thiêng liêng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định, người xưa nói “Sắc tại như như thần tại”, nay sắc phong cần được giữ gìn một cách trang nghiêm, trang trọng, vì đó là đại diện cho nhân dân.
Bài và ảnh: Hoàng Hoa
https://nhandan.vn/trao-lai-sac-phong-dinh-lang-tri-chi-post723716.html
4. Ngày 2/11/2022
https://www.facebook.com/groups/HoidonghuongTriChi/posts/6339066689442584
3.
Hành trình 16 năm tìm về làng Tri Chỉ của hơn 20 cuộn sắc phong
Thứ Hai 31/10/2022 - 15:24
Dân làng Tri Chỉ đã phải đợi chờ hơn một thập kỉ để đón các cuộn sắc phong về đúng với vị trí ban đầu của nó.
Làng Tri Chỉ mở hội đón sắc phong
Ngày 30/10/2022 đánh dấu cột mốc không thể nào quên của toàn dân làng Tri Chỉ - một ngôi làng cổ của Hà Nội khi những tờ sắc phong trở về dưới mái đình làng, người dân vui mừng mở hội lớn ăn mừng. Nhà nhà, người người đổ ra đường xem đoàn rước kiệu sắc phong đi qua.
“Châu về hợp phố”, câu nói được ông Lê Hữu Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Trung, dùng để bày tỏ cảm xúc trong ngày lễ trong đại của cả toàn xã. Bản thân ông và dân làng sẽ đồng lòng gìn giữ những báu vật quý giá mà không gì có thể đánh đổi được này.
Tại lễ trao trả sắc phong được tổ chức tại trụ sở UBND xã, thay mặt toàn bộ người dân, ông Lê Hữu Cường không dấu khỏi sự vui mừng khi bày tỏ sự cảm kích đối với hành động trao trả nguyên vẹn các cuộn sắc phong của nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương cùng tập thể nhóm nghiên cứu Hán-Nôm.
Sắc phong là thứ vô giá mà tiền bạc không thể mua được. Sắc phong trở thành điểm tựa tinh thần để mỗi người dân sống ở làng đó đều thấy bản thân mình như một phần ở trong đó, như được che chở, bao bọc. Để từ đó họ ý thức hơn trong việc gìn giữ bảo vệ tài sản của làng, sống tốt hơn để xứng đáng với cha ông và những vị thần được phong sắc.
Hành trình 16 năm tìm về làng Tri Chỉ
16 năm đằng đẵng kể từ ngày làng Tri Chỉ đánh mất 27 cuộn đạo sắc phong quý giá của các triều đại vua chúa ban phong cho thành hoàng làng và các vị thần. Những câu chuyện đồn đoán xung quanh về sự mất tích bí ẩn của các tờ sắc phong, các chức sắc trong làng thời điểm đó đã có một số mâu thuẫn kéo theo lòng dân cũng có phần ngổn ngang, nghi hoặc. Vài người còn cho rằng việc mất đi những cuộn sắc phong cũng khiến cho phần hồn, phần linh thiêng của làng quê cũng từ đó mà đi theo.
Trong 22 đạo sắc phong làng Tri Chỉ, có rất nhiều sắc phong có niên đại từ 1846 được lưu giữ nguyên vẹn, không mất chữ, đó là những sắc phong có từ thời Vua Thiệu Trị thứ 6 (1846), đây là tư liệu quý về lịch sử văn hóa của đất nước cần được bảo tồn, lưu giữ.
Mãi cho đến khi có thông tin 22 cuộn sắc phong đang được nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương lưu giữ và mong muốn tặng lại cho chính quyền làng Tri Chỉ. Hành động cao cả của nhóm nhà nghiên cứu về sắc phong không những mang lại niềm tin cho người dân làng mà còn góp một phần công lao vào bảo tồn gìn giữ những bảo vật quý giá của lịch sử dân tộc.
Sắc phong là văn bản của nhà Vua ban để phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần, thành hoàng được xây dựng trong các đình, làng thuộc xã người. Việt.
Giá trị và ý nghĩa của sắc phong đối với văn hóa lịch sử: Sắc phong ghi lại tên tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử kèm theo quê quán, công tích và xếp hạng. Sắc phong phản ánh hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể. Sắc phong thể hiện vai trò tối thượng của nhà vua trong việc trị vì muôn dân và cai quản cả thế giới thần linh, kết hợp với các tín ngưỡng và đời sống tâm linh, có quan hệ mật thiết với các lễ hội dân gian và sinh hoạt văn hóa của làng, xã.
Link nội dung: https://nongnghiep.vn/hanh-trinh-16-nam-tim-ve-lang-tri-chi-cua-hon-20-cuon-sac-phong-d335976.html
https://nongnghiep.vn/hanh-trinh-16-nam-tim-ve-lang-tri-chi-cua-hon-20-cuon-sac-phong-d335976.html
2.
Trao tặng 22 đạo sắc phong cổ bị thất lạc 16 năm trước
SKĐS - Ngày 30/10/2022, Ban bảo vệ di tích lịch sử xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã tổ chức lễ tiếp nhận sắc phong di tích lịch sử cấp quốc gia đình Tri Chỉ bị thất lạc 16 năm trước.
Sắc phong (gọi đầy đủ là đạo sắc phong) xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15, dưới triều nhà Lê, được xác nhận bằng ấn, triện của nhà vua, là loại văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình đền trong tín ngưỡng làng xã của người Việt. Các văn bản này thường làm bằng loại vải hay giấy đặc biệt. Các loại sắc phong thường thấy:
Sắc phong chức tước: là loại sắc phong do nhà vua các triều đại phong kiến dùng để phong chức tước cho các quan lại, quý tộc, người có công… Loại này không còn nhiều và thường do các gia đình dòng họ lưu giữ nên không phổ biến ra công chúng.
Sắc phong thần: là loại sắc phong dùng để xác nhận phong thần, do nhà vua các triều đại phong kiến phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng (Thành hoàng…).
Hầu như các đình làng của người Việt đều được các triều đại nối tiếp nhau ban sắc phong. Đây là cổ vật giá trị, mặc dù đã bị mất số lượng đáng kể nhưng còn lại đến nay khá lớn và thường được bảo tồn trong các kiến trúc tín ngưỡng của làng, xã.
Đối tượng được phong tặng thường là: nhân vật lịch sử có công với nước, thường gọi là nhân thần và các thần linh trong tín ngưỡng dân gian như nhân vật huyền thoại, vật linh, các hiện tượng thiên nhiên…
Nhân vật trên sắc phong thần cũng có thể là những người dân bình thường nhưng có công khai hoang lập làng, truyền dạy nghề thủ công hoặc có công đức với cộng đồng… gắn liền với lịch sử làng xã cổ truyền.
https://suckhoedoisong.vn/trao-tang-22-dao-sac-phong-co-bi-that-lac-16-nam-truoc-169221030184000835.htm
1.
Di tích quốc gia đình Tri Chỉ tiếp nhận 22 đạo sắc phong
VHO- Ngày 30.10, UBND xã Tri Trung đã tổ chức lễ trao tặng và tiếp nhận 22 đạo sắc phong của đình Tri Chỉ (thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) từ nhà sưu tập Đặng Vũ Khương. Đây là 22 trong số 27 sắc phong quý giá của các triều đại vua chúa bị thất lạc từ 16 năm về trước.
Ngay từ sáng sớm, toàn bộ các cụ cao niên, lãnh UBND xã Tri Trung cùng toàn bộ người dân thôn Tri Chỉ đã có mặt tại trụ sở UBND xã để chứng kiến lễ trao tặng và tiếp nhận 22 đạo sắc phong của Đình Tri Chỉ. Tham dự buổi lễ còn có nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, các nhà sưu tập, thành viên group Hội mê sắc phong…
Từ sáng sớm, các cụ cao niên và nhân dân làng Tri Chỉ đã có mặt ở trụ sở UBND xã Tri Trung
Làng Tri Chỉ, nay là thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội là miền đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, cách mạng và hiếu học. Đình làng Tri Chỉ theo truyền thuyết và thần phả thờ 6 vị thần có công với nước với dân, có đức là những người tài cao học rộng, được các nhà vua ban phong sắc chỉ, truyền các nơi thờ phụng để nhớ công đức các ngài.
Đình làng Tri Chỉ còn thờ hai vị Thánh sư Tổ nghề làm áo tơi là ngài Nghiêm Thắng và ngài Đặng An, nhờ có nghề thủ công đã làm cho đời sống của nhân dân được ấm no hơn. Đình Tri Chỉ được khởi công xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tuy có nhiều lớp kiến trúc kế thừa, bổ sung nhưng cơ bản vẫn giữ được ngôi đình cổ gồm các ngôi đại bái, trung cung và hậu cung. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1985.
Chủ tịch UBND xã Tri Trung phát biểu tại lễ tiếp nhận
Phát biểu tại lễ trao tặng và tiếp nhận 22 đạo sắc phong, ông Lê Hữu Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Trung cho biết: Thực hiện Nghị quyết Trung ương về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, những năm qua địa phương đã quan tâm việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị, di tích lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc và quê hương như đã khôi phục, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã, trong đó có đình làng Tri Chỉ. Trong những năm các đạo sắc phong do các vị vua của các triều đại phong kiến Việt Nam ban cho các vị thần được lưu giữ thờ tại đình làng Tri chỉ hiện đang bị thất lạc, chính quyền địa phương và người dân trong làng không ngừng phối hợp với các tập thể, cá nhân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm cổ vật để tìm kiếm.
“Chính vì vậy, ngày hôm nay, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà sưu tầm cổ vật bàn giao, trao tặng 22 đạo sắc phong về với xã Tri Trung, đình làng thôn Tri Chỉ đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha và mong mỏi của lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn. Thông qua việc làm đặc biệt ý nghĩa này đã khẳng định sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của xã”, Chủ tịch UBND xã Tri Trung nhấn mạnh.
Nhà sưu tập Đặng Vũ Khương (ngoài cùng bên trái) cùng đại diện bậc cao niên làng Tri Chỉ, nhà nghiên cứu, chính quyền xã Tri Trung kiểm đếm sắc phong
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, các đợt sắc phong đều gắn với vận hội lớn của toàn thể quốc gia, toàn thể dân tộc như gắn với hoạt động xây dựng kinh thành, đê điều, đào mương đắp đập để cầu mong mọi sự hanh thông. Sắc phong lúc đó là biểu tượng cho tinh thần của toàn thể nhân dân. “Sắc tại như thần tại”, nhưng trải qua chiến tranh, trải qua biến động xã hội, rất nhiều di tích lịch sử bị mất mát sắc phong, lúc đó lòng dân kết tụ cũng bị thất tán theo tín ngưỡng. Do đó, sắc phong phải được giữ gìn một cách trang nghiêm, trang trọng, kính trọng nhất vì đó chính là lòng dân. “Chúng tôi - những người nghiên cứu văn hóa rất trân trọng tấm lòng yêu quý văn hóa dân tộc của các thành viên Hội mê sắc phong. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, những vấn đề của văn hóa truyền thống được nhấn mạnh và Hội nghị đề ra trong năm 5 giai đoạn 2022 – 2027, tất cả các tỉnh, thành phố phải đưa ra chương trình bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản văn hóa của mình. Chúng tôi cho rằng, với sự kiện đón nhận sắc phong này là một trong những hoạt động văn hóa dân gian lớn thành phố, và xin được chung niềm vui với người dân thôn Tri Chỉ”, ông Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.
Sắc phong được rước ra kiệu Long đình
Trong niềm tự hào, phấn khởi của người dân làng Tri Chỉ, nhà sưu tập Đặng Vũ Khương cho biết, 22 sắc phong đã được ông sưu tập trong nhiều năm và hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Ông bày tỏ niềm vui mừng, xúc động khi tâm nguyện của mình đã hoàn thành là trao sắc phong về cho nhân dân. Ngay sau khi được tiếp nhận, toàn bộ sắc phong được giao cho Ban bảo vệ Di tích lịch sử xã Tri Trung gìn giữ và bảo quản, tổ chức nghi lễ rước sắc phong về Đình Tri Chỉ.
Đình Tri Chỉ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1985
“Hôm nay, các cụ, cán bộ và nhân dân làng Tri Chỉ long trọng mở hội để đón rước 22 đạo sắc phong loan giá hồi cung về Đình làng, nhằm mục đích bày tỏ lòng tôn kính với thành thần và trân quý giá trị của các di sản do tiền nhân để lại. Qua đó, để mọi người dân trong làng cùng nhau đoàn kết, chung tay bảo tồn, gìn giữ các di sản quý giá, giữ gìn phong tục nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người Tri Chỉ”, ông Lê Đăng Phát, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tri Chỉ xúc động.
Nghinh rước 22 đạo sắc phong loan giá hồi cung về đình làng Tri Chỉ:
QUỲNH HOA
http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/van-hoc/artmid/486/articleid/57874/di-tich-quoc-gia-dinh-tri-chi-tiep-nhan-22-dao-sac-phong
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.