Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

15/10/2021

Sông Tô Lịch giữa thế kỉ XIX (khi chưa bị người Pháp lấp một đoạn) qua thơ Vũ Tông Phan (1800 - 1851)

Lúc đó sông Tô Lịch còn thông ra với sông Hồng. Khu vực phố Nguyễn Siêu và Ngõ Gạch ngày nay vốn là thuộc dòng sông Tô, từ đó sông Tô vươn ra gặp sông Hồng.

Sau này, người Pháp chiếm Hà Nội rồi lấp một phần sông Tô Lịch (cụ thể thì đọc trong một bài học thuật tôi đã viết về đền Cổ Lương nhiều năm trước, xem lại ở đây).

Đại khái người Pháp đã cho lấp sông Tô để làm đường là bắt đầu từ năm 1889.

Xem toàn văn ở đây


Bây giờ là thơ về sông Tô Lịch ở khoảng giữa thế kỉ của một danh sĩ Thăng Long là Vũ Tông Phan. Các danh sĩ Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) đều đã qui liễu trước khi sông Tô Lịch bị lấp ở đoạn thông ra với sông Hồng.

Bài đầu tiên lấy nguyên về từ Fb của nhà giáo Vũ Thế Khôi (hậu duệ của Vũ Tông Phan).

Tháng 10 năm 2021,

Giao Blog


---


Ngày 14/10/2021


Một đoạn Phố Vũ Tông Phan ven bờ sông Tô Lịch

Sách Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ, lưu trữ tại Viện Hán Nôm Hà Nội.

Trang đầu tiên, sau tổng đề của chùm thơ có hai cột chữ nhỏ ghi": "Tự Tháp tiến sĩ ngâm vịnh" và "Đông tác tiến sĩ điểm duyệt". Đông Tác tiến sĩ là Nguyễn Văn Lý, người làng Đông tác - Kim Liên.




"Vịnh sông Tô" là bài mở đầu tập thơ THĂNG LONG HOÀI CỔ THẬP TỨ THỦ, mang chủ đề tư tưởng-tình cảm của cả tác phẩm, lẽ ra phải giới thiệu trước tiên. Tuy nhiên, tôi đã đưa bài cho THỜI BÁO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT, xếp hàng đăng vào dịp 10 - 10, nên phải tôn trọng quyền của bản báo công bố đầu tiên. May thay, chiều nay ông bạn già tâm giao Nguyễn An Kiều, là con trai cụ cố họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, phát hiện Thời báo Văn học Nghệ thuật - Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật, số 41(64) vừa ra lò sốt dẻo sáng nay 15/10, thấy có bài về cụ Vũ Tông Phan, liền mua, đề tặng tác giả (mà lẽ ra phải ngược lại, nhưng lão bây giờ ít ra phố !) và sai cô em, họa sĩ Hoài An, đem đến tận nhà. Xin đa tạ tấm lòng cua hai anh em, cũng thuộc một dòng thư hương danh gia vọng tộc, lại "hữu duyên" với tộc Vũ-tông này: Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, vốn là Trưởng môn ở trường Hồ đình của Tiến sĩ Vũ Tông Phan, sau làm đến Thượng thư Bộ Lại kiêm Tổng tài Quốc sử quán, một trong những vị đại quan phong kiến đã sáng lập TÂN ĐẢNG trong triều vua Tự Đức, chủ trương mở cửa, canh tân đất nước. HG Nguyễn Tư Giản cũng chính là người soạn bài ký ca ngợi "ơn đức tác thành của Thầy là bất hủ". Tâm bia lập năm 1873 tại từ đường thờ Lỗ Am tiên sinh dưới tán cây đa bên bờ tây hồ Hoàn Kiếm, nay dựng ở phòng các Cụ Rùa trong đền Ngọc Sơn.

Vậy nhân dịp này xin đưa lên đây bản word của bài mà bản báo đã đăng nguyên văn, chỉ lược đi câu kết (tôi để trong ngoặc), nhằm giới thiệu rộng rãi với bè bạn đồng thanh khí quan tâm lịch sử văn hóa-giáo dục miền địa linh núi Nùng sông Tô.


Vũ Thế Khôi
Vũ Tông Phan (1800 - 1851) với Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) là “đồng môn”, tức bạn học cùng trường từ thuở thiếu thời, cùng thụ giáo cậu ruột của Phan là Lập Trai Phạm Quý Thích, vị tiến sĩ danh tiếng triều Lê. Họ cũng là “đồng niên”, tức cùng đỗ cử nhân” khoa thi hương 1825. Nhưng Phan ngay năm sau, 1826, vào kinh đô Huế thi Hội, đỗ tiến sĩ rồi ra làm quan trong triều ngoài quận, Siêu ở nhà đóng cửa đọc sách, ba lần khước từ lệnh của triều Nguyễn triệu ra nhận chức ở bộ Lại. Điều ít người biết, kể cả các nhà “Hà Nội học”, là: hai vị còn là “dồng chí”, tức cùng một chí hướng: người trước (Phan, 1836 - 1851), kẻ sau (Siêu, 1854 - 1872) đứng đầu Hướng Thiện hội đền Ngọc Sơn chủ trì công cuộc chấn hưng văn hóa-giáo dục Thăng Long trong suốt thế kỷ XIX, gây dựng cơ sở văn hóa-xã hôi cho phong trào canh tân cứu nước hồi đầu thế kỷ XX.
Phố Nguyễn Văn Siêu có từ trước 1945 (gọi là phố Án sát Siêu, vì cụ Phó bảng từng làm Án sát Hưng Yên thời vua Tự Đức). Phố Vũ Tông Phan mãi năm 2013 mới được đặt ở quận Thanh Xuân - Hà Nội, là đoạn đường rộng 11 mét, dài 2 km, chạy ven bờ sông Tô Lịch khoảng từ Cầu Mới đến cầu Lủ, đối diện với phố Khương Đình và phố Kim Giang chạy ven bờ sông bên kia. Hà Nội là thành phố thứ tư đặt tên danh nhân này cho một đường phố, sau Đà Nẵng (2009), Hải Dương (2011) và TP Hồ Chí Minh (2012).
Hai vị danh nhân họ Vũ và họ Nguyễn đã bắt đâu công cuộc chấn hưng văn hóa-giáo dục Thăng Long- Hà Nội bao giờ và như thế nào?
Tuy gia tộc Vũ Tông Phan khoảng từ đầu thế kỷ XVIII đời nối đời ngụ cư ở thôn Tự Tháp phường Báo Thiên ven bờ tây Kiếm Hồ, do ông nội của Phan đỗ hương cống năm 1762, lại trúng Thị nội văn chức, phải chầu hầu về việc văn từ trong phủ chúa Trịnh, tọa lạc tại khu vực Phú Doãn - đầu Quang Trung ngày nay, nhưng bản thân ông Phan lại có nhiều duyên nợ với dòng sông Tô.
Trước hết, ở bờ đối diện phố Vũ Tông Phan mới, xưa có Kẻ Lủ, tức làng Kim Lũ, là quê hương bản quán Nguyễn Văn Siêu. Chưa thấy thư tịch cổ nào, kể cả tộc phả, nói ông Phan từng ngụ cư và làm thầy đồ ở các phường thôn ven sông Tô Lịch, vậy mà thi tập đầu tay trước năm 1825 của ông lại nhan đề "Tô Khê tùy bút tập", trong đó có hai bài Đề Nhĩ Hà (Vịnh sông Nhĩ), nhưng không có bài nào về sông Tô Lịch!
Có thể nói sự khởi đầu nghiệp lớn của hai vị danh sĩ là sự kiện Vũ Tông Phan mới làm quan có 5 năm, lên đến chức Tham hiệp Thái Nguyên (như phó tỉnh trưởng) đã chán cảnh quan trường thời “bá đạo” của họ Nguyễn, vì lí do chính ông chỉ rõ trong bài Ngẫu cảm (1831):
Học cổ nhập quan kim vị hợp
(“Học cổ nhập quan” (Kinh thư), tức học theo đạo người xưa rồi mới ra làm quan, nay chẳng hợp thời nữa)
Hai năm sau, 1833, ông Nghè Phan từ quan về lại thôn Tự Tháp ven bờ tây hồ Hoàn Kiếm, mở trường Hồ đình (dưới gốc đa trong khuôn viên trụ sở báo Nhân Dân ngày nay) dạy học. Lập tức ẩn sĩ Siêu xuất đầu lộ diện, tuy từ trước đó đã chuyển nhà từ làng Lủ ra tổng Đồng Xuân phía bắc hồ Hoàn Kiếm, nhưng vẫn đóng cửa đọc sách. Theo thơ xướng họa của Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Trần Văn Vi… nhóm bạn đồng môn tâm giao này thường xuyên gặp gỡ, luận bàn tại Hồ đình của Nghè Phan và Học quán của Cử Vi ở phường Đông Các trên bờ sông Tô (đầu phố Hàng Bạc ngày nay) để “tầm nguyên, phỏng cổ” (chữ trên vế đối ở cổng đền Ngọc Sơn), và kết quả là mùa xuân 1834, Cử Siêu dựng trong khu phố cổ (nay là phố Nguyễn Văn Siêu, quận Hoàn Kiếm), cũng trên bờ sông Tô Lịch ngôi nhà hình vuông để dạy học, đặt tên là Phương đình, bởi thế ông có biệt hiệu là “Phương Đình tiên sinh”. Dưới đây là bằng chứng.
Một chiều cuối xuân 1834, Phương Đình tiên sinh mở tiệc khánh thành nhà dạy học Phương đình trên bờ sông Tô, “dụng đình 亭vận chiêu thi” (lấy vần “đình” mời làm thơ). Tham dự có tiến sĩ Vũ Tông Phan, các cử nhân Trần Văn Vi, Cao Bá Quát, Lê Duy Trung, Diệp Xuân Huyên và Khoái Ông Nguyễn (chưa xác định được danh tính). Các bài xướng họa độc nhất vô nhị này chép trong sách “Chư gia thi văn tuyển”, ký hiệu A.357, vẫn còn lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, là bằng chứng khẳng định không phải là mãi đến khi cáo quan vào 1855 như các nhà Hà Nội học vẫn viết, “Thần Siêu” mới dựng trường dạy học theo thói thường “tiến vi quan, thoái vi sư”, mà chủ động hưởng ứng chủ trương mở trường khai hóa sĩ dân của bạn đồng môn từ thở thiếu thời (cùng thụ giáo tiến sĩ triều Lê là Lập Trai Phạm Quý Thích, bác ruột của Nghè Phan về bên mẹ).
Trong bữa tiệc ấy của các bậc danh sĩ Hà thành, Vũ Tông Phan được làm bài xướng vì ông là người duy nhất trong số họ đến thời điểm đó đã đỗ tiến sĩ, lại từng trải qua chức Đốc học Bắc Ninh, tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng tiến sĩ.
Ngày xưa ấy hẳn là:
Nước sông Tô vừa trong vừa mát,
Em dừng chèo ghé sát thuyền anh…
nên thi sĩ họ Vũ mới có thể mở đề rằng:
Nhật chính tà tà, phong chính thanh
Nhiễu tường trúc thụ chính thanh thanh…
(Ánh chiều đúng lúc tà tà / gió đúng hồi tươi mát / Rặng trúc quanh tường đúng độ ngắt xanh)
Vị tiến sĩ nguyên Đốc học không ngẫu nhiên láy đi láy lại ba lần chữ “chính” 正, vốn vô cùng quan trọng với Nho gia, mà nhóm Phan - Siêu cũng vừa nhất trí thề ước tại các cuộc tụ hội luận bàn ở Hồ đình và Phương đình về “chính nhân tâm” (làm cho nhân tâm đúng đắn) “chính phong tục” (làm cho phong tục đúng đắn) và “chính học thuật” (làm cho sự học đúng đắn). Chữ “chính” hợp với chữ “phương” 方 thành “PHƯƠNG CHÍNH” – phương châm tư tưởng và hành động của quân tử: NGAY THẲNG, CHÍNH TRỰC. Bởi thế, trong một bài họa đáp tại bữa tiệc khai trường Phương đình trên bờ sông Tô ấy, Nguyễn Văn Siêu đã nguyện cùng các đồng chí:
Cố tri viên thị trí,
Nguyện thủ PHƯƠNG vi hình.
Nghĩa là: “Vẫn biết tròn là khôn ngoan / Xin nguyện giữ VUÔNG làm khuôn mẫu”. Bởi lẽ vuông thì chỉ thẳng một hướng mà tiến, chứ tròn thì lăn lông lôc ba vạ mọi nơi!
Sông Tô Lịch gắn bó với họ về tình cảm, tư tưởng và sự nghiệp chung như vậy cho nên năm 1838, khi triều đình buộc Nguyễn Văn Siêu phải ra ứng thí, chỉ được cho đỗ Phó bảng, dẫu “văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán” (văn mà như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì văn chương thời Tiền Hán bên Trung Hoa chẳng còn là cái gì), và bị triệu vào Huế làm quan, Vũ Tông Phan trong bài thơ tiễn, đã khắc ghi với bạn tâm đắc:
Thử biệt cư hành tâm chiếu xứ
Tô giang thu nguyệt, Kiếm hồ tôn.
Xin tạm dịch:
Biệt ly soi tấc dạ này
Trăng thu Tô Lịch, men say Kiếm Hồ.
Nhưng không chỉ có vậy. Trong tâm thức của Vũ Tông Phan, sông Tô cùng núi Nùng được coi là biểu tượng của vùng đất kinh kỳ Thăng Long xưa, cũng như núi Tản sông Đà là biểu tượng của cố đô Phong Châu, núi Ngự sông Hương là biểu tượng của đất Thần Kinh Huế.
"Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ" (Mười bốn bài hoài cổ Thăng Long) là tập thơ từng được lưu hành rộng rãi ở đời, sau khi ông Nghè Tự Tháp tạ thế, nhờ công lao “điểm duyệt” của một đồng chí tâm đắc khác của ông trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa-giáo dục Thăng Long là tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, người làng Đông Tác - Kim Liên Hà Nội. Tập thơ ấy không ngẫu nhiên mở đầu bằng bài Đề Tô giang (Vịnh sông Tô Lịch). Trong "Tự Tháp Vũ tiên sinh thi tập", bài thơ này có đầu đề thể hiện rõ hơn tư tưởng của tác giả: Tây xuất Tô giang đăng Lí thành cảm tác (Ra sông Tô từ cửa Tây, lên thành nhà Lý cảm tác). Cửa Tây mở ra hướng Cầu Giấy đi trấn Sơn Tây, miền đất văn hiến có Châu Phong xưa. Bài thơ có tựa đề vịnh sông Tô nhưng tư tưởng chủ yếu là khẳng định công lao lập đô Thăng Long của triều Lý mà Vũ Tông Phan cho cơ đồ trường tồn như tòa thành nhà Lý sừng sững trên vùng địa linh Tô Lịch. Ông Nghè nho học, vốn đau đáu với “cựu bang văn nhã” (chữ trên về đối của Nghè Phan, từng treo tại bái đường Văn chỉ Thọ Xương, nghĩa là: văn hiến tao nhã của nước xưa, tức nước Văn Lang) so sánh cơ nghiệp của nhà Lý với sự nghiệp của của Cao Biền là thành Đại La và khẳng định: duy chỉ có La thành của viên Đô hộ sứ nhà Đường là hoang phế mà thôi. Ý này bộc lộ rõ hơn nữa ở bài Lý thành hoài cổ trong Di cảo thơ văn của Vũ Tông Phan:
Cao vương tâm sự phó hồng nê
Lý diệp kinh dinh vị quả đê
(Việc tâm huyết của Cao Biền – ý ám chỉ việc xây thành Đại la – đã phó mặc cho đất bùn / Sự kinh bang tế thế của các vua Lý thì kết quả không hề thấp bé đi với thời gian)
Nguyên tác bài Đề Tô giang đã được cố thư họa gia Lê Xuân Hòa viết tặng cụ Trưởng tộc dòng họ Vũ-tông Vũ Đình Hòe (x.ảnh ở dưới). Chúng tôi đã phiên âm và dịch, in trong “Vũ Tông Phan. Tuyển tập thơ văn”, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2001, nhân 150 năm mất của TS Vũ Tông Phan. Tuy nhiên, bản dịch chưa thể hiện rõ ý công tích lập đô bất hủ của triều Lý, nên nay nhân kỷ niệm 170 năm mất của danh nhân Vũ Tông Phan (1851 – 2021) xin được dịch lại.
ĐỀ TÔ GIANG VỊNH SÔNG TÔ
Ngô sinh chi tiền hề Từ ta trở về trước
Bất tri kỷ niên đại Bao thời đại đổi thay
Vô sổ niên đại sự Đại sự nhiều vô số
Cận túc bán nhật thoại Đủ bàn gần nửa ngày
Nhi huống thiên niên lai Huống hồ nghìn năm nay
Trần sự hề túc quái Sự đời bao chuyện lạ
Lý khuyết La thành tê Tây La thành cung Lý
Tô giang vi nhất phái Trên bờ sông Tô nhỏ
Lý khuyết cổ thành lập Sừng sững thành Lý cổ
La thành hoang nhất đái Duy thành La hoang tàn
Sở văn giả bất kiến Trước chỉ nghe, chưa thấy
Sở kiến giả trường tại Nay thấy quả trường tồn
Dữ ngô nhất biệt hề Dù cùng ta cách biệt
Kỷ hà nhi thiên tải Mấy mà nghìn năm tròn
Đại cố thường như tư Đại sự còn vậy đó
Ngô sinh hà túc khái Đời ta sao đáng lo
“Cổ thành” Vũ Tông Phan nhắc tới trong bài thơ là đoạn đường Hoàng Hoa Thám và đường Bưởi ngày nay mà trên bản đồ Hà Nội 1873 người Pháp thuê vẽ sau khi chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất, có ghi hai Hán tự 李城 - Lý thành”, người Pháp gọi là “digue Parreau” (đê Pa-rô). Trong hồi ký của hai người bạn học “thuở để chỏm” Vũ Đình Hòe và Nguyễn Hiến Lê đều có nhắc đến “đê Pa-rô”, chứng tỏ những năm 20 của thê kỷ trước còn tên ấy.
Ngày nay nhờ ý tưởng sáng tạo của KTS trẻ tài năng Hoàng Thúc Hào, một đoạn tường thành cổ nhà Lý đã được bắt đầu phục dựng nhân dịp chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long: đứng ở ngã ba đầu đường Hoàng Quốc Việt nhìn lên, vẫn có thể thấy mặt đường Bưởi mới được kè lại, cao hơn mặt nước sông Tô Lịch chảy bên dưới đến 3 - 4 m. Tiếc rằng do những nguyên nhân khách quan và chủ quan nào đó, công trình bị bỏ dở dang, không thì đã có thể lập bia khắc bài thơ của tiến sĩ Vũ Tông Phan, sáng tác gần hai trăm năm trước, ngợi ca hào khí Thăng Long 1000 năm văn hiến.
Năm 2010, chuẩn bị kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định, học trò thân thiết của tôi ở Khoa tiếng Nga Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, niên khóa N67, đề xuất dự án làm album nghệ thuật “Thăng Long-Hà Nội Xưa & Nay trong Thơ & Ảnh”, trên cơ sở tập Thăng Long hoài cổ thập tứ thủ. Định đèo tôi đi chụp ảnh các thắng tích thi sĩ họ Vũ ca ngợi trong thi tập ấy. Anh đã làm maket bìa và trang mẫu một số bài, trong đó có Đề Tô giang, với nguyên tác chữ Hán là thủ bút của thư họa gia Lê Xuân Hòa viết tặng cụ Trưởng tộc Vũ-tông Vũ Đình Hòe. Tôi chịu trách nhiệm phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ và chú giải. Nhưng rồi Định không sao kêu gọi được khoản đầu tư 200 triệu theo dự toán của anh, (dẫu vào dịp Đại lễ ấy mà sau này có kẻ ác khẩu gọi là “Đại lễ rác”, người ta xả hàng nghìn tỷ vào các bộ sách bây giờ dễ dàng tìm thấy ở các cửa hàng giấy lộn, đồng nát!)*
(*Câu BTV bản báo lược đi. - VTK)
Ma ket trang thơ & ảnh bài Vịnh sông Tô do cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định thực hiện

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=910769612890964&id=100018738004194

..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.