Rằm tháng Bảy ở miền quê biên viễn vào các năm trước, thì trên Giao Blog, có thể xem lại ở đây (năm 2014) hay ở đây.
Năm nay, các nhà vẫn khấp khởi chuẩn bị, nhưng trong tâm trạng chung là cảnh giác cao với dịch covid-19.
Bây giờ, dạo một vòng qua các nơi, xem không khí chung.
Tháng 8 năm 2021,
Giao Blog
Ở Lục Yên (Yên Bái):
..
Ở Sơn Dương (Tuyên Quang)
..
Ở Lào Cai
https://www.facebook.com/groups/HoiNguoiNungAn/posts/4209757305804486/
..
Pây núng Pài xổông xằng
..
https://www.facebook.com/groups/HoiNguoiNungAn/posts/4206716302775253/
..
---
CẬP NHẬT
1.
---
BỔ SUNG
Chủ nhật 22/08/2021 05:00
Nghề rèn đem lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho đồng bào Nùng An Phúc Sen. |
Sản phẩm rèn Phúc Sen (Quảng Hòa) từ lâu đã nổi tiếng cả nước bởi đặc tính vượt trội. Chất lượng dao được ví là “chặt sắt không mẻ, chặt đá không mòn”, sắc ngọt, sáng bóng thách thức thời gian. Để làm được những con dao sắc, bền, bí quyết nằm ở chất liệu và kỹ thuật rèn. Vật liệu làm dao được chọn lọc từ những thanh nhíp ô tô bởi chúng có độ rắn và dẻo linh hoạt. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất chính là sự tinh tế, khéo léo của đôi bài tay người thợ rèn.
Ông Nông Văn Lợi, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen - một thợ rèn có 40 năm kinh nghiệm cho biết: Để có được một con dao hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép, mài thành phẩm. Trong đó, hai quá trình tôi thép và ram thép mới là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng.
Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn cho dao, nâng cao độ bền cho dao. Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi đến nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào màu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội. “Không ai rõ nghề rèn đã xuất hiện ở Phúc Sen từ bao giờ. Chỉ biết rằng lò rèn đã được truyền từ đời cụ, ông nội, đời bố và đến đời tôi. Giờ tuổi đã cao nên tôi truyền lại nghề cho con trai và con dâu, tiếp nối truyền thống của gia đình”, ông Lợi cho biết thêm.
Hiện nay, quy trình rèn ở Phúc Sen vẫn duy trì như trước kia, chỉ khác là các xưởng đã đưa thêm máy móc vào quá trình sản xuất, như búa máy thủy lực, máy mài, tiện..., nhờ đó giảm bớt sức lao động, tăng năng suất. Với một gia đình 2 nhân lực, nếu sản xuất thủ công, mỗi ngày chỉ hoàn thiện được từ 4 - 5 sản phẩm, khi có sự tham gia của máy móc, mỗi ngày có thể làm được từ 15 - 30 sản phẩm. “Lửa rèn” mang lại cho bà con cuộc sống ấm no, đủ đầy, giúp nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá non nước Cao Bằng.
Website HTX Dao Phúc Sen với các sản phẩm mẫu mã đa dạng, phong phú về chủng loại, giá cả. |
Đặc biệt, vài năm gần đây, các xưởng rèn bắt đầu cải tiến mẫu mã và quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức mới. Tiêu biểu như cơ sở sản xuất Long Chiến, Hà Khiên đã “đổ bộ” thị trường bằng Website, Facebook, chợ thương mại điện tử Shopee, Sendo, Lazada… Các sản phẩm rất đa dạng, phong phú, có đủ loại từ dao chặt, dao thái, dao lọc đến dao đi rừng, nông cụ, phụ kiện… giá mỗi con dao từ 200 - 500 nghìn đồng.
Giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet, các cơ sở này có thể thành lập fanpage, đăng ký tài khoản kinh doanh online, đăng tải hình ảnh chân thực về sản phẩm, chốt đơn trực tiếp với khách hàng. Người tiêu dùng ở khắp mọi nơi đều dễ dàng tìm kiếm thông tin, lựa chọn và đặt mua sản phẩm rèn Phúc Sen tùy theo mục đích, nhu cầu sử dụng.
Chị Nông Thị Hiền, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen chia sẻ: Thanh niên trong làng hầu như ai cũng biết đăng bài quảng cáo trên Facebook, Zalo. Thậm chí có người còn livestream, quay video clip đăng lên Youtube, áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá, free ship… nhằm thu hút khách hàng. Có lẽ vì vậy mà bạn bè gần xa biết đến thương hiệu dao Phúc Sen ngày một nhiều. Sản phẩm được không ít thương lái từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan... săn lùng, tìm mua. 1/3 số sản phẩm mà người Phúc Sen làm ra ngày nay đã lên đường xuất ngoại.
Có thể nói, thương mại điện tử vừa là cánh cửa cho các hợp tác xã, cơ sở sản xuất năng động mở ra con đường tiêu thụ mới, vừa giữ lửa nghề cho các thế hệ không ngừng sáng tạo để nâng cao giá trị sản phẩm. Song, làm sao khẳng định được thương hiệu trên thị trường, không để tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn qua con đường online, làm mất uy tín dao Phúc Sen là vấn đề mà những người thợ rèn thời 4.0 cần phải tính đến.
http://baocaobang.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Lang-ren-Phuc-Sen-chuyen-minh-nho-ung-dung-nen-tang-so/83824.bcb
..
Thứ bảy 21/08/2021 04:00
Tết giữa năm đánh dấu mùa vụ đã hoàn thành nên có câu đồng dao: “Kin pẻng chưng vài hảy/Kin pẻng tải vài nòn”. Nghĩa là “Ăn bánh chưng trâu khóc (vì phải vào vụ cày)/Ăn bánh gai trâu nằm (bởi đã xong mùa vụ)”. Đặc biệt có lệ là rằm tháng Bảy mọi người chỉ ăn thịt vịt (bươn chất kin nựa pất) kể cả nhà có gà cũng không thể thay thế, cũng như không ai ăn thịt vịt vào ngày Tết Nguyên đán (trừ trước giao thừa).
Câu chuyện vịt rằm (pất chất) đã trở thành nỗi lo của những gia đình nghèo khi phải sắm ít nhất 2 - 3 đôi vịt. Một đôi cho ngày 14, một đôi ngày 15 và một đôi để đi lễ nhà ngoại (pây tái). Hằng năm, vào dịp tháng 3 Thanh Minh xong là chuẩn bị nuôi vịt. Ông tôi bảo: “Pất khun pác vằn/Cáy liệng chất bươn” (chăn vịt trăm ngày, nuôi gà 7 tháng mới nên).
Thời ấy, nuôi vịt phải tự mua trứng về cho gà mái ấp cả nửa tháng trời, chục quả trứng may ra nở được 7, 8 con. Chập chững ba ngày đầu còn phải lấy gạo nếp nhai nhuyễn thổi phù xuống lồng để chúng mớm. Rồi sáng nào cũng thế, mới sớm tinh mơ mẹ tôi đã tất tả quẩy gánh một bên là chiếc bừa lểnh khểnh, một bên là lồng vịt con mang theo ra đồng để chúng tự kiếm giun dế ăn.
Cả làng nuôi vịt, lũ vịt con đều giống nhau, tránh bị lẫn lộn khi thả ra đồng lại phải quy ước với nhau bằng cách đánh dấu vào màng chân, nhà này chạm lỗ tròn, nhà kia xẻ rãnh khe ngoài, khe trong, chân phải, chân trái... Mỗi buổi trưa sau khi tan cày, lũ trẻ chạy ra bờ ruộng giúp người lớn lùa vịt, chọn vịt, tiếng gọi nhau í ới, tiếng vịt kêu líp chíp náo nhiệt cả cánh đồng.
Mà giống vịt con đến lạ, nuôi tháng đầu tiên dù cho ăn đủ cháo ngô, rau bí chúng vẫn cứ còi cọc (tiếng Tày gọi là pất dọ), một khi đã còi thì giai đoạn sau có chăm đến mấy cứ ốm o, lông xù, cánh cụp. Đây là công đoạn mà bọn trẻ chúng tôi phải ganh đua nhau xem ai chăm khéo, ngày nào cũng đeo cái ống tre và cái thuổng xuống dưới gầm sàn (quê tôi gọi là slích má) ẩm ướt bới đất tìm giun, dế, ốc sên để tối về cho vịt một bữa ăn thịnh soạn đầy đủ chất tanh thì vịt con mới mập mạp, chóng lớn cho đến ngày ra lông vũ (tiếng Tày gọi là buốt khôn phầy) đẫy đà, óng mượt, định hình được bộ khung xương khỏe, mau lớn.
Làng tôi ở chân núi, những trận mưa đầu mùa nước lũ tràn về ngập lênh láng, vịt bơi theo làn nước dạt sang làng bên, chuyện “vịt mày”, “vịt tao” trở nên lẫn lộn, cãi nhau chí chóe, do việc đánh dấu ở chân có thể trùng lặp giữa hai làng khác nhau, đành phải nhờ người phân giải và chờ xem số lượng mỗi bên thừa thiếu ra sao, đến tối mịt mới được đem vịt về. Nước lũ cuốn theo nhiều rác rưởi, có cả lá cây han đổng, han lình, loại cây mà người đi rừng chạm phải còn rát bỏng chân tay, ngứa ngáy khó chịu.
Nước độc làm cho vịt bị què chân hàng loạt (pất kha pái, pất thai rả), lại phải đi tìm cây ngải cứu, lá tha vằn (hướng dương), mạy téc về đắp và lót ổ cho vịt nằm. Bài thuốc dân gian xem ra khá hiệu nghiệm nhưng cũng không thể giải cứu được tất cả.
Tháng Năm vừa xong vụ cấy, hợp tác xã cấm vịt thả rông, bọn trẻ rủ nhau lên rừng lấy cây sặt, cây sậy, thân ngô về ken làm chuồng. Từ đầu mỏ nước đến bờ mương trước làng, đâu đâu cũng có chuồng vịt. Buổi trưa hè oi ả lại lũ lượt gọi nhau bê nồi ngô bung nấu lá bí ra cho vịt ăn; đứa nào cũng cởi trần đen nhẻm ngồi khỏa nước bàn tán rôm rả, có đứa khóc sụt sùi chỉ vì đàn vịt của nó có 20 con, sau trận lũ chỉ còn sót lại một nửa.
Tháng Bảy sau khi làm cỏ lúa, những trận mưa ngâu rả rích, người ta bảo đấy là nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ, một mối tình ngang trái, khổ đau giữa tiên và trần, mỗi năm chỉ được phép gặp nhau một lần vào đầu tháng Bảy (mùng 7/7 âm lịch). Những ruộng lúa nếp đầu làng đang thì con gái lên xanh phủ kín luống, kín rãnh nên vịt rúc vào giữa cánh đồng mải tìm ăn, chiều tối lại phải lội ruộng, dùng que sào dài buộc túm vải tua rua vừa gọi vừa lùa vịt về, có con đi lạc đàn kêu quang quác giữa cánh đồng mênh mang, nhìn chẳng thấy đâu, có đứa lại bật khóc…
Nuôi vịt rằm thời ấy trải qua bao vất vả, tính toán thua thiệt với nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, không nhà nào giữ được trọn vẹn cả đàn, nuôi 10 con được 7 - 8 con đã là may mắn lắm. Thế mà mỗi năm đến mùa cứ rủ nhau nuôi để có phường, có hội, để bọn trẻ có việc làm… Mà quan trọng hơn là đến rằm đỡ phải lo kiếm đâu ra tiền mua vịt Tết? Chuyện lo gà Tết, vịt Tết thời ấy là cả một vấn đề nan giải đối với hầu hết gia đình nông dân quê tôi.
Bây giờ nuôi vịt đơn giản hơn nhiều, vịt con có lò ấp, đem về có đèn ủ ấm, giun dế đã có bột cá tăng trọng, vịt nuôi ao chuôm, vườn nhà, nhốt chuồng chỉ sau sáu, bảy mươi ngày là lớn phổng phao. Nhưng tôi vẫn không thể nào quên những năm tháng tuổi thơ cùng lũ trẻ háo hức nuôi vịt rằm với bao nỗi vất vả, buồn vui trong tiếng vịt kêu pát, pát, pạt, pạt… Có cả tiếng khóc, tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo trên cánh đồng quê.
http://baocaobang.vn/Van-hoc-Nghe-thuat/Vit-ram/83811.bcb
..
Thứ năm 05/08/2021 05:00
Những hàng rào đá của người Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) được hình thành trong quá trình canh tác nông nghiệp. |
Đến với xã Phúc Sen, du khách không chỉ trầm trồ trước vẻ đẹp miền sơn cước với khung cảnh nước non hữu tình, những ngôi nhà sàn cổ của người Nùng An cùng với làng nghề rèn, nghề làm hương nổi tiếng đã được người dân gìn giữ qua bao thế hệ, nơi đây còn nổi tiếng với những hàng rào được làm từ đá đã tồn tại từ rất lâu đời, qua bao năm vẫn kiên cố trước những trận thiên tai, sự phong hóa của thời gian.
Để có những hàng rào đá kiên cố, từ xa xưa, khi canh tác, trong quá trình khai thác đất, người Nùng An đã cẩn thận nhặt từng hòn đá nằm trong ruộng xếp gọn thành từng hàng rào. Những viên đá to nhỏ có kích thước tương đối đồng đều nhau nằm ẩn mình dưới lớp đất, mỗi khi cày cuốc trúng lại được người dân nhặt lên, cẩn thận xếp chồng lên nhau, tạo thành hàng rào đá, cứ thế ngày này qua tháng khác, những hàng rào đá tuy không quá to nhưng tính theo chiều dài có lẽ đã đến cả vài chục cây số vẫn kiên cố theo thời gian. Những viên đá được dày công xếp chồng lên nhau tỉ mỉ ở mỗi khu nhà hay vườn rau, vườn ngô, đường làng, ngõ xóm để bảo vệ vườn tược, hoa màu.
Ở nơi đây, có những làng nghề truyền thống của bà con người Nùng An, họ sống và làm nghề rèn nổi tiếng ở đây từ bao đời, những hàng rào đá như bảo vệ dân làng khỏi hiểm nguy bởi thú dữ hay kẻ thù như thành lũy bảo vệ cả ngôi làng. Nhìn từ trên cao xuống, những hàng rào đá không khác gì thành lũy kiên cố được xây dựng hết sức tỉ mỉ. Những hàng rào đá cao chừng ngực người lớn, trông vậy mà rất chắc chắn vì nó đã tồn tại trong quá trình khai phá và lao động sản xuất của người dân nơi đây.
Với các hình thù độc đáo, lạ mắt và kết cấu rất bền chặt của dãy hàng rào làm bằng đá khiến cho người xem không khỏi kinh ngạc và thán phục trước tài năng xây dựng của những người nông dân chân lấm tay bùn. Không cần dùng tới các vật liệu như xi măng, vôi mà chỉ cần bàn tay tài hoa của người dân nơi đây đối với kỹ thuật chèn, khóa, xếp những viên đá nhỏ tạo nên một dãy “Vạn lý trường thành” phủ bọc ngôi nhà. Những người nông dân cũng vô tình trở thành nghệ sĩ tài ba cùng tô thêm sắc màu cho miền sơn cước này.
Hàng rào đá kiên cố, đẹp mắt cũng thể hiện rõ tinh thần vượt khó đi lên của người nông dân. Cho dù đất có cằn cỗi, có hàng triệu viên đá như vậy cũng không làm khó được họ. Mà qua đó, những người nông dân đã cùng nhau tìm ra cách khắc phục, cùng nhau nhặt những viên đá để xây dựng nên những bức tường kiên cố. Qua thời gian, cuộc sống ngày càng phát triển, những mảnh đất màu mỡ dần hình thành, tuy nhiên, người dân vẫn quý trọng từng diện tích đất tạo nên vườn ngô, vườn khoai lang và đủ loại hoa màu khác nhau, càng quý trọng hàng rào đá kiên cố đã bảo vệ con người, vườn tược qua những tháng năm qua.
Không chỉ làm hàng rào để bảo vệ vườn tược, nhà cửa, những hòn đá còn được đắp bao quanh các phần mộ để đất không bị xói mòn theo thời gian. Điều đó chứng tỏ rằng những bức tường thành bằng đá này không chỉ có ý nghĩa trong đời sống nông nghiệp mà còn có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Nùng An nơi đây và mang đậm bản sắc văn hóa của người Nùng An Phúc Sen.
http://baocaobang.vn/Non-nuoc-Cao-Bang/Doc-dao-hang-rao-da-cua-nguoi-Nung-An-o-Phuc-Sen/83560.bcb
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.