Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

26/01/2021

Thời đại mạng và kinh tế tri thức : đột phá của tuổi trẻ Việt Nam

Tôi nhìn từ góc "sáng tạo Việt", thì ghi nhận là có nhiều đột phá.

Đột phá này, mới là "đột phá khẩu", tức là một cái cửa trổ ra mang tính đột phá. Hết sức quan trọng. Các đột phá khẩu mang tính cách mạng. Nhưng quan trọng hơn nữa, lại là vấn đề nền tảng. Có nhiều đột phá khẩu cùng lúc, có liên kết với nhau, tạo thành một nền tảng mới mang tính đột phá.

Lực cản của tư duy mảnh lẻ kiểu "tư duy chữ Nôm" là rất lớn.

Phải vượt qua được lực cản tới cả ngàn năm thâm căn cố đế của tư duy chữ Nôm. Đầu tiên, phải là bằng các đột phá khẩu. Bây giờ, đã có những đột phá khẩu như vậy. Quan trọng là có tính liên kết để tạo ra được một nền tảng mới mang tính đột phá.

Bản thân tôi, đã phê phán mạnh về sáng tạo Việt nhìn từ chữ Nôm, từ nhiều năm trước, ví dụ ở đây.

Dưới là tin tức từ các nơi. Làm dần dần. Mở đầu là tin từ thuế vụ năm 2020.

Tháng 1 năm 2021,

Giao Blog


---

Thứ hai, 25/1/2021, 18:15 (GMT+7)

Thu nhập 330 tỷ nhờ viết phần mềm


HÀ NỘI

Viết phần mềm, một cá nhân 28 tuổi tại Cầu Giấy vừa tự nguyện đóng 23 tỷ tiền thuế sau khi có thu nhập năm lên đến 330 tỷ.

Cục thuế Hà Nội cho biết, cá nhân này là nữ giới, 28 tuổi, đã chủ động kê khai và nộp thuế năm 2020 lên đến 23,4 tỷ đồng. Người này đã viết nhiều phần mềm đăng trên các ứng dụng Google Play và App Store.

Một trường hợp khác là nam giới, 30 tuổi, có thu nhập 260 tỷ đồng, cũng tự nguyện kê khai và nộp thuế hơn 18 tỷ đồng tại Chi cục Thuế quận Cầu Giấy. Người này viết nhiều phần mềm được các ứng dụng trên thế giới sử dụng.

Cục thuế Hà Nội từ chối cung cấp thêm về hai cá nhân trên.

Tuy nhiên, nói thêm với VnExpress, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cho biết, nguồn thu của những cá nhân này đến từ việc sản xuất phần mềm nhúng quảng cáo.

Lý giải chi tiết hơn, một nguồn tin khác trong ngành thuế cho biết, đây là số liệu dựa trên kê khai ban đầu của cá nhân và cơ quan thuế chưa rà soát cụ thể. Nhưng về cơ bản, các cá nhân này viết phần mềm, đăng tải trên Apple Store hoặc CH Play. Khi người dùng tải xuống và sử dụng phần mềm, họ được trả một phần hoa hồng từ doanh thu quảng cáo chạy trên phần mềm đó.

Đây là hai trong số những cá nhân có phát sinh thu nhập từ thương mại điện tử năm 2020 chủ động kê khai và nộp thuế với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Vài năm gần đây, Tổng cục thuế tăng cường quản lý thuế với hoạt động kinh doanh số, nên hằng năm cũng đều đặn thu được thuế từ các cá nhân hoạt động trong mảng này. Riêng tại Cục thuế Hà Nội, số thuế thu từ hoạt động thương mại điện tử của năm 2020 tăng gấp gần 5 lần 2019.

Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 cũng giúp cơ quan thuế có nhiều "công cụ" để quản lý thuế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử một cách hiệu quả hơn. Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết trong hai năm gần đây đã thu được khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thuế của các cá nhân có nguồn thu quảng cáo từ Facebook, Google. Số thuế này được xác định dựa trên số liệu Facebook, Google trả tiền trực tiếp cho cá nhân hoặc qua doanh nghiệp có hoạt động quảng cáo.

Hoạt động mua bán qua không gian số rất lớn khi mô hình kinh doanh truyền thống chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch lên trực tuyến sau đợt Covid-19. Do đó, theo lãnh đạo Tổng cục thuế, nguồn thu thuế từ lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh.

Quỳnh Trang

https://vnexpress.net/thu-nhap-330-ty-nho-viet-phan-mem-4226312.html

..


Ngồi ở Đà Nẵng, làm ăn với Google nhận về 281 tỷ đồng

Với tổng thu nhập hơn 281 tỷ đồng trong gần 4 năm, ông D. đã chủ động đóng hơn 25 tỷ đồng tiền thuế.

Sáng nay (26/1), Chi cục thuế quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) xác nhận, vừa truy thu tiền thuế một cá nhân với số tiền hơn 25,3 tỷ đồng.

Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Đội trưởng đội kiểm tra Chi cục thuế quận Hải Châu cho biết, đầu năm 2019, ông N.N.D (trú Đà Nẵng) đến đơn vị để nắm các thông tin về kê khai thuế thu nhập.

Sau khi được giải thích, ông D. về nhà làm một tờ kê khai. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến tháng 6/2018, ông D. có phát sinh doanh thu từ dịch vụ quảng cáo do Công ty Google chi trả, với tổng số tiền hơn 281 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này có được nhờ hoạt động quảng cáo trên mạng.

Ngồi ở Đà Nẵng, làm ăn với Google nhận về 281 tỷ đồng
Chi cục thuế quận Hải Châu nơi ông D. chủ động đến nộp tiền

Ông D. xác nhận ông là chủ trang web cung cấp phần mềm giải trí TestFun.net. Trang này có nhiều ngôn ngữ và nhắm tới người dùng trên Facebook ở các nước.

Sau khi đăng nhập, người dùng trên khắp thế giới có thể sử dụng các ứng dụng giải trí và chia sẻ mà không trả bất cứ chi phí nào.

Chủ yếu, nguồn thu của trang web ông D. có được từ việc đặt quảng cáo. Càng nhiều người dùng thì doanh thu sẽ tăng lên.

Mỗi tháng, Google tổng kết và hoàn trả tiền dịch vụ quảng cáo cho ông D. vào tài khoản cá nhân tại một ngân hàng chi nhánh ở Đà Nẵng.

Từ năm 2018 đến nay, do trang web lỗi nên dừng hoạt động và ông D. không nhận bất cứ khoản tiền nào.

Theo bà Bình, sau thời gian hoàn thiện hồ sơ, đến khoảng tháng 9/2019, ông D. làm thủ tục kê khai thuế và nghĩa vụ nộp thuế với số tiền hơn 25 tỷ đồng.

Vị này cho biết thêm, tại Đà Nẵng đây là vụ việc khá hi hữu khi một cá nhân tự động đến nộp thuế với số tiền lớn như vậy.

“Tôi đã chủ động liên lạc các cục thuế ở nhiều địa phương để tham khảo về vụ việc của ông này. Sau đó, cơ quan thuế nhận định khó có cơ sở khẳng định việc ông D. có hành vi trốn thuế.

Trường hợp ông D. luật vẫn chưa có những quy định cụ thể. Luật chỉ quy định cá nhân kinh doanh – có giấy phép kinh doanh, có nghĩa vụ nộp thuế là chủ yếu”, bà Bình nói.

Trả lời phóng viên trước câu hỏi vì sao lại tự động nộp thuế, ông N.N.D. cho biết, sự việc này hơi đặc thù và từ chối xin trả lời.

Theo ông D., trang web trên có mô hình giống như youtube, để tạo ra phải mất rất nhiều thời gian và nhiều người cùng làm. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, trang web không phát triển và đã dừng, chính vì thế không còn nguồn thu.

Hồ Giáp

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/mot-nguoi-dan-o-da-nang-thu-nhap-281-ty-dong-trong-gan-4-nam-708432.html

..


---


BỔ SUNG


2.

Tiết lộ về cô gái Hà Nội thu 330 tỷ từ viết ứng dụng trên Google, Apple

Cô gái sinh năm 1992 tại Hà Nội thu nhập 330 tỷ đồng/năm nhờ viết phần mềm cho Google Play và App Store, nộp thuế 23,4 tỷ đồng.

Cục Thuế Hà Nội cho biết, đơn vị này đang quản lý 382 cá nhân có hoạt động cung cấp sản phẩm trên các ứng dụng của Google Play, Apple Store… Các cá nhân này đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo quý, số thuế đã nộp lũy kế từ năm 2018 đến nay là 203 tỷ đồng, trong đó riêng 7 tháng đầu năm 2021 là 39 tỷ đồng.

Người tạo các ứng dụng, trò chơi trực tuyến trên các kho ứng dụng của Google, Apple hay CH Play hiện đều tự kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ căn cứ trên hệ thống kê khai, hóa đơn để hậu kiểm, truy thu.

Trước đó, vào năm 2020, một cô gái sinh năm 1992 đã tự nguyện đến Chi cục Thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội) để kê khai, nộp các nghĩa vụ thuế. Cô gái này có thu nhập năm 2020 hơn 330 tỷ đồng từ thu nhập viết nhiều phần mềm đăng trên các ứng dụng Google Play và App Store. Cô gái này đã nộp các nghĩa vụ thuế với số tiền là 23,4 tỷ đồng.

Tiết lộ về cô gái Hà Nội thu 330 tỷ từ viết ứng dụng trên Google, Apple

Trong năm 2020, một chàng trai 30 tuổi cũng ở tại quận Cầu Giấy cũng có thu nhập 260 tỷ đồng/năm nhờ viết và đăng tải các phần mềm lên mạng. Người này nộp thuế 18,1 tỷ đồng.

Năm 2020, có 65 cá nhân kinh doanh online đã đến Chi cục Thuế quận Cầu Giấy kê khai và nộp thuế với số tiền là 55 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng trăm cá nhân khác đã tự động kê khai nhưng chưa đến ngưỡng phải nộp thuế.

Từ năm 2019-2020, Cục Thuế Hà Nội đã thu được 148 tỷ đồng tiền thuế từ các cá nhân có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử (Youtube, Google, Facebook,...).

Theo thông tin từ Bộ Thông tin - Truyền thông, tính đến cuối năm 2020, ở Việt Nam có khoảng 15.000 kênh Youtube bật nút kiếm tiền. Nhưng chỉ có khoảng 30% trong tổng số kênh chịu sự quản lý từ các công ty mạng của Youtube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ.

Trong khi đó, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020) quy định, cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân và 5% thuế giá trị gia tăng, tổng cộng phải nộp 7% doanh thu.

Anh Tuấn

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/viet-ung-dung-tren-google-apple-co-gai-tai-ha-noi-thu-nhap-hon-330-ty-dong-774175.html?cid=share_facebook&fbclid=IwAR31siDZ_13uMqAh4Zr2oPvzdg8vF2WNPcxS0BrTgAJtGgkodEeMVj8XBWk



1.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt: Thành công tạo nên từ khát vọng

Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, các đại biểu đều thống nhất quan điểm, chưa khi nào các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lại có bước phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Lời tòa soạn: Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra.

*********************************

Thời của các doanh nghiệp số

Năm 2020 là năm chứng kiến sự phát triển rất nhanh và mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, cả nước hiện có khoảng 58.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, tạo ra hơn 1 triệu việc làm. Đáng chú ý, riêng năm 2020 có tới 13.000 doanh nghiệp công nghệ số mới ra đời.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt: Thành công tạo nên từ khát vọng
Doanh nghiệp công nghệ số Việt: Thành công tạo nên từ khát vọng

Không chỉ gia tăng về số lượng, các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đang ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng của mình lên đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Đơn cử Be (ứng dụng gọi xe Make in Vietnam), dù mới thành lập vào năm 2018, nhưng đến tháng 6/2019 đã nắm giữ vị trí thứ 2 về thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Đến nay, ứng dụng này đã có hơn 10 triệu lượt tải, hiện diện tại 10 tỉnh/thành phố và tạo ra công ăn việc làm cho hơn 100.000 tài xế. Mục tiêu của Be là phát triển thành một hệ sinh thái mở với nhiều tính ứng dụng trong các lĩnh vực như logistic, vận chuyển, giao thông công cộng, tài chính và du lịch. Thay vì chỉ là một ứng dụng gọi xe, Be cũng tham vọng trở thành một ngân hàng số.

Với Base.vn, từ một start-up chỉ có 5 người vào năm 2016, đến nay đã nắm trong tay hàng loạt nền tảng mở với 50 ứng dụng chuyên biệt, giúp số hóa quy trình, nghiệp vụ cho rất nhiều công ty, tổ chức tại Việt Nam. Đáng chú ý, một nửa trong số 100 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu được bình chọn tại giải thưởng ASEAN là khách hàng của công ty này. Theo CEO của Base.vn, ông Phạm Kim Hùng, "các kỹ sư của Việt Nam có trình độ không thua kém đồng nghiệp trên thế giới. Với đam mê và nhiệt huyết, chúng tôi đang tạo ra các sản phẩm số để bất cứ doanh nghiệp, người dùng Việt Nam nào cũng có thể sử dụng được".

Cùng quan điểm, ông Trương Quốc Hùng – CEO của VinBrain, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về AI còn tham vọng hơn khi đang mơ về việc biến Việt Nam trở thành cường quốc về AI, nhờ giải bài toán của 7,4 tỷ người trên thế giới. Nói là làm, DrAid - sản phẩm AI đầu tiên trong lĩnh vực y tế của người Việt đã ra đời, được hơn 350 bác sĩ sử dụng với hơn 100.000 hình ảnh y tế được tải lên mỗi tháng.

Sứ mệnh xây dựng nên một quốc gia số

Trong bức thư gửi tới các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp số nói riêng có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Cộng đồng gần 60.000 doanh nghiệp công nghệ số, với doanh thu ước tính 120 tỷ USD năm 2020, đang là một động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt: Thành công tạo nên từ khát vọng
Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý trực tiếp, chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ số đã thể hiện được khả năng của mình khi nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ giúp phòng chống Covid-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới. Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet cho tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ… đã giúp Việt Nam thực hiện được song song mục tiêu kép: chống dịch và phát triển kinh tế.

Khẩu hiệu Make in Vietnam được Bộ TT&TT phát động đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Việt Nam cũng đã trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ không phải điều gì cao siêu, đó là kết quả của lao động sáng tạo. Chính khát vọng lớn sẽ kích hoạt sự lao động sáng tạo đó.

“Một khát vọng lớn đến không tưởng và một sự quyết tâm bền bỉ sẽ dẫn chúng ta đến những cách tiếp cận đột phá để biến việc khó thành việc dễ. Một sứ mệnh lớn lao sẽ giúp chúng ta tiếp cận được năng lượng của trời đất để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Sứ mệnh Make in Vietnam sẽ tạo ra năng lượng vô hạn cho chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích. Và khi nói riêng về các doanh nghiệp số, Bộ trưởng cho rằng sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, của Make in Vietnam sẽ là chuyển đổi số Việt Nam, là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài nhiều chục năm. Vì thế, Make in Vietnam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược cho từng giai đoạn.

“Muốn Make in Vietnam thì phải làm chủ công nghệ. Phát triển các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia bằng công nghệ mở chính là định hướng của Việt Nam, là mấu chốt để tạo ra niềm tin số Việt Nam. Công nghệ mở cũng là con đường để mọi công ty, dù kinh doanh ở lĩnh vực nào cũng có thể trở thành công ty công nghệ. Năm 2021 hứa hẹn sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ hơn nữa của các doanh nghiệp công nghệ số… Mỗi chúng ta, mỗi doanh nghiệp vì thế hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, một tình yêu lớn. Chỉ khi đó, những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đã được cộng lực với nhau để tạo nên một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.

Trọng Đạt

Thủ tướng: "Doanh nghiệp công nghệ số phải tiên phong đổi mới sáng tạo"

Thủ tướng: "Doanh nghiệp công nghệ số phải tiên phong đổi mới sáng tạo"

Tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT ....

https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-thanh-cong-tao-nen-tu-khat-vong-708450.html

..

1 nhận xét:

  1. 2.

    Tiết lộ về cô gái Hà Nội thu 330 tỷ từ viết ứng dụng trên Google, Apple
    12/09/2021 10:48 GMT+7

    Cô gái sinh năm 1992 tại Hà Nội thu nhập 330 tỷ đồng/năm nhờ viết phần mềm cho Google Play và App Store, nộp thuế 23,4 tỷ đồng.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.