Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

29/08/2020

Học giả Phan Ngọc qua đời ở tuổi 96 (1925-2020)

Mình đang du lãng ở mạn biển Đông Bắc.

Khoảng chập tối hôm ghé thăm nhà thơ Trần Nhuận Minh tại nhà riêng ở Hòn Gai, tối 27 tháng 8, thì nhận được tin báo nhanh: bác Phan Ngọc vừa qua đời. Muộn hơn chút, lúc đã rút về đến chỗ nghỉ sát biển, thì nhận được nhắn tin của một bạn báo tin về tang lễ (đại khái là buổi sáng của ngày 1 tháng 9 sắp tới).

Làm việc kín lịch ở vùng mỏ, nên không cập nhật được kịp thời thông tin trên Giao Blog.

Bây giờ, lấy một tin từ Tuổi Trẻ và cáo phó từ Fb của em Kiều Mai Sơn về đăng loạt đầu tiên. Các thứ khác thì đưa xuống bổ sung ở dưới đó.

Đọc nhanh về cụ Phan Ngọc trên Giao Blog ở đâyở đây.

Cụ Phan Ngọc (1925-2020) có họ hàng xa với cụ Phan Đăng Nhật (1931-2020). Hai người đã hợp tác với nhau trong một số công trình học thuật. Cụ Nhật đặc biệt quí mến cụ Ngọc, đôi khi viết nhanh gì đó trong ghi chép cá nhân thì gọi là "anh Ngọc" rồi "thầy Ngọc". Vào tháng 6 năm 2020, trước khi mất ít ngày, cụ Nhật có một lần hỏi thăm tình hình cụ Ngọc, thì tôi báo cáo nhanh: bác ấy hiện đã rất yếu, bị lãng trí rồi. Nhưng cụ Nhật cũng bị lãng tai khi đã vào tuổi 90, nên sau khi nói, tôi đã viết vào một mẩu giấy, như dạng bút đàm. Cụ Nhật đọc rồi than: anh ấy vốn là người cường kí mà, thật tiếc !

Tháng 8 năm 2020,
Giao Blog



Ảnh chụp năm 2019, tại nhà riêng của học giả Phan Ngọc
(người chụp là anh Sơn Định - con trai nhà văn Sơn Tùng - người đứng phía sau)
Nguyên chú của Từ Khôi (trong bài viết trên báo Đại đoàn kết ngày 28/8/2020): Học giả, Giáo sư Phan Ngọc (bìa trái) và AHLĐ nhà văn Sơn Tùng đi xe lăn tới viếng tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2013.




---

Học giả Phan Ngọc qua đời

27/08/2020 12:20 GMT+7

TTO - Học giả, nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc qua đời tối 26-8 tại Hà Nội, hưởng thọ 96 tuổi.

Học giả Phan Ngọc qua đời - Ảnh 1.
Học giả Phan Ngọc - Ảnh: PHẠM LONG
Ông là dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà ngôn ngữ học được đào tạo thời Pháp thuộc. Ông nguyên là chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và nhân văn).
Quê gốc ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nhưng Phan Ngọc sinh ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa năm 1925, nơi cha ông đang làm Tri phủ. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, vào bộ đội, thuộc Đại đoàn 304.
30 tuổi, Phan Ngọc rời khỏi Ban Liên hiệp đình chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, từ Sài Gòn ra Hà Nội (1954).
Nhờ giới thiệu của giáo sư Trần Đức Thảo, ông về công tác tại Trường đại học Sư phạm Văn khoa (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội) và Đại học Tổng hợp Hà Nội mới thành lập.
Ngôi trường lúc đó tập hợp được những nhà khoa học sáng danh một thời như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Trần Đức Thảo…
Ban đầu Phan Ngọc được cử làm trợ giảng cho hiệu trưởng Đặng Thai Mai, sau đó ông Ngọc đã đứng lớp giảng 6 bộ môn thay các vị giáo sư bậc thầy.
Từ năm 1980, ông về công tác tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), được Nhà nước phong học hàm phó giáo sư (1992), rồi nghỉ hưu cuối năm 1999.
Phan Ngọc là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về ngôn ngữ học, văn hóa học và văn học như: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới, Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Văn hóa Việt Nam tiếp xúc với Pháp, Thức nhận về Văn hóa Việt Nam, Giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Thi Thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ…
Công trình nghiên cứu Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều  Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới của ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên (năm 2001).
Với dịch thuật, ông có các tác phẩm Chiến tranh và hòa bình, chung nhóm dịch của Cao Xuân Hạo, Sử ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử. Ngoài ra ông biên soạn bộ Thần thoại Hy Lạp, Từ điển Anh - Việt (1994). 
Kiều Mai Sơn






---



BỔ SUNG





5.


Sáng qua, chúng tôi đến tiễn biệt Giáo sư Phan Ngọc rời cõi tạm . Một đám tang thật đông những người rất mực kính trọng nhân cách và nể phục tài năng ở ông.
Nhiều người như chúng tôi nghe tiếng Thày từ khi còn ngồi học ở Giảng đường Văn khoa Khu Mễ Trì hồi nửa đầu thập kỷ 70 với biết bao tác phẩm dịch thuật về khoa học và văn chương rất nổi tiếng của Thày. Thế nhưng nhiều khi Thày lại phải dấu tên thật. Và thật tiếc là chúng tôi chỉ “kính nhi viễn tri”vì không được học Thày Phan Ngọc một giờ nào. Âu cũng chỉ vì Thày là con người làm khoa học trung thực, không biết dối lòng nên không được xã hội thời đó trọng dụng.
Anh em chúng tôi ngồi cafe chờ đến giờ truy điệu Thày mà chỉ có một đề tài đàm đạo , đó là luôn nhắc đến giáo sư. Các bạn tôi thì coi ông như một trong 4 “kỳ nhân” của Khoa Ngữ Văn học , ĐHTH Hà Nội một thời cho dù Thày chỉ được dạy đúng một thời gian cực ngắn . Anh bạn tôi thì bảo phải gọi ông là một trong ”Tứ kiệt “của Khoa Ngữ Văn học ( dù là chung hay riêng cho đến tận bây giờ) đó là các thày Nguyễn Tài Cẩn, Trần Đình Hượu, Cao Xuân Hạo , Phan Ngọc.
(Ý cũng là để “đăng đối “ với bên ngành Lịch sử,từng có “Tứ trụ”,đó là các thày Đinh Xuân Lâm -Phan Huy Lê -Hà Văn Tấn- Trần Quốc Vượng ).
Tôi không tường về học thuật cho nên chỉ ngồi hóng chuyện các thày. Ngẫm mà thấy ngậm ngùi trong nỗi tiếc nuối một thế hệ những con người tài năng đặc biệt của đất nước trong lĩnh vực khoa học xã hội nhưng lại chưa được nhà nước trọng dụng xứng tầm. Ngày ấy, nhiều khi chỉ hơi trái ý chút xíu là bị quy chụp quan điểm vô cùng nặng nề đến độ không thể ngóc đầu lên nổi .
TƯỞNG NIỆM GIÁO SƯ PHAN NGỌC
( Lời tiễn Thày Phan Ngọc về cõi Vĩnh hằng do GS Nguyễn Kim Đính , ĐHQG Hà Nội dọc lời Điếu )
Hôm nay, chúng ta – những người ruột thịt, thân thiết, gần gũi Giáo sư Phan Ngọc cùng họp mặt ở đây, với tấm lòng quý trọng sâu sắc, làm lễ vĩnh biệt Giáo sư, đưa tiễn Giáo sư về cõi vĩnh hằng.
Đại thọ ngót 95 niên kỉ, sau hơn bảy thập kỉ miệt mài tận trí, tận lực tâm huyết khổ học, khổ công nghiên cứu, biên khảo, biên soạn các công trình khoa học,
Giáo sư từ trần lúc 20 giờ 50 phút đêm 26 tháng 8 năm 2020
để lại cho chúng ta, cho những thế hệ mai sau cả một đại thủ bút, đại trước tác gồm hàng ngàn trang sách, hàng trăm bài báo khoa học với tầm bao quát văn hóa sâu rộng.
Thấm sâu trong toàn bộ đại trước tác của Giáo sư ba luận lý chỉ đạo cơ bản:
- Thức nhận luận (prise de conscience) như Giáo sư nói: “Những chuyện đối với người khác là tự nhiên không cần phải thắc mắc thì đối với tôi phải cần giải thích tại sao”.
- Khu biệt luận: “Tiếp cận bất cứ cái gì cũng phải trăn trở tìm tòi cho được nét khu biệt”.
- Tháo tác luận: “Nghiên cứu cái gì cũng phải tìm cho ra những thao tác cơ bản để làm việc”, có thể quy thành như Giáo sư thường nói “Mẹo”
Do đó, dù ở lĩnh vực nghiên cứu nào: ngôn ngữ học, văn học nghệ thuật, văn hóa học Giáo sư cũng có những phát hiện mới, những nghiên cứu sâu sắc, những đóng góp giá trị cho sự phát triển khoa học từng lĩnh vực trên.
Giáo sư Phan Ngọc còn nổi tiếng là một nhà dịch thuật lỗi lạc với những tác phẩm đồ sộ như Sử ký Tư mã Thiên, Chiến tranh và Hòa bình, Tuyển tập kịch Shakespeare, Đỗ Phủ - nhà thơ dân đen, v.v.
Không phải ngẫu nhiên, Giáo sư Phan Ngọc đạt được những thành tựu xuất sắc đó. Giáo sư Phan Ngọc với bút danh Nhữ Thành rất thân quen với đông đảo độc giả trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Ra đời ngày 15/03/1925 tại Yên Thành, Nghệ An trong một gia đình Nho giáo truyền thống. Thân phụ Giáo sư là cụ Phó bảng Phan Võ, một bậc danh nho kiêm danh y nổi tiếng đất Nghệ Tĩnh.
Do thân phụ làm quan trong triều đình Huế, tuổi học trò của chàng trai Phan Ngọc trải qua trên đất Cố đô, được học Trung học tại trường Công giáo Thiên Hựu nổi tiếng kỷ luật nghiêm khắc và chương trình học rất nặng. Chính ở đây, chàng trai cần cù rất hiếu học có dịp trau dồi sâu kĩ tiếng Pháp, tiếng Anh, cả tiếng Latin. Chính nó là cơ sở học vấn quan trọng đầu tiên để tiếp tục phát triển sau này.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chàng trai Phan Ngọc với trình độ tú tài, sớm đi vào ngành giáo dục. Năm 1952, mới 26 tuổi, đã được bổ nhiệm làm trưởng phòng Phiên dịch của Bộ Giáo dục. Cũng do thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh nên hai năm liền 1954-1955, được điều làm sĩ quan Ban Liên hiệp đình chiến.
Năm 1956, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, hàng loạt trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học ra đời, do lời giới thiệu và thỉnh cầu của Giáo sư Trần Đức Thảo, từng thân thiết từ những ngày cùng ở Bộ Giáo dục, và lời đề nghị của Giáo sư Đặng Thai Mai, chàng trai Phan Ngọc dù chỉ ở trình độ tú tài (nói như Giáo sư Đinh Gia Khánh thường khai vui trong lý lịch khoa học – “tương đương lớp 10 phổ thông”) được điều về làm phụ giảng ở trường Đại học Sư phạm Văn khoa tiền thân của khoa Xã hội và Nhân văn hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Chúng tôi, những sinh viên khóa 1 khoa Ngữ Văn – trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1959), nhớ mãi hình ảnh Thầy Phan Ngọc lúc bấy giờ. Đứng bên cạnh những bậc lão thành Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị, v.v., Phan Ngọc nổi bật là một thanh niên tuổi 30, nói năng sôi nổi hùng biện, nổi tiếng là “bác văn cường chí – hiểu biết sâu rộng, trí nhớ tuyệt vời”.
Có lẽ không nhiều người biết lúc đó giảng viên Phan Ngọc chỉ là trợ lý của Giáo sư Đặng Thai Mai, chuyên phụ giảng Văn học Trung Quốc.
Nhưng rồi do cái duyên, cái nghiệp chăng, Phan Ngọc phải chuyển qua hai lĩnh vực rất mới mẻ lúc bấy giờ: ngôn ngữ học và lý luận văn học. Do tự nghiên cứu ngôn ngữ học từ những năm còn ở Việt Bắc, Phan Ngọc được giao xây dựng tổ Ngôn ngữ học và đương nhiên Phan Ngọc là tổ trưởng đầu tiên. Do yêu cầu Khoa ngữ văn cấp đại học phải giảng dạy một bộ môn cở bản là lý luận văn học, là người rất hiếm hiểu biết tiếng Nga lúc bấy giờ, giảng viên Phan Ngọc được giao nhiệm vụ vừa đọc, vừa dịch và truyền giảng lại cho sinh viên và thế là Phan Ngọc phải ngày đêm đọc, dịch cuốn Nhập môn lý luận văn học của đại học Liên xô lúc bấy giờ, và giảng dạy cho lớp chúng tôi.
Thực ra Thầy Phan Ngọc trực tiếp giảng dạy ở Đại học Tổng hợp không lâu, vẻn vẹn được hơn một niên khóa nhưng để lại ấn tượng rất sâu sắc và rất đáng ghi nhận, đó là người “khai sơn phá thạch” góp phần xây dựng cơ sở đầu tiên của khoa Ngữ Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Kính thưa quý vị,
Cách đây 10 năm, mừng Thầy Phan Ngọc tròn tuổi 85, tôi có mừng tặng Thầy đôi câu đối viết bằng chữ Hán. Hôm nay, trước anh linh Thầy, xin phép được đọc lại:
VIỆT TRỞ KHẮC NAN, KINH CỨC LỊCH TRÌNH, MA CHÂN NGỌC
(Tạm dịch là: VƯỢT TRỞ NGẠI, KHẮC PHỤC GIAN NAN, CON ĐƯỜNG GAI GÓC MÀI NGỌC QUÝ)
NGHIÊN TINH ĐÀN TỨ, KIÊN CƯỜNG BÚT LỰC, DIỆU NHÂN VĂN
(Tạm dịch là: NGHIÊN CỨU KĨ CÀNG, TRĂN TRỞ NGHĨ SUY, BÚT LỰC KIÊN CƯỜNG LÀM NGỜI SÁNG CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN – Chủ nghĩa Nhân văn trong đạo lý làm Người, Chủ nghĩa Nhân văn trong quan hệ giữa người với người)
Kính vĩnh biệt Thầy. Cầu chúc Thầy thanh thản yên nghỉ trong VĨNH HẰNG.
4.


10 giờ
 

TrườngĐai học KHXH& NV thuộc Dại hoc Quốc gia Hà Nội hôm nay đã long trọng tổ chức lễ tang cho nhà nghiên cứu Phan Ngọc, nguyên giảng viên thế hệ đầu tiên của khoa Ngữ Văn, truòng đại học Tổng hợp Hà Nội, một trong những người được coi là “ một nửa bộ Bách khoa toàn thư biết đi” của giới khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam!
Xin trân trọng thông báo với đông đảo độc giả và những người yêu mến và hâm mộ cụ!





https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1089748521440578&id=100012163200431


3.




Học giả - Giáo sư Phan Ngọc: Một tấm gương, một nhân cách

TỪ KHÔI

Học giả - Giáo sư Phan Ngọc bút danh Nhữ Thành, sinh ngày 10/10/1925, trong một gia đình có truyền thống Nho học tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Với hàng chục công trình nghiên cứu giá trị, vài chục bản dịch các công trình nghiên cứu, Triết học, Sử học, Văn học phương Tây, phương Đông, sử dụng được khoảng 12 ngoại ngữ, ông thực sự là một học giả uyên bác. Sau một thời gian tai biến, ốm nặng, ông đã từ trần lúc 20h ngày 26/8/2020, thọ 96 tuổi.





Học giả, giáo sư Phan Ngọc (bìa trái) và AHLĐ nhà văn Sơn Tùng đi xe lăn tới viếng tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2013.
Học giả, Giáo sư Phan Ngọc (bìa trái) và AHLĐ nhà văn Sơn Tùng đi xe lăn tới viếng tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2013.

Học giả, Giáo sư Phan Ngọc là con trai của Thượng thư, dịch giả Phan Võ. Ông sinh ra trong thời kỳ thuộc Pháp. Dù được đào tạo thời Pháp, nhưng quá trình trở thành học giả, giáo sư của ông là quá trình gian nan tự học. Ít ai nghĩ bằng cấp cao nhất của ông chỉ là Tú tài. Ông cũng từng học qua nghề y nhưng khi đất nước có chiến tranh, ông là người lính của Sư đoàn 304.
Năm 1954, hòa bình lập lại, ông về làm việc tại Bộ Văn hóa. Khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông về giảng dạy tại trường. Ông là Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học đầu tiên (1956-1957) của khoa Ngữ văn, đồng thời giảng dạy một số bộ môn khác của trường.
Đang giảng dạy thì ông bị quy là có dính tới “nhân văn, giai phẩm”. Thế là ông phải chuyển sang làm “tư liệu viên” chuyên làm tư liệu cho khoa Văn. Vậy mà ông không hề chán chường, lại biến khó khăn, lực cản đó thành thế mạnh. Ông có thời gian để tự học. Học ngoại ngữ. Đọc các triết gia, sử gia, nhà văn hóa… trên thế giới.
Nhiều người biết tới Giáo sư Phan Ngọc ở vốn ngoại ngữ đáng kinh ngạc. Có người còn ví ở Việt Nam, sau Trương Vĩnh Ký (một ký giả, dịch giả lớn đầu thế kỷ 20) thì GS Phan Ngọc là người thứ hai có một vốn ngoại ngữ phong phú. Những ngôn ngữ mà học giả Phan Ngọc thông thạo là La tinh, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italia, Nga. Những ngôn ngữ khác sử dụng trôi chảy là tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Thái Lan và tiếng Campuchia… Thậm chí, ông còn soạn từ điển Anh – Việt và Việt – Anh với hơn 100.000 từ.
Nhiều năm trước, GS Phan Ngọc từng kể với tôi và bạn hữu của ông trong Chiếu văn của nhà văn Sơn Tùng: Để lao động kiếm sống, ông từng phải đánh máy thuê. Từng phải dịch cho nhiều nhà xuất bản. Không tiện xuất hiện với bút danh Phan Ngọc, ông ký bút danh Nhữ Thành. Đó là bút danh mà người cha – người thầy dạy của ông – cụ Phan Võ đặt cho.
Người bạn cùng học với tôi là Đinh Thanh Hiếu, rất uyên thâm Hán học và điển tích, cho biết: Nhữ Thành là điển tích được rút ra từ một câu trong bài “Tây minh” của đại nho Trương Tái đời Tống: “Phú quý phúc trạch, thiên hậu ngô chi sinh dã; Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã”. Nghĩa là: Giàu sang phúc ấm là trời hậu với cuộc sống của ta; Nghèo hèn lo buồn là để rèn dũa ta nên ngọc”. Điển tích này cũng được Hồ Chủ tịch mượn viết trong bài “Văn thung mễ thanh” (bài giã gạo) nổi tiếng: “Gạo lúc đang giã, rất đau đớn; Lúc giã xong rồi, trắng tựa bông; Người sống trên đời cũng như vậy; Gian nan là dịp rèn giũa mình thành ngọc”.
Chính vì tự mình rèn dũa, Học giả Phan Ngọc đã dịch Thần thoại Hy Lạp từ nguyên bản tiếng Hy Lạp; Spartacus từ nguyên bản tiếng Ý; Chiến tranh và hoà bình của Lev Tolstoy từ nguyên bản tiếng Nga; Shakespeare từ nguyên bản tiếng Anh... Với tôi, thích đọc các nhân vật lịch sử thì say sưa đọc Sử ký Tư Mã Thiên mà giáo sư chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Hán.



Công trình được giải thưởng Nhà nước năm 2001 của Giáo sư Phan Ngọc.Công trình được giải thưởng Nhà nước năm 2001 của Giáo sư Phan Ngọc.

Dù không được học ông trên bục giảng ngày nào, nhưng với tôi, ông là người thầy lớn. Nhiều công trình của ông không chỉ đem lại khối lượng tri thức lớn cho tôi mà còn tạo cho tôi những tư duy tự học trước một vấn đề. Đọc các công trình của ông ta thấy ngôn ngữ rất giản dị dù ông bàn đến những vấn đề rất to tát. Những phát hiện mang tính học thuật của ông trong các công trình nhưng lại cho thấy sự từng trải trong cuộc sống.
Sau khi đất nước mở cửa, Giáo sư Phan Ngọc được một số nước thỉnh giảng. Ông từng kể với tôi là sang đó ông phải giảng bằng tiếng Anh. Có những công trình ông viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh để giảng, sau chính ông dịch lại sang tiếng Việt để xuất bản trong công trình “Bản sắc văn hóa Việt Nam”.
Công trình nghiên cứu của Học giả, Giáo sư Phan Ngọc trải dài trên nhiều lĩnh vực như Triết học, Dân tộc học, Mỹ học, Sử học, Ngôn ngữ học, Hán học, Văn học…
Trong các công trình của Học giả, Giáo sư Phan Ngọc, những công trình được nhiều người nhắc tới là: “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985, Giải thưởng Nhà nước 2001), Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994), “Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á” (1983), “Bản sắc văn hóa Việt Nam” (in lần đầu năm 1998, sau đó tái bản rất nhiều lần), “Thử xét văn hóa học -Văn học bằng ngôn ngữ học” (2000)…
Khác với nhiều nhà nghiên cứu có tuổi, Giáo sư Phan Ngọc còn tự học tin học để sử dụng thành thạo máy vi tính, giúp ông tự soạn và lưu trữ các công trình của mình.
Năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, dù trước đó bị tai biến nặng, Học giả, Giáo sư Phan Ngọc và AHLĐ, nhà văn Sơn Tùng vẫn nhờ người thân đưa đến dự lễ tang tại nhà riêng.
Tinh thần tự học và nhân cách của Học giả, Giáo sư Phan Ngọc thực sự là một tấm gương lớn để những trí thức các thế hệ sau noi theo.
http://daidoanket.vn/hoc-gia--giao-su-phan-ngoc-mot-tam-guong-mot-nhan-cach-505827.html?fbclid=IwAR3wJQ-B1rEgLBQcahUJmuOl4G-TAPoH-omdNDqNlOj-pLsRv4JQJV5ylxY



2. Sáng ngày 1/9/2020

"


Trong một lần trò chuyện, ông nói: “Đời tôi sẽ chết nhưng sách của tôi sẽ còn”.

Sau 96 năm savant Phan Ngọc ở trên cõi tạm, hôm nay (1.9.2020) thân xác ông trở vào đất mẹ, còn tinh anh bay về trời.
"
https://www.facebook.com/son.kieumai/posts/1513716388814683



1.


14 giờ
 


Tôi cứ nghĩ nơi vĩnh biệt thầy Phan Ngọc phải là nhà tang lễ quốc gia số 5. Trần Thánh Tông, đọc cáo phó mới biết lại là Nhà Tang lễ nhân dân phố Phùng Hưng. Vậy là Thầy Phan Ngọc lại ghé vào nơi năm xưa thầy Trần Đức Thảo (lọ tro từ Pháp) đã nằm chờ 2 tuần ở một gầm cầu thang đâu đó. Những người yêu nước và yêu khoa học của thời Nhân Văn – Giai phẩm bao năm rồi, không hẹn mà vẫn gặp nhau trong những không gian tâm linh huyền bí thế. Có điều, năm xưa, “Trên” thấy thầy Phan Ngọc không “nguy hiểm” bằng thầy Trần Đức Thảo nên không bị đẩy ra khỏi ngành giáo dục, cho đi cải tạo, mà vẫn ở lại Trường. Ở lại nhưng không được dạy, chỉ được dịch, phục vụ tài liệu cho người khác sử dụng.
Đầu năm 1980, mấy giáo viên trẻ chúng tôi vẫn hay nghe thầy Phan Ngọc nói chuyện. Không có chỗ làm việc, nhưng chấp hành quy chế lao động của Khoa, hằng tuần, vào 2 buổi thứ 2 và thứ 4, thầy Ngọc (cùng thầy Cao Xuân Hạo) cũng có mặt để “làm việc”. Nói là vào “làm việc” nhưng lại chẳng có chỗ nào ngồi “làm”. Biết thầy không có chỗ ngồi nên học theo mấy ông giáo viên khóa trước ( như Bùi Việt Thắng, Phạm Quang Long, Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hinh, Hữu Đạt) đám giáo viên độc thân chúng tôi cùng những Lê Đông, Cao Vũ Trân, Trần Chí Dõi ở nhà C5 thường đón thầy vào phòng. Chúng tôi ở rất chật, chỉ được cấp giường ngủ, không cấp bàn ghế . Thầy trò ngồi chung, co gối trên giường cá nhân. Ban đầu tôi mua bao Cửu Long – loại thuộc rẻ áp chót, mời thầy. Thầy không chê thuốc rẻ, cứ rút hút liên tục, vừa rít thuốc, cười khà khà, nói chuyện. Tôi biết rõ là trong túi thầy có thuốc ngon hơn, nhưng thầy không rút ra cho chúng tôi điếu nào, mà cũng không hút riêng thuốc của mình bao giờ, chỉ hút thuốc chúng tôi mời. Tôi, vốn lính hút thuốc lào chuyển ngạch, tôi hiểu, đây không phải là thầy muốn “ba cùng” mà là thói quen tận dụng của dân nghiện nặng mà thôi.
Khi ấy, tôi chẳng có định hướng chuyên môn gì rõ ràng nên tôi hỏi linh tinh đủ chuyện thì thầy cũng kể chuyện linh tinh. Chuyện gì thầy cũng nói. Thầy nói gì cũng vui. Tôi nể nhất là thầy bảo rằng: “nhà tôi” bắt mỗi tháng tôi phải kiếm tiền đủ mua 13 kg thịt lợn, dịch, dạy, hay đi phu xe, bả không cần biết, cứ phải đủ 13 cân. “Tôi dịch đủ 13 cân là tôi chơi thôi. Thừa sức...”. Nghe thầy nói , chúng tôi bái phục. Tem phiếu hạng E2 của chúng tôi bấy giờ chỉ được Nhà nước cho mua mỗi tháng 5 lạng. Vậy mà thầy làm ra 13 cân !
Một lần đang từ tiếp thầy bằng một bao Cửu Long chưa bóc tem, thầy thấy chúng tôi chỉ mua lẻ, nửa bao. Thầy trò hút chưa trưa đã hết. Từ buổi đó thầy không vào phòng chúng tôi nữa.
Giáo sư Nguyễn Kim Đính kể cho chúng tôi biết rằng, năm 1956, sau khi thành lập Đại học Tổng hợp, thầy là giảng viên chính trẻ nhất (31 tuổi), dạy được nhiều môn nhất. Giáo sư Đặng Thái Mai sau khi kiểm tra năng lực ngoại ngữ đã giao nhiệm vụ luôn cho thầy: dạy Văn học Trung Quốc, rồi sang dạy Lý luận văn học, Ngôn ngữ học. Thầy dịch đến đâu dạy đến đó, đọc qua giáo trình và tài liệu tiếng nước ngoài rồi dạy bằng tiếng Việt Nam. Có hôm thầy cầm cuốn Cơ sở lý thuyết văn học của Timophêep (bản tiếng Nga) vào lớp, nhìn qua mấy phút rồi giảng luôn. Lương của thầy khi đó bằng lương giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Sau kỷ luật từ Nhân văn – Giai phẩm, hai chục năm liền thầy không được lên lương.
Sau giải phóng miền Nam, vào đầu những năm 80, chế độ quản lý tư tưởng của “trên” có phần nới lỏng. Chúng tôi nghe tin thầy Phan Ngọc sẽ có một buổi giảng bài sau 20 năm cấm giảng. Mãi sau này chúng tôi mới biết, để có buổi giảng cho thầy, ban Chủ nhiệm Khoa và Lãnh đạo trường Tổng hợp đã phải vắt óc tìm ra lối đi an toàn cho cả hai. Lãnh đạo cấp nào, từ Bộ môn đến Khoa, đến Trường đều phải thì thầm, nháy mắt, tự hiểu... để cho thầy Ngọc dạy mà mình không bị phê bình, liên lụy. Nếu không nhầm thì buổi ấy thầy giảng hộ thầy Bùi Duy Tân, vì thầy Tân đột ngột bị “ốm”, phải có người dạy thay, không thể để sinh viên mất học.
Tôi trà trộn trong đám sinh viên vào ngồi nghe giảng. Buổi học diễn ra tại tiền sảnh Hội trường KTX Mễ Trì. Tôi không chú ý nghe, chủ yếu là tôi xem thầy. Xem con chim đại bàng vỗ cánh ra sao sau 20 năm trong lồng. Tôi muốn xem một danh ca sẽ ca hát ra sao sau 20 năm bị người ta bịt miệng. Ấy là tôi cứ tưởng tượng thế, thi vị hóa thế thôi. Thực tế, trên lớp hôm đó thầy Ngọc vẫn giữ đúng phong cách ông thầy trên lớp. Chỉ khác chút là thầy nói rất say và đi lại rất dữ. Khóe mép thầy sau vài phút là đọng chấm nước bọt, thầy chẳng nhớ liếm mép xóa đi. Thầy không nhận ra tôi – cái thằng hay mua thuốc Cửu Long giữ thầy, hóng chuyện. Thầy cũng không biết trong giảng đường còn có cả sinh viên khoa Sử, khoa Triết cũng chen vào, kề vai nhau xem thầy giảng. Bài giảng về thơ văn Nguyễn Trãi nhưng thầy mở vấn đề rộng ra thành bi kịch của người trí thức – Nho gia yêu nước thế kỷ XV. Thầy giảng một mạch hai tiếng liền không nhớ giải lao. Thầy không nhớ, sinh viên cũng không ai nhắc. Lối đi giữa giảng đường quá hẹp, không có không gian cho thầy vung tay, xuay người để giải thoát nỗi bức bối và cảm xúc của một tù nhân vượt ngục. Thầy giảng say sưa quá, kéo dài không có giải lao, sau hai giờ lác đác đã có sinh viên chen ra ngoài. Tôi ngồi lo thầy nhìn thấy sẽ mất hứng. Nhưng không. Thầy không nhìn thấy sinh viên bỏ về, vì thầy hướng tầm mắt lên cao, nhìn các góc trần nhà. Thầy không nhìn người nghe, mà đang đăm đăm nhìn vào... lịch sử.
Rất tiếc là sau buổi học ấy, tôi không còn dịp nào được tiếp thầy hay nghe thầy giảng nữa. Thầy xin chuyển sang Viện Đông Nam Á làm nghiên cứu viên. Trường ĐH Tổng hợp khi đó đồng ý ngay để thầy rời Trường, có lẽ cũng để tránh những vụ việc khó xử, phiền toái giữa thời “tiền Đổi mới”. Vậy là cả đời, tôi chỉ học thầy một buổi trên lớp. Nhưng ngẫm ra, tôi đã học hàng chục buổi các bài giảng linh tinh mà chỉ đóng học phí bằng mấy điếu thuốc lẻ. Có biết bao điều lâu nay tôi thưa thớt nhưng không biết “nguồn trích dẫn” có thể lại từ các buổi nghe lỏm của thầy. Nhiều tài liệu in roneo trong Phòng tư liệu khoa Ngữ Văn xưa tôi đọc không hề ký tên người dịch, tôi đọc và đoán chỉ là Thầy quên hoặc không được phép ký tên xác định bản quyền và trách nhiệm khoa học. Vì điều này cũng đã từng diễn ra ở Nhà xuất bản Sự thật đối với các bản dịch của giáo sư Trần Đức Thảo.
Tiếp xúc với Giáo sư Ivo Vasiljev của Cộng hòa Séc, nhà Việt Nam học từng dịch Nhật ký trong tù, am hiểu và sử dụng hàng chục thứ tiếng, tôi mới biết có từ “polyglot” dùng để chỉ những người biết nhiều ngôn ngữ. Trong danh sách những nhà polyglot nổi tiếng thế giới phần lớn là các nhà ngôn ngữ học, như nhà ngôn ngữ học - nhà văn Mỹ gốc Italia Mario Pei (1901–1978) dùng được 38 ngôn ngữ, biết thêm khoảng 100 thứ tiếng nữa; nhà Hán học Đức Emil Krebs (1867–1930) nói được 68 thứ tiếng và viết được 120 ngôn ngữ cả thảy.
lẽ ra phải có tên thầy Phan Ngọc – Nhữ Thành. Bởi vì “biết” và “sử dụng – tạo ra sản phẩm cụ thể” là hai chuyện khác nhau. Chỉ cần điểm qua những cuốn thầy Ngọc dịch, ta thấy rõ điều này. Thầy từng dịch bộ Triết học Hegel từ tiếng Đức sang tiếng Việt để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam; dịch Thần thoại Hy Lạp từ nguyên bản tiếng Hy Lạp; Spartacus từ nguyên bản tiếng Ý; Chiến tranh và hoà bình từ nguyên bản tiếng Nga; Sử ký Tư Mã Thiên, thơ Đỗ Phủ... từ nguyên bản tiếng Hán; Shakespeare từ nguyên bản tiếng Anh... Xem thế, ta có thể giả định rằng: nếu có điều kiện thuận lợi và nếu cần, thầy Phan Ngọc của Việt Nam dễ dàng ghi tên mình trong danh sách những nhà polyglot.
Ra đi ở tuổi 95, Thầy Phan Ngọc không làm những thế hệ học trò của thầy quá đau đớn vì cảm giác mất mát. Nhất là khi đọc lại những câu thầy trả lời nhà văn Phạm Thị Hoài trên Talawat năm 2002, xuay quanh chuyện dịch nghĩa từ “entfremdung” (tha hóa) trong cuốn Mỹ học của Hegel, ta lại có cảm giác yên lòng về tâm thế ra đi mà thầy đã chuẩn bị chu đáo từ gần hai mươi năm trước. Thầy đã viết gì ?
“Tôi không hề giận chị Hoài về cách nói. Ðời tôi đã phải chấp nhận những lời phê bình như thế suốt hơn 20 năm, cho nên tôi đã quen. Tôi sống nhỏ bé, không nói năng ồn ào, cố gắng làm một vài việc nhỏ dù vất vả, bản dịch "Mỹ học" của Hegel chính là một trong vài việc nhỏ đó. Trong đời mình, ít nhất từ năm 1960, tôi không cầu xin một ân huệ nào, cũng không nói xấu ai để mưu lợi cho mình, chỉ hy vọng cuộc đời sẽ làm chứng cho tôi về cố gắng nhỏ bé ấy. Còn ngoài ra, rồi tất cả sẽ trở về với cõi hư vô...”
..




2 nhận xét:

  1. 5.


    Quoc Phong
    2 tháng 9 lúc 10:15 ·



    TIỄN THÀY PHAN NGỌC , MỘT HỌC GIẢ CHÂN CHÍNH !



    Sáng qua, chúng tôi đến tiễn biệt Giáo sư Phan Ngọc rời cõi tạm . Một đám tang thật đông những người rất mực kính trọng nhân cách và nể phục tài năng ở ông.

    Nhiều người như chúng tôi nghe tiếng Thày từ khi còn ngồi học ở Giảng đường Văn khoa Khu Mễ Trì hồi nửa đầu thập kỷ 70 với biết bao tác phẩm dịch thuật về khoa học và văn chương rất nổi tiếng của Thày. Thế nhưng nhiều khi Thày lại phải dấu tên thật. Và thật tiếc là chúng tôi chỉ “kính nhi viễn tri”vì không được học Thày Phan Ngọc một giờ nào. Âu cũng chỉ vì Thày là con người làm khoa học trung thực, không biết dối lòng nên không được xã hội thời đó trọng dụng.

    Anh em chúng tôi ngồi cafe chờ đến giờ truy điệu Thày mà chỉ có một đề tài đàm đạo , đó là luôn nhắc đến giáo sư. Các bạn tôi thì coi ông như một trong 4 “kỳ nhân” của Khoa Ngữ Văn học , ĐHTH Hà Nội một thời cho dù Thày chỉ được dạy đúng một thời gian cực ngắn . Anh bạn tôi thì bảo phải gọi ông là một trong ”Tứ kiệt “của Khoa Ngữ Văn học ( dù là chung hay riêng cho đến tận bây giờ) đó là các thày Nguyễn Tài Cẩn, Trần Đình Hượu, Cao Xuân Hạo , Phan Ngọc.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.