Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

13/07/2020

Nhớ lại 10 năm và hơn 50 năm : khai quật và hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông (1958, 2010)

Vua Lê Dụ Tông (1679-1731) ở vương quốc Đàng Ngoài dù không liên quan trực tiếp tới các vua Mạc ở Đàng Trên (vương triều Mạc thời kì Cao Bằng 1593-1685, đọc ở đây), nhưng là một vị vua thú vị, nên trong quan hệ giữa Đàng Ngoài với Đàng Trên, ở chỗ này chỗ kia, tôi đã đề cập.

Ông vua Lê Dụ Tông có hai niên hiệu quan trọng: Vĩnh Thịnh và Bảo Thái. Thời Bảo Thái thì gắn với danh nhân Nguyễn Tông Quai (1693-1767, thầy của Lê Quý Đôn) - là một chủ đề nghiên cứu lâu năm của tôi (ví dụ đọc ở đây và ở đây).

Bây giờ là nhớ lại chuyện của 10 năm trước. Đó là đầu năm 2010, chính phủ Việt Nam đã tổ chức lễ hoàn táng thi hài của vua Lê Dụ Tông trở lại xứ Thanh, sau gần 50 năm khai quật (người ta tìm thấy mộ của ông vào năm 1958; đến năm 1964 thì đưa về Hà Nội, mở ra trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Đáng chú ý là, lễ hoàn táng năm 2010 có Trưởng Ban Tổ chức Lễ hoàn táng (coi như ngang với Trưởng Ban tang lễ) là ông Trần Chiến Thắng - lúc đó là quan chức ngành văn hóa nước nhà. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có tham dự (xem lại một ít tin cụ Phiêu trong liên quan tới giới các nhà ngoại cảm, ở đây).

Quan tài của nhà vua làm bằng gỗ Ngọc Am (tức gỗ pơmu). Chắc là ngang ngang với gỗ Nam (nanmu) mà các vua Mạc Kính Diệu và Mạc Nguyên Thanh đã cung tiến để Thượng Khả Hỉ xây cất chùa Đại Phật ở Quảng Châu, ngày nay loạt cột gỗ Nam ấy vẫn còn ở Quảng Châu (xem lại ở đây và ở đây)

Về việc hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông, đi lại một số bài đầu tiên từ báo Thanh Niên và báo khác.

Sau đó là một giải thích nhanh của bác Vũ Tùng trên Fb.

Những thứ khác thì đưa phần bổ sung như mọi khi.



Tháng 7 năm 2020,
Giao Blog









---

LỄ HOÀN TÁNG 


Hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông
22:36 - 17/09/2009
Sau 45 năm được khai quật và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ngày 10.10 âm lịch (ngày song thập) tới đây, thi hài vua Lê Dụ Tông sẽ được đưa về hoàn táng trên mảnh đất cố hương.
Hành trình của thi hài vua Lê Dụ Tông
Vua Lê Dụ Tông (1679-1731), húy là Lê Duy Đường, miếu hiệu là Dụ Tông Hòa Hoàng đế, là vị vua thứ 22 của triều Lê. Ông là con trưởng của Hi Tông Hoàng đế và được vua cha truyền ngôi từ năm Ất Dậu - 1705. Trong 24 năm trị vì, Lê Dụ Tông đã hai lần đổi niên hiệu là Vĩnh Thịnh (1705-1719) và Bảo Thái (1720-1729). Năm 1729, ông nhường ngôi cho con là Lê Duy Phường (Hôn Đức Công) và được tôn là Thái Thượng hoàng. Năm 1731, sau 2 năm rời ngôi, vua đã băng hà ở tuổi 52.
Theo sách Lịch triều tạp kỹ ghi nhận về việc trị nước của vua Lê Dụ Tông thì: “Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao, trong nước vô sự, triều đình làm được nhiều việc. Pháp độ được rất đủ đầy, kỷ cương thi hành được hết... Có thể gọi là thời cực thịnh. Nhà vua rũ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu vào đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị ở thời bấy giờ người ta tất phải kể đến đời vua này”...
Theo Ngọc phả của họ Lê thì sau khi băng hà, vua Lê Dụ Tông được táng tại Bố Vệ, Đông Sơn (TP Thanh Hóa ngày nay). Còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì vua Lê Dụ Tông được táng ở lăng Cổ Đô, Đông Sơn, Thanh Hóa, sau dời đi táng ở lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (đất Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân và Thường Xuân, Thanh Hóa).
Nhưng tháng 2.1958, một nông dân ở thôn Bái Trạch (Trang Bàn Thạch xưa), trong lúc đào vườn đã phát hiện một chiếc quách. Phá vỡ ra một mảng thì thấy bên trong có quan tài sơn son, thếp vàng. Sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng từ trung ương đã về xử lý bằng cách dùng xi măng vá kín chỗ bị vỡ, sau đó giao cho chính quyền địa phương quản lý. Từ khi phát hiện ngôi mộ, nhiều kẻ xấu thường xuyên dòm ngó, gây bất an cho chính quyền sở tại. Vì vậy, năm 1964, được phép của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ Văn hóa - Thông tin, Bảo tàng Lịch sử VN và Ty Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa đã tổ chức khai quật mộ và mang chiếc quan tài nguyên vẹn làm bằng gỗ Ngọc Am (Pơ mu) về Bảo tàng Lịch sử VN.
Ngày 2.4.1964, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bảo tàng Lịch sử VN đã mở nắp quan tài. Quan tài có hai đáy, giữa có một lớp gạo rang dày 10 cm, đáy trên lớp gạo rang có một tấm ván mỏng trổ 7 lỗ tròn theo hình Thất tinh.
Sau tấm chăn bông vỏ gấm, thi hài được liệm bởi nhiều lớp quần áo, vải liệm, gồm: 8 lớp đại liệm bằng gấm thêu hoa bạc 1,5m x 5m, buộc bằng 5 đai lụa; tấm tiểu liệm bằng gấm may kép 2 lần vải; áo Hoàng bào kim tuyến thêu một con rồng lớn phía trước, phía sau và tay áo thêu nhiều rồng nhỏ; 2 áo long bào thêu rồng kim tuyến; 3 bộ vóc vàng may kép đính vào nhau thành một bộ; 3 lớp lụa kép; 3 chiếc quần bằng lụa mỏng, khố bằng vải mỏng.
Tay chân của thi hài được đi tất lụa, chân có giày gấm thêu, lót một lớp da thuộc mỏng, đầu gối một chiếc gối bông, hai tai được nút bằng hai viên bông bọc lụa, mặt phủ một tấm khăn bằng vải gấm có thêu rồng cùng một chữ Thọ ở giữa và 4 chữ Vạn của nhà Phật ở 4 góc.
Đây là những y phục của một đế vương thời Lê mà lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử VN có được. Ngoài ra, trong quan tài còn có sách, bút lông, túi đựng móng tay, răng rụng, quạt giấy, túi đựng cau trầu, một hộp hình quả cau bên trong đựng thứ bột màu trắng...
Được biết, khi giở tấm khăn phủ mặt, các nhà khảo cổ hết sức ngỡ ngàng khi thấy da mặt của thi hài có màu xám nhạt, sau vài phút thì ngả màu xám đều như toàn thân. Thi hài có teo nhưng chưa khô, tay chân, thân thể vẫn còn mềm mại, các khớp có thể cử động được. Môi của thi hài bị teo để lộ một hàm răng đen đã rụng một vài chiếc, cằm có chòm râu đen đã điểm bạc...
Từ những cứ liệu sử học, cùng với việc xác định các đồ tùy táng, thi hài, các nhà sử học đã khẳng định đây chính là thi hài của vua Lê Dụ Tông. Thi hài sau đó đã được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN từ đó cho đến nay.


Thi hài vua Lê Dụ Tông đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN - Ảnh: Ngọc Minh chụp lại từ tư liệu của họ Lê



Khăn phủ mặt thêu rồng


Các loại túi gấm trong quan tài

Rước người về cố hương
Suốt từ năm 1996 đến nay, con cháu họ Lê trên đã nhiều lần làm tờ trình lên các cơ quan chức năng để xin được rước thi hài vua Lê Dụ Tông trở về cố hương hoàn táng. Nhưng vì nhiều lý do, tâm nguyện này đã chưa được thực hiện. Thậm chí còn có ý kiến cứ để thi hài của vua tại Bảo tàng Lịch sử VN, hoặc có hoàn táng thì nên hoàn táng ngay tại khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử VN (!), chứ không nên đưa về quê.
Bộ thì đề nghị tỉnh có phương án, tỉnh thì đề nghị bộ và Nhà nước giải quyết... Sự việc kéo dài đã gây rất nhiều muộn phiền cho con cháu dòng họ Lê.
Từ cuối 2008 đến nay, bằng nhiều nỗ lực, dòng họ Lê đã thuyết phục được các ngành, các cấp thuận đưa thi hài vua Lê Dụ Tông trở về hoàn táng tại quê hương. Trong báo cáo gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày 12.11.2008, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam khẳng định: “Trước năm 1996, chúng tôi đến Bảo tàng Lịch sử VN viếng vua Lê Dụ Tông thì thấy thi thể người được để ở một cái giá ba tầng như một hiện vật trưng bày. Sau khi chúng tôi có ý kiến, bảo tàng đã đưa thi hài vua Lê Dụ Tông vào quan tài kính, và nay được bảo quản trong phòng lạnh. Nhưng, trong thời tiết nóng ẩm của nước ta, thi thể của người cũng đã biến dạng, sớm muộn cũng sẽ bị phân hủy... việc đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về Thanh Hóa chôn cất như tổ tiên ta vẫn làm là điều vô cùng cần thiết”.
Sáng qua 17.9, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Hội đồng họ Lê Việt Nam cho biết: Hiện con cháu họ Lê đang gấp rút chuẩn bị điều kiện để phối hợp với các cơ quan chức năng rước vua Lê Dụ Tông về quê. Thi hài vua Lê Dụ Tông sẽ được hoàn táng gần với lăng của vua Lê Hiển Tông (cháu đích tôn của vua Lê Dụ Tông) tại xã Xuân Quang (thuộc Trang Bàn Thạch xưa), huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) - nơi mà trước đây người đã an nghỉ...
Theo kế hoạch, ngày Trùng cửu 9.9 âm lịch (tức ngày 26.10.2009) dòng họ Lê và chính quyền địa phương sẽ khởi công xây lăng mộ và ngày Song thập 10.10 âm lịch (tức ngày 26.12.2009) sẽ đưa thi hài vua Lê Dụ Tông từ Hà Nội về Thanh Hóa. Lễ hoàn táng sẽ được tổ chức xứng tầm với lễ táng của bậc đế vương.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng lăng mộ vua Lê Dụ Tông với quy mô như lăng mộ các hoàng đế nhà Lê tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh; đồng thời cũng đề nghị, nghi lễ tổ chức hoàn táng vua Lê Dụ Tông được tổ chức trọng thể cấp Nhà nước.
Ngọc Minh






Trang trọng hoàn táng thi hài Vua Lê Dụ Tông

03:35 CH, 25/01/2010
(Chinhphu.vn) - Hôm nay 25/1, tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và tỉnh Thanh Hoá tổ chức trang trọng lễ hoàn táng thi hài Vua Lê Dụ Tông (1679-1731).
Trang trọng tổ chức lễ hoàn táng thi hài Vu Lê Dụ Tông - Ảnh TTXVN
Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cùng đại biểu các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã tới dự. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lẵng hoa viếng đức Vua.
Buổi lễ diễn ra từ 1h sáng tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với lễ nhập quan và cầu siêu cho Vua Lê Dụ Tông.
Sau đó, đoàn xe rước linh cữu Vua Lê Dụ Tông đi trên đường Hồ Chí Minh hướng về phía Khu di tích lịch sử - văn hóa Lam Kinh (Thanh Hóa) để làm lễ bái yết tổ tiên, rồi về Bái Trạch để làm lễ hoàn táng.
Tại lễ hoàn táng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng, Trưởng ban tổ chức lễ hoàn táng đã đọc lời cáo kỵ về thân thế, cuộc đời và quá trình phát hiện lăng mộ Vua Lê Dụ Tông.
Sau lời cáo kỵ, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đọc Tế văn thể hiện rõ những công lao của Vua Lê Dụ Tông suốt 25 năm trị vì như mở kho lương, kho tiền dự trữ cứu trợ nhân dân; mở trường quốc học và hương học; đặt học quan để lo việc dạy dỗ; giảm nhẹ thuế...
Chiều 25/1, con cháu dòng họ Lê rước linh vị của Vua Lê Dụ Tông từ khu lăng mộ làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân về thờ cúng tại Thái miếu Nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ - thành phố Thanh Hóa). Đây là nơi đang lưu thờ tất cả bài vị của 27 Vua (21 Vua tại vị và 6 vua được truy phong) của nhà Hậu Lê (1418 – 1789)...
Được biết, thi hài Vua Lê Dụ Tông được hoàn táng đúng như khi an táng. Thi hài Vua được khoác những long đồ do lớp cháu con đặt làm ở cố đô Huế theo đúng với nguyên mẫu những đồ tùy táng tìm thấy trong linh cữu của nhà Vua. Linh cữu đặt di hài nhà Vua được phục chế từ gỗ ngọc am (pơ-mu) theo đúng kích thước và loại gỗ của linh cữu cũ, nặng khoảng 700 kg. Riêng chiếc quách đựng linh cữu vẫn là chiếc quách cũ vừa được tỉnh Thanh Hoá khai quật hồi cuối năm 2009.
Như vậy sau hành trình 46 năm xa xứ, vua Lê Dụ Tông lại được yên nghỉ giữa lòng đất mẹ. Việc hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông (vị hoàng đế thứ 22 của nhà Hậu Lê) không chỉ thể hiện sự tri ân đối với các bậc hoàng đế, các yếu nhân trong lịch sử dân tộc của Đảng, của Nhà nước mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thanh Hoá nói riêng với nhà Hậu Lê.
Vua Lê Dụ Tông (1679-1731), húy là Duy Đường, cháu nội vua Lê Thần Tông, con trai trưởng của vua Lê Hy Tông. Ông được vua cha truyền ngôi năm Ất Dậu (1705), lấy 2 niên hiệu là Vĩnh Thịnh và Bảo Thái, giữ ngôi Hoàng đế 25 năm.
Cách đây 52 năm, vào tháng 2/1958, người dân làng Bái Trạch do một sự tình cờ đã phát hiện ra nơi an táng vua Lê Dụ Tông. Sau đó, vào đầu năm 1964 các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật và đưa thi hài Đức vua về Hà Nội để phục vụ công tác nghiên cứu và bảo quản...
Sau nhiều lần Hội đồng họ Lê Việt Nam đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép đưa thi hài Vua Lê Dụ Tông về an táng tại quê nhà, ngày 29/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa thi hài Vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại Thanh Hoá.
Hoa Mai















































































http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=26901








Cập nhật lúc 15:28, Thứ ba, 26/01/2010 (GMT+7)


 
 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thắp hương trước linh vị Đức vua
Ảnh:Internet





(ĐCSVN)- Ngày 25/1, tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch (VH-TT&DL), tỉnh Thanh Hoá long trọng tổ chức lễ hoàn táng thi hài Hoà Hoàng đế Lê Dụ Tông (1679-1731).

Tới dự có các đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lẵng hoa viếng đức Vua.
Từ tờ mờ sáng, tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (địa phận giáp ranh giữa 2 tỉnh Thanh Hoá và Ninh Bình), đông đảo nhân dân, con cháu họ Lê cùng đại diện các sở, ban, ngành đã có mặt nghênh đón linh vị và thi hài Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông. Sau khi Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức khâm liệm rồi làm lễ nhập quan thi hài Vua Lê Dụ Tông, Đội nghi thức đưa linh cữu lên xe. Đoàn xe xuất hành từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đi theo đường Láng - Hòa Lạc - đường Hồ Chí Minh về Thanh Hoá.

Gần 8 giờ sáng, đoàn xe đã đến địa phận Thanh Hoá, khi đến khu vực Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), đoàn xe đã dừng lại để con cháu dòng họ Lê làm lễ yết cáo tổ tiên, sau đó tiếp tục hành trình về khu vực hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân.

Tại lễ hoàn táng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trần Chiến Thắng, Trưởng ban tổ chức lễ hoàn táng đã đọc lời cáo kỵ về thân thế, cuộc đời, quá trình phát hiện lăng mộ Ngài và dời Ngài ra Bảo tàng Lịch sử (Hà Nội) để bảo quản và nghiên cứu khoa học.

Sau lời cáo kỵ, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đọc Tế văn thể hiện rõ những công lao của Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông suốt 25 năm trị vì. Các nghi lễ khác như Lễ Di quan về huyệt mộ, Lễ Bồi thổ, Lễ Dâng hương đều diễn ra hết sức trang trọng và uy nghiêm. Chiều 25/1, con cháu dòng họ Lê rước linh vị của Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông từ khu lăng mộ làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân về thờ cúng tại Thái miếu Nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ - thành phố Thanh Hóa). Đây là nơi đang lưu thờ tất cả bài vị của 27 Vua (21 Vua tại vị và 6 vua được truy phong) của nhà Hậu Lê (1418 – 1789).

Được biết, thi hài Vua Lê Dụ Tông được hoàn táng đúng như lúc ông ra đi và sẽ được khoác những long đồ do lớp cháu con đặt làm ở cố đô Huế theo đúng với nguyên mẫu những đồ tùy táng tìm thấy trong linh cữu của nhà Vua. Linh cữu đặt di hài nhà vua được phục chế từ gỗ ngọc am (pơ-mu) theo đúng kích thước và loại gỗ của linh cữu cũ, nặng khoảng 700 kg. Riêng chiếc quách đựng linh cữu vẫn là chiếc quách cũ vừa được tỉnh Thanh Hoá khai quật hồi cuối năm 2009.

Như vậy sau hành trình 46 năm xa xứ, vua Lê Dụ Tông lại được yên nghỉ giữa lòng đất mẹ. Việc hoàn táng thi hài đức vua Lê Dụ Tông (vị hoàng đế thứ 22 của nhà Hậu Lê) không chỉ thể hiện sự tri ân đối với các bậc hoàng đế, các yếu nhân trong lịch sử dân tộc của Đảng, của Nhà nước mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thanh Hoá nói riêng với nhà Hậu Lê.

Tới đây, tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương hoàn chỉnh khu lăng mộ xứng đáng với tầm vóc, vị thế của nhà vua, để lăng mộ Hoà Hoàng đế Lê Dụ Tông tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân sẽ là một trong những địa chỉ lịch sử, văn hoá để nhân dân đến viếng thăm, chiêm bái./.
http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/le-hoan-tang-thi-hai-hoa-hoang-de-le-du-tong-long-trong-va-trang-nghiem-de-cao-truyen-thong-uong-nuoc-nho-nguon-cua-dan-toc-4185.html








THUYẾT MINH NHANH 



Làm vua nào có sướng gì
Chết rồi thân xác khó bề được yên
Kẻ thì hậm hực ghét ghen

Người làm khoa học cũng kèn cựa nhau...

Cao xanh có thấm nỗi đau
Ngàn thu mây xám một màu bi ai.

Ảnh từ bài viết CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT trên Kiến thức xã hội. (chia sẻ từ trang Hướng về minh triết).

Mộ vua Lê Dụ Tông được tìm thấy năm 1958, tại thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Năm 1964, mộ được khai quật.


Quan tài nguyên vẹn làm bằng gỗ Ngọc Am và được đưa về Bảo tàng LS VN. Ngày 2/4/1964, quan tài được mở nắp trước sự chứng kiến của các lãnh đạo nhà nước và các nhà khoa học.


Khi mở khăn, áo ra, thi hài nhà vua còn nguyên, da thịt có khô héo.


Các khớp có thể co duỗi được.



Do được tẩm ướp bằng dầu thơm ngấm vào quan tài nên khi mở ra vẫn còn thơm sực nức.


Các đồ tùy táng còn nguyên vẹn như khăn, áo, túi trầu, hia, gối...


Áo hoàng bào vẫn tươi màu với các đường thêu rồng phượng, chỉ thêu ngũ sắc lấp lánh.



Khăn phủ mặt nhà vua.


Các túi gấm trong quan tài.



Năm 1996, con cháu dòng họ Lê đề nghị được rước thi hài về hoàn táng tại Thái miếu nhà Lê ở phường Đông Vệ tp Thanh Hóa. Tuy nhiên, có một số nhà khoa học có uy tín không đồng ý. Sau nhiều nỗ lực vận động, năm 2010, nguyện vọng của họ Lê mới được đáp ứng.


Ngày 11 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (25/1/2010), lễ nhập quan và tổ chức đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa được thực hiện một cách trang trọng, kết thúc 46 năm lận đận của một xác ướp cổ kể từ khi khai quật.


Chân dung vua Lê Dụ Tông.


..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.