Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

16/02/2020

Đi lễ đàn Nam Giao năm 2020 (chuyện kể của ông Nguyễn Đắc Xuân)

Tại đất cố đô Huế, mình từng có dịp gặp gỡ với các vị quan đầu tỉnh, trong đó có cả "người anh hùng hụt" Hồ Xuân Mãn (đọc lại ở đây), hay nhà thơ nguyên Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Khoa Điềm (đọc lại ở đây).

Nhưng ấn tượng nhất vẫn là các cuộc gặp gỡ với các học giả người Huế chuyên viết về Huế. Vài ba lần gặp cụ Nguyễn Đắc Xuân tại "đất thần kinh". Gần đây, đầu năm 2020, cụ Xuân có viết về cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về Huế có tranh thủ đi lễ đàn Nam Giao.

Đưa nguyên bài về trước.

Có gì thì bổ sung ở dưới.

Tháng 2 năm 2020, trong đại dịch Cô Vy - 19,
Giao Blog


---








Vốn biết và quý nhau từ hơn một phần tư thế kỷ qua nên mỗi lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế ông không quên tôi. Khi gặp nhau sau những buổi làm việc, khi gọi điện thoạ thăm hỏi sức khỏe, và lần nầy ông vào Huế – ngày Rằm tháng Giêng Canh Tý, tôi được ông mời ăn sáng tại KS La Résidence.

Đúng 7 giờ (sáng ngày 8-2) tôi có mặt ở khách san, nhưng không gặp ông. Người phục vụ khách sạn cho biết ông “Đi lễ”. Tôi không biết lễ gì nhưng không tiện hỏi. Khoảng 7g30 một đoàn xe đưa ông về. Tôi đón ông ở cửa. Gặp tôi ông bắt tay chào rồi nói “Tôi đi lễ Nam Giao, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. ÔI, tôi quá bất ngờ - ông Thủ tướng ngày nay vừa thực hiện cái trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước ở Kinh đô xưa.” Ông kéo tôi đi theo ông.

Trong phòng ăn sáng có khoảng năm sáu bàn, tôi được ngồi bên cạnh Thủ tướng, cùng bàn với bốn ông Bộ trưởng, ông Bí thư tỉnh ủy TTH và bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRC. Ngoài hai ông Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và ông Bộ trưởng bộ Văn hóa TT&DL lãnh đạo tôi ở TTH mà tôi đã quen biết, lần đầu tôi được gặp hai ông Lê Vĩnh Tân – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Riêng được gặp lại ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tôi rất vui. Tôi đã được ăn sáng với ông ở nhà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội, được giới thiệu sơ lược sách và bộ kịch bản phim Huế 1968 của Mark Bowden và đạo diễn Michael Mann với ông.

Câu nói đầu tiên của tôi với Thủ tướng Phúc:
- Sáng nay Thủ tướng đi lễ đàn Nam Giao sao khớp với công việc nghiên cứu của tôi lâu nay muốn đề nghị với Bộ Chính trị cho đổi tên Huế Thành phố di sản trực thuộc Trung ương vào năm 2025 thành Thành phố Cố đô Huế. Đàn Nam Giao phải nằm trên đất Cố đô mới đúng!

Thủ tướng không phản đối ý kiến của tôi, ông bảo:
- Huế Thành phố di sản trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.v.v.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng lắng nghe hai ý kiến trên, ông hỏi:
- Anh cho biết nhà Nguyễn có công lao gì đối với đất nước Việt Nam?

Thủ tướng Phúc thay tôi trả lời ông Hùng ngay:
- Công lao lớn nhất của nhà Nguyễn là mở nước từ đây xuống đến Mũi Cà mâu. Ngồi ở đây ngoài anh Bí thư Lê Trường Lưu còn tất cả đều họ Nguyễn.

Câu chuyện bên bàn ăn sáng tập trung vào chủ đề nhà Nguyễn. Ông Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông nhạy cảm với thông tin mới, ông bảo tôi:
- Nhà Nguyễn có gì hay anh kể cho nghe nào !

Trúng mánh. Tôi thừa cơ Thủ tướng khuyến khích trí thức phát biểu việc nước, tôi kể cho mọi người nghe một loạt chuyện của nhà Nguyễn: Nhà Nguyễn thống nhất đất nước từ Nam Quan đến Mũi Cà Mâu, xây dựng Kinh đô Huế bề thế vững chắc đứng đầu Đông Nam Á lúc ấy, phân định ranh giới các tỉnh thành rõ ràng, ngày nay ta muốn tách nhập gì cũng rất khó, tổ chức con đường Thiên lý nối liền các địa phương từ Bắc chí Nam, tổ chức một nền hành chính, giáo dục rất quy củ, sinh hoạt đời sống từ cái ăn, cái mặc cho đến việc triều chính đều được Hội Điển Sự Lệ ghi chép rõ ràng và được thi hành nghiêm túc. Đặc biệt là các luật, lệ, quy chế về tổ chức hoạt động trong bộ máy nhà nước: Nhà vua không được chọn người làm quan mà phải qua “Khoa Cử”, người tiến cử người tài phải chịu trách nhiệm trong tương lai về người mình tiến cử (trường hợp Nguyễn Tri Phương không qua khoa cử), họ ngoại của vua không được làm quan (trường hợp họ Phạm Đăng của mẹ vua Tự Đức); “Đình Nghị” vua họp với các quan bàn việc nước, tất cả người được dự họp đều phải phát biểu ý kiến, ý kiến của đa số ghi vào trang chính của biên bản, ý kiến thiểu số ghi bên lề, đôi khi vua sử dụng ý kiến của thiểu số mà nhà vua thấy đúng; “Hồi Tỵ” là quy định người được cử đi làm quan đứng đầu các địa phương, khi đến đó nếu có người của bà con “tứ thân phụ mẫu” của vị quan thì tất cả những người bà con ấy phải chuyển đi nơi khác. Nếu những bà con ấy giữ những việc không thể chuyển được thì vị quan ấy phải “hồi tỵ” xin bổ đi địa phương khác. Người được cử đến đứng đầu các địa phương không được lấy vợ hầu, không được mua đất làm nhà ở địa phương đó. Người được cử đi chấm thi phải khai báo trong khoa thi đó không có bà con nội ngoại dự thi, nếu có phải “hồi tỵ” để nhà vua cử người khác chấm thi; các quan được cử đi làm việc, thanh tra, kiểm tra ở các địa phương luôn được cấp một số tiền “Dưỡng Liêm” để tiêu dùng, nghiêm cấm sử dụng sự cung phụng của địa phương mình đến làm việc.v.v.

Cố đô Huế đã có 5 di sản được thế giới công nhận. Nếu lấy tiêu chí các di sản ở VN và thế giới đã được thế giới công nhận hiện nay thì ở Huế nếu làm hồ sơ, có thể có thêm nhiều di sản khác sẽ công nhận tiếp như sông Hương, Ca Huế, Ẩm thực Cung đình và ẩm thực Huế, các phủ phòng của các ông hoàng, bà chúa ở Huế.v.v.

Dù đã trải qua hai cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, đất Kinh sư và Phủ Thừa Thiên vẫn còn giữ được đầy đủ giá trị tinh thần và cơ sở vật chất của Cố đô xưa, phục vụ du lịch rất tốt, được thế giới đánh giá cao và được nhắc đến cùng với các cố đô trên thế giới, Đất Cố đô cũng đã sản sanh ra nhiều nhà Huế học. Do đó tôi và nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết muốn kiến nghị Bộ Chính trị cho đổi tên gọi Huế thành phố Di sản trực thuộc Trung ương (Theo Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị) vào năm 2025 thành Thành phố Cố đô Huế. Việc đổi tên nầy kéo theo nhiều thuận lợi và giá trị khôn lường.

- Cố đô Huế gồm có đất Kinh sư và Phủ Thừa Thiên xưa. Lâp nên Thành phố Cố đô Huế thì không cần phải cắt đất của tỉnh TTH để mở rộng Thành phố Huế để xin trực thuộc Trung ương. Tôi nghiên cứu thực tế và thăm dò dư luận lâu nay thì sau khi cắt đất để mở rộng Thành phố Huế hiện nay theo NQ 54, diện tích đất còn lại của tỉnh TTH khá nhỏ, lại bị chia ra làm hai vùng - Nam (Phú Lộc) Bắc (Phong Quảng) và nối hai vùng với nhau bằng hai huyện miền núi A Lưới Nam Đông thì trở ngại cho tỉnh vô cùng. Tôi tin là dân TTH không bao giờ chấp nhận;

- Ngày nay nhiều địa phương có di sản cũng đang phấn đấu phát huy giá trị các di sản để có thể trở thành thành phố di sản xin trực thuộc Trung ương. VN có thêm một vài thành phố di sản nữa cũng khó thu hút được sự chú ý của thế giới. Nhưng nếu VN phục hồi thành phố Cố đô Huế (của vua Quang Trung và nhà Nguyễn) - một thương hiệu ngang tầm với các cố đô trên thế giới ngay như Kyoto của Nhật Bản, Tây An, Lạc Dương, Nam Kinh của Trung Quốc.v.v. thì nổi tiếng vô cùng;

- Khi Thành phố Cố đô Huế ra đời giữ vai trò bảo vệ cái bản sắc Việt, cái hồn Việt, bảo vệ và phát huy giá trị vật chất tinh thần Việt cho đất nước, để giáo dục các thế hệ trẻ và đối ngoại thì các thành phố khác không vướng bận với văn hóa dân tộc, thoải mái vươn lên xây dựng phát triển cho kịp với thời đại 4.0;

- Thành phố Cố đô được lãnh đạo với một quy chế riêng phù hợp với các tiêu chí giống với các cố đô trên thế giới, không phụ thuộc vào các tiêu chí dân số, thu nhập đầu người như yêu cầu hiện nay. Thành phố Cố đô có thể ra đời ngay;

- Thành phố Cố đô có đủ tư cách quan hệ quốc tế với các cố đô trên thế giới, mới thu hút được đông đảo người Việt về sống với Cố đô và các nước mới đến đặt lãnh sự ở đây. Việc phát triển văn hóa du lịch mang bản sắc Việt Nam được thuận lợi vượt bậc; thành phố di sản trực thuộc Trung ương không thể có được như thế;

- Nếu được Bộ Chính trị cho phép đổi tên Thành phố di sản trực thuộc Trung ương bằng tên Thành phố Cố đô Huế (tên gọi có hàm ý trực thuộc Trung ương rồi) có thể thực hiện được ngay chứ không cần phải đợi đến 2025. Bởi vì các cơ sở của Cố đô Huế còn đầy đủ về vật chất cũng như phi vật chất, thành phố Huế hiện nay đã được xem là một trung tâm văn hóa du lịch quốc gia/quốc tế từ lâu, các thế mạnh truyền thống hiện đại về Y tế, Giáo dục có khả năng nâng cao để ngang tầm quốc gia, công nghệ thông tin đang phát triển, nhiều cơ sở văn hóa du lịch ngang tầm quốc gia/quốc tế đã xuất hiện như Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng, Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna.v.v.

Do yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong bữa ăn sáng tôi chỉ có thể trình bày sơ lược đến thế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất hiểu công việc nghiên cứu của tôi. Sau khi tôi dừng lời, ông có nhận xét :“Phải hết sức tâm huyết, nghiên cứu cả một đời mới nói được như thế. Chúc anh sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp văn hóa Huế”. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hẹn sẽ gặp lại tôi ở Hà Nội.

Trong lúc tôi trình bày, nhiều vị Bộ trưởng và doanh nhân Nguyễn Thị Nga so sánh với hiện tại chen vào nhiều nhận xét rất thú vị. Xin cám ơn Thủ tướng, xin cám ơn các Bộ trưởng, cám ơn Đồng chí Bí thư tỉnh ủy thân thiết của tôi, cám ơn bà chủ BRG đã lắng nghe tôi mạo muội trình bày khái quát chuyện của Cô đô Huế - một vấn đề trọng đại của quê hương Huế của tôi. Rất mong có được một hội nghị bàn về việc đổi tên Thành phố di sản trực thuộc Trung ương trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị bằng tên THÀNH PHỐ CỐ ĐÔ HUẾ.

Tôi cũng rất mong nhận được ý kiến của các lãnh đạo, các thức giả, các nhà nghiên cứu và đặc biệt của người Huế gần xa. Hy vọng có được những ý kiến thiết thực, giá trị bền vững đóng góp với lãnh đạo tỉnh TTH và Thành phố Huế hiện nay. Thủ tướng đã khuyến khích trí thức bàn việc nước, xin đừng bỏ qua. Kính chào.

[Cập nhật 11-02-2020]



..


---

BỔ SUNG




1.




Thủ tướng đồng ý đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc TƯ

Dân trí Sáng ngày 8/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế về một số vấn đề quan trọng.


>>Thủ tướng gửi thư khen phong trào “xanh - sạch - sáng” của Thừa Thiên Huế
>>Thừa Thiên Huế sẽ thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025

Tham dự có các Bộ trưởng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ Nội vụ - ông Lê Vĩnh Tân, Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Nguyễn Mạnh Hùng; cùng một số lãnh đạo bộ, ngành. Về phía tỉnh có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Phan Ngọc Thọ báo cáo đến đoàn công tác kết quả thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2020; công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút corona...

Thủ tướng đồng ý đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc TƯ - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày trước Thủ tướng những việc làm và định hướng năm mới

Bước sang năm 2020, tỉnh xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoàn thành kế hoạch 5 năm và xây dựng kế hoạch 2021- 2025, đặc biệt là xây dựng chương trình hành động triển khai các đề án theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Gợi mở thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cần thực hiện tốt để cho thấy Đảng quán triệt rồi thì Chính phủ hành động quyết liệt hơn, kịp thời hơn, tốt hơn trong thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
“Rất ít tỉnh có Nghị quyết của Bộ Chính trị, nên Huế cần làm tốt với các chủ trương và chương trình hành động cụ thể và các bộ, ngành cùng hỗ trợ. Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là nghị quyết đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế, chính vì thế mà cơ chế, mô hình, cách làm cũng phải đặc thù, không được áp dụng máy móc”- Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng đồng ý đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc TƯ - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo

Thủ tướng đánh giá, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đặc biệt là năm 2019 tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, có nhiều mặt hết sức nổi trội về nâng cao mức sống người dân, hoàn thành toàn diện nhiều mục tiêu, kế hoạch, có nhiều cải cách, đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển.
“Sự chênh lệch giàu nghèo của tỉnh là thấp nhất khu vực trung bộ, nhất là các huyện miền núi, đó là điều đáng mừng. Từ Nam Đông đến A Lưới, đời sống đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ nét, tôi cũng đã nhiều lần biểu dương Nam Đông là một trong những huyện miền núi xin ra khỏi chương trình 135 sớm nhất” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, Huế là địa phương không những phát triển kinh tế ổn định mà văn hóa còn được giữ gìn, nhất là các di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được trùng tu, tôn tạo và quan tâm đặc biệt - đây là nền tảng quan trọng trong phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh trên lĩnh vực du lịch.

Thủ tướng đồng ý đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc TƯ - 3
Nhấn để phóng to ảnh
Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Đặc biệt, Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong các lĩnh vực, trở thành tỉnh đi đầu trong quản lý hành chính, xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh, xử lý những vấn đề bức xúc của xã hội, quan tâm tốt hơn đến phục vụ người dân… đây chính là nền tảng quan trọng để làm nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn, đưa Thừa Thiên Huế phát triển.
Đánh giá cao công tác phòng là chính trong ngăn chặn dịch corona, đến nay Huế vẫn giữ hoạt động bình thường, khách du lịch các nước, vùng không dịch bệnh vẫn đến đông, đây là điều đáng mừng, các địa phương khác cần học tập.
Thủ tướng cho rằng, tỉnh phải phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng không phải tỉnh nào cũng có được để triển khai như: khu vực trí tuệ; di sản hữu hình và vô hình; cuộc đời sự nghiệp của những bậc vĩ nhân, nhà tư tưởng, nhân vật lỗi lạc, tài hoa mà mỗi cuộc đời gắn với một câu chuyện, địa danh cụ thể chứ không chỉ nói về văn hóa đền đài, lăng tẩm, các di sản vật thể khác.
Cùng với đó, tỉnh cần mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất kiến nghị những cơ chế và mô hình mới, cách làm cũng phải nhanh hơn, chuyên nghiệp và phát triển bền vững hơn. Phải làm cái gì đó để gây ấn tượng thu hút phát triển bền vững của Cố đô Huế. Đề án Ngày Chủ nhật xanh, nói không với tui ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đề xuất cơ chế di dời dân khu vực 1 kinh thành Huế mà tỉnh đang thực hiện là những điểm mới và điển hình cần nhân rộng.

Thủ tướng đồng ý đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc TƯ - 4
Nhấn để phóng to ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham gia ý kiến

Về các kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng cơ bản nhất trí, đồng ý về nguyên tắc, thống nhất chủ trương, giao cho các bộ, ngành phối hợp với tỉnh triển khai. Đáng chú ý, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54 để Chính phủ cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế thúc đẩy thực hiện.
Thủ tướng cũng đồng ý đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế; xây dựng bộ tiêu chí thực hiện thành phố trực thộc trung ương trên cơ sở đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế; đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng đồng ý đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc TƯ - 5
Nhấn để phóng to ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo
Thủ tướng đồng ý đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc TƯ - 6
Nhấn để phóng to ảnh
Thủ tướng đồng ý đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc TƯ - 7
Nhấn để phóng to ảnh
Thủ tướng, các Bộ trưởng chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại Dương
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.