Bài trên Báo Thái Bình. Lên trang này 9/12/2019.
Các thông tin cũ thì có thể đọc ở đây (năm 2019) hay ở đây (năm 2018).
Có gì thì bổ sung ở dưới.
---
“Hội linh” Đào Xá
Thứ 2, 09/12/2019 | 09:01:46
1,488 lượt xem
Theo lời kể của các đại lão làng Đào Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, khoảng năm 1970 chùa Hội Linh, làng Đào Xá bị phá dỡ, người dân thấy ở đầu cột lim có những dòng chữ Hán liền đi nhờ người dịch, biết được người công đức cột gỗ lim dựng chùa là Từ giám tướng quân Nguyễn Hữu Tý, người làng Đào Xá và hai vợ chồng người Đào Xá là con gái họ Nguyễn Phú lấy quan Nghè đã công đức chùa Hội Linh 10 pho tượng bằng đá quý.
Thấy vậy, người dân Đào Xá đã “mượn đất” phía sau đình Đào Xá dựng một ngôi chùa nhỏ để rước 10 pho tượng đá vào thờ.
Thật may mắn, 10 pho tượng đá được nhân dân Đào Xá “rước” về chùa mới sau đình Đào Xá thờ và bảo quản như một sự tri ân các bậc tiền nhân và “hội linh” 10 pho tượng cổ trong đó tám pho tượng Phật bằng đá được rước “ngự trên thượng tọa” và đặt ở phía sau tượng phật Thích Ca cùng bộ Tam thế là Ngọc hoàng thượng đế và Nam Tào, Bắc Đẩu. Hai pho tượng đá có dáng hình đặc biệt, người dân cho rằng đây là tượng Sư tổ chùa Hội Linh và bức tượng tạc hình người mặc áo long bào, đội vương miện mũ “Bình thiên” có hình chim trên mũ được cho là tượng vua triều Mạc. 10 pho tượng được tạo tác bằng đá vôi màu sẫm thuộc loại tượng hình tròn tạc nguyên khối, họa tiết thể hiện trên tượng và bệ tượng chủ yếu là cánh sen xoắn kép, rồng võng yên ngựa, đuôi đao lửa và một vài họa tiết độc đáo khác. Khuôn mặt tượng đều thể hiện nét thanh tú, mày cong, mắt nhìn xuống hoặc khép hờ, sống mũi cao, miệng ngậm, tai dày và dái tai dài... Một số pho tượng trong tư thế ngồi thiền, tay kết ấn tam muội, liên hoa hợp chưởng, chuẩn đề chú...
Trong chuyến điền dã mới đây về làng Đào Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc trên vùng đất Phụ Phượng cổ xưa tôi được dịch giả Vũ Văn Thông (thôn Vũ Xá) nguyên sĩ quan an ninh nghỉ hưu dẫn đi thăm lại dấu tích chùa Hội Linh, nơi từng lưu thờ 10 pho tượng đá được truyền ngôn có từ thời nhà Mạc. Trước đó, vào giữa năm 1997, tôi và dịch giả Vũ Văn Thông (lúc đó ông Thông đang công tác tại Bộ Công an) cùng được tháp tùng Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng về nghiên cứu mảng trầm tích văn hóa nhà Trần ở Thái Bình. Ngày đó ngôi chùa Hội Linh đã bị dỡ bỏ, chỉ còn lại dấu tích là gò đống nhỏ nhoi giữa cánh đồng, chúng tôi phải bỏ giầy, dép, xắn quần bì bõm lội ruộng để vào khu phế tích. Sau khi thăm phế tích, xác định dấu tích lịch sử có từ thời nhà Lê sơ, Giáo sư Trần Quốc Vượng cuốc bộ về “chùa mới” sau đình Đào Xá thắp hương và xin phép được “leo lên” tòa thượng nơi đặt 10 pho tượng đá. Giáo sư đã đọc và dịch được những dòng chữ Hán khắc chìm sau lưng tượng theo kiểu chữ “Triện” để “yểm” tượng khi “hô thần nhập tượng” của tiền nhân cách ngày nay mấy trăm năm và “cụ” khẳng định đây là 10 pho tượng đá cực kỳ quý thời nhà Mạc, trong đó có tượng hoàng đế Mạc Đăng Dung. Theo sử cũ và các nguồn khảo luận ghi: Năm 1527, Mạc Đăng Dung (người nắm gần hết quyền lực trong triều đình Lê sơ đặc biệt là về quân đội) đã tiến hành đảo chính, giết vua Lê, lập ra nhà Mạc. Những quý tộc Trịnh - Nguyễn lúc đầu là Nguyễn Kim và người con rể của ông là Trịnh Kiểm đã tìm con cháu vua Lê, giả vờ phò tá để dấy binh từ Thanh Hóa đánh lại nhà Mạc (phò Lê diệt Mạc). Nhưng, Nguyễn Kim bị đầu độc chết, Trịnh Kiểm nắm toàn bộ binh quyền. Sau khi bình định nhà Mạc năm 1592, họ Trịnh thiết lập chế độ vua Lê, chúa Trịnh, trong đó vua Lê chỉ là bù nhìn, toàn bộ quyền bính nằm trong tay chúa Trịnh, khiến nước ta trong thế kỷ XVI, XVII xảy ra hai cuộc nội chiến. Cuộc nội chiến Nam - Bắc triều giữa nhà Mạc (Bắc triều) và vua Lê cùng phe Trịnh Nguyễn (Nam triều) và cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh (sau khi con trai Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng xin được vào Nam trấn thủ, thoát khỏi gươm đao họ Trịnh). Theo nguồn thư tịch cổ còn lưu giữ được thì thời nhà Mạc chỉ thấy ghi chép về tình hình xây dựng kiến trúc cung đình còn kiến trúc dân gian ở các làng quê không thấy đề cập đến, nhưng nguồn tư liệu văn bia lại ghi chép rất rõ về kiến trúc dân gian còn kiến trúc cung đình, thành quách hầu như không được ghi chép. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng: “Nhà Mạc đặt Nghi Dương làm Dương Kinh, trích lấy phủ Thuận An thuộc trấn Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình thuộc trấn Sơn Nam cho lệ vào Dương Kinh...”.
Thời nhà Lê (Lê sơ), vùng đất Đào Xá thuộc tổng Đào Xá, phủ Thái Bình, rõ ràng theo “Đại Nam nhất thống chí” thì Đào Xá thuộc Dương Kinh của nhà Mạc. Khảo cứu cho thấy các triều đại phong kiến có xu hướng định thể chế văn hóa và vĩnh cửu hóa đều có ý thức sâu sắc đối với những công trình như đình, đền, chùa, lăng miếu... Thời nhà Mạc qua các tư liệu văn bia và công trình kiến trúc cổ cho thấy vương triều Mạc rất thành công trong việc tạo ấn tượng thị giác, kế thừa tính thô mộc, mạnh mẽ của nghệ thuật thời Trần, sự giản dị và dân gian thời Lê sơ để định ra một kiểu nghệ thuật, kiến trúc riêng của triều đại phong kiến nhà Mạc. Khảo tả 10 pho tượng đá cổ ở chùa Đào Xá càng khẳng định dấu tích nhà Mạc là rõ nét. Sau chuyến thực tế ở Đào Xá năm 1997, trong cuốn “Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm”, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã có đoạn viết về chùa Đào Xá và đánh giá 10 pho tượng đá được thờ trong chùa Đào Xá là tuyệt đẹp, “cụ” khẳng định 10 pho tượng đá cổ này có từ thời nhà Mạc, pho tượng đội mũ “Bình thiên” chính là tượng Mạc Đăng Dung. Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời Lý và Trần, nghệ thuật chủ yếu được chú trọng ở kinh đô và một số các trung tâm Phật giáo lớn, phong cách nghệ thuật mang tính phổ quát. Qua các tài liệu khảo cứu cho thấy các di tích trên toàn cõi thống nhất một cách thức sáng tác và thẩm mỹ, không có phong cách địa phương. Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng thời nhà Mạc, làng xã đã hưng thịnh, nghệ thuật không còn bị độc quyền bởi Phật giáo nhà nước như thời Lý, thời Trần mà phụ thuộc vào nhu cầu tín ngưỡng cũng như khả năng kinh tế của từng làng mà làng Đào Xá không là ngoại lệ.
Do nội chiến và loạn lạc mà “thân phận” 10 pho tượng đá ở chùa Hội Linh (nay là Đào Xá) cũng phải cam chịu cảnh “mai danh ẩn tích”, cho đến nay vẫn chưa được các nhà khoa học xác định danh tính chính thức như tượng mặc áo long bào, đầu đội mũ “Bình thiên” có phải là tượng hoàng đế Mạc Đăng Dung hay không? Tuy vậy, qua các tài liệu khảo cứu vẫn khẳng định nhà Mạc là một vương triều chính thức tồn tại 65 năm, có vai trò, vị trí lịch sử như các vương triều Lê, Nguyễn... Một vương triều trị vì đất nước không dài nhưng như nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “Mạc Đăng Doanh là ông vua tính khoan hậu, luôn giữ đúng pháp độ, cấm hà khắc, tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi là thời trị bình vậy” càng khẳng định triều Mạc đã có nhiều chính sách tích cực đưa đất nước ta phát triển.
Ông Lê Văn Quynh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đào Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ
Thôn Đào Xá có 417 hộ với 1.489 nhân khẩu là thôn có đông dân số, 30% số dân theo đạo Phật nên hầu như nhà nào cũng có Phật tử. Chi ủy Chi bộ luôn quan tâm công tác tôn giáo, tạo điều kiện tối đa để nhân dân thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng mà pháp luật quy định.
Ông Nguyễn Phúc Tiêu, trưởng ban khánh tiết đình Tây, thôn Đào Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ
Nhân dân làng Đào Xá đã công đức tiền của, hiện vật, đồ thờ quý giá xây dựng chùa mới nhưng quy mô còn rất nhỏ bé. Đây là công trình tâm linh, là nơi mọi người dâng hương lễ Phật, cầu phúc, cầu an góp phần hoằng dương phật pháp, giữ gìn bản sắc quê hương của người dân Đào Xá.
Ông Nguyễn Duy Thiết, thủ từ đình Tây, thôn Đào Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ
Do bị phá dỡ nên nhiều hoành phi, câu đối, đại tự đã thất lạc, theo trí nhớ của các bậc đại lão trong làng Đào Xá, con em nhân dân làng Đào Xá đã phục dựng và công đức bức đại tự “Đạo Phật minh thông” từng treo trong chùa Hội Linh và đôi câu đối “Tích đức cầu minh lưu truyền viễn/Tu nhân cầu thực đắc thọ trường”. |
Quang Viện
https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/92260/hoi-linh-dao-xa?fbclid=IwAR29FFmqT48BkvIw62PPfrnoOyXx7ZDPC14w5xY2qOZKqcT7EDtKaXpenr8
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.