Năm trước, hồi mùa hè năm 2018, ở tang lễ của học giả Phan Huy Lê, chúng tôi đứng cạnh nhau trò chuyện một lúc khi đợi ở bên ngoài sân rộng chỗ có rất nhiều vòng hoa xếp lần lượt vào một bên tường.
Đó là nói chuyện với con trai của học giả Hà Văn Tấn.
Đó là nói chuyện với con trai của học giả Hà Văn Tấn.
Chúng tôi sàn sàn một lứa dân Tổng hợp Hà Nội - thời "quân khu" cao xà lá thơm nức mùi thuốc lá Thăng Long mỗi buổi sáng mùa đông, thời mà tàu điện chạy về Hà Đông còn sót lại những chuyến cuối cùng (sau đó là người ta nhổ đường ray đi; các khu tập thể mọc lên khắp vùng Thanh Xuân Bắc). Những năm cuối cùng của cái hiệu sách nho nhỏ ở cổng trường. Tại sao bây giờ, những năm 2010s, ở đó không có nổi một hiệu sách của đại học nhỉ ?
Đúng ra thì chỗ ấy, ngày trước còn có cả một hiệu ảnh nữa. Hiệu sách và hiệu ảnh kề bên nhau. Nhiều ảnh cũ của bọn tôi ngày ấy là được chụp bởi hiệu ảnh ấy.
1. Tôi có ôn lại rằng, chính từ cái hiệu sách nho nhỏ ở cổng Tổng hợp Hà Nội ấy, mà tôi đã mua được một ít sách của các nhà khoa học Việt Nam. Có những cuốn sau này đã đi luôn vào cuộc đời của mình. Ví dụ, hai tập Văn hóa Dân gian (một tập về lĩnh vực nghiên cứu, một tập về phương pháp nghiên cứu) đã dẫn mình đến với chuyên ngành sau đại học ở những năm tiếp theo. Cuốn Vương triều Mạc của nhóm Viện Sử học do cô Trần Thị Vinh chủ biên cũng dẫn mình đến với một mảng nghiên cứu chuyên sâu đến bây giờ.
Mua sách và xem sách, thậm chí được lấy sách trước trả tiền sau, đã làm mình kết thân được với chủ hiệu sách. Thật tệ, bây giờ, bỗng nhiên không còn nhớ được tên đầy đủ của chị nữa.
Một ít cuốn sách mong mỏng của Hà Văn Tấn, hay các số tạp chí có bài của ông, cũng được mua trong những dịp như vậy thời Tổng hợp Hà Nội.
2. Một hôm, chị hiệu sách khoe là có được 2 số tạp chí Nghiên cứu Lịch sử cũ. Không biết là chị kiếm được ở đâu. Hiệu của chị chủ yếu chỉ bán sách mới. Nhưng đôi khi cũng có một ít "sưu tập cá nhân" như vậy.
Tôi mua ngay, bởi có thấy bài của cụ Trần Từ (tức Từ Chi) viết về cuộc điền dã ở khu Yến Vĩ - chùa Hương (tỉnh Hà Tây cũ), lại thấy bài của Hà Văn Tấn về lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Tôi mua ngay, bởi có thấy bài của cụ Trần Từ (tức Từ Chi) viết về cuộc điền dã ở khu Yến Vĩ - chùa Hương (tỉnh Hà Tây cũ), lại thấy bài của Hà Văn Tấn về lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Bây giờ, hai số tạp chí ấy vẫn được bảo quản cẩn thận trong tủ sách gia đình. Dung lượng mong mỏng, chữ in nhỏ, giấy hâm hẩm. Hồi đó, chắc xưa lắm rồi, vì ghi chép dân tộc học của Trần Từ cũng vẫn đăng ở Nghiên cứu Lịch sử mà chắc chưa có tạp chí Dân tộc học như bây giờ.
3. Trong 4 cụ được tôn xưng là "tứ trụ" của sử học Việt Nam xã hội chủ nghĩa và Đổi Mới, tức bộ tứ Lâm - Lê - Tấn - Vượng, thì chúng tôi ít có cơ hội gặp trực tiếp hay trò chuyện với cụ Hà Văn Tấn nhất.
Lần dài nhất thì có lẽ ở một đám cưới bên Gia Lâm, hồi trước năm 2000. Cụ lúc đó là Viện trưởng Viện Khảo cổ học và đi dự đám cưới của một cán bộ trong cơ quan - cán bộ ấy vốn từ Viện Nc Văn hóa Dân gian của tôi chuyển về cơ quan cụ.
Một dạo thì gọi điện thoại cho cụ nhiều lần. Rất nhiều lần. Rút cục cụ không nhận lời, vì sự cẩn trọng: cụ nhất định không nói những điều mình không rõ ! Cũng là trước năm 2000 rồi.
4. Quan trọng nhất vẫn là tác phẩm của cụ. Gần đây, về Mật tông và Phật giáo Mật tông trong lịch sử Việt Nam, tôi phải trở đi trở lại với một bài viết không dài của cụ. Bài về Đế Thích và tầng "tam thập tam thiên". Sự cẩn trọng toát lên từng dòng viết.
Một dạo viết về Hội chân biên, thì cuối cùng, rút cục vẫn rất tâm đắc với những gợi ý của Hà Văn Tấn. Dù cụ chỉ viết ngắn và nhanh thôi.
5. Một lần du lãng phương Nam cùng với một cộng sự của cụ, là học giả kiêm nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự, nhân đợt tái bản mới của cuốn sách viết chung Chùa Việt, thì chúng tôi nói nhanh lúc dừng chân ở Đồng Nai.
Chùa Việt là sách viết chung của Hà Văn Tấn với một nhóm cộng sự. Trong đó, có nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự.
Đại khái, sách ấy vô tình bỏ mất một điểm quan trọng nhất của chùa Việt. Quan trọng nhất, chứ không phải quan trọng thứ hai ! Tái bản mấy lần, nhưng vẫn bỏ quên ! Tôi nói nhanh vậy. Và cũng nói, là bản thân tôi còn đang chuẩn bị tư liệu, chưa ngồi viết ra được. Người cộng sự gặng hỏi nhiều lần, nhưng đành phải lấy lễ của người hậu học mà rằng, "cháu sẽ công bố phần đó đã, rồi sẽ trở lại".
Đến bây giờ, vẫn chưa công bố được. Thậm chí, còn chưa viết ra được.
Từ lúc có ý tưởng đến lúc viết ra được, đâu phải chuyện đơn giản. Cho dù tư liệu thì càng ngày càng đầy, đến mức có thể tạm xem là đủ rồi !
Sẽ trở lại với Chùa Việt, khi mà đã công bố như đã trao đổi nhanh với người cộng sự của cụ ở Đồng Nai nhiều năm về trước.
Tháng 11 năm 2019,
Giao Blog
---
CẬP NHẬT THÔNG TIN
3.
"
GS, NGND Hà Văn Tấn bị một cơn đột quỵ nặng ngày 18/4/2001, khi mà sức làm việc của Ông còn tràn đầy năng lực sáng tạo. Đó là một tổn thất to lớn không thể bù đắp đối với nền học thuật nước nhà, trên con đường nhận thức sự biến đổi văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Gần hai mươi năm trên giường bệnh, Ông đã không khuất phục số phận đen đủi giáng vào mình, vẫn chiến đấu kiên cường trên con đường truy tìm sự thật lịch sử, bản sắc văn hóa, đặc điểm tư tưởng, tôn giáo của các sắc dân sinh tụ trên đất Việt Nam. Đọc lời mở đầu ông viết cho cuốn sách Chữ Trên Đá Chữ Trên Đồng, xuất bản năm 2002 và Sự Sinh Thành Việt Nam (1) xuất bản năm 2017, khiến ta kinh ngạc về sự uyên bác, thông tuệ của Ông.
Hai mươi tuổi trở thành giảng viên đại học, hai hai tuổi khảo cứu, chú giải Dư Địa Chí, ba mươi tuổi viết Chống Nguyên Mông. Ông để lại cho hậu thế gần 300 công trình khảo cứu về các nền văn hóa xưa, về văn minh Sông Hồng, về lịch sử cổ trung đại Việt Nam, về lịch sử tư tưởng Việt, về triết học Ấn Độ và Phật giáo Việt Nam, về lý luận sử học... Ở lĩnh vực nào, Ông cũng để lại dấu ấn của một trí tuệ trác việt. Ông nhất định là tài năng kiệt xuất, là nguyên khí hiếm hoi mà quốc gia có được.
Không chỉ lỗi lạc trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Thầy Hà Văn Tấn còn là bậc danh sư được các đồng nghiệp và học trò kính trọng, nể phục. Các bài giảng của Ông về bất kỳ lĩnh vực nào cũng mang lại một lượng thông tin mới mẻ, phong phú và hệ thống. Và hơn thế, chúng truyền cảm hứng say mê khám phá cho học trò.
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Thầy giảng hàng loạt chuyên đề - phương pháp luận sử học, sử liệu học, văn bản học, các trường phái triết học lịch sử phương tây, lịch sử sử học, triết học Ấn Độ - cho cán bộ trẻ khoa sử. Nhóm thành viên bộ môn Phương pháp luận Sử học gồm các anh Phạm Xuân Hằng, Trần Kim Đỉnh, Hoàng Hồng và tôi được khai tâm như thế. Thầy là cha đẻ ngành lý luận sử học hiện đại của đất nước.
Năm 1988, trong bài điếu tiễn biệt GS Đào Duy Anh, Hà Văn Tấn ví thầy mình như một tòa lâu đài tri thức mà ông chỉ có thể soi vào đó qua một ô cửa. Có thể Ông khiêm cung giữ vững đạo thầy trò. Phải rất lâu nữa, đất nước mới xuất hiện những bộ óc kiệt xuất như các ông Đào Duy Anh - Hà Văn Tấn.
Xin vĩnh biệt Thầy Hà Văn Tấn, một nhân cách lớn, một nhà bác học lớn, và có thể nhà bách khoa thư cuối cùng của Việt Nam.
_______
1. Hai cuốn sách trên tập hợp các bài viết đã công bố của tác giả.
"
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2507652909515175&id=100008114712418
2.
"
Vẫn biết là Thầy đã rất yếu, và cái ngày phải xa thầy đã gần lắm rồi. Nhưng cái tin GS Hà Văn Tấn mất đến lúc nửa đêm vẫn khiến tôi thực sự shock. Vậy là một nhà khoa học lớn, một người thầy tận tâm, một nhân cách đáng kính đã vĩnh viễn rời xa chúng ta.
Đêm không ngủ, nằm ngẫm lại mới thấy ảnh hưởng của Thầy đối với mỗi đứa thuộc lớp hậu sinh trong khoa học lịch sử chúng tôi thật không thể hình dung được. Cũng nói thật, lâu nay trong dân gian, và nhất là trong giới chức xuất thân Đại học Tổng hợp Hà Nội, vẫn lưu truyền những câu chuyện về "bộ tứ huyền thoại" trong giới sử học đương đại nước nhà: "Lâm - Lê - Tấn - Vượng" (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, và GS Trần Quốc Vượng). Không ít người coi đó là "tứ trụ" của sử học đương đại Việt Nam. Tôi thì không nghĩ như vậy. Nói rằng, các Thầy là tứ trụ của khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội thì đúng, chứ nói rằng các Thầy là tứ trụ của khoa học lịch sử Việt Nam hiện đại, e rằng hơi quá. Diện mạo sử học đương đại Việt Nam còn có nhiều gương mặt xuất sắc khác: GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu, GS Nguyễn Hồng Phong, GS Trương Hữu Quýnh, GS Chương Thâu, cụ Hoàng Xuân Hãn, cụ Phan Khoang, Tạ Chí Đại Trường... Và lớp hậu sinh cũng rất xứng đáng với những gương mặt xuất sắc như GS Nguyễn Quang Ngọc, GS Lâm Mỹ Dung, GS Phạm Quang Minh, sử gia hải ngoại Nguyễn Duy Chính,...
Nhưng không thể phủ nhận: "bộ tứ Lâm - Lê - Tấn - Vượng" là những miếng ghép vô cùng quan trọng trong khoa học lịch sử Việt Nam đương đại. Và tôi luôn cảm thấy may mắn, tự hào khi được theo học các Thầy trong suốt thời sinh viên cũng như sau này, khi đã đi làm và học sau đại học. Cá nhân tôi cho rằng, GS Hà Văn Tấn là NGƯỜI KHỔNG LỒ CUỐI CÙNG của khoa học xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay và tương lai, sẽ chẳng bao giờ còn có thể xuất hiện một cá nhân xuất chúng bao trùm trên nhiều lĩnh vực (sử học, khảo cổ học, văn hoá học, cổ văn bản bản học, và Phật giáo học) như GS Hà Văn Tấn. Một mẫu hình như GS Hà Văn Tấn là không tưởng trong tương lai.
Sinh thời, GS Hà Văn Tấn được biết đến với tư cách là một học giả xuất sắc, với những nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử cổ-trung đại Việt Nam; một trong những nhà khảo cổ học hàng đầu của đất nước; một nhà nghiên cứu văn hoá có những thành tựu nổi bật; một nhà nghiên cứu Phật giáo học mà độ khả tín khiến không chỉ bạn đọc, mà chính chúng tăng ni cũng phải ngả mũ bái phục. Ông là một trong hai học giả hiện đại của Việt Nam có thể đọc được cổ văn Hán và Phạn (người còn lại là thầy Lê Mạnh Thát - cảm ơn anh Hoàng Hải Vân đã nhắc nhớ). Với khả năng sử dụng thành thạo 8 ngoại ngữ, GS Hà Văn Tấn có khả năng tra cứu/so sánh nhiều nguồn tài liệu khác nhau để thực hiện nghiên cứu và xuất bản những công trình để đời.
Năm 1960, khi mới 23 tuổi, GS Hà Văn Tấn đã có xuất bản phẩm đầu tiên (viết chung với GS Trần Quốc Vượng): "Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam" (Nxb Giáo dục). Từ đó đến nay, ông đã xuất bản hàng chục cuốn sách và hơn 250 bài nghiên cứu trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước. Để đánh giá về các công trình nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn, hậu thế sẽ phải dành ra nhiều thời gian và công sức để đọc/thẩm định/và phân tích. Một bài viết ngắn khó có thể chuyển tải nổi. Chỉ biết rằng, mỗi công trình của ông luôn được giới học thuật hứng thú đón đợi và đánh giá cao. Công trình viết chung với PGS Phạm Thị Tâm "Kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ 13" được nhiều học giả uy tín coi là TUYỆT PHẨM. Đây là một công trình nghiên cứu được trình bày mẫu mực, cấu trúc chặt chẽ, văn phong hàn lâm/trong sáng. Đặc biệt, nguồn sử liệu được các tác giả sử dụng thì vô cùng phong phú, với nhiều nguồn khác nhau, và khả tín. Một công trình nghiên cứu lịch sử nhưng có sức mê hoặc cả những người đọc khó tính nhất.
Đám hậu sinh xuất thân khoa Lịch sử (Đại học Tổng hợp Hà Nội) chúng tôi mỗi khi ngồi với nhau thường hay nói chuyện về các Thầy, nhất là thầy Trần Quốc Vượng và thầy Hà Văn Tấn. (Xin lỗi, hơi vô phép tí, nói theo ngôn ngữ của đám học trò mất nết ham nhậu, là mang các Thầy ra "nhắm"). Với chúng tôi, cả hai Thầy đều là những tấm gương lớn trong học thuật, những nhân cách tuyệt vời trong cuộc sống. Chúng tôi kính trọng và yêu quý cả hai.
Nhưng ngẫm lại, cá nhân tôi thấy rằng, hình như vị thế của mỗi Thầy trong tôi có sự khác nhau nào đó. Tôi nể phục, kính trọng, ngưỡng mộ và gần gũi nhiều hơn với GS Trần Quốc Vượng. Ông là Người Tài. Với khoa học, ông là người nhạy bén trong phán đoán, táo bạo trong tư duy, dũng cảm trong thể hiện quan điểm. Với đời thường, ông ngang tàng, phóng khoáng, khoái hoạt. Với các môn đệ, ông luôn bao dung, đôi lúc cưng chiều như con cái. Ông có cái "Ngông" của kẻ sĩ. Ông là một hấp lực rất khó cưỡng. GS Hà Văn Tấn có khác đôi chút. Ông lịch duyệt, chừng mực, chặt chẽ, nghiêm cẩn, kỷ luật, và luôn đòi hỏi cao nhất ở môn đệ của mình. Ông không dễ gần, nhưng cũng không thể rời xa.
Đối với tôi, sự khác biệt lớn nhất giữa GS Trần Quốc Vượng và GS Hà Văn Tấn là ở chỗ: tôi kính trọng, yêu quý và ngưỡng mộ GS Trần Quốc Vượng, nhưng không thể học theo Thầy; còn với GS Hà Văn Tấn, muốn hay không, tôi cũng phải học. Tôi không đủ tài năng cũng như bản lĩnh, nếu học và sống "ngang tàng" theo cách của thầy Trần, thiên hạ đập vỡ thớt ngay. Nhưng đã làm nghề, tôi không thể không học/đọc và sống theo cách của GS Hà Văn Tấn. Bởi lẽ, GS Hà Văn Tấn chính là cha đẻ của bộ môn "Phương pháp luận sử học" ở Việt Nam. Và những nghiên cứu của ông luôn thể hiện sự mẫu mực: chặt chẽ trong cấu trúc, sắc bén trong lập luận, khả tín trong phê phán và sử dụng sử liệu, hàn lâm/trong sáng trong văn phong. Chính vì thế, Ông có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ ở khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, mà rộng ra là cả ở giới nghiên cứu lịch sử hiện nay trên cả nước.
"
https://www.facebook.com/thanhson.mai.16/posts/2932329863452617
1.
GS Sử học Hà Văn Tấn qua đời ở tuổi 82
27/11/2019 22:57 GMT+7
- GS.NGND Hà Văn Tấn, trụ cột của Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), vừa qua đời ở tuổi 82.
GS.NGND Hà Văn Tấn (1937) tốt nghiệp ngành Lịch sử tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1957 với vị trí Á nguyên. Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường giảng dạy bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam. Ông được công nhận chức danh Giáo sư năm 1980, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1997.
GS. NGND Hà Văn Tấn, một trong 'tứ trụ' của sử học Việt Nam qua đời ở tuổi 82
Trên nửa thế kỷ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông đã hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đã công bố 298 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước. Ông còn là tác giả và đồng tác giả của trên 25 cuốn sách.
Những cuốn sách của ông có nhiều nội dung viết về lĩnh vực khảo cổ học. Khảo cổ học đòi hỏi một hiểu biết rộng và những tri thức liên ngành. Bởi vậy, ông lấn sang nghiên cứu Nhân học hình thể, đặc biệt là nghiên cứu về sọ, toán học thống kê, khảo cổ học Đông Nam Á tiền sử.
Mỗi khi khám phá và chinh phục được lĩnh vực mới, GS.NGND Hà Văn Tấn đều để lại dấu ấn của mình trên lĩnh vực ấy với những sản phẩm khoa học được đánh giá cao.
Niềm say mê và cũng là lĩnh vực thành công tiếp theo của GS.NGND Hà Văn Tấn là lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến XIV. "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông" (viết chung) là một cuốn sách tiêu biểu cho những nghiên cứu của ông về thời kỳ này.
Từ những năm 70, GS.NGND Hà Văn Tấn bắt đầu giảng cho sinh viên Khoa Sử các chuyên đề về Sử liệu học, Văn bản học… Đến năm 1982 ông đã đề xuất với Khoa và chuẩn bị mọi điều kiện để thành lập ở Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bộ môn Phương pháp luận sử học mà sau đó ông được phân công làm chủ nhiệm Bộ môn.
GS.NGND Hà Văn Tấn còn chú trọng đào tạo chuyên môn cho các cán bộ trong Bộ môn Phương pháp luận sử học, hướng dẫn đội ngũ cán bộ trẻ xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo, hỗ trợ tư liệu học tập nghiên cứu...
Đáng tiếc là dự định viết một cuốn sách giáo trình về phương pháp luận, sử liệu học, văn bản học, ấn chương học, cổ văn tự học, minh văn học,... chưa xong thì ông lâm trọng bệnh.
Ông được phong hàm Giáo sư năm 1980, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1997 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ năm 2000.
Nhưng cao hơn cả, ông là một trong “tứ trụ” của sử học Việt Nam. Sự đóng góp của những người Thầy như ông đã làm nên Khoa Lịch sử của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Thúy Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.