Cùng năm 2019 này, con có Tân Nhàn với Cô đôi Thượng Ngàn.
Sưu tập từ các nguồn khác nhau.
---
Cho dù nó cũng nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau, song, các nữ ca sĩ đã và đang chịu đầu tư một khoản tiền khá lớn, theo cách nào đó, để phục hồi và giữ gìn di sản văn hóa cha ông thì đó là một điều đáng ghi nhận.
Có một thời kỳ dài, cứ nghe đến nhạc trẻ, là khán giả phải đối diện với những ca từ chẳng đâu vào đâu với những thất vọng, đau khổ, chia ly, gào thét... Thậm chí, giới chuyên môn đã phải nói đến vấn đề báo động trong âm nhạc dành cho giới trẻ.
Thế rồi, cái gì nhàm lâu cũng đi qua, âm nhạc cho giới trẻ trong thời điểm hiện tại được tạo nên từ nhiều trào lưu, dấu ấn. Một trong những dấu ấn đáng ghi nhận đó là khi giới trẻ tìm về với các điển tích văn học, dân gian, và gần hơn nữa, là họ đưa hình ảnh của tín ngưỡng thờ Mẫu, một thể loại âm nhạc phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại vào trong các MV, các đĩa hát xuất bản của mình.
Cho dù nó cũng nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau, song, các nữ ca sĩ đã và đang chịu đầu tư một khoản tiền khá lớn, theo cách nào đó, để phục hồi và giữ gìn di sản văn hóa cha ông thì đó là một điều đáng ghi nhận.
"Cô đôi Thượng ngàn" và sự "lột xác" của âm nhạc truyền thống.
Với hầu hết các ca sĩ hát nhạc truyền thống, cái gọi là "lối mòn" là điều không thể tránh khỏi. Dường như các cách thể hiện quá giống nhau khiến khán giả bị... nhàm chán. Tuy nhiên, trên con đường theo đuổi dòng nhạc truyền thống, họ có những "cú hích" làm nên một thương hiệu cho riêng mình không trộn lẫn.
Bởi vì việc rẽ sang một hướng khác là sự mạo hiểm. Không chỉ mất công sức để tìm hiểu, học hỏi một dòng nhạc mới mà việc khán giả có đón nhận sự thay đổi của nghệ sĩ hay không cũng là một trở ngại không hề nhỏ.
Ca sĩ Tân Nhàn có bước chuyển mình năm 2013 khi chị ra mắt album “Yếm đào xuống phố” với cách hát chèo cổ theo phong cách Jazz. Cuối năm 2018, Tân Nhàn trở lại bằng “Níu dải lụa đào” – album gồm các làn điệu, bài dân ca cổ nổi tiếng. Hai album này của chị lại được khán giả và giới chuyên môn phản hồi rất tốt. Đó cũng là yếu tố để giúp chị tự tin thực hiện liveshow “Trở về” vào tháng 3-2019 vừa qua.
Ca sĩ Tân Nhàn trong hình ảnh Cô Đôi thượng ngàn. |
Điều đặc biệt nhất là trong liveshow đó, phần trình diễn "Cô đôi Thượng Ngàn", một ca khúc thuộc về tín ngưỡng thờ Mẫu lại là một điểm nhấn khi lần đầu tiên, ca khúc thường đi kèm với đàn ca sáo nhị lại được thể hiện cùng dàn nhạc giao hưởng.
Tân Nhàn hóa thân thành “Cô Đôi Thượng Ngàn” trong trang phục chầu văn duyên dáng, tay cầm chiếc quạt xanh giữa dàn vũ công đông đảo với nến, quạt… Phần âm nhạc của bài hát vẫn giữ nguyên những nét truyền thống của chầu văn nhưng thêm vào đó là phần đệm của dàn nhạc giao hưởng khiến “Cô Đôi Thượng Ngàn” trở nên mới mẻ hơn.
Cách hát của Tân Nhàn mềm mại, đưa đẩy và sống động khiến khán giả không thể ngồi yên mà vỗ tay theo phần trình diễn này. Khi khoác lên tấm áo hiện đại cho âm nhạc dân tộc, Tân Nhàn đã tạo nên một sắc diện rất mới, rất gây tò mò mà vẫn giữ được tinh thần âm nhạc dân tộc Việt.
Ca sĩ Tân Nhàn, khi được hỏi về sự phá cách này, chị chia sẻ: Để làm album “Níu dải lụa đào” cũng như để ra mắt live show, chị đã mất 2 năm để “tầm sư học đạo”, tìm đến nghệ nhân ở các vùng miền để học hát các ca khúc, làn điệu cổ như chèo: “Đào liễu”, “Duyên phận phải chiều”; hát văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”; các làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng như “Tương phùng tương ngộ”, “Lúng liếng”, “Ngồi tựa song đào”; bài xẩm chợ “Mục hạ vô nhân”; giá văn “Cô đôi thượng ngàn” lời cổ.
Chị muốn được chắt lọc những tinh hoa, tinh túy từ thế hệ đi trước để học cách hát sao cho vừa ra chất cổ, vừa có cái hồn riêng của mình. Đó cũng là lý do để chị ấp ủ và nung nấu ý định về việc hát nguyên bản những bài ca, làn điệu cổ trong album “Níu dải lụa đào”.
Tân Nhàn cho rằng, không phải nhạc truyền thống không có người nghe, ca sĩ theo dòng nhạc truyền thống cũng không nghèo, chỉ cần cái cách mà họ thể hiện tới độc giả nó mới và cuốn hút. Điều mong muốn nhất của chị là thông qua các ca khúc của chị, sẽ gây một tiếng vang để khán giả “giật mình” quay lại với âm nhạc truyền thống.
Lâu nay âm nhạc truyền thống phát triển nhỏ lẻ, manh mún, ở góc nào đó của sân khấu cũng như tạo cảm hứng cho những lớp các ca sĩ trẻ kế cận.
Để rồi giờ đây, âm nhạc truyền thống gợi cảm hứng không chỉ trong các buổi hát chầu văn, mà chỉ cần mở album của một ca sĩ trẻ, vẫn nghe văng vẳng đâu đây lời hát của giá "Cô đôi Thượng ngàn": "Ngọc điện chốn kim môn, cô ra vào ngọc điện chốn kim môn/ Danh thơm ngoài cõi tiếng đồn trong cung/ Xinh thay một thú cô Đôi ngàn/ Bầu trời cảnh phật phong quang bốn mùa/ Trên bát ngát trăm hoa đua nở/ Dưới cảnh bầy cầm thú đua chơi/ Chim bay phấp phới mọi nơi/ Cá theo ngược nước lượn bơi vẫy vùng/ Trên rừng tùng gió rung lác đác/ Đỉnh sườn non đá chất cheo leo/ Sông Thương nước chảy trong veo/ Thuyền xuôi người ngược có tiếng hò reo vang lừng/ Nhìn đá núi mấy tầng cao thấp/ Ngàn cỏ hoa tăm tắp màu xanh...".
"Tứ phủ" - Thăng hoa hát về Thánh Mẫu
Khác với cách "làm mới" âm nhạc truyền thống của ca sĩ Tân Nhàn, ca sĩ Hoàng Thùy Linh, với sự biến ảo đầy màu sắc và quyến rũ trong MV mới "Tứ phủ", một ca khúc vừa ra mắt trung tuần tháng 8-2019 nhưng nhận được rất nhiều lời chúc tụng của khán giả và giới chuyên môn về sự "làm mới" và theo đuổi cảm hứng âm nhạc lấy từ truyền thống của Hoàng Thùy Linh.
Một cảnh trong MV "Tứ Phủ". |
Việc thực hiện MV này được Hoàng Thùy Linh ấp ủ suốt gần một năm qua với mong muốn mang vào trong âm nhạc không gian hùng tráng và linh thiêng của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
MV sử dụng chất liệu âm nhạc cổ truyền biến tấu cùng nhạc điện tử, do nhà thơ Ngân Vi, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phổ giai điệu và phần phối khí của Triple D-Long Halo phụ trách. Phần âm thanh sử dụng chủ yếu đàn bầu và kèn đám ma, thay vì những nhạc cụ quen thuộc của nghi thức hát chầu văn như tiêu cảnh, thanh la, mõ.
Trong MV "Tứ phủ" lấy cảm hứng từ đạo Mẫu và thần tích về Cô Bơ Thoải, một vị thánh nổi tiếng trong Tứ phủ. Theo huyền tích, cô là một người con gái xinh đẹp, nết na, tài giỏi, đã giúp vua nhà Lê thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Khi từ biệt, vua hứa quay lại trả ơn và phong cô làm phi tần. Vì lời hứa này, đến khi thác, hóa về trời, cô vẫn một lòng trung trinh, son sắt. Các huyền tích về Cô Bơ có nhiều dị bản trong dân gian.
Mặc dù vậy, Hoàng Thùy Linh khẳng định, cô cùng êkip chỉ mượn một vài nét chấm phá đẹp nhất của hình tượng trên, còn những điểm khác nằm ở sự tưởng tượng cũng như suy nghĩ của khán giả. MV "Tứ phủ" mang màu sắc liêu trai. Hoàng Thùy Linh mặc váy trắng, thể hiện ca khúc mang âm hưởng nhạc dân gian bên cạnh dàn vũ công trình diễn các vũ đạo gợi nhắc đến nét văn hóa hầu đồng.
Hoàng Ku, người phụ trách về tạo hình trong MV chia sẻ, cả êkíp đã tìm hiểu về trang phục Cô Bơ trong đạo Mẫu, nhưng chỉ lấy cảm hứng chứ không phải tái hiện hoàn toàn. Trang phục ngoài yếu tố tín ngưỡng còn phải có tính thời trang trong đó. Hoàng Thùy Linh gửi bản thu ca khúc cho nhà thiết kế Công Trí để anh cảm nhận và thực hiện cho cô bộ váy có thiết kế với từng hạt ngọc được nạm thủ công.
Trong "Tứ Phủ", trang phục với màu trắng chiếm chủ đạo: một chiếc khăn vành dây với tấm khăn trùm bên ngoài, trang phục cùng một dải lụa, tất cả đều có màu trắng, thậm chí đến cả hoa tai của nữ ca sĩ cũng sử dụng tông trắng. Đó là hình tượng của một vị Thánh thuộc về miền Thoải phủ - tức miền sông nước.
Hoàng Thùy Linh chia sẻ, với "Tứ phủ", cô như tìm thấy chiếc chìa khóa mở cánh cửa bước vào ngôi đền chứa đầy huyền tích dân gian, cô cảm thấy nghẹt thở vì câu chuyện và nét đẹp vĩ đại của người phụ nữ trong tích xưa, đã vượt ra khỏi những khuôn mẫu thông thường, cho thấy người phụ nữ Việt dù ở thời đại nào cũng vẫn giữ tấm lòng son.
Hoàng Thùy Linh hóa thân vào hình tượng Cô Bơ.
|
Khi làm MV này, cô không tự cho mình sứ mệnh gì cao đẹp mà chỉ mong muốn đưa câu chuyện từ huyền tích trên vào một bài hát đương đại.
Lời bài hát của "Tứ phủ" khiến cô cảm thấy "run rẩy" khi ngân lên: "Run run ngọc vỡ con tim này/ Ai thêu gấm lên đồi hoang vu/ Đào phai mấy kiếp thân em đoạ đày/ Đời gập ghềnh thuyền tình chòng chành chao nghiêng/ Đành vùi mình vào chốn linh thiêng/ Nam mô A di đà.../ Người phụ người bạc tình phận này chua cay/ Này trời kia người có ai hay, hỡi khắp thế gian/ Em khóc cúi mặt Cửu Trùng Thiên/ Nơi đây đại ngàn em chờ thiên thu/ Trách phận vô duyên/ Mênh mênh mây nước không trôi về nguồn/ Như anh không đến bên đời hoang vu/ Và em đã biết kêu tên nỗi buồn/ Ngày nhặt mình nhặt từ chuyện tình chao nghiêng/ Lời tự tình dài suốt đêm riêng/ Nam mô A di đà/ Người miệt mài dệt mộng dệt trời khơi xa/ Vội vàng người đã quên ta, hỡi khắp thế gian/ Em khóc cúi mặt Cửu Trùng Thiên/ Nơi đây đại ngàn em chờ thiên thu...".
Sau khoảng 2 ngày ra mắt, MV "Tứ phủ" đã thu hút được hơn 2 triệu lượt xem trên YouTube. Dù đầu tư khá công phu, kỹ lưỡng nhưng "Tứ phủ" của Hoàng Thùy Linh cũng gặp nhiều ý kiến khen chê khác nhau từ phía khán giả và các nhà chuyên môn.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng, lấy tựa đề là "Tứ phủ" rộng quá. Vì "Tứ phủ" chính là quan niệm và nhận thức của người Việt xưa về vũ trụ và thế giới.
"Tứ phủ" gồm Thiên phủ, Địa phủ, Thoải phủ và Nhạc phủ lần lượt tương ứng với 4 miền: trời, đất, nước và rừng, mỗi miền, mỗi phủ sẽ do nhiều vị thánh cai quản, thứ bậc các vị cũng được phân chia sau trước rõ ràng. Trên nhất là Chư Phật, dưới Phật lần lượt có Vua cha (Ngọc hoàng Thượng đế), Thánh mẫu, Quan lớn, Chầu bà, ông Hoàng, Thánh cô, Thánh cậu... mỗi vị đều có một thần tích đi kèm, đều là những câu chuyện chống giặc ngoại xâm, giúp đỡ dân lành, diệt trừ kẻ ác... thể hiện khát vọng muôn đời của bao thế hệ.
Bên cạnh đó, hệ thống thờ tự của tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện sự giao lưu tôn giáo và biến chuyển của người Việt trong việc khi có sự pha trộn giữa Phật giáo, Đạo giáo với lớp tín ngưỡng bản địa. Hoàng Thùy Linh chỉ thể hiện tích về cô Bơ thoải phủ mà lấy cái tên "Tứ phủ" thì không thể hiện được cái bản sắc riêng của cô Bơ và cũng rộng quá, ôm đồm quá mà chưa tới...
Có thể nói, âm nhạc hiện đại đang biến hóa nhiều chiều, đặc biệt là giới trẻ, cho dù còn có những hạn chế nhất định, song thực tế cho thấy, họ đã làm mới âm nhạc dân gian, đưa âm nhạc dân gian vào đời sống, không gian của giới trẻ và tạo được hiệu ứng đối với khán giả trẻ, đó là một thành công ngoài mong đợi.
Trong khi âm nhạc trẻ đang loay hoay tìm cho mình những hướng đi, thì sự trải nghiệm của các ca sĩ và sự trở về nguồn của âm nhạc dân tộc, tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng là một điều đáng để xem, nghe và suy ngẫm...
Trần Hoàng Thiên Kim..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.