Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

17/06/2019

Nước mắm truyền thống ở Cát Bà thời 1950s, và dòng họ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

Gần đây, trong một bài viết học thuật ngăn ngắn về Cát Bà (tâm điểm của huyện đảo Cát Hải - Tp. Hải Phòng), tôi có nhấn mạnh đến nước mắm Cát Hải - nước mắm Cát Bà với mùi khăm khẳm đặc trưng. Bài đó đã nói nhanh ở đây.

Nước mắm Cát Hải có mùi khăm khẳm đặc trưng, đó là kiến thức có được qua trải nghiệm cá nhân bằng các lần ra Cát Bà. Lần gần đây nhất là năm 2013, xem ở đây.

Lần ấy, lúc trở vào bờ, phải đi phà, thì ngẫu nhiên gặp hai ông khách say rượu người huyện Kiến Thụy, rõ ràng chở 10 lít nước mắm bằng can nhựa trắng trên xe máy, mà liêng biêng thế nào, lúc sang bờ kiểm tra đã vơi quá nửa (can bị rò rỉ hay bật nút đậy gì đó) ! Cả cái xe máy một mùi khẳm khẳm ! Hai ông thì nồng nặc mùi rượu, trộn lẫn với mùi nước mắm ! Nhớ rất rõ !

Bây giờ, qua sưu tập của bác Tạ Thu Phong, chúng ta có cơ hội nhìn lại cái thời 1950s nước mắm sản xuất ở Cát Hải - gắn với gia tộc họ Đoàn. Đó là gia tộc sản xuất nước mắm truyền đời, gắn với thương hiệu nước mắm Vạn Vân nổi danh một thời, cũng là gắn với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Thêm một nốt nhạc nữa, để biết đến Đoàn Chuẩn trong tương quan với nước mắm Vạn Vân có mùi khẳm khẳm đặc trưng, với sóng nước Cát Bà, với các làng chài của người Việt gốc Hoa.


Năm 2013, lần ngẫu nhiên gặp hai ông khách huyện Kiến Thụy chở can nước mắm 10 lít


Dưới là tư liệu của nhà sưu tập họ Tạ.



---



"


"Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét".

Câu thành ngữ trên đủ thấy vị thế của nước mắm Vạn Vân trong các sản vật xứ Bắc. 

Được thành lập vào năm 1916 bởi ông Đoàn Đức Ban (1899-1933), nước mắm Vạn Vân ban đầu chỉ là xưởng sản xuất ở Cát Hải-Hải Phòng. Sau thời gian thì thương hiệu nước mắm Vạn Vân đã nổi danh không chỉ ở Bắc Kỳ mà toàn xứ Đông Dương. 

Năm 1933 ông chủ sáng lập Vạn Vân qua đời. Thương hiệu này được giao lại cho bà vợ và người con trai cả là Đoàn Đức Trình quản lý. Riêng cậu công tử thứ hai là Đoàn Đức Chuẩn không theo nghề mà rẽ hướng âm nhạc để rồi sau trở thành nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924-2001) lừng danh trong làng âm nhạc Việt Nam. Với thế đứng vững chắc và thị phần rộng lớn, Vạn Vân tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho đến thời điểm của những biến cố.

Thập niên 1950, miền Bắc Việt Nam có hai sự kiện lớn: cải cách ruộng đất ở nông thôn và Cải tạo công thương ở Thành thị. Trong cuộc cải tạo công thương diễn ra năm 1959, hãng buôn Vạn Vân của Đoàn gia cùng 54 xưởng sản xuất nước mắm nhỏ khác bị sát nhập vào quốc doanh trở thành Công ty cổ phần chế biến dịch vụ thuỷ sản Cát Hải. Thương hiệu nước mắm Vạn Vân lừng danh suốt nhiều thập niên bị xoá sổ, thay vào đó là cái tên nước mắm Cát Hải. Thương hiệu Cát Hải tồn tại cho đến ngày nay.

Nhưng trước khi bị sát nhập quốc doanh, hãng Vạn Vân đã trải qua giai đoạn hoạt động rất khó khăn bởi chính sách mới của Nhà nước. Đây là tin năm 1957 trên báo Nhân dân về việc xử phạt hành động kinh doanh của hãng Vạn Vân.



"




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.