Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

01/05/2019

Một biểu tượng tình hữu nghị Việt - Nhật (bài Shiraishi)

Một bài viết bằng tiếng Việt trên tờ Thanh Niên của học giả Shiraishi - người Nhật Bản, chuyên gia về sử cận hiện đại Việt Nam. Lĩnh vực hẹp của ông là về Phan Bội Châu (luận văn tiến sĩ sử học của ông là về Phan Bội Châu đã được xuất bản, cũng đã có bản dịch tiếng Việt được xuất bản tại Việt Nam khoảng 20 năm trước).

Bài đã lên mạng từ tháng 10 năm 2018, nhưng bây giờ tôi mới thấy.

Tạm đưa về đây.

Nhìn chung là một bài nhàn nhạt. Không nghĩ đó là bài của Shiraishi. Có chút lăn tăn. Trong hội thảo cuối tháng 12 năm 2017 (đã tạm ghi nhanh ở đây), bác Shiraishi cũng có trình bày một bài ở phiên toàn thể. Lúc đó, cũng đã nghĩ lăn tăn rồi (còn có hai lăn tăn khác, thì đã viết nhanh ở đây).

---






Giáo sư Tiến sĩ Shiraishi Masaya (Đại học Waseda, Nhật Bản)


06:30 - 23/10/2018

Năm nay, Việt Nam và Nhật Bản tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Một trong những hoạt động đáng chú ý nhất là lễ kỷ niệm 100 năm dựng bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro (1867 -1910).
Lễ kỷ niệm 100 năm dựng bia tưởng niệm bác sĩ y khoa Asaba Sakitaro đã được tổ chức tại thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka của Nhật Bản cuối tháng trước.
Bác sĩ Asaba là một trong những người hỗ trợ nhiệt tình nhất cho phong trào Đông Du vào đầu thế kỷ 20, nhưng ông qua đời vào năm 1910 vì bạo bệnh. Năm 1918, nhà yêu nước Phan Bội Châu quay trở lại Nhật sau một thời gian sống ở Trung Quốc và đã đến làng Asaba (nay là thành phố Fukuroi), quê hương của bác sĩ Asaba, để dựng tấm bia tưởng niệm trong khuôn viên chùa Jorin-ji.
Sự tồn tại của tấm bia tưởng niệm này, cũng như mối giao lưu giữa chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro được biết đến rộng rãi sau sự kiện kỷ niệm 85 năm dựng bia vào năm 2003. Khi đó, vợ chồng cháu nội của cụ Phan là Phan Thiệu Cơ đã được mời tham dự buổi lễ (Đại tá Phan Thiệu Cơ đã qua đời tại TP.HCM vào năm 2013 - TN).




Bia tưởng niệm của cụ Phan Bội Châu: Một biểu tượng tình hữu nghị Việt - Nhật - ảnh 1

Cụ Phan Bội Châu (ngồi, thứ hai từ phải sang) và dân làng Asaba trước tấm bia
ẢNH TƯ LIỆU
Tháng 3.2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản. Khi phát biểu trong tiệc chiêu đãi tại Hoàng cung do Nhà vua Nhật Bản chủ trì, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã nói: “Năm 2013, bộ phim “Người cộng sự”, sản phẩm của sự cộng tác giữa các đài truyền hình hai nước, đã làm xúc động hàng triệu trái tim người dân Việt Nam và bạn bè Nhật Bản khi kể lại tình bạn cao đẹp giữa chí sĩ yêu nước Việt Nam Phan Bội Châu và bác sĩ Nhật Bản Asaba Sakitaro những năm đầu thế kỷ 20.”
Mùa xuân năm 2017, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã sang thăm chính thức Việt Nam. Sau khi tham dự các sự kiện chính thức tại Hà Nội, Nhà vua và Hoàng hậu đã ghé thăm cố đô Huế. Chiều 4.3, Nhà vua và Hoàng hậu đi thăm Nhà lưu niệm Phan Bội Châu và gặp gỡ, chuyện trò thân mật với một người cháu khác của cụ Phan là Phan Thiệu Cát. Đến tháng 7.2018, Nhà vua và Hoàng hậu đã mong muốn ghé qua thành phố Fukuroi, viếng thăm bia tưởng niệm ở chùa Jorin-ji trong chuyến du lịch riêng tư đến tỉnh Shizuoka nhưng do trận mưa lũ tấn công miền tây nước Nhật thời điểm đó nên đành hủy bỏ kế hoạch.
Ngày 15.12.2017, Hội thảo Khoa học Việt – Nhật kỷ niệm 150 năm ngày sinh Phan Bội Châu và Asaba đã được tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Sang ngày 16.12 đã diễn ra lễ mừng Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu ở huyện Nam Đàn được chính phủ Việt Nam công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Trước buổi lễ, vở ca kịch mới có nội dung về cuộc đời nhà cách mạng Phan Bội Châu cũng được công diễn. Điểm nhấn của màn thứ 2 trong vở kịch 3 màn là về mối giao lưu giữa cụ Phan và bác sĩ Asaba. Màn thứ 2 kết thúc bằng cảnh Phan Bội Châu và nhóm người Việt Nam dựng bia tưởng niệm ở chùa Jorin-ji
Đúng 100 năm kể từ ngày được dựng lên, tấm bia tưởng niệm cao gần 3 m đã trải qua bao phong ba bão táp, âm thầm dõi theo sự thay đổi của mối quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Trong tình hình đầy biến động của khu vực Đông Á, tuy quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều thăng trầm trong quá khứ nhưng sự mở rộng và gắn bó những năm gần đây thật sự đáng kinh ngạc.
Không chỉ Nhật Bản là đối tác hàng đầu của Việt Nam mà đối với Nhật Bản, tầm quan trọng của Việt Nam ngày càng tăng cao. Nếu nói về giao lưu nhân dân, lượng khách từ Nhật Bản thăm Việt Nam vào năm 2017 đã tăng 1,7 lần so với năm 2011, ngược lại, lượng khách từ Việt Nam thăm Nhật Bản cũng đang gia tăng nhanh chóng, lên 7,6 lần. Số người Nhật lưu trú dài hạn tại Việt Nam tăng gấp 2 lần, số người Việt Nam lưu trú dài hạn tại Nhật Bản là 5,9 lần, đặc biệt là người lao động và du học sinh.
Phản ánh xu thế nêu trên, thành phố Fukuroi, nơi có tấm bia tưởng niệm, cũng đang đẩy mạnh phát triển giao lưu với Việt Nam. Từ năm 2009, thành phố đã bắt đầu chương trình homestay ngắn ngày cho du học sinh Việt Nam lưu trú ở tỉnh Shizuoka. Trong năm nay, năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, thành phố đã tổ chức Festival phim Việt Nam. Bên cạnh đó, kết hợp với sự kiện kỷ niệm 100 năm dựng bia tưởng niệm bác sĩ Asaba, phái đoàn công tác gồm 19 người của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đến thành phố, cùng những người đồng cấp phía Nhật Bản tiến hành tọa đàmvề kinh doanh liên quan đến internet, ký kết biên bản ghi nhớ về tiếp tục các chương trình hợp tác với Phòng Thương mại thành phố Fukuroi.
Tình bạn đầu thế kỷ 20 giữa nhà cách mạng Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba đã vượt qua quãng thời gian 100 năm, kết nối với mối quan hệ giao lưu hiện tại và dẫn đến tương lai.
https://thanhnien.vn/the-gioi/bia-tuong-niem-cua-cu-phan-boi-chau-mot-bieu-tuong-tinh-huu-nghi-viet-nhat-1015548.html
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.