Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

14/02/2019

Cúng bái ở cơ quan nhà nước : sự kiện ở tòa soạn Đại Đoàn Kết năm 2012

Hồi báo chí đưa tin nhiều năm trước, chỉ nghĩ đơn giản là một vụ cúng động thổ bình thường mà thôi.

Nhưng sau 7 năm, thì bây giờ mới rõ thêm.

Bây giờ thì mới vỡ lẽ: lúc đó họ giải thích là cúng Bác Hồ vào dịp Tết.

Đó là sự kiện 7 năm về trước của ông Đinh Đức Lập lúc đó là Bí thư Chi bộ - Tổng Biên tập của tờ Đại Đoàn kết (cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - tức Việt Minh thời Cách mạng Tháng Tám 1945).

Bây giờ, tháng 2 năm 2019, một nhà báo lúc đó thuộc biên chế Đại Đoàn kết là bạn Từ Khôi nhắc lại sự kiện trên Fb. Từ Khôi là một bút danh của em Nguyễn Mạnh Thắng ở Khoa Ngữ văn thời Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày trước. Thời mới vào nghề báo, Từ Khôi có thực hiện một bài phỏng vấn dài với học giả Đinh Gia Khánh - lúc ấy đã nghỉ hưu (đọc về cụ Đinh Gia Khánh ở đâyở đây). 

Theo bật mí của Từ Khôi, hóa ra cuộc cúng bái ấy là liên quan đến một chuỗi sự kiện của Vũ Nhôm ở Đà Nẵng (đọc nhanh về Vũ Nhôm ở đâyở đây).

Dưới là tư liệu do Từ Khôi vừa đưa lên.



---
"Đầu xuân cùng Giám đốc NXB Thanh Niên Nguyễn Trường chúc Tết nguyên Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa.
Nhớ những bài trên báo NCT phanh phui tiêu cực của ông Đinh Đức Lập Tbt báo Đđk thời điểm 2013-2014.

Đặc biệt là bài “Ông Đinh Đức Lập gian dối nhận giải báo chí Quốc gia” ngày 25.6.2014. Hội Nhà báo VN đã phải ra Quyết định xóa tên tác giả Đức Anh (Đinh Đức Lập) ra khỏi giải. Bài báo còn nhận giải Vành Khuyên. Chỉ sau hơn hai tuần, đến ngày 15.7.2014 là ông Lập biến khỏi chức danh Tbt."
https://www.facebook.com/khoi.tu.5283166/posts/171891843778679











1. Fb Từ Khôi (ngày 14/2/2019)

"



Sau khi ký tá với Vũ Nhôm để nhận 1 tỷ và cam kết không khiếu kiện nhà đất ở 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng với Công ty của Vũ Nhôm, ông Đinh Đức Lập nảy sinh thêm lòng tham và mong muốn nhanh chóng xơi tái luôn mảnh đất vàng 66 Bà Triệu, Hà Nội gần trung tâm Bờ Hồ linh thiêng là trụ sở báo.

Lần "hợp tác" sau này không thể không công khai và ông Đinh Đức lập vấp phải lực cản. Cầu cạnh sếp phần dương đã xong, ông xoay qua cầu cúng mê tín bất chấp các quy định cấm đối với Đảng viên.

Và tối Thứ Năm, ngày 19/7/2012, Bí thư chi bộ - Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập đã thực hiện hành vi mê tín, bày lễ linh đình trong phòng, ngoài sân cơ quan rồi mời thầy cúng, đốt vàng mã tại Trụ sở báo Đại Đoàn Kết (địa chỉ 66 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Bị phát giác và tố cáo, ông Lập loay hoay giải trình. Nhưng thấy lý do đó mà đưa ra thì to chuyện nên Cơ quan chủ quản đành... phớt lờ không giải quyết tố cáo.
Xin xem lại vụ này qua blog Hữu Nguyên.
"
https://www.facebook.com/khoi.tu.5283166/posts/172438380390692

2. Bài trên Blog Hữu Nguyên (2014)

"

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014



Tối ngày 19/7/2012, với cương vị Bí thư chi bộ Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, ông Đinh Đức Lập chỉ đạo cho Phó Bí thư Phó tổng biên tập Nguyễn Quốc Khánh và Trưởng ban kỹ thuật quản trị mạng Vũ Tiến Cường và Phó Ban Kế hoạch Tài chính Đinh Quang Sơn cùng với đại diện Công ty CP đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương – đơn vị cùng hợp tác xây dựng tòa nhà 66 Bà Triệu, tổ chức mời thầy cúng, với nghi lễ hoành tráng rồi đốt vàng mã cháy rực cả sân trụ sở báo Đại Đoàn Kết tại 66 phố Bà Triệu, Hà Nội. Một số nhân viên Ban Trị sự đã phải tất tả phục vụ, tất tả mua sắm đồ lễ suốt buổi chiều cho lễ cầu cúng này.

Giờ Tuất, nghi lễ cầu cúng được thực hiện tại phòng làm việc của ông Nguyễn Xuân Huy – Trưởng Ban Tuyên truyền quảng cáo và phát hành và ngoài sân cơ quan. Lúc này, ông Nguyễn Xuân Huy đang bị báo Người cao tuổi phanh phui vì hành vi môi giới hối lộ, cùng ông Lập làm giả giấy tờ, hồ sơ để theo học Tiến sĩ tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau màn “chập cheng” ở phòng ông Huy, Bí thư chi bộ Lập mời thầy cúng cùng bầu đoàn đệ tử kéo nhau ra giữa sân cơ quan tiến hành nghi lễ cầu cúng.

La liệt đồ cúng cùng nào voi nào ngựa, hình nhân, đã được bày trên ba chiếc chiếu ở sân, sát chiếc ô tô “mi ni cóp phơ” của ông Lập. Lại tiếp tục khoảng 20 phút “chập cheng” vái lạy lia lịa nữa thì bầy đoàn hạ lễ và đốt vàng mã. Lửa cháy nghi ngút, khiến các cán bộ, biên tập viên của phòng thư ký đang làm việc trên tầng 2 phải vội vã chạy ra đóng chặt cửa sổ không thì khói và bụi bay tràn vào phòng.

Việc đốt vàng mã đã làm cây lộc trước cửa phòng Ban Trị sự bị chết. Cả một khoảng sân và mảng tường của ngôi biệt thự thời Pháp hoen ố, dù phun nước rửa vẫn không sạch mà sau đó phải thuê thợ đến quét lại vôi ve.

Cũng may, việc đốt vàng mã này có Bí thư Đinh Đức Lập và Phó Bí thư Nguyễn Quốc Khánh trực tiếp đứng trông coi, chỉ đạo đảng viên Trưởng Ban Kỹ thuật Quản trị mạng Vũ Tiến Cường, Phó Ban kế hoạch Tài chính Đinh Quang Sơn, Nguyễn Thị Hồng - nhân viên ban Thư ký tòa soạn (cháu ông Vũ Trọng Kim), nên không để xảy ra tình trạng cháy toàn bộ phòng làm việc như quan thầy Vũ Trọng Kim - Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày Tết ông Công, ông Táo tức 23 tháng Chạp năm Quý Tỵ (2013 – năm tuổi của ông Kim).

Ngay sau đó, Đảng đoàn và Đảng ủy Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận đơn tố cáo về hành vi mê tín dị đoan vi phạm 19 Điều Đảng viên không được làm này của Bí thư chi bộ báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập. Nhiều lần sau đó, đơn tố cáo được gửi lại cho Đảng ủy Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhưng không được giải quyết. Đơn tố cáo tiếp tục được gửi lên Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương.

Ngày 28/9/2012, Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã có Phiếu báo số 303-PC/UBKTĐUK thông báo cho nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng; Đơn đã được chuyển cho Đảng ủy cơ quan Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam để giải quyết theo thẩm quyền.

Sau đó, Tổ kiểm tra của Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã mời nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng lên để tiếp nhận bằng chứng. Nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đã cung cấp ảnh chụp về hành vi sai phạm này.

Trước bằng chứng không thể chối cãi, không biết Bí thư Đảng ủy cơ quan Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã chỉ đạo thế nào mà vụ việc mê tín dị đoan này lại không được giải quyết, không được đưa vào hai bản Kết luận số 42 và 43 về giải quyết tố cáo đối với Bí thư chi bộ, Tổng biên tập Đinh Đức Lập.

Thế nhưng, tại Báo cáo đóng dấu Mật số 05-BC/UBKT – ĐU ngày 12/11/2012 của Tổ Kiểm tra Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy UBTWMTTQ Việt Nam lại lý giải hành vi mời thầy cúng, đốt vàng mã này là vào dịp Tết và để cúng Bác Hồ và sự việc rất khó để giải quyết vì có hai người cùng tố cáo...

Và để hỗ trợ “chứng minh” cho Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy UBTWMTTQ Việt Nam, ông Lập đã nghe tư vấn và làm một bức ảnh Hồ Chủ tịch để lên bàn thờ ở tầng 1 - Tại Ban Tuyên truyền Quảng cáo và Phát hành – tức là vị trí mà ông đặt ghế ngồi lên trên ở tầng hai.

Vì biết hành vi của mình là sai trái nên ông Lập đã tổ chức cho người bảo vệ rất nghiêm ngặt. Dù vậy, với sự hỗ trợ của những nhà báo dày dạn kinh nghiệm tác nghiệp, chúng tôi đã có những bức ảnh, clip ghi lại. Ở đây, chúng tôi xin đăng một số ảnh chụp về hành vi mê tín này. Vì dung lượng lớn nên chúng tôi không đưa lên đây những clip ghi lại hình ảnh này. Nếu MTTQ Việt Nam tiếp tục giải quyết chúng tôi sẽ sao thành đĩa để gửi.

Trên đây, chỉ là một bằng chứng mà cho đến nay nhiều nội dung tố cáo ông Lập chưa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giải quyết.

Không có lẽ, quy định của Đảng phải chịu dừng bước và bó tay đứng ngoài cánh cổng 46 Tràng Thi, Hà Nội và số nhà 66 Bà Triệu, Hà Nội hay sao?.


Chính Nghĩa



Bí thư Lập (trái) cùng Đảng viên Vũ Tiến Cường đứng giám sát việc chuẩn bị bày biện cho buổi cấu cúng mê tín dị đoan ở sân báo Đại Đoàn Kết




Lãnh đạo báo Đại Đoản Kết cùng tổng giám đốc công ty Đông Đương (bên phải) đang chứng kiến cảnh  Đảng viên Vũ Tiến Cường hóa vàng trong buổi cầu cúng đầy màu sắc mê tín dị đoan.




Thầy cúng mặc áo vàng ổn định chỗ ngồi chuẩn bị màn cầu cúng.

Bài và ảnh của tác giả gởi tới blog HN

"
https://huunguyenddk.blogspot.com/2014/05/vu-inh-uc-lap-mttq-viet-nam-van-chua-xu.html?fbclid=IwAR3cB17gSB_dYp4XGD9fVVdS0JQ13JL6uPmT1Li4n1Ow-U5UwA_fjPLa8tw







Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013


Ông Đinh Đức Lập tiếp tục bị tố cáo nhiều sai phạm nghiêm trọng trong vụ bán tòa nhà của báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng

Trong quá trình phát triển, báo Đại Đoàn Kết từ lâu đã có nhiều văn phòng thường trú tại các địa phương. Một trong những văn phòng thường trú khá lâu đời của báo là Văn phòng thường trú Trung Trung bộ có trụ sở tại Đà Nẵng.

Một trong những sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực của chính quyền Đà Nẵng là chuyển giao quyền sử dụng đất và hóa giá căn nhà số 82 Trần Quốc Toản cho báo Đại Đoàn Kết với mục đích làm Văn phòng thường trú khu vực Trung Trung bộ của báo. Ngày 19/7/2004 UBND TP. Đà Nẵng đã ra Quyết định số 5755/QĐ-UB chuyển quyền sử dụng đất tại số nhà 82 Trần Quốc Toản có diện tích đất 100,70m2, diện tích xây dựng và diện tích sử dụng 95,30m2 cho báo Đại Đoàn Kết – làm Văn phòng đại diện khu vực trung trung bộ với giá tiền 674.483.400 đồng.
Thế nhưng, theo Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng, không hiểu sao số tiền 674.483.400 đồng nộp cho Sở Tài chính vật giá TP. Đà Nẵng lại không đứng tên báo Đại Đoàn Kết nộp mà người nộp tiền lại là ông Phan Văn Anh Vũ – Giám đốc Công ty CP xây dựng 79 (biên lai số 007724 ngày 27/7/2004).

Các sai phạm dây chuyền từ ông Trưởng văn phòng thường trú của báo Đại Đoàn kết ở Đà Nẵng lúc đó (ông Trương Duy Nhất), cho tới các động thái hợp thức hóa liều mạng của các tổng biên tập sau này trong đó có Đinh Đức Lập khiến người ta có thể hiều rằng một số cá nhân lãnh đạo của báo Đại Đoàn Kết đang cố tình lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí của Mặt trận để chơi ván bài “kinh doanh bất động sản” siêu lợi nhuận cho bản thân mình bằng cách biến tài sản nhà nước thành của tư nhân với giá rẻ như bèo. 

Tuy vậy, cho đến ngày 20/2/2011 Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết vẫn khẳng định quyền sử dụng đất và sở hữu căn nhà 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng là của báo tại công văn số 12/CV/ĐĐK.BBT do Phó tổng biên tập Nguyễn Minh Ngọc thay mặt Ban Biên tập ký gởi cho Công ty xây dựng 79, là một công ty tư nhân có thỏa thuận hợp tác khai thác, sử dụng tòa nhà này với Văn phòng thường trú Trung Trung bộ.

Thế nhưng, ngày 24/4/2011, ông Đinh Đức Lập – tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết đột nhiên đã ký một văn bản chuyển giao toàn bộ nhà và đất nói trên cho một công ty tư nhân để nhận “bồi thường” cho báo Đại Đoàn Kết 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng). Kể từ đó, báo Đại Đoàn Kết mất quyền sử dụng công sản số 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng để làm văn phòng thường trú mà phải đi thuê một trụ sở khác.

Biên bản ngày 20/4/2011 cho thấy, ông Đinh Đức Lập thừa nhận cơ sở thỏa thuận cũng như nội dung hợp tác giữa báo Đại Đoàn Kết với Công ty 79  “theo các quy định của pháp luật thì nhiều nội dung thỏa thuận, một số văn bản giấy tờ chưa hợp lý, tuy nhiên do tính chất lịch sử và yêu cầu khách quan nên phải chấp nhận”. Đồng thời ông Lập cũng “cam kết không còn khiếu kiện gì liên quan đến quyền sử dụng sở hữu nhà đất tại 82 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng”. Nếu trong đất nước này ai ai cũng viện dẫn “tính chất lịch sử và yêu cầu khách quan” như ông Lập để làm trái pháp luật (trong trường hợp này là để bán rẻ công sản Nhà nước cho tư nhân) thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Đáng nói là khi ông Đinh Đức Lập phát hiện những sai phạm trong việc thanh lý tài sản Nhà nước, đã không “Bảo vệ, giữ gìn tài sản nhà nước” theo Điều 6 Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ; không báo cáo cấp có thẩm quyền như luật định (Điểm b khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước quy định về Quyền, nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước) mà tự ý ký kết Biên bản thỏa thuận với Cty CP xây dựng 79.

Khi ký Biên bản (Xung quanh quyền sử dụng, sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản TP Đà Nẵng) ngày 20/4/2011, Ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết đã vi phạm Điều 3 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) và Khoản 2 điều 33 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.  Số tiền 1 tỷ thu được từ Cty CP Xây dựng 79 lẽ ra phải được hạch toán riêng, sau khi trừ đi chi phí hợp lý liên quan, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, báo Đại Đoàn Kết mới được sử dụng để phát triển hoạt động sự nghiệp. Thế nhưng, số tiền 1 tỷ đồng này sau khi chuyển vào tài khoản chung của cơ quan báo Đại Đoàn kết nay không biết đã được sử dụng như thế nào?

Có lẽ cũng cần nói thêm là, công tác quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trong một thời gian khá dài sau đổi mới là một trong những lĩnh vực phát sinh rất nhiều tiêu cực và là một điểm nóng của công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Vì lĩnh vực này có liên quan tới nhiều nguồn tài sản có giá trị rất lớn trong khi cơ chế pháp lý để kiểm soát còn nhiều khe hở để các phần tử xấu dễ dàng lách luật hoặc công khai làm trái rồi chạy tội bằng vật chính vật chất thu được từ các hành vi bất chính này. Rất nhiều vụ án, nhiều vụ tiêu cực có liên quan tới yếu tố cơ quan Nhà nước, cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội tranh thủ sự bất cập, lỏng lẽo của cơ chế pháp lý, đã lạm dụng công sản, sử dụng lãng phí, tùy tiện, chuyển nhượng, hoặc bán nhà đất sở hữu Nhà nước cho tư nhân núp bóng dưới rất nhiều hình thức nhằm qua mặt cơ quan quản lý Nhà nước.

Sau đây là đơn của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng tiếp tục tố cáo và phân tích các sai phạm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Đinh Đức Lập liên quan tới việc bán tòa nhà của báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN TỐ CÁO
(Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập thiếu trách nhiệm
trong việc quản lý sử dụng tài sản của nhà nước)
                                                                                                     
                Kính gửi:  - Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Tôi là: Nguyễn Mạnh Thắng – Nhà báo - Nguyên  Phó Trưởng Ban Văn hóa – Nghệ thuật báo Đại Đoàn Kết
Nơi cư trú: xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.
ĐT: 098xxxx567

Kính thưa quý vị lãnh đạo!

Tôi xin được tố cáo ông Đinh Đức Lập - Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết với sai phạm: Thiếu trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng tài sản của nhà nước theo Điều 6 Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ; Điều 3 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính); Điều 5, Điều 6 và Khoản 2 điều 33 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, dựa trên các căn cứ dưới đây:

Căn cứ vào Thông báo số 203/PC46 ngày 23/9/2013 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng về kết quả điều tra, xác minh đơn tố giác ngày 10/4/2013 của tôi, đối với Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập trong việc “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tại trụ sở Văn phòng báo Đại Đoàn Kết trung trung bộ số 82 Trần Quốc Toản, TP. Đà Nẵng.

      Căn cứ Công văn số 12/CV.ĐĐK.BBT của Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết gửi Ban giám đốc Công ty CP xây dựng 79 ngày 20/2/2011.

     Căn cứ Biên bản (Xung quanh quyền sử dụng, sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản TP Đà Nẵng) ngày 20/4/2011 giữa đại diện báo Đại Đoàn Kết (Tổng biên tập Đinh Đức Lập) và đại diện Công ty CP Xây dựng 79 (giám đốc Phan Văn Anh Vũ).

      Căn cứ Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998.

      Căn cứ Quy chế Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

     Căn cứ Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

    Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước

Cụ thể:

Những sai phạm của báo Đại Đoàn Kết khi thanh lý tài sản nhà đất trụ sở làm việc cho Công ty CP Xây dựng 79.

Tại trang 2 và trang 3 Thông báo số 203/PC46 ngày 23/9/2013 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã xác minh quá trình mua bán nhà 82 Trần Quốc Toản – TP. Đà Nẵng như sau: Ngày 19/7/2004, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định số 5775/QĐ-UB cho phép bán và chuyển quyền sử dụng đất thuộc sở hữu Nhà nước tại 82 Trần Quốc Toản, P. Hải Châu I, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng có diện tích đất 100,70m2, diện tích xây dựng và diện tích sử dụng 95,30m2 cho báo Đại Đoàn Kết – Văn phòng đại diện khu vực trung trung bộ với giá tiền 674.483.400 đồng.  Thế nhưng, không hiểu sao số tiền 674.483.400 đồng nộp cho Sở Tài chính vật giá TP. Đà Nẵng lại không phải do báo Đại Đoàn Kết nộp mà người nộp tiền lại là ông Phan Văn Anh Vũ – Giám đốc Công ty CP xây dựng 79 (biên lai số 007724 ngày 27/7/2004).

Điểm C Khoản 1 Điều 4 Quy chế Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) quy định: Nguồn kinh phí để chi trả tiền mua hoặc thuê nhà được bố trí trong dự toán Ngân sách hàng năm của cơ quan HCSN  được cấp thẩm quyền phê duyệt”.

Điều 6 Quy chế Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ) quy định: “Trụ sở làm việc của các cơ quan HCSN phải được sử dụng đúng mục đích, công năng và tiêu chuẩn, định mức do Thủ tướng Chính phủ quy định. Các cơ quan HCSN được Nhà nước giao quản lý, sử dụng trụ sở làm việc nếu không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điểm a và d Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 14/1998/ NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ, tuyệt đối không được: - Sang nhượng hoặc góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sản xuất kinh doanh, dịch vụ; - Cho thuê, dùng vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phân cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích khác”.

Như vậy, ông Vũ nộp tiền với tư cách pháp nhân nào?.

Nộp tiền thay Đại Đoàn Kết từ 27/7/2004 nhưng phải đến 20/8/2004 (gần một tháng sau), ông  Phan Văn Anh Vũ mới ký với ông Trương Duy Nhất Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTB và sau đó là Phụ lục Hợp đồng ngày 27/9/2004 với nội dung: “Cty xây dựng 79 bỏ số tiền 674.483.400 đồng nộp vào ngân sách theo quy định, bỏ tiền đầu tư xây dựng ngôi nhà để được sở hữu sử dụng ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản – Đà nẵng và cho phép Báo Đại Đoàn Kết – Văn phòng trung trung bộ được sử dụng toàn bộ phần diện tích tầng 2 để làm trụ sở trong thời gian 30 năm”Như vậy, rõ ràng việc để ông Vũ nộp tiền mua nhà công sản 82 Trần Quốc Toản, TP Đà Nẵng là có dụng ý từ trước nhằm gây “thất thoát tài sản nhà nước” vào tay công ty tư nhân của báo Đại Đoàn Kết.

Ông Trương Duy Nhất đã sai phạm khi cố ý làm trái quy định của pháp luật về xử lý tài sản không thuộc thẩm quyền của mình (ông Nhất chỉ là Trưởng đại diện một văn phòng chứ không đại diện cho báo Đại Đoàn Kết)Ông Nhất lại sai thêm khi tự ý  Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTB và sau đó là Phụ lục Hợp đồng ngày 27/9/2004 trước rồi mới làm Báo cáo gửi lãnh đạo Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết ngày 4/10/2004

Ông Lê Quang Trang (Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết thời điểm năm 2004)  đã ký Quyết định số 112/ĐĐK ngày 12/11/2004  về việc thực hiện Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTB, có nội dung:

“Điều I: Chấp nhận Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTB ngày 20/8/2004 đã được ký kết giữa văn phòng đại diện báo Đại Đoàn Kết khu vực Trung trung bộ đã ký với Công ty 79.
Ông Trương Duy Nhất – Trưởng văn phòng đại diện có trách nhiệm thực hiện Hợp đồng đã ký kết, trong đó có việc làm các thủ tục hợp pháp để chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng cho Cty xây dựng 79.
Điều II: Ủy quyền cho ông Trương Duy Nhất chịu trách nhiệm liên hệ với các cơ quan, ban ngành có liên quan của thành phố Đà Nẵng để hoàn tất công việc theo quy định tại điều I”.

Với Quyết định số 112/ĐĐK ngày 12/11/2004 , Ông Lê Quang Trang đã vi phạm nghiêm trọng Điều 4 và Điều 13 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Theo đó,thẩm quyền đệ trình việc thanh lý tài sản nhà đất, trụ sở làm việc của báo Đại Đoàn Kết thuộc Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam và sai phạm các trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản nhà nước.

Tại trang 3 Thông báo số 203/PC46 ngày 23/9/2013 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng cho biết: “Ngoài việc mua bán thể hiện như trên, qua xác minh tại báo Đại Đoàn Kết còn thể hiện: ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản – Đà Nẵng không có trong danh mục tài sản của báo Đại Đoàn Kết”.

Như vậy, việc cố tình gây “thất thoát tài sản nhà nước” vào tay công ty tư nhân của ông Lê Quang Trang (đại diện báo Đại Đoàn Kết), đã vi phạm nghiêm trọng khoản 2 điều 16 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Theo đó, sau khi tiếp nhận tài sản từ UBND TP Đà Nẵng, báo Đại Đoàn Kết phải thực hiện việc ghi tăng tài sản và giá trị tài sản theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Những sai phạm của ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết

Tại trang 4 Thông báo số 203/PC46 ngày 23/9/2013 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng: “Khoảng đầu tháng 1/2011, Trương Duy Nhất xin nghỉ làm việc tại báo Đại Đoàn Kết, biển hiệu đề tên Văn phòng đại diện báo Đại Đoàn Kết khu vực Trung trung bộ tại 82 Trần Quốc Toản – Đà Nẵng đã bị tháo gỡ. Ông Lập và sau đó là ông  Tuyền có vào Đà Nẵng để tìm hiểu tình hình, làm việc với Phan Văn Anh Vũ – Giám đốc công ty xây dựng 79, ông Vũ yêu cầu thanh lý Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTB ngày 20/8/2004 và bồi thường thời gian sử dụng mặt bằng còn lại cho báo Đại Đoàn Kết”.
        Về việc này, ông Nguyễn Minh Ngọc (Phó Tổng biên tập, thay mặt Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết thời điểm 2011) đã có Công văn số 12/CV.ĐĐK.BBT ngày 20/2/2011 gửi Ban giám đốc Công ty CP xây dựng 79. Nội dung khẳng định: “Căn cứ vào tất cả giấy tờ hiện có, báo Đại Đoàn Kết có quyền sở hữu nhà 82 Trần Quốc Toản – Thành phố Đà Nẵng (nhà công sản được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chuyển quyền sử dụng đất cho báo Đại Đoàn Kết làm Văn phòng theo Quyết định 5775/QĐ-UB ngày 19.7.2004 ). Việc công ty vô cớ gỡ biển và đóng cửa Văn phòng của báo, một tờ báo có truyền thống 70 năm từ ngày 15.1.2011 đến nay là một việc làm không hợp pháp và có thể gây ra nhiều hệ lụy không tốt. Trước mắt, đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động của văn phòng và của tờ báo Đại Đoàn Kết, gây bất bình và búc xúc trong cơ quan báo và dư luận không chỉ ở Thành phố Đà Nẵng”.

       Tại trang 1 Biên bản (Xung quanh quyền sử dụng, sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản TP Đà Nẵng), ông Đinh Đức Lập (đại diện báo Đại Đoàn Kết) khi nói về các bản Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTBcủa Văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Trung trung bộ ngày 20/4/2004 và Quyết định số 112/ĐĐK ngày 12/11/2004 của Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết cũng thừa nhận: “Theo các quy định pháp luật thì nhiều nội dung thỏa thuận, một số văn bản giấy tờ chưa hợp lý, tuy nhiên do tính lịch sử và yêu cầu khách quan nên phải chấp nhận”.

      Viện cớ “do tính lịch sử và yêu cầu khách quan nên phải chấp nhận”, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập đã ký Biên bản đồng ý nhận 1 tỷ đồng của Cty CP xây dựng 79 và cam kết không còn khiếu kiện gì liên quan đến quyền sở hữu nhà đất tại 82 Trần Quốc Toản Đà Nẵng.

      Theo quy định tại điều 13 và điều 4 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) thì cấp có thẩm quyền  đề nghị việc thanh lý trụ sở văn phòng của báo Đại Đoàn Kết thuộc Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

       Thế nhưng, ông Đinh Đức Lập khi phát hiện những sai phạm trong việc thanh lý tài sản Nhà nướcđã không “Bảo vệ, giữ gìn tài sản nhà nước” theo Điều 6 Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ; không báo cáo cấp có thẩm quyền như luật định (Điểm b khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước quy định về Quyền, nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước) mà tự ý ký kết Biên bản thỏa thuận với Cty CP xây dựng 79.

       Khi ký Biên bản (Xung quanh quyền sử dụng, sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản TP Đà Nẵng) ngày 20/4/2011, Ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết đã vi phạm Điều 3 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) và Khoản 2 điều 33 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.  Số tiền 1 tỷ thu được từ Cty CP Xây dựng 79 lẽ ra phải được hạch toán riêng, sau khi trừ đi chi phí hợp lý liên quan, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, báo Đại Đoàn Kết mới được sử dụng để phát triển hoạt động sự nghiệp. Thế nhưng, số tiền 1 tỷ này sau khi chuyển vào tài khoản chung của cơ quan không biết được sử dụng như thế nào?.

      Kính thưa quý vị lãnh đạo!
     
      Nhân đây, tôi cũng xin trao đổi đôi điều về bản Thông báo số 203/PC46 ngày 23/9/2013 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng. Trang 4, Bản Thông báo số 203/PC46 cho rằng: UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định 5775/QĐ-UB ngày 19/7/2004 cho phép bán và chuyển quyền sử dụng đất thuộc sở hữu Nhà nước tại 82 Trần Quốc Toản – P. Hải châu I, Q. Hải Châu – TP Đà Nẵng cho Báo Đại Đoàn Kết – Văn phòng đại diện khu vực Trung trung bộ. Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Chương 1 Nghị định của Chính phủ số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 về quản lý tài sản nhà nước, thì: Nhà 82 Trần Quốc Toản không còn là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Khi viết: “Nhà 82 Trần Quốc Toản không còn là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước” Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng đã cố tình “suy diễn” nhằm “gỡ tội” cho Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết. Sự thực, Khoản 2 Điều 1 Chương 1 Nghị định của Chính phủ số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 viết: Tài sản thuộc sở hữu  toàn dân mà Nhà nước đã chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức đó”. Ở đây phải xác định rõ hai vấn đề. Một: Báo Đại Đoàn Kết có phải là Tổ chức chính trị - xã hội, hay là đơn vị Hành chính sự nghiệp?. Hai: Kể cả khi nhận mình là tổ chức chính trị - xã hội thì Báo Đại Đoàn Kết có quyền muốn bán trụ sở cho ai cũng được không cần chấp hành quy định của Nhà nước?.

     Sự thực là Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã “lờ” đi không hề nhắc đến Điều 13 của chính Nghị định của Chính phủ số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998  quy định về thẩm quyền thanh lý tài sản trụ sở nhà đất của báo Đại Đoàn Kết (ông Lê Quang Trang không có thẩm quyền)Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã “lờ” đi không hề nhắc đến  Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo. Điều 2 Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC quy định: “Quy chế này áp dụng cho việc xử lý thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị- xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các cơ quan ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan HCSN) quản lý, sử dụng”.

      Như vậy, dù ở tư cách pháp nhân nàoviệc mua, quản lý, sử dụng và thanh lý tài sản là trụ sở của báo Đại Đoàn Kết vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật Nhà nước (Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998; Quy chế Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính); Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính); Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước…). Do đó, việc Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập phát hiện ra cái sai của những người tiền nhiệm mà cố tình không báo cáo để cấp có thẩm quyền đứng ra giải quyết là vi phạm nghiêm trọngđiều 5 và điều 6 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

      
       Kính thưa quý vị lãnh đạo!

      Qua đơn tố cáo này, tôi đề nghị quý vị lãnh đạo, cơ quan có thẩm quyền xử lý:

1.   Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đảng ủy cơ quan Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét và sớm có hình thức kỷ luật thích đáng với ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết trong sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản kể trên theo Điều 6 Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ; Điều 3 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính); Điều 5, Điều 6 và Khoản 2 điều 33 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

2.   Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại:

-         Số tiền 1 tỷ đồng mà báo Đại Đoàn Kết thu từ việc sử dụng sai mục đích tài sản được giao làm trụ sở làm việc theo Điều 3 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính);
-         Thu hồi lại tài sản nhà đất Nhà nước giao cho báo Đại Đoàn Kết bị sử dụng sai mục đích theo Điều 14 Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ; Điều 2, Điều 4và Điều 9 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp(Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

        Tôi xin chân thành cảm ơn!

                                                                                                                                                                                                       
                                                                          Hà Nội ngày 14 tháng 10 năm 2013
                                    
                                                                                                     Người làm đơn
                                                                                                Nguyễn Mạnh Thắng
https://huunguyenddk.blogspot.com/2013/10/ong-inh-uc-lap-tiep-tuc-bi-to-cao-nhieu.html?fbclid=IwAR3x8KvjpDtsV9Hm5IlkI37887g9vbx205uLMyNK3dM-g-GS9DU97L-5WSs





Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017


Đất dữ Báo đại đoàn kết

Là một trong những người gắn bó kỳ cựu với báo Đại Đoàn Kết, nhà báo Bá Tân có cơ sở và tư cách để đưa ra những nhận định, đánh giá, phân tích về sự thăng trầm của tờ báo này, ít nhất là trong giai đoạn mà anh trực tiếp tham dự, từng trải, chứng kiến. 

Nay tuy đã về hưu, song tâm huyết và khí chất của người làm báo vẫn không cho phép anh làm ngơ trước những dấu hiệu đáng buồn của tờ báo mà anh vẫn luôn yêu quý.

Sau đây là những ý kiến mới nhất của nhà báo Bá Tân vừa gời tới blog Hữu Nguyên.



Đất dữ Báo đại đoàn kết


Bá Tân 

Về mặt thổ nhưỡng, đất có 2 loại: đất tốt và đất xấu.
Đất xấu vẫn có thể cải tạo thành đất tốt.
Và ngược lại, đất tốt nhưng chỉ bóc lột mà không chăm bón thì sớm muộn cũng trở thành đất xấu.
Đất tốt hay xấu là tùy thuộc vào trời và người.
Còn có loại đất khác, theo cách nói nôm na nhưng chí lý của dân ta, đó là đất dữ.
Đất dữ được nhìn nhận từ phương diện đạo lý. Người không đẻ ra đất. Nhưng người lại là nhân tố tạo ra đất dữ hoặc đất lành.
Căn nguyên, gốc rễ sinh ra đất dữ thuộc về yếu tố chủ quan, trước hết là người đứng đầu (hoặc nhóm cầm đầu) ở vùng đất ấy.
Báo đại đoàn kết hiện được coi là đất dữ.
Bất ổn liên tục nhiều năm. Hiện thời vẫn nằm trong dòng thác bất ổn, thậm chí xuất hiện những vụ việc sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trước đây chưa từng xảy ra.
Hai đời Tổng biên tập vừa qua đều đứt gánh giữa đường. Đương nhiệm Tổng biên tập hiện thời, chỉ cần cơ quan chủ quản làm đúng trách nhiệm, sẽ phải mất chức, thậm chí còn hơn thế nữa.
Ở báo Đại đoàn kết, trong thời gian không ngắn, cơ quan chủ quản là một trong những tác nhân chính làm cho tờ báo này trở nên bất ổn.
Là người từng trải ở báo Đại đoàn kết, tôi  (Bá Tân) có đủ bề dày nhận biết khi đưa ra nhận xét thế này: Số đông cán bộ phóng viên báo Đại đoàn kết là người hiền lành, thậm chí một bộ phận không nhỏ (lãnh đạo cấp phòng) nhu nhược quen thói tát nước theo mưa. Bù lại có một số người tuy ít ỏi về số lượng nhưng lại hùng mạnh về tinh thần bất khuất đấu tranh chống lại sai trái, nhất là sai phạm nghiêm trọng và có hệ thống của người đứng đầu.
Con giun xéo lắm cũng quằn . Hiền với bụt, không hiền với ma. Giọt nước làm tràn ly. Gieo gió gặt bão. Tiền không thể mua được tất cả. Bàn tay không che được mặt trời . Những mệnh đề ấy càng trở nên chí lý khi áp vào báo Đại đoàn kết.
Lũ to , lốc lớn , kể cả sóng thần rồi cũng đi qua . Mùa đông băng giá sẽ nhường chỗ cho mùa xuân.
Rồi sẽ tới một ngày nguyên bản đất lành trở lại với báo Đại đoàn kết.
Báo Đại đoàn kết là đất thiêng . Tiền thân là Cứu Quốc, là Giải Phóng, bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Đất này không và quyết không thể để cho kẻ tà ma làm bậy. Đất này luôn luôn và mãi mãi tiếp sức, chắp cánh cho những người tử tế, sống và làm việc vì danh dự, vì trách nhiệm với dân với nước, tránh xa sự ô nhiễm của quyền và tiền .
Tuy nhiên, sẽ vẫn là đất dữ nếu báo Đại đoàn kết còn nằm trong tay kẻ lộng quyền quen thói làm bậy.



Bá Tân
https://huunguyenddk.blogspot.com/2017/08/at-du-bao-ai-oan-ket.html?fbclid=IwAR2B2jEv1zNZGuKRZMTIZ4766Z6uZDUQGuwOf1JPtEf8ACD3CidHgQ0qm0o
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.