Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

02/12/2018

Nguyễn Hoàng Đức : Truyện Kiều là thứ hàng nhái, và đám nhà quê bâu xâu

Bác Đức đã nói rất rõ rằng: "Thơ và Truyện Kiều là phát sinh trong đám mù chữ và ít học". Bác cũng đã nói: "Truyện Kiều là chiếc cọc tre để đám ốc vặn lạc hậu bu vào hát hợp ca. Nhưng tiếc thay làm gì biết hòa âm mà hát bè?!".

Chỉ là chép từ bên Fb của bác Nguyễn Hoàng Đức về bên này thôi.

Chép dần dần.


---


.

5.


Ngài Paul Nguyễn Hoàng Đức
Chu Mộng Long: Một đất nước không thể một lúc có hai vua. Huống hồ là hiện nay “cường quốc thi ca” của ta có cả triệu vua. Đi đâu cũng thấy các nhà thơ xưng hùng xưng bá, cao hứng lên thì tự xưng hoàng đế hết. Ngài Paul Nguyễn Hoàng Đức có nói, một đất nước mà bất phân cao thấp thì loạn to. Mà đang loạn thật. Mỗi vua thơ hùng cứ một phương, thỉnh thoảng ném phân vào nhà nhau để hưởng. Lần này ngài Paul quyết chí ra tay dẹp loạn bằng cuộc thách đấu đầy hào khí.
Để tạo không khí cho cuộc đấu có một không hai này, Chu mỗ nhiệt thành viết bài cổ vũ.
Tôi phiên tên ngài Paul thành Phao-lồ theo các bản Phúc âm mang tên một vị thánh vào thời đế chế Rome, cũng là thời kỳ tiên khởi và khải hoàn của Kito giáo. Ngài Paul Nguyễn Hoàng Đức xứng đáng là Thánh Phao-lồ của thế kỉ 21.
Để trở thành ông hoàng thi ca-triết gia hiện nay, ngài Phao-lồ đã thách đấu với ông hoàng cổ điển Nguyễn Du. Theo tôi, không cần thách thì Nguyễn Du cũng đã quy hàng, như Từ Hải hàng Hồ Tôn Hiến vậy.
Về tư tưởng triết học thì Nguyễn Du quanh quẩn với thuyết hồng nhan bạc mênh, với chữ tâm chữ tài xưa rích, thậm chí là “hàng nhái” của Trung Hoa. Về chữ nghĩa thì đúng là cải trang từ ngôn ngữ của bọn bình dân vô học, thêm gia vị điển tích điển cố của bọn hủ nho Tàu cho ra vẻ có học. Tương truyền cụ Nguyễn nhìn thấu sáu cõi, nhưng đã không nhìn ra ba trăm năm lẻ sau có ngài Phao-lồ lừng lững thách đấu với mình? Phải chăng vì thế mà sinh thời cụ Nguyễn không dám ho he lấy một câu ngoài sự cười khẩy “Mua vui cũng được một vài trống canh”, mặc cho hậu thế nói gì thì nói.
Tôi tin có đào mồ cụ Nguyễn lên thách đấu, cụ cũng chào thua vì “tao đã dành hết sức cho bọn dân đen, không còn sức đấu với giới tinh hoa quý tộc”.
Theo tôi biết, hiện nay trên chính trường thi ca-triết học có ngài Đông La là đáng mặt tranh hùng với ngài Phao-lồ. Tình cờ vào Blog Đông La, thấy ngài này cũng đã từng tự xưng ông hoàng thi gia-triết gia, đến mức theo lời ngài, đại thi bá Chế Lan Viên rồi Trần Mạnh Hảo đều cúi đầu bái phục. Hơn 10 năm nay, ngài Đông La cũng từng thách đấu với bất cứ thi hào thi bá nào nhưng cho đến nay cũng chưa có ai dám thò mặt ra so găng… vì sợ vỡ mặt.
Ông hoàng Thi gia-Triết gia Đông La
Vì thế, tôi xin tiến cử Đông La cho ngài Phao-lồ thử sức.
Không gì bất hạnh hơn là làm người hùng không có đối thủ. Lẽ nào cường quốc thi ca một lúc có đến hai vua mà không vua nào chịu xuất chiêu để phân cao thấp cho thiện hạ mở mắt một phen?
Thú thật, bài thách đấu có nhiều ý kiến thú vị. Về số lượng nhà thơ chỉ đứng sau lực lượng nông dân mù chữ hoặc vô học. Về chất lượng của thể loại “đoản ca” tức cảnh sinh tình, thể loại mà ai cũng làm được nhưng ai cũng tưởng mình là vĩ nhân. Về sự thần tượng hóa thi hào Nguyễn Du, đó chỉ có thể là sự thể hiện mặc cảm mù chữ của đám đông…
Những ý kiến ấy có thể gây tranh cãi, nhưng rất đáng suy nghĩ.
Người ta sẽ không tranh cãi về sự có học hay vô học của nhà thơ, nhưng xem nông dân mù chữ ắt vô học, thậm chí bị ngài Phao-lồ mạt sát là kẻ mang vô số tật xấu so với dân thị thành và trí thức thì xem chừng anh nông dân sẽ quất lại bằng roi cày. Mà nông dân bây giờ cũng có những ông hoàng tầm vóc, quyền lực đầy mình như Thần Nông Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết chứ không phải bé như con ruồi con muỗi.
Người ta sẽ không tranh cãi đoản ca thì thiểu năng hay đoản trí so với trường ca, nhưng xem sách bằng da hay bằng thẻ tre mới là sách quý, còn loại sách truyền miệng là loại sách của bọn ăn mày, hài kịch chỉ dành cho đám đàn bà con nít đáng bị khinh bỉ thì coi chừng dân Cái Bang sẽ cho ngài Phao-lồ biết mùi “đả cẩu bổng pháp”, kể cả vũ khí lợi hại của váy mấn đàn bà và tã lót của con nít.
Có lẽ ngài Phao-lồ quên không nói đến sách bìa bằng gỗ quý nặng 54 kg của Phật hoàng Hoàng Quang Thuận để khẳng định thêm chất lượng của nó còn cao quý hơn loại sách viết trên da thú hay thẻ tre thời cổ. Và Hoàng Quang Thuận cũng đáng gờm không thua kém Đông La.
Nhưng dù sao cũng nên hóng chờ xem cuộc tử chiến giữa hai hoàng đế Phao-lồ và Đông La cái đã. Hy vọng sẽ hấp dẫn hơn phim kiếm hiệp của Kim Dung.
Đông La thuộc trường phái Ma giáo có bề dày truyền thống, còn ngài Phao-lồ thuộc Kito giáo phương Tây hiện đại, chiêu thức khác nhau như lửa với nước, ắt cả hai sẽ quyết chiến và quyết tử vì đạo.
Nhưng ngài Phao-lồ cũng nên nhớ, không chỉ Đông La, 60/ 90 triệu người biết làm thơ của cường quốc thi ca này ai cũng đang tự xưng là vĩ nhân thi ca-triết học đấy. Ngài mà không trấn nổi 60 triệu ông vua ấy thì đất nước loạn to!
Chu Mộng Long

https://chumonglong.wordpress.com/2018/12/06/vu-hoi-thi-ca-khi-ngai-phao-lo-thach-dau/#more-9857


4.

Paul Nguyễn Hoàng Đức 

( Lệ luật này xin chừa bài “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi ra ngoài, vì bài thơ đó đã có chỗ đứng bất khả thay thế trong văn học nước nhà)
Paul Nguyễn Hoàng Đức
1- Tiền đề cho lệ luật
- Có danh ngôn “Không có lề luật không chọn được người thắng cuộc.” Cuộc đọ thơ của xứ ta cũng không ngoại lệ.
- Nghe thấy có đọ thơ, nhiều người đã gửi vài mẩu thơ kể cả rất xú uế tục tĩu đến đòi đọ. Nếu bảo thi tiểu thuyết hay kịch, kể cả truyện ngắn, thì số người muốn đọ lưa thưa hơn lá mùa thu, vì người viết những tác phẩm văn xuôi cũng vô cùng hiếm; duy chỉ có thơ có khi chỉ 4 câu như Tứ Tuyệt, 8 câu như Bát cú, hoặc 2 câu như Haiku, hay nhiều hơn là đoản ca cở một trang, rồi ảo tưởng tự cho mình là nhất thiên hạ, gửi đến đòi mưu danh như chơi vé số, vì thế cần phải có lệ luật để gác bớt số ú ớ này ngoài cửa.
- Hơn dăm chục năm qua, chúng ta chỉ có “anh hùng” thơ mậu dịch do Hội Nhà Văn quản lý và chặn các loại cửa in ấn trên giấy. Hội này không đủ tư cách tiến bộ trong thời đại mới với vô số các sình lầy về kêt nạp hội viên, cũng như bỏ phiếu cho giải thưởng, việc mới đây hội này trao giải “Giờ thứ 25” của PĐ, thuổng nguyên xi cái tên của Tàu là một thí dụ vvề kém cỏi và dốt – không chịu đọc sách. Khi đã bị tố, hội vẫn cứ trao giải thưởng là một việc làm trắng trợn kiểu “tôi thuổng đấy, làm gì được nào?!” Ngày nay với Facebook mở ra không hề cấm đoán ai cả, chúng ta sẽ bàn đến giá trị thơ ở khắp nơi – ngoài ruộng, trên đường phố mà không cần phải lách qua cửa hành chính của hội mậu dịch vừa quan liêu vừa tham nhũng theo nạn dịch chung. Một khi chúng ta chọn được tầm vóc thơ lớn hơn sẽ đủ tư cách quét dọn những giải thưởng lẩm cẩm có móc ngoặc?!
2- Việc đầu tiên: mọi người phải tự ứng cử như: thơ tôi hay nhất, hoặc tinh tế nhất, hoặc nhiều chữ T hay V nhất, hoặc đắm đuối yêu đương nhất, hay bi thương nhất… nhưng phải ghi rõ địa phương. Giới nhà thơ là giầu đố kỵ hạng một, sau lời tự ứng cử dân đại phương sẽ lăn xả vào ăn gỏi nhau, đó là một vòng loại tự nhiên cự kỳ lý tưởng. Và nếu có ứng cử viên nào về được “trung ương” thì chân tay đã lủng lẳng… ban giám khảo mới đủ điều kiện chọn lựa tinh hoa.
3- “Một tác giả lớn phải là một khán giả lớn” (Andre Guide). Người muốn đọ thơ phải viết bài để đánh giá sản phẩm của mình rằng tại sao nó lại hay nhất. Chính mình được nói về mình đó là một “đặc ưu” không thể lớn hơn.
Riêng cá nhân tôi, điều này không nằm trong lệ luật, tôi muốn thi thơ với thi hào tầm vóc Việt Nam Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều, không phải tôi thi với người đã khuất mà tôi đã mời mọi người làm trọng tài đang ca ngợi ông, nghĩa là tôi thi với người đang sống. Còn lại giờ đây tôi thi thơ với cả dân tộc, ngay cả với những bài thơ hay của người đã mất, nếu vị nào đề xướng được, xin cứ tự nhiên!
Đây là bản sơ khảo, mời các bạn có thể bổ xung để cho hoàn bị hơn. Xin cám ơn!
(Nhân đây tôi cũng xin ứng cử: văn bản lệ luật đọ thơ này là một văn bản chưa từng có trong lịch sử văn hóa Việt Nam?!)
Cuối cùng là một bản mẫu để thi thơ. Xuân Diệu, một tác giả thơ lừng danh và rất uyên bác thơ Tây Tàu, đã viết “các nhà thơ Việt chỉ chú trọng làm thơ mùa thu, mùa xuân, mà hầu như không có ai viết về mùa đông cả…” (Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi chớ văn vẹo tôi câu này lấy ở đâu nhé. Ngày mai tôi sẽ có bài trả lời anh về vấn đề lục bát của Việt Nam?). Vậy tôi xin đề cử đây là bài thơ mùa đông hay nhất Việt Nam (cái này tôi đã từng ứng cử):


Thân ái chào các tác giả và bạn yêu thơ

Xin có mấy lời “gửi găng” tự ứng cử tri âm với mọi người
Thời hiện đại hiển nhiên là thời dân chủ. Nếu có ai muốn đăng ký bước vào kỷ lục Guinnesse, chẳng hạn một anh lang thang đầu phố muốn tâng cầu lâu nhất, một cô thôn nữ muốn ăn nhiều ớt nhất, hoặc một ông già muốn đạt kỷ lục về ngâm mình trong đá... Chúng ta không thể phê phán họ là tự kiêu được! Họ có quyền được thử sức ở vị trí cao nhất bằng cách tự đề cử mình.
Nền thơ của chúng ta lâu nay luôn luôn đeo dính hai mặc cảm thường trực: một, lúc nào cũng tự tôn vỗ ngực không ai bằng mình, anh hùng nhất khoảnh thơ, tung hô trong cánh hẩu và địa phương của nhau; hai, tự ti đến mức mời giới thiệu thành tựu của thơ mình, cái hay, cái kiệt xuất, thì rụt đầu rụt cổ, không dám ho he lên tiếng.
Cố thi sĩ nổi tiếng Xuân Diệu, tác giả cuốn sách phê bình thơ “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam”, người rất am tường thơ Việt, thơ Tầu, thơ Tây đã từng nhận xét (đại khái) rằng: Các tác giả Việt mới chỉ chú trọng làm thơ về mùa xuân, mùa thu, mà chưa ai viết được một bài thơ hay về mùa đông.
Vì lý do muốn thay đổi nhịp điệu sống nhàn nhạt “hoà cả làng” buồn tẻ và bất tài của thơ Việt lâu nay, đặc biệt là thơ mậu dịch, sống cửa quyền quá dài ôm rịt các cửa báo, nên tôi mạnh dạn đề cử bài thơ “Mùa đông vọng cánh én về”, là bài thơ về mùa đông hay nhất Việt Nam.
Hiển nhiên tôi chỉ có thể đề cử. Việc này không chỉ mang mục đích đòi tự tôn mà tự thân nó cũng là một tấm “giấy quì” để thử và tìm ra các tác giả “ngọc còn ẩn trong đá”, nếu không làm vậy, chẳng lẽ tôi cứ phải đợi mấy ông giữ gôn mậu dịch đọc và cho giải, nhưng than ôi, được báo của các ông chìa sân rồng tem phiếu cho thì đến bao giờ ? (có khi xếp hàng đến kiếp sau, các ông vẫn bảo người ta chưa đủ tiêu chuẩn để xếp hàng, một là vốn tự có ta không có, vốn quan hệ báo nọ gắp giải thưởng cho báo kia ta cũng không có, tiền tài trợ sàng xê từ quĩ cơ quan, ta cũng không, như vậy đến đời nào đến lượt?)
Mong được bạn đọc chia xẻ chí ít rằng dù sao tôi cũng nên và có quyền tự đề cử, như thế chẳng hơn tẩm ngẩm bịt cửa báo, vỗ ngực trong xó nhà vừa được tiếng khiêm tốn lại vừa trở thành anh hùng xó bếp sao? Nếu bạn muốn cho sự phách lối của tôi một bài học, thì đơn giản bạn chỉ cần nêu lên một cái tên, hay một bài thơ để so sánh “án tại hồ sơ” mà, hay như người ta vẫn nói “tỉ số nói lên tất cả”, chẳng lẽ tác phẩm “bút sa gà chết” lại không nói với chúng ta điều gì sao?
Mời bạn đọc ngắm thử.
MÙA ĐÔNG VỌNG CÁNH ÉN VỀ
Nguyễn Hoàng Đức
Lại thêm gió bấc
Ùn ùn thổi thốc về
Những đường tên vun vút bắn từ vòm cung núi
Những xoáy lốc cuốn tít mù từ muôn vực thẳm

Bầu trời nặng nhọc chuyển mình
Giữa tầng tầng áo mây mờ mịt
Dãy non xa lớp lớp nặng sương mờ 
Lắng những nốt trầm buông 
Kéo bản nhạc thời gian
Chìm sâu khúc chiều u ám

Vai ta so ro
Co mình giữa những lớp áo dầy
Muốn chen sát làn da đòi hơi ấm
Ôi những cành cây
Xác xơ tấm áo choàng lá phủ
Phơi mình trơ xương
Giữa gió lạnh cắt trời

Ý tưởng ngoi ra thân xác
Nặng nề
Như vầng dương đang cố lách lưỡi cưa tròn
Xẻ một đường khe
Giữa các tầng mây o bế bịt bùng

Ký ức bỗng hiện về 
Bắc Cực
Quê hương của miền lạnh lẽo
Dâng tràn tuyết giá
Khiến cả cánh loài chim cũng rụng

Rồi một đống lửa được đốt lên
Từ tay đoàn thám hiểm
Cả miền băng tuyết cựa làn da lạnh
Sà vào lòng ngọn lửa
Ấm mầu hồng!
Ấm hơi người!
Rồi đến lượt mùa Đông
Muốn ấp cơn run rẩy vò võ của mình
Trong cánh én phương Nam
Nhẹ lướt về
Mong giải thoát lốt nặng nề u uẩn
Vén nhẹ không gian
Cho mầm sống trồi lên
Từ muôn vàn cây cỏ

Cả miền Bắc Cực muốn sưởi ấm trong vòng tay ngọn lửa
Cả khung trời mùa Đông muốn ấp mình trong vài cánh én
Điều kỳ diệu đó phải chăng là không tin nổi?
Bỗng ký ức nối đuôi từng chuỗi
Như những toa tầu bất tận
Chở quá khứ về trên đường ray lịch sử 
Tất cả 
Đòi hiện thân!
Đòi quyền sống!
Đòi giá trị!
Ngay ngưỡng cửa khắc giờ hiện tại
Đúng lúc này đây
Nơi ta đang đứng

Và kia, cả chuỗi tương lai
Rợp trời vỗ cánh ùa về
Cố lách mình qua khe cửa
Phút giờ hiện tại
Đòi xem những bản hợp đồng
Cho dự án của ngày mai
Ôi thật diệu kỳ
Chuỗi chuỗi hoàng hôn quá khứ
Và lớp lớp bình minh thuộc về vĩnh cửu
Đều hiện mình lên
Trên bản lề hiện tại

Ôi diệu kỳ
Diệu kỳ hiện tại!
Diệu kỳ ngọn lửa của con người! 
Và diệu kỳ cánh én!

Một tầng mây nứt ra theo lưỡi cưa của vầng dương
Một ngọn gió xuân ngược sớm về
Một lớp sương mờ rướn lên mây
Một vũ trụ nâng mình dậy
Những thân cây dứt bỏ những chiếc lá còn sót lại
Trong cuộc thay áo mùa thu
Tạc dáng hiên ngang trong gió lạnh
Đòi diễn nốt vở bi kịch lột xác của mình
Mong cải lão hoàn đồng
Trong tấm áo mùa Xuân
Bản nhạc dâng lên 
Những con đường nâng mình chạy
Ùa về dãy núi đang vươn cổ
Ngóng phương Nam 
Đợi một cánh én về

Và ta đi
Ngập trong bóng hoàng hôn 
Lội trong những vần thơ còn chưa kịp thành hình
Kéo lê những nốt trầm
Gieo âm trĩu buồn hồn núi lạ
Rung phím gió phương Nam
Gọi cánh én mùa Xuân
Hãy về 
Trên cung đàn hy vọng.

Hà Nội
Đêm 10/1/1997

https://www.facebook.com/paulnguyenhoangduc/posts/2168887473368394





3.

Paul Nguyễn Hoàng Đức

- Anh Kim Sa Trung là người đầu tiên viết bài phản biện tôi dài hơn 300 chữ. Đó là điều tôi tôn trọng và cám ơn anh. Sau đây, tôi cũng xin phản biện anh. Bài viết của anh nói chung rất giầu cảm tính và thông tin, quanh co biện hộ cho Nguyễn Du tài cán bậc nhất nhân loại… Anh KST viết đại ý: văn hiến là thứ nhân loại có thể dùng chung… Tôi xin nói thế này: ngày nay thế giới thực hiện việc cấp bằng sở hữu bản quyền. Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du thời mông muội được bỏ lơ, còn bây giờ chắc chắn nó không được chấp nhận là “tác phẩm sáng tác” thậm chí còn bị phạt vì lấy nguyên cốt truyện và nhiều câu thơ Đường. Chúng ta là những con người của thời văn minh, chúng ta nhất định phải sống theo tiêu chí văn minh. Chứ không thể dùng những lời biện hộ vòng vo để chui lọt tác phẩm của mình!
- Nhà thơ Nguyễn Thế Duyên viết rằng: để bình giá tác phẩm văn thơ chúng ta nên có tinh thần yêu nước, yêu quê hương dân tộc. Tôi xin tặng anh một câu thế này “Vô sỉ bất thành nhân!”
- Nhà thơ Ba Nguyên chỉ comment, nhưng ý rất hay: Ở Trung Quốc người ta còn đạp bằng Khổng Tử, chứ Nguyễn Du ở Việt Nam thì đã là cái gì mà không dám phản biện?
Cám ơn tất cả các bạn đã bình thiện chí những bài viết của tôi về Truyện Kiều!
Paul Đức 02/12/2018
Sau đây xin các bạn đọc bài của anh Kim Sa Trung!
NGUYỄN DU và TRUYỆN KIỀU
( Trao đổi cùng Nguyễn Hoàng Đúc)
Có thể nói trong tất cả những điều "Thượng Đế" ban phát cho loài người thì việc ban phát nhân tài luôn được coi là ban phát bủn xỉn nhất. Lớn và đông dân như Trung Quốc điểm lại cả hơn nghìn năm nay cũng chưa có nổi một người thứ hai có thể so sánh với Đương Thái Tôn(Lý Thế Dân) hay sự sàng lọc thường xuyên với sự sáng suốt của hàng trăm triệu con người văn minh dân chủ của Hoa Kỳ mấy trăm năm vẫn không tìm nổi một vị Tổng Thống có thể đặt ngang hàng cùng A. Lincol... tần xuất xuất hiện của họ chúng ta không thể đoán định được. Gơt của người Đức, Đôt của ngưòi Nga, Homer của người Hy Lạp, Vangoc của Hà Lan... có lẽ còn rất lâu( nếu không muốn nói là không bao giờ) mới có thể xuất hiện lại. 
Tôi vẫn nghĩ một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam ta lại có thể xuất hiện một Trần Hưng Đạo,một Nguyễn Trãi hay một Nguyễn Du thì quả là chúng ta đã quá nhiều hạnh phúc. Bởi các đấng bậc cỡ như vậy họ đến với chúng ta giống như để thực hiện một sứ mệnh riêng biệt và lặng lẽ rồi ra đi cũng chẳng ồn ào nhưng những di sản của họ thì còn lại đời đời giành cho chúng ta thụ hưởng. Chúng ta cần trân trọng và biết ơn họ giống như lòng biết ơn và kính trọng ân sủng của Thượng Đế đã ban phát họ cho ta.
Quay trở lại Nguyễn Du và Truyện Kiều. Cách đây 30 năm Nguyễn Huy Thiệp (NHT) đã đưa ra những nhận xét tương tự như NHĐ khi trong truyện Phẩm Tiết NHT gọi TK là sản phẩm bị "cưỡng hiếp văn hóa" hay xấc xược hơn như trong Vàng Lửa NHT "đặt" vào miệng Vua Gia Long để xúc phạm ND:"... Trẫm có biết, bố nó là N, anh nó là K...". Tôi đã theo dõi và thấy có vẻ như NHT ngay sau đó đã nhận ra sự thái quá của mình nên dừng lại. Rõ thật măy mắn cho anh. Đến bây giờ lại là NHĐ thô bạo hơn, đa ngôn hơn và đáng tiếc là các lập luận lại hời hợt thiếu tư duy hơn, nông nổi võ đoán hơn thì quả thật tôi không thể không lên tiếng. Mà cũng là vì tôi luôn hy vọng vào NHĐ, luôn tin rằng anh ta là "một trong những trí thức hiếm hoi hiện nay có đủ những phẩm chất của một người tiên phong khai phóng". Tuy vậy việc nào ra việc ấy. 
Cần phải nói thẳng : từ khi có Truyện Kiều thì mọi người VN kể cả từ những người cùng hay gần thời với ND tới nay, dù ở quốc nội hay hải ngoại, đã là người biết và nói tiếng Việt đều mặc nhiên coi đó là kiệt tác số 1. Vài lời chê bai lẻ tẻ của các cụ như Ngô Đức Kế, Trần Quý Cáp... chẳng qua cũng chỉ xuất phát từ chỗ những người khen TK hết lời lại là những người bị các cụ " ghét" do trái lập trường quan điểm về chính trị với các cụ như Cụ Phạm Quỳnh hay Trương Vĩnh Ký... mà thôi. Ngay cả cái lý bị chê cũng rất yếu ớt:" là dâm thư", tục tĩu. Nhưng thử hỏi khi viết về việc Mã Giám Sinh chiếm đoạt Kiều thì:" tiếc cho một đóa trà mi/ con ong đã tỏ đường đi lối về" thì liệu có ai viết về điều tục lại có thể thanh, nhã đến vậy không? Làm gì có chuyện " dâm".Chừng ấy thôi cũng đủ thấy thật ra ngay cả những lời chê đầy chung chung cũng là lối nói lấy được. 
Trả lời Nguyễn Hoàng Đức :
1/. Nói TK là dựa theo cốt truyện KVKT của TTTN chỉ là lối nói của những người hời hợt cảm tính. Tất cả những người có điều kiện tiếp xúc được nguyên bản cách trực tiếp, thậm chí gián tiếp( như tôi) đều dễ dàng thấy ngay là KVKT của TTTN thật sự chỉ là thứ tác phẩm mang tính ghi chép tự sự quá tầm thường, xếp cho là "hạng ba" trong một nền văn học có bề dày cỡ TQ đã là rất khó hiểu. Sòng phẳng phải xếp hạng bét, có cũng được mà không có cũng đươc. Cái may, cái duyên của KVKT lại chính là nó được gặp bậc thiên tài văn học ND, được ông để mắt tới, dùng làm phương tiện thể hiện tư tưởng của ông ( trong TK). Thế là từ một ghi chép tầm phào thoắt một cái sáng lòa được nâng lên hàng " thuyết". Tôi nhắc lại TK ( ban đầu ND đặt là Đoạn Trường Tân Thanh) là một tác phẩm xuyên suốt từ đầu đến cuối tất cả tinh thần, tư tưởng cốt lõi của Phật Giáo, đôi chỗ xen lẫn Đạo Giáo. Từ tài mệnh, luân hồi,quả báo thiện phúc, từ bi hỷ xả... và được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ cô đọng mang triết lý nhân sinh dày đặc trong khi nguyên bản KVKT của TTTN chỉ là những ghi chép kể lể vô hồn cỡ cầm bút như tôi (nói không ngoa) cũng không bao giờ có thể cho ra mắt những tác phẩm quá tầm thường như vậy. Do vậy chỉ có thể nói chính ND đã sử dụng KVKT của TTTN làm phương tiên, làm nguồn cảm hứng để sáng tạo lên một kiệt tác văn học bằng Tiếng Việt chứ không một ai kể cả những người táo gan nhất dám lu loa điều ND đã chuyển ngữ KVKT thành TK. Mà cũng phải thành thật mà nói rằng nếu không có TK của ND chắc chắn chẳng mấy ai lục lại KVKT của TTTN. Nó sẽ mãi mãi chỉ là thứ tàng thư bụi phủ.
2/. Tôi không biết cái gọi là " hội thảo" của cái gọi là " hội Nhà Văn Trung Quốc" thế nào nhưng tôi nói điều này bạn NHĐ cứ tin đi thế giới người đọc không bao giờ kém cỏi đến mức họ để cho người viết dắt mũi. Họ là số đông, nhiều đẳng cấp phán xét mổ xẻ ở nhiều góc nhìn nhận thức. Vài cái anh gọi là hội nhà văn quê hương AQ không thể lừa họ được đâu. Thế giới hiện nay chỉ biết đến và khâm phục ND với TK mà chẳng ai để ý đến KVKT và TTTN mặc dù chính ND chứ không phải ai khác luôn thừa nhận rằng viết lại từ một cuốn sách ngẫu nhiên ông có được cái câu chuyện từ năm "Gia Tĩnh Triều Minh" bằng thứ" lời quê chắp nhặt dông dài " Tiếng Việt. Tôi cứ nghĩ có lẽ vì TK đã được thế giới người đọc đề cao, hâm mộ( cũng đúng mức thôi) đã chọc tức và khơi dậy lòng "ố nhân thắng kỷ" của đám người cầm bút thiếu tài thừa kiêu ngạo của đất nước tỷ dân để họ dở trò thấp hèn bày đặt hội thảo mà thôi. Nhưng thói đời, với các phẩm giá đích thực thì dìm tức chính là nâng vậy. Chẳng qua cũng chỉ là háo danh, tự sướng. Là thủ dâm văn hóa hóa thôi để ý đến những thứ ấy làm gì?
3/. Với các điển tích, điển cố hay các câu thơ đường được dịch và sử dụng trong TK thực ra chỉ là thể hiện của sự giao lưu hay hòa đồng , quảng bá văn hóa, là tập quán thường có của hai người hàng xóm từng dùng chung kinh sách văn tự. Đó là điều bình thường, tự nhiên, dễ hiểu. Đã là văn hiến thì đều là của chung toàn nhân loại làm gì có chuyện anh A hay anh B dùng thì tốt còn anh C hay anh D dùng lại là xấu, là thuổng, là đạo. Lập luận như vậy có đáng được để cho ta chấp nhận hay không tôi tin rằng NHĐ sẽ tự nhìn thấy điều này nếu anh tĩnh tâm và sòng phẳng. Đấy là chưa nói đến việc ND lại thể hiện tài hoa ở mức phi thường trong mọi trường hợp dịch hay sử dụng. Kiểu như" cỏ non xanh rợn chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa" hay" hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" chẳng hạn. Chuyển ngữ mà giữ được nguyên nghĩa gốc lại hay hơn, uyển chuyển thi vị hơn cả gốc thì còn gì bằng. Thôi thì cứ từ ta suy ra người một chút. Nếu là tôi được ai dịch ( một câu thôi) hay trích (một chữ thôi), nhắc đến tên thôi đã đủ để tôi lâng lâng trong cái cảm giác mình được để mắt tới, được quảng bá tên tuổi. Nhất là người nhắc đến tôi lại có chút danh tiếng nữa thì ôi thôi thật là hạnh phúc ngập tràn. Tiếp thu, chọn lọc, nâng cao trong tri thức là việc không chỉ "nên" mà là việc "cần" làm, đáng để ghi công. Khổng Tử san định Kinh Thi, soạn văn ngôn kinh dịch rồi được gọi là Thánh Thi ,Thánh Dịch. Trình Di đề truyện, giảng kinh dịch được nho gia ghép tên thành cửa Khổng sân Trình. Vậy dịch thơ đường như ND trong TK( tuy chỉ chừng chục câu) nhưng toàn là tuyệt bút, gọi là Thánh Thơ Đường cũng đáng sao lại đòi chê bai dè bỉu.
4/. Tôi không hiểu tại sao, căn cứ vào đâu NHĐ cho rằng chỉ có thể thơ song thất lục bát mới làm lên trường thi có sức biểu cảm mạnh rồi gán cho người Việt mà đại diện là văn hào ND thuổng của người tàu về biến tướng èo uột vì thể chất yếu đuối thành thơ lục bát. Có lẽ NHĐ chưa từng đọc ND, đọc TK một cách nghiêm túc chăng? Nếu chưa, xin mời anh đọc lại ND trên hai bản: 1/ tất nhiên là TK. 2/ Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh. Và nếu có thể hơn, đọc thêm một vài tác phẩm trước cả ND trong nền văn học nước nhà như Cung Oán Ngâm Khúc( Nguyễn Gia Thiều) hay Chinh Phụ Ngâm( Đoàn Thị Điểm)... tôi tin rằng anh sẽ nhận ra ngay mình tùy tiện võ đoán thế nào.
( còn nữa)
https://www.facebook.com/paulnguyenhoangduc/posts/2166269553630186



2.


(Bài kết )

Paul Nguyễn Hoàng Đức
1- Ngôn ngữ thơ không bao giờ biến thành văn bản của Hiến pháp. Mà không có hiến pháp không thể có quốc gia. Ngôn ngữ Lập hiến cũng như pháp luật bao giờ cũng bằng văn xuôi. Nếu chỉ yêu thơ, tức lới lơ đọc vui vầy, thì không bao giờ một ngôi làng hay nhiều ngôi làng tập hợp lại cùng những lệ làng rời rạc, trở thành thành quốc gia cả?! Vì vậy không có hiến pháp bằng văn xuôi thì chúng ta chỉ là đám thiểu năng bán khai mọi rợ trong rừng rú?!
Các câu danh ngôn, châm ngôn hay thánh ngôn cũng không bao giờ bằng thơ, vì chúng có mặt như “mệnh lệnh cách” để mọi người thực hiện nên không thể ẻo lả như thơ!
Càng có học, càng biết đọc chữ, thì con người càng cầm sách đọc mà xa rời thứ thơ mù chữ thuộc lòng!
Một dân tộc không có tư duy cứng, lý luận thì không bao giờ thành cường quốc, trái lại chỉ là thứ dặt dẹo lả lơi, sống bằng cảm xúc hưởng thụ vần vèo ít học của nô tài. Chính Tổng bí thư Lê Duẩn cũng ý thức được về điều này khi ông muốn trở thành lãnh tụ của lý thuyết với cuốn “Dưới lá cờ…” và ông mời triết gia Trần Đức Thảo đến để hỏi về lập luận phần cứng. Lịch sử của Trung Hoa mới cũng chỉ ló rạng khi Tôn Trung Sơn viết “Chủ nghĩa Tam dân” bằng văn xuôi. Vì thế, khi bàn về Truyện Kiều của Nguyễn Du, không phải chúng ta chê ông, mà là chê một thói quen dễ dãi cảm xúc sụt sùi của thứ quê mùa vô học, không bao giờ muốn tiến bộ để đưa đất nước thành cường quốc. Vì thế mà đám hà hít xiển dương Truyện Kiều là tinh hoa chói lọi vài thế kỷ… chắc chắn cũng là những hạng người bất tài lạc hậu nhất (riêng về thơ, tôi xin thách tất cả bọn họ, còn lý luận về thơ, chỉ trong ba ngày tôi đã xảy họ ra khỏi sàng).
Nước Việt chỉ có vài áng văn xuôi như “Hịch Tướng sĩ”, tiểu thuyết vừa “Hoàng Lê nhất thống chí”, nhà thơ Tản Đà đã đi tiên phong trong lĩnh vực văn xuôi khi bắt tay vào viết những mẩu ngắn. Chúng ta ca ngợi Truyện Kiều, nó là áng văn rất hay, nhưng đó là thói quen khi còn mù chữ. Giờ chúng ta có nhiệm vụ phải tạo ra truyền thống mới là biết đọc những văn bản cứng bằng chữ?!
2- Lười biếng: Người Tàu và người Việt theo đuôi rất thích Nhàn, có câu danh ngôn: Sống trăm năm, được nửa tháng thanh nhàn là tiên. Lãnh Tụ Tôn Trung Sơn phân tích, người Tàu xưa rất thích Nhàn, nên mới để móng tay dài để khoe mình Nhàn (người Việt cũng theo đuôi vậy). Nhàn là lẽ sống, mà xét cho cùng Nhàn cũng là Lười. Lười biếng và nhàn hạ cũng là lẽ sống tránh nắng tránh mưa của tiểu nông, đến độ theo triết gia Pháp, người nghiên cứu hàng đầu về Trung Quốc đã vạch ra: người Hoa sống nhạt để không để lộ mình là ai. Trong các loại hình nghệ thuật làm thơ là nhàn và lười nhất. Nếu tiểu thuyết viết trong vài năm thì thơ đoản ca viết trong một đêm, riêng Tào Thực ở Tàu viết bài thơ chỉ trong bảy bước chân… Vì quá nhàn và quá lười nên đa số dân ít chữ chỉ thích và chỉ có thể làm thơ?! Cho đến lúc này, dân yêu Truyện Kiều chưa có ai dám bỏ công và cả gan đếm xem Truyện Kiều có bao câu hay, mà chủ yếu còm mấy câu loanh quanh nhì nhằng. Đó hiển nhiên là sự lười biếng và hèn nhát kinh khủng.
3- Mới hôm qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam vừa viết bài: chỉ riêng Hà Nội và khu vực lân cận đã có 600 câu lạc bộ thơ. Những CLB này đều muốn xin HNV chính thức ra mắt mà không được chấp nhận. Có một câu lạc bộ ở ngay Hà Đông yết bảng to tướng: “Câu lạc bộ thơ X, bên trên đề Hội Nhà Văn Việt Nam”. Điều đó chứng tỏ cái gì? Là: tham quyền, tham vào tổ chức lớn, ăn gian danh vọng của tổ chức. Thích làm thơ cần gì phải có hội hay câu lạc bộ? Than ôi vì ốm yếu quá mà cần đám đông! Xong lại ốm yếu quá nên cần danh xưng tổ chức nhà nước. Và vốn ít quá nên thường xuyên “đạo văn” kể cả những người danh tiếng bậc nhất cũng thuổng chỗ nọ chỗ kia, mà dân làng văn nói: nhiều khi cả nể quá nhưng đành im tiếng không muốn bóc mẽ.Vì có truyền thống ăn cắp nhiều nhất thế giới nghĩa đen, rồi đạo văn nghĩa bóng nên nhiều tác giả Việt rất bao dung cho việc đạo văn của người khác. Hoàng đế Napoleon nói: “Quá khoan dung với tội lỗi, là đồng tình với tội lỗi.”
Quốc gia ta ngày nay hèn yếu thế này, lý do chính thức về mặt tinh thần và văn hóa là vì chúng ta chỉ biết yêu thơ và lấy Truyện Kiều là khuôn vàng thước ngọc bất khả vượt qua. Tôi đồng ý rằng: Truyện Kiều có giá trị văn hóa cao trong nền văn thơ Việt nhưng tôi luôn chống lại, đó là một bóng mát xum xuê để đám tư duy âm lịch chủ yếu là ít học ẩn nấp cũng như đề cao coi đó như lá chắn cho mấy vần thơ lèo tèo lười biếng của mình. Cho đến lúc này, lời thách viết một tiểu luận 300 chữ của tôi vẫn là đỉnh Chô-mô-lung-ma so với đám hà hít câu vần?!
Paul Đức 01/12/2018
https://www.facebook.com/paulnguyenhoangduc/posts/2165720747018400



1.

Paul Nguyễn Hoàng Đức
Trước hết tôi cũng là nhà thơ chuyên nghiệp với số lượng và chất lượng hàng đầu: 5 trường ca có nhân vật, một tập thơ lẻ, và hàng trăm bài tiểu luận về thơ (nếu bạn nào thấy không thỏa đáng thì xin đề cử và ứng cử ở Việt Nam có người hơn tôi?!)
Từ Tây chí Đông, thơ mở màn giành cho người mù chữ. Ở phương Tây, chữ nghĩa ngày xưa viết trên da thuộc, nghĩa là rất đắt, chỉ có vua chúa và nhà giầu nứt đố đổ vách đủ tiền mua sách bằng da. Ngay cả ngày nay, một cuốn sách bọc có hai trang bìa bằng da đã cực đắt. Vì sách bằng da đắt thế nên xuất hiện vô số những kẻ ngâm thơ rong… có tài như Homer thì ngâm trường ca như Iliad và Odyssey, còn đám bất tài thì như triết gia Aristote viết là bọn ngâm đoản ca ngoài chợ. Thơ đoản ca ngày đó bị khinh bị tuyết đối, chỉ hơn đám ăn mày. Giá trị văn hóa cao nhất là các vở bi kịch giành cho đàn ông, hài kịch giành cho đàn bà trẻ nhỏ, được nhà nước Hy Lạp phát vé mỗi tối, còn không bao giờ có sân khấu cho nhà thơ, nên đám đoản ca thường đứng chầu hẫu bên đường đến sân khấu hay sân vận động…
Người Tàu cũng cự kỳ khinh bỉ thơ đoản ca, nó được gọi là “tức cảnh sinh tình” – tức là tiện đâu làm đấy. Sách của Tàu là đất nung hay thẻ tre nói chung rất đắt và kỳ công, nên có những người đi kể chuyện rong các bộ Thủy Hử, Tam Quốc cho người mù chữ nghe. Còn câu đối là thứ đám mù chữ nghe xong gật gù phải xin chữ về treo trong nhà…
Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng vậy, được phát sinh giữa vô vàn nông dân mù chữ, đến đầu thế kỷ 20, mà người Việt còn phải điểm chỉ dấu tay, đủ hiểu số mù chữ đông cỡ nào?! Nhà của người Việt thường giống như lều, một gian hai trái, kéo dài ra là 3 gian 2 trái, đến chùa lớn ở Hà Nội là trăm gian cũng chỉ là những gian nối kéo dài… Vì thế tính cấu trúc của người Việt cực kỳ yếu. Đấy là một logic về tất cả các mặt, xương cốt yếu, thì hệ thần kinh yếu, dẫn đến lý trí yếu, nên không thể sáng tác ra cốt truyện… Việc người Việt phải dùng đến tất cả các cốt truyện kinh điển của Tàu là một bằng chứng, như: Lưu Bình – Dương Lễ, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa, Lục Vân Tiên… rồi Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân…
Hình thức thơ chính là để dễ đọc dễ nhớ giành cho người mù chữ. Không có cốt truyện, lại có Truyện Kiều ngâm nga quả là liều thuốc quí hiếm cho mặc cảm mù chữ. Mặc cảm mù chữ là một mặc cảm lớn bậc nhất của lịch sử. Những người già tập thể dục ở Trung Quốc sáng tập thể dục dùng gậy vẽ chữ xuống đất, chính là mặc cảm mù chữ. Việc vua chúa Tàu dựng một bảng chữ to tướng sau ngai vàng cũng là mặc cảm khoe chữ. Còn phương ngôn hiện đại của bậc cha mẹ Tàu là: “Không học không thành người được!” chính là mặc cảm mù chữ.
Truyện Kiều hàng nhái của Nguyễn Du rõ ràng đã đóng vai bảo bối cho mặc cảm mù chữ, quê mùa vô học, vậy mà đọc vanh vách Truyện Kiều khiến người ta và con cháu lác mắt chẳng phải không có chữ mà vẫn giống người có học sao?!
Ngôn ngữ là trí tuệ! (đó là bất khả cãi). Tất cả những lời nói và viết đều bị người ta bẻ lại: điều đó có thật hay có lý không? Nhưng không ai đi vặn vẹo một nhà thơ về trí tuệ cả, điều đó có 2 lý do:
1- Thơ là lĩnh vực tưởng tượng, không nên tra xét trí tuệ.
2- Trí tuệ của loại đoản ca có được bao nhiêu mà vặn vẹo.
Người Việt gọi thơ và nhà thơ là: “thơ thẩn”, tức cũng muốn nói chấp gì đám ngớ ngẩn lẩn thẩn làm thơ.

Trong thực tế, người nhà quê mù chữ nhiều nhất và cũng mang tính xấu nhiều nhất. Khổng Tử nói: “Hương nguyện đức chi tặc giã” – tức nhà quê là hại đức. Người Tầu thường xuyên mắng nhà quê rằng: “Đồ quê mùa cục súc, bỉ ổi, thô lỗ…” Hình ảnh quê mùa bản năng, tham lam, xấu tính chính là Trư Bát Giới đã được văn học Trung Quốc dựng lên…
Người Việt cũng giống các chuyên gia thế giới đánh giá rằng: “Nhà giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành thị!” Tại sao? Vì chỉ có mật độ của thành thị mới có thể tiếp cận nền văn minh.
Nước ta xưa nay vẫn là tam nông. Tiểu nông là đông nhất, cũng đóng góp nhiều người mù chữ nhất. Từ đó cũng đóng góp nhiều người làm thơ và yêu thơ nhất, những thứ hát xẩm xoan chẳng từ lục bát ra là gì?! Con số nhà thơ chính thức chỉ xếp sau con số nông dân?! Số này cũng lạc hậu và thải ra nhiều tính xấu cho xã hội nhất như ích kỷ, đố kỵ, hiệu ứng bày đàn, đạo văn, mới đây trong cuộc thi thơ tại Đồng bằng sông Cửu Long phát hiện hơn 40% đạo văn, chuyện số này ca tụng việc đạo cốt Tàu của Nguyễn Du chẳng qua cũng có phần biện hộ cho tính ăn cắp nhiều nhất thế giới của người Việt mà thôi?!
Đã là tiểu nông mù chữ vô văn hóa thì xấu xa đủ trò, bời vì họ cũng là những nô tài không thể có danh dự và bổn phận lớn?! Trước hết họ thường xó máy hèn hạ nhũn như con chi chi, sau lại gàn dở láo khét để phản thùng tư chất nô tài, chẳng hạn họ đã từng khoe cái gì cũng nhât thế giới như: Kinh Dịch là của Việt Nam, người Hoa từ Việt Nam phát triển ra, Việt Nam là nhân lõi của thế giới vì Việt Nam giỏi nông nghiệp nhất mà thế giới mở màn bằng nông nghiệp, khoe thế khác gì con ếch bảo: vì tôi không có đuôi, nên tôi là ông tổ của loài người?!
Việc bàn về Nguyễn Du, đòi hỏi phải có chuyên môn, nhưng nhiều thứ ruồi muỗi kém cỏi thuộc giới mù chữ và ít học lại cho rằng: đây là bữa tiệc sơn hào hải vị về danh vọng, nên lê la đến để cầu tí danh thừa. Việc có một cô mẫu giáo đòi chỉ bảo cho tôi, và những anh chàng bảo tôi không có luận điểm gì, vì mọi thứ tôi tự nói ra… thật là thiểu năng hết chỗ nói, tôi không nói cái của tôi thì sỏi đá nói à?! Đó cũng là cái xấu của thói tiểu nông nô tài…
Ở Việt Nam, đi qua bất kể làng nào, để gặp một kỹ sư thiên khó vạn nan, nhưng để gặp mươi anh hát xẩm hát xoan là có ngay, đó là thơ nghiệp dư nhà quê đấy. Điều đó chứng tỏ giới làm thơ, yêu thơ, hà hít thơ, chầu rìa quanh thơ kiếm tí danh thừa, kể cả lê la vào cung điện nhà quê hàng chế của Truyện Kiều là những người ít học và thiểu năng bậc nhất. Điều này thì nhà phê bình Hoài Thanh đã nói từ đầu thế kỷ 20: cái học kiểu Tàu chỉ biến con người thành những cái máy đúc hàng vạn bài thơ dở.
Còn tôi xin nói thật, tôi nhìn đám học kiểu Tàu, âm lịch, ăn nói lằng nhằng nước đôi, rồi thơ phú đoản câu… tôi đều thấy họ có vẻ âm u, cố chấp, đần đần… Bây giờ tôi muốn xin thách đấu thơ với Nguyễn Du cả bài ngắn lẫn thơ dài, có vị nào dám chính thức đứng ra làm trọng tài không? Thực ra điều này tôi cũng chẳng dũng cảm gì: hồi Thơ Mới, đã có người thách đấu, nhưng đám âm lịch Tàu học im như thóc đâu có dám thò mặt ra?!
Paul Đức 30/11/2018
https://www.facebook.com/paulnguyenhoangduc/posts/2164985233758618
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.