Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

29/11/2018

Nhìn lại 10 năm trước : nhà cũ Phan Bội Châu ở Huế xuống cấp nghiêm trọng (2008-2010)

Mấy năm gần đây thì nhà cũ của cụ Phan Bội Châu ở Huế đã được phong quang, trở thành một điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Dĩ nhiên là nó đã xuất hiện trên bản đồ du lịch Huế. Có thể xem ở đây hay ở đây.

Nhưng cũng cần phải nhìn lại chuyện 10 năm trước.

1. Nhà cũ của Ông già Bến Ngự ở Huế đã được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1990 (tức là cùng một đợt Bộ trưởng Trần Hoàn kí, ngang thời điểm công nhận lăng tưởng niệm Nguyễn Công Trứ tại huyện Tiền Hải).

2. Năm 1997 thì khu nhà cũ ấy được trùng tu một đợt (so sánh: lăng Nguyễn Công Trứ ở Tiền Hải thì được trùng tu năm 1993, việc này được tôi trình bày rõ ở đây).

3. Đến khoảng các năm 2006-2008, thì khu nhà Ông già Bến Ngự xuống cấp trầm trọng. Các nơi kêu cứu (so sánh: lăng và đền Nguyễn Công Trứ ở Tiền Hải cũng lại xuống cấp trầm trọng; một số đại gia của quê hương Tiền Hải đã chung tay bắt đầu trùng tu).

Chính quyền thành phố Huế quyết định chi 500 triệu đồng để trùng tu nhà cũ của Phan Bội Châu vào năm 2009. Con cháu cụ thì góp 200 triệu đồng.

(so sánh: các đại gia là con cháu các cụ tiên công đã theo Nguyễn Công Trứ về Tiền Hải đã góp khoảng 20 tỉ để xây dựng Khu tưởng niệm doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, trong đó có hạng mục trùng tu lăng, đã khánh thành toàn bộ năm 2011. Việc này, tôi cũng đã trình rõ ở đâyở đây).

4. Đại khái là như vậy. Di tích trên cả nước đều đại khái như vậy.

Bây giờ là đưa một ít tin cũ ở thời điểm trước năm 2010 của nhà cũ Phan Bội Châu tại Huế (trước thời điểm được trùng tu).

---

Ảnh chụp trước năm 2010


1. Năm 2008

12:13 15/12/2008


Ngôi nhà ở của cụ Phan được trùng tu năm 1997 với mái nhà tranh, cột nhà gỗ, hơn 10 năm nay đã bị mục vỡ, dột nát.

(TT&VH Online) Đuợc công nhận là di tích quốc gia năm 1991, nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu bao gồm khu nhà ở, lăng mộ và khu từ đường với tổng diện tích gần 5000 m2 nằm ở phường Trường An - Thành phố Huế đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Thực trạng này đỏi hỏi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc trước khi quá muộn.
Bức tượng cụ Phan đang bị nứt nẻ, sụt lún mỗi ngày

Ngập úng, sụt lún… 

Ngôi nhà ở của cụ Phan được trùng tu năm 1997 với mái nhà tranh, cột nhà gỗ, hơn 10 năm nay đã bị mục vỡ, dột nát. Cô Phan Thị Hạnh Châu (là cháu dâu của cụ Phan), người trông nom khu di tích từ năm 1998 đến nay cho hay: “Cứ trời mưa là toàn bộ ngôi nhà bị dột từ nhiều chỗ khiến cho ngôi nhà càng trở nên thấp ẩm, mối mọt. Sợ nhất là các cột trụ trong ngôi nhà cũng đang yếu dần, nếu du khách không để ý va chạm mạnh tôi rất lo nó sẽ nghiêng ngả, đấy là chưa kể gió bão”.

Cạnh ngôi nhà tranh trống trải là nhà lưu niệm truyền thống được xây dựng bằng tiền quyên góp của đồng bào do luật sư Phan Văn Trường đứng ra tổ chức vận động, đến nay cũng dột bên này, thốt bên kia. Số hiện vật, tranh ảnh, tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ Phan Bội Châu trong những năm hoạt động cách mạng trong và ngoài nước cũng rất ít. Sát đó là ngôi mộ của cụ Tăng Bạt Hổ và cụ Võ Bá Hạp là những người sát cánh cùng với cụ Phan hoạt động cách mạng. 
Ngôi nhà trống trải hiện vật và đang xuống cấp trầm trọng

Bức tượng chân dung của cụ Phan được đúc bằng đồng từ năm 1989 (do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn đúc) nặng 9 tấn đến nay hai bên mép và chân cũng đã bị nứt nẻ, bong tróc. Đặc biệt, do mùa mưa hệ thống thoát nước hầu như không hoạt động nên dẫn đến tình trạng sụt lún nền móng. Cô Hạnh Châu nói “2 năm trở lại đây, bức tượng càng ngày càng bị sụt móng nặng thêm nhưng chưa có cách nào khắc phục”. Chúng tôi quan sát thấy, cạnh đó nhà bia tưởng niệm Ấu Triệu (một chiến sỹ hoạt động cách mạng cùng chí hướng với cụ Phan) cũng rêu phong phủ xanh rờn.

Mặc dù được công nhận là di tích quốc gia nhưng khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu đến nay vẫn chưa được nằm trong tour du lịch nào của thành phố, du khách chủ yếu đi theo cá nhân, ai biết thì đến, mùa đông thì rất ít khách mặc dù mở cửa tuần 4 ngày trong tuần (thứ3, 5, 7 và Chủ nhật)

Nằm cách nhà lưu niệm cụ Phan 500 mét, ngược lên đường Điện Biên Phủ là khu bia mộ cụ Phan lập ra năm xưa với mong muốn chôn cất các đồng chí cùng chí hướng. Khu an nghỉ có tổng diện tích gần 500 m2, bao gồm 45 ngôi mộ do ông Lê Văn Thế quản lý (thân sinh ông Thế vốn là người giúp việc của cụ Phan). Quang cảnh khu bia mộ rậm rạp, âm u, cây dại mọc um tùm, cửa chính cổng luôn khóa trái. Theo lời nhiều người dân xung quanh đây thì ai muốn vào thì “dựng xe ở ngoài, đi theo đường mòn bằng cách dỡ bờ rào cây bụi là xong!”.  

Những ngôi mộ chôn ở đây đều là những người “đạt” chuẩn theo “Bia quy ước” mà cụ Phan lập ra. Ngoài cùng là ngôi mộ của cụ Nguyễn Chí Diểu do cụ Phan tự tay chôn cất năm 1939, còn có nhiều mộ của các danh nhân, nhà thơ, liệt sĩ như: nhà thơ Thanh Hai, nữ sĩ Đạm Phương, liệt sỹ Tự Nhiên… Ông Thế cho biết, ông trông nom khu bia mộ cũng đã được mấy chục năm nay, sức đã già tuổi đã cao nên mọi việc dọn dẹp, cắt cỏ, thu gom làm sạch khu bia mộ chủ yếu trông vào con cháu trong nhà nhưng ai cũng bận nên thành thử cả năm có dịp mới làm một lần. 
Khu bia mộ um tùm cỏ dại mọc 

Những mong mỏi…

Hiện nay, cô Châu được Bảo tàng Lịch sử Thành phố Huế hỗ trợ công trông nom khu di tích với mức lương hàng tháng 200 ngàn đồng. Tuy nhiên với cô Châu “được trông nom, săn sóc phần mộ cụ suốt quãng đời còn lại là tôi mừng và hãnh diện lắm rồi”. Có lần cô tự bỏ tiền túi ra cho các hoạt động “chăm” di tích rồi tiền mua hương khói. Cô tâm sự: “mấy tháng nay mừng lắm vì có các em học sinh hay lui tới dọn dẹp khu di tích”.  

Mong muốn lớn nhất của cô Châu lúc này là có kinh phí và biện pháp trùng tu, sửa chữa khu di tích của cụ Phan, tránh tình trạng người ngoài xâm lấn phần đất khu di tích. “ Năm ngoái cứ ngỡ có kinh phí từ trên xuống sửa chữa, di dời bức tượng của cụ Phan về nơi rộng rãi hơn ai ngờ đùng một cái sở Văn hóa sát nhập với sở Du lịch rồi kinh phí cũng “treo” tới giờ luôn!?” – Cô Châu buồn nói. 
Phan Bá Mạnh

 https://thethaovanhoa.vn/printer-20081215014414487.htm



2. Năm 2009

Nỗi buồn “Ông già Bến Ngự”
11/08/2009 00:20


Huế là nơi nhà yêu nước Phan Bội Châu đặt bước chân đầu tiên trên con đường hoạt động cách mạng và cũng là nơi cụ Phan sống những năm tháng cuối đời

Di tích lưu niệm Phan Bội Châu ở Huế (bao gồm ngôi  nhà tranh ở dốc Bến Ngự, nhà thờ, lăng mộ và nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu) có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng việc bảo quản và phát huy khu di tích này vẫn chưa xứng tầm.

Cả khuôn viên khu di tích được phủ kín bởi nhiều loại cỏ dại và thường bị ngập nước mỗi khi mưa lớn, khiến bức tượng cụ ngày càng bị lún sâu.

Ngoài ngôi nhà tranh 3 gian, chỉ còn lại  hai chiếc tủ dựng sách, đã hiện diện 79 năm qua (từ năm 1929), nay đã hết sức cũ kỹ, xiêu vẹo và hoàn toàn trống rỗng. Một số tài liệu do cụ sáng tác hiện đang được hậu duệ của cụ sinh sống tại TPHCM cất giữ.

Căn phòng phía trong, càng trở nên lạnh lẽo bởi sự trống vắng. Những hiện vật đơn giản có thể phục chế được, như chiếc giường tre, quạt giấy, đôi guốc cụ vẫn dùng lúc sinh thời, lẽ ra phải có mặt ở đây từ lâu rồi, nhưng hiện tại vẫn chỉ là mong ước của du khách!

Bức tượng đồng cụ Phan trong khu di tích đang bị bỏ hoang

Cả ngôi nhà ở, nhà thờ và nhà trưng bày hiện vật của cụ được dựng trên một khu đất khá rộng, do bạn bè thân hữu, những người yêu mến cụ đã vận động, quyên góp xây dựng nên. Vậy mà giờ đây, toàn bộ cảnh quan khu di tích lịch sử của cụ Phan bị phá vỡ bởi các ngôi nhà cao tầng trái phép mọc lên, che khuất.

Bức tượng cụ Phan bằng đồng, với chiều cao 3 m, nặng 4 tấn, đặt trong khuôn viên khu di tích, do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn sáng tác vào năm 1973; phường Đúc (một địa phương có nghề đúc đồng nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên- Huế) thực hiện, nằm lạnh lẽo ở bên góc vườn vắng vẻ.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bức tượng đặt ở vị trí này là không đúng tầm cỡ của một nhà chí sĩ cách mạng. Đây cũng là nỗi trăn trở  không chỉ của người dân Thừa Thiên- Huế mà còn của  nhiều du khách khi đến tham quan khu di tích.

Được biết, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có phương án tu sửa lại khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu với kinh phí 500 triệu đồng và sẽ thực hiện trong tháng 8 này. Dù muộn, nhưng dự án này được triển khai sẽ làm nhẹ lòng những người yêu quý cụ Phan.
Bài và ảnh: Xuân Hồng

https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/noi-buon-ong-gia-ben-ngu-20090810112013615.htm



3. Năm 2010

Huế: Những “địa chỉ vàng”… bị quên lãng

Cập nhật ngày: 12/04/2010 03:57:59

Những “địa chỉ vàng” của các danh nhân xứ Huế đã thực sự làm nên không gian văn hoá đặc sắc cho Huế, nhưng trên bản đồ du lịch Huế những địa chỉ này hầu như bị quên lãng.
Nhà trưng bày lưu giữ tác phẩm Điềm Phùng Thị
Trong kho tàng văn hoá Huế, hệ thống các di tích chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng với hơn 900 di tích văn hoá, lịch sử, trong đó quần thể 16 điểm di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại. Ngoài ra còn có hơn 100 di tích đã được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia, như: nhà thờ danh gia Tam kiệt Nguyễn Tri Phương, nhà thờ Tổ nghề đúc đồng, khu lưu niệm nhà chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu, ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan - nơi lưu dấu tuổi thơ của Bác Hồ, nhà thờ ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam - Đặng Huy Trứ, khu di tích lăng mộ danh nhân Bùi Kỷ, Nguyễn Lộ Trạch…
Có thể nói, cùng với quần thể di tích cố đô, hệ thống di tích các danh nhân văn hoá - lịch sử đã tạo nên một tài nguyên vô giá cho ngành du lịch Thừa Thiên - Huế. Thế nhưng, lâu nay du khách đến Huế, hầu như chỉ mới biết đến quần thể di tích cố đô với đại nội, đền đài, lăng tẩm... còn hệ thống di tích các danh nhân văn hoá - lịch sử Huế ít người biết đến, do không nằm trong tour, tuyến nào của ngành du lịch. Lượng du khách đến với địa chỉ các danh nhân chủ yếu là tự phát, ai biết thì đến, không biết thì thôi, nên không ít di tích rơi vào tình trạng đìu hiu, rất lãng phí, chưa nói đến các di tích ở xa trung tâm TP Huế như: nhà thờ Nguyễn Tri Phương ở Phong Chương - Phong Điền (cách Huế hơn 30km), nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Quảng Điền, nhà thờ Đặng Huy Trứ ở Hương Trà thường ngày vắng người thăm viếng... Thậm chí, ngay các "địa chỉ vàng" ở trung tâm thành phố Huế cũng hầu như bị  lãng quên.
Tôi đã hàng chục lần hành hương đến với di tích các danh nhân văn hoá - lịch sử ở Huế với tâm niệm tìm lại chút hình bóng những người đã góp phần không nhỏ làm nên sự hấp dẫn phong phú của lịch sử, văn hoá Huế. Thế nhưng, càng đi càng thấy... buồn.
Tại khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, trên dốc Bến Ngự, nơi lưu dấu 15 năm cuối đời của nhà chí sỹ cách mạng nổi tiếng mà người Huế quen gọi với cái tên gần gũi "Ông già Bến Ngự ", bao nhiêu năm nay "trơ gan cùng tuế nguyệt''. Vẫn ngôi nhà tranh đơn sơ và bức tường đồng đồ sộ do nhà điêu khắc Phan Thành Nhơn thực hiện từ những năm 70 của thế kỉ trước và nhiều vật dụng liên quan đến cuộc đời của Cụ, nay giao cho người cháu họ trông coi, nguy cơ xuống cấp đã hiện rõ. Du khách muốn đến với khu lưu niệm này không dễ, bởi địa chỉ này không có mặt trên bản đồ du lịch của ngành du lịch Thừa Thiên- Huế. May sao cuối năm 2005, có cuộc hội thảo về phong trào Đông Du và vai trò của nhà Chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu, do các nhà nghiên cứu Nhật Bản phối hợp với Hội sử học tổ chức, địa chỉ này mới được nhiều người quan tâm tìm hiểu.
Cách khu lưu niệm Cụ Phan không xa, từ dốc Bến Ngự xuôi đường Phan Bội Châu chưa đầy 1 km là đến nhà trưng bày và lưu niệm điêu khắc gia lừng danh thế giới Điềm Phùng Thị, một người con của xứ Huế - người đã hiến tặng toàn bộ những tác phẩm điêu khắc của mình cho thành phố quê hương. Tài sản vô giá này hiện do Phòng Văn hoá thông tin TP Huế quản lý trưng bày, nhưng không biết đến bao giờ mới trở thành một điểm du lịch thực sự. Mặc dù hiện nay du khách đến đây chủ yếu là tự phát, ngưỡng mộ mà tìm đến để chiêm ngưỡng, nghiên cứu, chứ không nằm trong tour du lịch nào của thành phố Huế.
Một địa chỉ hành hương đặc biêt nữa là ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, nơi Bác Hồ đã sống những năm tuổi thơ ở Huế . Địa chỉ vàng này đã được cố nhà thơ Thanh Tịnh tả lại rất chi tiết trong tác phẩm "Đi từ giữa một mùa sen" như sau:
 :"... Ăn nhờ ở đậu lân la / mới thuê được một căn nhà hướng nam / xế hiên một gốc mai vàng/ trước sân bông bụt một hàng rào thưa / bên này nhà chú thợ cưa / bên kia nhà một viên thừa bộ binh / Dãy nhà gian ngói bếp tranh /chênh chênh nhìn phía cổng thành Đông Ba ..."
Vừa qua, Bảo tàng Thừa Thiên-Huế đã phục chế tôn tạo lại ngôi nhà như cũ và tái hiện lại một phần vật dụng mà Bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Hồ Chủ tịch - đã sử dụng để nuôi sống gia đình những năm cuối đời. Với mục đích tạo nên một địa chỉ du lịch cảm động về thời thơ ấu của danh nhân văn hoá thế giới - Hồ Chí Minh. Thế nhưng, hiện nay mục tiêu này chỉ dừng lại ở mức độ bảo tồn, chưa trở thành một điểm tham quan du lịch trong hệ thống di tích danh nhân văn hoá Huế.
Còn nhiều người con xứ Huế nổi tiếng khác được người đời ngưỡng mộ tôn vinh, đáng lẽ phải có địa chỉ lưu dấu trong lòng xứ Huế, như Trịnh Công Sơn, Tố Hữu, Tôn Thất Tùng, Bửu Chỉ... Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau đến nay mới chỉ là dự định trên... giấy.
Những “địa chỉ vàng: của các danh nhân xứ Huế đã thực sự làm nên những không gian văn hoá đặc sắc cho Huế, nhưng trên bản đồ du lịch Huế những địa chỉ này hầu như ...bị quên lãng, thậm chí không ít di tích được coi như những không gian văn hoá đặc sắc như không gian Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng… vắng như chùa Bà Đanh.  Chính vì vậy mà khi nghe tin ở Ý, người ta xây dựng một phòng trưng bày về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thu hút rất đông du khách trên thế giới thăm viếng, nhiều người ở Huế đã ngậm ngùi: Chúng ta thật lãng phí tài nguyên văn hoá du lịch của mình...
Quả thật như vậy, Huế có một tài nguyên du lịch văn hoá vô giá, nhưng với kiểu  kinh doanh "ăn sẵn" như hiện nay, thì du lịch Thừa Thiên-Huế đang tự làm nghèo đi tài nguyên văn hoá du lịch của mình./.
Theo VOV
 http://hueworldheritage.org.vn/TTBTDTCDH.aspx?TieuDeID=9&TinTucID=332&l=vn
.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.