Anh Đào Văn Vỹ (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) cho rằng: Chó mèo là vật nuôi, thú cưng gắn bó với nhiều gia đình, do đó việc giết chúng để ăn là một hành động thiếu văn minh, phản cảm. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng nếu cấm kinh doanh thịt chó mèo, nạn “cẩu tặc” sẽ không còn. Sẽ không còn cảnh người dân đánh trộm chó một cách dã man, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, thông tin trên cũng vấp phải những ý kiến phản đối, ông Đỗ Minh Sinh (phố Yết Kiêu, Hà Nội) cho rằng, ăn thịt chó là thói quen lâu năm của người dân Việt Nam. Cũng không thể áp đặt thói quen ẩm thực vùng miền này lên “bản sắc” ẩm thực vùng miền khác. Tất nhiên, tại những nơi diễn ra thường xuyên hoạt động giao lưu thế giới, chúng ta cũng không nên ca tụng món ăn này, bởi có thể tạo phản cảm.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thanh Học - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ủng hộ việc Hà Nội khuyến khích người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó. Ông Học có ăn thịt chó nhưng rất ít, ông cho biết sẽ gương mẫu thực hiện việc này. 


Không cấm mà chỉ hạn chế
 Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, đơn vị sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT báo cáo thành phố về lộ trình vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó.
Theo ông Sơn, dự kiến 3-5 năm nữa, vào khoảng năm 2021, sẽ hạn chế bán thịt chó tại 1, 2 quận nội thành, sau đó sẽ tuyên truyền để nhân rộng ra các quận khác, rồi đến các huyện của Thủ đô. “Tôi lưu ý chỉ hạn chế bán thịt chó trên cơ sở vận động, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó chứ không hề cấm”, ông Sơn nói.
Lãnh đạo Chi cục Thú y cho biết thêm, nếu vấn đề này được nói đến khoảng 10 năm về trước thì chắc chắn sẽ không có sự đồng thuận cao. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen  nên việc thực hiện sẽ có cơ sở. “Cứ nhìn tuyến phố “thịt chó” Nhật Tân xem, vài năm trước chi chít quán thịt chó, đến giờ chỉ còn lác đác 1, 2 quán. Đó cũng là dấu hiệu nhận thấy người dân đã không còn mặn mà với món ăn này”, ông Sơn nói.
Nói về những mặt trái của tiêu thụ thịt chó, ông Sơn thông tin: Hiện nay chó không phải là động vật trong diện giết mổ, do đó Cục Thú y chưa đưa ra quy trình giết mổ chó. Vì vậy cơ quan chức năng cũng không có quy trình giám sát, kiểm tra giết mổ, khiến thịt chó không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những người tham gia quá trình giết mổ, kinh doanh chó cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như xoắn khuẩn, bệnh tả, bệnh dại… Thậm chí có những trường hợp không bị chó cắn nhưng vẫn bị lây bệnh dại bởi người có vết thương hở lại tham gia giết mổ chó dẫn đến nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, việc giết mổ, kinh doanh chó mèo cũng tạo sự phản cảm đối với du khách đến với Thủ đô.
Trước đó, UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản số 4170 về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã thống kê, rà soát, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn…
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 493 nghìn con chó, mèo, trong đó, với mục đích nuôi để giữ nhà chiếm khoảng 87,5%, còn lại là nuôi với mục đích khác như: Làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm; có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo, 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo cảnh.