Một tổng thuật được viết bởi bác Phạm Việt Hưng.
Lấy nguyên từ trang của bác về.
---
According to the article “Evolution 2.0 Prize”, a huge prize with $5 million USD will be awarded to anyone who can give a definitive answer for the question “Where did the genetic code of life come from?”. This is a great opportunity and also a big challenge for evolutionists to prove whether evolution is a true scientific theory or not….
Theo bài báo “Evolution 2.0 Prize” , một giải thưởng khổng lồ 5 triệu USD sẽ được trao cho người nào trả lời dứt khoát được câu hỏi “Mã di truyền của sự sống đến từ đâu?”. Đây là cơ hội tuyệt vời và cũng là một thách thức lớn đối với các nhà tiến hóa để chứng minh thuyết tiến hóa có phải một lý thuyết khoa học thực sự hay không….
Giải thưởng này do Perry Marshall, một kỹ sư công nghệ thông tin kiêm một nhà doanh nghiệp Mỹ, cùng với tổ chức “Natural Code LLC” lập ra, nhằm thúc đẩy việc tìm kiếm “mã tự nhiên” ─ những mã không do con người tạo ra mà sẵn có trong tự nhiên, điển hình là mã DNA.
Ban giám khảo gồm 3 nhà khoa học nổi tiếng:
George Church là một nhà di truyền học, một kỹ sư sinh học phân tử, và một nhà hóa học; Giáo sư di truyền học tại Đại học Y Harvard, Giáo sư về Khoa học Sức khỏe và Công nghệ tại Đại học Harvard và Đại học MIT; một thành viên sáng lập của Viện Wyss về Công nghệ Truyền cảm hứng bằng sinh học tại Đại học Harvard. Ông đã nghiên cứu các phương pháp giải mã bộ gene đầu tiên; Ông là Giám đốc Dự án nghiên cứu Não và Tổ chức PersonalGenomes.org. Đồng tác giả của 425 công trình nghiên cứu, 95 bằng sáng chế và tác giả cuốn sách Regenesis.
Denis Noble là một Giáo sư Đại học Oxford, đóng vai trò cố vấn kỹ thuật trong ban giám khảo. Ông là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu ở Anh. Denis là người đầu tiên xây dựng một mô hình computer của một bộ máy sinh học, đó là trái tim. Ông đã tạo ra mô hình đó năm 1960 bằng cách sử dụng thẻ đục lỗ. Nghiên cứu của ông là đầu mối dẫn tới máy tạo nhịp tim. Ông là một thành viên của Hội Hoàng gia Anh. Năm 2016, kết hợp với Viện Hàn lâm Anh, ông đã tổ chức hội nghị “Xu hướng mới trong tiến hóa sinh học” tại Hội Hoàng gia Anh. Ông là chủ tịch của Liên minh Quốc tế về Sinh lý học. Denis còn là một nhạc sĩ xuất sắc và là một nhà tiên phong trong lĩnh vực Sinh học Hệ thống. Ông là tác giả của cuốn “The Music of Life” (Âm nhạc của sự sống) và cuốn “Dance to the Tune of Life: Biological Relativity” (Nhảy múa theo giai điệu của sự sống: Tương đối tính sinh học).
Michael Ruse là một nhà triết học khoa học chuyên về triết học sinh học. Ông là giám đốc Chương trình Triết học về Lịch sử Khoa học tại Đại học Tiểu bang Florida và là tác giả của nhiều cuốn sách bao gồm “Darwinism and Design” (Học thuyết Darwin và Tư tưởng Thiết kế), “Atheism: What Everyone Needs to Know” (Chủ nghĩa vô thần: Điều mọi người cần biết) và “Science, Evolution and Religion.” (Khoa học, Thuyết tiến hóa và Tôn giáo). Ông nổi tiếng với công trình của mình về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo, về cuộc tranh cãi giữa thuyết sáng tạo với thuyết tiến hóa, và về vấn đề phân giới trong khoa học. Ông là thành viên của cả Hội Hoàng gia Canada lẫn Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học ở Mỹ. Ông được phong Tiến sĩ Danh dự tại Đại học Bergen, Đại học McMaster, Đại học New Brunswick và Đại học London.
Lý do của Giải thưởng: Theo Perry Marshall, nếu biết được nguồn mã DNA, có thể sẽ khám phá được những bí mật ở tầng sâu nhất của sự sống, tức là sẽ biết được NGUỒN GỐC SỰ SỐNG. Khi đó có thể áp dụng những nguyên lý của mã tự nhiên cho khoa học và công nghệ về trí thông minh nhân tạo. Vì thế Giải thưởng Evolution 2.0 Prize được coi là giải thưởng đặc biệt dành cho khoa học về trí thông minh nhân tạo và lý thuyết nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hóa. Do đó, để thấy rõ ý nghĩa, mục đích và tầm vóc của giải thưởng này, Perry Marshall muốn chúng ta phải biết rõ những câu hỏi sâu sắc nhất về bí mật của sự sống đang thách thức khoa học như thế nào.
Bí mật của sự sống ở tầng sâu nhất
Nếu Lý thuyết Big Bang đã đưa vật lý học tới điểm tận cùng của vũ trụ, thách thức các nhà khoa học trả lời câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ, thì việc khám phá và giải mã DNA trong hơn nửa thế kỷ qua cũng đưa sinh học tới điểm tận cùng của sự sống, thách thức các nhà sinh học trả lời những câu hỏi về bản chất cốt lõi của sự sống.
Thật vậy, những công trình khám phá về DNA đã đưa khoa học tới hàng loạt câu hỏi thách thức xung quanh những khả năng kỳ lạ của sự sống ở đáy sâu tận cùng của nó ─ khả năng phi thường của những cỗ máy bé tí xíu nhưng tinh vi gấp triệu lần những cỗ máy do loài người chế tạo ra. Đó là tế bào và những thành phần bên trong tế bào. Chúng không chỉ hoạt động theo những cơ chế động lực học (vật lý + sinh hóa) mà còn theo những cơ chế thông tin và thậm chí cơ chế “có ý thức”, vượt xa trình độ hiểu biết của khoa học hiện nay. Điều này làm cho bất kỳ một người có tư duy sâu sắc nào cũng phải kinh ngạc, buộc con người phải khiêm tốn học hỏi và suy ngẫm tới mọi nguyên nhân có thể có. Cụ thể:
- Làm thế nào mà mỗi tế bào có thể tự tái tạo ra bản thân nó từ những hướng dẫn kỹ thuật số lưu trữ trong DNA ─ một phân tử sinh học có các đặc trưng giống y như các thiết bị kỹ thuật số hiện đại: Các lớp mã hóa kỹ thuật số, giải mã và chứa đựng dữ liệu; phát hiện lỗi, sửa lỗi và sửa chữa lỗi…
- Làm thế nào để sinh vật biết cách sửa chữa và chữa lành cho bản thân nó, biết cách thích nghi với mọi tình huống, và biết lựa chọn?
- Làm thế nào mà tế bào biết cách tự thiết kế lại, đúng lúc, theo từng giờ hay thậm chí từng phút. Lý do bạn phải uống hết liều kháng sinh của bạn là vì vi khuẩn có khả năng biến đổi rất nhanh để kháng thuốc. Cái gì làm cho vi khuẩn thích ứng nhanh như thế?
- Làm thế nào mà các tế bào “biết” cách tiến hóa? Không có phần mềm nào của con người có thể làm được điều đó. Cho phần mềm của con người hàng triệu cơ hội và hàng tỷ năm nó cũng chẳng thể tiến hóa được thành bất cứ cái gì khác. Nhưng sự sống thì không ngừng biến đổi để thích ứng với những hoàn cảnh mới. Làm thế nào mà sự sống có thể làm điều đó? Cái mà tế bào biết nhưng chúng ta không biết là cái gì?
- Còn ý thức thì sao? Trong xã hội loài người chúng ta thấy chỉ những sinh mệnh có ý thức mới có thể tạo ra mã và sửa đổi mã. Vậy ý thức đến từ đâu? Các tế bào có tự nhận thức được chính nó không?
- Theo Lý thuyết Phi Tạo sinh (Abiogenesis) của thuyết tiến hóa thì sự sống đầu tiên có thể ra đời từ sự kết hợp ngẫu nhiên của các phân tử và nguyên tử vô cơ trong các phản ứng hóa học dưới một điều kiện môi trường thích hợp nào đó, sau đó sự sống tự nó tiến hóa thành sinh vật đa dạng như ngày nay. Nhưng khoa học hiện đại chỉ ra rằng sự sống chỉ có thể hình thành khi có mã DNA hướng dẫn sự tập hợp của các phân tử và nguyên tử theo một chương trình đã định trước. Không có mã DNA, không thể có sự sống. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có các mã của sự sống từ các phản ứng hóa học? Nói cách khác, các phản ứng hóa học thuần túy có thể tự nó tạo ra các mã của sự sống không? Làm thế nào để bạn có được mã của sự sống mà không cần có một thiết kế từ trước? Đó là câu hỏi chủ yếu mà Giải thưởng Evolution 2.0 đã đặt ra, và số tiền khủng 5 triệu USD sẽ được trao cho bất kỳ ai có thể trả lời được câu hỏi đó một cách rõ ràng, thuyết phục.
5 triệu USD, cơ hội và thách thức quá lớn
Tất cả những câu hỏi nói trên đều rất hợp lý về mặt khoa học, đòi hỏi khoa học PHẢI trả lời. Một số người cho rằng những câu hỏi ấy đã đưa khoa học tới GIỚI HẠN của nhận thức, không thể trả lời bằng khoa học. Nhưng những người đặt ra giải thưởng Evolution 2.0 hy vọng rằng câu trả lời nằm trong nguồn gốc của mã DNA ─ nếu khám phá ra nguồn mã DNA thì sẽ biết mọi sự thật của sự sống, và sẽ trả lời được tất cả những câu hỏi nói trên. Chưa biết niềm hy vọng này có khả thi hay không (có thể biến thành hiện thực hay không), nhưng rõ ràng đây là một cơ hội tuyệt vời cho thuyết tiến hóa: Nếu chỉ ra được nguồn gốc của mã DNA là một cơ chế tương tác vật chất ngẫu nhiên nào đó trong tự nhiên, đúng như lý thuyết Abiogenesis tưởng tượng, thì đây sẽ là một thắng lợi vĩ đại của thuyết tiến hóa, chấm dứt mọi nghi ngờ và tranh cãi đã kéo dài hơn 150 năm nay.
Nếu không, một lần nữa thuyết tiến hóa sẽ mất uy tín, bởi nó tự để lộ sự bế tắc trong việc giải thích các hiện tượng tự nhiên bằng những cơ chế vật chất thuần túy. Vì thế, Giải thưởng Evolution 2.0 đồng thời là thách thức quá lớn cho các nhà tiến hóa, đặc biệt vì giải thưởng này chỉ có thời hạn nhất định, thay vì kéo dài vô hạn như một số thách đố trong toán học.
Thật vậy, thông báo của giải thưởng cho biết:
“Giải thưởng Evolution 2.0 sẽ được mở cho đến ngày 17 tháng 11 năm 2026. Tổ chức Natural Code LLC có quyền chấm dứt, mở rộng hoặc sửa đổi cuộc thi vào thời điểm đó theo quyết định riêng của mình”.
Giả sử đến ngày 17/11/2026 mà vẫn không có ai đoạt giải và ban tổ chức giải tuyên bố chấm dứt giải, liệu có thể coi là thuyết tiến hóa đã thất bại chưa? Câu trả lời là CHƯA, vì biết đâu sau ngày 17/11/2026 sẽ có người tìm ra nguồn mã DNA thì sao? Đó là lý do để thuyết tiến hóa sống dai dẳng trong hơn 150 năm qua, mặc dù nó không hề có một bằng chứng nào ủng hộ các giả thuyết của nó ─ thuyết tiến hóa chứa đựng đầy rẫy những sự kiện không thể nào kiểm chứng được trong thực tế, như lý thuyết nồi súp nguyên thủy, lý thuyết đột biến dẫn tới biến đổi loài,…
Tuy nhiên câu hỏi do Giải thưởng Evolution 2.0 đặt ra rất có ích lợi, bởi nó kêu gọi mọi người tập trung vào CÂU HỎI LỚN:
Mã DNA xuất phát từ đâu? Cơ chế vật chất nào “sản xuất” ra mã DNA? Ai viết ra mã DNA? Nhà lập trình nào viết ra chương trình hướng dẫn sự sống?
Câu hỏi lớn nói trên thực ra là câu hỏi vĩ đại của triết học nhận thức, từng dày vò những bộ não giàu suy tư triết học trong hàng trăm năm qua, mà họa sĩ nổi tiếng người Pháp Paul Gauguin đã lấy làm tựa đề cho một bức tranh khổ lớn của ông vẽ vào năm 1897 tại Tahiti, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Polynésie thuộc Pháp trên Thái Bình Dương: Que sommes-nous? D’où venons-nous? Où allons-nous? (Chúng ta là gì? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đi về đâu?)
Vậy vấn đề đặt ra là liệu khoa học có thể trả lời được CÂU HỎI LỚN đó không?
Câu trả lời của Lý thuyết Thiết kế Thông minh
Lý thuyết Thiết kế Thông minh (Theory of Intelligent Design) là lý thuyết nghiên cứu những cấu trúc tinh vi phức tạp trong tự nhiên, của tự nhiên và do tự nhiên để chứng minh rằng tồn tại một Nhà Thiết kế Thông minh của Tự nhiên.
Bất chấp sự bác bỏ của các nhà tiến hóa, Lý thuyết Thiết kế Thông minh ngày càng lớn mạnh, và trở thành đối thủ số 1 của thuyết tiến hóa. Các nhà tiến hóa vu cho Lý thuyết Thiết kế Thông minh là một biến thể của Thuyết Sáng Tạo (Creationism). Tuy nhiên, các nhà khoa học theo Lý thuyết Thiết kế Thông minh nói rằng họ hoàn toàn độc lập với Thuyết Sáng tạo, bởi họ không hề nhắc đến Chúa theo tinh thần tôn giáo, họ chỉ chứng minh rằng nếu có một thiết kế phức tạp thì ắt phải có một Trí tuệ Thông minh là chủ thể tạo ra bản thiết kế đó. Dễ thấy điều này là vô cùng đúng đắn và hợp lý: Chúng ta không thể chỉ ra một công trình thiết kế phức tạp nào mà không có nhà thiết kế. Tư tưởng này đã được Thánh Thomas Acquinas nêu lên từ thế kỷ 13, như một TIÊN ĐỀ của nhận thức luận:
- “Ở bất kỳ nơi nào tồn tại một bản thiết kế phức tạp ở đó ắt ĐÃ phải có một nhà thiết kế; Tự nhiên rất phức tạp, do đó tự nhiên ắt ĐÃ phải có một nhà thiết kế thông minh” (wherever complex design exists, there must have been a designer; nature is complex; therefore nature must have had an intelligent designer)[1]
Tiên đề nói trên đồng nghĩa với tiên đề sau đây:
Một tập hợp ngẫu nhiên của các phân tử và nguyên tử vật chất vô cơ không bao giờ tạo thành sự sống, bất kể thời gian cho các cơ may kéo dài bao nhiêu.
Fred Hoyle, nhà toán học và thiên văn học người Anh đã tính xác suất cho hiện tượng ngẫu nhiên đó, kết quả P = (1/10)^40000. Ông kết luận: “Số mũ này đủ lớn để chôn vùi Darwin cùng với toàn bộ thuyết tiến hóa”. Ông cũng ví cơ may để cho hiện tượng ngẫu nhiên ấy xảy ra tương tự như cơ may để một trận cuồng phong quét qua một xưởng chế tạo máy bay Boeing và ngẫu nhiên tập hợp các linh kiện thành chiếc máy bay.
Hoặc cũng có thể ví như cơ may để một con khỉ gõ piano ngẫu nhiên thành bản nhạc bất hủ sau đây, “The Secret Garden – Poeme”:
Nếu tính xác suất của hiện tượng con khỉ gõ đàn nói trên, chắc chắn kết quả sẽ là một con số x nằm trong khoảng (0 < x < 1). Một người nào đó có thể reo lên, vậy thì hiện tượng đó có thể xảy ra, dù xác suất rất thấp. Tất nhiên người đó phải là một người rất dốt về lý thuyết xác suất.
Tóm lại, dự ngẫu nhiên không thể tạo nên những thiết kế có ý nghĩa. Một thiết kế phức tạp và có ý nghĩa chắc chắn phải là một hành động có chủ ý của một nhà thiết kế có trí tuệ thông minh.
Mã DNA là một thiết kế vô cùng phức tạp, tinh vi, có ý nghĩa trọng đại và quyết định trong việc hướng dẫn hình thành sự sống, vì thế nó ắt phải là tác phẩm của một Nhà Thiết kế Vĩ đại. Nói cách khác: Nguồn mã DNA là Nhà Thiết kế Sự Sống!
Bạn có thể gọi tên Nhà Thiết kế Sự Sống đó là Thượng Đế, Đấng Sáng tạo, Chúa, Bramah, Ông Trời,… đó là sự lựa chọn ngôn ngữ của bạn.
Francis Collins, một trong hai nhà lãnh đạo chủ yếu của Chương trình Giải mã Hệ Gene Người, công bố năm 2000, đã cho ra mắt cuốn sách “The Language of God” (Ngôn ngữ của Chúa), trong đó khẳng định mã DNA là do Chúa viết ra. Nói cách khác, nguồn mã DNA là Chúa!
Anthony Flew, một nhà triết học vô thần nổi tiếng trong thế kỷ 20, người từng bênh vực thuyết tiến hóa với chủ trương chỉ tin vào cái gì có bằng chứng (Chúa là một khái niệm không đáng tin, vì không có bằng chứng). Nhưng rốt cuộc Chúa đã cung cấp cho ông bằng chứng: mã DNA! Với bằng chứng thuyết phục này, Anthony Flew đã thay đổi lập trường 180 độ: chuyển từ vô thần sang hữu thần với tuyên bố nổi tiếng:
- “Những gì DNA đã làm chứng tỏ rằng ắt phải có một trí tuệ thông minh làm cho những nguyên tố vô cùng đa dạng tập hợp lại với nhau một cách kỳ diệu như thế. Tôi coi tính vô cùng phức tạp của những kết quả đạt được nhờ DNA là một công trình của trí tuệ thông minh”[2]
Nếu vậy thì tại sao Perry Marshall, một người tin vào Chúa, vẫn còn muốn tìm kiếm nguồn gốc của mã sự sống?
Ấy là vì Marshall, tương tự như Francis Collins, là người theo “Thuyết tiến hóa thần luận” (Theistic Evolution) ─ tư tưởng cho rằng có sự tiến hóa, nhưng Chúa hướng dẫn sự tiến hóa. Vì thế, một mặt tin rằng Chúa sáng tạo ra mã DNA, nhưng khoa học có thể tìm ra nguồn mã DNA nhằm khám phá ra nguyên nhân cốt lõi của sự tiến hóa.
Thuyết tiến hóa thần luận
Perry Marshall là người tin vào Chúa, và thậm chí cho rằng Chúa là nguyên nhân thiết yếu của mọi lý lẽ logic và khoa học. Điều này đã được biểu lộ rất rõ trong bài báo nổi tiếng của ông: Định lý Bất toàn của Gödel: Khám phá toán học số 1 trong thế kỷ 20.
Nhưng nếu hoàn toàn hiểu Định lý Gödel thì có thể thấy rằng những bài toán lớn về NGUỒN GỐC, như Nguồn gốc Vũ trụ, Nguồn gốc Sự Sống, đều không thể có câu trả lời bằng logic lý lẽ, tức là bằng khoa học. Nói cách khác, những bài toán về nguồn gốc đều vượt ra khỏi phạm vì khoa học, mà trở thành câu hỏi của nhận thức luận, của triết học về nhận thức, của thần học và tôn giáo.
Chẳng hạn, Lý thuyết Big Bang là lý thuyết về lịch sử vũ trụ nhưng không thể trả lời được câu hỏi về nguồn gốc vũ trụ. Mọi lý thuyết có tham vọng giải thích vũ trụ trước Big Bang đều chỉ là những giả thuyết hoang đường, khó tin hơn tôn giáo.
Robert Jastrow, một nhà khoa học nổi tiếng của NASA, nhận xét về hệ quả của Lý thuyết Big Bang:
- “Đối với nhà khoa học sống bằng niềm tin vào lý lẽ, câu chuyện kết thúc giống như một giấc mơ buồn. Anh ta đã leo lên ngọn núi vô minh; sắp chinh phục được đỉnh cao nhất; nhưng khi trèo lên tảng đá cuối cùng, anh ta lại được chào đón bởi một nhóm các nhà thần học đã ngồi ở đó từ hàng thế kỷ nay”[3]
Vậy tại sao Perry Marshall, tác giả của bài báo rất hay về Định lý Gödel nói trên, vẫn còn hy vọng vào việc khám phá ra nguồn mã DNA?
Đơn giản vì Marshall vẫn còn tin vào lý thuyết đột biến của thuyết tiến hóa, rằng đột biến có thể làm biến đổi hệ gene của sinh vật và sự tích lũy hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đột biến “có lợi” có thể dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn hệ gene của một loài, và do đó sẽ dẫn tới tiến hóa.
Perry Marshall cho rằng đã đến lúc phải kết hợp Thuyết Sáng Tạo với Lý thuyết Đột biến! Đó chính là tư tưởng Tiến hóa thần luận, một tư tưởng muốn dung hòa cuộc xung đột giữa tôn giáo với thuyết tiến hóa. Một lần nữa, đây là một sai lầm lớn của nhiều nhà khoa học và học giả. Cụ thể, Perry Marshall hay Francis Collins sai lầm ở chỗ nào?
Francis Collins sai lầm ở chỗ ông cho rằng sự giống nhau trong hệ gene của sinh vật nói lên rằng mọi sinh vật có một tổ tiên chung ─ mọi sinh vật đều tiến hóa từ một tổ tiên chung. Đây là một kiểu nhận thức sai lầm, và đó cũng là truyền thống nhận thức của thuyết tiến hóa.
Ngay từ thế kỷ 19 Louis Pasteur đã thấy rõ sai lầm đó, và ông đã lên tiếng nhắc nhở:
- “Sự tương tự không thể dùng làm bằng chứng” (Analogy cannot serve as proof)[4]
Thực ra sự giống nhau giữa các sinh vật nói lên rằng các sinh vật đều là sản phẩm của cùng một nhà thiết kế, thay vì cùng chung một nguồn gốc.
Trong khi đó, Perry Marhsal sai lầm ở chỗ ông cho rằng đột biến có thể dẫn tới tiến hóa. Ông thường nhắc đến công nghệ biến đổi gene như một bằng chứng thực tế cho thấy hiện tượng đột biến là có thật. Thậm chí ông đặc biệt chú ý đến khả năng biến đổi nhanh như chớp của vi khuẩn kháng thuốc, và từ đó ông tin rằng lý thuyết đột biến gene của thuyết tiến hóa là đúng ─ sự tích lũy vô số các “đột biến có lợi” sẽ dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn hệ gene của một loài, và do đó một loài này có thể biến đổi thành loài khác. Đó chính là lý thuyết Tân-Darwin.
Nhưng có một loạt lý do để thấy lý thuyết đột biến của học thuyết Tân-Darwin là SAI. Thật vây:
- Đột biến gene là có thật, nhưng không hề có một bằng chứng nào chứng tỏ một loài đã bị biến đổi toàn bộ hệ gene của nó. Chưa hề có một thực tế nào trong công nghệ biến đổi gene hoặc trong các thí nghiệm gây đột biến gene dẫn tới hiện tượng biến đổi loài. Bắp cải biến đổi gene vẫn là bắp cải. Ngô biến đổi gene vẫn là ngô,… Hiện tương biến đổi gene đến mức biến một loài này thành loài khác vẫn chỉ là trí tưởng tượng hoang đường!
- Toán học xác suất đã bác bỏ Lý thuyết Tân Darwin. Xin độc giả xem mục Chủ nghĩa Tân-Darwin và sự đánh giá của toán học trong bài Mendel disproved Darwinism / Mendel bác bỏ học thuyết Darwin trên PVHg’s Home ngày 28/08/2015. Trong đó cho biết Hội nghị chuyên đề tại Viện Wistar ở Philadelphia năm 1966 đã kết luận “Thuyết Tân Darwin không thể bảo vệ được bằng toán học”.
- Đột biến là có thật, nhưng phần lớn đột biến đều dẫn tới bệnh hoạn và cái chết. Thực phẩm biến đổi gene đã bị tố cáo là có hại. Để thấy rõ điều này, xin đọc bài Did GM lead to Evolution? Đột biến Gene dẫn tới Tiến hóa? trên PVHg’s Home ngày 15/02/2016. Bằng chứng rõ nhất là thí nghiệm gây đột biến gene ở ruồi giấm (fruit fly), kết quả cho thấy, sau hàng triệu tác động gây đột biến, ruồi giấm vẫn chỉ là ruồi giấm, và là ruồi giấm quái thai và chết chóc. Những ai có niềm tin cho rằng bằng công nghệ biến đổi gene có thể biến vượn thành người thì chắc chắn bộ não của người ấy đầy bệnh hoạn.
- Thực tế cho thấy sinh vật có khả năng biến đổi gene để thích nghi với môi trường, hoặc bị biến đổi gene do tác động của môi trường, nhưng mọi sự biến đổi đều có giới hạn. Vượt quá giới hạn ấy, sinh vật sẽ chết.
- Sự biến đổi loài chỉ có thể xảy ra khi hệ gene của loài hoàn toàn biến đổi. Nhưng điều này không thể xảy ra, vì hệ gene có khả năng tự sửa chữa và điều chỉnh để đảm bảo bản thiết kế nguyên thủy, và khả năng này mạnh hơn khả năng thay đổi. Chú ý rằng vi khuẩn dù có biến đổi nhanh như chớp để kháng thuốc nhưng nó luôn luôn là vi khuẩn, chứ không bao giờ biến thành một loài khác! Vì thế, lấy vi khuẩn làm thí dụ để chứng minh lý thuyết đột biến dẫn tới tiến hóa chỉ là ngộ nhận và tự lừa dối mình. Một chương trình chế tạo ra computers nếu có “đột biến” thì chỉ có thể tạo ra những chiếc computers có lỗi, phải bán giá rẻ cho người nghèo, hoặc vứt vào sọt rác. Đó cũng chính là sự thật của cái gọi là đột biến dẫn tới tiến hóa! “Đột biến” chỉ có thể gây ra những sai lệch nhỏ trong một dòng lệnh chứ không thể biến một chương tình này thành một chương trình khác. Những người tuyên bố đột biến có thể dẫn tới tiến hóa là những người nói rằng có thể áp dụng công nghệ gene để một ngày nào đó chế tạo ra những con bò từ một con ếch! Đó là điên rồ, hoặc khoác lác, hoặc bịp bợm, hoặc hoang tưởng… nhưng chung quy là… dốt nát!
Thay Lời Kết
1/ Định lý Gödel và vấn đề nguồn mã sự sống
Theo Định lý Gödel, bất kể một hệ thống logic nào cũng cần đến một cái gì đó nằm bên ngoài hệ thống đó để giải thích nguyên nhân ban đầu của chính hệ thống đó. Thí dụ: 5 tiên đề của Euclid là nguyên nhân ban đầu của hệ thống Hình học Euclid; 5 tiên đề này nằm bên ngoài hệ thống chứng minh suy diễn của Hình học Euclid. Nếu thay đổi 5 tiên đề đó, chúng ta sẽ có một hệ thống logic mới, mang tính chất Phi-Euclid. Điều này đã được chính Perry Marshall trình bầy rất rõ trong bài báo của ông về Định lý Gödel (đã dẫn ở trên).
Mở rộng kết luận đó, có thể nói: Không có hệ thống logic nào có thể chứng minh được nguyên nhân ban đầu của nó mà không viện tới một cái gì đó nằm bên ngoài hệ thống. Nói cách khác, khoa học không thể chứng minh được nguyên nhân ban đầu của vũ trụ (nguồn gốc vũ trụ) và nguyên nhân ban đầu của sự sống (nguồn gốc sự sống) ─ vấn đề nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc sự sống là nguyên nhân đầu tiên của khoa học và nằm bên ngoài khoa học!
Do đó, tham vọng tìm ra nguồn mã DNA là một tham vọng không tưởng, nếu nguồn đó không phải là Chúa như Anthony Flew đã tuyên bố, hoặc ngôn ngữ của Chúa như Francis Collins đã khẳng định.
2/ Vấn đề Ý thức
Trong những câu hỏi về bí mật của sự sống do Perry Marshall nêu lên ở trên, có một câu hỏi vượt quá khả năng nhận thức của khoa học. Đó là câu hỏi:
- Còn ý thức thì sao? Trong xã hội loài người chúng ta thấy chỉ những sinh mệnh có ý thức mới có thể tạo ra mã và sửa đổi mã. Vậy ý thức đến từ đâu? Các tế bào có tự nhận thức được chính nó không?
Tôi dám đánh cược với bất cứ ai tìm được câu trả lời cho câu hỏi này. Hãy lắng nghe tuyên bố của Edward Witten trên tạp chí Scientific American ngày 18/08/2016: “Khoa học không thể bẻ gẫy bí mật của Ý thức”. Để thấy rõ điều này, xin xem loạt bài sau đây:
- Consciousness: The Key of Life / Ý thức: Chìa khóa của Sự Sống
- The Hardest Problem: Consciousness / Bài toán khó nhất: Ý thức
- Science Can’t Crack Consciousness / Khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức
Đối với Max Planck, cha đẻ của Thuyết Lượng tử, không thể dùng ý thức để trả lời ý thức là gì. Đó là lý luận kiểu con rắn từ nuốt nó. Đó là nhận thức tự quy chiếu, do đó sẽ dẫn tới nghịch lý. Còn Descartes thì khẳng định ý thức là một thực tại phi vật chất, bởi nó không tuân thủ bất cứ một định luật vật chất nào cả, và do đó bạn không thể dùng khoa học để giải thích nó. Tôi không rõ Perry Marshall có biết đọc Max Planck, Descartes hay không, nhưng câu hỏi do ông nêu lên về bí mật của ý thức, một biểu lộ rõ rệt của sự sống, sẽ không thể trả lời.
Nếu không thể giải thích được ý thức là gì thì vĩnh viễn bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được bí mật tận cùng của sự sống.
3/ Trở lại với Giải thưởng 5 triệu USD
Những ai tin rằng có tiến hóa, rằng tiến hóa là một sự thật, và rằng đột biến là nguyên nhân dẫn tới tiến hóa,… hãy lao vào nghiên cứu trả lời câu hỏi của Giải thưởng Evolution 2.0:
Nguồn gốc của mã DNA là gì?
Đây là cơ hội ngàn năm có một để các nhà tiến hóa chứng tỏ thuyết tiến hóa là một lý thuyết khoa học thực sự. Xin nhắc lại, thời hạn chỉ kéo dài đến 17/11/2026 là hết, chớ nên bỏ lỡ! Hãy cố lên!
DJP, Sydney 08/08/2018
CHÚ THÍCH
[1] Evolution vs Creationism https://medium.com/@mymsbgh/evolution-vs-creationism-e79330d20e99
[2] https://viethungpham.com/2015/12/31/there-must-be-a-super-intelligence-at-phai-co-mot-tri-tue-sieu-thong-minh/
https://viethungpham.com/2018/08/08/evolution-2-0-prize-giai-thuong-5-trieu-usd-cho-thuyet-tien-ho/.
Email: bizet09@gmail.com
Giảng dạy: General Mathematics; Operational Research; Theoretical Mechanics
Nghiên cứu: Member of White Light Company in Sydney, Australia.
- Scientific Freelance in Australia and Vietnam
- Cooperator of SIGNS of Times Magazine, Australia
- Trang mạng Vietsciences: http://vietsciences.free.fr/
- Tạp chí Khoa học & Tổ quốc của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam
- Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý VN
- Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam
- Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
- Tác giả cuốn “Những câu chuyện khoa học hiện đại”, NXB Trẻ xuất bản năm 2003
- Đồng dịch giả cuốn “Định Lý Cuối Cùng của Fermat” (Fermat’s Last Theorem) của Simon Singh, NXB Trẻ năm 2004
- Dịch giả cuốn “Phương Trình của Chúa” (God’s Equation) của Amir Aczel, NXB Trẻ 2004
- Dịch giả cuốn “Từ Xác định đến Bất định” (From Certainty to Uncertainty) của David Peat, NXB Tri Thức 2011.
- Thành viên của Kỷ yếu “Đại học Humboldt 200 năm, Kinh nghiệm Giáo dục Thế giới & Việt Nam”, NXB Tri Thức, 2011. Bài “Nền khoa học và giáo dục Australia: Một kim tự tháp vững chắc”,
- Thành viên của Kỷ yếu “Hạt Higgs và Mô hình Chuẩn, cuộc phiêu lưu kỳ thú của khoa học”, NXB Tri Thức, 2014. Bài “Câu chuyện ‘hạt của Chúa’ đã kết thúc?”,
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.