Xung quanh vấn đề chân ngụy của Vu Lan Bồn, đã từng có những tranh luận theo phương thức bỏ bóng đá người (xem các đường link đã dẫn ở trên).
Dưới là bài mới của trang Chánh Tư Duy. Trước mùa vu lan 2018.
"
5/8/2018
Chanhtuduy.com: Hai trò Mật Từ và Mật Hạnh Giác phát hiện thêm những sơ hở ngớ ngẩn trong ngụy kinh Vu lan bồn. Tôi giới thiệu với bạn đọc xa gần được rõ hơn về góc cạnh tâm linh nầy..
KHỞI DUYÊN
Kinh “Vu Lan Bồn”, còn gọi là “Phật thuyết Vu Lan Bồn” kinh, là một kinh được nhiều người theo Phât Giáo Đại Thừa biết đến. Thế nhưng, dù là kinh Đại Thừa hay Tiểu Thừa, đều phải căn cứ vào các nguyên tắc của Phật Pháp để phân định là Chân Kinh hay Ngụy Kinh (xem bài “Thế nào là kinh PHật chính thống” trên chanhtuduy.com). Bởi lẽ sau khi đạo Phật truyền đến Trung Quốc, trải qua 3 lần Pháp Nạn, kinh sách bị thiêu hủy rất nhiều, một bộ phận người Tàu lại chủ trương thuyết “Tam Giáo Đồng Nguyên” để cho rằng Phật-Lão-Nho ngang hàng với nhau. Đó là nền tảng để cho những cuốn Ngụy Kinh và Tà Luận ra đời để dìm hàng đạo Phật, mang giáo lý của ngoại đạo trộn lẫn vào trong kinh sách đạo Phật. Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là một ngụy tác điên đảo như thế.
Trước tình trạng rồng rắn lẫn lộn trong kho kinh sách của Trung Quốc, người thiếu Chánh Kiến Phật Đà sẽ có nguy cơ bị tiêm nhiễm Tà Kiến từ những bộ Nguy Kinh mà tưởng nhầm là Chân Kinh. Vô hình chung tự hại đi Thân Căn Huệ Mạng của mình mà không hề hay biết. Ngụy kinh Vu Lan Bồn là một trường hợp như thế. Trước đây, tôi cũng lầm tưởng rằng có một câu chuyện là ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ như truyền thống đã tuyên truyền, chùa chiền khắp nơi hưởng ứng. Thế nhưng, sau khi đọc được loạt bài “Ngộ nhận về kinh Vu Lan Bồn” của tiên sinh Đáo Bỉ Ngạn thì tôi phải giật mình nhìn lại vấn đề thực sự.
Bằng những lập luận sắc bén, bằng Tứ Y Cứ, Tứ Pháp Ấn cùng Ngũ Lượng Phương Tiện Biện Giải, bài luận của Tiên Sinh Đáo Bỉ Ngạn như chùy Kim Cang đánh nát núi Tà Kiến, phơi bày bản chất hư ngụy trái với lý Phật Đà của kinh Vu Lan Bồn. Tôi hết sức ngưỡng mộ tinh thần “Tác pháp chiếu quang” của tiên sinh, cũng như ba lời thệ nguyện đầy dũng mãnh của một bậc Tuệ Tri Thức đương đầu với thế lực Tà Kiến mà bản ngụy kinh này đã tạo ra.
Noi theo tấm gương tiên sinh Đáo Bỉ Ngạn, tôi cũng muốn đóng góp những điểm nghi vấn của mình về bản ngụy kinh này, đặc biệt là về mặt thời gian mâu thuẫn trong kinh. Con cầu nguyện Đạo Sư, Bổn Tôn, Dakini gia hộ cho con hoàn thành bài viết này.
NHỮNG CHI TIẾT SƠ HỞ PHƠI BÀY THỰC SỰ LÀ NGỤY KINH
Thông thường, trong kinh điển nhà Phật có một số chi tiết có thể giúp người đọc ước đoán được thời gian và địa điểm thuyết kinh là khi nào. Ví dụ như “tại Kỳ Viên Cấp Cô Độc”, “tại núi Linh Thứu”, …Trong kinh Vu Lan Bồn, có hai mốc thời gian đáng chú ý như sau:
+ “Một thời Phật ở nước Xá Vệ, trong khu vườn Cấp Cô Độc, Đại Mục Kiền Liên, mới đắc sáu thần thông”
+ Ngày Rằm tháng Bảy.
Sau đây tôi sẽ phân tích những điểm mâu thuẫn ở cả hai sự kiện này.
- Mâu thuẫn trong thời điểm ngài Mục kiền liên đắc A-la-hán
Theo kinh thuyết, Ngài Mục Kiên Liên đắc sáu thần thông thì có nghĩa rằng Ngài đã đắc quả A-la-hán. Bởi lẽ Lậu tận thông, tiếng Phạn āsravakṣaya-jñānaṃ: lậu tức là kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi. Lậu tận thông là dứt trừ toàn bộ kiến hoặc và tư hoặc trong ba cõi, không còn sinh tử luân hồi trong ba cõi, được giải thoát hoàn toàn.
Căn cứ Luận câu xá quyển 27, trong 6 phép thần thông trên, 5 phép thần thông đầu thì mọi người đều có thể đạt được, duy nhất phép thần thông thứ 6 thì chỉ có những bậc thánh mới có thể đạt được.
Tuy nhiên, mâu thuẫn ở đây là thời điểm ngài Mục-Kiền-Liên đắc Thánh Quả thì Tăng đoàn mới thành lập, Phật ngụ tại thành Vương Xá, tịnh xá Trúc Lâm (Vua Tần-bà-sa-la cúng dường) chứ không phải tại nước Xá Vệ, vườn Cấp Cô Độc!
Theo tác phẩm “Đức Phật và Phật Pháp” của Ngài Narada Mahathera, Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên gặp Phật và đắc Thánh Quả vào Hạ thứ 2 (năm 588 TCN). Còn ông Cấp Cô Độc thì đến Hạ thứ 3 mới gặp Phật.Như vậy vườn Kỳ Viên Cấp Cô Độc vào thời điểm này chưa xuất hiện, làm sao có thể thuyết kinh?
Tiếp theo, Kinh Trung A-hàm, kinh Trưởng Lão Thượng Tôn Thụy Miên (tương đương kinh Trung Bộ, kinh Ngủ Gục) cũng như Trưởng lão kệ chú (Paramattha-dīpanī) ghi chép, sau khi xuất gia theo Phật, ngài Mục-kiền-liên thường đến thôn Kallavālamutta (Thiện tri thức thôn) quán chiếu đề mục và 7 ngày sau đắc A-la-hán ở đây. Ngài không có mặt ở vườn Cấp Cô Độc.
Bây giờ ta sẽ xem đến thời gian ngài Xá Lợi Phất đắc Thánh Quả, tức nửa tháng sau khi quy y Phật, sau Ngài Mục Kiền Liên 1 tuần. Kinh Trung Bộ xác định đó là vào thời điểm Phật thuyết kinh Trường Trảo (Dighanakha Sutra). Mở đầu kinh này nói:
“Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakuta (Linh Thứu), trong hang Sukarakhata. “
Như vậy khi Ngài Xá Lợi Phất đắc Thánh Quả sau Ngài Mục-kiền-liên một tuần, Phật vẫn ở tại thành Vương Xá. Vậy vào thời điểm này, Đức Phật cũng như ngài Mục Kiền Liên đều không có mặt tại vườn Cấp Cô Độc như kinh Vu lan Bồn thuyết. Vườn Cấp Cô Độc cũng chưa hề tồn tại.
Có thể rằng vì Tịnh Xá Kỳ Viên-Cấp Cô Độc khá nổi tiếng trong nhiều kinh khác nên người đã soạn kinh Vu Lan Bồn thêm vào bất chấp sai sự thật? Đó là nói về mặt lịch sử, về mặt Phật học, một bậc A-la-hán, đã đắc Lậu Tận Thông thì đã trừ hết phiền não, không thể có chuyện khóc mẹ sướt mướt như thế kia. Do vậy tôi đặt vấn đề người đã soạn kinh này không hiểu gì về bậc A la hán cũng như nắm được các sự kiện vào thời Đức Phật.
- Có thật ngày Tự Tứ là ngày Rằm Tháng Bảy?
+ “Tự tứ tiếng Pàli Pavàranà; Phạn là pravàranà, Hán phiên âm là bát-hòa-la, bát lợi ba thích noa và dịch là tự tứ, thỉnh thỉnh, tùy ý, tùy ýsự, mãn túc, hỷ duyệt,…
Pravàranà, Phật đà thập và Trúc đạo sinh dịch là Tự tứ ( Ngũ phần luật 19, Đại chính 22, tr 130c). Tự là tự mình, tứ là buông ra. Nghĩa là vị tỷ kheo sau khi hạ an cư đủ ba tháng, tự mình buông ra lời nói thỉnh cầu một vị tỷ kheo khác đầy đủ năm đức, chỉ điểm những lỗi lầmcho mình qua ba mặt thấy, nghe và nghi, giúp cho mình biết và tự mình cầu xin sám hối để được thanh tịnh.”
Thời gian của ngày Tự Tứ được xác định là sau ba tháng An Cư Kiết Hạ. Truyền thống Phật giáo Nguyên thủy y cứ theo lịch này nên bắt đầu Vũ Kỳ An Cư (Vassavāsa) từ ngày 16 tháng 6 (tháng Āsālha) và kết thúc vào ngày 16 tháng 9 (tháng Āssina). Nếu an cư được bắt đầu vào ngày 16 tháng 6 thì gọi là Tiền an cư (Purimikavassà). Còn nếu như có duyên sự không thực hiện Tiền An Cư được mà phải dời lại một tháng sau, tức bắt đầu từ ngày 16 tháng 7 và kết thúc vào ngày 16 tháng 10 thì gọi là Hậu An Cư (Pacchimikāvassā).
Như vậy cả ngày Tiền An Cư và Hậu An Cư của trường phái Nguyên Thủy không có bất kỳ dính dáng gì tới ngày Rằm Tháng Bảy cả. Do vậy ngày Tự Tứ không thể rơi vào ngày 15/7. Theo truyền thống Đại Thừa thì an cư kiết hạ bắt đầu ngày 16 tháng 4 là ngày đầu an cư, đến ngày 15/7 là ngày Tự Tứ (có thể do ảnh hưởng của kinh Vu Lan Bồn). Ở đây tôi không bài xích gì lễ An cư kiết hạ theo truyền thống Đại Thừa, do tùy vào Trường phái, Quốc độ, Thời đại,… Thế nhưng đã đưa vào kinh điển thì lại khác. Lẽ nào vào thời Đức Phật, Tỳ kheo theo Đại Thừa có lễ An cư riêng, theo Tiểu thừa có lễ An cư riêng? Như vậy thì vô lý.
Vả lại Ngày Rằm Tháng Bảy lại trùng hợp đáng nghi ngờ với ngày thờ cúng ông bà tổ tiên của Trung Quốc. Lễ Vu Lan làm ra tự nhiên mà xiển dương văn hóa người Tàu.Thêm nữa, xét theo nguyên nghĩa, ngày Tự Tứ là ngày quan trọng để chư Tăng tác bạch sám hối, thế mà theo kinh Vu lan Bồn thì thành ra ngày …ăn uống linh đình, thịnh soạn thật không thể chấp nhận được.
+ Vấn đề tiếp theo, là vào thời điểm Ngài Mục-kiền-liên đắc quả A-la-hán, Tăng đoàn chưa hề có… An cư kiết hạ.
Theo Đại Phẩm Luật Tạng, trong những năm đầu thiết lập Tăng đoàn (saṅgha) đức Phật chưa chế pháp an cư, thế rồi khi mùa mưa đến cây cối mọc lên kéo theo sự sinh sôi nảy nở của vô số côn trùng. Một số đạo sỹ các giáo phái khác họ cũng có quy định an trú trong mùa mưa để tránh giẫm đạp làm tổn hại sinh mạng; thế nhưng chư tăng đệ tử Phật vẫn tiếp tục du hành trong ba tháng mùa mưa. Sự việc này đã khiến dân chúng và các giáo phái ngoại đạo kịch liệt chỉ trích. Lúc này Đức Phật mới ban hành pháp An cư kiết hạ.
Như vậy, vào Hạ thứ 2, Ngài Mục-kiền-liên đắc Thánh Quả ắt hẳn chưa có pháp An cư kiết hạ cũng như ngày Tự Tứ. Những gì kinh Vu lan Bồn thuyết là sai trật hoàn toàn.
+ Vấn đề tiếp theo, ngày này trong kinh Vu lan Bồn gọi là ngày “Phật Hoan Hỷ”. Câu hỏi đặt ra là nếu ngày này một người phá Ngũ Giới, hành Thập Ác thì Phật cũng hoan hỷ hay sao? Lẽ nào Phật hoan hỷ chỉ vì Mục kiền liên cứu được mẹ mình? Hóa ra Phật vị kỷ sao?
Theo nghiên cứu của tôi, chỉ duy nhất có kinh Vu lan Bồn nói đây là ngày Phật hoan hỷ. Nhưng điều hày hoàn toàn trái với lý nhà Phật, vốn dĩ không xem trọng ngày tháng như người Tàu. kinh Tăng chi có ghi lại một thời Đức Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Tại đấy, Ngài gọi các thầy Tỳ-kheo và dạy rằng:
“Các loài hữu tình nào, này các Tỳ-kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỳ-kheo, có một buổi sáng tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỳ-kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỳ-kheo, có một buổi trưa tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỳ-kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỳ-kheo, có một buổi chiều tốt đẹp”.
Như vậy, ngày nào Thân-Ngữ-Tâm thiện lành thì ngày đó là ngày lành, không phải nhất định vào ngày Rằm Tháng Bảy là Phật hoan hỷ bất chấp ngày đó chúng sanh làm ác. E rằng bản kinh Vu Lan Bồn này đã bị ảnh hưởng bởi thuyết xem ngày lành tháng tốt của người Tàu.
- Kết luận:
Trên đây là những lập luận của tôi chứng minh các mốc thời gian trong kinh Vu Lan Bồn phát sinh đầy mâu thuẫn. Từ việc nói sai về địa điểm ngài Mục-kiền-liên đắc Thánh Quả, cho tới việc tạo ra một ngày Tự Tứ không đúng với chế định của Đức Phật. Đó là chưa nói đến các nguyên tắc Phật Pháp bị xuyên tạc quá mức trầm trọng mà Tiên sinh Đáo Bỉ Ngạn cũng như Hòa Thượng Tuyên Hóa đã chỉ ra.
Tôi càng thêm chắc chắn rằng đây chính là một bản Ngụy Kinh mà người Tàu tạo ra để củng cố truyền thống Hiếu Đạo cũng như xiển dương ngày cúng giỗ cha mẹ tổ tiên của họ. Tiếc thay, truyền thống nô lệ tâm linh nặng nề đã khiến cho biết bao nhiều người Việt làm theo một cách mù quáng. Hình ảnh một bậc A-la-hán tôn quý như Ngài Mục-kiền-liên bị gắn cho sự sướt mướt ủy mị đến không thể chấp nhận. Ngày Tự Tứ với ý nghĩa cao quý trong đạo Phật giờ đã trở thành ngày cung cấp lợi dưỡng linh đình cho các chùa chiền, tự viện. Có mấy ai có thể gạt bỏ lợi dưỡng mà cất tiếng minh định Chánh-Tà cho chúng sanh?
Tôi thành tâm cầu nguyện cho tất cả những ai đã lỡ có niềm tin mê lầm vào bản Ngụy Kinh này nhanh chóng hồi tâm chuyển ý, tìm về Chánh Kiến Phật Đà.
Con cảm tạ vị Thầy từ bi truyền trao cho chúng con Trạch Pháp Nhãn để chúng con thoát khỏi vũng bùn Tà Kiến, trở thành người con Phật chân chính.
Cầu nguyện cho Thầy Cô sức khỏe trường thọ vì lợi lạc và hạnh phúc của chúng sanh.
Nguyện cho chúng sanh khổ đau được lắng dịu.
Om Ah Hum.
Chúng đệ tử Mật Từ – Mật Hạnh Giác
http://chanhtuduy.com/nhung-mang-toi-cua-nguy-kinh-vu-lan-bon/
"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.