Bài vừa lên của Xuân Quang, trên Lao động.
LĐO | 25/06/2018 | 06:35
Vậy là sáng nay (thứ hai, ngày 25.6), con bước vào phòng thi cùng với 925.000 cô cậu học sinh (chủ yếu) sinh năm 2000 trong kỳ thi THPT Quốc gia. Đã có thể bước đầu thở phào, vì chỉ 2 hôm nữa thôi, hành trình đi thi cùng con sẽ kết thúc “giai đoạn 1”.
Áp lực và “bất đồng chính kiến”
Đi thi cùng con không chỉ có tôi - bố cháu, mà cả nhà, cả ông cả bà đã “chạy marathon” cùng cháu ít nhất nửa năm nay rồi. Khó xử nhất là ông bà nội ngoại, cách đây mấy hôm, muốn vượt trăm cây số từ quê ra động viên cháu nhưng lại sợ gây thêm áp lực, nên chỉ rón rén gửi theo xe khách 1 thùng xốp cả gà cả trứng, rồi cá thu, tôm khô, rau quả cho cháu bồi dưỡng. Không dám gọi điện thoại cho cháu, nên cứ 2 ngày 1 lần gọi cho bố cháu, chỉ để hỏi cái điều đã từng hỏi cả trăm lần: “Thằng cu sắp thi rồi nhỉ?”…
Với người làm bố, làm mẹ thì khỏi nói, những lo lắng về 1 kỳ thi THPT đã đeo đẳng từ 3 năm trước, khi con bước chân vào trường “cấp ba”. Đẻ con vào cái năm dễ nhớ 2000 té ra lại phiền quá. Trước hết là số lượng thí sinh tăng đột biến so với năm ngoái: Gần 1 triệu em, tăng gần 60.000.
Tỉ lệ “chọi” đại học, cao đẳng cũng thật khủng khiếp: Riêng Hà Nội, số học sinh thi để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh đại học là hơn 62.000 nhưng chỉ để tuyển hơn 4.000 em. Con số này tôi biết, con tôi biết, tất cả cái nhà này biết, nhưng đã không ai nói ra, vì 2 chữ “áp lực”…
Việc đăng ký nguyên vọng cho con vài tháng trước khiến gia đình tôi “mất đoàn kết”. Cái tỉ lệ chọi quá cao khiến các con có tâm lý chọn trường dễ chứ không phải là chọn trường phù hợp, chọn nghề yêu thích cho tương lai. Tôi trở nên “cô đơn” trong quan điểm cần chọn ngành nghề yêu thích, dù khó khăn, dù tỉ lệ chọi cao đi nữa.
Cả nhà chụm đầu vào máy tính phân tích: Khối dịch vụ, an ninh quốc phòng có tỉ lệ chọi cao nhất là 7,88. Khối ngành kinh doanh, quản lý tỉ lệ chọi 6,87. Khối ngành sức khoẻ tỉ lệ 6,86. Tiếp sau là khối công nghệ, kỹ thuật, sản xuất, chế biến; nghệ thuật… Rốt cuộc, sau nhiều ngày thảo luận, chúng tôi chọn nhóm… ở giữa.
Bất đồng chính kiến tiếp theo đó là ôn thi IELTS vào thời gian ôn thi đại học. Phe “cánh tả” (một mình tôi “cánh hữu”) cho rằng, cần lấy cái bằng IELTS 6.5 để được ưu tiên, dễ bề lựa chọn các ngành mới của một số trường quốc tế. “Cánh tả” lại thắng, và rốt cuộc, con tôi đã phải học quần quật, hết ở lớp, đến chỗ học thêm ôn thi đại học, rồi qua Hội đồng Anh ôn tiếng Anh…
Tôi xót con lắm, nhưng rồi mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng tôi vẫn đều đặn đón con từ trường (trường cách nhà hơn 30 cây số), qua chỗ học thêm toán, qua chỗ ôn luyện thi tiếng Anh… Hành trình đưa đón con nhiêu khê và cơ cực ấy, có lẽ tôi phải ghi chép lại, để “tính sổ” khi về già. Kết quả thi IELTS của cháu rốt cuộc cũng thuộc nhóm “ở giữa”, nghĩa là đạt 6.0.
Vì sao không nên quay cóp?
Trưa 24.6, dưới cái nắng rang cháy Hà Nội, tôi đưa con tới điểm đón của nhà trường trên phố Mạc Thái Tổ, đã thấy nhộn nhịp đứng, ngồi hàng trăm ông bố bà mẹ cùng các sĩ tử. Tất thảy họ lộ rõ sự âu lo, phờ phạc. Không thuận lợi như các bạn khác, con tôi và các bạn thi tận huyện Thạch Thất, cách nội thành 30 cây số. Phần lớn các phụ huynh ngồi đây ngày mai, ngày kia, ngày sau nữa lại phờ phạc chạy xe lên điểm thi, âu lo ngóng chờ, thảng thốt hoặc rạng rỡ trước mỗi buồn, vui của con.
Cách đây vài tháng, các phụ huynh trong lớp con tôi lập 1 group chat trên viber chỉ để bàn chuyện thi cử, học hành, định hướng cho các con. Một group “nóng rẫy” từ phụ đạo, chọn trường, chọn nguyện vọng đến chuyện xe đưa đón, cái ăn, cái uống hôm thi, cả chuyện “có dấu hiệu yêu đương” của đám trẻ. Một ông bố gửi lời dặn dò 7 đồ bắt buộc mang theo vào phòng thi hết sức cụ thể mà dí dỏm: 1 Bút chì + tẩy; 2. 03 bút bi xanh; 3. Máy tính; 4. Thước + compa; 5. Phiếu báo danh; 6. CMND; 7. Não (in đậm).
Một bà mẹ không biết copy được ở đâu “Lời cô dặn trước lúc đi thi”, đọc thì thấy rất có ích cho các con: “Đi thi mà không phân tích đề thì khác gì nhường đường cho bạn khác - Không căn thời gian chuẩn xác có nghĩa là tự phá nát bài mình - Đi thi mà gạch xóa linh tinh là “tạo điều kiện” để thầy cô trừ điểm - Phải tỏ ra nguy hiểm, chớ để bạn khác nhìn bài - Không được viết dài với những câu ít điểm - Với những câu “hiểm” cần phân tích kỹ càng - Không được chủ quan, kể cả những đề luyện kỹ - Viết lách cụ tỉ, cẩn thận, gọn gàng - Chữ nghĩa thẳng hàng, thưa, đều, to tát - Đặc biệt linh hoạt khi bị “lơ mơ”…
Một hôm, tôi bàng hoàng khi nghe con hỏi: “Bọn con thi ở 1 điểm trường xa trung tâm, việc coi thi chắc không chát lắm, hay là con liều quay cóp nhỉ”. Tôi choáng, nhưng vẫn hỏi: “Bằng cách nào?”. Câu trả lời của con không hẳn là không có lý. Rằng, nếu như cả phòng người ta quay cóp, mà mình không thì là đánh mất đi cơ hội “chọi”.
Rằng, công nghệ quay cóp bây giờ hiện đại hơn thời “photocopy” của bố cả nghìn lần. Các thiết bị chỉ cần tìm kiếm và mua trên mạng, rất nhỏ, rất dễ ngụy trang trong người, hoặc được thiết kế giống các vật dụng thông thường như móc chìa khóa, thẻ ATM... Lại có loại “dạng vòng cổ” (kết nối với điện thoại di động), gồm 1 cuộn dây bằng đồng đeo cổ có chức năng tạo từ trường, micro hạt nam châm nhỏ xíu cho vào lỗ tai.
Lại nữa, có loại thu phát sóng ý hệt chiếc máy tính Casio FX-570 (loại thiết bị được phép mang vào phòng thi), kết nối không dây với 1 hạt tai nghe nhỏ xíu cũng cho được vào lỗ tai, có thể liên lạc ra bên ngoài phòng thi… Rằng, cứ chuẩn bị trước, biết đâu… Mình nghiêm túc quá có khi lại bị thiệt…
Lần này thì tôi kịch liệt phản đối: Chưa nói đến quy chế và tính trung thực, khi con bị “ám ảnh” bởi các thiết bị đó, sự tự tin và tập trung sẽ mất đi; chưa kể nếu bị phát hiện, mọi thứ sẽ đổ sông, đổ biển hết; Không thi đỗ năm nay thì sang năm, không đỗ trường này thì trường khác; rằng vẫn còn đó những trường đại học liên kết, cả đống suất học bổng ở những trường đại học trả tiền, rồi cao đẳng, trường nghề… Ơn giời, con tôi nghe ra!
Phiền toái mang tên World cup
Vâng, có 1 điều gây phiền toái nghiêm trọng mang tên World cup. Nó lại diễn ra vào thời gian ôn thi, lượt trận căng thẳng nhất cuối vòng bảng rơi đúng 3 ngày thi. Với 1 cậu trai chuyên mặc áo đội tuyển Việt Nam, thuộc vanh vách tên cầu thủ và đội hình xuất phát của U23 cũng như phần lớn đội bóng hàng đầu Châu Âu… thì việc cấm cửa xem World cup là cả một vấn đề. Tôi đã trải qua những ngày thực sự khó xử. Nhà chật, cho nên dù TV không lời cũng hiếm khi dám xem khi con học bài. Năm nay, cũng tuyệt đối không dám mời bạn bè đến nhà mở tiệc xem bóng đá như mọi năm.
Đúng hôm chuẩn bị lên trường làm thủ tục dự thi, con tôi buột mồm hỏi thời gian thi đấu trận Bồ Đào Nha - Iran (cháu vốn thần tượng Ronaldo). Té ra, “ông con” vẫn lén lút xem, lén lút vào mạng theo dõi. Bà mẹ lạnh lùng: “Tuyệt đối đối cấm!”.
Cùng với đó là mệnh lệnh “nhập trại” (gửi con vào KTX nội trú của trường cấp 3 ở trong 3 ngày đêm 24, 25 và 26). Dù đã “nhốt” con vào lớp nội trú cho các thầy quản, nhưng tôi dám chắc, trong thời đại công nghệ này, “bọn quỷ” 18 tuổi ấy thừa sức tìm cách để xem bằng được nếu muốn.
Thấy vẻ thất vọng của con, tôi mở đường: “Những trận đấu sớm con xem một chút cũng được, cho tinh thần thoải mái, nhưng những trận muộn thì thôi, còn ngủ để có sức thi”... Nói rồi, xem lại lịch thì té ra, Ronaldo cùng Bồ Đào Nha đá lượt trận cuối lúc 1h sáng ngày 26.6, giữa 2 ngày thi. Biết nói lại với nó thế nào đây?
Vài lời với con
Sáng nay, khi con đang thi môn ngữ văn, bố sẽ ngồi cạnh đó, trước 1 ly cafe tự thưởng vì hành trình đi thi cùng con sắp kết thúc “giai đoạn 1”. Giai đoạn 2 là khoảng cuối tháng 7, lúc đó đã biết điểm thi. Lúc đó sẽ là lúc “cánh tả”, “cánh hữu” tiếp tục ngồi lại nghe ngóng, phân tích tương quan điểm thi, đầu vào các trường, để còn kịp điều chỉnh nguyện vọng…
Hai ngày nữa thôi, bố và con sẽ được nghỉ ngơi. Con nhớ rằng, có hàng trăm lựa chọn, hàng nghìn cơ hội cho con vào đời, bất kể kết quả kỳ thi này thế nào!
https://laodong.vn/phong-su/di-thi-cung-con-614679.ldo
---
BỔ SUNG
2.
25/06/2018 08:47 GMT+7
https://tuoitre.vn/lao-cai-ha-giang-lai-chau-cuu-ho-ca-dem-de-thi-sinh-den-diem-thi-2018062508464571.htm
25/06/2018 08:47 GMT+7
TTO - Đây là thông tin được lãnh đạo các sở GD-ĐT đang bị mưa lũ cho Tuổi Trẻ biết vào sáng ngày 25-6. Tại Hà Giang, mưa lũ khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trong buổi thi môn Văn sáng nay, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang cho biết toàn tỉnh có 25 thí sinh không đến dự thi, nhưng trong đó chỉ có 3 thí sinh phải bỏ thi vì kẹt mưa lũ.
"Chúng tôi đã phải cứu hộ suốt đêm qua. Nhiều người phải thức trắng để bằng mọi cách đưa thí sinh đến điểm thi"- ông Vũ Văn Sử cho biết.
Ở nhiều huyện các thầy cô giáo cùng người dân phải đóng bè mảng đưa thí sinh đến điểm thi từ chiều tối 24-6. Một số nơi huy động xe chuyên dụng chở thí sinh đến điểm thi. Nhưng có những nơi bị lũ cô lập nên phải bó tay.
Ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết tại huyện Văn Bàn có 3 thí sinh tới làm thủ tục thi muộn nhưng không ảnh hưởng đến việc dự thi.
Ngoài ra có một vài thí sinh tự do dự thi để xét tốt nghiệp vắng mặt nhưng việc này là bình thường, không phải các trường hợp vì kẹt mưa lũ.
Trước đó, BCĐ thi THPT quốc gia tỉnh Lào Cai cũng có công văn hỏa tốc yêu cầu BCĐ thi thành phố, huyện, thị và trưởng các điểm thi gấp rút có phương án đưa học sinh còn đi về trong ngày vào ở khu tập trung nội trú, bán trú của điểm thi để đảm bảo an toàn, tuyệt đối không được để thí sinh nào vì bị kẹt mưa lũ mà không dự thi.
Đồng thời những điểm thi ở nơi có nguy cơ ngập lụt, lở đất cần phải có phương án dự phòng và kịp thời di chuyển ứng phó với thiên tai xảy ra bất thường.
Tại Lai Châu, mặc dù đã có yêu cầu tận dụng tối đa các chỗ ở tại trường dân tộc nội trú để tập trung thí sinh về ở trong suốt ba ngày thi nhưng theo ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu thì chiều tối 24-6 vẫn còn 13 thí sinh vắng mặt tại các điểm thi.
Ông Minh cho biết các điểm thi đều rất nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương để giúp các thí sinh còn lại đến thi nhưng vẫn có những thí sinh không thể dự thi được.
Trước khi môn thi đầu tiên diễn ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khi chia sẻ với báo chí về tình hình tổ chức kì thi tại các tỉnh phía Bắc đang diễn ra mưa lũ cũng cho biết Bộ GD-ĐT đã có công văn khẩn cho các tỉnh, đồng thời Bộ trưởng cũng điện thoại trực tiếp cho bí thư các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai để yêu cầu các tỉnh chỉ đạo huy động tối đa các lực lượng hỗ trợ thí sinh đến điểm thi trên tinh thần " cố gắng hết sức không để thí sinh bỏ thi do mưa lũ"
Theo BCĐ thi các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai thì diễn biến thời tiết vẫn phức tạp nên các điểm thi tại các tỉnh này đều trong tình trạng phải "trực chiến" cả ngày lẫn đêm để sẵn sàng di chuyển, bảo vệ thí sinh, bảo mật đề thi, bài thi.
1.
Trong số 925.753 thí sinh đăng ký dự thi, cho đến chiều qua đã có 98,58% học sinh có mặt tại các điểm thi để làm thủ tục.
Năm nay, cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi. Để phục vụ kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã điều động 45.000 cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ hỏi thăm người nhà thí sinh trong buổi kiểm tra thi tại Trường THPT Yên Viên (Gia Lâm) sáng 25/6. Clip: Thanh Hùng
Phương thức thi để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển đại học (thường được gọi là "thi 2 trong 1") được bắt đầu từ năm 2016 sau thời gian dài cả nước có 2 kỳ thi độc lập quy mô quốc gia (thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ). Tất cả các bài thi đều là trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn.
Động viên con vững tin trước giờ làm bài. Ảnh chụp sáng 25/6 tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Lê Anh Dũng
Thí sinh có mặt tại trường thi từ 6h30 sáng. Ảnh chụp tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM). Ảnh: Tuấn Kiệt
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, phó ban chỉ đạo kỳ thi cho biết: Về cơ bản, kỳ thi năm nay giữ ổn định như năm 2017 và có một số điểm mới.
Nội dung đề thi nằm trong cả chương trình lớp 11 và lớp 12, trong đó lớp 12 chiếm 80%. Các môn Khoa học Tự nhiên cũng sẽ có những câu hỏi liên quan tới thí nghiệm, thực hành, đồng thời nâng cao độ phân hoá của đề thi.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng
Thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn, môn duy nhất thi theo hình thức tự luận. Ảnh: Thanh Hùng
Năm nay, thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp KHTN và KHXH phải thi đầy đủ 2 bài thi này mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút thay vì 20 phút như năm 2017. Điều chỉnh này nhằm đảm bảo tính an toàn, phù hợp với thực tế.
Một điểm mới trong công tác giám thị nữa là túi đựng bài thi niêm phong phải có chữ ký của Phó trưởng điểm thi là cán bộ của các trường ĐH, CĐ.
Đáng lưu ý, tính chất sát sao của kỳ thi đã tăng lên, với quy định: Điểm thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Thay đổi đáng kể nữa là điểm ưu tiên giữa các vùng miền sẽ được giảm xuống còn một nửa.
Tỷ lệ thí sinh chỉ xét tốt nghiệp so với thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018 |
Một trong những điểm mới lớn nhất năm nay là Bộ GD-ĐT sẽ không đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các tổ hợp môn thi của các bậc ĐH, CĐ, trừ các ngành đào tạo sư phạm.
Để thực hiện mục tiêu đào tạo sinh viên sư phạm đáp ứng đủ nhu cầu của các địa phương, năm nay, Bộ GD-ĐT đã cắt tổng số chỉ tiêu dành cho khối ngành Sư phạm – giảm 38% so với chỉ tiêu năm ngoái (còn 35.590 chỉ tiêu).
Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng cho phép các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động.
Những thông tin này đã được kê khai lên hệ thống phần mềm với những tham số như: đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, quy mô hiện hành, tỷ lệ sinh viên có việc làm,v.v... Đâu đó đã có một số trường hợp khai báo thiếu chính xác so với thực tế. Tuy nhiên, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã phát hiện, đề nghị chỉnh sửa và xử lý theo quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), mặc dù "được tự xác định chỉ tiêu" nhưng tổng chỉ tiêu cũng chỉ tăng 1,2% so với năm 2017. "Đây là một minh chứng cho thấy các trường quyết tâm giữ vững chất lượng của mình, mà không chạy theo số lượng".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý rằng: Năm nay, các trường đại học được tự xác định ngưỡng điểm đầu vào (trừ trường đào tạo giáo viên), như vậy là "được tự chủ hơn" nhưng đi cùng với đó là phải tự chịu trách nhiệm về đầu vào, đầu ra.
Khác với những năm từ trước 2016, thí sinh tập trung về Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành có cơ sở đại học để dự thi đại học, ở kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh thi tại nơi sở tại. Ngược lại, giảng viên các trường đại học sẽ "đi tỉnh" làm công tác coi thi và giám sát. Năm nay, có 45.000 giảng viên từ các trường ĐH, CĐ tham gia công việc này.
"Tới thời điểm hiện tại, công tác đề thi đã sẵn sàng để phục vụ kỳ thi. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được bàn giao và nghiệm thu" - thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.
Sáng nay, giờ làm bài môn thi Ngữ văn sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ 35 phút và kéo dài trong 120 phút. Môn Ngữ văn cũng là môn thi duy nhất thí sinh vẫn làm theo hình thức tự luận.
Buổi chiều, giờ làm bài môn Toán bắt đầu từ 14 giờ 30 phút và kéo dài trong 90 phút.
Ban Giáo dục
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/media/thi-thpt-quoc-gia-2018-hon-900-000-thi-sinh-buoc-vao-ngay-thi-dau-tien-458775.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.