Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, việc xây một con đường cho dân đi tức là đang cung cấp dịch vụ công. Mà dịch vụ công thì phải tuân thủ nguyên tắc.
ADVERTISING
“Đó là dịch vụ công là phải liên tục, không thể lúc này mở, lúc kia đóng. Nguyên tắc thứ hai là phải bình đẳng, không thể đường người này đi được mà người kia lại không đi được. Nguyên tắc thứ 3 là giá cả phải phù hợp. Muốn giá phù hợp thì phải được cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan đại diện cho dân như Quốc hội, hội đồng nhân dân phê duyệt. Nếu không tuân thủ thì rất khó có giá phù hợp”, ông Dũng nói.
Đề cập đến khái niệm “thu giá”, ông Dũng cho rằng đây là một sáng tạo để lách qua những quy định của luật phí và lệ phí.
“Theo quy định của luật, một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí. Tuy nhiên, khoản thu phí này chỉ hợp pháp khi khoản phí được đưa vào danh mục phí được ban hành theo luật. Rất tiếc, BOT không có trong danh mục này. Đáng lẽ Bộ GTVT nên trình Quốc hội bổ sung phí BOT vào danh mục nói trên thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm”, ông Dũng nói.
Theo đó, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng thu giá là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. “Bạn có thể thu phí, thu nợ, thu ngân… nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ để thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa, dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực rất tối nghĩa và ngô nghê”.
Trả lời trên Zing, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng căn cứ mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra “BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp định giá” là chưa thuyết phục.
Ông Hiển cho rằng những con đường BOT hiện tại được nói đến nhiều đều là những dự án quốc gia. Với các dự án quốc gia như vậy thì đều có vai trò của Nhà nước.
“Việc tính toán suất đầu tư, duyệt phương thức thu phí phải liên quan Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Ví như dự án BOT Cai Lậy, rõ ràng đó là một con đường quốc gia. Bộ GTVT được giao thực hiện nhưng bộ trưởng giải thích lại hiểu là BOT tư nhân, do doanh nghiệp quyết định về giá, đó là một chuyện khó hiểu”, ông Hiển nói.
Nói gọi là trạm thu giá, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng đó phải là một dự án hoàn toàn độc lập của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất tự lập một dự án xây dựng con đường, không phải là độc đạo, không phải là con đường có sẵn. Họ tự bỏ vốn ra làm, là con đường lựa chọn thứ 2 cho người dân đi.
Sau đó doanh nghiệp thu giá của người dân khi đi vào con đường đó, hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Chất lượng đường, giá cũng theo cơ chế đó. “Dự án do công ty tư nhân thực hiện, không độc quyền, không độc đạo, may ra có thể gọi là trạm thu giá”, ông Hiển nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã giải thích với báo giới bên hành lang Quốc hội: "Giờ xem BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước”.
Bên cạnh đó, phí liên quan tới Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, vì BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại cho chính xác. Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm. Việc đổi tên gọi không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều.
Trước câu hỏi rằng dư luận đặt vấn đề Bộ GTVT đang đánh tráo khái niệm "thu phí" thành "thu giá", Bộ trưởng GTVT khẳng định: "Không phải do Bộ quy định mà do nghị định của Chính phủ quy định. Ví dụ, sản phẩm sản xuất nhà máy thì họ ấn định giá bán, và BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp...".
Theo ông Nguyễn Văn Thể, sản phẩm nào cũng phải đem lại hiệu quả kinh doanh. Với dự án BOT, doanh nghiệp bỏ vốn toàn bộ thì cũng cần có phương án hoàn vốn. Nhà nước cố gắng điều chỉnh thấp nhất, tạo điều kiện cho xã hội. “Hiện nay mình điều chỉnh trạm thu giá nào có điều kiện đều giảm toàn bộ xuống mức thấp nhất để hỗ trợ chi phí người dân”.
“Bên cạnh đó, phải điều tiết để đảm bảo lợi ích nhà đầu tư và hài hoà lợi ích người dân. Không phải sản phẩm anh làm ra là tự ấn định giá mà ký hợp đồng với bộ để giám sát điều này. Chính vì thế, nhiều trạm BOT, giá giảm từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng để hài hoà lợi ích các bên. Nghị định quy định thay đổi thì phải điều chỉnh theo yêu cầu Chính phủ", ông Thể nói.
Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp muốn tăng giá, doanh nghiệp phải đăng ký với Bộ GTVT. Bộ GTVT xem xét khi nào cảm thấy hài hoà hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới được điều chỉnh, nếu không thì không được điều chỉnh.
Theo Bộ trưởng Thể, nhà đầu tư kinh doanh thì phải có lợi nhuận theo quy định của Nhà nước. Thu cao thì thời gian ngắn, thu thấp thì thời gian dài. Hiện nay hầu như đã giảm hết toàn bộ các trạm thu đến mức thấp nhất để trong giai đoạn hiện nay bảo đảm chi phí thấp nhất.
"Ngày trước, mỗi lần điều chỉnh phí rất khó khăn vì điều chỉnh phí thuộc thẩm quyền hội đồng nhân dân địa phương, trong khi hội đồng nhân dân không thể linh động được. Chuyển qua giá thì bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy nhưng cơ quan nhà nước sẽ điều chỉnh một cách nhanh chóng để đáp ứng được điều kiện của từng trạm “thu giá” ở từng vị trí, từng khu vực. Có những vị trí giảm rất sâu vì những nơi đó điều kiện cho phép. Còn để HĐND quyết thì điều chỉnh từng mức rất khó khăn", Bộ trưởng Thể nói.
Lam Thanh