"Họ Phan có truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa lâu đời, có nhiều tấm gương hiếu học, khuyến học; có nhiều hậu duệ đời thứ sáu nắm bắt khoa học kỹ thuật, có trình độ văn hóa… đã hòa nhập và góp sức cùng làng xóm xây dựng Tân Thông Hội thành xã nông thôn mới hoàn mỹ.
Ở nhà Văn hóa ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, trong Bảng Danh sách những người thành đạt trong bộ máy nhà nước có ba người họ Phan thuộc Đời thứ 5, thứ 6 họ Phan ta. Đứng đầu là ông Phan Văn Khải nguyên Thủ tướng Chính phủ, kế đến là ông Phan Văn Xựng sanh năm 1967, tham gia cách mạng năm 1984, hiện là sĩ quan trợ lý kế hoạch Phòng Đào tạo cán bộ, Cục Chính trị Quân khu 7; ông Phan Văn Điền sanh năm 1959, tham gia cách mạng năm 1976, vào đảng ngày 7 tháng 5 năm 1982, hiện là trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học trường Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh."
Lấy nguyên về từ trang của Trung tâm Gia phả Việt Nam (gọi tắt).
---
GIA PHẢ 037. HỌ PHAN (PHAN VĂN KHẢI), XÃ TÂN THÔNG HỘI, HUYỆN CỦ CHI, TP.HCM
LỜI TỰA
Như ta đã biết:
Nghiên cứu Gia phả là Khoa học
Thực hành Gia phả là thiêng liêng
Việc thu thập tư liệu, biên soạn một bộ gia phả dòng họ là công việc khá vất vả, một người không thể làm được, vì không thể nào ghi hết chuyện dòng họ các đời, từ lúc ông Tổ Đời 1 khẩn đất lập nghiệp, cho đến ngày hôm nay.
Bà con dòng họ biết chuyện, hoặc nghe kể lại hành trạng tương đối của ông bà tổ tiên, đã ghi lại nhưng còn rất rời rạc, lại thiếu tính hệ thống, sự liên kết của các Chi phái.
Thực hành Gia phả, hay dựng phả là ghi lại, sắp xếp lại thứ tự một cách tương đối đầy đủ lịch sử dòng họ, gắn với lịch sử các vùng đất, qua các thời kỳ, các đời con cháu.
Ông bà tổ tiên họ Phan ta đã hiện diện, sanh sống, lập gia đình, sanh con cháu lập nên dòng họ; luôn gắn liền với những biến động của vùng đất Tân Thông được gọi là Tổ quán, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng từ cộng đồng, từ nếp văn hóa làng xã và thời cuộc nói chung.
Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thuộc Hội Khoa học-Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh đã dựng Gia phả họ Phan xã Tân Thông Hội từ năm 1999, các phần cơ bản gồm Chính phả (có Phả ký, Phả hệ và Phả đồ) và Ngoại phả đã xác định. Lúc đó những người chủ trương dựng phả gồm ông Phan Văn Hời (Đời 4), bà Phan Thị Mung (Đời 4); bà Phan Thị Hợt (Đời 5), ông Phan Văn Khải và bà Nguyễn Thị Sáu (Đời 5). Nay tiếp tục tìm thêm thông tin để bổ sung và hiệu chỉnh Gia phả họ Phan, viết thêm mối quan hệ hôn nhơn, huyết thống giữa họ Phan với các họ khác trong vùng và bổ sung các đời thứ sáu, thứ bảy.
Các sự việc mới của dòng họ Phan đã được đưa vào, trong đó nổi bật là việc xây lại mồ mả ông bà tổ tiên sau bao năm chiến tranh bị hư hại, sau ngày hòa bình cho đến nay chưa xây dựng được; lại thêm việc chăm lo đời sống văn hóa cho con em mình, lập quỹ khuyến học, giúp học trò nghèo trong xã. v.v…
Trong lần dựng mới gia phả họ Phan, bà con trong họ đã nhiệt tình đóng góp ý kiến, cung cấp cho chuyên viên Trung tâm Gia phả nhiều thông tin bổ ích; có người tận tình đưa chúng tôi ra đồng mả họ Phan để chụp ảnh mồ mả ông bà, qua đó xác định chính xác năm sanh năm mất của ông bà đã quá vãng, để đưa vào phả hệ có sự thống nhứt.
Thay mặt họ tộc, tôi cám ơn tất cả bà con trong họ tộc, cám ơn các chuyên viên gia phả thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc tích cực để hoàn thành bộ gia phả họ Phan vi nhiều tư liệu về dòng họ rất bổ ích. Bộ gia phả này là công trình chung giữa gia đình và các chuyên viên gia phả.
Gia phả họ Phan đã được dựng mới.
Song, trong quá trình thu thập tư liệu, đối chiếu và cân nhắc các thông tin; ban biên soạn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả biết sẽ không tránh khỏi thiếu sót; rất mong bà con trong họ tộc góp ý bổ sung cho Gia phả Họ Phan xã Tân Thông Hội được thêm hoàn hảo.
Bản gia phả này dùng để phổ biến trong họ, các nhà khoa học cũng có thể nghiên cứu được
Thay mặt bà con họ Phan
PHAN VĂN HỜI
PHAN THỊ MUNG
Hậu duệ đời thứ Tư
PHAN THỊ MUNG
Hậu duệ đời thứ Tư
PHAN THỊ HỢT
PHAN VĂN KHẢI
NGUYỄN THỊ SÁU
Hậu duệ đời thứ Năm
PHAN VĂN KHẢI
NGUYỄN THỊ SÁU
Hậu duệ đời thứ Năm
PHẢ KÝ
Tìm hiểu lịch sử là tìm hiểu sự phát triển của đất nước qua các thời kỳ hưng thịnh ra sao, là tìm lại cội nguồn dân tộc với những bước thăng trầm; qua đó hiểu được các nền văn hóa gắn liền với dân tộc ta, đất nước ta trên đường phát triển.
Gia đình, dòng họ là một phần của dân tộc. Văn hóa dân tộc phát triển ảnh hưởng đến nền văn hóa, giáo dục của gia đình. Và ngược lại, không có gia đình văn hóa sẽ không có làng xã văn hóa, sẽ không có một nền văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc.
Đi tìm nguồn gốc dòng họ là tìm hiểu và khẳng định sự tồn tại, sự phát triển của dòng họ, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của dân tộc, của đất nước trong những giai đoạn lịch sử nhất định.
Sách xưa có câu:
Quốc hữu quốc sử- Gia hữu gia phả
Nước có sử - Nhà có phả
Nước có sử - Nhà có phả
Công việc tìm hiểu, ghi chép về sự phát triển và truyền thống văn hóa của dòng họ, tức chép sử dòng họ, được gọi là phục dựng Gia phả. Đây là công việc vừa mang tính văn hóa, khoa học; vừa rất thiêng liêng vì là trách nhiệm của con cháu nhằm khẳng định nguồn gốc họ tộc, xác định ông bà tổ tiên, xác định tổ quán và ghi lại dòng họ mình phát triển ra sao, có những biến động gì, tồn tại cho đến hôm nay, có vị trí gì trong xã hội, trong làng xóm.
Ghi chép về sự phát triển của dòng họ không thể bỏ qua việc tìm hiểu và ghi chép kỹ càng các mối quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhơn giữa dòng họ này với các dòng họ khác; quan hệ văn hóa truyền thống của dòng họ với làng xóm, địa phương; thông qua đó thấy được truyền thống họ tộc, công sức lao động, xây dựng kinh tế gia đình của các thành viên, sự đóng góp với nển kinh tế của địa phương, của đất nước
Tìm hiểu họ tộc Phan trước tiên cũng cần tìm hiểu nguồn gốc họ Phan Việt Nam xuất xứ từ đâu, ông Tổ Đời 1 họ Phan là ai; trải qua bốn ngàn năm lịch sử với bao thăng trầm, họ Phan phát triển như thế nào; và sau đó tìm xem họ Phan đến vùng đất Tân Thông từ lúc nào, con cháu họ Phan những ngày đầu lao động, sanh sống ra sao?
Trước tiên cần ngược dòng thời gian, tra cứu sách sử, để tìm hiểu xem nguồn gốc họ Phan Việt Nam xuất phát từ đâu, sau đó nghe bà con trong họ tộc kể chuyện dòng họ để hiểu sự phát tích của dòng họ Phan đất Tân Thông.
NGUỒN GỐC HỌ PHAN
Theo sách sử ghi chép, vào đời Hùng Vương thứ 18 tức Hùng Duệ Vương (258 năm trước Công nguyên), có ông Phan Tây Nhạc, người gốc Ái Châu (Thanh Hóa), đã giúp vua Hùng đánh Thục Phán xâm lược, giữ nguyên bờ cõi. Vua Hùng phong ông Phan Tây Nhạc là Tây Nhạc đại vương và gả một lúc ba bà công chúa cho ông làm vợ.
Hiện nay ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội có đình Thị Cấm và Hòe Thị là hai nơi thờ phượng ngài. Trong đền thờ có thần vị và sắc phong, hoành phi, liễn đối ghi lại công lao của ngài và ba bà công chúa.
Nước Âu Lạc sau đó rơi vào tay Triệu Đà, chịu ách thống trị của nhà Hán. Cuộc dấy binh của Hai Bà Trưng đuổi được quân xâm lược nhà Hán được nhiều họ tộc hưởng ứng, trong đó họ Phan có Phan Cung và Phan Lượng ở Nam Định đóng góp nhiều công sức.
Trong suốt cuộc hành trình của dân tộc từ thời Bắc thuộc cho tới sau này, trong các cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Trần, Lý đều có người họ Phan, hậu duệ ông Tổ Phan Tây Nhạc, với lòng yêu nước, cùng trăm họ đánh đuổi ngoại xâm, giữ gìn truyền thống cha ông.
Đời Đông Ngô (222-280), ông Phan Miêu cùng với nhân dân nổi lên chống lại bọn Thái Thú Quận Cửu Chân, giành được chánh quyền, làm quân giặc thất điên bát đảo.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thời hậu Trần có sự tham gia của Phan Kính, Phan Lỗ, Phan Cầu. Lê Lợi dựng cờ tụ nghĩa đánh đuổi quân Minh, suốt mười năm gian khổ giành được thắng lợi, có công lao của nhiều hào kiệt mang họ Phan như Phan Đà, Phan Văn, Phan Hòa Phú, Phan Lễ.
Trong thời Pháp xâm lược xứ An Nam, đã có nhiều hậu duệ họ Phan ta ra làm quan, là nhân sĩ cùng với triều đình và nhân dân tham gia các cuộc khởi binh. Cụ Phan Thanh Giản đại diện triều đình cầm đầu phái đoàn sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông. Ông Phan Cư Chánh là nhà trí thức yêu nước, đổ cử nhân năm 1841 nhưng không ra làm quan mà cùng Trương Định mộ quân đánh thực dân Pháp.
Và còn nhiều người họ Phan-hậu duệ ông Tổ đời 1 Phan Tây Nhạc- đóng góp công sức, máu xương, trí tuệ cùng nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa đất nước thoát khỏi cảnh nô lệ tối tăm.
Theo sự phát triển của đất nước, đầu thế kỷ 19, họ Phan cùng nhiều họ tộc khác đã di dân vào vùng đất phương Nam, mở rộng bờ cõi, khai khẩn đất đai, lập nên làng xóm mới. Các cuộc di dân của cộng đồng dân tộc Việt Nam diễn ra liên tục với quy mô lớn trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, thời Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong và thời kỳ người dân ngũ Quảng được triều đình giúp đỡ di dân vào vùng đất Đồng Nai Gia Định vốn là vùng đất rộng bạt ngàn, phì nhiêu, chưa có người khai thác. Đầu thế kỷ 19, có nhiều cuộc di dân lẻ tẻ vào Nam, hoặc trốn tránh quan quyền, bỏ xứ ra đi, khi vàoNam đã đi xa hơn đến hai dòng sông rộng, ngụ cư cùng đống bào thiểu số địa phương, cùng nhau lao động, chăm lo cuộc sống.
Họ Phan ta vào phương Nam trong thời kỳ nào, hiện chưa có tư liệu rõ ràng, chỉ biết sau những đợt di dân, đã có sự hiện diện của hậu duệ họ Phan trên đất Trung bộ, rồi từ đó chuyển vào Đồng Nai- Bến Nghé. Sau ngày thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (1859), một số lưu dân từ Bến Nghé tiếp tục đi lên mạng Bắc xứ Gia Định vốn còn nhiều vùng rừng hoang vu, trong đó có người họ Phan ta với ông Phan Văn Bằng là Tổ phụ họ Phan trên đất Tân Thông
PHÁT TÍCH DÒNG HỌ
Cùng với các họ Nguyễn, Huỳnh, Đặng, Phạm, Mai, Lê…; họ Phan hiện diện trên đất Tân Thông, tính từ ông bà Tổ phụ Phan Văn Bằng đến nay, gần một trăm năm mươi năm, tức sau thời gian quân Pháp đánh chiếm Gia Định, gây ra nạn binh đao, rồi ba tỉnh Nam kỳ rơi vào tay giặc Pháp.
Không có tư liệu nào nói rõ họ Phan xuất phát từ đâu trước khi đến lập nghiệp trên đất Tân Thông, chỉ có vài truyền thuyết nói về nguồn gốc họ Phan nhưng chưa rõ ràng lắm, chỉ nêu ra để tham khảo:
▪ Ông Tổ họ Phan là Phan Văn Bằng, một trong các anh em họ Phan ở vùng Bà Điểm - Hóc Môn lên đây khẩn đất.
Vùng Bà Điểm có nhiều người họ Phan như cánh Phan Công Hớn, Phan Văn Chiến (Tổ phụ của Phan Văn Đối hoạt động cộng sản thời kỳ 1930), nhưng trước nay không có mối liên hệ gì với họ Phan ở Tân Thông.
Vùng Bà Điểm có nhiều người họ Phan như cánh Phan Công Hớn, Phan Văn Chiến (Tổ phụ của Phan Văn Đối hoạt động cộng sản thời kỳ 1930), nhưng trước nay không có mối liên hệ gì với họ Phan ở Tân Thông.
▪ Sau năm 1945, ông Phan Văn Kiệt (hậu duệ đời 4 họ Phan ở Tân Thông- con ông Phan Văn Thường, cháu nội ông Phan Văn Mùi) có gặp ông Phan Văn Triêu (hậu duệ đời 4 họ Phan ở Bến Đò- Tân Phú Trung) nói chuyện với nhau về mối quan hệ thân tộc và cho rằng “ Tổ phụ họ Phan hai cánh này là anh em cùng về đây lập nghiệp. Ông Phan Văn Thái định cư ở đất Bến Đò là anh, ông Phan Văn Bằng về đất Tân Thông là em.
Tìm hiểu rõ thì thấy cánh họ Phan từ lâu định cư ở ấp Bến Đò (Phan Văn Thái) chỉ cách Tân Thông một dãi ruộng nhỏ, con cháu đời 4 là các ông Ấn, Đường, Triêu, Niệm, Linh, Thuấn… cũng không có mối liên hệ nào với họ Phan ở Tân Thông. Họ Phan (ông Phan Văn Thái) đến lập nghiệp, mở đất, cất nhà dọc theo đường Thiên lý (sau này là Quốc lộ 22) và sống tập trung ở ấp Giữa (Tân Phú Trung), sau lan qua ấp Giồng Sao, Phú Lợi … có Tổ phụ là Phan Văn Thân (ông Cả Thân), có con là các ông Ngà, Trước; cháu nội là Kính, Tho, Khách, Đợi…
Còn họ Phan (Tân Thông Hội), từ lúc ông Tổ Phan Văn Bằng về lập nghiệp, chỉ sống trong địa giới ấp Chánh, ấp Tiền; sau do hoàn cảnh mà một Chi đưa vợ con đi về Bến Mương (xã Nhuận Đức), thay tên đổi họ là Lê Văn Bồng. Sau này do quan hệ hôn nhơn có nhiều người được gả về Bàu Sim, hoặc theo vợ canh tác trên đồng đất Bàu Sim nên có thêm nhiều họ Phan ở đây. Một số con cháu họ Phan chuyển về Bến Đò (Tân Phú), Mũi Lớn (Tân An Hội) vì lý do kinh tế.
▪ Một khẩu truyền khác rất cần ghi lại để tham khảo:
Con của bà Phan Thị Mung nói:
“Theo lời ông ngoại tôi kể lại (tức ông Phan Văn Ngoan) thì ông Tổ đầu tiên họ Phan là Phan Văn Bằng cùng với bà tổ và chín người con di cư từ Phan Thiết (Bình Thuận) vào lập nghiệp ở Tân Thông. Lúc mới vào, các anh em trai đi làm mướn cho các gia đình địa chủ, phú nông, chủ yếu là cai tổng, quan huyện..”
(Trích thư ông Phan Văn Khải gởi Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM trong lần đầu phục dựng Gia phả họ Phan)
Qua thẩm định, ta biết được ông Phan Văn Bằng có xuất xứ từ Phan Thiết (Bình Thuận), vào Nam, rồi ngược lên Tân Thông là ông Tổ đầu tiên của họ Phan. Ông bà Tổ có nhiều con nhưng do thiên tai địch họa mất đi ba người, chỉ còn ba trai (thứ tư: Phan Văn Hiếu, thứ sáu: Phan Văn Thân (Lê Văn Bồng), thứ bảy: Phan Văn Mùi, thứ tám: Phan Văn Ngọ); người con gái thứ chín: Phan Thị Nở được gả về ấp Bến Đò,
Qua giấy tương phân ruộng đất trong tộc họ Phan, biết được năm 1930 bà Phan Thị Nở 72 tuổi, như vậy bà sanh năm 1858, các người anh họ Phan của bà Nở được sanh ra trong khoảng thời gian từ năm 1840 cho đến năm 1856. Từ đó suy ra ông Tổ Phan Văn Bằng sanh khoảng năm 1820.
Ông Tổ đời 1 Phan Văn Bằng, bà Tổ (khuyết danh) cùng chín người con đến Tân Thông lập nghiệp sau năm 1858 (năm bà Phan Thị Nở ra đời); phỏng đoán khoảng từ năm 1860 đến năm 1870.
Đất Gia Định đầu thế kỷ 19 còn hoang vu, rừng rậm bao quanh; việc đi lại rất khó khăn, phải dùng xuồng ghe vì đường bộ chưa được chú ý mở mang. Từ sau khi chúa Nguyễn chính thức đặt bộ máy cai trị ở vùng đất mới, hệ thống đường bộ bắt đầu được xây dựng mà quan trọng nhất là các đường bộ từ thành Gia Định đi các hướng Bắc, Nam, Đông, Tây gọi là đường Thiên Lý.
Đường Thiên Lý đi về phía Tây được đắp từ cửa Đoài Duyệt - Thành Qui đi từ Bà Quẹo, Hóc Môn lên thẳng Trảng Bàng. Con đường này do Lê Văn Duyệt trong lúc làm Tổng Trấn Gia Định thành, chỉ huy dân phu đắp. Sau này người Pháp cho đắp thêm đường lên Gò Dầu -Tây Ninh đến biên giới Campuchia gọi là quốc lộ 1.
Lưu dân miệt ngoài vào Bến Nghé lần hồi theo đường Thiên lý tìm lên các vùng đất phía bắc Gia Định vốn còn hoang vu khai canh lập nghiệp.
Lưu dân miệt ngoài vào Bến Nghé lần hồi theo đường Thiên lý tìm lên các vùng đất phía bắc Gia Định vốn còn hoang vu khai canh lập nghiệp.
LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT TÂN THÔNG
Sách Đại Nam Nhất thống chí viết về Gia Định như sau:
“Năm 1832, thành Gia Định được đổi tên là thành Phiên An, cắt ra hai huyện Thuận An, Phước Lộc lập phủ Tân An; cắt hai huyện Bình Dương, Tân Long thuộc phủ Tân Bình. Sau năm 1835, thành Phiên An lại được đổi thành tỉnh Gia Định và Trương Đăng Quế vào đo đạc lập Sở Địa bạ có ghi rõ địa giới làng thôn.
Năm 1836, tỉnh Gia Định có hai phủ là Tân Bình và Tân An. Phủ Tân An có hai huyện là Bình Dương và Tân Long. Huyện Bình Dương có hai tổng nay thành sáu tổng là: Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Dương Hòa Hạ, Dương Hòa Trung, Dương Hòa Thượng.
Tổng Dương Hòa Trung có một xã, hai mươi thôn trong đó có ba thôn là có địa giới rõ ràng:
- Thôn Tân Thông phía đông giáp Tân Phú Trung, phía tây giáp Tân Thông Tây, phía nam giáp Hòa Mục (huyện Tân Long), phía bắc giáp An Thuận Tây.
- Thôn Tân Thông Tây phía đông giáp thôn Tân Thông, phía tây giáp Tân Thông Trung, phía nam giáp Hòa Mục, phía bắc giáp Tân Thông và Tân Thông Trung.
- Thôn Tân Thông Trung ở xứ Trúc Trì (Bàu Tre) phía đông giáp Tân Thông Tây, phía tây giáp Phước Mỹ, phía nam giáp Tân Thông Tây, phía bắc gáp Trung lập và Vĩnh An Tây.
Chiếu theo địa giới hành chánh ngày nay thì thôn Tân Thông là vùng họ Phan đang sanh sống (ấp Chánh, ấp Tiền), Tân Thông Tây là vùng Xóm Chùa, Xóm Huế, thị trấn Củ Chi đến Mũi Lớn (Tân An Hội); Tân Thông Trung là vùng Bàu Tre, Truông Viết (Phước Hiệp).
Sau năm 1931, bốn thôn Tân Thông, Tân Thông Trung, Tân Thông Tây và Vĩnh An Tây nhập lại thành làng Tân An Hội”.
Các thôn Tân Thông là vùng đất triền, hướng tây-bắc nghiêng dần về phía đồng bưng Mỹ Hạnh (Đức Hòa) và Mũi Lớn (Tân An Hội) vốn là các vùng đất phèn chua, nước mặn (sau này ta gọi là đồng bưng Tam Tân); phía đông-nam giáp với cánh đồng Tân Phú Trung chuyên trồng lúa, chen với những vạt đất triền trồng rau, đậu phọng, tre trúc, cây thuốc lá.
Đầu những năm 1900, dân cư còn thưa thớt, chủ yếu khẩn đất trồng trọt và sanh sống hai bên đường Thiên lý; vừa cất nhà ở, vừa làm các điểm dừng chân cho khách bộ hành tạo thành xóm nhà bán quán. Thời kỳ đó việc đi lại của người dân là đi bộ, nhà khá giả có xe thổ mộ, xe bò chở hàng hóa nông sản. Xe ngựa từ Hóc Môn lên chở đồ hàng bông về chợ quận mỗi ngày.
Đường Thiên lý tây, tức quốc lộ 1, cắt ngang các thôn Tân Thông, Tân Thông Trung, Tân Thông Tây nối mạch giao thông từ Bến Nghé với Trảng Bàng, Tây Ninh đã đem lại sự trù phú cho vùng thị tứ chợ Củ Chi và xóm ấp chung quanh, đồng thời cũng là tuyến đường quân sự mà giặc Pháp đã hành quân nhanh chóng lên Tân Phú, Tân Thông bố ráp, bắn giết người vô tội sau vụ khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.
Phải đến năm 1950 mới có xe khách Sài Gòn-Nam Vang chạy trên đường quốc lộ ngang qua Tân Thông.
Người dân Tân Thông số đông theo đạo thờ cúng ông bà.
Ngôi đình làng tọa lạc ở ấp Chánh, ấp Thượng thờ Thành hoàng bổn cảnh được nhân dân chăm lo hương khói và tổ chức cúng lễ Kỳ Yên hàng năm.
Đến vùng đất mới Tân Thông, ông Tổ phụ và các con đã siêng năng lao động, vừa khai khẩn đất hoang, vừa làm ruộng mướn cho các địa chủ, phú nông trong vùng, lần hồi tạo tình tương thân tương ái với người đồng cảnh ngộ, tìm láng giềng trong xóm ấp. Lúc tuổi đã cao, để hưởng cuộc sống an nhàn; ông Tổ phụ đã cắt ruộng đất, giao cho các con ra riêng, tự lập.
Ông Phan Văn Hiếu là con trai trưởng, có gia đình được phân đất ở gần đường thiên lý, xóm Quán Đôi thuộc ấp Tiền. Con cháu ông sau theo nghề nông trồng lúa, rau, đậu.
Ông Phan Văn Hân, do tránh né việc làng xã đã tiếp tục đi lên mạn bắc Tân Thông, đến vùng hẻo lánh Bến Mương ở giữa hai thôn Nhuận Đức, Phú Hòa Đông để khẩn đất, trồng trọt. Ở đây ông đổi tên họ thành Lê Văn Bồng. Con cháu ông sau này chuyên làm nghề nông, riêng con trai út Lê VănThanh ra làm việc làng xã, kết sui gia với Cai Tổng rất có thế lực.
Ông Phan Văn Mùi gầy dựng cơ nghiệp, phát triển dòng họ tại ấp Tiền, mở rộng dần lên ấp Chánh. Ruộng đất của con cháu ông Mùi ngày một nhiều thêm, trồng lúa, rau, đậu, thuốc lá.
Ông Phan Văn Ngọ vẫn ở ấp Tiền, lập gia đình sanh ba gái, một trai nhưng con cái của người con trai này sau bỏ xứ ra đi, không ở lại Tân Thông nữa.
Theo bà Phan Thị Ngọc Ánh (con gái út của ông Phan Văn Xinh) cho biết thì người con gái thứ chín của ông Tổ Phan Văn Bằng tên là Phan Thị Sen, còn bà Phan Thị Nở là thứ mười, tức con út. Bà Phan Thị Sen lấy chồng ở xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa; sanh được 2 con trai, 1 con gái, thọ đến 93 tuổi. Bà Phan Thị Nở được gả chồng về Bến Đò (Tân Phú Trung), con cháu của bà ngày nay còn ở đây.
HẬU DUỆ HỌ PHAN VÀ TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC
Hậu duệ đời thứ ba họ Phan ở Tân Thông trưởng thành vào khoảng năm 1880 trở về sau, sau ngày Nam kỳ lục tỉnh chịu sự cai trị của thực dân Pháp, làng thôn bị dìm dưới ách thực dân thuộc địa. Có chút ruộng đất, chí thú làm ăn, giữ điều nhơn nghĩa, nhưng hậu duệ họ Phan cũng không tránh khỏi cảnh sống của người nô lệ, không tránh khỏi những điều áp bức của ngoại bang và nhìn thấy được đời sống dân ta bần cùng, thiếu đói.
Các sĩ phu yêu nước chiêu mộ nghĩa quân kháng Pháp.
Vùng Hóc Môn, Tân Thông, Tân Phú… có sự hoạt động của Trương Định, Trương Quyền liên minh với nhà sư người Cao Miên tên là Pu-Cum-Bô, đánh đồn Tây Thới ở Hóc Môn; cùng lúc với Đặng Văn Duy, Đặng Văn Doi, Nguyễn Văn Trắc người ấp Bến Đò; Võ Văn Nhâm người Bà Giã; cho đến năm 1885 xảy ra cuộc khởi nghĩa ở “mười tám thôn vườn trầu” do Phan Công Hớn lãnh đạo, thì dòng họ Phan đều có người tham gia.
Các cuộc khởi nghĩa đều thất bại, giặc Pháp bắt bớ, giết hại người yêu nước. Nhiều người phải bỏ làng tránh đi nơi khác như trường hợp ông Phan Văn Thân, hoặc phải ẩn nhẫn ra làm việc làng như ông Phan Văn Cang (Hai Cang) làm hương chủ, ông Phan Văn Trọng (Năm Trọng) làm xã trưởng, ông Phan Văn Nên (Bảy Nên) làm hương quản. Thâm ý các ông là trước hết bảo vệ được gia đình, họ tộc; sau giúp ích cho người dân cô thế chớ quyết không làm điều gì sai trái, có lỗi với làng xóm, dòng họ. Thực tế cho thấy, lòng yêu quê hương làng xóm của các hậu duệ họ Phan đã được khơi dậy qua các phong trào bí mật, các ông Tư Tuồng, Sáu Ngào, Hai Cang, Tư Ngoan, Sáu Biết… đều tham gia hội kín Thiên Địa Hội, một tổ chức chánh trị đầu thế kỷ 20.
Về hội kín Thiên Địa Hội, trong họ tộc còn lưu truyền vài mẫu chuyện ghi lại qua lời kể của bà Phan Thị Mung, con gái ông Phan Văn Ngoan như sau:
“Các ông họ Phan cùng người trong làng như ông Hai Diêm, Bảy Chiều, Chín Chỉ, Sáu Che, Bảy Dễ, Chín Sô, Mười Trò và một số người khác nữa gia nhập Thiên Địa Hội tại đây do sự vận động của ông Trao, ông Trảo người Bến Đò”
Bà Mung kể:“Nhiều lần theo cha là ông Phan Văn Ngoan đi về Tân Đông, Bình Lái để gặp ông Ba Tồn. Họ nhận nhau bằng mật hiệu, quan hệ tiếp xúc để sinh hoạt hội kín”.
“Các ông hoạt động khá rầm rộ, có lúc gần như công khai do lợi dụng đình đám kỳ yên, các lẩn giổ chạp tổ chức đá gà gây quỹ có mời chức sắc làng đến dự, nên tạm thời che mắt làng lính mà hội họp bàn chuyện quốc sự. Các ông còn vận động mọi người tập võ nghệ để rèn luyện, nâng cao tinh thần thượng võ. Có ông thầy võ tên Hai Đống vóc người vạm vở, nhanh nhẹn, xâm hình rồng quanh người, thường dạy võ cho dòng họ Phan và bà con trong làng.”
“Các ông có tổ chức hình thức khuyến học để chống sự dốt nát, mở mang dân trí và ngầm bên trong là khơi dậy lòng yêu nước cho dân làng”
So với thời gian và hoàn cảnh lịch sử thì các hậu duệ họ Phan hoạt động bí mật trong hội kín là ở thời điểm từ năm 1910 đến 1920 thì dứt, sau vụ nổi dậy phá khám lớn Sài Gòn giải thoát Phan Xích Long thất bại, người Pháp truy lùng người yêu nước và xu thế cần vương mờ dần nhường bước cho làn gió dân sinh, dân chủ đang thổi tới. Đó là thời kỳ bắt đầu của phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929-1930 lan nhanh đến các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Người Pháp ra sức kiểm soát, vơ vét của cải, lúa gạo, thực phẩm làm cho đời sống người dân thêm điêu đứng: lúa mất giá, dân đói ăn, thiếu mặc, ruộng đất cầm cố cho địa chủ, phú nông…
Mãi cho đến năm 1930, các tổ chức cách mạng tiến bộ như Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn ra đời thì phong trào đấu tranh của nhân dân trở nên mạnh mẽ. Các tổ chức cộng sản gây ảnh hưởng sâu rộng và làm nòng cốt cho các cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chủ yếu là nông dân và giới thợ thuyền.
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 nổ ra, họ Phan với các hậu duệ đời 4 đã tham gia các nhóm nghĩa quân võ trang, đi chiếm dinh Quận Hóc Môn. Nhiều người hy sinh trong đêm khởi nghĩa 23 tháng 11 năm 1940 và sau đó lúc giặc Pháp ruồng bố trả thù, bắn giết hàng trăm người dân làng quê Tân Phú, Tân Thông.
Anh em ông Phan Văn Mặn và Phan Văn Gắt (con ông Phan Văn Ngọt và bà Phạm Thị Nga) tuổi ngoài ba mươi, trực tiếp tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, xông vào dinh quận Hóc Môn lúc địch chống trả quyết liệt. Cả hai anh em đều hy sinh.
Ông Phan Văn Đậy (Sáu Đậy) tham gia Nam kỳ khởi nghĩa, sau bị giặc bắt đày lên Bà Rá, rồi chết ở đó.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân Tân Thông, Tân Phú một lòng theo cách mạng, quyết tâm chống giặc. Ban ngày, dân chúng dạt ra bưng Mỹ Hạnh, Giồng ông Hòa hoặc vào sâu vùng Bà Giã, Cây Da để tránh né giặc lùng sục; chiều tối lại về chăm sóc cửa nhà, gặp anh em kháng chiến. Chính trong lúc này, con trai của bà Phan Thị Mung là Phan Văn Khải trong tuổi thiếu niên đã từ giả ông bà ngoại (ông Phan Văn Ngoan) và mẹ, rời bưng Cây Da lên đường thoát ly theo cách mạng.
Lúc này các cơ quan lãnh đạo huyện Hóc Môn đã chuyển từ Bình Lý, Tân Mỹ về đóng ở vùng sâu Tân Phú Trung và An Nhơn Tây.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Hóc Môn-Củ Chi, luôn có con cháu họ Phan trực tiếp tham gia, trẻ cũng như già, trai cũng như gái đều một lòng vì làng xóm, vì cách mạng. Người hoạt động bí mật tại địa phương, người gia nhập lực lượng võ trang đánh giặc.
Có được như vậy là do trong dòng họ có sự giáo dục về truyền thống yêu nước, có những tấm gương về đấu tranh cách mạng, không sợ hy sinh, một lòng vì đất nước và do họ Phan có mối quan hệ hôn nhơn với các dòng họ có truyền tống cách mạng lâu đời.
QUAN HỆ HÔN NHƠN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ
Hậu duệ họ Phan trưởng thành số đông lập gia đình với các họ ở Tân Thông, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An; cũng có người lấy vợ ở Tân An Hội là thị trấn sát bên làng Tân Thông; có người được gả theo chồng đi xa hoặc đi làm ăn xa gặp người vừa ý tiến tới hôn nhơn.
Họ Đặng, họ Nguyễn, họ Lê, họ Huỳnh, họ Phạm, họ Võ… là các họ thông gia với họ Phan, hoặc cưới dâu, hoặc chọn rễ.
Lược kê lại các chi của họ Phan; tính từ đời 3, đời 4, đời 5 có quan hệ hôn nhơn với các họ lân cận trong vùng, con số đếm được với các họ là:
Họ Trần 14 cuộc.
Họ Mai ở ấp Chánh, ấp Trung 7 cuộc.
Họ Võ ở Bà Giã, Bến Đò là 7 cuộc.
Họ Phạm 13 cuộc.
Họ Phan cánh Tân Phú Trung là 8 cuộc.
Họ Đặng cánh Bàu Sim 7 cuộc.
Họ Huỳnh 9 cuộc.
Họ Lê 12 cuộc.
Họ Mai ở ấp Chánh, ấp Trung 7 cuộc.
Họ Võ ở Bà Giã, Bến Đò là 7 cuộc.
Họ Phạm 13 cuộc.
Họ Phan cánh Tân Phú Trung là 8 cuộc.
Họ Đặng cánh Bàu Sim 7 cuộc.
Họ Huỳnh 9 cuộc.
Họ Lê 12 cuộc.
Và 23 trường hợp dựng vợ, gả chồng với các họ Dương, Cao, Hứa, Trương, Tô, Đỗ, Hồ, Tăng, Liêu…
Xem rõ các mối hôn nhơn, thấy được chuyện cưới gả giữa họ Phan và họ Đặng, họ Võ, họ Mai, họ Trần… là có sự sắp đặt của cha mẹ, ông, bà nhưng tuyệt nhiên không thấy sự chọn lựa “môn đăng-hộ đối” mà chỉ bằng các mối liên hệ khác: cha mẹ hai bên là bạn, có mối thâm giao; vị trí xã hội của gia đình phần nào định hướng chuyện hôn nhơn của con cái, và cả về nhân cách, sắc vóc, trình độ văn hóa tương xứng.
Một số cuộc hôn nhơn họ Phan với các họ là do tự nguyện, gặp gỡ nhau trong việc đồng áng, cùng cảnh nghèo, thương nhau rồi tiến tới hôn nhơn.
Về quan hệ hôn nhơn với họ Đặng, họ lâu đời ở Bàu Sim, tiêu biểu vài trường hợp: Ông Phan Văn Thường (đời 3) là con ông Phan Văn Mùi, lập gia đình với bà Đặng Thị Thé là con thứ sáu của ông Đặng Văn Xe thuộc đời thứ tư họ Đặng lập nghiệp lâu đời ở Bàu Sim. Ông bà lập gia đình rồi mở mang sự nghiệp, khai phá đất đai, chuyển dần về bên vợ không ở Tân Thông nữa. Ngày nay con cháu của ông bà ở rải rác vùng Bến Đò, Bàu Sim… đến khi mất cũng chôn ở đồng mả Bàu Sim.
Bà Phan Thị Dè lấy chồng là ông Đặng Văn Sum, theo chồng về Bàu Sim sanh sống, sanh được bảy người con.
Bà Phan Thị Mứng lấy chồng là ông Đặng Văn Hai, con trưởng của ông Đặng Văn Nâu và bà Nguyễn Thị Tiếu ở Bàu Sim. Sau tháng 8-1945, ông Đặng Văn Hai là chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh và bí thơ xã Tân Phú Trung.
Họ Võ có truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và trực tiếp tham gia các phong trào cách mạng từ những năm 1930 như các ông Võ Văn Siêm (vợ ông được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng), Võ Văn Hoa, Võ Văn Vốn, Võ Văn Trứ, Võ Văn Bợ, bà Võ Thị Quận (Bà mẹ Việt Nam Anh hùng).
Họ Phan có quan hệ hôn nhơn với họ Võ: Bà Phan Thị Hợt lấy chồng là ông Võ Văn Trúng thuộc cánh họ Võ ở ấp Giữa xã Tân Phú Trung.
Năm 1945, ông Võ Văn Trúng là đội viên du kích tập trung xã Tân Phú Trung, đi bảo vệ đoàn vận tải lương thực từ kinh 10 về phân khu 5, lúc qua quốc lộ 1, bị giặc phục kích, hy sinh.
Con gái của ông bà là Võ Thị Lớn tiếp nối dòng máu anh hùng cách mạng của họ Võ-họ Phan, tham gia đội Biệt động Thành Đoàn. Cô Lớn hy sinh lúc làm nhiệm vụ trong lòng địch.
Bà Phan Thị Thâu lấy chồng là ông Võ Văn Long quê Bến Đò ấp Giữa, xã Tân Phú Trung. Gia đình ông Võ Văn Long có nhiều người hoạt động cách mạng, con cái lớn lên theo cha chú hoạt động như Võ Văn Đông là bí thơ xã Tân Phú Trung thời kháng chiến chống Mỹ, Võ Văn Ện hoạt động bí mật tại địa phương.
Con cháu họ Phan đời 3, đời 4 lấy vợ, gả chồng người họ Nguyễn nhiều nhứt (Chi 1: 21 trường hợp, chi 3: 33 trường hợp, chi 4: 3 trường hợp). Họ Nguyễn sanh sống lâu đời ở Cây Bài, Bàu Sim, ấp Chánh, Phước Yên (xã Phước Vĩnh An); và một số đến từ nơi khác, hoặc sống nơi khác Tân Thông.
Con cháu họ Phan khi gả chồng ra đi luôn lấy quê chồng làm quê mình, một mực lo lắng cho nhà chồng, trên kính dưới nhường, nuôi dạy con cái, thờ phượng tổ tiên nhà chồng chu đáo. Đó là nét văn hóa gia đình đẹp đẽ mà con cháu họ Phan có được từ nếp sống và sự giáo dục của cha, ông.
Con trai họ Phan lấy vợ họ Nguyễn, họ Đặng, họ Trần… cậy trông được việc nhà, việc chăm sóc mồ mả, giỗ chạp ông bà đều biết lo toan, lại sanh được nhiều con trai nối dõi tông đường.
Tính từ lúc khởi đầu lập nghiệp tại đất Tân Thông, khoảng năm 1860, đến nay năm 2009 là 150 năm, họ Phan với đời thứ sáu sanh sống ở Tân Thông Hội và các xã lân cận như Tân An Hội, Tân Phú Trung; một số ở Nhuận Đức, Phú Hòa Đông (cánh ông Phan Văn Thân-Lê Văn Bồng) và ở nhiều nơi ngoài Tân Thông Hội. Đời thứ bảy hiện còn nhỏ được sanh ra trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay.
Ngày đầu đến Tân Thông lập nghiệp chỉ có ông bà Tổ Phan Văn Bằng và chín người con, sang đời thứ ba cộng cả 4 chi được 32 người.
Các đời thứ tư, đời thứ năm họ Phan (chỉ tính chi 1 và chi 3 còn giữ họ Phan) có sự phát triển mau chóng về số lượng trong khoảng thời gian 1910-1940. Nhiều gia đình sanh trên mười người con, số ít là ba bốn người, không tính số con sanh ra chết nhỏ. Đời thứ tư của hai chi 1 và 3 cộng lại là 71 người, đời thứ năm tăng lên 169 người.
Hậu duệ đời thứ năm lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đứng lên giành lấy độc lập, tự do tháng 8 năm 1945; tạm có thanh bình nhưng sau đó bước vào cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, chống Mỹ nhiều người hy sinh hoặc lập gia đình trễ, sống độc thân.
Điều cần ghi nhận là họ Phan lấy vợ sanh nhiều con hơn số nữ họ Phan lấy chồng sanh con họ khác. Do hoàn cảnh chiến tranh và đời sống kinh tế của người dân vùng nông thôn không ổn định, nên có nhiều trường hợp vợ chồng thôi nhau, hoặc vợ chêt mà tục huyền lấy thêm vợ, sanh thêm con.
Đời thứ sáu, con cháu họ Phan (chi 1và chi 3) là 188 người, chưa tính những người họ Phan đi xa lập nghiệp hay sống ở nội thành không liên lạc được hoặc không có thêm tin tức.
GIỮ GÌN TRUYỀN THỐNG,-XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA
Về việc giáo dục con cái, giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình, làng xã; ông Phan Văn Ngoan là người đi đầu. Ông sống mẫu mực, giữ phẩm chất tốt đẹp, khá nghiêm túc trong việc trị gia. Ngày giỗ chạp, lễ tết ông dùng khăn đóng áo dài niệm hương khấn vái đàng hoàng và bắt buộc con cháu phải noi theo.
Các ông Phan Văn Cang (Hai Cang), ông Phan Văn Trọng (Năm Trọng), ông Phan Văn Nên (Bảy Nên) khi ra làm việc nhà làng hết sức giữ gìn tư cách, nề nếp gia phong, giữ nghiêm lệ làng, nhắc nhỡ chuyện trùng tu đình làng, cúng bái tổ tiên.
Các đời sau, việc dạy dỗ con cái trong gia đình, động viên học hành, trau dồi kiến thức luôn được coi trọng dù cho hoàn cảnh lúc đó là chiến tranh, nhà cửa bị hư hại, bà con họ hàng ly tán.
Cháu ngoại ông Phan Văn Ngoan là ông Hai Khải tham gia cách mạng năm 1947, làm thư ký Thiếu nhi xã Tân An Hội, 1948-1949 ủy viên Ban chấp hành Thiếu nhi huyện Hóc Môn, năm 1950-1951 công tác ở văn phòng Thanh niên Cứu quốc tỉnh Gia Định, sau là Gia Định Ninh. Năm 1952-1954 ông công tác ở văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Gia Định Ninh. Từ năm 1951 đến tháng 10 năm 1954, ông chuyển qua Mặt trận Liên Việt tỉnh Gia Định, rồi ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh và Tỉnh ủy Gia Định Ninh. Trong thời gian này, dù bận rộn công tác, ông vẫn tranh thủ đi học văn hóa tại trường tiểu học Xóm Chùa xã An Nhơn Tây.
Sau ngày tập kết ra miền Bắc, trong các năm 1955-1956, ông đi công tác ở nông thôn; các năm 1957-1958-1959, ông tiếp tục học văn hóa ở trường bổ túc Công nông Trung ương, trường Ngoại ngữ Trung ương. Từ tháng 9 năm 1960 đến tháng 6 năm 1965, ông học Đại học Kinh tế quốc dân Mát-xcơ-va ở Liên Xô.
Ông Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ, là một tấm gương hiếu học của họ Phan. Sau ngày nghỉ hưu, với uy tín của mình, ông thành lập Hội khuyến học xã Tân Thông Hội, giúp học bổng, tập vở cho học trò nghèo; vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền bạc xây trường tiểu học ấp Chánh thật khang trang, làm lại đình làng Tân Thông.
Hậu duệ họ Phan đời thứ 5 trong con cháu không ai đỗ đạt cao, đời thứ 6 bước ra từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, chuyển sang thời bình nỗ lực xây dựng đất nước, đã tự vươn lên bằng vốn kiến thức thông qua trường lớp, số đông có học thức, nhiều người lấy bằng đại học, đi làm việc ở cơ quan, xí nghiệp, công ty nước ngoài.
Một nét đẹp trong đời sống văn hóa của hậu duệ họ Phan là biết tri ân, thờ phụng ông bà tổ tiên qua việc xây lại mồ mả ông bà, xây nhà thờ họ, nhắc nhau nhớ ngày giỗ cùng về kính bái tổ tiên, ông bà và cùng góp công sức thực hiện bộ Gia phả họ Phan này.
Nhà thờ họ xây trên đất nhà và do ông Phan Văn Dặm trông coi. Hàng năm đúng ngày 18 tháng 5 âm lịch, con cháu các nơi tụ về cúng bái tổ tiên; đại diện con cháu chi 2 ông Phan Văn Thân (Lê Văn Bồng) từ Bến Mương, Phú Hòa Đông về dự cúng giỗ, con cháu chi 4 Phan Văn Ngọ từ Hóc Môn ngược lên từ sáng sớm.
Mộ ông bà tổ Phan Văn Bằng được con cháu đóng góp công sức, tiền bạc xây lại rất khang trang ở ấp Tiền.
Mộ ông Phan Văn Mùi thời chiến tranh bị lính Mỹ san bằng, nay đang được con cháu chi 3 xây mới.
Bước vào thế kỷ 21, trên các vùng đất ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, tiến trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đất nông nghiệp giảm, cây lúa nhường bước cho các loại cây trồng lâu năm trong xu thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số đất nông nghiệp ở Tân Thông Hội, Củ Chi chuyển sang đất thổ cư, dân chúng cất nhà, hiến đất làm đường nhựa, cất trường học… đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo vùng đất này.
Trong quá trình đô thị hóa, yếu tố kinh tế, đất đai có sức mạnh riêng, phần nào đã ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Có những trường hợp vì lý do kinh tế, tranh chấp quyền thừa kế đất đai mà anh em giận hờn, vợ chồng thôi nhau; vợ dẫn con đi, hoặc gia đình đổ vỡ, con cái giao về bên nội, bên ngoại nuôi dưỡng.
Họ Phan cũng có vài trường hợp này ở đời thứ năm, thứ sáu.
Xã Tân Thông Hội ngày nay gồm 10 ấp: Chánh, Tiền, Hậu, Thượng, Trung, Bàu Sim, Tân Tiến, Tân Định, Tân Lập, Tân Thành quyết tâm xây dựng xã ấp văn hóa, phá bỏ hủ tục mê tín dị đoan, chống các tệ nạn xã hội. Xây dựng gia đình văn hóa, xóm ấp văn hóa, gia đình hiếu học đang là xu thế chung của vùng đất Tân Thông. Trong họ tộc, trong gia đình việc dạy dỗ con cái giữ gìn đạo đức, phát huy truyền thống văn hóa, khuyên bảo nhau giữ gìn mối liên hệ họ hàng, họ tộc cần được các bậc trưởng tộc nêu gương, động viên con cháu.
Họ Phan có truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa lâu đời, có nhiều tấm gương hiếu học, khuyến học; có nhiều hậu duệ đời thứ sáu nắm bắt khoa học kỹ thuật, có trình độ văn hóa… đã hòa nhập và góp sức cùng làng xóm xây dựng Tân Thông Hội thành xã nông thôn mới hoàn mỹ.
Ở nhà Văn hóa ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, trong Bảng Danh sách những người thành đạt trong bộ máy nhà nước có ba người họ Phan thuộc Đời thứ 5, thứ 6 họ Phan ta. Đứng đầu là ông Phan Văn Khải nguyên Thủ tướng Chính phủ, kế đến là ông Phan Văn Xựng sanh năm 1967, tham gia cách mạng năm 1984, hiện là sĩ quan trợ lý kế hoạch Phòng Đào tạo cán bộ, Cục Chính trị Quân khu 7; ông Phan Văn Điền sanh năm 1959, tham gia cách mạng năm 1976, vào đảng ngày 7 tháng 5 năm 1982, hiện là trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học trường Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh.
PHUƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG HỌ PHAN TRONG TƯƠNG LAI
Xây dựng gia đình văn hóa gắn liền xây dựng dòng họ văn hóa.
Họ Phan ta cần tiếp tục giáo dục con cháu xây dựng nếp sống văn hóa cho gia đình, khuyến học khuyến tài; chăm lo thờ phượng ông bà, lo nhà thờ Tổ, lo mồ mả và nhớ ngày cúng giỗ.
Đối với các dòng họ khác, đối với xã hội cần có sự đoàn kết, tương thân tương ái, cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa. Cha mẹ cần định hướng hôn nhơn cho con cái, không cưới gả trong dòng họ; dạy dỗ con cháu hiếu thảo, thương yêu nhau, chăm lo gia đình, chăm lo dòng họ. Vài chục năm sau, tiếp tục bổ sung gia phả, không đặt tên con trùng với tên tổ tiên, ông bà.
Họ Phan có chức năng và kinh nghiệm kinh tế cần truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, tạo công ăn việc làm cho con cháu; tăng gia sản xuất, cần mẫn trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phấn đấu vươn lên, không để ai đói khổ, thất học.
Dân giàu nước mạnh, dòng họ trường tồn, gia đình phúc đức, quan hệ bình đẵng, thương yêu và có trách nhiệm chăm lo cho nhau. Đó là mục tiêu, phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa của chúng ta.
https://giaphatphcm.com/giapha/chitietgiapha.php?id=54
Nhóm được cụ Dạ Lan Nguyễn Đức Dụ (nay đã qua đời), Giáo sư Mạc Đường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Phó Giáo sư Huỳnh Lứa làm cố vấn.
Đầu năm 2002 (23/3/2002) được sự chấp thuận của Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm mở đại hội thành lập “Chi hội Khoa học Lịch sử gia phả”. Trong quá trình hoạt động, được sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh là Phó Giáo sư Huỳnh Lứa, Chi hội được nâng lên thành Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 24/QĐ ký ngày 10/11/2005 do ông Võ Ngọc An làm Giám đốc với số hội viên là 25 người.
Trong quá trình hoạt động được sự quan tâm chỉ đạo của Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Cố vấn, nhưng quan trọng là nổ lực của các thành viên nên số lượng và chất lượng của bộ gia phả ngày càng tăng. Cho đến nay Trung tâm đã dựng gần 90 bộ gia phả gồm nhiều đối tượng khác nhau: từ nông dân, nhân dân lao động đến lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp như Phan Công Hớn, Nguyễn Văn Quá, những nhà cách mạng như Võ Văn Tần, Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ - những ngài lãnh đạo cao cấp của nhà nước ta như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, những doanh nhân như ông Phan Văn Quới, Phan Văn Nguyên, Đặng Văn Thành… anh hùng lao động như Thiếu tướng Trần Văn Danh…
Trung tâm còn tư vấn cho hàng trăm dòng họ muốn tự lập gia phả cho dòng họ mình.
Để mở rộng chuyên môn dựng phả, Trung tâm mở lớp bồi dưỡng phương pháp dựng phả cho Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Long An, tỉnh Đồng Tháp và Hội Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, viết sách hướng dẫn dựng gia phả.
Ngoài viết gia phả, Trung tâm cũng viết hàng chục quyển hồi ký cho nhiều đối tượng khác nhau và tư vấn việc lập nhà thờ họ, viết lịch sử đình Mỹ An Hưng, Bà Điểm, Bến Đò, Mỹ Ngãi, Long Chiến v.v…
Trung tâm cũng họp mặt các tộc trưởng của các dòng họ để tìm hiểu sinh hoạt các dòng họ, phối hợp với tộc Phan viết cuốn sách: “Tộc Phan Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Qua việc lập gia phả nhân sĩ Đặng Thúc Liêng, Trung tâm phối hợp với địa phương tổ chức tọa đàm về nhân sĩ Đặng Thúc Liêng.
Qua hơn 16 năm hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả luôn được Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tặng giấy khen, được Đảng và Nhà nước quan tâm, bà con tin cậy.
Một buổi sinh hoạt của Trung tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.