Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

18/03/2018

Thêm một suy tưởng nữa về quốc hiệu "Đại Cồ Việt" và "Đại Việt"

Vấn đề "Đại Cồ Việt" đã từng đề cập, có thể xem lại ở đây.

Bài ở dưới là một suy tưởng mới, của Bách Việt Trùng Cửu.


---


on .


Những bảo vật Đại Việt và Đại Hưng


Tiền đồng đầu tiên của nước ta hiện nay đang được cho là đồng tiền Thái Bình hưng bảo với chữ Đinh ở mặt sau vì nó tương ứng với niên hiệu Thái Bình của vua Đinh Tiên Hoàng theo sử sách. Tuy nhiên, trên tất cả các đồng tiền được biết hiện nay chữ đầu tiên không phải chữ Thái 太, mà là chữ Đại 大. Điều này làm cho giới chuyên môn xác định tên đồng tiền này phải đọc là Đại bình hưng bảo. Rắc rối ở chỗ như vậy tên đồng tiền lại không tương ứng với bất kỳ niên hiệu nào của ta cũng như của Trung Quốc.
Lạ hơn nữa còn có đồng tiền với các chữ ghi rõ ràng là Đại Việt thông bảo 大越通寶 đã được tìm thấy ở nước ta. Theo TS. Phạm Quốc Quân, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam, thì đồng tiền Đại Việt thông bảo được nhà sưu tầm Nguyễn Đình Sử thu thập ở khu vực huyện Yên Mô của tỉnh Ninh Bình từ năm 2006. Đồng tiền này từng được triển lãm trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại Bảo tàng Hà Nội.
Đồng Đại Việt thông bảo có đường kính 24,9 mm, đường kính lỗ là 6,1 mm, độ dày 1,3 mm, trọng lượng 3,5 g. Giám định lớp patin trên tiền xác nhận đây là tiền cổ thật sự. Kích thước lỗ rộng và dạng thư pháp của chữ cho nhận định rằng đây là tiền có niên đại tương đương với đồng Đại bình hưng bảo (Phạm Quốc Quân, Tạp chí Khảo cổ học 5-2007).
Vấn đề làm các tác giả lúng túng là ở thời kỳ nhà Đinh thì làm gì có quốc danh Đại Việt vì mãi tới Lý Thánh Tông, vị vua thứ ba của nhà Lý, sau khi lên ngôi mới đặt tên nước là Đại Việt. Vì thế có ý kiến cho rằng đây là tiền Đại Định thông bảo đã được “sửa” chữ Định 定 thành chữ Việt 越. Ý kiến này khó có thể chấp nhận được vì hai chữ này rất khác nhau và như nêu trên đồng Đại Việt thông bảo có kích thước và thư pháp khác. Đồng thời đồng tiền này không chỉ thấy ở Việt Nam mà trong một số bộ sưu tầm của Trung Quốc và Nhật Bản cũng có loại tiền Đại Việt thông bảo này.
Tiền Đại Việt thông bảo ở nước ngoài.
TS. Phạm Quốc Quân cho rằng đồng Đại Việt thông bảo là tiền của nhà Đinh, dùng từ khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất 12 sứ quân năm 968 cho tới khi lấy niên hiệu Thái Bình năm 970 thì chuyển sang tiền Đại bình hưng bảo. Và rằng quốc hiệu của nhà Đinh là Đại Việt, thay cho Đại Cồ Việt như sử sách vẫn chép.
Như vậy, những cách giải thích hiện nay cho 2 đồng tiền cổ này đều chưa thỏa đáng. Một là không có niên hiệu, tên gọi Đại Bình nào ở thời Đinh cả. Hai là tên nước của vua Đinh không phải là Đại Việt, vì sau đó đến đời Lý tên này mới được đặt. Vậy phải hiểu những tên gọi trên hiện vật khảo cổ của thời kỳ này như thế nào?
Khi nhìn rộng ra hơn phạm vi nước “Đại Việt” ngoài miền Bắc Việt ngày nay thì thấy rõ: Đại Việt là quốc hiệu của nước do Lưu Cung thành lập, đô đóng ở Quảng Châu. Đồng tiền Đại Việt thông bảo là tiền của thời Lưu Cung khi mới lập quốc năm 917 cho tới khi đổi tên nước.
Lý do dùng quốc hiệu chứ không phải niên hiệu vua trên đồng tiền của thời kỳ này cũng dễ hiểu. Khi nhà Đường suy yếu, các khu vực trong Trung Hoa tự tách ra lập thành các quốc gia riêng. Thời kỳ này còn gọi là thời Hoa Nam thập quốc. Với cả chục quốc gia cùng chung văn tự, văn hóa nằm cạnh nhau như vậy rõ ràng dùng quốc hiệu để đặt tên tiền sẽ giúp phân biệt được tiền giữa nước này với nước kia. Nước Đại Việt của Lưu Cung không phải là ví dụ duy nhất dùng quốc hiệu cho tiền của mình. Thời kỳ này còn có đồng tiền Đường Quốc thông bảo của nước Nam Đường có cách đặt tên tương tự.
Mảnh gạch Đại Việt… tìm thấy ở động Thiên Tôn, Ninh Bình.
Tên gọi Đại Việt còn được dùng trên các viên gạch để xây thành thời kỳ này ở miền Bắc Việt. Những viên gạch với dòng chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên大越國軍城塼 tìm thấy ở  Hoa Lư, Hoàng thành Thăng Long và một số nơi khác là bằng chứng về sự hiện diện của Lưu Cung trên vùng đất Bắc Việt. Thành Hoa Lư chính là được xây dựng dưới thời Lưu Cung như một trị sở ở Bắc Việt.
Phát hiện những viên gạch xây thành Hoa Lư mang tên Đại Việt quốc quân thành chuyên và đồng tiền Đại Việt thông bảo ở Ninh Bình cho thấy Lưu Cung đã có khá nhiều thời gian để đúc tiền và xây thành trên đất Bắc Việt. Vì thế sự kiện Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng buộc phải xem xét lại…
Tiền Đại Hưng bình bảo có chữ Đinh ở mặt sau.
Việc nhìn nhận tên nước Đại Việt trên đồng tiền cũng dẫn đến khả năng giải nghĩa cho đồng Đại bình hưng bảo. Đồng tiền này theo cách đọc thuận chiều kim đồng hồ sẽ là Đại Hưng bình bảo. Đại Hưng chính là tên nước mà Lưu Cung đã đổi sang từ tên Đại Việt. Sử Tàu biến hóa thành nước Đại Hán rồi Nam Hán, trong khi Lưu Cung lập nước gọi là Việt rõ ràng từ quốc danh Đại Việt đầu tiên.
Như thế tiếp theo đồng tiền Đại Việt thông bảo với của triều đại Lưu Cung là tiền Đại Hưng bình bảo. Đồng tiền này có thể có chữ Đinh ở mặt sau hoặc không. Chữ Đinh ở đây không phải là họ vua mà là từ để chỉ khu vực phía Tây hay Tĩnh Hải quân thời kỳ này. Đinh, Tĩnh đều là tính chất của phương Tây trong Dịch học.
Nhiều khả năng ở khu vực phía Tây nước Đại Hưng có trị sở ở Hoa Lư thì tiền Đại Hưng bình bảo có chữ Đinh được sử dụng phổ biến. Còn ở phía Đông nước này (tức là vùng Thanh Hải quân ở Quảng Đông) bắt đầu dùng niên hiệu vua trên đồng tiền. Ví dụ như gặp đồng Càn Hanh trọng bảo 乹亨重寳 với niên hiệu Càn Hanh của Lưu Cung.
Đồng tiền Càn Hanh trọng bảo.
Hai đồng tiền cổ và viên gạch của Đại Việt – Đại Hưng triều đại từ Lưu Cung lại hiện hữu ở kinh đô Hoa Lư. Vậy mối quan hệ giữa nước Đại Việt này với nước “Đại Cồ Việt” của nhà Đinh là như thế nào? Nhà Đinh dùng tiền gì và xây thành bằng gạch gì? Sao lại không thấy hiện vật của nhà Đinh ở chính kinh đô của mình? Lịch sử giai đoạn này quả đang còn rất nhiều bí ẩn chưa được làm sáng tỏ.
http://asakicorp.com/bachviet18/?p=2956

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.