Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

26/12/2017

Cuốn tự truyện của Phan Bội Châu, là "niên biểu" hay "tự phán" (bài Chương Thâu, 30 năm trước)

Để có thể trả lời một thắc mắc vừa rồi, trung tuần tháng 12 năm 2017, của người cháu nội cụ Phan Bội Châu. Đó là bác Phan Thiệu Cát (hiện cư trú tại Canada, đã về Nghệ An trong dịp hội thảo kỉ niệm 150 năm ngày sinh Phan Bội Châu).

Như lời tự giới thiệu, bác Cát là em ruột của bác Cơ (bác Phan Thiệu Cơ mới mất gần đây, 1930-2013). Vậy là thuộc dòng Phan Nghi Đệ (1901-1946), tức dòng con cháu bà vợ thứ của cụ Phan Bội Châu.

Bác Cát nêu thắc mắc lúc ngồi hàn huyên dài dài với mình vừa rồi, trên quãng đường từ huyện Nam Đàn trở lại thành phố Vinh. Xe chạy từ từ, ngoài trời thì lất phất mưa bay.

Bài in năm 1987. 

Trên Tạp chí Hán Nôm.

Dưới là chép nguyên xi.

Tháng 12 năm 2017,
Giao Blog


---



VỀ TÁC PHẨM PHAN BỘI CHÂU NIÊN BIỂU

CHƯƠNG THÂU

Phan Bội Châu niên biểu là tập tự truyện có một giá trị lịch sử hết sức quan trọng đối với việc tìm hiểu về con người, cuộc đời hoạt động cách mạng và tư tưởng của nhà yêu nước Phan Bội Châu, cũng như đối với việc nghiên cứu lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX nói chung.

Tuy vậy, trong khi sử dụng nguyên bản chữ Hán, nhất là khi sử dụng các bản dịch tiếng Việt của tác phẩm này rồi so sánh với một vài tác phẩm có tính chất tự truyện khác của Phan Bội Châu viết trong những thời điểm khác nhau như Ngục trung thư (1914), Dư ngu sám (1918), Những năm Mão trong đời tôi và Những cái tết tha hương (1939) v.v... không phải không có những chỗ sai biệt, không thống nhất cần phải thảo luận, trao đổi ý kiến để đi đến một “giải pháp” nhất trí.

I. LAI LỊCH TÁC PHẨM VÀ THỜI GIAN BIÊN SOẠN
1. Tên tác phẩm hay là nhan đề của tập tự truyện
Tên gọi của tác phẩm này là Tự phán như các bản dịch xuất bản ở Huế năm 1946 và năm 1956; là Tự phê phán, hay Phan Bội Châu niên biểu như các bản dịch xuất bản ở Hà Nội năm 1955 và năm 1957; là Hồi ký của Phan Bội Châu (Mémoires de Phan Bội Châu) in ở Pháp năm 1969...?; là Phan Bội Châu niên biểu (tự truyện của Phan Bội Châu) xuất bản ở Sài Gòn năm 1973 hay cũng được gọi là Sào Nam niên biểu và Niên biểu... ở trong một số luận văn nghiên cứu của nhiều tác giả quen thuộc. Thực ra, mỗi cách gọi tên của cuốn sách đều có một căn cứ. Gọi bằng Tự phán vì người ta dựa vào cái đề mục lớn đầu tiên trong nguyên bản đề là Tự phán ở ngay sau lời Tựa. Trong lần tái bản 1957 sửa tên sách Tự phê phán thànhPhan Bội Châu niên biểu, ông Tôn Quang Phiệt đã viết mục “Đính chính tên sách” cho biết: “Cuốn sách này chính tên là Phan Bội Châu niên biểu, nhưng lúc in lần thứ nhất, chúng tôi lại đề là Tự phê phán; sở dĩ có sai lầm ấy là vì lúc ở Việt Bắc, chúng tôi chỉ căn cứ vào bản sách chữ Hán sao lại mà không có nguyên bản. Trong bản sao này, người chép đã bỏ sót mất năm chữ “Phan Bội Châu niên biểu”, cho nên sau khi chép đến hai chữ “nhan viết” (nhan đề là) thì để một quãng trống, rồi qua dòng khác thì đề tiết mục đầu tiên của quyển sách là “Tự phán”. Vì thế chúng tôi đã lấy cái tiết mục “Tự phán” dịch ra “Tự phê phán”. Nay xin đính chính lại. Như vậy, tập tự truyện của Phan Bội Châu kể về cuộc đời mình từ đầu cho đến năm 1925, nhưng gọi Phan Bội Châu niên biểu mới là cái tên chính xác nhất.

2. Hoàn cảnh ra đời và niên đại tuyệt đối của tác phẩm
Một số không ít công trình biên soạn, nghiên cứu về Phan Bội Châu trong mấy chục năm nay, tuy đều có dẫn dụng những tài liệu của Phan Bội Châu niên biểu,nhưng cũng không cho người đọc biết tác phẩm này viết trong hoàn cảnh nào và thời gian nó được hoàn thành.

Ở miền Nam trước ngày giải phóng cũng có nhiều người nghiên cứu Phan Bội Châu, tuy có nhắc đến Phan Bội Châu niên biểu (mà họ gọi là Tự phán) nhưng không nói gì đến “năm sinh” của nó. Đó là trường hợp các ông Thế Nguyên trong cuốn Phan Bội Châu - Thân thế và sự nghiệp (xuất bản ở Sài Gòn, 1956) hoặc ông Trọng Đức, trong bài nghiên cứu dài, nhan đề là Hoài niệm nhà chí sĩ Phan Bội Châu (đăng trên Tạp chí Văn hóa nguyệt san số 87 và 89 tháng 11-1963 và tháng 1-1964) v.v... Duy chỉ có Nguyễn Thượng Huyền trong bài Hồi ký Cụ Phan ở Hàng Châu (tạp chí Bách khoa số 73 - 74 tháng 1-1960) là có nói tập Tự phán viết năm 1929, nhưng cũng không nói viết trong điều kiện nào. Về bản thân bài báo này có nhiều dụng ý xấu, nên đã bị giới học thuật miền Nam hồi đó tẩy chay, không tin cậy và không để ý cả đến cái niên đại 1929 ấy. Năm 1973 nhóm nghiên cứu sử, địa ở Sài Gòn, khi cho tái bản lại tác phẩm này dưới nhan đề Phan Bội Châu niên biểu (tự truyện của Phan Bội Châu) do Nguyễn Khắc Ngữ chú thích, cũng không dám khẳng định dứt khoát tác phẩm này hoàn thành năm nào, mà chỉ nói “thời gian cụ Phan viết sách này vào khoảng 1928 về trước”. Và từ cái niên đại này mà đã “có ý kiến” “phê phán” của ông Nguyễn Văn Xuân trên Tạp chí Bách khoa(1) chúng tôi vừa ghi chú ở trên.

Còn như ở miền Bắc, khi giới thiệu bản dịch hoặc sử dụng tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu, các cơ quan xuất bản và các nhà nghiên cứu đều nói về thời gian ra đời của tác phẩm, tuy ý kiến có khác nhau Đồng chí Đặng Thai Mai nói: “Tập Phan Bội Châu niên biểu viết mấy năm trước khi chết. Một tập “hồi ức” trong đó tác giả đã hết sức nhớ lại và chép lại lịch sử hoạt động cách mạng của mình từ ngày thanh niên đến năm 1925”(2) và có chua thêm “nó cũng là một tài liệu lịch sử đáng quý. Cố nhiên là cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng về một vài tiết mục nhỏ”(3). Đồng chí Trần Huy Liệu, trong bài hồi ký Nhớ lại ông già Bến Ngự nói là: “Quyển Sào Nam niên biểu, cụ Phan viết sau thời kỳ Mặt trận bình dân”(4). Còn đồng chí Tôn Quang Phiệt, trong bản dịch xuất bản năm 1955 cũng ghi rõ: “Trước khi chết, cụ Phan Bội Châu đã tự chép tiểu sử của Cụ theo thứ tự năm, tháng, kể ra những sự việc và ghi lại những cảm tưởng của mình”(5).

Riêng đối với vấn đề “hoàn cảnh ra đời” của tác phẩm, thì trong một bản sao nguyên văn tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu hiện nay còn tàng trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) mang ký hiệu VHv.2135 có một trang chép bằng chữ Nôm đề là: Lai lịch quyển Phan Bội Châu niên biểu, ghi theo lời đồng chí Đặng Thai Mai, như sau: “Nhiều người bạn muốn cụ Phan viết tiểu sử từ khi về nước. Đến năm 1937 - 40, cụ Phan mới viết. Cụ Phan sợ bị mật thám xé lấy mất, mới nghĩ ra một kế để đánh lừa chính quyền Pháp và Nam Triều. Từ ngày Cụ về nước đến nay, cũng có mươi, mười lăm thanh thiếu nhi học chữ Nho. Cụ mới lấy một quyển sách cũ của học sinh, lột từng tờ lại, rồi đến tối thì viết, sáng mai lại đóng lại như cũ. Viết được phần nào thì đem cho bạn chí thiết xem. Vì là bản nháp, nên có nhiều chỗ phải chép đi chép lại hai ba lần. Trong sách có phần chữ cụ Phan, có phần chữ cụ Hoàng (phần sau). Cụ Phan đọc để cụ Hoàng(6) chép lại. Chữ dấu son trong sách là của cụ Phan. Quyển này chép lại thực đúng sự thực, chỉ có một điểm cần kiểm tra lại: Lúc ở tù Quảng Đông ra đến Vân Nam, thấy cờ Pháp treo ăn mừng thắng trận 1914 - 18. Theo ý kiến đồng chí Đặng Thai Mai thì có lẽ không phải ăn mừng thắng trận mà là ăn mừng Mỹ tham gia chiến tranh năm 1917. Khi Cụ mất, con cả Cụ là Phan Huynh mang quyển này từ Huế về Nghệ. Lúc Cách mạng thành công, quyển này truyền từ tay người này đến tay người khác. Sau đến tay ông Nguyễn Thúc Dinh (Thượng thư hưu trí ở Nam Đàn, cách nhà Cụ Phan 3 cây số). Nguyễn Thúc Dinh có cho chép lại làm nhiều bản. Năm 1951, đồng chí Đặng Thai Mai về phụ trách trường Đại học và Khu Giáo dục khu IV, cô em đồng chí Mai được ông Phan Huynh cho biết quyển này còn ở nhà ông Dinh. Đồng chí Mai đến nhận. Cũng khi ấy, cô em đồng chí Mai còn đưa cho đồng chí một cái đồng hồ quả quít của cụ Phan nữa (hiện ở Viện Bảo tàng cách mạng). Quyển này, đồng chí Mai giao cho Thư viện khoa học xã hội bảo quản. Ghi theo lời đồng chí Mai ngày 16-11-1961, Trần Ngọc Oánh ký”.

Vì sao Cụ Phan lại viết tập Phan Bội Châu niên biểu? Đây là một việc không phải hoàn toàn do ý muốn của Cụ, mà là do yêu cầu của “nhiều người bạn muốn Cụ viết tiểu sử từ khi về nước” như đồng chí Đặng Thai Mai cho biết. Đó cũng là ý kiến của đồng chí Trần Huy Liệu đã từng bàn với Cụ: “Cụ hiện nay ở vào một hoàn cảnh chật hẹp, thiếu tài liệu... tốt hơn hết là Cụ còn sống đến ngày nay, Cụ nên viết những chuyện cách mạng mà đời Cụ đã sống, đã nghe biết để phổ biến cho đồng bào, nhất là đám thanh niên. Việc này Cụ có thẩm quyền hơn hết mọi người đương thời từ đầu thế kỷ XX đến ngày Cụ bị bắt. Nếu những tài liệu chưa có điều kiện in hết ra được thì vẫn là những của quý vô giá đợi dịp sử dụng sau này. Cụ nghe tôi nói, nhận là đúng và nói có nhiều người cũng thúc giục Cụ làm việc này”(7).

Và cũng như đồng chí Đặng Thai Mai cho biết ở trên, đồng chí Trần Huy Liệu cũng nói tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu đã phải biên soạn trong một hoàn cảnh khá bó buộc: “Để che mắt bọn mật thám, Cụ phải viết chen vào một quyển sách cũ bằng chữ Hán; viết thành từng tập nhỏ, viết xong tập nào gửi cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ giùm, sau mới đóng lại thành một quyển(8).

Chính Phan Bội Châu, ngay đầu lời Tựa cũng đã nói Phan Bội Châu về “động cơ” biên soạn sách này như sau: “Tôi từ nước ngoài bị bắt sống đem về, trói thân vào nhà pha hỏa lò, may nhờ quốc dân quá thương yêu, hãy còn chút thân sống gửi được cùng với thân bằng đồng chí là những kẻ đã hình rời bóng cách vài mươi năm trời, bỗng chốc tay bắt mặt mừng, kể tình duyên cũ ! Có kẻ thương tôi, có kẻ yêu tôi, có kẻ biết tôi, có kẻ trách vọng tôi, thảy muốn biết đầu đuôi lịch sử của tôi”. Cuối bài Tựa, tác giả đã nhấn mạnh thêm “nghĩa vụ” biên soạn rằng: “Đội ơn các thân bằng thương quá, đốc suất đến ba bốn lần bảo rằng: “Người phải gấp khi người chưa chết, viết cho xong bản sử của người”. Vậy nên cung kính phụng mệnh mà thảo tập sử này, đề là: Phan Bội Châu niên biểu.

Như vậy là vấn đề hoàn cảnh và động cơ viết tập Phan Bội Châu niên biểu đã khá rõ. Còn thời gian ra đời của tác phẩm có thể kể những ý kiến khác nhau như sau:
- Cho rằng cuốn Phan Bội Châu niên biểu được viết vào thời gian mấy năm trước khi cụ Phan mất, tức là từ 1937 - 1940. Trước đây khi nêu lên ý kiến này (1965) tôi cho rằng cuốn sách này không thể viết muộn hơn từ tháng 6/1937 trở đi(9). Khi đó tôi chưa có điều kiện đọc bản thảo gốc còn cất giấu ở khu an toàn xa Hà Nội, và cũng chưa có dịp tiếp xúc với thân nhân của cụ Phan Bội Châu ở Huế. Đến nay, kết luận ấy đã trở nên thiếu sót và sai lầm rồi.

- Về ý kiến của đồng chí Trần Huy Liệu. Gần đây trong những dịp tiếp xúc với các cụ ở Huế, nhất là với các cụ đã từng làm thư ký cho Cụ Phan thời kỳ Mặt trận Bình dân, các cụ đều cho biết: trong thời gian này Cụ Phan đã “chuyên Dịch” rồi, nghĩa là Cụ đã chuyên tâm nghiên cứu quyển Kinh Dịch và đang ra sức hoàn thành ba công trình biên khảo là Khổng học đăng, Phật học đăng và Chu dịch quốc văn diễn giải. Cụ Phan không biên soạn Niên biểu nữa.

- Còn ý kiến cho rằng Phan Bội Châu niên biểu viết vào năm 1929 là đáng kể cho chúng ta tìm hiểu kỹ những chứng cớ xác đáng của nó. Thực ra thì niên đại này chúng tôi đã bắt gặp trong bài hồi ký về Phan Bội Châu do Nguyễn Thượng Huyền viết năm 1960. Nhưng ý kiến đó không đủ tin, vì nó dựa theo bản Tự phán của Anh Minh xuất bản ở Huế năm 1956, trong khi đó thì những tác phẩm của cụ Phan do Anh Minh xuất bản có nhiều chỗ tự ý cắt xén sửa chữa thêm thắt...

Thực ra vấn đề niên đại hoàn thành Phan Bội Châu niên biểu đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng nói đến trong bài tựa viết cho tác phẩm đó: “Cụ Sào Nam sau ngày viết tập Tự phán (tự tay chép lược sử đời cụ) và đưa cho tôi xem trước ngày từ trần ở lều tranh Bến Ngự ở Huế năm 1929”. Chúng tôi đã được đọc bài tựa của cụ Huỳnh Thúc Kháng mà gia đình cụ Phan còn giữ được ở Huế và cho biết: Năm 1946, ông Phan Nghi Đệ sau khi cho xuất bản phần đầu tập “di cảo” Tự phán của cụ thân sinh đã được bạn bè góp ý là nên có một bài tựa của cụ Huỳnh để thêm phần giá trị. Ông liền đến xin bài tựa của cụ Huỳnh, cụ vui lòng nhận lời ngay. Vì vậy, trong lời quảng cáo cho Tự phán phần II dự định phát hành vào ngày 15-11-1946 có câu: “sẽ có thêm bài tựa của cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng”. Nhưng rồi mặt trận Huế vỡ, thực dân Pháp tràn vào, phần II không xuất bản kịp. Thế là tập Tự phán (trọn bộ) do cụ Phan tự dịch không ra mắt được với đông đảo bạn đọc vì chiến tranh bùng nổ, chứ không phải vì “bị Việt Minh khám xét tịch thu tất cả tài liệu; làm cho anh em tan tành cả vốn liếng!” như Anh Minh đã nói trong “Lời nhà xuất bản” (Huế, 1956). Đến nay, gia đình cụ Phan vẫn còn giữ tập bản thảo đánh máy toàn văn tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu đầy đủ gồm 183 tr; khổ 30cm x 20cm, lại có kèm theo cả bài Tựa của cụ Huỳnh viết năm 1946. Trong bài Tựa, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng định Phan Bội Châu niên biểu viết vào năm 1929. Đó là chứng cớ thứ nhất.

Chính cụ Phan cũng cho chúng ta hai chứng cớ về ngày tháng viết tập Tự truyện này:
Trong một bản nguyên văn chữ Hán mà gia đình cụ Phan ở Huế còn giữ được - đây là một trong những bản gốc, có bút tích của cụ Phan - thì ở dòng cuối cùng cuốn sách, trước phần Phụ lục chép bức thư gửi cụ Phan Tây Hồ có đề rõ ngày tháng là: “Cửu nhật thập nguyệt, Kỷ Tỵ, thiên cửu bách nhị thập cửu niên” (ngày 9 tháng 10 năm Kỷ Tỵ 1929). Dòng chữ này ở trong một bản gốc (bản thảo đầu tiên) khác hiện có ở Viện Hán Nôm, vì bị rách sờn không thể đọc được.
Trong nguyên bản và các bản dịch có một chi tiết có thể cho ta biết niên đại của bản thảo chữ Hán. Đó là đoạn viết: “Cự kim lục niên tiền, Phan Bá Ngọc bối dĩ cam ngôn dụ quân yếu hồi quốc nội nhậm cao đẳng giáo viên chức...” (tác giả tự dịch như sau: Cách nay trước sáu năm, bọn Phan Bá Ngọc thường ngon ngọt dỗ ông kéo về trong nước, làm chức cao đẳng giáo viên...). Sáu năm trước tức là năm 1922, năm Phan Bá Ngọc sau khi đi Bắc Kinh gặp Hoàng Đình Tuân, rồi trở về thì bị ám sát chết. Vậy thì năm viết đoạn này của tập Tự truyện phải là năm 1928 hay đầu năm 1929. Nguyễn Khắc Ngữ đã từng phát hiện cứ liệu này, nhưng ông Ngữ cũng không đi sâu thêm để giải quyết cho sáng tỏ vấn đề niên đại của tác phẩm.

Ngoài ra cũng có thêm một cứ liệu nữa ghi ở trang 183 của bản dịch đánh máy là: “Tân vị, dương lịch 1931”, có nghĩa là bản chữ Hán phải được hoàn thành từ những năm trước đó. Như nay chúng ta có thể xác định: Nguyên bản chữ Hán của tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu được hoàn thành vào năm 1929, đúng như cụ Huỳnh đã mách bảo ở trong bài Tựa viết cho bản dịch dự định xuất bản năm 1946.

II. NHỮNG BẢN GỐC VÀ NHỮNG BẢN SAO CHỮ HÁN
1. Nói là những bản gốc (bản thảo mang bút tích tác giả), vì ít ra là hiện nay chúng ta cũng có hai bản, chứ không phải như ông Nguyễn Văn Xuân nói: “chắc trong nước Việt Nam, không hy vọng tìm đâu ra một bản sao đúng hơn”, bản sao duy nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng mà ông Xuân đã được đọc!

- Bản gốc thứ nhất: thực tế là bản thảo đầu tiên (bản nháp) như chúng ta đã biết, nó đã có mặt ở miền Bắc từ cuối năm 1940. Bản này do ông Phan Nghi Huynh được cụ Huỳnh Thúc Kháng giao cho mang về Nghệ An, qua một thời gian lưu giữ trong các thư viện gia đình, cuối cùng đã chuyển đến Thư viện Khoa học xã hội (nay sách do Viện Hán Nôm lưu giữ). Bản này mang ký hiệu VHv.2138. Đó chính là bản mà đồng chí Đặng Thai Mai đã kể cho biết “lai lịch” ở phần trên.

- Bản gốc thứ hai: Bản này mới phát hiện được ở Huế sau ngày miền Nam giải phóng, do cụ Võ Mạnh Phác (vốn là bạn Thân của ông Phan Nghi Đệ) gửi trả lại cho gia đình cụ Phan nhân dịp giỗ Cụ ngày 29-10-1975. Bản này cụ Phác giữ đã hơn 40 năm nay ở “Võ Mạnh Phác tàng thư” tại Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam. Cuốn sách đã rất cũ, viết trên giấy bản, hàng 9, dày 250 trang (so với cuốn gửi về Bắc, dày tới 370 trang, vì viết thưa, lại viết giữa 2 hàng chữ của một quyển vở tập viết của học sinh). Cuốn này, theo Cụ Phác cho biết là bản “chép tinh lại” của bản thảo trên. Trong bản này có đến ba thứ chữ khác nhau, nhưng đều vào loại chữ rất đẹp, già dặn. Đặc biệt là có cả chữ của cụ Phan Bội Châu trong một số đoạn viết bằng mực đen nhạt. Còn phần chấm câu, thêm chữ sót thì bằng bút son và toàn bộ nét chữ son này là bút tích của cụ Phan. Do đó, chúng tôi coi đây là bản gốc thứ hai, rất quý.

So sánh bản thứ hai này với bản thảo thứ nhất (do ông Phan Nghi Huynh mang về Bắc từ trước) thì không có chi tiết nào sai biệt, ngoài điểm duy nhất là: ở bản Phan Nghi Đệ (Huế) thì có đủ ngày tháng hoàn thành viết ở cuối sách, còn ở bản Phan Nghi Huynh thì dòng chữ nhỏ viết sát lề sách ấy đã bị sờn rách không đọc được nữa.

Có thêm bản gốc thứ hai này, giới nghiên cứu học thuật có điều kiện để nghiên cứu văn bản, và tránh được những điểm xuyên tạc như ở trường hợp Anh Minh. Nhân đây, cho phép chúng tôi được tỏ lòng kính trọng và vô cùng biết ơn bà Phan Nghi Đệ và cụ Võ Mạnh Phác đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tài liệu và ý kiến liên quan rất quý báu.

2Các bản sao: Từ hai bản gốc nói trên, đã có tất cả 14 bản sao sau đây:

1. Bản của Huỳnh Thúc Kháng chép lại, chữ hơi thảo (theo Nguyễn Văn Xuân, trong bài đăng ở tạp chí Bách khoa, Sài gòn, số 396).

2. Bản chữ Hán chép chữ chân, sao lại từ bản nói trên (Bản này do Anh Minh giữ).

3. Bản của Nguyễn Thúc Dinh (theo Đặng Thai Mai viết trong Lai lịch Phan Bội Châu niên biểu đã dẫn ở trên).

4. Bản của Hoàng Xuân Hãn (hiện ở Paris) chép theo bản ở gia đình Nguyễn Thúc Dinh khoảng 1942 - 1943.

5. Bản của Đặng Thai Mai chép theo bản Phan Nghi Huynh.

6. Bản sao thứ nhất của Thư viện Khoa học xã hội, chép theo bản Đặng Thai Mai mang ký hiệu VHv.2134 (Viện Hán Nôm).

7. Bản sao thứ hai của Thư viện Khoa học xã hội mang ký hiệu VHv.2135 (Viện Hán Nôm).

8. Bản của Viện Sử học chép theo bản sao nói trên của Thư viện Khoa học xã hội.

9. Bản của Tôn Quảng Phiệt chép theo bản của Viện Sử học.

10. Bản của Chương Thâu chép theo bản của Thư viện Khoa học xã hội.

11. Trên tờ Viễn Đông nhật báo xuất bản ở Chợ lớn năm 1962 cho biết là có một vị lão nho tên là Phạm Lão đã giao cho ký giả của tờ báo này một tập Niên biểu của Phan Bội Châu nhà cách mạng tiền bối Việt Nam. Đây cũng là một bản sao nữa của cuốn Phan Bội Châu niên biểu, mà chúng tôi tạm gọi là bản của Phạm Lão.

12. Từ bản chữ Hán của Phạm Lão cung cấp, tờ Viễn Đông nhật báo đã cho đăng toàn văn với nhan đề là Phan Bội Châu tiên sinh tự truyện kèm theo tiểu mục Việt Nam dân tộc cách mạng kỳ túc (Nhà cách mạng dân tộc lão thành Việt Nam) kể từ số báo ra ngày 5-8-1962 đến 27-9-1962.

13. Gia đình ông Trần Viết Ngạc ở Huế cũng có một bản sao Phan Bội Châu niên biểu đóng làm 2 tập, chữ chân, chưa rõ xuất xứ.

14. Bản sao cuối cùng mà chúng tôi biết được (qua Nguyễn Văn Xuân) là bản của S. Utsumi ở Miyoto, Nananoken (Nhật Bản) do Anh Minh cung cấp.

Như vậy là về nguyên văn chữ Hán, Phan Bội Châu niên biểu có khá nhiều bản. Trong số này, may mắn là còn bảo tồn được hai bản gốc có thủ bút của cụ Phan. Đó là hai văn bản rất quý. Hơn chục bản sao còn lại cũng là những tài liệu để nghiên cứu tham khảo cần thiết (ngay cả đối với bản mà Anh Minh sử dụng cũng có giá trị đối chiếu để thấy được những chỗ mà ông đã xuyên tạc thêm thắt...).

III. NHỮNG BẢN DỊCH VÀ GIÁ TRỊ CỦA NÓ
Do tầm quan trọng của nó, như từ trước đến nay đã có nhiều bản dịch, kể cả một số bản dịch ra tiếng nước ngoài:

1. Các bản dịch tiếng Việt:
- Bản dịch đầu tiên được xuất bản ở Huế năm 1946, nhan đề là Tự phán - Tập I, do ông Phan Nghi Đệ giữ bản quyền và Tâm Tâm thư xã phát hành. Sách mới in được phần I, dày 94tr, khổ 13x19cm. Bản này chính là bản do Phan Bội Châu tự dịch.

- Bản thứ hai là bản của Nhà xuất bản Anh Minh ở Huế năm 1956. Trong Lời nhà xuất bản, Anh Minh viết: “Bản lịch sử này tự tay cụ Sào Nam viết ra từ năm 1929 bằng Hán văn và tự cụ dịch ra quốc văn, cụ Minh Viên nhuận sắc. Năm 1938, cụ Sào Nam cho chúng tôi đánh máy ra làm 4 bản (cụ lấy 2 bản và cụ Huỳnh Mính Viên giữ 2 bản). Năm 1943, nhân một du học sinh Nhật Bản thường qua lại nhà in Tiếng Dân mượn sách xem, cụ Huỳnh đã tặng cho anh ấy một bản, còn một bản và một bản nguyên cảo (cả Hán văn và bản dịch Quốc văn) giao cho chúng tôi giữ... Nay chúng tôi vẫn để nguyên vẹn, chỉ thêm một dòng phụ, thành ra Tự phán - Lịch sử cách mạng cụ Sào Nam do tay cụ tự viết.

Thực ra, trong bài Tựa (1946), cụ Huỳnh đã nói rõ là cụ Sào Nam chỉ đưa cho Cụ xem bản chữ Hán mà thôi. Còn đối với bản dịch mà con cụ Phan đã đưa in được gần một phần ba (58 trong tổng số 183 trang đánh máy), thì cụ Huỳnh có nhận xét là: “Tập này cụ Phan viết nguyên văn chữ Hán và tự dịch ra quốc văn, tinh thần Hán văn mười phần thì bản quốc văn được độ năm phần, vì cụ Phan không sở trường quốc văn và không có thời giờ mà chữa nên không được tròn, song ý chính thì không sai”. Như vậy không phải cụ Huỳnh nhuận sắc văn dịch của cụ Phan, như Anh Minh đã nói. Điều đáng lưu ý ở bản dịch này là Anh Minh đã bịa ra những tiểu mục có ác ý xuyên tạc như: “Giao thiệp với người Nga và thấy chỗ xảo quyệt của họ” v.v... Anh Minh còn cắt bỏ nhiều đoạn quan trọng của bản dịch gốc này nữa, như đoạn nói về mối quan hệ giữa cụ Phan với đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đoạn nói lên cảm tình của cụ Phan đối với Nhà nước lao nông Nga xô viết, với đại sứ Liên xô ở Bắc kinh v.v... Đồng thời y lại đưa ra những “cước chú” rất độc ác, như dưới câu nguyên văn “Còn như phí dụng trong khi tại học và khi về nước, nhất thiết do Lao Nông chính phủ đảm nhận cả”, y đã chú “Xem đó đủ thấy ngón dụ dỗ người của Nga Sô khôn khéo tuyệt, khiến cho lắm kẻ mắc lầm!”. Trong khi đó, có những chỗ trong nguyên bản xem ra có thể làm mếch lòng những ai “đồng bệnh” với y thì y tước bỏ như đoạn cụ Phan chỉ trích tên Việt gian Nguyễn Bá Trác v.v... Do đó có thể nói giá trị của bản dịch này rất kém, hơn nữa sử dụng bản dịch này cần cảnh giác loại trừ những chỗ đã bị sửa chữa xuyên tạc khi tham khảo đối chiếu.

- Bản dịch xuất bản ở Hà Nội năm 1955 và năm 1957 của Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt. Về bản này, các dịch giả đã làm việc một cách khá nghiêm túc, khoa học. Dịch khá chính xác, văn phong sáng sủa, diễn đạt rõ ràng, lại có ghi rõ xuất xứ và có chú thích những chỗ cần thiết. Nói chung đó là bản dịch đã đóng góp nhiều cho việc nghiên cứu về Phan Bội Châu. Tuy vậy, khi rà soát lại, chúng tôi thấy ở bản dịch đó cũng có một số sai sót cần đính chính bổ sung. Đối chiếu với nguyên bản mang ký hiệu VHv.2138 thì bản dịch này bỏ sót trên dưới vài chục chỗ, có chỗ là một đoạn dăm, mười dòng, có chỗ là một vài câu, có chỗ là năm bảy chữ. Cũng có khá nhiều chỗ dịch sai hoặc phiên âm lầm (có lẽ vì căn cứ theo một bản sao không chính xác, nên có sự “thất bản” như vậy).

Bản dịch do nhóm Nguyễn Khắc Ngữ giới thiệu và Chú thích: xuất bản ở Sài Gòn năm 1973 thì chính là bản của Anh Minh. Bản này nhờ dựa theo bản dịch của Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt xuất bản ở Hà Nội, nhưng lấy lại đúng nhan đề là Phan Bội Châu niên biểu, đồng thời có tham khảo bản dịch tiếng Pháp của G. Boudarel, nên đã thêm được một số cước chú có giá trị. Nhưng bản này vẫn là bản của Anh Minh, vẫn lặp lại hơn 70 tiêu đề bậy bạ của Anh Minh. Cuối cùng bản dịch này lại bỏ mất bài tựa của cụ Huỳnh Thúc Kháng, làm ảnh hưởng đến thiện chí của nhóm nghiên cứu Sử, Địa.

2. Các bản dịch ngoại văn:
Ở nước ngoài cũng có một số bản dịch Phan Bội Châu niên biểu như: ở Tiệp Khắc có bản dịch của I a Zborilova, ở Liên Xô có bản dịch của A. Voronine (hai bản dịch này chúng tôi chưa được đọc mà chỉ mới biết qua sự giới thiệu của bạn bè). Ở Nhật Bản, theo Nguyễn Văn Xuân, có bản dịch của S. Utsumi ở Miyota Naganoken dịch xong từ năm 1972 (chúng tôi cũng chưa có trong tay).

Một bản dịch khác rất đáng lưu ý là: bản dịch tiếng Pháp của Georges Boudarel, đề là Memoires de Phan Bội Châu (Hồi ký của Phan Bội Châu) in trọn trên tạp chí Pháp Á (France Asie) số 194 - 195 năm 1969 ở Paris. Bản dịch có 171 Chú thích: lịch sử rất công phu. Bản dịch này căn cứ theo bản dịch của Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt xuất bản ở Hà Nội năm 1957. Những ưu điểm của nó đã được người dịch cho biết một phần nào qua Lời nói đầu ( tr.7-8 tạp chí đã dẫn). Theo Boudarel những Chú thích: đó chủ yếu rút từ tài liệu của các sổ lưu trữ hồ sơ của Bộ Ngoại giao và của Bộ Thuộc địa Pháp mà ông đã đọc được ở Paris. Đó là những giữ liệu rất quý cho các nhà nghiên cứu nước ngoài tham khảo về lịch sử cách mạng Việt Nam.

3. Bản dịch do Phan Bội Châu tự dịch:
Như đã nói ở trên, bản dịch này năm 1946 mới in được non một phần ba và không đề tên người dịch, nhưng những người trong gia đình cụ Phan (và cả cụ Huỳnh Thúc Kháng) đều nói là chính cụ Phan Bội Châu tự dịch ra quốc văn và học trò chép lại nhờ Tòa báo Tiếng Dân đánh máy cho. Bản dịch này chứa đựng một số khuyết nhược điểm nhất định như hành văn có phần lủng củng, ngắt câu, ngắt đoạn không chỉnh. Nhiều chỗ dùng thổ âm xứ Nghệ, nhiều từ Việt cổ, và có quá nhiều từ Hán Việt nay không thích dụng nữa. Vì đây là một bản dịch của chính tác giả, nên có nhiều ưu điểm nổi bật. Trước hết là nó rất trung thành với nguyên ý, trong đó có chỗ giải thích rất kỹ, mà thực ra ý ấy ở nguyên văn chữ Hán thì rất cô đọng, ngắn gọn. Lại có nhiều tên người tên đất được người dịch ghi rõ mà ở nguyên bản tác giả như có ý giữ bí mật, chỉ dùng những từ “mỗ” để biểu đạt. Điều này chỉ có tác giả mới có thẩm quyền nói ra mà thôi. Chúng tôi cho rằng đây cũng là một tài liệu gốc (bản dịch) rất quý, giúp ích nhiều cho việc tham khảo. 
Có thể nêu một ví dụ như ở trang 201 (bản dịch của Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt):
“Tôi nhận thấy phong trào hiện nay đã dần dần khuynh hướng về cách mạng thế giới, mới thảo luận với các đồng chí thủ tiêu hội Quang phục cải tổ thành “Việt Nam quốc dân đảng”, bèn thảo chương trình và cương lĩnh của đảng quốc dân Việt Nam, đưa in để tuyên bố! Nội dung chia làm 5 bộ phận lớn là: bộ Bình nghị, bộ Kinh tế, bộ Chấp hành, bộ Giám đốc, bộ Giao tế. Quy mô tổ chức đại lược cũng theo như chương trình Quốc dân đảng Trung Hoa mà châm chước thêm bớt ít nhiều. Đó là một thủ đoạn theo thời mà thay đổi. Sau khi đảng cương và chương trình tuyên bố chưa được 3 tháng, thì ông Nguyễn Ái Quốc ở thủ đô Nga là Mạc-tư-khoa về Quảng Đông, thường thường bàn với tôi nên sửa đổi lại. Tháng chín năm ấy tôi rời Quảng Đông về Hàng Châu, định đến tháng 5 năm Ất Sửu (1925) sẽ trở về Quảng Đông để cùng các đồng chí trú ngụ ở đây quyết nghị việc này, nhưng chẳng may tôi bị bắt. Đến bây giờ chương trình và Đảng cương Việt Nam quốc dân đảng có sửa lại như thế nào tôi không được rõ”.

Bản tác giả tự dịch đã diễn giải khá kỹ như sau:
“Tôi xem chừng phong triều thời đại bây giờ đã khuynh hướng về thế giới cách mệnh, tôi mới thương xác với cả thảy đồng chí, thủ tiêu Quang Phục hội, mà cải tổ làm Việt Nam quốc dân Đảng. Tôi mới khởi thảo một bản Việt Nam quốc dân đảng chương trình và Việt Nam quốc dân đảng đảng cương, ấn hành tuyên bố ở trong anh em các xứ, mà cũng để cho người quốc dân đảng Trung Hoa xem. nội dung ở trong chia làm 5 đại bộ:
1. Kinh tế bộ; 2. Bình nghị bộ; 3. Chấp hành bộ; 4. Giám đốc bộ; 5. Giao tế bộ. Ở trong chấp Hành bộ lại đặt ra 6 ty: 1. Văn độc ty, 2. Tuyên truyền ty, 3. Tài chính ty, 4. Huấn luyện ty, 5. Quân sự ty, 6. Thứ vụ ty.
Quy mô tổ chức ở trong bản chương trình này, tất thảy dựa theo khuôn mẫu của Trung Quốc quốc dân Đảng mà châm chước thêm bớt, cầu cho đúng với tình hình nước ta, cũng là một thủ đoạn tùy thời cải cách đó vậy.
Việc ấy sắp đặt xong, đến tháng chín năm Giáp Tý thì tôi trở về Hàng Châu; còn những chương trình, đảng cương của Việt Nam quốc dân đảng thảy tôi cũng cho ông Hồ Tùng Mậu tìm cách đưa về trong nước. Nhưng tôi đã về Hàng Châu rồi, thì có đưa về nước hay không, tôi không được biết.
Sau tôi về Hàng Châu mới được hai tháng, tức là tháng 11 năm Giáp Tý, Nguyễn Ái Quốc tiên sinh từ Mạc - tư - khoa kinh thành nước Nga về đến Quảng Đông, ý ông chưa lấy chương trình, đảng cương này làm hoàn thiện, ông đã nhiều lần viết giấy cho tôi bảo phải sửa sang nhuận sắc lần nữa, nhưng chưa được bao lâu thì tôi bị bắt về Hà Nội. Bản chương trình Việt Nam quốc dân đảng, bây giờ có thay đổi ra thế nào không, tôi không biết”.

Như vậy, chúng ta thấy bản tác giả tự dịch cho biết khá nhiều chi tiết qua trọng mà ngay trong nguyên văn không nói đến. Chỉ riêng một đoạn này cũng giúp ta xem xét lại một số nhận định cũ. Chẳng hạn chúng ta vẫn tưởng là cụ Phan Bội Châu có gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Đông vào cuối năm 1924. Sự thực thì chỉ có sự trao đổi thư từ giữa hai người và chỉ có sự tiếp xúc với đại diện của cụ Phan là Hồ Tùng Mậu mà thôi. Về điểm này, trong bản dịch của Boudarel có một cước chú đúng đắn như sau:
“Căn cứ vào toàn bộ đoạn trên thì Phan Bội Châu không gặp Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu. Thật vậy, Phan Bội Châu nói ông ta đã ở tại thành phố này từ tháng Bảy - nghĩa là 2 tháng sau vụ Phạm Hồng Thái ném bom - tới tháng Chín, tức là khoảng từ tháng 8 đến tháng 10/1924. Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu gần 3 tháng sau khi chương trình của một đảng mới - Việt Nam quốc dân đảng được công bố. Nếu tính đến cả sự chậm trễ trong việc soạn thảo, thông qua và đưa in các văn kiện này thì nó phải được in xong sớm nhất là tháng 9-1924, mà mãi tới tháng 12-1924 thì Nguyễn Ái Quốc mới về tới Quảng Châu. Vậy giữa lúc Phan Bội Châu rời khỏi Quảng Châu và lúc lãnh tụ cộng sản về tới đây cách nhau từ một đến hai tháng” (Tạp chí France - Asie; Tài liệu đã dẫn tr.195).

IV. NHỮNG SAI BIỆT GIỮA CÁC TẬP “TỰ TRUYỆN” CỦA PHAN BỘI CHÂU VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT

Ngoài Phan Bội Châu niên biểu cụ Phan còn có một số tác phẩm có tính chất tự truyện hồi ký khác nữa, trong đó có: Ngục trung thư, viết đầu năm 1914. Tập này có ý nghĩa như là một bức thư tuyệt mệnh của một chí sĩ cách mệnh trối trăn lại với các đồng chí những điều “đắc thất”, những kinh nghiệm “hay dở” của mình. Các sự việc dừng lại ở năm 1913. Tất nhiên về sau những “sự kiện lịch sử” của thời gian trước 1913 cũng được tác giả nhắc lại trong Bội Châu niên biểu việc đó là giống với Phan Bội Châu niên biểu, nhưng cũng có không ít những điều sai biệt cả về thời gian lẫn nội dung. Tuy vậy, giữa hai tài liệu này có điều đó, không khỏi làm cho người nghiên cứu phân vân khó xử. Trước đây đồng chí Trần Minh Thư đã sơ bộ nêu vấn đề này trong bài viết “Từ Ngục trung thư đến Phan Bội Châu niên biểu” đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 69 tháng 12/1964, trong đó tác giả đã so sánh đối chiếu vấn đề sử dụng Ngục trung thư và Niên biểu ở một số công trình nghiên cứu để xem xét cách “xử lý” sự khác biệt ấy như thế nào. Tuy vậy tác giả vẫn không nêu lên cách giải quyết nào triệt để.

Căn cứ vào những sự kiện không phù hợp giữa các tập tự truyện của Phan Bội Châu, chúng tôi mạnh dạn đưa ra nguyên tắc sau đây:
- Về thời gian xảy ra sự việc, căn bản nên dựa vào Ngục trung thư và tham khảo thêm Phan Bội Châu niên biểu.Vì rằng khi viết Ngục trung thư, các sự việc xảy ra cách xa lâu nhất chỉ mới khoảng 10 năm (lấy mốc so sánh Ngục trung thư và Niên biểu là từ năm 1900), lúc này cụ Phan Bội Châu mới trên 40 tuổi, trí nhớ còn tốt, nên đỡ sai sót lầm lẫn hơn so với khi viết Niên biểu (lúc này cụ Phan đã già, trí nhớ bị giảm sút).

- Về nội dung sự việc thì nên theo Phan Bội Châu niên biểu, và tham khảo thêm Ngục trung thư. Vì: Niên biểu trình bày rõ ràng chi tiết hơn Ngục trung thư, lại có cả bình luận và cảm tưởng của tác giả nữa, giúp ta hiểu rõ hơn sự chuyển biến tư tưởng của tác giả qua từng nội dung sự việc. Về mặt này, Ngục trung thư không bằng Niên biểu, vì Ngục trung thư viết trong một thời gian khá gấp gáp vội vàng trước khi biết mình sẽ có thể phải chết nay mai, nên không thể kể lể dài dòng, phân tích sâu được (Nhưng cũng có thể do chỗ gấp gáp vội vàng mà cụ Phan cũng có thể nhớ sai cả ngày tháng, nên chúng tôi nói “căn bản chưa nên dựa vào Ngục trung thư” là vì thế). Về toàn bộ khoảng thời gian xảy ra sự việc trong hơn 10 năm ấy (1900 - 1913) thì dẫu sao Ngục trung thư vẫn chính xác hơn Niên biểu. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh cái trí nhớ rất tốt (cường ký) của cụ Phan. Cho nên, những ngày tháng mà Cụ chép trong Ngục trung thư như khi Cụ đến Phồn Xương gặp Hoàng Hoa Thám là “mồng 8 tháng Tám năm Quí Mão” thì ngay cách nói khẳng định này, đủ làm cho chúng ta dễ tin hơn là nói một cách phiếm định “tháng 11, tôi muốn thân hành đến yết kiến Hoàng tướng công” như trong Niên biểu; hoặc trong Ngục trung thư. Phan Bội Châu nói một cách dứt khoát: “mồng 5 tháng Năm năm Nhâm Tý, anh em trong Đảng sửa sang, tổ chức lại thành ra Hội Việt Nam quang phục”, khác hẳn với cách nói nước đôi, trước sau không nhất trí như khi viết Niên biểu vào năm 1929, mà trong thì có những nhầm lẫn rõ ràng, như niên biểu ở đoạn trước nói Việt Nam quang phục hội thành lập vào thượng tuần tháng Hai, ở đoạn sau lại nói thành lập vào khoảng ba thu năm Nhâm Tý. Trong một tài liệu khác, ở bài hồi ký Những cái tết tha hương viết năm 1939 (tuần báo Ngày nay, số Tết) cụ lại nhớ Việt Nam quang phục hội ra đời vào mùa xuân năm Quý Sửu (1913). Cũng có nhầm lẫn.

Cũng nên nói thêm là khi Cụ viết Niên biểu, do chỗ tuổi già, sức yếu, trí nhớ kém, nên ngoài những chỗ lầm lẫn về sự việc của khoảng thời gian 1914 - 1925, như: bài thơ Bị giam ở Hỏa Lò làm năm 1925, cụ lại nhớ ra là làm ở nhà ngục Quảng Đông năm 1913 (?). Thời gian xảy ra sự việc thì Ngục trung thư đáng tin cậy hơn, Niên biểu không có nghĩa là tuyệt đối, và cũng không có nghĩa là phủ nhận Niên biểu về mặt này. Bởi vì cũng có những chỗ trong Niên biểu có ghi rõ cả ngày tháng và gắn liền với một kỷ niệm sâu sắc nào đó của Cụ lúc thiếu thời thì khó mà quên được. Dựa vào Ngục trung thư và tham khảo Niên biểu cũng có nghĩa là đi vào từng trường hợp cụ thể, tất nhiên phải cân nhắc kỹ giữa những chỗ ghi thời gian xảy ra sự việc ở hai tác phẩm không chênh lệch nhau nhiều quá, hoặc nội dung sự việc không mâu thuẫn nhau nhiều quá, chỗ nào chưa có đủ bằng cứ để khẳng định dứt khoát tốt nhất là cứ nên dùng những thuật ngữ phiếm chỉ, như trường hợp này: “Khoảng những năm...”, “khoảng đầu năm...”, “khoảng cuối tháng...” v.v...

Đối với những sai biệt trong “nội dung các sự việc” thì cũng nên xét trong điều kiện tương đối, nghĩa là khi chưa có một chi tiết gì thật đột xuất xảy đến có thể làm xoay chuyển một nhận định nào quan trọng thì cũng nên nhìn nhận cái đại thể của sự việc, cái chung nhất của sự việccó chép ở cả hai tác phẩm.Chẳng hạn việc Phan Bội Châu “vào Nam rồi ra Bắc” là do Đặng Thái Thân gợi ý hay là bản ý của Cụ ? Việc chọn Hoàng Thân Cường để làm minh chủ là do Tiểu La bàn hay là Cụ có ý định từ trước? Việc Phan Bội Châu trở về Trung Quốc sau Cách mạng Tân Hợi là do Trần Kỳ Mỹ, Trương Bình Lâm mời, do Phan Bá Ngọc khuyên, hay do chính Cụ cũng có ý định rồi? v.v... Nội dung những sự việc đại loại như vậy, theo chúng tôi thì không quan trọng lắm, dù sao cũng đã thành hiện thực, dù có ai “gợi ý”... thì cuối cùng cũng đã do Phan Bội Châu thực hiện, nếu cẩn thận hơn, chúng ta có thể ghi thêm một Chú thích: để đảm bảo tính khoa học cao độ thì càng tốt.



CHÚ THÍCH
(1) Xem Nguyễn Văn Xuân - Từ Tự phán đến Phan Bội Châu niên biểu, Tạp chí Bách khoa, Sài gòn, số 396, 8-1973.

(2), (3) Đặng Thai Mai: Văn thơ Phan Bội Châu, Nxb Văn hóa, văn hóa, HN, 1958, tr. 84, 85.

(4) Trần Huy Liệu: Nhớ lại ông già Bến Ngự, Nghiên cứu lịch sử số 47, tháng 2-1963.

(5) Tôn Quang Phiệt và Phan Trọng Điềm: Phần chú thích: Tự phê phán, Nxb văn sử địa, Hà Nội, 1955, tr.5.

(6) Cụ Hoàng đây có lẽ là Cụ Hoàng Xuân Hành, tục gọi là Cố cháu Giám, người Nghệ An, từng bị tù Côn đảo về sống với Cụ Phan ở Bến Ngự những năm 1928 - 1940.

(7), (8) Nhớ lại ông già Bến Ngự, tài liệu đã dẫn.


(9) Xem Chương Thâu: Về hai tập tự truyện của Sào Nam, Nghiên cứu lịch sử, số 69, 12-1984./.

http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/8702_a.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.