Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về nhân vật lịch sử Ngô Đình Diệm. Chẳng hạn, trên Giao Blog, từ lâu đã thấy góc nhìn của ông Nguyễn Đắc Xuân (Huế) phê phán phong trào "hoài Ngô". Xem lại ở đây (tháng 1 năm 2015).
"...Nghe một người ngoại quốc phê phán như thế tôi thấy xót xa. Nhưng rất tiếc tôi không được tiếp người khách Nhật ấy. Nếu được nghe trực tiếp câu hỏi ấy tôi sẽ giải thích cho ông ta hiểu sự thực như thế nào. Ông Diệm là một người có nhiều âm mưu chính trị. Lúc đầu ông có tinh thần chống Pháp vì Pháp tin tưởng thượng thư Phạm Quỳnh hơn ông. Ông muốn dựa vào Nhật để đương đầu Pháp. Chỗ dựa tốt nhất của ông là KNH Cường Để - một “lãnh tụ chống Pháp” đã ở bên Nhật từ đầu thế kỷ XX, có uy tín với chính giới Nhật. Nếu năm 1945, Nhật dùng ông Cường Để đứng đầu chính phủ Việt Nam thân Nhật thì có lẽ ông Ngô Đình Diệm đã được mời làm thủ tướng rồi. Nhưng không ngờ KNH Cường Để chỉ có uy tín với một số chính khách Nhật, còn đối với Chính phủ quân phiệt Nhật thì vua Bảo Đại có giá hơn. KNH Cường Để không được Nhật dùng, ông Diệm trở thành “món hàng tồn kho”. Không được cộng tác với Nhật ông Diệm rất tiếc. Sau đó Nhật bại trận, ông Diệm được kẻ thù của Nhật là Mỹ ủng hộ hết mình (1957), bấy giờ ông Diệm cần gì đến vai trò của Nhật nữa ! Do đó tình nghĩa của ông Diệm đối với thầy Cường Để cũng chỉ đến thế thôi (1957). Không những đối với ông Cường Để như thế, đối với nhiều đồng chí đồng sự khác của ông Diệm “thời hàn vi”, sau nầy ông cũng không có chính sách gì khác hơn...."
Còn ở dưới là bài của ông Lê Nguyễn - một người đã sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Bài vừa lên. Lấy nguyên về Fb, cả ảnh và văn, chú thích ảnh.
Tác giả không dẫn nguồn cho các tư liệu (ảnh, các con số, ngày tháng, sự kiện,...).
Đọc để tham khảo.
---
"
Gia đình quan Thượng thư Ngô Đình Khả. Ngô Đình Diệm là chú bé thứ hai từ phải sang |
Ông Diệm nằm nghỉ trên chõng tre trong một lần đi kinh lý |
Cụ Ngô Đình Diệm (1901 - 1963) |
"
"
Chợt nhớ đến mấy chuyện tủn mủn thời Đệ nhất Cộng hòa
Sau 54 năm ngày mất của một con người chính trực mang tên Ngô Đình Diệm, người dân miền Nam không bao giờ quên 9 năm ngắn ngủi dưới chính thể Đệ nhất Cộng hòa mà đời sống kinh tế luôn vững vàng, ổn định. Đặc biệt hơn cả, ngày nay, những thế hệ sinh ra từ gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam cần hiểu rõ những gì cha ông mình đã trải qua, đã được chính thể Ngô Đình Diệm đối xử như thế nào. Theo những con số thống kê chính thức vào năm 1956, dân số miền Nam chỉ có 12, 366 triệu người, như vậy, trước khi tiếp nhận đồng bào di cư từ miền Bắc vào, dân số miền Nam chưa đến 11,5 triệu người. Vậy mà, vào những năm 1954-1955, ông Diệm và bộ tham mưu của ông đã lo chu toàn cho cuộc sống của thêm gần một triệu người vượt cả ngàn cây số để vào Nam. Ông cho thành lập ba Phủ Tổng ủy quan trọng đặc trách những vấn đề liên quan đến đồng bào di cư miền Bắc. Phủ Tổng ủy Di cư lo tiếp nhận đồng bào mới đến, ổn định tạm thời cuộc sống của họ; Phủ Tổng ủy Dinh điền phụ trách thành lập các khu dinh điền, khu trù mật tại những địa phương còn nhiều đất rộng, chưa canh tác hết, để đưa đồng bào đến định cư lâu dài; và Phủ Tổng ủy Hợp tác xã và Nông tín nhằm cung cấp tín dụng hỗ trợ đời sống của đồng bào các khu dinh điền, khu trù mật, giúp họ có vốn liếng canh tác làm ăn trong khuôn khổ các hợp tác xã được lập ra vì mục đích công ích. Vào thời điểm đó, nhiều khu vực hoạt động tốt, đời sống người dân ổn định và ngày càng phát triển, như khu định cư Hố Nai, Biên Hòa, khu trù mật Hậu Mỹ, quận Cái Bè, khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu thuộc tỉnh Chương Thiện, tách ra từ các tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ), Kiên Giang (Rạch Giá)… Đặc biệt khu dinh điền Cái Sắn nằm trong phạm vi hai tỉnh Kiên Giang và An Giang (Long Xuyên), mỗi gia đình được cấp một vuông đất ngang 100 mét, dài một cây số, day mặt ra một con kênh đào, cứ hai nhà đâu lưng nhau giữa 2 con kênh đào cách nhau 2 cây số. Để có một khu vực vuông vắn như thế, chính quyền đã phải di dời nhiều hộ dân địa phương, phần lớn theo đạo Hòa Hảo, đến nơi khác, đất không tốt bằng. Song do chính sách đúng đắn nhằm hỗ trợ đồng bào di cư, không dính dáng gì đến quyền lợi cá nhân hay bè phái, đồng bào địa phương sẵn lòng hi sinh một phần quyền lợi riêng của họ. Năm 1968, khi tôi xuống làm chính quyền ở quận Kiên Tân, tỉnh Kiên Giang, trong đó có phần lớn khu dinh điền Cái Sắn, từ kênh 1 đến kinh 10, đồng bào di cư Cái Sắn đã có của ăn, của để, lúa thóc đầy bồ, tắc-ráng (loại xuồng máy đuôi tôm nhỏ) chạy ngang dọc các kinh đào như đi trẫy hội.
Những năm tháng khó khăn ban đầu, vừa ổn định chính trị, vừa bình định các tổ chức vũ trang chống đối quyết liệt (Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài…), vừa tiếp nhận và lo cho cuộc sống của hàng triệu đồng bào chân ướt chân ráo vào Nam, nếu không có những bộ óc sáng suốt, vì dân, và một đội ngũ công chức biết xả thân vì đại cuộc, miền Nam không thể nào có một bộ mặt ổn định 9 năm liền. Trong những ngày qua, trên một vài trang FB, một số bạn trẻ bị đầu độc bởi những thứ văn hóa phẩm “bưng bô”, xuyên tạc, lên án cái gọi là ‘tình trạng tham nhũng” của thời ông Diệm. Xin thưa, nếu thời đó có tham nhũng chăng, thì cũng chỉ bằng 1% của thời đại chúng ta đang sống. Không kể những quan to chức lớn nuôi tham vọng xây biệt phủ, mua nhà nước ngoài hay cho con đi du học, tham nhũng ngày nay được nhiều công bộc sử dụng như một loại biện pháp “chữa cháy” trước đồng lương thấp kém, đời sống khó khăn. Thời ông Diệm, một công chức trung cấp nuôi sống được cả gia đình 4-5 miệng ăn. Khoảng đầu thập niên 1960, học sinh, sinh viên, công chức xa nhà ăn cơm tháng trả khoảng 500 - 600 đồng, trong khi lương tháng một viên chức mới tốt nghiệp đại học gần 7 ngàn đồng, phụ cấp một dân biểu Quốc Hội (tất nhiên là chuyên trách hoàn toàn) 25 ngàn đồng/tháng, một dược sĩ cho thuê bằng mỗi tháng 20 ngàn đồng. Nhìn vào các con số thống kê chính thức (của Viện Quốc gia Thống kê VNCH) công bố vào thập niên 1960, mới thấy tiếc nhớ đời sống kinh tế - xã hội dưới chính quyền Ngô Đình Diệm. Niên khóa 1955-56, tổng số sinh viên – học sinh chỉ ở mức 665.000 (lấy số tròn), đến niên khóa 1963-64, đã lên tới con số 1.936.000 người, tăng gần gấp 3 lần; tổng chỉ số giá tiêu thụ (trên cơ sở giá tháng 12/1963 là 100) của giới lao động vào năm 1954 là 74,5, vào năm 1962 là 94, và vào năm 1970, sau gần 7 năm chính quyền nằm trong tay các quân nhân, là … 664, tức mức đắt đỏ cao gấp 9 lần chỉ số năm 1954 và 7 lần chỉ số năm 1962! Thịt heo năm 1954 giá 2,4 đồng/kg, 8 năm sau (1962) chỉ tăng thêm 2 cắc, giá 2,6 đ/kg, một viên chức cấp thấp, lương 2.000 đồng/tháng mua được khoảng 770 kg thịt heo, tính theo thời giá trung bình 70.000 đồng/kg thịt heo, khoản tiền trên bằng với gần 54 triệu đồng. Năm 1962, tôi thi đỗ vào Học viện QGHC với học bổng 1.500 đồng/tháng, trả tiền cơm tháng cho người cô 500 đồng, còn 1.000 đồng bỏ túi, đi xe buýt 1đồng/ chuyến, ăn tô hủ tiếu 5 đồng, tiêu hoài không hết.
Nhắc chuyện khu dinh điền, khu trù mật thời chính quyền Ngô Đình Diệm, xin kể hai trường hợp cá biệt:
- Những năm 1955-1960, tình trạng an ninh tại miền Nam còn khá ổn định, hầu hết sinh viên tốt nghiệp HVQGHC đều được bổ nhiệm làm Quận trưởng tại địa phương. Khoảng năm 1955-1956 ông Nguyễn Đình Xướng, khóa 1 QGHC, làm Quận trưởng Cái Bè, chịu trách nhiệm xây dựng khu trù mật Hậu Mỹ. Một ngày nọ, ông Diệm đi kinh lý, chứng kiến sự tổ chức tinh tế, khoa học của khu trù mật, hết sức khen ngợi ông Quận trưởng, khi trở về đã thăng ông Xướng làm Tỉnh trưởng Vĩnh Bình (Trà Vinh), đến khi quân sự hóa lãnh đạo cấp tỉnh (khoảng 1959-1960), ông Xướng còn được tiếp tục làm Tỉnh trưởng với cấp bậc Thiếu tá giả định. Con đường thăng tiến của viên chức này luôn suôn sẻ, sau Tỉnh trưởng Vĩnh Bình là Tổng thư ký Bộ Nội vụ, rồi cuối cùng là Tổng quản trị HC Phủ Tổng thống, mãi đến tháng 6.1975, mới chịu dừng lại, với cương vị người bạn tù cải tạo cùng một nhà, một đội với tôi tại trại Long Thành.
- Thời ông Diệm, số công chức như ông Xướng khá nhiều, nhưng không phải không có đôi trường hợp bê trễ, tắc trách. Người ta kể rằng lần nọ, Phủ tổng thống loan báo chuyến kinh lý của Tổng thống đến tỉnh Bình Tuy (Hàm Tân) thăm một khu trù mật ở đây. Quan chức nghe tin rụng rời vì công việc tổ chức khu trù mật chưa hoàn tất theo tiến độ đã trình. Cuối cùng, họ chọn một hạ sách là chờ đến sáng ngày Tổng thống đến, đi nhổ cây xanh ở những nơi xa, đem trồng hai bên đường. Khi ông Diệm ngồi xe trên đường về tỉnh, thấy hai bên đường cây xanh tốt, bèn dừng xe lại, đến gần những cây trồng, trầm trồ khen ngợi, chẳng ngờ cây trồng cạn quá, chỉ mới đụng qua đã bật gốc. Nhận ra mình vừa bị lừa, cụ giận lắm, nhưng chưa biết thể hiện thái độ bằng cách nào, sẵn chiếc nón Fléchet bằng nỉ đội trên đầu, cụ nhấc lên và quẳng mạnh. Ông Tỉnh trưởng Bình Tuy là Thiếu tá Lê Văn B. đi cạnh Tổng thống đã kịp nhảy tới, hai tay chụp gọn chiếc nón, nhanh và chuẩn xác như thủ môn Buffon thời hiện đại. Giai thoại này tôi nghe kể lại từ anh Trần Văn K. P., Trưởng ty Y Tế Bình Tuy, có mặt trong phái đoàn đón cụ Diệm lúc bấy giờ.
Lê Nguyễn
2.11.2017
"
https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/1451481911616447
Chưa bàn chuyện các con số chính xác tới đâu, không quan trọng.
Trả lờiXóa- Lê Nguyễn không đề cập tới v/đ mấu chốt và có lẽ cũng sẽ không giải thích được là thu nhập của cái gọi VNCH như thế nào, từ nguồn nào, để cho những con số về đời sống như vậy. Thí dụ minh họa phần nào : 1 tay buôn lậu ma túy chẳng hạn , sẽ có thể tạo cho gia đình mình 1 cuộc sống sung túc hơn 1 nhà hàng xóm sống tử tế, và tay ma túy sẽ không giải thích công khai được bao giờ.