Từ hôm qua, trên mạng xã hội Fb, xuất hiện thông tin anh đã đột ngột tử nạn trên đường tác nghiệp, do tai nạn giao thông. Lúc đầu, sau bất ngờ cực độ, tôi nghĩ có thể là tin chưa chính xác.
Anh là bạn qua blog từ nhiều năm nay, đôi khi tôi ghi bình luận bên blog anh (blog Thiềm Thừ), đôi khi anh ghi cảm tưởng bên blog tôi. Một lần, anh gửi e-mail từ khoảng 5 hay 6 năm trước, thông báo về việc một người bạn chung đang ở Nha Trang vừa bị trộm đột nhập vào nhà, không chỉ bị mất nhiều tài sản mà còn bị sang chấn tinh thần, mọi người nên gọi điện động viên. Sau này, hỏi thêm một số người xung quanh, biết là anh luôn lo nghĩ cho đồng nghiệp, cho đàn em như vậy.
Tôi thì quen gọi anh là "anh Cóc", vì anh tự lấy hiệu là "Thiềm Thừ".
Trong cảm tưởng của tôi, anh Cóc là một nhà báo xung kích, và hết sức nghiêm túc (với nghề, với nội dung theo đuổi, với chính bản thân mình).
Phóng viên Nguyễn Đình Quân phỏng vấn ông Huỳnh Văn Nén ngày 23/10/2015, sau khi ông Nén được tại ngoại (đọc toàn văn ở đây) |
1. Khi vụ Hòn Đỏ ở Nha Trang đang nóng, anh Cóc đưa lại tư liệu với một nhận định ngắn gọn. Xem lại ở đây (tháng 12 năm 2014; có bài của anh Cóc viết năm 2008, chép nguyên về Bổ sung 7).
2. Một lần dự triển lãm tranh Bắc Hàn, anh cũng đưa tư liệu thú vị (xem lại ở đây). Biết bạn bè thích tranh Bắc Hàn, anh còn cẩn thận gửi tranh ở cỡ lớn tới địa chỉ mail của từng người.
3. Một mảng tư liệu thuyết phục của anh là về Hoàng Sa và Trường Sa. Anh đã từng phổ biến một cẩm nang về Trường Sa trên blog, xem lại ở đây (tháng 12 năm 2014).
Dưới là sưu tập một ít bài báo tiếc thương sự ra đi của anh Cóc.
---
.
5.
07/09/2017 19:33
4.
http://www.baokhanhhoa.com.vn/van-hoa/201709/vinh-biet-mot-nha-bao-giau-nhiet-huyet-8052118/
3.
Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: chồng, cha của chúng tôi là:
Ông Nguyễn Đình Quân
Sinh ngày 24-6-1962 - Tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên
Phóng viên thường trú báo Tiền Phong tại tỉnh Khánh Hòa
Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (33 tuổi Đảng)
Đã từ trần vào lúc 8 giờ 20 phút - Ngày 6-9-2017
(Nhằm ngày 16 tháng 7 năm Đinh Dậu)
Linh cữu được quàn tại nhà riêng
Số 1CTuệ Tĩnh, P.Lộc Thọ, TP.Nha Trang, T.Khánh Hòa
Lễ viếng bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút Thứ Năm, ngày 7-9-2017
Lễ truy điệu lúc 8 giờ Thứ Sáu, ngày 8-9-2017
Lễ Động quan vào lúc 9 giờ Thứ Sáu, ngày 8-9-2017
Sau đó linh cữu được hỏa táng tại Nhà Hỏa táng Nghĩa trang phía Bắc, TP. Nha Trang, T.Khánh Hòa
Bà quả phụ Lê Minh Tuyến
Con Nguyễn Huy Toàn
Con Nguyễn Phương Anh
Đồng kính báo
http://www.baokhanhhoa.com.vn/raovat-tuyendung/khac/201709/cao-pho-8052094/
5.
07/09/2017 19:33
Anh Quân ơi!...
TPO - Không chỉ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, mà tôi biết hôm nay rất nhiều những người lính đang đứng gác trên các đảo chìm đảo nổi Trường Sa cũng đang khóc anh đấy, anh Quân ơi !...
“Chú có facebook không?”. “Em không rảnh để suốt ngày khoe mẽ, chụp ảnh bánh xèo post lên khen đáo khen để nơi này đáng yêu đáng sống để rồi góp phần…ăn tàn phá hại đất nước, he he!”. Anh bật cười ha ha, quay sang vợ: “Em nghe nó nói chưa, nói anh góp phần “ăn tàn phá hại”, vẫn cái giọng sẵn sàng gây gổ”. Chị cười theo. Nụ cười mà khi tôi biết chị đến giờ, hình như chưa một lần trọn vẹn, hiện ra trong bộ dạng tất tả của người phụ nữ gốc vùng chiêm trũng Bắc bộ. Năm kia mà như mới đó, anh chị và hai con về Hà Đông thăm mẹ già, trên đường vào ghé Đà Nẵng. Đang mưa. Thèm bánh xèo. Trần Tuấn gọi, kéo nhau qua đường Nguyễn Văn Thoại sát biển kiếm quán bánh xèo để ăn. Mưa rột roạt mái tôn của quán nghèo. Bánh ngon. Chẳng hẹn mà gặp, tối đó vợ chồng anh Xuân Ba vào đám cưới con người bạn cùng làng. Thế là tưng bừng...
Tôi nhớ, lần đó về đầu quân ở Tiền Phong mới được ba tháng, khi đang ngồi nhậu với anh tại một quán gần biển ở Nha Trang, thì anh Ngọc Nam, lúc đó là Phó Ban TKTS gọi vào làm gửi ảnh thẻ gấp để làm thẻ nhà báo. Anh nói “mày đứng dựa vào tường kia, tao chụp”. Nói dứt lời, anh rút trong túi quần ra điện thoại như bàn tay. Ảnh rọi ra, tôi như thằng có lệnh truy nã, mặt đỏ gay vì rượu. Lại tiếp “mẫu tao có rồi, mày coi điền vào đi, anh sẽ gửi ra cho”.
Trưa đó tôi ăn cơm nhà anh, căn nhà bình dị như bao nhà công chức ở khu Quân y 18 của bộ đội Hải quân. Nói chuyện biển đảo, tôi nhớ lúc sôi lên chuyện đảo này đảo kia ở Trường Sa bộ đội ta đóng giữ năm nào, Trung Quốc lấn chiếm ra sao, trong một lần gặp, anh điềm tĩnh rằng, mình nói thật, trên mạng nhiều người nói sai lắm. Năm nào cũng thấy anh đi Trường Sa.
Tôi chưa một lần hỏi, nhưng tôi đoan chắc, trong tâm hồn anh, là một vùng bão gió, một trái tim luôn mẫn cảm với từng giọt nước, vốc cát ngoài xa xanh kia, vốn là máu thịt Tổ quốc. Có lẽ máu người lính chảy trong huyết quản, nên lần giở những bài viết, nhất là chống tiêu cực nơi anh, sẽ thấy như lấp ló đằng sau những câu chữ, là lời thề quyết tử đến cùng... Bữa cơm vội vã qua mau, tôi ngó căn nhà tuềnh toàng, càng thêm hiểu anh đã ...miễn dịch trước những trò đời. Anh đưa tôi ra bến xe, chưa kịp hỏi bán vé chỗ nào, thì anh dúi vào tay tôi cái vé, không biết anh mua từ bao giờ.
Những chớp lóe những lần gặp, í ới thăm nhau qua điện thoại, những nhắn tin “anh về Hà Nội bằng đường sắt nhưng không ghé được...”, như thủ thỉ nhẹ nhõm mà ân cần, tất cả tạc trong tôi người đàn ông Hà Nội bao giờ ăn vận cũng giản dị, gọn gàng, nhưng sống nơi phố biển, mang đậm phong cách của lính, nên bao dữ dằn nó lặn vào trong, hòa trộn thành một mẫu người từ tốn nhưng kiên quyết. Tin dữ sáng nay đến với tôi, chết đứng. Đôi mắt to, lúc nào cũng sáng lên ấm áp, lành hiền, có lúc ngơ ngác như như một thầy giáo làng đang từ từ hiện ra, nụ cười sáng, như nhắc lại cái câu mỗi lần gặp “loại như mày, đố làm quan được”…
“Mỗi lần ra Trường Sa, tôi đều tác nghiệp với tâm thế của người lần đầu được ra đảo. Tôi không bao giờ cho rằng đi Trường Sa là đi chơi, đi cho biết. Nếu có thể, tôi sẽ đi Trường Sa nhiều lần nữa để viết về vùng biển, đảo thân thương của Tổ quốc mình, viết về những người lính, người dân, những em bé thân yêu đang làm nhiệm vụ, sinh sống ở nơi đầu sóng ngọn gió” - nhà báo Nguyễn Đình Quân
Đó là Trung Việt nó nhớ nó viết về anh đấy, anh Quân! Khi sáng nay, ở Đà Nẵng anh em bàng hoàng nhận được tin dữ về anh. Mà không thể tin được, về cú tai nạn xảy đến với một người đàn ông phong thái điềm tĩnh luôn toát ra sự vững chãi, mạnh mẽ. Thì ít nhất hai đợt tai nạn trước đó đã không làm gì được anh. Một lần bị ngã xe máy trên đèo Cả, vỡ bánh chè khập khiễng suốt mấy năm. Lần nữa cũng xe máy trên đường công tác khiến anh bị chấn thương sọ não, rất nặng, để rồi tôi đùa, chắc từ nay anh sẽ chuyển sang…làm thơ mất! Những đường những đèo miền Trung “đòn gánh” sao mà dằng dặc, làm một cái tin phải chạy qua mấy tỉnh với mấy trăm cây số đường. Mà anh đến tận cuối đời, ngã xuống vẫn chỉ với chiếc xe máy tuyền toàng. Với căn bệnh thoát vị đĩa đệm triền miên…
Anh, khi rời quân ngũ về làm báo Tiền Phong ở miền Tây một thời gian, sau về với Ban đại diện miền Trung, đứng chân Phú Yên quê vợ. Còn tôi, cũng từ đoạn 1995-1996 ấy, cũng mải miết với Bình Định, Quảng Ngãi – những điểm nóng của miền Trung thời ấy về oan khuất, tiêu cực, bức hại người dám đấu tranh. Trên những chuyến xe đò cà khổ lắm khi phải đứng treo chân suốt mấy trăm cây số. Mỗi chuyến công tác của tôi, bao giờ xuống xe cũng thấy anh đứng chờ sẵn. Có lần ở Nha Trang, tôi bất chợt “phát hiện” ra trong túi không còn đồng bạc để về xe. Vợ chồng anh vét những đồng cuối cùng dúi cho tôi…
Một trong những sự kiện báo chí gây chấn động của Tiền Phong kéo dài từ tháng 7/1999 đến tháng 11/2000 tại Bình Định, là vụ giải oan cho ông Trương Công Thiết. Cựu chiến binh Trương Công Thiết cùng một số đồng chí đứng ra tố cáo tham nhũng tại Chi cục Di dân và Phát triển kinh tế mới Bình Định. Nhưng oái oăm, những kẻ sai phạm không bị xử lý, còn ông Thiết và một số đồng chí lại bị kỷ luật nặng nề, buộc nghỉ việc, khai trừ Đảng... Loạt bài “Kẻ sai được yên vị, người tố bị giúi đầu” của chúng tôi mà anh làm chủ công kéo dài đến 9 bài, vắt qua 2 năm trên Tiền Phong gặp vô vàn cam go, phức tạp, thậm chí có lúc phải “đối đầu” gay gắt trên mặt báo cả với cơ quan báo chí địa phương. Sau này theo đuổi vụ Huỳnh Văn Nén anh cũng gặp vô vàn trở ngại, nhưng không “đơn độc” đáng sợ như vụ ông Thiết.
Từ loạt bài trên Tiền Phong, Bộ Chính trị sau đó cử Tổ công tác vào thẩm tra làm rõ. Kết quả sự thật đã không thể bôi xóa: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã ra quyết định khôi phục Đảng tịch cho ông Thiết, gỡ oan cho những cựu chiến binh khác…
Chiều nay, lần giở tư liệu cũ từ ngót 20 năm trước, đọc lại những bản “Báo cáo công tác” do anh soạn thảo gửi lãnh đạo Ban biên tập cập nhật từng bước về vụ việc này, những dòng chữ nén lại thật nhỏ để tiết kiệm tiền fax, tôi nước mắt cứ chực trào ra…
Nhớ năm ấy, vụ việc vào giai đoạn căng thẳng nhất, khi ông Thiết cùng người cháu trong đêm chạy xe máy từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi để gửi đơn thư kêu cứu, thì bị công an chặn bắt ngay tại đèo Bình Đê với lý do “gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy”!. Toàn bộ 442 trang tư liệu, đơn từ của ông Thiết tất nhiên bị thu giữ. Trước tình hình ấy, một chiều mấy anh em tôi và anh Viết Hiền (báo Bình Định, cộng tác viên thân thiết của Tiền Phong) quyết định về Quảng Ngãi tìm đến nhà ông Đỗ Quang Thắng.
Ông Thắng nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vừa nghỉ hưu. Để trình bày với ông về vụ ông Thiết. Gặp phóng viên, ông Thắng cũng lập tức bức xúc, bởi chú cháu ông Thiết quần áo xốc xếch, bộ dạng thất thần cũng mới từ nhà ông ra. Ông Thiết trình bày rằng sở dĩ ra Quảng Ngãi để đến bưu điện gửi đơn kêu cứu cho an toàn. Chứ gửi từ Quy Nhơn toàn bị “thất lạc”, không đến tay người nhận. Ông Thắng còn nói thẳng, ngay trước nhà ông lúc ấy cũng có những người lạ mặt lảng vảng theo dõi, mà ông thừa biết đó là “ai”…
Cuối năm 1999, Phú Yên, Bình Định quay cuồng trong trận lũ lịch sử, riêng một làng như xóm Trường (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) có tới 18 người chết, có những thi thể không được tìm thấy. Cánh phóng viên trẻ miền Trung khi ấy là Nam Cường, Nguyễn Huy, Nguyễn Thành, Việt Hương được “tung” hết vào tâm lũ. Anh Quân, khi ấy từ Phú Yên đã chuyển vào thường trú tại Nha Trang, là người chỉ huy tiền phương. Và ngay ngày đầu, khi tòa soạn chưa kịp hỗ trợ, anh đứng ra đôn đáo vay mượn tiền, mua nhu yếu phẩm để kịp cứu trợ cho bà con nơi tâm lũ. Để chạy xe máy từ Nha Trang ra Phú Yên, anh đã phải đeo đai lưng ép chặt cái đĩa đệm mới có thể ngồi vững được….
Là nhà báo, nhưng Nguyễn Đình Quân có thể nói là một trong số ít những người am hiểu sâu sắc nhất, và cũng máu thịt nhất về chủ quyền biển đảo hiện nay, nhất là về quần đảo Trường Sa. Hầu như năm nào anh cũng có mặt ở Trường Sa. Và chỉ chọn những chuyến hải hành vất vả, vào mùa sóng gió nhất để ra cùng lính đảo. Có cảm giác anh thuộc tên thuộc tuổi, biết hoàn cảnh của từng người lính ở mỗi đảo chìm, đảo nổi. Bởi anh cũng từng là một người lính chiến thực thụ.
Nhớ có những đêm ở Đà Nẵng, tôi được dự cuộc gặp của anh với bạn bè thời quân ngũ. Những người cùng xuất thân từ Học viện Kỹ thuật quân sự rồi đi chiến trường K. Là những chuyến anh cùng bạn bè đi tìm di hài đồng đội. Chung tay động viên chia sẻ những đồng đội gặp hoàn cảnh ngặt nghèo…
Biết bao đường đèo hung hiểm anh đã qua, báo giông bão cuộc đời anh đã vượt. Vững chãi vậy, mà sáng nay anh lại ngã xuống nơi thành phố biển tưởng chừng bình yên.
Anh Quân ơi !...
Đà Nẵng, ngày 6/9/2017
TRẦN TUẤN – TRUNG VIỆT
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/anh-quan-oi-1184731.tpo
4.
Vĩnh biệt một nhà báo giàu nhiệt huyết
Thứ Tư, 06/09/2017, 20:06 [GMT+7]
Sáng 6-9, làng báo Khánh Hòa thảng thốt khi biết tin nhà báo Nguyễn Đình Quân - phóng viên Báo Tiền Phong thường trú tại Khánh Hòa vừa qua đời vì tai nạn giao thông khi đang trên đường đi tác nghiệp. Bàng hoàng, đau lòng không thể tả! Mới hôm qua thôi, anh còn đăng status về biển đảo, đăng ảnh về những đứa trẻ ở làng đảo với nụ cười hồn nhiên.
Nhiệt huyết của người lính cầm bút
Nhắc đến nhà báo Nguyễn Đình Quân, anh em đồng nghiệp nhớ đến một nhà báo năng nổ, đầy nhiệt huyết. Dấu chân anh không chỉ in khắp nhiều tỉnh trong khu vực, hết lên rừng lại xuống biển. Từng là người lính chiến trường Campuchia, khi theo nghiệp báo, anh mang theo “chất lính” vào trong trang viết. Những điểm nóng luôn có mặt của anh. Còn nhớ, năm 2007, khi trại cá sấu của Khatoco ở Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) bị vỡ vì một cơn lũ quét. Nguyễn Đình Quân là một trong những phóng viên có mặt sớm. Sau khi lấy đầy đủ tư liệu, anh cùng tôi đã phải nhịn đói để viết bài cho kịp gửi về tòa soạn. Những ngày sau đó, anh cùng với cánh phóng viên trẻ đeo đuổi phản ánh việc truy bắt cá sấu bị sổng chuồng. Tháng 11-2009, khi tỉnh Phú Yên phải hứng chịu trận lũ lụt lịch sử, anh đã bất chấp hiểm nguy đến tận rốn lũ ở vùng Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân để viết bài phản ánh. Những vụ phá rừng, khai thác quặng trái phép xảy ra ở Khánh Vĩnh, anh đều đi tận nơi, có bài viết phản ánh tình hình, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Với trách nhiệm của một người lính cầm bút, nhiệt huyết với nghề, anh không cho phép mình đứng ngoài điểm nóng.
Không chỉ luôn có mặt kịp thời ở các điểm nóng, trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Đình Quân còn luôn đeo đuổi vụ việc đến cùng. Chính anh cùng một số đồng nghiệp ở các báo đã mạnh dạn viết bài kêu oan cho tử tù Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận) khi vụ án này được đưa ra xét xử lần đầu vào năm 2005. Suốt hơn 10 năm, mỗi lần có phiên xét xử ông Huỳnh Văn Nén, anh lại lặn lội vào Bình Thuận để theo dõi, viết bài. Ngày ông Nén được minh oan, anh hồ hởi như đó là người thân của mình vậy...
Nhà báo của Trường Sa
Đặc biệt, trong nghiệp cầm bút, Nguyễn Đình Quân dành nhiều tâm huyết cho Trường Sa. Anh luôn xung phong để đến với quần đảo bão tố, được nhìn thấy đời sống của người lính đảo. Với gần 10 lần đi Trường Sa, Nguyễn Đình Quân đang giữ kỷ lục là phóng viên đi đảo nhiều lần nhất. Anh hầu như đã đặt chân đến tất cả các đảo, điểm đảo của Trường Sa. Trong những chuyến đi, anh có nhiều bài viết đầy tâm huyết về Trường Sa, về sự hy sinh thầm lặng của những người giữ đảo đăng trên các báo. Blog và Facebook của anh thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh, tư liệu chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; về máu và nước mắt trong quá trình giữ đảo. Trong khi viết về chủ quyền biển đảo, dù là trên báo hay các trang thông tin cá nhân, anh luôn có thái độ rất đúng mực, sẵn sàng phê phán những bài viết quá khích, viết theo kiểu câu view. “Cởi áo lính, chuyển tay súng sang cầm bút. Đình Quân khiến tôi nể phục và trân quý về lối làm báo điềm đạm, minh triết trong từng câu chữ, nhưng rừng rực lửa, không khoan nhượng, né tránh. Trong mọi sự kiện, khi nhiều người ồn ào nói lấy được...Đình Quân lại có góc nhìn riêng, sâu và sắc về bản chất sự kiện, đặc biệt là những bài viết về chủ quyền biển đảo của đất nước”, nhà báo Lê Bá Dương bày tỏ.
Trong những năm qua, nhà báo Nguyễn Đình Quân còn là cộng tác viên thân thiết với Báo Khánh Hòa. Bên cạnh Báo Tiền Phong, Báo Khánh Hòa là một kênh để anh gửi gắm những bài viết tâm huyết. Năm 2012, loạt bài về liệt sĩ Võ Đình Tuấn đăng trên Báo Khánh Hòa đã gây xúc động lớn. Loạt bài này được trao giải Nhất - Giải báo chí Khánh Hòa 2012. Một trong những bài viết gần nhất anh gửi cho Báo Khánh Hòa là “Rừng phòng hộ bị phá” phản ánh việc phá rừng trái phép ở xã Khánh Phú, Khánh Vĩnh. Bài viết đã gây sự chú ý của dư luận cũng như cơ quan chức năng!
|
Sau mỗi chuyến đi, anh còn mang cả quả cây bàng vuông về ươm giống để trồng trong vườn nhà và tặng bạn bè để luôn thấy Trường Sa bên mình. Anh thường kết nối với gia đình các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Bạn bè của anh ngoài đời và cả trên Facebook có nhiều người là lính đảo. Tháng 4-2017, nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng Trường Sa, chính anh đã đề xuất kết nối nhóm phóng viên từng đến với Trường Sa. Còn nhớ, hôm đó, mọi người đã bàn bạc rất rôm rả về kế hoạch góp sức cho Trường Sa như: tặng hạt giống, sách báo… Anh em báo chí cả nước vẫn thường gọi anh một cách trân trọng - Nhà báo của Trường Sa!
Với lớp trẻ trong nghề, Nguyễn Đình Quân luôn là người anh, người đồng nghiệp đáng kính trọng. Anh luôn thân thiện, cởi mở với lớp trẻ. Điều mà những phóng viên trẻ học được ở anh đó chính là nhiệt huyết với công việc, sự cẩn trọng với nghề. Anh vẫn luôn nhắc nhở, bài báo trước hết cần phải đúng, sau đó mới nói đến chuyện hay dở. Bởi “lời nói đọi máu”, một bài báo không đúng bản chất có thể giết chết sự nghiệp một con người, một doanh nghiệp!
Sự ra đi của nhà báo Nguyễn Đình Quân đã để lại nhiều đau đớn, tiếc nuối của anh em đồng nghiệp cũng như bạn đọc. Anh ra đi khi ngọn lửa nghề vẫn còn cháy bỏng, nhiều dự định viết về biển đảo còn dang dở…! Cây bàng vuông - nhân chứng tình yêu Trường Sa của anh vẫn xanh mướt trong vườn nhà, còn anh thì đã vĩnh viễn ra đi. Có nỗi đau nào hơn thế!
THÀNH NGUYỄN
http://www.baokhanhhoa.com.vn/van-hoa/201709/vinh-biet-mot-nha-bao-giau-nhiet-huyet-8052118/
3.
Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: chồng, cha của chúng tôi là:
Ông Nguyễn Đình Quân
Sinh ngày 24-6-1962 - Tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên
Phóng viên thường trú báo Tiền Phong tại tỉnh Khánh Hòa
Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (33 tuổi Đảng)
Đã từ trần vào lúc 8 giờ 20 phút - Ngày 6-9-2017
(Nhằm ngày 16 tháng 7 năm Đinh Dậu)
Linh cữu được quàn tại nhà riêng
Số 1CTuệ Tĩnh, P.Lộc Thọ, TP.Nha Trang, T.Khánh Hòa
Lễ viếng bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút Thứ Năm, ngày 7-9-2017
Lễ truy điệu lúc 8 giờ Thứ Sáu, ngày 8-9-2017
Lễ Động quan vào lúc 9 giờ Thứ Sáu, ngày 8-9-2017
Sau đó linh cữu được hỏa táng tại Nhà Hỏa táng Nghĩa trang phía Bắc, TP. Nha Trang, T.Khánh Hòa
Bà quả phụ Lê Minh Tuyến
Con Nguyễn Huy Toàn
Con Nguyễn Phương Anh
Đồng kính báo
Thứ Năm, ngày 7/9/2017 - 02:30
(PL)- Tôi với Nguyễn Đình Quân, tự Quân “cóc”, facebooker Thiềm Thừ, PV báo Tiền Phong thường trú tỉnh Khánh Hòa, quen nhau cũng đã xấp xỉ gần 20 năm.
Dù đôi lúc cũng có vài bất đồng về góc nhìn đề tài, tranh cãi nhau nhưng chúng tôi thường xuyên trao đổi thông tin, rủ nhau “chia lửa” những vụ việc lớn.
Quân lớn tuổi hơn nhưng vẫn xưng ông, tôi một cách trân trọng, trân trọng như những câu chuyện mà Quân thường tâm sự về những chuyến đi Trường Sa và đau đáu tình yêu biển đảo của mình.
Có lần Quân từng vừa khóc vừa kể chuyến đi Trường Sa vào đầu năm 2011 khi nhận trọng trách mang theo lá thư của ông Võ Ta, cha của liệt sĩ Võ Đình Tuấn, quê ở thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Lá thư của người cha viết rất ngắn: “Cha mẹ Võ Ta - Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14-3-1988. Mong linh hồn con siêu thoát” và nhờ Quân đọc to trên biển Trường Sa rồi hóa vàng lá thư để liệt sĩ Tuấn biết rằng không ai bị lãng quên.
Quân “cóc” là vậy, làm là làm tới nơi tới chốn, cẩn thận từng ly và công tác tư liệu vô cùng tốt. Mười mấy năm trước, khi cùng chúng tôi tham gia vụ án “vườn điều” và vụ án oan “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, Quân đã làm cho nhiều đồng nghiệp nể phục bởi sự bền bỉ, đam mê nghề của mình. Có lẽ ít ai biết hai tấm ảnh chấn động khi Huỳnh Văn Nén cởi áo giữa công đường tố cáo điều tra viên bức cung, nhục hình là của Quân và tôi. Trong khi Quân lưu giữ rất kỹ còn tôi phải may mắn lắm mới tìm lại được. Và cũng ít ai biết nút thắt “lá thư tình” ngụy tạo trong vụ án “vườn điều” nhằm kết tội chín người trong một gia đình giết người vì đánh ghen cũng nhờ sự cần mẫn, siêng năng của Quân mới sáng tỏ hơn.
Tôi vẫn nhớ như in sau phiên tòa mà nhân chứng Y., người được cho là viết giúp lá thư tình cho nạn nhân xuất hiện tại tòa. Bà Y. đã ấp úng khai không khớp. Sau phiên tòa, Quân đã tìm đến quê của bà Y. ở một tỉnh miền Trung thu thập thêm và công bố lá thư trên là ngụy tạo.
Nhà ở Khánh Hòa, tham gia hai vụ án trên ở Bình Thuận theo yêu cầu của tòa soạn khiến Quân vô cùng vất vả, phải đón xe đò lúc nửa đêm đi lại như con thoi để kịp tham dự tòa.
Còn nhớ hôm 3-12-2015, khi các cơ quan tố tụng ở Bình Thuận tổ chức công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén tại Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận), Quân và tôi hẹn nhau có mặt tại nhà ông Nguyễn Thận (nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh) để sáng kịp làm việc. 12 giờ đêm, chúng tôi trải chiếu dưới nền xi măng nhà ông Thận ngả lưng. Thế nhưng mới 3 giờ sáng, Quân lay tôi dậy vừa cười vừa nói: “Ông ngáy quá làm tui thức luôn, thôi dậy uống nước trà, anh em mình bàn chút việc”. Rót nước trà vào ly, Quân “cóc” chậm rãi: “Ông à, tui nghĩ trước khi gia đình ông Nén nhận được tiền bồi thường mình nên vận động xây căn nhà tình thương để gia đình có chỗ chui ra chui vô chứ nhìn thương quá, 17,5 năm trong tù chứ ít gì”.
Thì ra đây là những suy nghĩ, thao thức suốt đêm của Quân chứ đâu phải vì tiếng ngáy của tôi. Quân là vậy, luôn quan tâm đến nhân vật của mình và luôn làm hết sức có thể để có cái kết tròn trịa. Nhà ông Nén sau đó được xây phần lớn cũng là nhờ kêu gọi, đóng góp của Quân “cóc”...
Vậy mà hôm qua, ngày 6-9, nhà báo Nguyễn Đình Quân đã đột ngột qua đời do tai nạn giao thông tại TP Nha Trang khi đang trên đường tác nghiệp.
Đau xót quá, anh Quân ơi!
PHƯƠNG NAM
http://plo.vn/xa-hoi/vinh-biet-nha-bao-nguyen-dinh-quan-725679.html1.
Thứ Tư, ngày 6/9/2017 - 12:03
(PLO)- Nhà báo Nguyễn Đình Quân (SN 1962), thường trú báo Tiền Phong tại Khánh Hòa là một phóng viên được đồng nghiệp yêu mến, một nhà báo luôn nặng lòng với biển đảo nói chung và với Trường Sa nói riêng.
Sáng 6-9, thông tin từ các phóng viên ở các tỉnh miền Trung, nhà báo Nguyễn Đình Quân - phóng viên của báo Tiền Phong tại Nha Trang đã mất vì tai nạn giao thông trên đường xuống cảng Cầu Đá sáng nay (ngày 6-9) khi đang trên đường đi tác nghiệp.
Anh là người rất nặng lòng với biển đảo, với đồng đội, với núi rừng, với người tù oan Huỳnh Văn Nén... Ngoài nickname trên FB là Thiềm Thừ, mọi người vẫn hay gọi anh là Quân Trường Sa, một người luôn gắn bó với Trường Sa với một niềm say mê.
“Cuộc sống vốn ngắn ngủi nhưng anh Quân đã sống hết mình - một người đàn ông luôn biết mang đến niềm vui cho bạn bè, đồng nghiệp, một người phóng viên giàu kinh nghiệm và tình yêu với biển đảo đã chuyển tải những thông tin hữu ích, những câu chuyện thú vị cho độc giả của mình”. Bạn bè anh trên FB đã viết về anh như thế.
Xin vĩnh biệt anh. Chia buồn cùng gia đình anh và báo Tiền Phong.
http://plo.vn/xa-hoi/nha-bao-nguyen-dinh-quan-qua-doi-vi-tai-nan-giao-thong-725562.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.