Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

22/07/2017

Vị đốc học kì lạ người Pháp G. Dumoutier (1850-1904), và di sản để lại

Trong bản tiểu sử công bố vào năm 1904, năm mà Dumoutier qua đời tại Việt Nam và được chôn cất trong một nghĩa trang ở Hà Nội, thì học giả đàn em của ông là Maitre (tác giả bản tiểu sử) đã cho biết về chức vụ của Dumoutier là Đốc học.

Không biết tên Việt Nam của cụ là gì. Tôi xin kính cẩn gọi cụ là cụ Đồ Mười cho thân mật (hệt như cách chúng ta vẫn thường gọi các cụ khác là Đắc Lộ, Cố Cả,...).

Đồ Mười là "ông đồ" tên là "Mười". Người Trung Quốc chuyển tên Dumoutier sang chữ Hán là Đỗ Mục Thê Gia ! Quả là nghe loang loáng thành Tu-mu-tie-ya.

Mọi người đều đã kinh ngạc là làm sao một vị Đốc học bận mải và di chuyên luôn luôn như cụ Đồ Mười lại có thể viết khỏe đến như vậy. Bài viết và sách của cụ ra liên tục. Mà mỗi tác phẩm của Đồ Mười đều là những khảo cứu đáng kính nể, bây giờ đều là hàng kinh điển.

Khoảng chục năm trước, khi viết về Thanh Hòa Tử - một đạo sĩ bí ẩn ở Hà Nội thời cuối thế kỉ 19 - rất bí tư liệu tham chiếu, tôi đã thử mở xem cụ Đồ Mười có gì không. Thì kì lạ, cụ Đồ Mười rất biết về đạo sĩ này !

Ở dưới, là một bài giới thiệu về cụ của Nguyễn Ngọc Tiến, đã đăng trên báo phổ thông từ mấy năm trước.

Giới hàn lâm Việt Nam hầu như chưa có bài nào giới thiệu về Đồ Mười cho xứng tầm của cụ. Mới chỉ có lác đác một chút, như của Nguyễn Nam vào năm 2003 (ở đây).


---









Nguyễn Ngọc Tiến


05:43 Thứ Bảy ngày 20/09/2014

(HNM) - Vừa làm Thanh tra học chính của chính phủ bảo hộ tại Hà Nội vừa dành công sức trí tuệ khảo cứu các công trình văn hóa vật thể và phi vật thể, trong khoảng thời gian 8 năm (1886-1904), Gustave Dumoutier đã công bố gần 60 công trình khảo cứu lớn nhỏ về văn hóa, tôn giáo Việt Nam. Đặc biệt là những khảo cứu về văn hóa, tôn giáo tại Hà Nội. Ông được giới nghiên cứu trong và ngoài nước tôn vinh là nhà Việt Nam học và nhà Hà Nội học người nước ngoài đầu tiên.

Đôi điều về Gustave Dumoutier 

Gustave Dumoutier sinh ngày 3-6-1850 tại tỉnh Courpalay thuộc nước Pháp. Từ nhỏ ông đã đam mê đọc sách lịch sử, khảo cổ và văn hóa. Tốt nghiệp tú tài, G.Dumoutier theo học ngành nhân loại học thời tiền sử. Ngay sau khi ra trường, ông đã có những bài viết về khảo cổ được giới chuyên môn đánh giá cao và nhờ đó ông trở thành hội viên Hội Khảo cổ vùng Seine et Marne. Cảm thấy cần phải có thêm kiến thức hỗ trợ cho công việc khảo cổ, ông đã tự học và đọc rất nhiều sách về lịch sử thế giới và dân tộc học. Bản chất thông minh lại có niềm đam mê nên ông đã thành công trong hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc xuất bản các công trình nghiên cứu không mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ buộc ông phải làm chân sửa morát tại một nhà in.

Hà Nội những năm đầu thế kỷ XIX. Ảnh tư liệu

Năm 1883, các tờ báo trên đất Pháp tràn ngập những bài viết về thuộc địa của nước này ở Châu Phi và Châu Á trong đó có An Nam, đọc các bài viết, ông bị vùng đất xa lạ đầy bí ẩn ám ảnh, ông quyết định theo học tiếng Việt và tiếng Hoa tại Trường Ngôn ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales) trong 3 năm. Cơ hội chu du Bắc kỳ đã đến khi Paul Bert, một nhà sinh vật và là nghị sĩ quốc hội rất quý mến tài năng của ông được Bộ Ngoại giao Pháp bổ nhiệm làm Tổng trú sứ ở Trung kỳ và Bắc kỳ đã mời ông làm trợ lý văn hóa và phiên dịch tiếng Việt, tiếng Hoa. Sau 1 tháng lênh đênh trên biển, hai người tới Hà Nội vào ngày 4-4-1886.

Hà Nội năm ấy đã yên ổn vì quân Cờ Đen (lính sơn cước ở vùng Vân Nam, Trung Quốc) buộc phải về nước theo Hiệp định Thiên Tân nên không còn nạn cướp bóc. Đốc lý Hà Nội bắt đầu cho xây dựng các công trình dân sự như nhà bưu điện Bờ Hồ, tòa đốc lý, ngân hàng… và đang chuẩn bị mở mang khu phố mới ở phía nam Hồ Gươm. Song Hà Nội rất thiếu phiên dịch vì phải chờ đưa từ Nam kỳ ra nên Paul Bert giao cho G.Dumoutier nhiệm vụ tổ chức công việc học chính ở Bắc kỳ. Và chỉ trong một thời gian ngắn, từ một vài trường dạy tiếng Pháp, G.Dumoutier đã thành lập được trường thông ngôn và 13 trường dạy tiếng Pháp cho học sinh nam và nữ tại Hà Nội.

Để tranh thủ giới Nho sĩ Bắc kỳ và mong muốn họ hưởng ứng chính sách "hợp tác" với nhà nước bảo hộ Pháp, ngày 3-7-1886, Tổng trú sứ Paul Bert đã ký nghị định thành lập Viện Hàn lâm Bắc kỳ (Académie tonkinoise). Viện do chính Paul Bert làm chủ tịch. Ngoài một số người Pháp còn có người An Nam trong đó có tiến sĩ đệ nhị giáp Nguyễn Tư Giản (1823-1890) và Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909).

Mục đích của Viện Hàn lâm Bắc kỳ là nghiên cứu tất cả những gì có thể về văn hóa vật thể và phi vật thể ở Bắc kỳ, giữ gìn và bảo tồn chùa chiền, đền đài; giúp người dân Bắc kỳ hiểu biết về khoa học hiện đại và những tiến bộ của văn minh thế giới bằng cách cho dịch tư liệu từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, thành lập thư viện tại Hà Nội… Để tránh sai lầm đã xảy ra ở Nam kỳ nơi mà chính quốc muốn Pháp hóa dân bản xứ, khiến họ có nguy cơ trở thành người ngoại quốc ngay trên quê hương mình, Paul Bert và G.Dumoutier yêu cầu các viên chức Bắc kỳ theo học chữ Nôm và chữ Hán. Đây là chính sách uyển chuyển và khôn khéo của Paul Bert và G.Dumoutier trong cai trị khi đưa ra quan điểm tôn trọng các định chế, phong tục tập quán của người bản xứ.

Một nhà Hà Nội học

Ngay sau khi đặt chân đến Hà Nội, công việc bù đầu nhưng mỗi khi có thời gian là G.Dumoutier lại đến các đền chùa. Giỏi chữ Hán và chữ quốc ngữ nên ông dễ dàng hiểu được nội dung các câu đối, văn bia ở chùa hay đình, đền. Ông tỏ ra vô cùng thích thú khi ngắm nhìn đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa, lại càng khâm phục hơn khi đọc câu đối trước cổng và trong đền. Trong bài viết về đền Ngọc Sơn đăng trên Báo "Tương lai Bắc kỳ" (Avenir du Tonkin), sau này đưa vào cuốn "Những ngôi chùa Hà Nội" (Les pagodes de Hanoi), ông mô tả kỹ lưỡng về kiến trúc đền, còn về thần Văn Xương ông viết: "Tên gọi Văn Xương luôn luôn rực rỡ dưới bầu trời, học thuyết của ngài lấy mục đích là sự hoàn thiện tinh thần, kẻ nào chăm làm việc thiện nếu chế ngự được bản năng tự nhiên để theo đuổi những lời giáo huấn thánh thiện của sư phụ là luôn kiếm tìm hạnh phúc bản thân niềm vui sẽ đến. Hãy học tập và suy nghĩ về những sách kinh". Những nhận định này đã chạm vào cốt lõi trong tinh thần hiếu học và trọng văn chương chữ nghĩa của người Hà Nội nói riêng và Bắc kỳ nói chung.

Nhận xét về cuốn "Những ngôi chùa Hà Nội", André Massan người từng phụ trách thư viện ở Hà Nội thập niên thứ nhất thế kỷ XX viết trong cuốn "Hà Nội giai đoạn 1873-1888" như sau: "Đó là những bài nghiên cứu đặc sắc". Cuối bài biên khảo về đền Ngọc Sơn, G.Dumoutier viết về Tháp Rùa: "Ở giữa hồ còn một cái chùa khác. Đó là một công trình bé nhỏ, có nhiều tầng, các vòm cửa hình cánh cung nhọn. Công trình này mới có khoảng từ chục năm nay. Nó được xây trên vị trí một ngôi đền nhỏ trước đó thờ thần hồ.

Bên trong, trên tường sơn hai chữ Vinh - bao (Vĩnh Bảo), đó là tên của viên quan đã xây công trình này. Ông ta trước đây ba năm làm Tri phủ Thường Tín, rồi về làm Thương biện phủ Hoài Đức, sau dính vào một vụ chính trị, nên năm 1886 bị cách chức và quản thúc ở Hà Nội. Trên đỉnh công trình, một bên có chữ Vong - dinh (Vọng Đình) và bên kia chữ Quy - son thap (Quy Sơn tháp)". Từ đoạn mô tả này các nhà nghiên cứu (cả người Pháp và người Việt) về Tháp Rùa mới xác định được thời gian xây tháp, đồng thời nó tạo ra nghi vấn tháp này không phải do Bá Kim xây và tháp do ông Bá Kim xây đã bị phá bỏ để xây tháp này. Trong cuốn "Người Bắc kỳ" (Essais sur les Tonkinois) xuất bản năm 1908, về nghề làm đồ sắt tây, G.Dumoutier viết: "Tại Hà Nội có cả một phố chuyên làm nghề này (phố Hàng Thiếc bây giờ - PV). Trước kia thợ sắt tây chỉ làm chóp nón, đĩa đèn, hộp đựng thuốc phiện và vài món đồ lặt vặt khác cho dân bản xứ dùng. Bây giờ họ làm tất cả những sản phẩm của kỹ nghệ phương Tây như: Bình nước, đèn xe, đèn xách tay, đèn nhỏ (lanterne de poche), đủ loại hộp có hình dáng, kích thước khác nhau, giá cắm nến, thùng tưới, bình đựng dầu, ống hình trụ, bồn tắm, hoa sen… Họ lấy sắt tây từ những vỏ bọc các thùng hàng nhập cảng của Pháp, từ những thùng dầu hỏa, hộp đồ ăn". Nhờ đoạn mô tả của G.Dumoutier ta biết rõ hơn về phố Hàng Thiếc cuối thế kỷ XIX và cũng nhờ những mô tả này nhà nghiên cứu Nguyễn Dư ở Pháp đã có cơ sở để chứng minh chiếc đèn dầu (hay còn gọi là đèn Hoa Kỳ) được làm ra từ chính bàn tay của những người thợ thủ công ở phố Hàng Thiếc, không phải do Hoa Kỳ sản xuất. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Dư, đầu thế kỷ XX, Hãng dầu Texaco của Hoa Kỳ đến Hà Nội bán dầu hỏa và để cạnh tranh với Hãng Shell, Texaco bán dầu cho khách dù chỉ một lít cũng tặng miễn phí một chiếc đèn, người mua thấy hãng dầu Hoa Kỳ tặng đèn nên gọi là đèn Hoa Kỳ. Gọi mãi thành quen và ai cũng cứ nghĩ nó là đèn mang từ Hoa Kỳ sang.

G.Dumoutier quen biết rất nhiều các nhà Nho ở Hà Nội và thời gian rảnh rỗi ông lại đến nhà họ hỏi những điều chưa biết hay còn thắc mắc, có khi đàm đạo về thơ phú, nhiều nhà Nho rất khâm phục sự hiểu biết của ông. G.Dumoutier còn tự học chữ Nôm để có thể đọc được các cuốn sách bán ở phố Hàng Gai, điều đó giúp ông hiểu biết sâu hơn về văn hóa Việt Nam.


(Còn nữa)

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/707168/gustave-dumoutier-va-tinh-yeu-van-hoa-viet-nam







06:19 Chủ Nhật ngày 21/09/2014

(HNM) - Edmond Nordemann, tác giả của cuốn “An Nam văn tập” (Chrestomathie Annamite, viết xong năm 1894, xuất bản năm 1898 ở Hà Nội) đã phải thốt lên “Trí tuệ và sức làm việc của ông ấy quả là phi thường”. 

Chỉ trong hai năm (1887-1889), G.Dumoutier đã viết một loạt bài khảo cứu và sách về Hà Nội gồm “Những ngôi chùa ở Hà Nội”, “Chùa Quán Sứ”, “Văn Miếu, đền thờ Khổng Tử ở Hà Nội”, “Nghiên cứu về khảo cổ học và văn minh học tại chùa Trấn Vũ”, “Chùa Hai Bà”... Trong cuốn “Huyền thoại lịch sử An Nam và Bắc kỳ” thì phần huyền thoại Bắc kỳ chủ yếu là ở Hà Nội với truyền thuyết vua Lê trả kiếm cho thần Kim Quy. Đó là những chuyên khảo công phu sớm nhất về các di tích thắng cảnh, lịch sử, tôn giáo Hà Nội, đặc biệt có giá trị trong khảo sát kiến trúc và văn bia tại chỗ vào cuối thế kỷ XIX. Các cuốn sách và các bài khảo cứu có giá trị cho đến hôm nay. Khi nghiên cứu về Hà Nội xưa, không thể bỏ qua các cuốn sách và những bài viết của ông.

Văn Miếu ở Hà Nội đã được Gustave Dumoutier viết thành sách. Ảnh: Anh Tuấn


Đến nhà Việt Nam học

Không chỉ khảo cứu về Hà Nội, G.Dumoutier còn có nhiều công trình khảo cứu về thiết chế chính trị, xã hội và văn hóa dân gian. Trong thời gian làm thanh tra học chính, ông có điều kiện đi đến nhiều vùng miền Việt Nam. Đến đâu ông cũng đi thăm đình chùa, cố gắng tìm gặp các nhà Nho, những người cao tuổi trong làng để tìm hiểu sau đó ghi chép cẩn thận. Từ năm 1890 đến 1903, bên cạnh rất nhiều các bài khảo cứu in trên báo xuất bản ở Pháp và Hà Nội, ông cũng cho xuất bản nhiều cuốn sách như: “Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam”, “Các biểu tượng, biểu hiệu và dụng cụ thờ cúng của người An Nam”, “Thuật phù thủy và bói toán của người An Nam”, “Thuật phong thủy của người An Nam”, “Lễ tang của người An Nam”, “Người Bắc kỳ”... Tiểu luận “Người Bắc kỳ” được đăng thành một loạt bài trong “Tạp chí Đông Dương” từ 15-3-1907 đến 15-2-1908, sau khi ông mất thì in thành sách. Các nhà nghiên cứu cho rằng cuốn sách này có lẽ là cuốn sách có giá nhất về thiết chế làng xã xưa và văn hóa. Những nghiên cứu về làng, giáp cho ta hình dung ra cấu trúc làng ở Bắc kỳ, ông viết “Giáp là một hội lo việc tang ma, tương trợ, trong một số làng khác thì giáp sinh hoạt như một hội có mục đích cùng làm một số nghi thức tôn giáo hay tập tục, giáp cũng có thể chính thức đảm nhiệm việc phân chia cho các gia đình trong giáp phần sưu thuế mà họ phải đóng, tiến hành thu thuế má. Trong nhiều làng khác nữa, giáp lo bảo vệ an ninh trật tự hoặc lo tổ chức hằng năm việc thờ cúng thành hoàng và các lễ hội của làng...”

G.Dumoutier phát triển sự tiếp cận tổng thể với xã hội và các thiết chế của nó. Để làm việc đó, ông tiến hành nhiều nghiên cứu theo chủ đề nhằm phục dựng lại các khía cạnh khác nhau, dù là thuộc làng xã, gia đình, cách ăn uống, y học, tín ngưỡng… Các công trình khảo cứu của ông không chỉ mô tả mà xa hơn ông còn có nhận định, đánh giá vai trò của nó đối với đời sống của người An Nam trên tinh thần khách quan và khoa học. Theo chân ông, nhiều người Pháp cũng nghiên cứu Hà Nội hay Việt Nam theo cách của mình như Henri Orger đã bỏ công sức, tiền của để nghiên cứu nghề in mộc bản ở Việt Nam thông qua cuốn sách “Kỹ thuật của người An Nam”.

Có một câu chuyện rất thú vị liên quan đến một nhà thơ nổi tiếng của nước Nga và những cuốn sách của G.Dumoutier. Trong cuốn “Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam” (Les chants et les traditions populaires des Annamites - NXB E.Leroux, Paris 1890), ông đã sưu tầm các bài đồng dao, ca dao, dân ca sau đó dịch ra tiếng Pháp, xuất bản ở Pháp với mục đích để người dân Pháp và Châu Âu có thêm hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Năm 1918, nhà thơ N.Gumiliev (1886-1921), một đại diện xuất sắc của thế kỷ bạc trong nền thi ca Nga đã xuất bản tập thơ “Lâu đài bằng sứ” bằng tiếng Nga trong đó có 3 bài thơ là “Các cô gái”, “Đồng dao” và “An Nam”. N.Gumiliev chưa từng đến Việt Nam và xứ Đông Dương, vậy tại sao ông có thể viết được những câu thơ đẹp đẽ và mơ mộng đến thế? Hay ông tưởng tượng ra xứ An Nam? Thấy bài thơ “An Nam” quá hay, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã dịch ra tiếng Việt và in trong tập “Một góc thơ Nga” năm 2001.

Vầng trăng lơ lửng treo
Giữa khung trời vô tận
Gió quanh quẩn rặng tre
Hương thơm tràn mát đậm
Cả gia đình bằng an.

Những người lớn uống trà
Đọc thơ ngoài vườn biếc
Đàn trẻ đùa trong nhà
Hồn nhiên và ríu rít
Tiếng khóc nào oa oa.

Cảnh đời hoan lạc thế
Nào có nghĩa gì đâu
Những bạc tiền, danh giá
Nếu ta biết đời sau
Luôn hậu sinh khả úy.

Sau nhiều năm tìm hiểu người ta đã phát hiện ra N.Gumiliev đến Pháp năm 1917. Như vậy ba bài thơ trên không phải do ông làm mà ông đã dịch trong sách của G.Dumontier. Một điều rất tiếc là cuốn “Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam” không phải là sách song ngữ nên không thể biết bài “An Nam”, G.Dumoutier dịch từ bài hát nào ra. Một số người cố gắng tìm ra bản gốc nhưng chưa thể nói là bài dân ca ở vùng miền nào trên đất Việt Nam. Nhà thơ Hồng Thanh Quang cũng không biết N.Gumiliev dịch từ sách của G.Dumoutier.

Bi kịch cuộc đời

Sau khi sang Việt Nam cùng G.Dumoutier làm được một số việc cho công việc học chính thì 6 tháng sau, ngày 1-11-1886 Tổng trú sứ Paul Bert bị chết vì kiết lỵ nên bao nhiêu dự tính của hai người không thành vì các viên tổng trú sứ (sau là toàn quyền) muốn thực hiện chính sách trực trị, dần xóa bỏ văn hóa Việt Nam để áp đặt văn hóa Pháp, viện lý do là mở rộng thành phố về phía tây, Toàn quyền Lanesan đã quyết định cho phá thành Hà Nội. Kế hoạch dạy chữ Nôm và chữ Hán bị thay thế hoàn toàn bởi chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Và rồi Viện Hàn lâm Bắc kỳ, trường Hoàng gia Huế, các lớp dạy Hán Nôm cho công chức đều bị dẹp bỏ. Để thực hiện kế hoạch khai thác thuộc địa lần thứ nhất Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) đã tăng cường dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, dần xóa bỏ kỳ thi Hương để tạo ra lớp người mới thân Pháp hơn. Dù làm thanh tra học chính nhưng thời kỳ Paul Doumer làm toàn quyền G.Dumoutier gần như bị thất sủng. Năm 1903, sau nhiều lần bị trù dập, G.Dumoutier làm đơn xin tạm nghỉ việc, nhưng đơn của ông bị bác và ông bị cho nghỉ hưu vào ngày 23-4-1904. Quyết định này đã ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của ông vốn đã suy sụp. Chán nản ông xuống Đồ Sơn định ở ẩn nhưng tại đây ông lâm bệnh và mất ngày 2-8-1904. Đám ma của ông chỉ có vài người thân trong đó có một số nhà Nho Việt Nam. Ông được chôn cất ở nghĩa trang gần hồ Trúc Bạch. 110 năm đã qua nhưng những nghiên cứu của ông về Hà Nội và Việt Nam vẫn là những di sản quý của ngành Việt Nam học.

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/707314/gustave-dumoutier-va-tinh-yeu-van-hoa-viet-nam-tiep-theo-va-het























VÀI ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ MỘT NGƯỜI BẠN PHÁP G. DUMOUTIER (1850-1904) CỰU GIÁM ĐỐC NHA HỌC CHÍNH Ở TRUNG KỲ VÀ BẮC KỲ


Ông sinh ngày 3-6-1850 tại tỉnh Courpalay, gần Coulommiers ở Pháp. Cụ thân sinh ra ông là một kỹ nghệ gia nổi tiếng, muốn được thấy ông nối nghiệp, nhưng ông lại không thích ngành nghề của bố mình, và chỉ khoái theo đuổi việc viết lách qua các ngành khảo cổ học, lịch sử, phong tục vv…
Ông trở thành hội viên Hội Khảo Cổ vùng Seine-et-Marne và có vài bài viết về khảo cổ khiến ông được nhiều người biết tới. Từ ngành khảo cổ ông còn đảo qua một vài ngành khác như Dân tộc học và Sử học. Trong lúc đang theo học những bài học về lịch sử tại một Bảo Tàng, ông đã có cơ duyên gặp gỡ ông Paul Bert (sau là Toàn Quyền ở Đông Dương), và cuộc gặp gỡ này đã thay đổi hẳn số mệnh của ông. Trong mỗi ngành học ông đều có một vài tác phẩm được in khá nổi tiếng, nhưng vào thời đó, các tác phẩm đó không đủ nuôi sống người viết, nên ông phải làm việc tại một nhà in, và đã có lúc còn có ý muốn trở thành Giám Đốc nhà in đó, nhưng mộng ước của ông không thành.
Vào năm 1883, lúc 33 tuổi, Dumoutier bỗng cảm thấy có khuynh hướng thích làm việc và thích đời sống ở các thuộc địa, đặc biệt là Bắc Kỳ, một thuộc địa được rất nhiều người nói tới. Thế là ông bắt đầu theo học tiếng Việt lúc đó bị gọi là tiếng An Nam Mít và tiếng Trung Hoa tại Trường Ngôn Ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales), và vào năm 1885 ông có thử viết một bài báo nói tới Hoa ngữ trong một tờ Báo về Dân tộc học.
Sau các chuyện xảy ra ở Lạng Sơn vào năm 1886, Paul Bert được bổ nhiệm làm Toàn Quyền ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Ông Toàn Quyền sực nhớ tới người bạn trẻ ông đã gặp và rủ Dumoutier đi cùng với ông với tư cách là thông ngôn tiếng Việt và tiếng Hoa.
Hai người tới Hà Nội vào ngày 4 tháng Tư, năm 1886.
Vào lúc đó, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, vấn đề học chính gần như là phải bắt đầu tổ chức và hoàn thiện vì chỉ có ở Hà Nội và ở Lạng Sơn là có lẻ tẻ vài ngôi trường Pháp-Việt, và về mặt những người thông ngôn, thì tất cả đều đến từ Nam Kỳ.
Mặc dù thời gian tại chức của Paul Bert rất ngắn ngủi (8 tháng Tư tới 11 tháng Mười Một, năm 1886) vì ông qua đời vì bệnh lỵ, nhưng ông đã thực hiện được nhiều việc tốt về mặt học chính.
Vào ngày 5-6-1886, ông giao cho Dumoutier, lúc đó đang trông coi các người thông ngôn và công tác thông ngôn, làm “người tổ chức và thanh tra các trường Pháp-Việt tại Bắc Kỳ, nơi sau này Dumoutier trở thành Giám Đốc Nha Học Chính.
Chỉ trong vòng mấy tháng trời, Dumoutier đã làm việc cực kỳ hiệu quả, và vào lúc Paul Bert qua đời, ở Bắc Kỳ đã có:
- 1 trường thông ngôn;
- 9 trường Pháp-Việt cho nam học sinh;
- 4 trường Pháp-Việt cho nữ học sinh;
- 117 trường tư dạy Pháp văn của người bản xứ ;
Ở Huế có một trường dạy tiếng Pháp cho con cháu những người trong Hoàng tộc và con cháu bọn quan lại.
Ở Hà Nội thành công của Dumoutier là đã lập ra được một dạng Hàn Lâm Viện Bắc Kỳ (Académie tonkinoise) do Nghị định ký ngày 3-7-1886 với một chương trình rộng lớn nhằm vào những việc như: nghiên cứu tất cả những gì có thể nghiên cứu về các sự việc ở Bắc Kỳ - lo giữ gìn bảo tồn các tượng đài, đền đài – giúp cho dân bàn xứ hiểu biết về khoa học hiện đại và các tiến bộ của văn minh bằng cách cho dịch các sách tư liệu bằng Pháp văn sang tiếng Việt – cho thành lập các thư viện - dự tính cho thành lập một Trường Chuyên Ngành và một Trường Nghệ Thuật Trang Trí, và dac975 biệt nhất là cho các viên chức theo học chữ Nôm và chữ Hán. Ở đây ta có thể thấy là Paul Bert và Dumoutier đã muốn tránh sai lầm đã xảy ra ở Nam Kỳ là nơi mà người ta đã muốn hoàn toàn Pháp hóa dân bản xứ, khiến họ có nguy cơ trở thành người ngoại quốc ngay trên quê hương họ. Đồng thờ diều này cũng cho thấy là Paul Bert và Dumoutier rất tôn trọng các định chế và phong tục của người bản xứ.
Rất không may là sau cái chết của Paul Bert, mặc dù Dumoutier đã gắng sức theo đuổi và thực hiện chương trình hai ông đã vạch ra, cái chương trình tốt đẹp này tiêu mòn dần trước sự vô cảm của chính quyền thực dân, để rồi vấn đề dạy chữ Nôm và chữ Hán dần dần (từ Nam Kỳ lan tỏa ra) bị thay thế hoàn toàn bởi chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp. Và rồi dần dần các thứ như Hàn Lâm Viện Bắc Kỳ, trường Hoàng Gia Huế, trường Chuyên Ngành, trường Trang Trí, các lớp dạy Hán Nôm cho công chức đều tàn lụi hết.
Dumoutier đã cố gắng không ngừng nghỉ để tái thực hiện những dự án trong quá khứ của ông, và cũng đã có lúc đạt được phần nào thành công khi. dưới thời Toàn Quyền Paul Doumer, vào năm 1897 Trường Hoàng Gia Huế được tái thiết lập dưới tên Trường Quốc Học, cùng với trường Mỹ Nghệ thực hành.
Cũng trong thời gian đó Dumoutier đã viết rất nhiều tác phẩm về Việt Nam (lúc đó là Bắc Kỳ và Trung Kỳ - Tonkin et Annam) như:
- Mẫu tự và sách tập đọc cho các trường Pháp-Việt (Hà Nội 1886)
- Bài tập tiếng Annam (Hà Nội 1889)
Trong thời gian từ 1887 tới 1889 Dumoutier đã viết một loạt sách đặc khảo về Việt Nam như:
- Huyền thoại lịch sử của Annam và Tonkin
- Các ngôi chùa ở Hà Nội
- Chùa Quán Sứ
- Văn Miếu, đền thờ Khổng Tử ở Hà Nội
- Sách Khảo luận về Thuốc Nam.
Và trong khoảng thời gian từ 1890 tới 1903, ông còn viết một loạt sách khảo cứu giá trị về Việt Nam như:
- Những bài hát và truyền thống Dân gian của người Annam
- Các biểu tượng, biểu hiệu và dụng cụ thờ cúng của người Annam
- Thuật phù thủy và bói toán của người Annam
- Thuật Phong thủy của người Annam
- Lễ tang của người Annam
- Đền Hai Bà
- Thành nhà Mạc
- Tiểu luận về người Bắc Kỳ (được coi như một trong những tác phẩm hay nhất của ông).
Vào năm 1903, sau nhiều lần bị thất sủng, trù dập, Dumoutier làm đơn xin tạm nghỉ việc, nhưng đơn của ông bị bác và ông bị cho nghỉ hưu vào ngày 23 tháng Tư, năm 1904. Quyết định bị cho về hưu khiến ông cảm thấy mình không đáng bị như vậy, và quyết định này đã ảnh hưởng rất nhiều tới tình trạng sức khỏe của ông.
Việc ông coi như bị sa thải này đã khiến ông lâm trọng bệnh và qua đời ngày 2 tháng 8, năm 1904 tại Đồ Sơn gần Hải Phòng. Ông được chôn cất ở Nghĩa Trang Hà Nội rất gần ngôi mộ của vợ mình (Người viết không biết ngay lúc này ông có được cải táng và đưa về Pháp chưa).
Với những gì G. Dumoutier đã làm và đã viết, tác giả Đông Dương này rất đáng được coi là một người bạn Pháp rất tốt của chúng ta…
(*) Viết lại theo một tài liệu của René DESPIERRES rút trong báo Indochine Illustrée.

Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn ngày 10.01.2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.