Một số hình ảnh về cuốn sách mới ra của học giả Nguyễn Kiến Giang, nhân ngày giỗ của ông.
Ảnh lấy về từ Fb.
Dưới là loạt bài của Nguyễn Kiến Giang đã xuất hiện trên talawas.
Có thể thấy nhiều bài trong sách chính là bản in bây giờ của bản đã xuất hiện trên talawas.
---
1. Những bài đã đi trên talawas khi cụ Nguyễn Kiến Giang còn tại thế
2. Đăng lại một ít bài lấy về từ talawas
.
18.4.2006
Nguyễn Kiến Giang
Bài này viết đầu năm 1991, theo yêu cầu của một nhóm lão thành cách mạng, trước Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các cụ rất tán thành những nội dung nêu ra. Nhưng vì những lý do nào đó, các cụ (trừ cụ Lê Giản) không muốn ký tên vào bản kiến nghị này. Tôi đành phi xin phép các cụ để tôi ký tên một mình và gửi đến những địa chỉ cần thiết.
Đặt vấn đề
1. Tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài là hiện thực cơ bản, bao trùm toàn bộ đời sống xã hội nước ta, không ai không thừa nhận. Đất nước giống như một người ốm nặng, chưa gượng dậy nổi. Hơn thế nữa, căn bệnh lại có phần nguy kịch hơn và ngấm vào bên trong. Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là phải vượt qua tình trạng khủng hoảng càng sớm càng tốt. Chưa giải quyết được nhiệm vụ này, thì chưa thể nói tới bất cứ nhiệm vụ nào khác, càng chưa thể nói tới những triển vọng phát triển lâu dài của đất nước một cách cụ thể.
Nhưng trong nhận thức cũng như trong thực tiễn, nhiều vấn đề có liên quan với khủng hoảng vẫn chưa có một sự thống nhất: khủng hoảng này là khủng hoảng gì? Thực chất của nó là thế nào? Nguyên nhân chủ yếu của nó? Có khả năng ra khỏi khủng hoảng không? Thoát ra bằng lối nào?
Đề cương này góp phần phân tích và lý giải những câu hỏi đang làm day dứt tất cả những ai lo lắng tới vận mệnh đất nước lúc này. Trong đề cương, chỉ xin bàn tới những điểm chính, coi như những gợi ý để cùng nhau suy nghĩ và giải quyết.
Khủng hoảng
2. Khủng hoảng gì?
Trong các văn kiện chính thức, khi nói tới khủng hoảng, thường dùng mấy chữ “khủng hoảng kinh tế - xã hội”. Thật ra, đó là khủng hoảng toàn diện, khủng hoảng tổng thể của xã hội, khủng hoảng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội: kinh tế và xã hội, tinh thần và đạo đức, tư tưởng và chính trị. Khủng hoảng ở mỗi lĩnh vực vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của khủng hoảng ở các lĩnh vực khác.
Khủng hoảng trong lĩnh vực kinh tế biểu hiện chủ yếu ở tình trạng lạc hậu kinh tế và kỹ thuật của đất nước. Trong khi nhiều nước trên thế giới đang bước qua giai đoạn văn minh hậu công nghiệp (điện tử - tin học), thì nước ta vẫn chưa ra khỏi giai đoạn văn minh tiền công nghiệp (văn minh nông nghiệp); sản xuất không đủ ăn (1.932 kilôcalo mỗi người mỗi ngày so với yêu cầu 2.300 kilocalo); không tạo được nguồn tích luỹ bên trong đáng kể, chưa đủ bảo đảm tái sản xuất giản đơn, chưa nói tới tái sản xuất mở rộng, trong khi sức ép dân số và thoái hóa môi trường sinh thái ngày càng tăng; lạm phát vẫn ở mức nghiêm trọng; mức tăng giá cả khá cao; tài sản quốc gia ngày càng giảm sút, không ít xí nghiệp đứng trước nguy cả bị mất dần tài sản, kể cả tài sản cố định; ngân sách thiếu hụt nghiêm trọng, dù mức chi ngân sách cho các hoạt động kinh tế và văn hóa rất thấp; nạn buôn lậu hoành hành, thị trường hỗn loạn...
Các quan hệ sở hữu ở nước ta hiện nay không phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, do đó vẫn tiếp tục kìm hãm và phá hoại những năng lực sản xuất xã hội. Rõ nhất là ở khu vực sở hữu nhà nước, khu vực này đang biến thành ổ chứa những tật bệnh hiểm nghèo đối với cơ thể toàn xã hội: tham nhũng, buôn lậu và lãng phí vô tội vạ. Trong khu vực sở hữu tập thể, tuy đã thực hiện “khoán 10”, nhưng người nông dân vẫn chưa thật sự làm chủ mảnh đất của mình một cách đầy đủ, tính tích cực của họ vẫn bị hạn chế. Và cả trong khu vực sở hữu tư nhân, vẫn chưa có luật pháp bảo đảm rõ ràng để mỗi công dân yên tâm làm ăn và đầu tư lâu dài.
Mấy năm vừa qua, kinh tế thị trường được khôi phục và phát triển khá, góp phần đáng kể vào việc giảm bớt những khó khăn về mua và bán, thúc đẩy phần nào các quá trình sản xuất và lưu thông. Đó là một phương hướng tốt, nhưng trong nền kinh tế thị trường của ta đang có nhiều yếu tố bệnh hoạn khiến cho các cơ chế thị trường lành mạnh (cạnh tranh và điều tiết) không hoạt động bình thường được, tạo diều kiện cho những thế lực đen tối lũng đoạn và phá hoại. Kết quả là sản xuất khó khăn và đình đốn, thậm chí có khi bế tắc, mức sống của người lao đông vốn rất thấp lại càng thấp hơn (nói riêng tiền lương, giá trị thực tế chỉ còn bằng 1/3 so với tháng Chín 1985), sức mua xã hội giảm sút nghiêm trọng, đời sống kinh tế chung của xã hội ngày càng khốn quẫn.
3. Nhưng trong khi đa số nhân dân, trước hết là những người lao động lương thiện, lâm vào cảnh nghèo khổ chưa tìm thấy lối thoát, trì trớ trêu thay, một tầng lớp xã hội nhỏ bé lại chiếm đoạt của cải của đất nước một cách ngang nhiên. Tất nhiên, ở đây không nói tới những người do sức lực và trí tuệ của mình mà trở nên giàu có một cách chính đáng (đối với những người này, cần tạo thêm điều kiện thuận lợi hơn để họ có thể giàu có hơn, điều đó chỉ có lợi chung cho đất nước). ở đây chỉ muốn nói tới những phần tử lợi dụng chức vụ và thế lực trong bộ máy nhà nước để hưởng đặc quyền đặc lợi, để kiếm bổng lộc, để tham nhũng, và những phần tử buôn gian bán lận, đầu cơ tích trữ, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và nhân dân. Trong xã hội đã hình thành khá rõ một tầng lớp “tư sản không văn minh” mang tính chất lưu manh, về thực chất cả bọn này lẫn bọn kia đều ăn cắp của nhà nước và nhân dân (trong khi xã hội đang cần có một tầng lớp “tư sản văn minh” để có thể vượt qua tình trạng lạc hậu về kinh tế và kỹ thuật nhanh hơn). Điều không tránh khỏi đã xẩy ra: những phần tử thoái hóa biến chất trong bộ máy nhà nước móc ngoặc với những phần tử tư sản lưu manh trong xã hội, kết thành những mafia có thế lực khá lớn. Chế độ ta lâm vào thế hiểm nghèo vì sự phá hoại và lũng đoạn của chúng.
Sự phân hóa xã hội không lành mạnh đang diễn ra. Một số người ăn tiêu xả láng, phè phỡn trên những đống của kiếm được bằng ăn cắp. Còn đại đa số dân ta, những người lao động lương thiện, ngày càng khốn khổ. Tiền lương thực tế không đủ nuôi bản thân. Hàng chục vạn vạn người “dư dôi”, thực chất là thất nghiệp. Nông dân đã kiệt quệ trong những năm “hợp tác” trước đây, tuy có khá hơn sau khi thực hiện “khoán 10”, vẫn sống nheo nhóc vì bị ăn chặn ở các khâu bán ra, mua vào (cả tư thương lẫn quốc doanh) và vì đóng góp quá sức. Trí thức không sống được bằng “chất xám”, bằng năng lực và tài năng, phải kiếm ăn bằng “tay trái”, phải “xuất khẩu lao động” để tự cứu.
Khủng hoảng ở nước ta hiện nay mang tính chất xã hội rõ rệt với những mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc. Nghèo khổ lạc hậu cộng với bất công xã hội làm cho tình hình xã hội rất ngột ngạt, căng thẳng.
4. Trong hoàn cảnh đó, khủng hoảng về tinh thần và tư tưởng là không thể tránh khỏi. Số đông nhân dân - nhất là lớp trẻ - mất niềm tin vào những lý tưởng ban đầu của cách mạng và chế độ. Chưa bao giờ con người sống chông chênh và lo lắng như bây giờ. Chưa bao giờ đạo đức xã hội bị xói mòn và băng hoại như bây giờ. Tội ác xẩy ra ngày càng tăng, mang những hình thức nghiêm trọng hiếm thấy. Nạn mãi dâm lan tràn hơn cả dưới chế độ cũ. Trộm cướp, trấn lột, giết người, lừa đảo... là những hiện tượng phổ biến. Các giá trị tinh thần của xã hội bị lật ngược: người ngay sợ kẻ gian, người lương thiện có năng lực sống khổ cực hơn kẻ cơ hội; xu nịnh trở thành “mốt” phổ biến. Tiếng nói của người dân không được nghe, những nỗi oan của người “thấp cổ bé miệng” không được giải, mọi ý kiến xây dựng chân thành bị coi là “xấu” chỉ vì khác ý kiến chính thống. Năng lực sáng tạo về khoa học và nghệ thuật vẫn bị kìm hãm nặng nề. Chán nản và dửng dưng với tình hình đất nước là nét chủ yếu của tâm lý xã hội hiện nay. Sức chống cự đối với những “tiêu cực xã hội” ngày càng suy giảm.
5. Khủng hoảng có khía cạnh quốc tế của nó. Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường văn minh ngày càng cao của loài người. Quốc tế hóa sản xuất và đời sống tăng lên nhanh chóng. Một loạt nước vốn lạc hậu đang vưn lên trình độ những “nước công nghiệp mới” (NICs). Xu thế dân chủ hóa phát triển rộng rãi và mạnh mẽ. Trong khi đó, nước ta vẫn sống trong thế cô lập với thế giới bên ngoài. Khoảng cách giữa nước ta và các nước khác (kể cả các nước trong khu vực) tăng thêm một cách đáng lo ngại. Chưa có những biện pháp mạnh bạo, có hiệu quả để đưa nước ta hòa nhập với cộng đồng thế giới, nhất là về kinh tế và khoa học - kỹ thuật. Tính chất lạc hậu và, nói như một nhà nghiên cứu, tính chất lạc điệu của nước ta càng nổi bật lên, tạo thành một sức ép tinh thần lớn đối với nhân dân, nhất là lớp trẻ và giới trí thức. Nỗi nhục đất nước lạc hậu cũng nặng nề như nỗi nhục mất nước trước đây. Những biến động ở một loạt nước trong “hệ thống xã hội chủ nghĩa” trước đây đặt ra những câu hỏi không dễ dàng giải đáp về triển vọng phát triển của chủ nghĩa xã hội. Nhưng những phản ứng giản đơn hóa, theo tư duy cũ kỹ, đối với những quá trình mới mẻ ấy càng làm cho nước ta lạc điệu hơn, tự tách mình khỏi các quá trình chung của thế giới và, cuối cùng, làm cho nhiều người trong nước mất phương hướng trong công cuộc đổi mới hiện nay.
6. Những mặt khủng hoảng nói trên tạo thành một cục rối khó gỡ, vì rất khó tìm thấy đầu mối. Nhưng ở một nước mà tất cả các mặt đời sống xã hội và cá nhân đều do một bộ máy lãnh đạo và quản lý chung chi phối như ở nước ta, thì tất cả các mặt khủng hoảng của xã hội đều được phản ảnh, kết tụ ở mặt chính trị. Khủng hoảng ở nước ta hiện nay tập trung nhất ở khủng hoảng chính trị.
Khi mọi mặt đời sống xã hội và cá nhân đều phục tùng một trung tâm là bộ máy “Đảng - Nhà nước”, thì rõ ràng bộ máy đó phải chịu trách nhiệm trước tiên và toàn bộ về tình trạng khủng hoảng (cũng như trước đây Đảng và nhà nước được dân chúng tôn làm người lãnh đạo tuyệt đối trong chiến đấu chống ngoại xâm).
Đảng duy trì địa vị độc tôn quá lâu, biến sự lãnh đạo của mình là một tất yếu khách quan trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành chế độ Đảng trị là một áp đặt chủ quan. Chủ trương hòa hợp dân tộc và thực hiện các quyền dân chủ của nhân dân, như đã hứa hẹn trong những năm chiến đấu chống xâm lược, đã không được thực hiện, làm triệt tiêu sớm sự phấn khởi của nhân dân sau khi vừa giành được thắng lợi. Những thái độ biệt phái, độc tôn, kèm theo những biện pháp “chuyên chính” tràn lan, kể cả với những bạn đồng hành cũ cũng như với những người trong đội ngũ, đã biến sự lãnh đạo của Đảng thành một sự áp đặt độc đoán lên toàn xã hội. Tệ quan liêu, chuyên quyền có điều kiện lộng hành. Cộng thêm vào đó là trình độ thấp kém của không ít người lãnh đạo các cấp của Đảng, sự thoái hóa biến chất nhanh chóng của nhiều người trong bộ máy quản lý và lãnh đạo càng làm cho Đảng mất uy tín vốn có. Trong khi đó, những nhân tố lành mạnh trong bộ máy và trong đội ngũ Đảng bị gạt bỏ hoặc bị vô hiệu hóa. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội chỉ còn là thuần túy hình thức. Tóm lại, từ chỗ Đảng là lãnh tụ được nhân dân thừa nhận, Đảng đã làm suy yếu vai trò đó trong thực tế. Đảng đứng lên trên nhân dân và không hề chịu sự kiểm soát của nhân dân. Mất dân chủ trong Đảng và trong xã hội là nguồn gốc chủ yếu dẫn tới chỗ làm yếu sức mạnh của Đảng, làm khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, càng khó tìm thấy lối thoát hơn (đặc biệt đối với số đông nhân dân vốn quen chờ đợi thụ động những quyết định của lãnh đạo).
Trong những điều kiện đó, không thể nói tới một nhà nước pháp quyền vì luật pháp được vận dụng một cách tùy tiện và các công dân không được bảo đảm bình đẳng trước pháp luật. Chưa nói tới luật pháp vừa thiếu, vừa không phù hợp với những chuẩn mực luật pháp quốc tế (đặc biệt về các quyền con người trong Hiến chương Liên hợp quốc về các quyền con người mà nước ta đã ký). Xã hội gần như sống trong trạng thái không có luật pháp. Chỉ cần nhắc tới một sự thật cũng đủ thấy: cho tới nay đã phát hiện hơn 10.000 vụ tham nhũng, nhưng chỉ mới đưa ra xét xử vài chục vụ và cũng không xét xử đến nơi đến chốn. Chính đó là một yếu tố tăng thêm tình trạng khủng hoảng của xã hội.
7. Xem xét một cách khách quan, từ sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong xã hội đã xuất hiện một số thay đổi theo chiều hướng tích cực. Lạm phát bị đẩy lùi, thị trường có nhiều hàng hóa, kinh tế thị trường bắt đầu phát huy những tác dụng có lợi cho sự ổn định và phát triển kinh tế, các thành phần kinh tế khác nhau bắt đầu được khuyến khích, việc mở cửa hợp tác với nước ngoài được chú trọng hơn. Không khí xã hội bắt đầu cởi mở hơn. Trong nhân dân bắt đầu nhen lên những hy vọng mới.
Nhưng những hy vọng vừa nhen nhóm ấy bị nguội lạnh dần vì lại xuất hiện những khó khăn mới trong đời sống kinh tế và xã hội và vì những chủ trương hạn chế dân chủ trở lại. Tình trạng khủng hoảng, do đó, càng trở nên trầm trọng hơn, nan giải hơn. Có thể nói khủng hoảng chỉ dịu bớt ở một vài biểu hiện của nó (lạm phát, thiếu hụt hàng hóa...), nhưng những biểu hiện chủ yếu của nó trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội đã nói ở trên vẫn nặng nề, thậm chí có chiều hướng tăng lên.
8. Nguyên nhân của khủng hoảng là gì?
Trong các văn bản chính thức, có nói nguyên nhân của khủng hoảng là do: “nguồn gốc lịch sử sâu xa để lại và hậu quả của nhiều năm chiến tranh, song nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta đã xây dựng chủ nghĩa xã hội theo một mô hình mang nặng tính giáo điều, rập khuôn và chủ quan duy ý chí” (Dự thảo chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2000). Nói như vậy, đúng nhưng chưa đủ, chưa thật rõ.
Vấn đề không phải là đã xây dựng chủ nghĩa xã hội theo một mô hình không đúng, mà đã phạm sai lầm cả khi đặt ra nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta sau năm 1954, khi vừa giải phóng miền Bắc, và sau đó mở rộng nhiệm vụ ấy ra cả nước sau chiến thắng 1975 giải phóng cả nước, với chiến lược chung là cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một ngộ nhận lịch sử: một đất nước vừa trải qua hàng chục năm chiến tranh giải phóng dân tộc, chưa kịp bình thường hóa đời sống nhân dân, chưa thực hiện được bao nhiêu những nhiệm vụ cách mạng dân chủ, cũng chưa có những tiền đề cần thiết về vật chất và xã hội để xây dựng chủ nghĩa xã hội; ở một đất nước như vậy mà chúng ta lại vội vàng đặt ra nhiệm vụ chiến lược “cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Nói cách khác, khi đặt ra nhiệm vụ này, đã xuất phát từ một sơ đồ lý luận trừu tượng (làm xong cách mạng dân tộc dân chủ, chuyển ngay sang cách mạng xã hội chủ nghĩa theo lý luận “cách mạng không ngừng”), mà không xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể lịch sử của nước ta lúc đó. Đã thế, khi xây dựng chủ nghĩa xã hội, lại theo một mô hình mà ngày nay chúng ta gọi là “chủ nghĩa xã hội nhà nước”, “chủ nghĩa xã hội tập trung quan liêu”, trong thực tế không dính dáng gì tới chủ nghĩa xã hội cả, mà là nhà nước hóa tất cả theo một kế hoạch và một sự lãnh đạo tập trung quan liêu.
Sau ngày giải phóng đất nước, nếu xuất phát từ tình hình thực tế lúc đó, đáng lẽ phải làm cho bằng được mấy nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, bình thường hóa đời sống nhân dân và đời sống xã hội sau hàng chục năm chiến tranh. Sức dân đã cạn kiệt, phải khôi phục một cuộc sống bình thường cho nhân dân, bù đắp những hy sinh và thiệt hại của nhân dân trong chiến tranh và nâng mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân lên một trình độ cần thiết. Điều đó đã không được thực hiện. Cả di chúc của Hồ Chí Minh về mặt này cũng không được coi trọng. Nhân dân bị tiếp tục động viên quá căng thẳng vào những kế hoạch xây dựng mới, qui mô quá lớn và mang tính chất phiêu lưu. Xin nhớ rằng ngay hiện nay, gần 16 năm sau chiến tranh, những nơi bị chiến tranh tàn phá vẫn chưa được xây dựng lại bao nhiêu, có nơi các bà mẹ liệt sĩ vẫn chui ra chui vào những túp lều tạm bợ. Sức dân sau chiến tranh chưa được bồi dưỡng. Những thương tích chiến tranh trên cơ thể và tâm hồn người dân chưa lành lặn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng suy thoái giống nòi thật đáng lo ngại: khoảng một nửa dân số, nhất là trẻ em, bị suy dinh dưỡng, khoảng 10% dân số mắc các chứng tâm thần, trọng lượng trẻ sơ sinh dưới mức trung bình, năng lực trí tuệ của trẻ em giảm sút. Tất cả những vấn đề đó chưa được nêu lên và giải quyết tận gốc.
Thứ hai, phải xây dựng một xã hội công dân đúng theo nghĩa của nó. Xã hội Việt Nam, trong những chế độ phong kiến và thực dân trước đây là một xã hội “thần dân”, trong đó mọi người dân không có quyền gì, chỉ phục tùng bộ máy thống trị, phục tùng nhà nước phong kiến và thực dân. Nhân dân làm cách mạng và tiến hành kháng chiến lâu dài không chỉ để giành độc lập cho tổ quốc, mà còn giành dân chủ và tự do cho chính mình. Trong kháng chiến, người dân nén lại những yêu cầu về dân chủ, tự do lại, tập trung mọi lực lượng giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc. Lẽ ra, sau khi kháng chiến thành công, phải chuyển một cách nhanh chóng sang xã hội công dân, trong đó mỗi người dân là người chủ thật sự của đất nước, mọi quyền lực là của nhân dân. Nhưng 45 năm sau cách mạng, quyền lực chỉ thuộc về nhân dân trên danh nghĩa, trong thực tế là thuộc bộ máy Đảng - Nhà nước. Xã hội chịu sự chi phối của một bộ máy cầm quyền vốn từ nhân dân mà ra, nhưng dần dần biến thành một bộ máy quan liêu, đứng lên trên nhân dân.
Nói cách khác, nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng khủng hoảng là sau khi giành được độc lập, nhân dân chưa có hạnh phúc và tự do, đúng như những tiêu ngữ ban đầu được đề ra trong Cách mạng tháng Tám 1945: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Năm xưa, khi cách mạng mới thành công, Hồ Chí Minh đã dự cảm rất sâu sắc: “Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc, thì độc lập không có ý nghĩa gì”. Khủng hoảng bắt nguồn chính ở điểm này: những lý tưởng của cuộc cách mạng đã bị thực tiễn đi ngược lại, phản lại. Chiều sâu của khủng hoảng trước hết là ở sự hẫng hụt trong nhân dân, người làm nên thắng lợi của cách mạng và kháng chiến, đối với các mục tiêu tự do, hạnh phúc, dân chủ lẽ ra họ được hưởng, dù chỉ một phần.
9. Trong bối cảnh lịch sử thế giới, có thể xem xét nguyên nhân khủng hoảng hiện nay ở nước ta cả ở những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội đã được thực hiện như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, chế độ sở hữu xã hội dưới hình thức nhà nước hóa, v.v... Khủng hoảng ở nước ta gắn với chính bản thân chủ nghĩa xã hội, và ở một mức độ nào đó, là một bộ phận của sự khủng hoảng đó. Vấn đề không phải ở những lý tưởng giải phóng lao động, giải phóng con người của chủ nghĩa xã hội, mà là ở những con đường, những phương tiện, những biện pháp đạt tới những lý tưởng đó. Khó có thể vượt qua khủng hoảng ở nước ta nếu vẫn giữ nguyên cách hiểu về chủ nghĩa xã hội như đã có cho đến nay. (Đây là một vấn đề vô cùng trọng yếu về lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội, có ý nghĩa quyết định vận mệnh lịch sử của nó, xin bàn ở một dịp khác).
10. Tóm lại, khủng hoảng ở nước ta hiện nay là khủng hoảng toàn diện, tổng thể của chế độ xã hội chúng ta, ở ngay những nền tảng của nó. Đó là điểm xuất phát chủ yếu để tìm lối ra.
Lối ra
11. Cuộc khủng hoảng này có lối ra không?
Xin trả lời: có. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn, phải trả giá ít hay nhiều. Trong những điều kiện của nước ta hiện nay, chỉ cần Đảng và nhân dân cùng nhau tìm kiếm một lối ra thích hợp, với tinh thần chủ động, có thể sớm thoát khỏi khủng hoảng và xã hội khỏi phải trả giá nặng nề.
Nếu không làm được như vậy, cuối cùng sẽ phải trả giá đau đớn đối với nhân dân cũng như đối với chính bản thân Đảng. Trong triển vọng này, sẽ xẩy ra mấy khả năng:
- Hoặc là những bùng nổ không kiểm soát được chỉ có lợi cho những thế lực đen tối trong xã hội;
- Hoặc là đất nước rơi vào chứng hoại thư, đi tới sự sụp đổ nguy hiểm;
- Hoặc là khủng hoảng vẫn kéo dài triền miên, chế độ xã hội do cách mạng thiết lập bị dần dần biến chất, những lý tưởng của cuộc cách mạng nhân dân bị hoàn toàn phản bội.
Cần khẳng định: trong hoàn cảnh thế giới và đất nước hiện nay, chúng ta có đủ những tiền đề và điều kiện cần thiết để thoát khỏi khủng hoảng.
- Về mặt quốc tế, chúng ta đang chịu nhiều sức ép mạnh mẽ từ bên ngoài, nhưng đồng thời các quá trình quốc tế hóa kinh tế, tiến bộ khoa học - công nghệ, cũng như dân chủ hóa đời sống xã hội đang tạo ra những điều kiện chưa từng có để giúp ta nhanh chóng khắc phục khủng hoảng, vượt qua tình trạng lạc hậu, hòa chung vào những trào lưu văn minh hiện đại. Nước ta cần hợp tác với các nước khác, trong khi các nước khác cũng cần hợp tác với nước ta. Ngay cả những nước thi hành chính sách bao vây, cấm vận cũng đang dần dần từ bỏ chính sách lỗi thời đó, phù hợp với xu thế chung của thời đại chuyển từ đối đầu sang đấu tranh, đối thoại và hợp tác.
- Ở trong nước, những nhân tố mới đã hình thành ở một mức độ đáng kể: ý thức xã hội chuyển động mạnh mẽ theo hướng đoạn tuyệt với những sai lầm cũ về nhận thức và thực tiễn xã hội, đặc biệt nổi lên trong mấy năm đổi mới hai quá trình tiến bộ có liên quan mật thiết với nhau là sự hình thành từng bước một nền kinh tế thị trưòng và sự mở đầu dân chủ hóa các mặt đời sống xã hôị. Có thể nói trong lịch sử dân tộc, chưa có thời kỳ nào có những biến đổi sâu sắc, đụng tới những nền móng xã hội như hiện nay. Tuy có những bước đi khúc khuỷu, vòng vèo, gay go, nhưng xu thế đổi mới là không thể đảo ngược. Hiệu quả kinh tế, đời sống ổn định và cải thiện, công bằng xã hội, các quyền dân chủ và tự do cá nhân, luật pháp và kỷ cương - đó là những nguyện vọng thấm sâu trong tất cả các tầng lớp nhân dân đông đảo. Những lực lượng ủng hộ đổi mới có ở khắp nơi, nhưng vì chưa có một sự động viên có hiệu quả, dựa trên những phương hướng và chủ trương đủ tin cậy, nên chưa phát huy được tác dụng quyết định, chưa đủ sức đè bẹp xu hướng bảo thủ đang tồn tại dai dẳng và đang cố bám lấy những vị trí chủ đạo trong xã hội (thậm chí có nơi còn phản kích quyết liệt chống các lực lượng đổi mới). Chỉ cần một sự lãnh đạo sáng suốt, có những chủ trương mạnh bạo nhưng không phiêu lưu, những biện pháp hợp lòng dân, là có thể dấy lên cao trào quần chúng rộng lớn thúc đẩy đổi mới căn bản các mặt đời sống xã hội.
12. Có hai điểm cần làm rõ:
- Có người lo ngại nếu đẩy mạnh quá trình đổi mới, dân chủ hóa, thì sẽ dẫn tới hỗn loạn như ở các nước Đông Âu. Thật ra ở các nước đó, dân chủ hóa từ lâu đã trở thành một yêu cầu chín muồi của xã hội, nhưng do lãnh đạo không nhận thức ra nên đã lâm vào thế đối phó bị động, đưa ra những biện pháp nửa vời, không chủ động và triệt để trong việc lãnh đạo quá trình này. Bài học lớn của các nước Đông Âu không phải là bài học kìm giữ và bị động đối phó đối với dân chủ hóa và đổi mới, mà là bài học về tính chủ động trong việc thực hiện dân chủ hóa và đổi mới từng bước, vững chắc theo hướng triệt để.
- Gắn liền với điều đó, có người lo ngại Đảng sẽ bị tước bỏ sự lãnh đạo đối với xã hội. Thật ra, chỉ có đảng nào không gắn bó với nhân dân, biến sự lãnh đạo của mình thành chế độ đảng trị và cố bám giữ lấy nó, thì triển vọng sụp đổ là không thể tránh khỏi. Còn những đảng đã cùng với nhân dân chiến đấu và hy sinh trong hàng chục năm đấu tranh giải phóng, có uy tín lớn về mặt lịch sử - như Đảng Cộng sản Việt Nam - lại tự đổi mới căn bản về tư duy lý luận, về đường lối chính trị và về tổ chức đội ngũ của mình, từ bỏ chế độ đảng trị; những đảng như vậy có thể duy trì và tăng thêm vị trí và tác động của mình trong quá trình đổi mới và dân chủ hóa ngày càng triệt để.
13. Khắc phục khủng hoảng là nhiệm vụ cấp bách nhất, đồng thời cũng là chuẩn bị mảnh đất tốt cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Chủ nghĩa xã hội được coi là định hướng phát triển của xã hội nước ta nhằm đi tới một xã hội bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển tự do và toàn diện của toàn xã hội. Nhưng chừng nào chưa xây dựng được những quan niệm rõ ràng và chính xác về nội dung của chủ nghĩa xã hội, về những yếu tố cấu thành của nó, về những con đường và biện pháp có hiệu quả để đi tới chủ nghĩa xã hội (sau khi mô hình “chủ nghĩa xã hội nhà nước” đã phá sản), thì chừng đó chưa nên đặt xây dựng chủ nghĩa xã hội thành nhiệm vụ trực tiếp, cũng chưa nên nói tới một thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội nếu không muốn tự mình trói tay mình.
Phải chăng như thế là bỏ mất phương hướng triển vọng? Không. Bản thân quá trình khắc phục khủng hoảng đã chứa đựng những yếu tố có ý nghĩa cơ bản đối với sự phát triển lâu dài của đất nước theo hướng chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể nảy sinh và được xây dựng trên nền tảng một xã hội phát triển bình thường và lành mạnh, trên nền tảng những giá trị văn minh chung của loài người đã được lịch sử kho nghiệm: xã hội công dân, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ v.v...
14. Một chương trình khắc phục khủng hoảng có hiệu quả phải là một chương trình toàn diện, tổng thể, đồng bộ. Không thể khắc phục khủng hoảng một cách riêng rẽ ở lĩnh vực nào. Có người quan niệm quá đơn giản rằng chỉ cần khắc phục khủng hoảng trong lĩnh vực kinh tế là có thể khắc phục được khủng hoảng nói chung. Không ai xem nhẹ lĩnh vực kinh tế, đó là lĩnh vực quyết định toàn bộ đời sống xã hội, xét đến cùng. Nhưng hiện nay, các lĩnh vực đời sống xã hội tác động trực tiếp lẫn nhau đến mức khó tách riêng ra. Hơn nữa, có khi phải giải quyết ở một khâu khác mới có thể giải quyết được ở khâu kinh tế (chẳng hạn, phải tách Đảng ra khỏi các chức năng nhà nước, phải tách nhà nước ra khỏi các chức năng quản lý và điều hành kinh tế, mới có thể có một sự vận hành có hiệu quả của guồng máy kinh tế xã hội).
15. Chương trình khắc phục khủng hoảng có những mục tiêu rõ ràng của nó. Có thể hình dung những mục tiêu đó như sau:
- Nền kinh tế quốc dân hoạt động bình thường, chặn được lạm phát và tốc độ tăng giá, thiết lập được kinh tế thị trường.
- Kỷ cương xã hội được phục hồi, luật pháp được hoàn thiện và có hiệu lực vững chắc, nhất là nạn tham nhũng và buôn lậu và những tội phạm hình sự nghiêm trọng được trừ bỏ về cơ bản.
- Công bằng xã hội được lập lại phù hợp với trình độ xã hội hiện có, theo nguyên tắc “sống bằng nguồn thu nhập chính đáng và hợp pháp của mỗi người” (do lao động, kinh doanh, lợi tức về vốn và các hoạt động hợp pháp khác).
- Những nền tảng của xã hội công dân được thiết lập; quyền sở hữu của công dân được xác lập và tôn trọng; các quyền dân chủ và tự do cá nhân do Hiến pháp qui định được thực hiện nghiêm túc; công dân thật sự làm chủ nhà nước của mình.
- Hòa bình của đất nước được giữ vững, các quan hệ hợp tác với các nước khác được thiết lập và phát triển theo tinh thần hòa hiếu, cùng có lợi.
Tóm lại, đó là một trạng thái bình thường và lành mạnh của đời sống xã hội mà chúng ta cùng nhau cố gắng đạt tới vào giữa những năm 90 này.
16. Một chương trình như vậy phải là kết quả công sức, là kết tinh trí tuệ của mọi người, trước hết của những chuyên gia giỏi trog các lĩnh vực khác nhau mà ta không thiếu. Có những bài toán thật hóc hiểm (vốn, hòa nhập thị trường thế giới, ngăn chặn sự xuống cấp về y tế, giáo dục...) nhưng nếu biết tập hợp và tôn trọng đầy đủ những “bộ óc” lớn của dân tộc, ta sẽ có một chương trình khắc phục khủng hoảng với những biện pháp tối ưu. Có thể coi đó là một trong những bước đi quan trọng nhất của quá trình dân chủ hóa. Không ai một mình (một cá nhân hay một tập thể nhỏ) thay thế được trí tuệ chung của dân tộc. ở đây chỉ xin gợi ý một số điểm về kinh tế, xã hội, tinh thần và tư tưởng, quan hệ quốc tế và chính trị.
17. Về kinh tế, tiếp tục xây dựng một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó. Có hai vấn đề cần giải quyết sớm để cho kinh tế thị trường hoạt động bình thường và lành mạnh:
- Thay đổi các quan hệ sở hữu: Trước hết, sắp xếp và chấn chỉnh toàn bộ hệ thống sở hữu nhà nước. Trừ những ngành, những cơ sở kinh tế nhà nước có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân (ngân hàng phát hành, giao thông vận tải chiến lược, bưu điện, các trung tâm năng lượng lớn, công nghiệp quốc phòng...), cần thực hiện việc chuyển sở hữu nhà nước thành sở hữu cổ phần và sở hữu tư nhân đối với những phần còn lại. (Thật ra, sở hữu cổ phần về thực chất cũng là sở hữu tư nhân nhưng được xã hội hóa ở một mức độ nhất định). Làm như vậy để có những người chủ sở hữu thật sự, chấm dứt tình trạng vô chủ “cha chung không ai khóc” cũng như tình trạng lũng đoạn sở hữu nhà nước vì lợi ích riêng của những người điều hành nó. Đó chính là cơ sở để trừ bỏ tệ tham nhũng và lãng phí vô cùng nghiêm trọng hiện nay. Theo tính toán, khu vực sở hữu nhà nước ở những nước công nghiệp phát triển chỉ chiếm khoảng 25 - 30% tổng sản phẩm quốc dân, mới bảo đảm có hiệu quả. ở nước ta, với trình độ phát triển kinh tế thấp hơn, có lẽ tỉ lệ ấy còn thấp hơn. Quá trình “phi nhà nước hóa” này được thực hiện sao cho cuối cùng những người lao động trong khu vực nhà nước (trừ những cơ sở quốc doanh còn duy trì) có quyền sở hữu của chính bản thân mình, trước hết là những người đã đóng góp nhiều cho chiến đấu và xây dựng đất nước nhưng hiện nay “tay trắng”. Một đạo luật về sở hữu là hết sức cần thiết để bảo đảm sở hữu tư nhân vĩnh viễn và không bị xâm phạm, tạo điều kiện thu hút vốn trong nước để phát triển kinh tế (các chủ sở hữu tư nhân sẵn sang bỏ vốn kinh doanh mà không sợ bị tước đoạt trong tưong lai).Đối với nông dân, thực hiện quyền có (droit de possession) ruộng đất lâu dài, kể cả quyền thừa kế và chuyển nhượng, để nông hoàn toàn làm chủ mảnh đất của riêng họ. Giải thể các hợp tác xã cũ. Lập các hợp tác xã mới theo nhu cầu và nguyện vọng của nông dân (các hợp tác xã theo chiều dọc: tín dụng, mua bán, kỹ thuật... mà không phải theo đơn vị hành chính). Nhà nước hỗ trợ cho nông dân về tín dụng (lập ngân hàng tín dụng nông nghiệp cho các hộ nông dân vay vốn).
- Sức lao động là hàng hóa được trả theo đúng giá trị của nó. Đối với những người làm công ăn lương, thi hành chế độ tiền lương theo đúng giá trị sức lao động. Bảo đảm tiền lương trung bình bù đắp được những hao phí lao động, những nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, nuôi con để tái sản xuất sức lao động. Tạm thời có thể lấy mức lương khởi điểm qui định hồi tháng chín 1955 (88 kg gạo). Cải cách triệt để chế độ tiền lương theo nguyên tắc “gắn tiền lương với hiệu quả cuối cùng của lao động”. Chống chủ nghĩa bình quân. Trên cơ sở tính đúng tiền lương, sắp xếp lại lao động, giảm mạnh biên chế, tăng cường kỷ luật lao động nghiêm ngặt. Đối với những người không bố trí được việc làm ở nơi làm cũ, thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc ở mức họ có thể sinh sống độc lập với mức thu nhập tối thiểu cần thiết. Bảo đảm lương hưu theo mức lương chung, coi đó là sự đền bù xứng đáng đối với những lão thành trong chiến đấu và lao động.
Lấy đâu ra tiền để làm những việc này? Theo tính toán của một số chuyên gia, chỉ cần sắp xếp lao động hợp lý, loại bỏ các khoản “tiêu cực phí” (tiếp khách, quà cáp, phết phẩy...), loại bỏ tham nhũng và lãng phí, cộng thêm với sự hỗ trợ tín dụng của ngân hàng ban đầu, là có thể căn bản giải quyết được vấn đề. Kéo dài chế độ tiền lương như hiện nay, không thể nào bảo đảm hiệu quả kinh tế, không thể nào củng cố được kỷ luật và kỷ cương lao động, xã hội vẫn phi gánh chịu một khoản “trợ cấp xã hội” khổng lồ.
18. Về mặt xã hội, mấy điểm quan trọng nhất là:
- Giải quyết việc làm cho những người thất nghiệp và những người đến tuổi lao động. Con đường chủ yếu để tạo ra nhiều việc làm là phát triển kinh doanh sản xuất và dịch vụ theo kiểu cá thể và hợp tác (dựa trên sở hữu tư nhân dưới hình thức riêng lẻ, hợp tác hoặc góp cổ phần), được nhà nước hỗ trợ về phương hướng kinh doanh, đào tạo nghề nghiệp và tín dụng. Cần tính đến chiến lược xuất khẩu lao động theo nguyên tắc kinh doanh, do các công ty nhà nước và tư nhân đảm nhận, được nhà nước bảo trợ về pháp lý.
- Bằng mọi cách khắc phục những vi phạm công bằng xã hội, đặc biệt chống tham nhũng, chống kinh doanh bất hợp pháp. Phá vỡ và trừ bỏ các mafia, trừng trị nhanh chóng và đúng luật pháp tất cả những kẻ tội phạm, coi tội phạm kinh tế là tội phạm quốc gia nghiêm trọng và nhất thiết tước đoạt lại tài sản của nhà nước và nhân dân bị chiếm đoạt.
- Chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện cải cách về nhà ở thuộc nhà nước quản lý. Quỹ nhà ở phải được quản lý theo nguyên tắc dân chủ, chống đặc quyền đặc lợi. Nhà nước cấp quyền sở hữu về nhà ở cho những người lao động từng đóng góp xứng đáng vào kinh tế quốc dân, có tính đến công lao trong chến đấu và lao động. Công khai hóa việc phân phối nhà ở và tư nhân hóa nhà ở. Kiên quyết lấy lại nhà ở quá tiêu chuẩn chung từ những kẻ đặc quyền đặc lợi và chiếm dụng bất hợp pháp. Dành những nguồn lực cần thiết để xây dựng nhà ở cho các gia đình liệt sĩ, thương binh nặng chưa có nhà ở tử tế (trong thời hạn năm năm).
19. Trong lĩnh vực tinh thần và tư tưởng, điều quan trọng nhất là bảo vệ và phát huy năng lực trí tuệ của giới trí thức. Tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài phải là quốc sách hàng đầu. Bảo đảm quyền sở hữu về trí tuệ (công trình khoa học, tác phẩm nghệ thuật, phát minh sáng chế). Tôn trọng tự do tư tưởng và tự do sáng tác. Đặc biệt, phải tôn trọng tự do báo chí. Báo chí có quyền thông tin, bàn luận về tất cả các vấn đề của đời sống quốc tế và trong nước, trừ những điều bị luật pháp cấm (bí mật quốc gia thật sự). Bảo đảm tính độc lập của báo chí. Cho phép xuất bản những tờ báo do các tập thể côg dân chủ trương. Một không khí tự do tư tưởng lành mạnh sẽ là một lực thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả, một bảo đảm vững chắc để xây dựng xã hội công dân.
20. Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, trước hết phải bằng mọi cách phá thế cô lập của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới. Chính sách đối ngoại xuất phát từ những lợi ích quốc gia và lợi ích an ninh trong vùng và trên thế giới, không xuất phát từ những quan niệm thuộc hệ tư tưởng, nhất là quan niệm “hai phe” theo kiểu đấu tranh giai cấp “ai thắng ai” (những quan niệm về hệ tư tưởng là của các cá nhân, các tổ chức chính trị và xã hội, mà không thuộc quốc gia), không để những bất đồng về hệ tư tưởng biến thành những trở ngại về quan hệ quốc tế của nước ta. Thực hiện chính sách đối ngoại hòa hiếu với tất cả các nước trên cơ sở cùng có lợi, đồng thời giữ vẹn tình nghĩa đối với nhân dân các nước đã từng giúp ta trong đấu tranh giải phóng và xây dựng đát nước. Không để ai can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, cũng không can thiệp vào công việc nội bộ của nước ngoài, kể cả Lào và Campuchia.
Chủ động tạo ra những tiền đề và điều kiện hòa nhập vào nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, thu hút các nguồn đầu tư và công nghệ hiện đại từ nước ngoài bằng nhiều hình thức: lập các “khu kinh tế tự do” (chẳng hạn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh), đầu tư vốn, liên doanh, v.v... Nhưng cần nhớ rằng đầu tư nước ngoài phải có thời gian khá dài mới có hiệu quả và kèm theo đó là những khoản đầu tư đối ứng của ta về cô cấu hạ tầng, do đó, vấn đề không phải là thu hút đầu tư nước ngoài càng nhiều càng tốt, mà là thu hút như thế nào cho hợp lý. (Nhân đây, xin nhắc lại kinh nghiệm đau xót là trong mười mấy năm qua, đã sử dụng không có hiệu quả những khoản đầu tư và tín dụng nước ngoài, kết quả là gánh những món nợ to lớn, không dễ gì trang trải).
21. Trong lĩnh vực chính trị, thực hiện bằng được hai yêu cầu sống còn đối với đất nước lúc này: hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân để phát huy sức mạnh mọi mặt của nhân dân, trước hết là sức mạnh trí tuệ và thực hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân.
Những biện pháp cần làm ngay trước mắt là:
- Xóa bỏ cừu hận trên một đất nước đã trải qua hàng chục năm chiến tranh, không phân biệt đối xử về nguồn gốc xuất thân, quá khứ chính trị của mỗi người. Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và về cơ hội tiến thân. Thù địch chỉ được đáp lại bằng thù địch, khoan hòa sẽ được đáp lại bằng tin cậy. Tất nhiên phải hết sức cảnh giác đối với những hành vi phá hoại đất nước, nhưng không được kết luận ai là kẻ thù khi chưa bị tòa án chính thức kết án trên cơ sở những bằng chứng có giá trị pháp lý.
- Trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân phức tạp, đã xẩy ra nhiều vụ án oan, nhiều vụ trù dập không xét xử, làm cho không khí xã hội thêm phần căng thẳng. Tất cả những vụ án này phải được xem xét lại và xử lý đứng pháp luật, một cách công bằng và công khai. Ai có tội phải có án xác đáng, ai không có tội phải được minh oan và bồi thường, và ai lạm dụng luật pháp cũng phải bị xem xét về trách nhiệm.
- Cần hoàn thiện hệ thống luật pháp của nước ta theo hướng xây dựng một xã hội công dân, một nhà nước pháp quyền để đất nước được cai trị bằng pháp luật mà không phải bằng ý chí của bất cứ ai. Trong công việc này, cố gắng làm cho luật pháp nước ta theo sát những chuẩn mực luật pháp quốc tế, nhất là những hiến chương do Liên hợp quốc - mà ta là một thành viên - thông qua.
22. Dân tộc ta không hèn kém gì, năng lực trí tuệ và tiềm năng của cải rất dồi dào. Nếu xây dựng được một khối hòa hợp dân tộc thật sự, thì đất nước sẽ ra khỏi khó khăn hiện nay và vươn kịp trình độ văn minh chung của loài người. Con đường chủ yếu đưa tới đó là, và chỉ có thể là, tiến hành đối thoại bình đẳng, dân chủ giữa những quan điểm và ý kiến khác nhau để cùng nhau tìm kiếm những thỏa thuận tối ưu về lối ra khỏi khủng hoảng và về sự phát triển lâu dài của đất nước. Tình hình đất nước và thế giới đòi hỏi những hiểu biết hoàn toàn mới mẻ để có thể thích nghi và hành động có hiệu quả. Mỗi người có chỗ mạnh chỗ yếu của mình. Không một ai, dù tài giỏi đến đâu, có thể tự mình nắm được những chân lý cuối cùng. Xóa bỏ độc quyền chân lý là một yêu cầu bức bách về chính trị. Cần tạo ra những điều kiện dân chủ, bình đẳng và công khai cho việc thảo luận, tranh luận những vấn đề thuộc quốc kế dân sinh, để người dân tự mình phân biệt cái đúng và cái sai, lựa chọn cái đúng. Như vậy, sẽ tập hợp được những nhân tố chính trị lành mạnh trong đời sống xã hội. Không một ý kiến nào bị bỏ quên cả - đó là mệnh lệnh của đất nước lúc này.
23. Then chốt của việc khắc phục tình trạng khủng hoảng hiện nay là giải quyết đúng đắn vị trí của Đảng trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam có công lớn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, công lao đó được mọi người thừa nhận. Nhưng điều tai hại cho Đảng cũng như cho cả dân tộc là do những hoàn cảnh lịch sử khách quan và do những quan niệm không đúng, Đảng tự đồng nhất với quyền lực nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng biến thành chế độ đảng trị.
Cần chuyển giao quyền lực chính trị từ các cơ quan lãnh đạo của Đảng sang các cơ quan đại diện quyền lực nhân dân. Quá trình này được thực hiện từng bước, tránh rơi vào “khoảng trống quyền lực” cũng vô cùng tai hại. Để thực hiện điều này, nên tuyên bố xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp qui định về mặt pháp lý vai trò của Đảng là “lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội chỉ được thực hiện bằng phương pháp thuyết phục.
24. Mặt trận Tổ quốc đứng ra triệu tập một Đại hội quốc dân mới (theo kinh nghiệm Đại hội quốc dân ở Tân Trào truớc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945) bao gồm đại biểu của các tầng lớp nhân dân, những xu hướng khác nhau trên cơ sở yêu nước, cùng nhau bàn bạc, tìm kiếm một lối thoát tối ưu ra khỏi khủng hoảng. Một chương trình khắc phục khủng hoảng được vạch ra và thông qua tại Đại hội này, coi như cương lĩnh chung khẩn cấp của toàn dân. Đại hội này nên mời những đại biểu các giới Việt kiều ở nước ngoài tham dự.
Quốc hội thảo luận và phê chuẩn Chương trình khắc phục khủng hoảng để văn kiện này có hiệu lực pháp lý đầy đủ. Căn cứ vào những đề nghị của Đại hội quốc dân, Quốc hội thành lập Chính phủ liên hiệp quốc dân bao gồm những người đủ năng lực và tín nhiệm để điều hành thực hiện chương trình. Thành viên chính phủ gồm cả đảng viên và những người không phải đảng viên.
Chuẩn bị và tiến hành bầu cử Quốc hội mới theo tinh thần hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân. Trong Quốc hội mới, Đảng chỉ cần bảo đảm cho mình một nửa số đại biểu, hoặc một đa số tương đối, để thể hiện đầy đủ tinh thần hòa hợp dân tộc.
Chính phủ liên hiệp và Quốc hội liên hiệp thật sự là trung tâm tập hợp mọi lực lượng yêu nước để khắc phục khủng hoảng và tiến tới xây dựng một nước Việt Nam với những lý tưởng ban đầu của cuộc cách mạng nhân dân là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Trong lịch sử, khi vận nước gặp hiểm nghèo ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng cũng đã từng thực hiện chủ trương liên hiệp rộng rãi như vậy và đã thành công tốt đẹp. Bài học quí báu đó của chính cách mạng Việt Nam ngày nay có ý nghĩa thực tiễn hơn bao giờ hết.
Tình hình hiện nay đòi hỏi Đảng, trước hết là ban lãnh đạo của Đảng, có một sự lựa chọn táo bạo và không phải không đau đớn, chủ động thực hiện những thay đổi căn bản của chính bản thân Đảng để cùng với nhân dân thoát khỏi khủng hoảng. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ Đảng từng có một bản lĩnh như vậy.
Khủng hoảng đã kéo quá dài. Tình hình đất nước không cho phép kéo dài thêm. Trong vòng 5 năm tới, nếu không ra khỏi khủng hoảng, một sự sụp đổ là không thể tránh khỏi. Ngược lại, nếu thoát ra được, thì sẽ có một đà tiến mới để phát triển mạnh mẽ, đưa đất nước tới những triển vọng tốt lành.
Tháng Giêng - tháng Ba 1991
---
BỔ SUNG
1. Tháng 12 năm 2018, một người con rể viết về ông
"
Đây là bài viết công phu của một trong những con rể cụ Kiến Giang dâng lên nhạc phụ.
Tôi đã đọc bài này, vì vậy xin nói thêm chỉ có rất ít chi tiết cần chỉnh 🙂
Xin trân trọng ông rể nhà chúng tôi. Bài viết được đăng vào dịp tưởng niệm 5 năm ngày cụ Kiến Giang qua đời (2.12.2013, tức ngày 30.10 năm Quý Tỵ)
ÔNG KIẾN GIANG
1. Vũng Tàu, hè năm 82 của thế kỷ trước, tôi dừng lại khá lâu ở một lý lịch đoàn viên của mấy anh chị em mới vào cơ quan, mà không biết rằng, cái sự tò mò muốn biết cho rõ về người cha của cô gái này lại là cái sự muốn biết suốt cả cuộc đời mình sau này. Người ấy là ông ngoại của con tôi, người đồng ý nhận tôi làm rể sau một cuộc “sát hạch” vòng quanh công viên Thống Nhất ngay lần đầu tôi về ra mắt bên nhà vợ tương lai. Bữa ấy, ông nói tôi nghe, nhưng có nghe được gì hay không lại là một cái chuyện khác, bởi lẽ, tôi đang nghĩ cách để biết về con người và số phận của ông đã trải qua, chứ không phải như những điều ông nói, những hệ quả của cái việc muốn lấy con gái ông. Tôi không biết mấy ông cọc chèo của tôi nghĩ gì khi quyết làm rể nhà ấy, nhưng với tôi, đến nay, tôi cũng không dám chắc một trăm phần trăm là say mê con gái ông mà lấy làm vợ. Nghĩa là, trong cái sự lựa chọn này, ông bố vợ tương lai cũng có trách nhiệm ở đấy, một phần trách nhiệm bởi cái sự hấp dẫn từ số phận của ông, nhất là ở con người “rất người” của ông, như sau này tôi được biết. Và cũng vì lẽ đó, ở đây xin phép không nói đến hành trình tư tưởng hay sự nghiệp của ông, mà chỉ là những câu chuyện đời thường của cha con chúng tôi mà nay tôi còn nhớ được, hay từ trong ghi chép của cả hai cha con chúng tôi.
* * *
2. Vũng Tàu, hè năm 84 của thế kỷ trước, ông vào thăm gia đình nhỏ của chúng tôi bằng một cái “giấy thông hành” và một thư của bên Tổng cục Du lịch giới thiệu cho ông đến mấy tỉnh phía Nam tìm hiểu về du lịch. Đây là lần thứ hai ông vào Nam sau năm 79, mà có lẽ cũng là lần đầu được ra khỏi Hà Nội sau khi ra tù trong vụ án “Xét lại” về mà có giấy tờ “trên giới thiệu”. Tôi chỉ đi được cùng ông đến các Công ty du lịch ở Vũng Tàu và Đồng Nai, còn những nơi khác, từ Nam ra miền Trung, ông đi một mình. Nhưng đến năm 1988, đợt ông vào thăm gia đình chúng tôi ở Vũng Tàu lần thứ hai, tôi đã đưa ông đi được nhiều nơi để ông hiểu rõ thực tình của đất nước, như ông muốn. Cũng may, thời gian này tôi làm với các nhóm chuyên gia nước ngoài, nên việc đưa ông đi, hay gửi ông đi các tỉnh không có khó khăn gì, kể cả việc gửi ông ra Côn Đảo bằng trực thăng để thăm nhà tù và mộ “chị” Võ Thị Sáu. Có lần tôi phải đi Huế bằng ô tô để đến các tỉnh xin giấy phép đặt các trạm định vị vệ tinh từ Vũng Tàu ra, ông cũng đi cùng tôi. Khi về, mỗi lần qua các trạm kiểm soát (hồi ấy đang “ngăn sông cấm chợ”, các trạm kiểm tra, kiểm soát hàng hoá giữa các tỉnh nhiều vô kể trên tuyến Quốc lộ 1), cậu lái xe lại ý tứ hạ kính chiếc Volga đen xuống, rồi từ từ vượt lên. Các nhân viên thuế vụ, công an, quản lý thị trường nhìn thấy một ông to lớn, quắc thước đầy uy quyền trong xe là nhanh chóng nhấc barie, mặc dù đít xe hơi “xệ”. Ông không để ý nhưng tôi biết, ngoài việc ông luôn để lại cho những người tiếp xúc với ông một sự thiện cảm chân thành, dáng vóc và thần thái của ông luôn được cánh lái xe yêu mến và chăm sóc tận tình mỗi khi tôi gửi ông đi đâu đó.
* * *
3. Tôi được đọc nhiều bài viết của ông rất sớm, nhưng không phải là tất cả, nhất là với mảng sách ông dịch. Sau này, để lưu giữ và gửi bài đi cho tiện, tôi giúp ông đánh máy và sắp xếp chúng lại thành từng “tệp” (file) theo thời gian. Cũng chính vì thế, khi ấy, tôi có điều kiện đọc hết các bài viết ở hai thập niên tám mươi, chín mươi này của ông. Có điều, tôi không để ý đến những con chữ ma mỵ của ông nữa, mà chú ý đến dòng tư tưởng của ông, cái cách tiếp cận và nhất là cách giải quyết vấn đề trong mỗi tiểu luận. Trong ghi chép của ông, thấy viết:
“7/5/2005. Trời hơi lạnh, rất dễ chịu. Nhịp sống trôi đi bình thường. Liệu có thể giữ nhịp điệu sống như hôm nay không? Hy vọng là thế. Nhờ Bình làm “Suy nghĩ 90”, sắp xếp đánh máy lại. Đó là những bài thích nhất của mình. Rất may vì còn giữ lại được bản thảo”.
“9/5/2005. Vào máy vi tính xem bài phê phán Lê Duẩn, một trong những bài mình thích nhất dù không có mấy sáng tạo về lý luận. Viết vào thời buổi ấy (đầu những năm 80), thế là táo tợn rồi. Nhớ lời Minh Việt: “Họ có thể diệt cậu vì bài viết ấy” – (Bài “phê phán Lê Duẩn” là chỉ bài: “Tiến lên sản xuất lớn XHCN như thế nào? - Phê phán những quan điểm kinh tế của Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Duẩn”, viết tháng 8/1981; ông Minh Việt, tức Trần Minh Việt, nguyên Phó Bí thư thành uỷ Hà Nội, kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính TP. Hà Nội, cùng bị bắt trong vụ án “Xét lại” - chú thêm của người viết).
Dưới mỗi bài, ông thường có mấy dòng ghi vắn tắt bối cảnh sự ra đời của chúng, bài này ai đặt (nhiều khi tên người bị viết tắt), bài kia viết cho hội thảo nào, kể cả hệ lụy của nó mang lại, cả cho người viết lẫn người đặt bài, nếu có. Tôi hay hỏi ông về những đoạn tiểu chú này và được ông kể cho những chuyện sau trang sách. Tiếc rằng thời gian ấy, mặc dù có hỏi, nhưng tôi vẫn chưa có được nhận thức về giá trị của những tư liệu ông kể, nên đã không có được một sự ghi chép cẩn thận. Trong bài “Hồ Chí Minh nói về con người”, viết vào tháng 10/1993, đến tháng Chạp 1993, cuối bài ông có phần “Viết thêm”, như sau (trích dẫn nguyên văn):
[Bài “Hồ Chí Minh nói về con người” được viết theo “đơn đặt hàng” của chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề con người (do Lê Sĩ Thắng chủ trì - người viết chú thêm). Tôi rất ngần ngại khi nhận viết bài này, vì dù viết một cách dè dặt đến mấy, tôi biết trước là nó sẽ không được công bố. Quả nhiên, sau khi đọc bài của tôi, chủ nhiệm đề tài nói rằng bài này không thể in được, chỉ xin phép lấy đôi điểm trong đó mà thôi. Thật ra, tôi còn muốn viết thêm phần sau nữa, chủ yếu dành cho sự phân tích những ý kiến của Hồ Chí Minh theo cách nhìn nhận riêng của tôi. Vì không có điều kiện để làm được theo mong muốn, tôi đành phải viết thêm mấy dòng này, tất nhiên còn rất sơ lược nhưng cốt đưa ra một vài điểm tôi muốn đi tới… (có ba luận điểm, xin không chép ra ở đây, vì dài - người viết chú thêm)… Tôi nhớ mãi một câu chuyện về Hồ Chí Minh hết sức xúc động do ông Nguyễn Tài, một vị lão thành cách mạng, kể lại. Ông có thời đi theo cụ Hồ để vận động cách mạng trong Việt kiều ở Thái Lan vào cuối những năm 20 sau khi Quảng Châu công xã bị thất bại. Ở Hà Nội, hai “thày trò” (chữ của người kể) thỉnh thoảng có gặp nhau với tình cảm thân thiết ngày xưa. Trước khi cụ Hồ mất ít lâu, ông được phép vào thăm. Theo lời ông kể lại, đó là lần duy nhất cụ Hồ nói tới những nỗi niềm riêng tư của mình, tuy không nhiều và không có những chi tiết cụ thể nào nhưng rất thực. Cụ Hồ nói với ông: “Cuộc đời mình, vui cũng nhiều mà buồn cũng nhiều. Ân cũng nhiều mà oán cũng nhiều…”. Rồi bất chợt cụ bảo ông: “Vê này (cụ vẫn thường gọi ông bằng cái tên ngày xưa ấy), Vê làm một đôi câu đối tặng mình đi, kẻo khi mình đi rồi, Vê có tặng mình thì mình cũng không biết gì nữa”. Sau một hồi suy nghĩ, ông Nguyễn Tài đọc lên đôi câu đối mà ông cho là tâm đắc nhất trong đời:
Giao hoan bi hỷ đồng song lệ
Ân oán tương tranh huyết nhất bầu.
Ông dịch nghĩa cho tôi nghe:
Cái vui cái buồn xoắn lấy nhau, đôi tròng mắt trào lệ
Chuyện ân chuyện oán tranh nhau, vẫn bầu máu nóng ấy.
Nghe xong, cụ Hồ vỗ tay khen: “Câu đối này hợp với mình lắm…”. Nói mà nước mắt rưng rưng…
Cụ Hồ đã ra đi, Người học trò của cụ ngày xưa ấy, cũng đã ra đi.
Xin mạn phép hai người ghi lại như một sự tưởng niệm sâu sắc để kết thúc bài viết còn nhiều dang dở này. Tháng Chạp 1993]. (Hết phần trích dẫn).
Tôi đã nghe ông bố vợ kể chuyện về cụ “Tài mù” như một kho tư liệu về “nhiều chuyện”, nhất là ông có thể “nhìn” thấy tương lai của một ai đó (xin lỗi cụ vì cháu gọi sau lưng cụ như vậy, nhưng không phải vì bất kính, mà vì kính phục, bởi tuổi tác đã làm cho mắt cụ bị loà, nhưng cái gì cụ cũng “nhìn” ra). Năm 1985, tôi có con trai, tuy chỉ là cháu ngoại của ông bố vợ, nhưng là “thằng” cháu đầu của ông, nên ông rất phấn khởi. Năm 1986, tôi nghe ông bố vợ kể là cụ Tài đã yếu, tôi mua cho ông bố vợ một chiếc Radio Cassette có băng ghi âm để ông mang đi ghi lại những câu chuyện giữa hai ông mỗi khi ông đến thăm cụ Tài. Và lần ấy, tôi đã cùng ông đến thăm cụ ở trên phố Hoà Mã. Nhìn hai người ngồi bên nhau nói chuyện như thày trò, nghe cụ nói về mình, về con trai bé nhỏ của mình… Và, ngắm nghía bao diêm có chữ ký “Hồ Chí Minh” để cụ dùng mỗi khi vào thăm cụ Hồ mà chợt nhận ra: không có cái gì vĩnh hằng, cuộc đời đơn giản mà cũng kỳ diệu biết bao.
(còn tiếp)
Viết nhân ngày giỗ ông năm Mậu Tuất (2018).
Ngô Quý Bình.
Ảnh 1: Ông Kiến Giang, Moskva, 2/1963, Trường Đảng CCCP.
https://www.facebook.com/tnguyenquoc3/posts/2382039718535288
Bình Ngô Quý
(tiếp theo)
4. Ngoài khối lượng các bài viết, khi làm danh mục về dịch, tôi mới hay ngoài các sách dịch theo “đơn” đặt hàng để kiếm sống, còn có một số lượng lớn những bài ông dịch từ các tạp chí, báo của Nga, Anh, Pháp. Rắp tâm giữ lấy đám bài dịch có chủ đề mà mình ưa thích làm tư liệu viết riêng để khua bút kiếm tiền thiên hạ, tôi đã hỏi ông và không ngờ hai cha con lại có buổi nói chuyện quá vui, đáng nhớ như một kỷ niệm. Ông tìm đưa tôi những tập giấy, khi đó tôi mới biết chúng ít quá so với tưởng tượng của tôi. Đây là những bài ông dịch để lấy tư liệu viết như một bản năng làm việc, hay để có “cái mới” chia sẻ cùng bạn bè khi có dịp. Nhiều khi trong số đó là những bản dịch có nguồn từ những gánh ve chai, nhưng cũng có những bản dịch theo chuyên đề, chuyên ngành mà theo tôi, ông dịch với ý thức giúp cho ai đó có tài liệu mà sử dụng trong công việc, nâng cao tri thức nghiệp vụ. Có điều, làm sao chúng lại chỉ còn bấy nhiêu, thì tôi cũng không cần hỏi làm gì nữa. Bởi với ông, còn hay không còn ông chẳng quan tâm, cái quan trọng là ông đã dịch và có người dùng. Sau này, khi người đã mỏi mệt, những bài vở dịch ấy thưa thớt đi, thì bạn bè của ông cũng ngày một vắng. Nhìn cái sự chấp nhận cuộc sống của ông mà thán phục cho sự độ lượng của người.
Trong những tập giấy ông đưa, tôi còn thấy những bài viết dở. Một trong số đó là bài “Bắt đầu từ đoạn cuối”, viết:
“Hai ngày sau xử án (án xử ông ngày 21/8/1996 của toà án Hà Nội về tội “Có hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” về bài viết của ông Võ Văn Kiệt- người viết chú thêm), một cán bộ an ninh cấp cao đến gặp tôi tại nhà riêng. Tôi đã nói rõ thái độ của tôi về vụ án này rằng: Mười lăm tháng tù treo đối với tôi không phải là điều gì đặc biệt. Từ hai mươi năm nay, sau khi bị tù đày chín năm trời trở về Hanoi, có bao giờ tôi không chịu án treo đâu? Có bao giờ tôi không bị theo dõi, giám sát, đe dọa đâu? Và có lẽ từ nay đến lúc tôi mất, nếu không có gì thay đổi, vẫn cứ như thế…”.
Bài này ông đang viết dở dang, và hình như ông cũng không có ý định viết nốt, bởi mới được mươi dòng mà đã bị tháo ra khỏi máy. Tôi đọc và dẫu vẫn nghĩ rằng, với những người cầm bút, chữ nghĩa phải dẫn dắt con người vượt lên những oán khúc số phận thì mới nên viết, còn bằng không, chúng cũng chỉ như những tờ giấy kêu oan hay một cách quảng cáo cho một số phận oan nghiệt nào đó… Thế mà vẫn không sao hiểu nổi những người như ông, không biết họ tiêu hóa nỗi oán giận với những người gây ra nghịch cảnh cho mình vào đâu nhỉ. Tôi chưa đọc thấy một trang viết nào của ông đào bới lại QUÁ KHỨ để chỉ trích, hay than vãn cho hoàn cảnh của mình ở HIỆN TẠI, mà chỉ thấy sự dấn thân tìm kiếm cho đất nước yêu dấu của ông một con đường thoát ra khỏi khủng hoảng toàn diện trong TƯƠNG LAI. Cung cách vì dân tộc ấy không phải riêng ông, mà của nhiều đấng học giả đầy tôn kính thế hệ ông như những nền tảng gắn kết, vững chắc đã giữ lại cho đất nước này có sự “cân bằng” trong tiến trình phát triển. Trong ghi chép của ông, thấy viết:
“02/3/2005. Trời lại trở rét. Trưa qua nói chuyện với chị P. Thảo về những kiến nghị của a. NKV (Nguyễn Khắc Viện - người viết chú thêm). Nhớ lại một thời hăng say không bao giờ trở lại. Lúc đó, trong vô vàn nguy hiểm, giữa những đe doạ và đàn áp, sống vẫn rất vui. Nhưng ngày nay không thể bám mãi vào cách tiếp cận cũ ấy. Phải có cách tiếp cận mới, không phải cách tiếp cận “Cách mạng”, mà là cách tiếp cận “Xã hội công dân”. Tuyệt đối không đặt ra cho mình những vấn đề chưa thể có lời giải”.
“24/3/2005. Trời chuyển rét, nhưng buổi sáng vẫn rất dễ chịu… Tối qua Vấn gọi tél. (Bác sỹ Phan Thế Vấn, người cũng bị bắt trong vụ án “Xét lại” - người viết chú thêm). Tán chuyện rất vui. Anh em trong đó có vẻ lạc quan trước những “biến đổi” có thể sắp xẩy ra. Riêng mình thì không lạc quan lắm. Tình hình chỉ có thể phát triển từng bước, rất chậm. Cần suy nghĩ về những gì có thể và nên góp ý kiến trước ĐH X”.
* * *
5. Nhớ lại, tháng 2/2007, các ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán được “giải oan” qua hình thức được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Tôi nói với ông: có lẽ bây giờ ba ra sách của mình được rồi đấy. Trong “Suy nghĩ 90”, có thể lấy các bài về tôn giáo, văn hoá,… làm sách. Ông im, nhưng đến lần sau nhắc lại thì đã có cái nhìn lạc quan hơn, vui vẻ chia sẻ với tôi những bài này, bài này… như thể hai bố con ngày mai có thể đem in luôn, như ra tiệm foto-copy vậy. Tôi kiếm gặp người quen của ông, trình bày ý tưởng rồi đặt vấn đề nhờ anh giúp đỡ, lưu ý rõ là cho chúng tôi, chứ không phải cho ông. Và, cũng không quên dặn lại anh hỏi giúp cho số lượng in cùng “cái giá” luôn, để tính. Mấy bữa sau ông anh bảo có thể được, không cần ra nhiều, để “thăm dò” thôi, độ ngần ấy, ngần ấy. Tôi chia sẻ ý tưởng với mấy người trong gia đình, nhưng có lẽ không được đánh giá là thực tế. Cứ tưởng ông quên mà không nhắc đến chuyện này nữa, nhưng không phải. Một hôm ông hỏi, tôi đành phải nói sự việc cho ông hay. Ông bảo, thôi để Tuấn làm. Tôi nghe nhẹ cả người, nhưng lại có ý chạnh lòng. Sau này mới hiểu là ông chẳng bảo ai cả, người muốn giải thoát cho tôi trong chuyện này thôi.
Trong ghi chép của ông, thấy viết: “03/3/2007. Vẫn không khí yên lành ấy. Yên lành phải chăng gắn với buồn tẻ? … ĐLT và Vũ Phán đến chơi. Những câu chuyện rất tâm tình. Chưa thể nói với Thuý những nhận xét về “Tam diện tuỳ bút”, đơn giản vì chưa đọc hết… Chiều, Hoàng Hưng và Phạm Toàn đến chơi. Rất vui, tiếc không đủ sức khoẻ. PT gợi ý cho xuất bản “Suy nghĩ 90” (ảo tưởng?)”.
Nay đọc lại những ghi chép này, thì thấy, không phải chỉ riêng mình tôi nghĩ đến khả năng ra được đầu sách cho ông vào thời điểm đó. Ngẫm nghĩ lại về thời gian, có thể tôi đã nói về việc này sau ông Phạm Toàn. Như vậy, dù đã có chính kiến cho rằng chuyện này là “ảo tưởng”, nhưng khi thêm tôi gợi ý, thì ông đã bị “lung lay”. Cũng đúng thôi, là người viết ai chẳng ước mong sách của mình được “sinh” ra đường đường chính chính trên mảnh đất quê hương mình. Nhưng nếu không thể, thì cũng không có nghĩa nó không đến được với bạn đọc, nhất là, vì cái tự do, cái quyền được cất lên tiếng nói công khai về những vấn đề của đất nước mà nó chuyển tải. Giá trị cốt lõi mở đường đến tự do của chữ nghĩa không có thế lực nào trên nhân gian này có thể ngăn cản được, dù rằng, trên con đường ấy, không phải là không có những day dứt lựa chọn vì sự bình yên của gia đình, vì miếng cơm manh áo phũ phàng của một kiếp người trước quyền bính, mà với ông, thực tế đã phải trải qua. Sự thật đã là như thế. Trong ghi chép của ông, thấy viết:
“28/12/2004. Về bản thảo “Trải và Nghiệm”, cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Đứng về lợi ích riêng, không có lý do gì để sốt ruột cả. Dù sao thì nó cũng đã thuộc về thời đã qua rồi. Hơn nữa, mình không muốn làm liên luỵ bất cứ ai… Có tới hàng trăm lý do để không làm gì lúc này, để yên thân, nhưng không đủ để yên tâm”.
Bây giờ, khi tôi viết những dòng này như một lần nhớ về ông, một người nhẫn nại mộng mơ, thì sách của ông đã được con trai ông cho xuất bản tại Hà Nội mang tên ông ẩn chứa dưới bút danh: “Huyền Giang” (Bàn về Văn hoá, Nxb Hội nhà Văn, 2007).
* * *
6. Tôi không biết kết thúc bài viết này ở đâu, cũng không biết đã nói được gì về ông trong bao nhiêu câu hỏi ấp ủ khi định viết: cái gì ông trân trọng trong cuộc sống; cách sống của ông thế nào. Và, khi đã về già, đã có một lần nào ông nghĩ về mình… Có lẽ tôi không có khả năng diễn đạt những điều to tát ấy ở ông, nên lại đưa vào đây hai đoạn trích ông viết về ông như một lời kết được lấy từ “Lời bạt” của “Suy nghĩ 90”, viết ngày 09/11/2002 và trong ghi chép của ông, như sau:
“…Từ giữa những năm 80, tôi lại đọc và suy nghĩ nhiều về tâm lý con người. Cũng chưa đủ. Tôi băn khoăn về một gợi ý có ý nghĩa căn bản của Prolov, một nhà triết học nước Nga, đại ý: Trong con người, cái gì chúng ta cũng biết rất chi ly, chỉ trừ một điều là chúng ta chưa biết: Cái gì làm cho con người trở thành con người. Lúc ngẫm nghĩ về điều đó cũng là lúc tôi được mời cộng tác với Trung tâm N-T (Nghiên cứu tâm lý trẻ em và tôi được giao cho phần nhân học văn hoá (anthropologie culturelle) của trung tâm (N-T do bác sỹ Nguyễn Khắc Viện sáng lập năm 1989 - người viết chú thêm). Tôi đã đọc, đã dịch, đã viết về đề tài này không ít, cuối cùng tôi “ngộ” ra một điều: chính cái tâm linh đã làm cho con người trở thành con người. Có lẽ một phần là do chịu ảnh hưởng của G.Jung [Carl Gustav Jung (1875-1961), nhà tâm lý học Thuỵ Sỹ với trường phái “Tâm lý học phân tích” - người viết chú thêm], nhưng có lẽ một phần nữa (nhiều hơn hay ít hơn, tôi không biết) do sự suy ngẫm từ lâu về “thân phận” con người qua những mâu thuẫn bản thể của nó. Điều tôi “ngộ” ra ấy chắc không có gì mới, thậm chí cũ, rất cũ nữa. Nhưng đó là điều “mới” về nhận thức của tôi, nó làm cho tôi sống thanh thản hơn. Tôi tìm được một cách sống kết hợp cái hiện hữu và cái hư vô (nếu có điều kiện, tôi sẽ viết sự thể nghiệm của bản thân về sự kết hợp đó). Tôi tin rằng, ít ra đối với tôi, đó là sự sống đích thực của con người”.
Trong ghi chép của ông, thấy viết:
“22/01/2007. Ngày sinh lần thứ 76 của mình. Đã đi qua bốn phần năm cuộc đời và đó là những năm tháng gồng mình lên chịu đựng những nỗi oan nghiệt cuối đời. may mà biết thất bại (tri bại) mới còn tồn tại như hôm nay… Không nghĩ gì nhiều về cuộc đời mình, nó cũng giản đơn thôi: xứng đáng như một con người với những khát vọng người, những tình cảm người, những nghĩa vụ người, những cái thiêng liêng nhất của con người… Trong tất cả các khúc rẽ của cuộc đời, chưa bao giờ tự hỏi: được hay mất, mất hay còn, mà bao giờ cũng tự hỏi sống thế nào cho đúng, kể cả lúc mình sai”.
* * *
Cuộc đời mang nhiều nỗi hàm oan, lại dằn vặt day dứt khôn nguôi về đất nước, về những con đường mình đã lựa chọn, có phải vì vậy mà trước khi từ giã cõi đời, ông đã dành cho mình một quãng thời gian, chỉ để, tự mình viết về cuộc đời mình. Bởi thế, nay muốn viết gì về ông, rất khó, bởi bức chân dung tự họa “Trải và Nghiệm” của ông quá đủ rồi. Nhưng dẫu vậy, dù có cho là toàn bích, “Trải và Nghiệm” cũng chỉ là bức chân dung tự họa, một sự soi mình, còn với những đứa con của ông, chúng có một góc tham chiếu khác khi nhớ về ông. Vì vậy, cứ cho đây là một phác thảo khác về ông, được vẽ theo trí nhớ của một trong những đứa con ông với một chút liều lĩnh của một kẻ không nghề, nhất là vào lúc khi ông không còn cho nó có cơ hội hỏi han những điều nó chưa chắc lắm, khi viết. Vậy nên, nếu còn điều gì người đọc chưa vừa ý, hay còn muốn trao đổi lại, xin cứ giữ lại cho riêng mình, người viết không có điều kiện tiếp kiến.
Ngày giỗ ông năm Mậu Tuất (2018).
Ngô Quý Bình.
Ảnh: Ông Kiến Giang đến thăm ông Minh Tranh, thủ trưởng cũ của Nhà xuất bản Sự thật, tháng 2/2002 (Nhâm Ngọ), người cùng bị bắt trong vụ án “Xét lại” vào năm 1967 (Dịp khác sẽ nói lại với các bạn về bức ảnh này).
https://www.facebook.com/tnguyenquoc3/posts/2382667351805858
1. Tháng 12 năm 2018, một người con rể viết về ông
Trả lờiXóa"
Nguyễn Quốc Tuấn
1 giờ ·
Đây là bài viết công phu của một trong những con rể cụ Kiến Giang dâng lên nhạc phụ.
Tôi đã đọc bài này, vì vậy xin nói thêm chỉ có rất ít chi tiết cần chỉnh 🙂
Xin trân trọng ông rể nhà chúng tôi. Bài viết được đăng vào dịp tưởng niệm 5 năm ngày cụ Kiến Giang qua đời (2.12.2013, tức ngày 30.10 năm Quý Tỵ)
Bình Ngô Quý
ÔNG KIẾN GIANG
1. Vũng Tàu, hè năm 82 của thế kỷ trước, tôi dừng lại khá lâu ở một lý lịch đoàn viên của mấy anh chị em mới vào cơ quan, mà không biết rằng, cái sự tò mò muốn biết cho rõ về người cha của cô gái này lại là cái sự muốn biết suốt cả cuộc đời mình sau này. Người ấy là ông ngoại của con tôi, người đồng ý nhận tôi làm rể sau một cuộc “sát hạch” vòng quanh công viên Thống Nhất ngay lần đầu tôi về ra mắt bên nhà vợ tương lai. Bữa ấy, ông nói tôi nghe, nhưng có nghe được gì hay không lại là một cái chuyện khác, bởi lẽ, tôi đang nghĩ cách để biết về con người và số phận của ông đã trải qua, chứ không phải như những điều ông nói, những hệ quả của cái việc muốn lấy con gái ông. Tôi không biết mấy ông cọc chèo của tôi nghĩ gì khi quyết làm rể nhà ấy, nhưng với tôi, đến nay, tôi cũng không dám chắc một trăm phần trăm là say mê con gái ông mà lấy làm vợ. Nghĩa là, trong cái sự lựa chọn này, ông bố vợ tương lai cũng có trách nhiệm ở đấy, một phần trách nhiệm bởi cái sự hấp dẫn từ số phận của ông, nhất là ở con người “rất người” của ông, như sau này tôi được biết. Và cũng vì lẽ đó, ở đây xin phép không nói đến hành trình tư tưởng hay sự nghiệp của ông, mà chỉ là những câu chuyện đời thường của cha con chúng tôi mà nay tôi còn nhớ được, hay từ trong ghi chép của cả hai cha con chúng tôi.